|
Bàn
Về
Bốn Bộ A-Hàm
Lương Khải Siêu
Gs. Định Huệ dịch
---o0o---
I- A Hàm Và Ngũ Bách Kiết
Tập
A-hàm còn gọi là A-cấp-ma, A-hàm-mộ. Hán dịch : Pháp
quy, nghĩa là nơi quy thú của muôn pháp (Bài tựa KINH TRƯỜNG
A-HÀM), còn dịch là "Vô tỷ pháp", nghĩa là pháp tối thượng (PHIÊN
DỊCH DANH NGHĨA TẬP 4), cũng dịch là "giáo", là "truyền", nghĩa là
giáo pháp được lần lượt truyền trao nhau (NHẤT THIẾT KINH ÂM NGHĨA
24). A-hàm vốn là tên chung của kinh Phật (Pháp Hoa Luận Sớ của
ngài Cát Tạng nói A-hàm là tên gọi chung cả kinh điển Đại thừa,
Tiểu thừa. Bốn bộ A-hàm là Tiểu thừa, Kinh Niết-bàn là "Phương
Đẳng A-hàm", đó là Đại thừa). Nay chỉ bàn về A-hàm Tiểu thừa.
Nghiên cứu về lịch sử thành lập kinh điển Phật giáo,
tôi xin đưa ra bốn quan niệm để làm tiền đề
01- Kinh Phật đều không phải có từ hồi Phật còn tại
thế, bất luận kinh điển thuộc thừa nào, bộ nào, cũng đều do đệ tử
Phật thuật lại sau khi Phật diệt độ. Kinh Phật xuất hiện sớm nhất
là sau Phật diệt độ vài tháng, và muộn nhất là từ Phật diệt độ 500
năm về sau.
02- Về việc thuật lại kinh Phật có hai hướng : Một là
do đoàn thể công khai kiết tập, hai là do cá nhân trước thuật.
Hướng thứ nhất thì có lịch sử để khảo chứng, còn hướng thứ hai thì
không làm sao khảo chứng được.
03- Kinh Phật sử dụng cả hai hình thức đơn hành bản và
tùng thư, mười mấy bộ kinh lớn hiện còn lưu hành đều là tùng thư.
Nhưng theo tính chất thì loại tùng thư này lại chia làm hai: Có
loại biên soạn cùng một lúc hoàn thành, có loại phải trải qua
nhiều năm bổ sung mãi mới hoàn thành.
04- Đầu tiên kinh Phật không có bản chữ viết mà chỉ
dựa vào đọc thuộc lòng, bản chữ viết sau Phật diệt độ mấy trăm năm
mới có, Phật giáo truyền đến đâu thì tùy theo tiếng nước đó mà
biên chép. Do đó có thể nói kinh Phật đều là văn học phiên dịch.
Bốn bộ A-hàm là bốn loại tùng thư do đoàn thể công
khai kiết tập cùng một lúc hoàn thành vào tháng thứ tư sau Phật
diệt độ. Bốn bộ A-hàm này trải qua nhiều năm sau mới dùng mấy loại
văn tự biên chép. Lần kiết tập đầu tiên này nổi tiếng nhất trong
lịch sử, được gọi là "Ngũ bách kiết tập". Tình tiết của sự kiện
này được thấy đầy đủ trong TỨ PHẦN LUẬT 54, DI-SA-TẮC NGŨ PHẦN
LUẬT 30, MA-HA TĂNG-KỲ LUẬT 32, THIỆN KIẾN LUẬT 1, v.v...
Sáng sớm ngày Rằm tháng 2, Phật nhập diệt tại
Câu-thi-na, lúc ấy đại đệ tử Đại Ca-diếp còn ở tại nước Diệp-ba,
nghe tin liền trở về. Sau khi trà-tỳ Phật xong, tự thầm nghĩ rằng
cần phải kiết tập pháp tạng để cho chánh pháp trụ ở đời làm lợi
ích chúng sanh, Ngài mời vua A-xà-thế làm đàn việt, bắt đầu kiết
tập vào ngày 27 tháng 6 tại hang Tất-ba-la (cũng gọi là Thất Diệp)
ngoại ô thành Vương Xá, với sự tham dự của 500 người. Ngài Ca-diếp
làm Thượng thủ, trước tiên mời ngài Ưu-ba-ly kiết tập Tỳ-ni (cũng
gọi là Tỳ-nại-da), Hán dịch : Luật tạng, sau này biên tập thành
Luật Bát Thập Tụng. Kế đó, mời ngài A-nan kiết tập Tu-đa-la (cũng
gọi là Tố-đát-lãm), Hán dịch : Kinh tạng, cũng gọi là Pháp tạng,
sau này biên tập thành các bộ A-hàm.
A-nan, đệ tử Phật, làm thị giả Phật 25 năm, Phật khen
Ngài là người đa văn đệ nhất, do vì trí nhớ của Ngài rất tốt, cho
nên đại chúng suy cử Ngài phải đảm nhiệm chức vụ lớn lao là kiết
tập Kinh tạng. A-nan thăng tòa, ngài Ca-diếp hỏi : "Kinh Phạm Võng
trong pháp tạng được nói ở đâu ?" (Kinh Phạm Võng này không phải
là Kinh Phạm Võng giới Bồ-tát của Đại thừa, mà là Kinh Phạm Động
trong Trường A-hàm). A-nan đáp : "Phật nói ở tại nhà
Vương-am-la-hy giữa thành Vương Xá và Na-lan-đà". Hỏi : "Do ai
phát khởi ?" Đáp : "Do Tu-bi-dạ-ba-lợi-bà-xà-ca và Bà-la-môn Đà-đa
phát khởi". Sau khi hỏi đáp nhân duyên bản khởi như thế xong,
A-nan mới tụng lời Phật nói, bắt đầu bằng câu "Tôi nghe như vầy",
tụng xong, 500 vị La-hán ấn khả, rồi tuần tự tụng đến kinh khác,
tụng hết các kinh, về sau chép thành định bản, tức là Kinh A-hàm.
Vì sao lại chia A-hàm thành bốn bộ ? Phẩm TỰ của KINH
TĂNG NHẤT ghi : "Lúc ấy, A-nan nói kinh nhiều vô lượng, ai có đủ
khả năng làm thành một nhóm, hoặc có một số pháp nghĩa sâu xa, khó
trì khó tụng không thể nhớ. Ta nay phải tập hợp pháp nghĩa này để
cho các pháp không bị thất lạc". Theo đây thì dường như ngài A-nan
e rằng các kinh đã được tụng ra tản mạn khó nhớ, nên muốn tập hợp
thành "một nhóm" bằng cách dùng hình thức tùng thư để tổng trì nó.
Phẩm TỰ còn ghi : "Khế kinh nay sẽ chia làm bốn đoạn, trước tiên
là Tăng Nhất, hai là Trung, ba là Trường Đa Anh Lạc, bốn là Tạp
Kinh". Đó là nói về thứ tự của bốn bộ. LUẬN PHÂN BIỆT CÔNG ĐỨC
giải thích : "Do vì văn nghĩa lộn xộn nên phải lấy sự lý theo
nhau, theo thứ tự lớn nhỏ, lấy một làm đầu tiên, theo thứ tự đến
mười; một, hai, ba theo sự tăng lên, cho nên gọi là Tăng Nhất.
Trung là không lớn không nhỏ, không dài không ngắn, thích hợp với
bậc trung. Trường là nói về sự việc từ xa xưa trải qua nhiều kiếp.
Tạp là các kinh đoạn kiết khó tụng khó nhớ, việc nhiều tạp toái,
dễ làm cho người ta quên". DI-SA-TẮC NGŨ PHẦN LUẬT ghi: "Ngài
Ca-diếp hỏi tất cả Tu-đa-la xong, trong chúng nói rằng: Đây là
kinh dài, nay tập thành một bộ, gọi là Trường A-hàm. Đây là kinh
không dài không ngắn, nay tập thành một bộ, gọi là Trung A-hàm.
Đây là kinh nói cho các Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Thiên tử, Thiên nữ
nghe, nay tập thành một bộ, gọi là Tạp A-hàm. Đây là từ một pháp
đến mười một pháp, nay tập thành một bộ gọi là Tăng Nhất A-hàm".
Căn cứ theo đây, bốn bộ A-hàm được phân loại theo văn kinh dài
ngắn. PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA 10 ghi : "Tăng Nhất nói về nhân quả
trời người, Trung A-hàm nói về nghĩa sâu xa của chân tịch, Tạp
A-hàm nói về các Thiền định, Trường A-hàm phá ngoại đạo". Thuyết
này không tránh khỏi bịa đặt. Bốn bộ A-hàm tuy được nói là đem các
kinh sắp xếp tổ chức lại, nhưng cách phân loại của lý luận loại
này dường như chẳng phải của thời ấy, ngày nay xem kỹ lại các kinh
được dịch thì cũng không thể nói bộ kinh nào chuyên nói về một
nghĩa nào.
Tại sao lại lấy số bốn ? Hoặc có người cho rằng đó là
phỏng theo Tứ Phệ-đà, điều này cũng có thể đúng. Nhưng theo Thiện
Kiến Luật thì còn có Khuất-đà-ca A-hàm, chứ không phải chỉ có bốn
! A-hàm chữ Pàli của Tích Lan truyền bá có năm bộ, bộ thứ năm là
Khuất-đà-ca. Nhưng nếu đem văn bốn bộ A-hàm trích yếu phân loại
biên tập, e rằng chẳng phải là nguyên bản. Tôi ngờ rằng
Khuất-đà-ca này có quan hệ với kinh điển Đại thừa, tôi sẽ bàn ở
thiên sau.
II- Sự Truyền Bá A Hàm
Tại Ấn Độ
PHÓ PHÁP TẠNG NHÂN DUYÊN TRUYỆN 2 có ghi một việc
đáng buồn cười như sau:
A-nan du hành đến một rừng tre, nghe một Tỳ-kheo tụng
kệ Pháp cú : "Nếu người sống trăm năm, không thấy con vịt trời,
chẳng bằng sống một ngày, mà được trông thấy nó". A-nan nói với
thầy Tỳ-kheo ấy rằng đó không phải lời Phật dạy, nay ông hãy nghe
ta đọc : "Nếu người sống trăm năm, không hiểu pháp sanh diệt chẳng
bằng sống một ngày, mà thấu rõ pháp ấy". Lúc ấy, thầy Tỳ-kheo này
thuật lại lời ngài A-nan cho thầy ông ta nghe. Vị thầy ấy bảo:
"A-nan già cả lẩm cẩm, lời nói nhiều lầm lẫn, không nên tin, ông
cứ đọc tụng y như trước".
Kinh Phật thời ấy chỉ dựa vào học thuộc lòng chứ chưa
được ghi chép, do đó ý nghĩa bị thay đổi, đến nỗi ngài A-nan còn
tại thế mà đã có sự sai lầm đến thế rồi, dù được bậc học rộng đức
cao như ngài A-nan chỉ dạy mà còn không thể sửa lại cho đúng được;
vì thế Mạnh Tử mới than : "Tin hoàn toàn vào sách vở, chi bằng
không đọc sách !" Chẳng những chuyển biến mà còn dễ sót mất, LUẬN
PHÂN BIỆT CÔNG ĐỨC quyển thượng, ghi :
- "Tăng Nhất A-hàm vốn có 100 sự, A-nan đem truyền cho
Ưu-đa-la, 12 năm sau, A-nan nhập Niết Bàn. Các thầy Tỳ-kheo sau
này thích tập tọa thiền, bỏ phế phúng tụng, do đó kinh này mất 90
sự, các pháp sư ngoại quốc truyền trao cho nhau bằng miệng, không
nghe nói đến văn tự biên chép, lúc ấy chỉ truyền hết 11 sự mà
thôi. Từ đó thừa kế nhau chính là văn bản này. Đệ tử của Ưu-đa-la
là Thiện Giác, học thuộc từ thầy chỉ được 11 sự, Ưu-đa-la bèn nhập
Niết-bàn. Ba tạng kinh hiện tại đều do ngài Thiện Giác truyền".
Một Kinh Tăng Nhất như thế, các kinh khác cũng vậy. Bộ
A-hàm hiện nay không thể nói là nguyên bản thời ngài A-nan. Nhưng
các bộ phái Phật giáo Ấn Độ đã nhiều nên bản kinh này cũng không
thể nào y hệt nhau. LUẬN THUẬN CHÁNH LÝ (Chúng Hiền soạn, Huyền
Trang dịch) ghi : "Tuy có các kinh, các bộ phái đồng tụng, nhưng
danh cú của chúng có sai khác nhau" (quyển 1). Điều này cũng như
kinh điển lúc mới truyền vào Trung Quốc phần nhiều do đọc thuộc
lòng nên các nhà biên tập văn cú có khi trái ngược nhau, như lấy
Tăng Nhất làm thí dụ. LUẬN CÔNG ĐỨC nói : "Các nhà Tát-bà-đa (tức
Nhất Thiết Hữu Bộ) không có bài tựa và mười việc sau". Vậy kinh do
Tát-bà-đa Bộ truyền chắc chắn là khác với bản Thiện Giác, mà bản
dịch Trung Quốc hiện nay có 52 phẩm thì đã chẳng phải bản 100
thiên của nguyên bản thời A-nan, cũng chẳng phải là bản 11 thiên
của Thiện Giác, lại chẳng phải là bản 90 thiên của Tát-bà-đa Bộ
(hoặc là bản này chưa dịch hết, cũng chưa nói chắc được), thế nên
biết Tăng Nhất ở Ấn Độ có ít nhất là bốn dị bản. Tôi sở dĩ bàn tới
bàn lui về điều này, không phải vì thích khảo chứng vụn vặt. Bởi
vì sự giải thích giáo lý của các bộ phái thời ấy có các thứ sai
biệt, tuy đồng thuộc về một kinh, mà bản của bộ phái nào truyền
thì mang tính chất đặc sắc riêng của bộ phái ấy, chẳng chỉ như
"thủy lạo hạc" v.v...có sự dị đồng của văn tự mà thôi. Thử đem so
sánh bốn bộ A-hàm Hán dịch và bản Pàli của Tích Lan thì sẽ phát
hiện rất nhiều giáo nghĩa khác nhau. Sau này, nếu có thể đem các
bản kinh A-hàm dị bản hiện có trên khắp thế giới so sánh đối
chiếu, làm một sự nghiên cứu tổng hợp, tìm ra bộ phái nào truyền
để khảo cứu về đặc điểm tư tưởng của mỗi bộ phái, đây là một việc
làm trọng đại của giới Phật học.
Bốn bộ A-hàm Trung Quốc không được phiên dịch đồng
thời, nguyên bản cũng không phải cùng một xuất xứ, nên nguồn gốc
truyền vào cũng phải bất đồng. Ngài Từ Ân cho rằng bốn bộ A-hàm
đều do Đại Chúng Bộ truyền. Ngài Pháp Tràng cho rằng Tăng Nhất do
Đại Chúng Bộ; Trung A-hàm, Tạp A-hàm do Nhất Thiết Hữu Bộ; Trường
A-hàm do Hóa Địa Bộ truyền.
III- Nguồn Gốc Truyền
Dịch A Hàm
Về dịch kinh, ở Trung Quốc, đầu tiên dịch loại Pháp
Cú, tức là loại sách trích yếu lời dạy trong các kinh. Kế đến là
dịch các tiểu phẩm A-hàm, bởi A-hàm là thể tài tùng thư, các phẩm
vốn là các thiên độc lập, nên sự chia cắt các thiên không gây sự
tổn thất nào cả. (Người dịch xin lược bỏ bảng dị dịch các kinh
thuộc A-hàm).
A-hàm mang tính chất tùng thư, là do hợp một số lớn
các kinh nhỏ đơn hành bản mà thành, ở Ấn Độ cũng tụng tập riêng
biệt với nhau. Khoảng hơn 100 năm của thời kỳ đầu, các nhà phiên
dịch như An Thế Cao, Chi Khiêm, Pháp Hộ, Pháp Cự đều phiên dịch từ
các bản đơn hành này, các ngài có biết nó đồng xuất xứ từ một tùng
thư hay không, tôi chưa dám nói. Tổng số kinh trong bốn bộ A-hàm
là bao nhiêu cũng không thể khảo chứng đích xác được. Theo bản Hán
dịch ngày nay, Trường A-hàm gồm 30 kinh, Trung A-hàm 222 kinh,
Tăng Nhất A-hàm 72 kinh, Tạp A-hàm ngắn và nhiều không thể nêu số
lượng chính xác, chỉ ước chừng 1200 - 1300 trở lên (quyển 1 gồm 28
kinh, trọn bộ 50 quyển), tính chung hơn 2000 loại, nhưng vẫn chưa
hoàn toàn đầy đủ (Tăng Nhất, thể lệ mỗi phẩm đều lũy tiến từ 1 đến
10, một phẩm có 10 kinh. Bản hiện nay 51 phẩm mà chỉ có 472 kinh,
chắc là có thiếu sót. Nhưng theo LUẬN PHÂN BIỆT CÔNG ĐỨC thì bộ
này phải có đến 100 phẩm hợp thành 1000 kinh, bản được truyền đến
Trung Quốc chưa được phân nửa). Nay kiểm lại trong các kinh lục,
cộng chung các kinh Tiểu thừa hiện còn chừng 1000 loại, trong số
đó trừ ra chừng mười mấy loại, thì hầu hết đều là di văn của
A-hàm.
Các bản dịch đơn lẻ trước đó không làm thỏa mãn yêu cầu của người
đọc, cho nên đến đầu đời Đông Tấn bắt đầu có những bản dịch đầy đủ
trọn bộ. Đầu tiên là Tăng Nhất A-hàm, Trung A-hàm, kế đến Trường
A-hàm và cuối cùng là Tạp A-hàm được dịch suốt thời gian 60 năm
mới hoàn thành.
01- Tăng Nhất A-hàm được Đàm-ma-nan-đề dịch vào năm
384 với sự trợ dịch của Trúc Phật Niệm và Đàm Tung.
02- Trung A-hàm được Tăng-già-đề-bà và Tăng-già-la-xoa
dịch vào năm 398 với sự trợ dịch của Đạo Từ.
03- Trường A-hàm được Phật-đà-da-xá dịch vào năm 413
với sự trợ dịch của Trúc Phật Niệm và Đạo Hàm.
04- Tạp A-hàm được Cầu-na-bạt-đà-la dịch vào năm 443
với sự trợ dịch của Pháp Dũng.
Người mở đầu cho việc phiên dịch A-hàm ở giai đoạn này
là ngài Đạo An, Ngài dịch Tăng Nhất A-hàm và Trung A-hàm, chính là
năm Phù Kiên mất nước, trong bài Tựa kinh Tăng Nhất, ngài Đạo An
viết : "Năm ấy kinh thành lâm nạn đao binh, chiêng trống vang dậy
áp cận kinh thành". Bởi trong lúc vây thành, vội vã dịch cho xong,
năm sau ngài Đạo An tịch, nên ngài Đạo Từ viết trong bài Tựa kinh
Trung A-hàm : "Người dịch vụng về đánh mất ý nghĩa, bậc thầy xuất
chúng đã qua đời (chỉ ngài Đạo An), nên không thể nào sửa lại cho
đúng", cho nên biết hai bộ Kinh A-hàm dịch vào đời Tần này chưa
hoàn hảo. Bộ Tăng Nhất chưa được cải chính này, hiện đang nằm
trong Tạng, chính là bản năm 384 (Đây là căn cứ theo kinh lục cũ
mà nói như thế, kỳ thật tôi còn có điểm nghi ngờ. Bài tựa của ngài
Đạo An nói 41 quyển, mà bản hiện nay có đến 50 quyển. Bài tựa của
ngài Đạo An có câu "Thiếu phần lục kệ", dường như là chỉ cho phẩm
TỰ, mà bản hiện nay lại có phẩm TỰ, có lẽ được thêm vào sau này.
Bài tựa của ngài Đạo An lại nói : "Cộng chung 472 kinh", nếu bản
kinh ngày nay số không phải bao nhiêu đó, thì có thể chứng tỏ có
sự thêm vào, rất tiếc là tôi không có thì giờ để kiểm đếm). Trường
A-hàm bắt đầu từ nỗ lực của Pháp Hòa và Đề-bà, lại được La-xoa từ
Kế Tân mới đến trợ dịch thành ra bản dịch thứ hai, nhưng bản dịch
đầu tiên ngày nay không còn được thấy. Tạp A-hàm trước đó đã có
bản dịch đời Tần, không biết là thời ngài Đạo An hay thời ngài
La-thập ? Còn về Trường A-hàm thì lai lịch phiên dịch đơn giản như
đã trình bày ở trên.
Khi nghiên cứu về nguồn gốc truyền dịch bốn bộ A-hàm,
bỗng tôi có hứng thú muốn tìm đến các nhà phiên dịch để khám phá
ra bộ A-hàm nào do bộ phái nào truyền. Phật giáo Tiểu thừa ở Ấn Độ
có đến 20 bộ phái đều theo giáo nghĩa A-hàm, nhưng các bản tụng
tập của các bộ phái đều có dị đồng như trước đã nói. LUẬN PHÂN
BIỆT CÔNG ĐỨC nói bốn bộ A-hàm Hán dịch đều được truyền từ Đại
Chúng Bộ, hoặc nói Tăng Nhất A-hàm từ Đại Chúng Bộ, Trung A-hàm,
Tạp A-hàm từ Nhất Thiết Hữu Bộ, Trường A-hàm từ Hóa Địa Bộ, không
biết thuyết này xuất xứ từ đâu. Nay từ các nhà phiên dịch bốn bộ
A-hàm và các tài liệu khác, tôi đem so sánh đối chiếu, và có vài ý
kiến như sau :
1- Tăng Nhất A Hàm
Tôi nghi là dựa vào bản của Nhất Thiết Hữu Bộ rồi
được bổ sung bởi bản của Đại Chúng Bộ. Dịch giả Đàm-ma-nan-đề là
người Đâu-khư-lặc. Vùng Đâu-khư-lặc nằm trong địa bàn truyền giáo
của Nhất Thiết Hữu Bộ. Những năm gần đây, người châu Âu khai quật
ở Khố-xa (Kucha) được bản Ba-la-đề-mộc-xoa (giới luật) bằng chữ
Nguyệt Chi, chính là Thập Tụng Tỳ-kheo-ni Giới Bản của Tát-bà-đa
Bộ (tức Nhất Thiết Hữu Bộ) do ngài La-thập dịch.
Vua Ca-nị-sắc-ca tổ chức đại hội kiết tập Tỳ-bà-sa là
người dòng dõi Nguyệt Thị, có nhân duyên rất sâu với Hữu Bộ,
Đâu-khư-lặc thuộc Nguyệt Thị, dùng văn tự Nguyệt Thị thì cố nhiên
phải học Hữu Bộ. Theo LUẬN PHÂN BIỆT CÔNG ĐỨC, Tăng Nhất A-hàm của
các bộ phái khác chỉ còn 11 phẩm, chỉ có bản Hữu Bộ là còn 90
phẩm. Bản lưu hành hiện nay 51 phẩm, rõ ràng là được truyền từ Hữu
Bộ, sở dĩ không đủ 90 phẩm hoặc là do phiên dịch chưa hoàn tất,
bởi lúc dịch kinh này thì giặc đang vây thành, chẳng bao lâu thì
Phù Tần diệt vong. LUẬN CÔNG ĐỨC còn ghi : "Bản của Tát-bà-đa Bộ
không có bài tựa". Trong bài tựa của ngài Đạo An cũng nói : "Thiếu
phần lục kệ". "Bài tựa", "lục kệ" dường như chỉ cho phẩm TỰ. Vậy
thì một quyển phẩm TỰ của bản hiện nay có lẽ chẳng phải là của
nguyên dịch mà do người sau lấy từ bản của bộ phái khác thêm vào.
Bản được dùng để thêm vào này có thể là bản của Đại Chúng Bộ, cho
nên ngài Từ Ân nói : Tăng Nhất A-hàm được truyền từ Đại Chúng Bộ.
Phẩm TỰ có nhiều ngôn ngữ của nhà Đại thừa, hẳn là có liên quan
với Đại thừa.
2- Trung A Hàm
Tôi nghi là xuất phát từ Nhất Thiết Hũu Bộ. Bản dịch
Trung A-hàm và Tăng Nhất đầu tiên đều của Đàm-ma-nan-đề đã chứng
tỏ là được truyền từ Hữu Bộ. Bản đang lưu hành hiện nay là bản
dịch năm 398, do Tăng-già-la-xoa giảng bản Phạn, Tăng-già-đề-bà
chuyển dịch Phạn Hán, cả hai đều là người Kế Tân (tức
Ca-thấp-di-la), Kế Tân là căn cứ địa của Hữu Bộ, mọi người đều
biết. Đề-bà dịch Luận A-tỳ-đàm Bát Kiền-độ (Luận Phát Trí của
Ca-chiên-diên) là sách trọng yếu nhất của Hữu Bộ, La-xoa dịch tiếp
Luật Thập Tụng của ngài La-thập cũng là luật Hữu Bộ. Vậy ba người
dịch Trung A-hàm đều là các đại sư Hữu Bộ, ngài Pháp Tràng cho
rằng Trung A-hàm được truyền từ Hữu Bộ là có chứng cứ lịch sử.
3. Trường A Hàm
Tôi nghi là xuất phát từ Đàm Vô Đức Bộ. Dịch giả của
Trường A-hàm là Phật-đà-da-xá cũng là người Kế Tân, nhưng Luật Tứ
Phần của Đàm Vô Đức Bộ cũng do Ngài tụng ra, đủ biết Ngài là người
thuộc Đàm Vô Đức Bộ, cho nên Trường A-hàm của Ngài tụng ra ắt cũng
dùng bản Đàm Vô Đức Bộ.
4. Tạp A Hàm
Tôi nghi là xuất phát từ Di-sa-tắc Bộ.
Cầu-na-bạt-đà-la, dịch Tạp A-hàm, là người Trung Thiên Trúc, vốn
là nhà Đại thừa nổi tiếng, không có quan hệ lắm đối với các bộ
phái Tiểu thừa, nguyên bản Tạp A-hàm truyền vào Trung Quốc, thật
ra do ngài Pháp Hiển. Pháp Hiển được bộ kinh này ở nước Sư Tử (tức
Tích Lan), đồng thời cũng được bộ Luật Di-sa-tắc. Vậy thì, Tạp
A-hàm đương nhiên có quan hệ với Di-sa-tắc Bộ, bộ phái này vốn
hưng thạnh ở vùng Nam Thiên Trúc. Nước Sư Tử chắc hẳn có chịu ảnh
hưởng của bộ phái này, trước khi Cầu-na sang Trung Quốc, Ngài cũng
có cư trú tại nước này một thời gian.
Những khảo chứng nói trên dường như không có liên quan
gì đến nghĩa lý của kinh, nhưng học thuyết của các bộ phái Ấn Độ
cổ đại truyền đến nay rất ít (trừ Hữu Bộ). Nếu tìm được một chút
ít trong bốn bộ A-hàm cũng giúp phần nào cho việc nghiên cứu lịch
sử tư tưởng Ấn Độ.
IV- Sự Cần Thiết Và
Phương Pháp Nghiên Cứu A Hàm
Ở Trung Quốc, từ Tùy, Đường (thế kỷ VI) về sau, người
học Phật cho rằng bàn về Tiểu thừa là điều xấu hổ, do đó Kinh
A-hàm đã bị xếp xó hơn một nghìn năm. Còn tôi quan niệm rằng thật
sự muốn nghiên cứu Phật học thì phải nghiên cứu A-hàm, vì những lý
do sau đây :
A-hàm là kinh điển được thành lập trước nhất, dùng
hình thức kiết tập công khai, rất đáng tin cậy, vì thế, tuy không
dám cho rằng Phật nói hết trong A-hàm, nhưng A-hàm chiếm một phần
quan trọng của lời Phật nói, điều này không còn gì nghi nữa.
1- Phần lớn kinh Phật đều là tác phẩm văn học, A-hàm
tuy không tránh khỏi, nhưng so với các kinh khác thì A-hàm mang ít
tính văn học hơn, mà mang tính thật thà chất phác. Vì thế, dù
không dám cho rằng mỗi câu mỗi chữ của A-hàm đều là lời Phật nói,
nhưng nó hàm chứa nhiều và thuần túy lời Phật mà kinh khác không
bì kịp.
2- A-hàm mang thể tài của một loại ngôn hành lục, tính
chất đại khái đồng với Luận Ngữ, muốn thể nghiệm nhân cách hiện
thực của Đức Thích Tôn mà không nghiên cứu kinh này thì không
được.
3- Các nguyên lý căn bản của Phật giáo như Tứ đế, Thập
nhị nhân duyên, Ngũ uẩn giai không, Nghiệp cảm luân hồi, Tứ niệm
xứ, Bát chánh đạo... đều được nói rõ trong A-hàm. Nếu đối với các
giáo lý căn bản này mà không hiểu chính xác thì không thể nào hiểu
được kinh điển Đại thừa.
4- A-hàm chẳng những không xung đột với kinh điển Đại
thừa, mà giáo nghĩa Đại thừa được cưu mang trong đó không ít,
không cho phép ta chê bai là thiên, tiểu, rồi bỏ qua.
5- A-hàm trình bày rất nhiều về tình hình xã hội đương
thời, đọc A-hàm có thể biết được hoàn cảnh sinh hoạt của Đức Thích
Tôn và Ngài đã khổ tâm ứng cơ giáo hóa như thế nào. Chúng ta là
người khác nước khác thời với Phật, làm thế nào để thọ dụng được
Phật học, có thể nhờ đây mà tự xét biết.
Điều cần thiết của sự nghiên cứu A-hàm đã hữu ích như thế. Nhưng
nguyên nhân khiến cho sự nghiên cứu A-hàm không được phổ cập là
do:
1- Pho quyển quá nhiều
2- Thiên chương trùng phức: Các kinh trong bốn bộ
A-hàm trùng phức với nhau, có trường hợp cùng trong một bộ mà có
các kinh trước sau trùng phức, cùng một đoạn kinh mà bình quân
trong bốn bộ A-hàm thấy xuất hiện ba bốn lần, câu văn chỉ khác
nhau chút ít.
3- Từ ngữ lặp lại liên miên: Chúng ta đọc A-hàm có
thể thấy được sự rườm rà của ngôn ngữ người Ấn Độ đương thời. Mỗi
khi nói một nghĩa thường từ chánh diện phản diện dùng cùng một câu
lặp đi lặp lại giải thích. Lúc vấn đáp, thường lặp lại lời nói
trước, cho nên thường thường cả một đoạn văn dài ba bốn nghìn chữ
chỉ trình bày được một vài điểm mà đáng lẽ chỉ dùng từ ngữ trong
mười mấy câu là đủ, người đọc hơi vội vàng thì không thể nào biết
được đâu là chánh văn, đâu là lời phụ thích, cho nên rất dễ sanh
chán.
4- Văn dịch vụng về: Tăng Nhất A-hàm và Trung A-hàm
được dịch xong trong hoàn cảnh chiến tranh, Trung A-hàm tuy có sửa
lại, còn Tăng Nhất thì giữ y nguyên, về văn nghĩa, chính người
dịch cũng tự cảm thấy chưa vừa ý. Trường A-hàm, Tạp A-hàm dịch
sau, khá hơn hai bộ dịch trước, nhưng cũng đều là giai đoạn đầu
của nền phiên dịch, nên kinh nghiệm và tài năng của người dịch
không bằng các dịch giả sau này. Còn về thuật ngữ, phần nhiều được
các dịch giả đời sau chỉnh sửa dần dần và các thuật ngữ trong
A-hàm bị đào thải, cho nên ngày nay đọc A-hàm cảm thấy khó hiểu.
Nay muốn phục hưng "A-hàm học", cần phải bắt tay vào
các phương pháp sau đây :
Trước tiên, cần phải đem các giáo lý trọng yếu xếp
thành đề mục như : Khổ, Vô thường, Vô ngã, Nhân duyên sanh pháp,
Ngũ thủ uẩn, Tứ thiền... khoảng chừng ba bốn mươi mục. Sau đó,
phân loại các kinh theo đề mục, lấy một kinh hoặc hai, ba kinh làm
chính, còn các kinh khác có văn nghĩa hoặc dài ngắn gần giống thì
đặt vào phần phụ lục. Đối với kinh hoàn toàn đồng, chỉ để tên
trong cùng một mục, nếu biên soạn lại như thế thì chỉ còn chừng
một phần mười của nguyên bản, nhưng muốn nghiên cứu xem trong
A-hàm có bao nhiêu điều giáo lý trọng yếu, nội dung của các giáo
lý ấy thế nào, chúng quan hệ với nhau ra sao, đều có thể thấu
hiểu, và quan điểm căn bản nguyên thủy của Phật giáo do đây có thể
xác lập.
- Đem những tư liệu có liên quan đến xã hội, phong tục
Ấn Độ trong A-hàm phân loại, biên tập và xem xét mối quan hệ của
nó với Phật giáo, như những đoạn ghi chép về chế độ bốn giai cấp
cho ta thấy được tinh thần bình đẳng của Phật giáo, xem những ghi
chép về các nghi thức tế lễ, nhân đó thấy được tinh thần phá trừ
mê tín của Phật giáo.
- Cần phải chú trọng đến địa phương và nhân sự, đem
những nơi Đức Thích Tôn đã cư trú và du hóa trong A-hàm lập thành
một bảng kê, xem Ngài thuyết pháp ở đâu nhiều nhất, kế đến là nơi
nào, ở nơi nào thuyết loại pháp nào. Về những người được tiếp xúc
với Phật như đệ tử, quốc vương, trưởng giả, thường dân, ngoại
đạo..., mỗi loại người nên làm một biểu để biết được cách ứng cơ
thuyết pháp của Phật. Như vậy có thể cung cấp tư liệu chính xác về
truyện Phật Thích-ca, truyện đệ tử Phật, lịch sử Ấn Độ...
Bốn bộ A-hàm là một kho tàng văn hóa quý báu, bất luận nghiên cứu
về phương diện nào cũng đều có giá trị.
--- o0o ---
|
|