|
- Thư Viện Chùa Dược Sư
- KINH TẠNG
-
- KINH
TĂNG NHẤT A HÀM
- Việt Dịch: Hòa Thượng
Thích Thanh Từ
Hiệu Đính: Hòa Thượng Thích Thiện Siêu
- Viện Nghiên Cứu Phật
Học Việt Nam
PL 2541 - TL 1997
-
- TẬP
HAI
- 6
-
XXXVIII.1. Phẩm Lực (1)
-
-
1. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng
Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-
- Có sáu sức mạnh ở đời. Thế nào là
sáu? Con nít lấy kêu khóc làm sức mạnh, muốn đòi gì, trước hết khóc; đàn bà
lấy sân giận làm sức mạnh, nương vào sân giận rồi sau mới nói; Sa-môn,
Bà-la-môn dùng nhẫn làm sức mạnh, thường nghĩ thấp mình, đối với người, rồi
sau bày tỏ; quốc vương dùng kiêu ngạo làm sức mạnh, lấy hào thế này để tự biểu
lộ; nhưng A-la-hán lấy tinh chuyên là sức mạnh để tự trình bày; chư Phật Thế
Tôn thành tựu đại từ bi, lấy đại bi làm sức mạnh để lợi ích rộng rãi cho chúng
sanh.
-
Ðó là, này Tỳ-kheo! Có sáu sức mạnh
ở đời. Thế nên, các Tỳ-kheo! Nên nhớ tu hành sức đại từ bi này. Như thế, các
Tỳ-kheo, nên học điều này.
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy
xong, vui vẻ vâng làm.
-
2. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng
Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-
- Các Thầy nên tư duy tưởng vô
thường, quảng bá tưởng vô thường. Ðã tư duy, quảng bá tưởng vô thường rồi, các
Thầy sẽ đoạn dứt dục ái, sắc ái, vô sắc ái, cũng đoạn vô minh, kiêu mạn. Ví
như lấy lửa thiêu đốt cây cỏ, không sót gì cả, cũng không còn dấu vết. Ðây
cũng như thế, nếu tu tưởng vô thường, đoạn hết dục ái, sắc ái, vô sắc ái, vô
minh, kiêu mạn, không còn sót gì. Vì sao thế? Tỳ-kheo ngay khi tu tưởng vô
thường, người ấy không có tâm dục, đã không có tâm dục, thì có thể phân biệt
pháp, tư duy về ý nghĩa của nó, không có sầu lo, khổ não. Người ấy đã tư duy
pháp nghĩa thì không ngu hoặc, tu hành lầm lẫn. Nếu thấy có ai tranh tụng,
người ấy liền nghĩ: 'Các hiền sĩ này không tu tưởng vô thường, không quảng bá
tưởng vô thường, nên mới đi đến sự tranh tụng này. Họ đã tranh tụng thì không
quán được nghĩa này; đã không quán nghĩa này thì có tâm mê hoặc. Họ đã chấp sự
ngu mê này thì mạng chung sẽ vào ba đường ác: ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục'.
-
Thế nên, các Tỳ-kheo, nên tư tưởng
vô thường, quảng bá tưởng vô thường, thì sẽ không có tưởng sân giận, ngu hoặc,
cũng có thể quán pháp, cũng quán được nghĩa này. Nếu sau khi mạng chung, sẽ
sanh vào ba đường lành: lên trời, trong loài người, và đạt Niết-bàn. Như thế,
các Tỳ-kheo, nên học điều này.
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy
xong, vui vẻ vâng làm.
-
3. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời, Phật ở nước Ma-kiệt, bên
bờ sông Ưu-ca-chi.
-
Bấy giờ Thế Tôn đến dưới một gốc
cây trải tòa ngồi, chính thân, chính ý, buộc niệm ở trước.
-
Có một Phạm chí đi đến chỗ đó, Phạm
chí này thấy dấu chân của đức Thế Tôn rất là kỳ diệu, liền nghĩ: 'Dấu chân này
của người nào? Là của Trời, Rồng, Quỷ, Thần, Càn-thát-bà, A-tu-la, Nhơn, Phi
nhơn; Phạm thiên, Tổ tiên ta chăng?
-
Khi đó, Phạm chí noi theo dấu tiến
đến trước, xa thấy Thế Tôn ngồi dưới một gốc cây, chính thân, chính ý buộc
niệm ở trước; thấy rồi liền nói:
-
- Ngài là Trời chăng?
-
Thế Tôn bảo:
-
- Ta chẳng phải là Trời.
-
- Là Càn-thát-bà chăng?
-
- Ta chẳng phải Càn-thát-bà.
-
- Là Rồng chăng?
-
- Ta chẳng phải rồng.
-
- Là Dạ-xoa chăng?
-
- Ta chẳng phải là Dạ-xoa.
-
- Là Tổ phụ chăng?
-
- Ta chẳng phải Tổ phụ.
-
Lúc đó, Phạm chí hỏi Thế Tôn:
-
- Thế Ông là ai?
-
Thế Tôn bảo:
-
- Có ái thì có thọ, có thọ thì có
ái, nhân duyên hội họp rồi sau mỗi mỗi tương sinh. Như thế, năm thạnh ấm không
có lúc đoạn dứt. Ðã biết ái thì biết ngũ dục, cũng biết sáu trần bên ngoài,
sáu nhập bên trong, tức biết gốc ngọn của thạnh ấm này.
-
Lúc ấy Thế Tôn liền nói kệ:
-
'Thế gian có ngũ dục,
-
Ý là vua thứ sáu,
-
Biết sáu thứ trong ngoài,
-
Hãy nhớ dứt mé khổ'.
-
Thế nên, hãy cầu phương tiện diệt
sáu việc trong ngoài. Như thế, Phạm chí, nên học điều này.
-
Bấy giờ, Phạm chí kia nghe Phật dạy
như thế, tư duy luyện tập không rời tâm, liền ngay chỗ ngồi, các trần cấu dứt,
được pháp nhãn thanh tịnh.
-
Bấy giờ Phạm chí ấy nghe Phật dạy
xong, hoan hỷ vâng làm.
-
[#]
-
Ghi chú:
-
Đoạn [#]...[#] dường như không
tương thích với tinh thần của bài kinh. Bài kinh tương đương trong Tăng Chi Bộ
là kinh "Tùy thuộc thế giới", AN IV.36, trong đó, Đức Phật trả lời Bà-la-môn
(Phạm chí) Dona rằng:
-
- "... Này Bà-la-môn, đối với
những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là chư Thiên, với các lậu
hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như thân cây ta-la,
được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương
lai. Này Bà-la-môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể
là Càn-thát-bà, Ta có thể là Dạ-xoa, Ta có thể là Người, với các lậu hoặc đã
đoạn tận, được chặt dứt từ gốc rễ, được làm thành như thân cây ta-la, được làm
cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Ví
như, này Bà-la-môn, bông sen xanh, hay bông sen hồng, hay bông sen trắng, sanh
ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước, và đứng thẳng không bị
nước thấm ướt. Cũng vậy, này Bà-la-môn sanh ta trong đời, lớn lên trong đời,
Ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. Này Bà-la-môn, Ta là Phật, hãy
như vậy thọ trì."
-
-- (Bình Anson, 02-2004)
-
4. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng
Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-
- Xưa, lúc Ta còn là Bồ-tát chưa
thành Phật đạo, có nghĩ thế này: 'Thế gia này rất là khổ, có sanh, già, bịnh,
chết, mà năm thạnh ấy này chẳng dứt được nguồn gốc'. Lúc ấy, Ta lại nghĩ: 'Do
nhân duyên nào có sanh, già, bệnh, chết, lại do nhân duyên nào đưa đến tai họa
này?'. Lúc đang tư duy điều này, Ta lại nghĩ: 'Có sanh thì có già, bịnh,
chết'.
-
Lúc đang tư duy điều này, Ta lại
nghĩ thêm: 'Do nhân duyên nào có sanh? Ðây do hữu mà sanh', lại nghĩ: 'Hữu do
đâu mà có?'. Ðang lúc Ta tư duy liền sanh niệm này: 'Hữu do thủ mà có', lại
nghĩ: 'Thủ này do đâu mà có?'. Bấy giờ Ta dùng trí quán: 'Do ái mà có thủ',
lại suy nghĩ thêm: 'Ái này do đâu mà sanh?' Ta quán sát lần nữa: 'Do thọ mà có
ái', lại suy nghĩ thêm: 'Thọ này do đâu mà sanh?' Lúc ấy Ta quán sát như vầy:
'Do xúc mà có thọ', lại tư duy nữa: 'Xúc này do đâu mà có?' Ta liền sanh niệm
này: 'Do lục nhập mà có xúc này'. Rồi ta lại suy nghĩ nữa: 'Lục nhập này do
đâu có?'.; quán sát lúc ấy, Ta biết: 'Do danh sắc mà có lục nhập'. Rồi Ta lại
nghĩ rằng: 'Danh sắc do đâu mà có?'; Ta quán sát thì biết: 'Do thức mà có danh
sắc'; 'Thức này do đâu có?'; Ta quán sát thì biết: 'Do hành sanh thức'. Rồi Ta
lại nghĩ: 'Hành do đâu mà sanh?'; Ta quán sát thì biết 'Hành do đâu mà sanh?';
Ta quán sát thì biết 'Hành do si sanh'. Vô minh duyên hành, hành duyên thức,
thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên
thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên tử,
tử duyên sầu lo khổ não chẳng thể tính kể. Như thế gọi là nguyên nhân của khổ
thạnh ấm.
-
Lúc đó ta lại nghĩ: 'Do nhân duyên
nào mà diệt được sanh, già, bịnh, chết?'. Khi ấy Ta quán sát: 'Sanh diệt thì
già, bịnh, chết diệt'. Rồi Ta lại sanh niệm này: 'Do đâu mà không có sanh?';
Ta quán sát thì thấy: 'Do hữu diệt thì sanh sẽ diệt', lại nghĩ: 'Do đâu mà
không có hữu?'. Ta quán sát thì thấy: 'Do thủ diệt thì hữu sẽ diệt'. Rồi Ta
sanh niệm này: 'Do đâu mà thủ diệt?'; Ta quán sát thì thấy: 'Do ái diệt mà thủ
diệt'; lại sanh niệm này: 'Do đâu mà ái diệt?' Ta quán sát thêm nữa: 'Thọ diệt
thì ái diệt'; lại tư duy: 'Do đâu mà thọ diệt?'; quán sát thì thấy: 'Xúc diệt
thì thọ diệt?', lại tư duy: 'Xúc do đâu mà diệt?', quán sát thì thấy: 'Lục
nhập diệt thì xúc diệt'. Lại xem: 'Do đâu mà lục nhập này diệt?'. Lúc ấy Ta
quán sát thấy: 'Danh sắc diệt thì lục nhập diệt'; lại quán 'Danh sắc do đâu mà
diệt?'. Quán sát thì biết: 'Thức diệt thì danh sắc diệt'; lại quán sát: 'Thức
này do đâu mà diệt?'; quán sát thì biết: 'Hành diệt thì thức diệt'; lại quán
'Hành này do đâu mà diệt?'; quán sát thì biết: 'Vô minh diệt thì hành diệt'.
Hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục
nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái
diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt,
sanh diệt thì lão bịnh diệt, lão bịnh diệt thì tử diệt. Ðó gọi là năm thạnh ấm
diệt'.
-
Rồi Ta lại sanh niệm này: 'Thức này
là nguồn gốc đầu đưa đến sanh, già, bịnh, chết. Nhưng Ta chẳng thể biết nguồn
gốc của sanh, già, bệnh, chết này'. Ví như có người ở trong núi rừng đi theo
con đường mòn nhỏ, đi đến phía trước một lát, thấy con đường lớn cũ, ngày xưa
mọi người đi qua đây. Khi ấy, người nọ bèn đi lại con đường này, tiến đến một
chút lại thấy thành quách, vườn cảnh, ao tắm cũ đều rất tươi tốt. Nhưng trong
thành kia không có dân cư. Người này thấy rồi lại trở về nước mình, tâu với
vua rằng:
-
- 'Vừa rồi tôi dạo núi rừng thấy
thành quách, cây cối um tùm. Nhưng trong thành đó không có nhân dân. Tâu Ðại
vương! Nên cho nhân dân vào thành đó cư trú'.
-
Bấy giờ quốc vương nghe người này
nói, liền cho nhân dân đến ở, và thành quách này trở nên đông đúc dân cư như
cũ, vui thích vô cùng.
-
Các Tỳ-kheo nên biết! Xưa, lúc Ta
chưa thành Phật, ở trong núi học đạo, thấy chỗ du hành của chư Phật thời xưa,
liền theo đường ấy mà biết chỗ khởi nguyên của sanh, già, bệnh, chết. Có sanh,
có diệt thảy đều phân biệt. Biết sanh khổ, sanh tập, sanh diệt, sanh đạo, đều
liễu tri cả. Hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập, danh sắc, thức, hành, vô minh
cũng lại như thế. Vô minh khởi thì hành khởi, hành tạo điều gì lại là do thức.
Nay ta đã biết rõ về thức, nên cùng bốn bộ chúng mà nói điều căn bản này để
cho tất cả đều biết nguồn gốc chỗ khởi này; biết Khổ, biết Tập, biết Diệt,
biết Ðạo, khiến nhớ rõ ràng. Ðã biết lục nhập thì biết sanh, lão, bệnh, tử;
lục nhập diệt thì sanh, lão, bệnh, tử diệt. Thế nên, Tỳ-kheo, nên cầu phương
tiện diệt lục nhập. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy
xong, vui vẻ vâng làm.
-
5. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng
Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ Thế Tôn đang thuyết pháp
cho vô số trăm ngàn vạn chúng. Lúc đó Tôn giả A-na-luật đang ngồi trong chúng
ngủ gục. Ðức Phật thấy A-na-luật ngủ gục, liền nói kệ rằng:
-
Thọ pháp thích ngủ nghỉ,
-
Ý không có lầm lẫn,
-
Chỗ Hiền Thánh thuyết pháp,
-
Ðiều người trí ưa thích.
-
Ví như nước vực sâu,
-
Lóng trong không tỳ vết,
-
Người nghe pháp như thế,
-
Thanh tịnh tâm lạc thọ.
-
Cũng như đá vuông lớn,
-
Gió thổi không thể động,
-
Như thể bị chê khen,
-
Tâm không có lay động.
-
Khi ấy Thế Tôn bảo Tôn giả
A-na-luật:
-
- Thầy sợ phép vua và sợ giặc cướp
mà hành đạo chăng?
-
A-na-luật đáp:
-
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-
Phật bảo A-na-luật:
-
- Vì sao Thầy xuất gia học đạo?
-
A-na-luật bạch Phật:
-
- Con chán ngán sanh, lão, bịnh,
tử, sầu lo khổ não nên muốn bỏ, nó; vì thế xuất gia học đạo.
-
Thế Tôn bảo:
-
- Nay Thầy là con nhà quý tộc, có
lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo. Hôm nay Thế Tôn đích thân thuyết pháp, tại
sao Thầy ngồi trong đây mà ngủ gục.
-
Tôn giả A-na-luật liền từ chỗ ngồi
đứng dậy, bày vai áo phải, quỳ xuống chấp tay bạch Thế Tôn:
-
- Từ nay về sau dù thân hình tan
nát, con trọn không ở trước Như Lai mà ngủ gục.
-
Bấy giờ Tôn giả A-na-luật suốt đến
đến sáng chẳng ngủ, nhưng không thể trừ khử được thùy miên, mắt bèn hư. Khi
ấy, Thế Tôn bảo A-na-luật:
-
- Người chuyên cần tinh tấn thì
cùng trạo cử tương ưng. Còn nếu giải đãi lại cùng kiết sử tương ưng. Nay thầy
nên hành vừa chừng ở giữa.
-
A-na-luật bạch Phật:
-
- Khi trước, con đã ở trước Như Lai
phát thệ, nay không thể làm trái bổn nguyện mình.
-
Lúc đó Thế Tôn bảo Kỳ-vực (Kỳ-bà):
-
- Ông hãy trị liệu mắt cho
A-na-luật!
-
Kỳ-vực thưa:
-
- Nếu A-na-luật chịu ngủ một chút,
con sẽ trị mắt được.
-
Thế Tôn bảo A-na-luật:
-
- Thầy nên ngủ. Vì sao thế? Tất cả
các pháp do ăn mà được tồn tại, không ăn thì không còn. Con mắt lấy ngủ làm
thức ăn, tai lấy âm thinh làm thức ăn, mũi lấy hương làm thức ăn, lưỡi lấy mùi
vị làm thức ăn, thân lấy xúc chạm làm thức ăn, ý lấy pháp làm thức ăn. Nay ta
cũng nói Niết-bàn cũng có thức ăn.
-
A-na-luật bạch Phật:
-
- Niết-bàn lấy những gì làm thức
ăn?
-
Phật bảo A-na-luật:
-
- Niết-bàn lấy không phóng dật làm
thức ăn, nương không phóng dật được đến vô vi.
-
A-na-luật bạch Phật:
-
- Bạch Thế Tôn! Tuy nói ngủ là thức
ăn của mắt, nhưng con chẳng kham ngủ nghỉ.
-
Rồi sau A-na-luật vá y phục cũ. Khi
ấy mắt đã bị hư và đắc thiên nhãn không có tì vết. A-na-luật dùng pháp thường
mà vá y áo, không thể xâu chỉ qua lỗ kim được. Khi ấy A-na-luật liền nghĩ:
'Chư A-la-hán đắc đạo trong thế gian hãy xâu kim giúp tôi'.
-
Bấy giờ Thế Tôn dùng thiên nhĩ
thanh tịnh nghe được âm thanh này: 'Chư A-la-hán đắc đạo trong thế gian hãy
xâu kim giúp tôi'. Thế Tôn bèn đến chỗ A-na-luật mà bảo:
-
- Thầy đưa kim đây Ta xâu cho.
-
A-na-luật bạch Phật:
-
- Vừa rồi con gọi các vị muốn cầu
phước ở thế gian xâu kim cho con.
-
Thế Tôn bảo:
-
- Người cầu phước ở thế gian không
ai hơn Ta. Như Lai đối với sáu pháp không chán bỏ. Những gì là sáu? thí; dạy
dỗ; nhẫn; nói pháp; nói nghĩa; bảo hộ chúng sanh; cầu đạo vô thượng chánh
chân. Này A-na-luật! Ðó là sáu điều Như Lai không hề chán bỏ.
-
A-na-luật thưa:
-
- Thân Như Lai là thân của Chân
pháp, lại còn muốn cầu pháp nào nữa? Như Lai đã qua khỏi biển sanh tử, lại
thoát khỏi ái trước, và nay cố cầu làm phước.
-
Thế Tôn bảo:
-
- Ðúng thế, A-na-luật. Ðúng như lời
Thầy nói. Như Lai cũng biết sáu pháp này không chán đủ. Nếu chúng sanh biết
nguồn cội của tội ác do thân, miệng, ý tạo, thì hoàn toàn không đọa trong ba
đường ác. Vì chúng sanh chẳng biết nguồn gốc tội phước nên đọa trong ba đường
ác.
-
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
-
'Các sức mạnh thế gian,
-
Dạo ở trong Trời, Người,
-
Phước lực là hơn hết,
-
Do phước thành Phật đạo'.
-
Thế nên, A-na-luật! Nên cầu phương
tiện được sáu pháp này. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy
xong, hoan hỷ vâng làm.
-
6. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng
Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
- Bấy
giờ có nhiều Tỳ-kheo vào thành Xá-vệ khất thực, nghe ngoài cổng cung vua
Ba-tư-nặc có rất đông dân chúng khoa tay, kêu la oán trách: 'Trong nước có
giặc tên Ương-quật-ma (Angulimala) rất hung bạo, sát hại người không kể xiết,
chẳng có lòng thương xót chúng sanh. Nhân dân trong nước đều chán ghét. Mỗi
ngày bắt người giết, lấy ngón tay xâu làm tràng hoa, gọi là Chỉ Man. Cúi mong
Ðại vương hãy đến đánh hắn!'. Các Tỳ-kheo khất thực xong trở về Tinh xá Kỳ
Hoàn, thu xếp y bát, vắt tọa cụ lên vai, đi đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi
một bên. Bấy giờ những Tỳ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-
- Nhiều Tỳ-kheo chúng con vào thành
Xá-vệ khất thực, thấy nhân dân ở trước cổng vương cung kêu oán, tố cáo: 'Nay
vương quốc có giặc tên Ương-quật-ma là người hung bạo, không có lòng từ, sát
hại tất cả chúng sanh, người chết đất nước trống rỗng đều do hắn lấy ngón tay
người làm tràng hoa'.
-
Bấy giờ, Thế Tôn nghe Tỳ-kheo kia
nói xong, liền từ tòa đứng dậy, lặng thinh mà đi. Khi ấy, Thế Tôn tìm đến chỗ
tên giặc kia. Những người lượm củi, gánh cỏ về người chăn trâu, chăn dê thấy
Thế Tôn đến đường đó, họ bèn bạch Phật rằng:
-
- Sa-môn! Sa-môn! Chớ đi theo đường
đó. Vì sao vậy? Bên đường này có giặc tên Ương-quật-ma ở trong đó. Những người
muốn đi đường này, phải nhóm mười người, hoặc hai mươi người, ba mươi, bốn
mươi, năm mươi người vẫn còn chẳng qua nổi, đều bị Ương-quật-ma bắt hết. Mà
Sa-môn Cù-đàm lại đi một mình không có bạn, bị Ương-quật-ma xúc nhiễu, vì đối
với việc không dè dặt.
-
Thế Tôn tuy nghe nói mà vẫn tiến
bước không dừng lại. Khi đó mẹ của Ương-quật-ma đem thức ăn đến chỗ ông ta.
Lúc ấy Ương-quật-ma nghĩ: 'Vòng ngón tay của ta không biết đủ số chưa?', liền
đếm ngón tay thấy chưa đủ số, lại đếm một lần nữa, chỉ thiếu có một ngón.
Ương-quật-ma bèn nhìn chung quanh tìm người muốn bắt giết, nhưng nhìn bốn bên
cũng chẳng thấy ai, liền nghĩ: 'Thầy ta có dạy: người nào có thể hại mẹ mình,
thì sẽ sanh lên trời'. Nay mẹ ta tự đến đây, tức là có thể bắt giết, ngón tay
được đủ số chắc chắn sẽ sanh lên trời'. Rồi Ương-quật-ma tay trái nắm đầu mẹ,
tay phải rút gươm, nói với mẹ:
-
- Dừng một tí, Mẹ!
-
Khi ấy, Thế Tôn liền nghĩ: 'Tên
Ương-quật-ma này sẽ phạm ngũ nghịch'. Ngài liền phóng hào quang giữa chặng mày
chiếu sáng khắp núi rừng ấy. Ương-quật-ma thấy ánh sáng, liền nói với mẹ:
-
- Ðây là ánh sáng gì chiếu rừng núi
này? Chẳng phải quốc vương tụ tập binh lính để công phạt ta chăng?
-
Người mẹ bảo:
-
- Nay Con nên biết. Ðây không phải
là ánh lửa của mặt trời, mặt trăng, cũng không phải là ánh sáng của Thích,
Phạm thiên vương.
-
Bấy giờ, người mẹ liền nói kệ:
-
'Ðây không phải lửa sáng,
-
Chẳng trời, trăng, Thích, Phạm,
-
Chim thú chẳng kinh sợ,
-
Hót mừng khác bình thường.
-
Ánh sáng rất thanh tịnh,
-
Khiến người vui vô cùng,
-
Ắt bậc Tôn tối thắng,
-
Thập Lực đến nơi đây,
-
Ở trong Trời và Người,
-
Thiên nhãn xem thế giới,
-
Nên muốn độ cho Con,
-
Thế Tôn đến nơi này.
-
Khi ấy, Ương-quật-ma nghe âm hưởng
Phật, vui mừng hớn hở không thể kiềm được liền nói:
-
- Thầy ta cũng có dạy, bảo ta rằng:
'Nếu ngươi giết được mẹ và giết Sa-môn Cù-đàm, chắc chắc sẽ được sanh lên
trời'.
-
Ương-quật-ma bảo mẹ:
-
- Mẹ hãy đứng đây. Con giết Sa-môn
Cù-đàm trước đã, rồi sẽ ăn sau.
- Rồi
Ương-quật-ma buông mẹ ra, đuổi theo Thế Tôn, xa thấy Thế Tôn đi đến, như khối
vàng tỏa sáng khắp nơi, thấy rồi cười nói:
-
- Nay Sa-môn Cù-đàm nhất định chết
trong tay ta không còn nghi ngờ
-
Những người muốn đi đường này đều
tụ tập đông người, còn Sa-môn Cù-đàm chỉ đi một mình, không bạn lữ, nay ta sẽ
bắt giết.
-
Khi ấy, Ương-quật-ma rút kiếm chạy
đến để hại Thế Tôn. Thế Tôn cứ theo đường thong thả bước đi, Ương-quật-ma rượt
đuổi mà chẳng kịp Như Lai, ông ta bèn bảo Thế Tôn:
-
- Dừng lại, dừng lại, Sa-môn!
-
Thế Tôn bảo:
-
- Ta đã dừng rồi. Còn Ông chẳng
chịu dừng.
-
Ương-quật-ma vừa chạy vừa nói kệ:
-
Ði mà lại nói dừng,
-
Bảo rằng tôi không dừng,
-
Hãy giải nghĩa cho tôi,
-
Ðó dừng, tôi chẳng dừng?
-
Bấy giờ, Thế Tôn dùng kệ đáp:
-
Thế Tôn đã nói dừng,
-
Vì không hại tất cả,
-
Nay Ông có tâm sát,
-
Chẳng lìa nơi nguồn ác,
-
Ta trụ đất tâm từ,
-
Thương giúp tất cả người,
-
Ông gieo khổ địa ngục,
-
Chẳng lìa nơi nguồn ác.
-
Ương-quật-ma nghe kệ xong, liền
nghĩ: 'Nay xét lại ta làm ác chăng? Thầy ta bảo rằng: 'Ðây là phước lớn, được
quả báo lớn. Người có thể giết ngàn người lấy ngón tay làm tràng hoa, sẽ được
đạt kết quả sở nguyện. Người như thế mạng chung rồi sẽ sanh cõi trời'. Nếu
người giết mẹ và Sa-môn Cù-đàm sẽ được sanh lên Phạm thiên'.
-
Khi ấy, Phật dùng oai thần khiến
thần thức ông ta bừng tỉnh, ông nghĩ các sách vở Phạm chí cũng có lời này:
'Như Lai ra đời rất khó gặp, thường cả ức kiếp mới ra đời. Lúc Ngài ra đời,
người chưa độ sẽ được độ, người không giải thoát sẽ khiến được giải thoát.
Ngài thuyết pháp diệt sáu kiến chấp. Những gì là sáu? Ai nói có ngã kiến, Ngài
thuyết pháp ngã kiến; người nói không có ngã, Ngài cũng thuyết pháp diệt không
có ngã kiến cho họ; người nói có ngã kiến và không có ngã kiến, Ngài cũng
thuyết pháp diệt có ngã kiến và không ngã kiến cho họ; Ngài lại tự quán sát và
thuyết pháp quán sát; tự thuyết pháp vô ngã; Pháp chẳng phải ta thuyết cũng
chẳng phải ta chẳng thuyết!
-
Nếu Như Lai ra đời, sẽ thuyết pháp
diệt lục kiến này. Hơn nữa, lúc ta chạy có thể kịp voi, ngựa, xe cộ và cả mọi
người. Nhưng Sa-môn này đi không gấp gáp, vậy mà ta theo chẳng kịp. Chắc Ngài
là Như Lai.
-
Lúc ấy, Ương-quật-ma liền nói kệ:
-
'Nay Ngài đã vì con,
-
Mà thuyết kệ vi diệu,
-
Người ác nay biết chân,
-
Ðều do oai thần Ngài.
-
Tức thời buông kiếm bén,
-
Liệng vào trong hầm sâu,
-
Nay lễ chân Sa-môn,
-
Và mong làm Sa-môn.
-
Ương-quật-ma bèn đến trước bạch
Phật:
-
- Bạch Thế Tôn! Cúi mong cho con
làm Sa-môn.
-
Thế Tôn bảo:
-
- Khéo đến! Tỳ-kheo!
-
Ương-quật-ma liền thành Sa-môn, mặc
ba pháp y. Bấy giờ Thế Tôn bèn nói kệ:
-
'Nay Thầy đã cạo đầu
-
Trừ kiết sử cũng vậy,
-
Kết diệt thành đại quả,
-
Không còn sầu khổ não.
-
Khi ấy, Ương-quật-ma nghe xong, tức
thời các trần cấu sạch hết, được pháp nhãn thanh tịnh. Thế Tôn đem Tỳ-kheo
Ương-quật-ma trở về Tinh Xá Kỳ Hoàn ở thành Xá-vệ.
-
Vua Ba-tư-nặc đang tụ tập bốn binh
chủng, muốn đến dẹp giặc Ương-quật-ma.
-
Khi ấy, vua nghĩ: 'Ngay ta nên đến
chỗ Thế Tôn đem nhân duyên này bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn có dạy gì, ta sẽ vâng
theo'.
-
Vua Ba-tư-nặc liền họp bốn bộ binh
đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên. Thế Tôn hỏi vua:
-
- Ðại vương! Hôm nay muốn đi đâu,
mà bụi bặm đầy người như thế?
-
Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:
-
- Hôm nay trong nước con có giặc
tên Ương-quật-ma rất là hung bạo, không có lòng từ đối với tất cả chúng sanh,
khiến đất nước hoang sơ, dân chúng bỏ chạy tán loạn, đều do tên giặc này, giết
người lấy ngón tay làm vòng hoa. Ðây là ác quỷ chớ chẳng phải là người. Nay
con muốn giết chết hắn. Thế Tôn bảo:
-
- Ðại vương! Nếu bây giờ vua thấy
Ương-quật-ma lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo thì vua sẽ làm gì?
-
Vua bạch Phật:
-
- Còn biết làm sao? Con sẽ thừa sự
cúng dường tùy thời lễ bái. Nhưng thưa Thế Tôn! Ương-quật-ma là ác nhân, không
có một chút xíu lành, hằng giết hại, làm sao có thể phát tâm xuất gia học đạo
được? Việc này hoàn toàn không thể có.
-
Khi ấy Ương-quật-ma ngồi cách Thế
Tôn chẳng xa, ngồi kiết-già chính thân, chính ý, cột niệm ở trước. Bấy giờ Thế
Tôn đưa tay phải chỉ cho vua, nói:
-
- Ðây là Ương-quật-ma.
-
Vua nghe xong kinh sợ, áo lông dựng
ngược. Thế Tôn bảo:
-
- Chớ kinh sợ, hãy đến trước người
ấy, rồi vua sẽ hiểu ý.
-
Vua nghe Phật nói, liền đến trước
Ương-quật-ma hỏi:
-
- Nay ngài họ gì?
-
Ương-quật-ma nói:
-
- Tôi họ Già-già, mẹ tên Mãn-túc.
-
Vua cúi lạy, rồi ngồi một bên. Vua
bảo:
-
- Khéo vui trong Chánh pháp này,
chớ có giải đãi, tu Phạm hạnh thanh tịnh, sẽ được dứt mé khổ. Tôi sẽ trọn đời
cúng dường y phục, thức ăn, giường mền, thuốc men.
-
Ương-quật-ma im lặng chẳng đáp. Vua
liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trở lại chỗ Thế Tôn, cúi lạy và ngồi một bên. Vua
bạch Phật:
-
- Người không hàng khiến hàng,
người không phục khiến phục. Thật là kỳ đặc chưa hề có! Ngài có thể hàng phục
được người cực ác. Cúi mong Thế Tôn! Mong cầu Ngài được thọ mạng vô cùng, nuôi
lớn chúng sanh. Nhờ ơn Thế Tôn mà chúng con khỏi được nạn này. Quốc sự quá bề
bộn, nay con muốn trở về thành.
-
Thế Tôn bảo:
-
- Vua biết đúng lúc.
-
Bấy giờ Quốc vương liền từ chỗ ngồi
đứng dậy, cúi lạy rồi lui đi.
-
Khi ấy Ương-quật-ma tu hạnh tịch
tĩnh, mặc áo năm mảnh, đến giờ ôm bát đi từng nhà khất thực, giáp vòng rồi trở
lại từ đầu, mặc y rách và rất thô xấu; lại ngồi giữa trời không mái che thân.
Bấy giờ Ương-quật-ma ở chỗ vắng vẻ, tự tu hạnh mà con nhà vọng tộc xuất gia
học đạo muốn tu Phạm hạnh vô thượng, sanh tử đã tận, Phạm hạnh đã lập, việc
làm đã xong, không tái sanh nữa, như thực mà biết. Và Ương-quật-ma thành
A-la-hán, lục thông trong suốt, không có trần cấu. Ðã thành A-la-hán, đến giờ
ngài đắp y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khi đó có phụ nữ đang sanh khó
khăn. Ngài thấy rồi nghĩ thầm: 'Chúng sanh rất là đau khổ, thọ thai vô hạn'.
-
Ương-quật-ma ăn xong, thu dọn y
bát, vắt tọa cụ lên vai đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy, ngồi một bên. Bấy giờ
Ương-quật-ma bạch Phật:
-
- Con vừa đắp y ôm bát vào thành
Xá-vệ khất thực, thấy một phụ nữ đang sanh khó khăn. Khi ấy con nghĩ rằng:
'Chúng sanh chịu khổ, sao đến như thế!'.
-
Thế Tôn bảo:
-
- Nay Thầy đến chỗ bà ấy nói rằng:
'Từ khi tôi sanh trong dòng Hiền Thánh đến nay, chưa hề sát sanh!' Ðem lời chí
thành này khiến bà ấy sanh được nhẹ nhàng.
-
Ương-quật-ma thưa:
-
- Xin vâng, Thế Tôn!
-
Ngài Ương-quật-ma, ngay hôm ấy đắp
y, ôm bát vào thành Xá-vệ, đến nhà phụ nữ kia, bảo:
-
- Từ khi tôi sanh trong dòng Hiền
Thánh đến nay, chưa hề sát sanh. Xin đem lời chí thành này khiến cho thai ra
được.
-
Khi ấy phụ nữ kia liền sanh được.
-
Ngài Ương-quật-ma khất thực trong
thành, nam nữ, lớn nhỏ trông thấy mỗi người đều bảo nhau:
-
- Ðây là Ương-quật-ma đã giết hại
chúng sanh nhiều không thể kể, nay lại khất thực trong thành.
-
Nhân dân trong thành liền lấy ngói,
đá ném ngài; có người lấy dao chém, ngài bị thương khắp đầu mặt, y phục rách
nát, máu chảy khắp thân. Ngài ra khỏi thành Xá-vệ, đến chỗ Thế Tôn, Thế Tôn xa
thấy Ương-quật-ma đầu mặt bị thương, máu chảy nhuộm y đang đi đến. Ngài liền
bảo:
-
- Nay Thầy hãy nhẫn. Vì sao thế?
Tội Thầy đáng lẽ chịu khổ vĩnh kiếp.
-
Khi ấy, Ương-quật-ma đến chỗ Thế
Tôn cúi lạy, ngồi một bên, rồi ở trước Như Lai nói kệ:
-
'Kiên cố nghe pháp cú,
-
Kiên cố hành Phật pháp,
-
Kiên cố gần bạn lành,
-
Liền đến chỗ diệt-tận.
-
Con vốn là đại tặc,
-
Tên là Ương-quật-ma,
-
Bị trôi nổi giữa dòng,
-
Nhờ Thế Tôn cứu vớt.
-
Nay quán tự quy nghiệp,
-
Cũng sẽ quán pháp bổn,
-
Nay đã được tam minh,
-
Thành tựu hạnh nghiệp Phật.
-
Con vốn tên Vô Hại,
-
Lại giết hại vô kể,
-
Nay tên Chân Ðế Thực,
-
Chẳng hại hết tất cả.
-
Nếu lại thân, miệng ý,
-
Ðều không tâm thức hại,
-
Ðây gọi không sát hại,
-
Hà huống khởi tư tưởng.
-
Thợ bắn cung nắn tên,
-
Thủy thủ, khéo dẫn nước,
-
Thợ khéo uốn nắn cây,
-
Người trí tự điều thân,
-
Hoặc bị roi gậy đánh,
-
Hoặc bị lời sỉ nhục,
-
Trọn không thêm dao gậy,
-
Nay con tự hàng phục.
-
Trước là người làm ác,
-
Sau dừng không phạm nữa,
-
Sẽ chiếu sáng thế gian,
-
Như mây tan trăng hiện.
-
Người trước làm lỗi ác,
-
Sau dừng, không phạm nữa,
-
Sẽ chiếu sáng thế gian,
-
Như mây tan, trời hiện.
-
Tỳ-kheo già, trẻ, trung,
-
Tu hành theo Phật pháp,
-
Sẽ chiếu sáng thế gian,
-
Như trăng kia, mây tan.
-
Tỳ-kheo già, trẻ, trung,
-
Người tu hành Phật pháp,
-
Chiếu sáng thế gian này,
-
Như mặt trời, mây tan.
-
Nay con chịu đau ít,
-
Uống ăn tự biết đủ,
-
Thoát hẳn tất cả khổ,
-
Duyên xưa nay đã dứt.
-
Không chịu dấu chết nữa,
-
Cũng chẳng ưa sanh lại,
-
Nay chính chờ thời tiết,
-
Hoan hỷ mà chẳng loạn.
-
Như Lai chấp nhận lời của
Ương-quật-ma.
-
Ngài Ương-quật-ma thấy Như Lai bằng
lòng rồi, liền từ chỗ ngồi đứng lên, lạy Thế Tôn rồi lui đi
-
Khi ấy chư Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
-
- Ương-quật-ma vốn tạo công đức gì
mà ngày nay được thông minh trí tuệ, diện mạo đoan chánh hiếm có ở đời? Lại
tạo hạnh chẳng lành nào, mà đời này sát hại chúng sanh vô kể? Lại tạo công đức
nào, mà nay gặp Thế Tôn được đắc quả A-la-hán?
-
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-
- Ngày xưa, ở quá khứ lâu xa, trong
thời Hiền kiếp có Phật Ca-diếp Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác xuất hiện ở
đời. Sau khi đức Ca-diếp Như Lai nhập diệt, có vua Ðại Quả, thống lãnh cõi
nước ở Diêm-phù-đề. Vua có đến tám vạn bốn ngàn cung phi thể nữ mà không có
con. Bấy giờ vua Ðại Quả khẩn cầu các thần cây, thần núi, tinh tú, nhật nguyệt
khắp nơi, mong được con cái.
-
Khi ấy, đệ nhất phu nhân của vua
bèn có thai, tám chín tháng sau sanh được một bé trai, nhan mạo đoan chánh,
hiếm có ở đời. Vua liền nghĩ: 'Ta vốn không có con, qua biết bao lâu mới sanh
con, nên đặt tên, khiến cho vui chơi trong ngũ dục'.
-
Khi ấy, vua cho mời những quần thần
biết xem tướng đến bảo:
-
- Nay Ta đã sanh con, các Ông nên
đặt tên tự.
-
Quần thần nghe vua dạy thế, liền
tâu:
-
- Nay thái tử rất là kỳ diệu, đoan
chánh vô song, mặt như màu hoa đào, chắc chắn sẽ có thế lực lớn. Bây giờ hãy
đặt tên là Ðại Lực.
-
Các thầy tướng đặt tên cho thái tử
xong đứng dậy đi ra. Quốc vương rất yêu thái tử, chưa hề rời mắt. Khi thái tử
vừa tám tuổi, theo các cận thần đến chỗ cha mình, triều giá thăm hỏi. Vua cha
liền nghĩ: 'Nay thái tử thật là kỳ đặc', rồi bảo rằng:
-
- Ta muốn cưới vợ cho con, được
không?
-
Thái tử tâu vua:
-
- Con tuổi còn thơ ấu, đâu cần cưới
vợ!
-
Vua cha bèn tạm hoãn không cưới vợ
cho thái tử. Ðến khi thái tử hai mươi tuổi, vua lại bảo rằng:
-
- Ta muốn cưới vợ cho con.
-
Thái tử tâu:
-
- Chẳng cần lấy vợ.
-
Vua cha bảo quần thần và nhân dân:
-
- Ta vốn không con, trải qua bao
nhiêu lâu mới sanh được một thái tử. Nay thái tử không chịu lấy vợ, muốn thanh
tịnh không tỳ vết.
-
Bấy giờ, thái tử đổi tên thành
Thanh Tịnh. Khi thái tử Thanh Tịnh vừa ba mươi tuổi, vua lại ra lệnh cho quần
thần:
-
- Nay ta tuổi đã suy yếu, lại hiếm
con cái, chỉ có thái tử Thanh Tịnh. Nay địa vị cao trọng của vua nên truyền
cho thái tử, mà thái tử chẳng ưa ngũ dục, làm sao lo việc nước?
-
Quần thần đáp:
-
- Hãy dùng phương tiện cho thái tử
ưa ngũ dục.
-
Khi ấy, vua cha liền đánh chuông,
gióng trống ra lệnh cho nhân dân trong nước: 'Ai có thể khiến thái tử Thanh
Tịnh vui ngũ dục, ta sẽ ban cho ngàn vàng và các báu vật'.
-
Bấy giờ, có một cô gái tên là Dâm
Chủng, biết rõ sáu mươi bốn cách. Cô gái ấy nghe vua ra lệnh 'Ai có thể khiến
thái tử làm quen với ngũ dục, sẽ ban cho ngàn cân vàng và các báu vật', liền
đến chỗ tâu vua:
-
- Hãy cho tôi ngàn vàng và các báu
vật, tôi có thể khiến thái tử tập quen ngũ dục.
-
Vua đáp:
-
- Nếu xét có thể được vậy, thì ta
sẽ trọng thưởng, chẳng trái lời.
-
Dâm nữ tâu vua:
-
- Thái tử ngủ ở đâu?
-
Vua đáp:
-
- Ở đông đường, không có đàn bà,
chỉ có một đàn ông làm thị vệ.
-
Cô gái tâu:
-
- Cúi mong Ðại vương ra lệnh người
trong nội cung thấy tôi chớ cản trở, cho tùy ý ra vào.
-
Trong canh hai đêm ấy, cô gái đứng
bên cửa phòng thái tử, cất tiếng khóc. Thái tử nghe tiếng đàn bà khóc, liền
sai người hầu đến hỏi:
-
- Người nào khóc vậy?
-
Người hầu đáp:
-
- Có người đàn bà đứng khóc bên
cửa.
-
Thái tử bảo:
-
- Ông mau đến hỏi xem tại sao khóc?
-
Người hầu bèn đến hỏi cô ta tại sao
khóc.
-
Dâm nữ đáp:
-
- Tôi bị chồng bỏ nên tôi khóc.
-
Người hầu trở vào tâu thái tử:
-
- Người đàn bà này bị chồng bỏ, lại
sợ giặc trộm, vì thế mà khóc.
-
Thái tử bảo:
-
- Dẫn cô ta đến chuồng voi!
-
Ðến đó, cô ta cũng khóc nữa, lại
đem dẫn đến chuồng ngựa, cũng khóc.
-
Thái tử lại bảo người hầu:
-
- Ðem vào đây!
-
Người hầu liền dẫn cô ta vào nhà.
Cô vào rồi, lại đứng khóc nữa. Thái tử đích thân đến hỏi:
-
- Sao còn khóc nữa?
-
Dâm nữ đáp:
-
- Thái tử! Thân đàn bà yếu đuối lẻ
loi, rất sợ hãi cho nên tôi khóc.
-
Thái tử bảo:
-
- Lên giường của ta đi, có thể hết
sợ.
-
Cô gái làm thinh chẳng nói, cũng
không khóc nữa. Rồi cô ta cởi bỏ y phục, nắm tay thái tử để lên ngực mình. Tức
thời, thái tử kinh sợ, dục tưởng dần dần nổi lên. Dục tưởng đã khởi liền thành
thân với cô ta.
-
Sáng sớm hôm sau, thái tử Thanh
Tịnh đến chỗ vua. Vua cha từ xa thấy vẻ mặt thái tử khác hơn ngày thường, liền
nói:
-
- Việc mong muốn của con nay có kết
quả rồi chăng?
-
Thái tử đáp:
-
- Ðúng như lời Ðại vương nói.
-
Lúc ấy, vua cha vui mừng hớn hở
không thể kềm được, bảo rằng:
-
- Con mong cầu điều gì, ta sẽ ban
cho?
-
Thái tử nói:
-
- Ban cho con rồi chớ nên hối hận,
thì con sẽ xin.
-
Vua bảo:
-
- Sẽ đúng như lời con, trọn không
hối hận. Con muốn xin gì?
-
Thái tử tâu:
-
- Ngày nay Ðại vương thống lãnh
Diêm-phù-đề, hoàn toàn tự do. Các cô gái chưa chồng trong Diêm-phù-đề phải đến
nhà con trước, sau đó mới cho lấy chồng.
-
Vua nói:
-
- Tùy theo lời con.
-
Vua liền ra lệnh cho nhân dân trong
nước:
-
- Ai có con gái chưa xuất giá,
trước phải cho đến với thái tử Thanh Tịnh, sau đó hãy gả chồng.
-
Bấy giờ trong thành có cô gái tên
là Tu Man, con gái trưởng giả tới phiên mình phải vào cung vua, bèn khỏa thân
đi chân không giữa đám đông, chẳng hổ thẹn gì cả. Mọi người trông thấy bèn bảo
nhau:
-
- Ðây là con gái trưởng giả nổi
tiếng khắp nơi, tại sao lại khỏa thân đi giữa đám đông chẳng khác gì lừa!
-
Cô gái bảo mọi người:
-
- Tôi chẳng phải lừa, mấy người các
Ông mới là lừa. Các Ông có thấy đàn bà gặp đàn bà mà hổ thẹn sao? Chúng sanh
trong thành này đều là đàn bà. Chỉ có thái tử Thanh Tịnh là đàn ông. Nếu tôi
đến cửa cung của thái tử Thanh Tịnh, tôi sẽ mặc y phục.
-
Khi ấy nhân dân trong thành bảo
nhau:
-
- Cô này nói thật vừa ý tôi. Chúng
ta thực là đàn bà chẳng phải đàn ông. Chỉ có thái tử Thanh Tịnh mới là đàn
ông. Hôm nay chúng ta sẽ làm đàn ông.
-
Rồi, nhân dân trong thành, sắm sửa
chiến cụ, mặc giáp cầm gậy, đến cung vua, tâu vua rằng:
-
- Chúng thần muốn xin hai điều, xin
vua chấp nhận.
-
Vua hỏi:
-
- Hai điều gì?
-
Dân chúng tâu:
-
- Vua muốn còn sống, hãy giết thái
tử Thanh Tịnh. Thái tử muốn sống, nay hãy giết vua. Chúng tôi chẳng chịu phụng
sự thái tử Thanh Tịnh, làm nhục phép nước.
-
Khi ấy, nhà vua bèn nói kệ:
-
'Vì nhà, mất một người,
-
Vì làng, mất một nhà,
-
Vì nước, mất một làng,
-
Vì thân, mất thế gian'.
-
Vua nói kệ xong, bảo dân chúng
rằng:
-
- Nay chính phải lúc, tùy ý các
Ngươi.
-
Mọi người liền đem thái tử Thanh
Tịnh trói hai tay dẫn ra ngoài thành. Họ bảo nhau:
-
- Chúng ta cùng lấy ngói, đá ném
chết. Ðâu cần một người giết làm chi!
-
Thái tử Thanh Tịnh lúc sắp chết,
nói lời thề rằng:
-
- Các Người giết ta oan uổng. Vì
chính vua cha cho phép ta. Nay ta chịu chết cũng chẳng dám từ. Mong ta đời sau
sẽ báo được oán này, lại khiến ta gặp được bậc Chân nhân La-hán mau được giải
thoát.
-
Khi đó nhân dân giết thái tử xong,
giải tán đi.
-
Các Tỳ-kheo, chớ xem như thế! Bấy
giờ vua Ðại Quả đâu phải ai lạ, nay chính là thầy của Ương-quật-ma đấy. Dâm nữ
lúc đó nay là vợ của ông thầy. Nhân dân bấy giờ, nay là tám vạn dân bị chết,
đó là như vậy. Thái tử Thanh Tịnh nay là Tỳ-kheo Ương-quật-ma. Lúc sắp chết
ông ấy thệ nguyện như vậy nay trở lại báo oán không người nào thoát khỏi tay,
do nhân duyên này giết hạn vô hạn. Sau ông ấy lại nguyện muốn gặp Phật, giờ
được giải thoát, thành A-la-hán. Ðây là ý nghĩa, nên nhớ vâng làm. Khi ấy, Thế
Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-
- Trong hàng đệ tử của ta, người có
trí thông minh mau lẹ, là Tỳ-kheo Ương-quật-ma.
-
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy
xong, hoan hỷ vâng làm.
- --o0o--
|
|