|
- Thư Viện Chùa Dược Sư
- KINH TẠNG
-
- KINH
TĂNG NHẤT A HÀM
- Việt Dịch: Hòa Thượng
Thích Thanh Từ
Hiệu Đính: Hòa Thượng Thích Thiện Siêu
- Viện Nghiên Cứu Phật
Học Việt Nam
PL 2541 - TL 1997
-
- TẬP
BA
- 4
-
XXXXVIII.2. Phẩm Thập Bất Thiện (2)
-
-
4. Tôi nghe như vầy,
-
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng
Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
-
Bấy giờ, phần đông các Tỳ-kheo nhóm
họp tại giảng đường Phổ Hội, mỗi người khởi luận nghị thế này: 'Nay Như Lai
rất kỳ lạ, rất đặc biệt đối với các đức Phật quá khứ đã nhập Niết-bàn, cũng
lại biết tên họ, chủng tộc kia, trì giới, tùy tùng, thảy đều biết rõ,
tam-muội, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, thọ mạng dài ngắn, thảy
đều biết. Thế nào chư Hiền? Ðó là Như Lai phân biệt pháp xứ rất thanh tịnh, mà
biết tên họ, chỗ phát xuất của chư Phật kia chăng? Hay là chư Thiên đến chỗ
Phật mách bảo?'
-
Bấy giờ, Thế Tôn dùng Thiên nhĩ
nghe thấu điều bàn luận của đa số các Tỳ-kheo, bèn đến chỗ các Tỳ-kheo, ngồi
vào tòa chính giữa. Phật bảo các Tỳ-kheo:
-
- Các Thầy nhóm ở đây bàn luận việc
gì? Muốn nói pháp gì?
-
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
-
- Chúng con nhóm ở đây bàn về yếu
chỉ Chánh pháp. Mọi người dấy khởi luận nghị này: 'Như Lai rất kỳ lạ, rất đặc
biệt, mới có thể biết tên họ, danh hiệu của các đức Phật Thế Tôn quá khứ, trí
tuệ nhiều ít thảy đều biết rõ. Rất lạ thay! Thế nào, chư Hiền, là Như Lai phân
biệt pháp giới rất thanh tịnh, biết tên họ nơi phát xuất của chư Phật kia
chăng? Hay là chư thiên đến chỗ Phật mách bảo chăng?
-
Phật bảo các Tỳ-kheo:
-
- Các Thầy muốn nghe sức trí thần
của chư Phật quá khứ chăng? Muốn biết tên họ, danh hiệu, thọ mạng dài ngắn
chăng?
-
Các Tỳ-kheo thưa:
-
- Nay chính đúng thời, cúi xin Thế
Tôn diễn bày nghĩa ấy.
-
Phật bảo các Tỳ-kheo:
-
- Các thầy khéo nghĩ nhớ, Ta sẽ vì
các thầy nói rộng nghĩa này.
-
Bấy giờ đại chúng Tỳ-kheo vâng lời
Phật dạy, Phật bảo:
-
- Tỳ-kheo nên biết! Quá khứ chín
mươi mốt kiếp về trước, có Phật xuất thế, hiệu Tỳ-bà-thi Như Lai Chí Chơn Ðẳng
Chánh Giác. Lại nữa, ba mươi mốt kiếp về trước có Phật xuất thế hiệu Thi-khí
Như Lai Chí Chơn Ðẳng Chánh Giác. Lại, trong kiếp ba mươi mốt ấy có Phật hiệu
là Tỳ-xá-la-bà Như Lai xuất thế. Trong Hiền kiếp này có Phật xuất thế hiệu
Câu-lâu-tôn Như Lai. Lại trong Hiền kiếp ấy có Phật xuất thế hiệu
Câu-na-hàm-mâu-ni Như Lai Chí chơn Ðẳng Chánh Giác. Lại trong Hiền kiếp có
Phật xuất thế hiệu Ca-diếp. Lại trong Hiền kiếp, Ta xuất thế là Thích-ca Văn
Như Lai Chí Chơn Ðẳng Chánh Giác.
-
Bấy giờ, Phật bèn nói kệ:
-
Trong chín mươi mốt kiếp,
-
Có Phật Tỳ-bà-thi,
-
Trong kiếp ba mươi mốt,
-
Phật thi-khí xuất hiện.
-
Cũng trong Hiền kiếp ấy,
-
Phật Tỳ-xá xuất hiện,
-
Ngày nay trong Hiền kiếp,
-
Bốn Phật lại xuất thế.
-
Câu-tôn, Na, Ca-diếp
-
Như trời chiếu thế gian,
-
Muốn biết tên họ ấy,
-
Danh hiệu kia như thế.
-
Phật Tỳ-bà-thi phát xuất từ dòng
Sát-lợi. Phật Thi-khí cũng phát xuất từ dòng Sát-lợi. Phật Tỳ-xá-la-bà cũng
phát xuất từ dòng Bà-la-môn. Phật Câu-lưu-tôn xuất phát từ dòng Bà-la-môn.
Phật Câu-na-hàm-mâu-ni phát xuất từ Bà-la-môn, Phật Ca-diếp phát xuất từ dòng
Bà-la-môn. Như nay Ta phát xuất dòng Sát-lợi.
-
Phật bèn nói kệ:
-
Các Phật trước, xuất hiện,
-
Ðều từ dòng Sát-lợi,
-
Câu-tôn đến Ca-diếp,
-
Xuất từ Bà-la-môn.
-
Trên hết không ai sánh,
-
Nay Ta, thầy Trời Người,
-
Các căn đều vắng lặng,
-
Xuất từ dòng Sát-lợi.
-
Phật Tỳ-bà-thi họ Cù-đàm, Phật
thi-khí cũng họ Cù-đàm, Phật Tỳ-xá-la-bà cũng họ Cù-đàm. Phật Ca-diếp họ
Ca-diếp. Phật Câu-lưu-tôn, Phật Câu-na-hàm-mâu-ni cũng từ họ Ca-diếp như trên
không khác. Nay Ta, họ Cù-đàm.
-
Thế Tôn bèn nói kệ:
-
Ba đức Phật ban đầu,
-
Ðều từ họ Cù-đàm,
-
Ba Phật sau, Ca-diếp,
-
Ðều từ họ Ca-diếp.
-
Như Ta ở hiện tại,
-
Trời, Người đều kính vâng,
-
Các căn rất vắng lặng,
-
Xuất từ họ Cù-đàm.
-
Tỳ-kheo nên biết! Phật Tỳ-bà-thi họ
Câu-lân-nhã. Phật Thi-khí cũng từ Câu-lân-nhã. Phật tỳ-xá-la-bà cũng từ
Câu-lân-nhã. Phật Câu-lưu-tôn từ Bà-la-đọa. Phật Câu-na-hàm-mâu-ni cũng từ
Bà-la-đọa. Phật Ca-diếp cũng từ Bà-la-đọa. Như Ta ngày nay, Như Lai Chí Chơn
Ðẳng Chánh Giác phát xuất từ Câu-lân-nhã.
-
Thế Tôn bèn nói kệ:
-
Ba đức Phật ban đầu,
-
Xuất từ Câu-lân-nhã,
-
Ba Phật sau, Ca-diếp,
-
Xuất từ Bà-la-đọa.
-
Như Ta ở hiện tại
-
Trời, Người đều kính vâng,
-
Các căn rất vắng lặng
-
Xuất từ Câu-lân-nhã.
-
Phật Tỳ-bà-thi ngồi dưới cội cây
hoa Ba-la-lợi thành Phật đạo. Phật Thi-khí ngồi dưới cội cây Phân-đà-lợi thành
Phật đạo. Phật Tỳ-xá-la-bà ngồi dưới cội cây Ba-la thành Phật đạo. Phật
Câu-lưu-tôn ngồi dưới cội cây Thi-lợi-sa thành Phật đạo. Phật
Câu-na-hàm-mâu-ni ngồi dưới cột cây Ưu-đầu-bạt-la thành Phật đạo. Phật Ca-diếp
ngồi dưới cội cây Ni-câu-lưu thành Phật đạo. Như Ta ngày nay ngồi dưới cội cây
Cát tường thành Phật đạo.
-
Thế Tôn bèn nói kệ:
-
Phật ban đầu hành đạo,
-
Dưới cây Ba-la-lợi,
-
Thi-khí, Phân-đà-lợi,
-
Tỳ-xá, cây Ba-la,
-
Câu-tôn, cây Thi-lợi,
-
Câu-na, cây Bạt-la,
-
Ca-diếp, cây Câu-lưu,
-
Ta thành đạo, Cát tường.
-
Bảy Phật, trời trong trời,
-
Chiếu sáng nơi thế gian,
-
Nhân duyên ngồi dưới cây,
-
Ðều thành đạo quả Phật.
-
Phật Tỳ-bà-thi có mười sáu vạn tám
nghìn đệ tử. Phật Thi-khí có mười sáu vạn đệ tử. Phật Tỳ-xá-la-bà có mười vạn
đệ tử. Phật Câu-lưu-tôn có tám vạn đệ tử. Phật Câu-na-hàm-mâu-ni có bảy vạn đệ
tử. Phật Ca-diếp có sáu vạn đệ tử. Như Ta ngày nay có một ngàn hai trăm năm
mươi đệ tử đều là bậc A-la-hán, các lậu vĩnh viễn chấm dứt, không còn các trói
buộc.
-
Thế Tôn bèn nói kệ:
-
Trăm ngàn sáu vạn tám,
-
Ðệ tử Tỳ-bà-thi,
-
Trăm ngàn và sáu vạn,
-
Ðệ tử Phật Thi-khí,
-
Trăm ngàn chúng Tỳ-kheo,
-
Ðệ tử Ty-xá-bà,
-
Câu-tôn, tám vạn chúng,
-
Câu-na-hàm, bảy vạn,
-
Ca-diếp, sáu vạn chúng,
-
Ðều là A-la-hán.
-
Nay Ta là Thích-ca,
-
Nghìn hai trăm năm mươi,
-
Ðều là hạnh Chơn nhơn,
-
Giáo hóa ở hiện tại,
-
Pháp để lại, đệ tử.
-
Số ấy không thể tính.
-
Phật Tỳ-bà-thi có thị giả tên Ðại
Ðạo Sư, Phật-Thi-khí có thị giả tên Thiện Giác. Phật Tỳ-xá-la-bà có thị giả
tên Thắng Chúng. Phật Câu-lưu-tôn có thị giả tên Cát Tường. Phật
Câu-na-hàm-mâu-ni có thị giả tên Tỳ-la-tiên. Phật Ca-diếp có thị giả tên Ðạo
Sư. Thị giả hiện nay của Ta tên A-nan.
-
Thế Tôn bèn nói kệ:
-
Ðại Ðạo và Thiện Giác,
-
Thắng Chúng và Cát Tường,
-
Tỳ-la-tiên, Ðạo Sư,
-
A-nan, hàng thứ bảy,
-
Người này cúng dường Thánh,
-
Không câu nệ thời giờ,
-
Ðọc tụng và thọ trì,
-
Không mất nghĩa lý kia.
-
Phật Tỳ-bà-thi thọ tám vạn bốn
nghìn tuổi. Phật Thi-khí thọ bảy vạn tuổi. Phật Tỳ-xá-la-bà thọ sáu vạn tuổi.
Phật Câu-lưu-tôn thọ năm vạn tuổi. Phật Câu-na-hàm-mâu-ni thọ bốn vạn tuổi.
Phật Ca-diếp thọ hai vạn tuổi. Như Ta ngày nay tuổi thọ giảm xuống rất nhiều,
thọ mạng nhiều nhất không quá trăm tuổi.
-
Thế Tôn bàn nói kệ:
-
Phật đầu, tám vạn tư,
-
Phật kế, bảy vạn tuổi
-
Tỳ-xá-bà, sáu vạn,
-
Câu-lưu-thọ năm vạn,
-
Hai vạn cộng hai vạn,
-
Tuổi thọ Câu-na-hàm,
-
Ca-diếp thọ hai vạn
-
Chỉ Ta thọ trăm năm.
-
Như thế, này các Tỳ-kheo! Như Lai
quán sát biết tên họ, danh hiệu của chư Phật, thảy đều rành rẽ, dòng họ, xuất
xứ đều thấu triệt, trì giới, trí tuệ, thiền định, giải thoát, thảy đều biết
rõ.
-
Bấy giờ, tôn giả A-nan bạch Phật:
-
- Như Lai cũng nói: Hằng sa chư
Phật đã diệt độ ở quá khứ, Như Lai cũng biết. Hằng sa chư Phật tương lai sẽ
xuất hiện, Như Lai cũng biết. Vì sao Phật không dự ký việc làm của bao nhiêu
Phật, mà nay chỉ nói về sự việc của bảy đức Phật?
-
Phật bảo A-nan:
-
- Ðều có gốc ngọn nhân duyên nên Ta
nói sự việc của bảy đức Phật. Hằng sa chư Phật thời quá khứ cũng chỉ nói về sự
việc của bảy đức Phật. Tương lai, khi Phật Di-lặc xuất hiện, cũng sẽ chỉ dự ký
về sự việc của bảy đức Phật. Nếu khi Phật Sư Tử Ứng ra đời, cũng sẽ chỉ nói về
sự việc của bảy đức Phật. Nếu khi Phật Thừa Nhu Thuận ra đời, cũng sẽ chỉ nói
về sự việc của bảy đức Phật. Nếu khi Phật Quang Diệm ra đời, cũng sẽ chỉ nói
về sự việc bảy đức Phật. Nếu khi Phật Vô Cầu xuất hiện, cũng sẽ chỉ nói về sự
việc của Phật Ca-diếp. Nếu khi Phật Bảo Quang ra đời, cũng sẽ nói về sự việc
của Phật Thích-ca Văn.
-
Bấy giờ Thế Tôn bèn nói kệ:
-
Sư tử, Thừa Nhu, Quang,
-
Vô Cấu và Bảo Quang,
-
Thứ lớp sau Di-lặc,
-
Ðều sẽ thành Phật đạo.
-
Di-lặc ghi Thi-khí
-
Sư Tử ghi Tỳ-xá
-
Nhu Thuận ghi Câu-tôn
-
Quang Diệm ghi Mâu-ni
-
Vô Cấu ghi Ca-diếp,
-
Ðều nói duyên đời trước,
-
Bảo Quang thành Phật sau,
-
Cũng sẽ ghi hiệu Ta.
-
Chư Phật đời quá khứ,
-
Và chư Phật tương lai,
-
Ðều dự ghi bảy Phật
-
Gốc ngọn việc xa xưa.
-
Do nhân duyên này, nên Như Lai ghi
danh hiệu bảy đức Phật.
-
A-nan bạch Phật:
-
- Kinh này tên gì? Nên phụng trì
thế nào?
-
Phật bảo A-nan:
-
- Kinh này tên 'Ghi danh hiệu
Phật', nên ghi nhớ vâng làm.
-
Bấy giờ, A-nan và các Tỳ-kheo nghe
Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
-
5. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời Phật ở tại nước La-duyệt,
vườn trúc Ca-la-đà.
-
Bấy giờ, trưởng giả Sư Tử đã đến
chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cúi đầu lễ chân Tôn giả, lui ngồi một bên. Trưởng giả
Sư Tử bạch Tôn giả Xá-lợi-phất:
-
- Cúi xin Tôn giả nhận lời thỉnh
của con.
-
Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất im lặng
nhận lời. Trưởng giả thấy Tôn im lặng nhận lời,liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lễ
chân Tôn giả rồi lui. Trưởng giả lại đến chỗ các vị Mục-kiền-liên, Ly-việt,
Ðại Ca-diếp, A-na-luật, Ca-chiên-diên, Mãn-từ Tử, Ưu-ba-ly, Tu-bồ-đề, La-vân
và Sa-di Quân-đầu ... thỉnh các thượng thủ như thế, gồm năm trăm người.
-
Trưởng giả Sư Tử liền trở về, sắm
sửa đủ các thức ăn uống rất ngon, trải tòa ngồi đẹp, rồi đến thưa rằng:
-
- Ðến giờ, các vị A-la-hán chân
nhân đã không từ chối. Nay thức ăn đã dọn, cúi xin quang lâm đến nhà.
-
Bấy giờ các đại Thanh văn đều đắp
ba y, mang bát, vào thành đến nhà trưởng giả. Trưởng giả thấy chư tôn đều vào
chỗ đã định, bèn tự tay mình sớt các thức ăn uống. Thấy Thánh chúng ăn xong,
đem nước sạch rửa tay, cúng dường mỗi vị một tấm lụa trắng, trước từng người,
nhận lời chú nguyện.
-
Tôn giả Xá-lợi-phất vì trưởng giả
nói pháp vi diệu, rồi rời tòa đi ra, trở về tịnh thất. Bấy giờ, Tôn giả La-vân
đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên. Phật hỏi:
-
- Hôm nay Thầy từ nơi nào đến?
-
La-vân thưa:
-
- Hôm nay có trưởng giả Sư Tử
thỉnh.
-
Phật hỏi:
-
- Thế nào, La-vân! Thức ăn ngon hay
không ngon, là tế hay là thô?
-
La-vân thưa:
-
- Thức ăn rất ngon và nhiều. Tấm
lụa trắng này là do trưởng giả ấy cúng.
-
Phật bảo La-vân:
-
- Chúng Tăng có bao nhiêu người? Ai
là Thượng tọa?
-
La-vân bạch Phật:
-
- Tôn giả Xá-lợi-phất là Thượng
thủ, và chư đệ tử Thần đức năm trăm người.
-
Phật bảo La Vân:
-
- Thế nào, La Vân! Trưởng giả ấy
được phước nhiều chăng?
-
La Vân bạch Phật:
-
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Trưởng
giả ấy được phước báu không thể tính kể. Cúng một A-la-hán, phước ấy khó hạn
lượng, huống gì là bậc thần diệu lớn, Người, Trời đều cung kính. Nay năm trăm
người đều là Chân nhân, phước ấy làm sao có thể lường.
-
Phật bảo La-vân:
-
- Nay công đức cúng dường năm trăm
La-hán, nếu thứ lớp thỉnh một Sa-môn trong chúng, thỉnh rồi cúng dường thì so
sánh phước cúng dường do chúng cử, và phước cúng cho năm trăm La-hán, phước
trên hơn gấp trăm ngàn lần, ức vạn lần, không thể dùng thí dụ so sánh. Vì sao?
Người do chúng cử, phước khó hạn lượng, đến chỗ cam lồ, diệt tận. La-vân nên
biết! Như có người tự thệ rằng: 'Tôi sẽ uống nước của các sông ngòi'. Người ấy
có kham chăng?
-
La-vân bạch Phật:
-
- Thưa không, bạch Thế Tôn! Vì sao?
Ðất Diêm-phù này rất rộng lớn, cõi này có bốn con sông lớn. Một là sông Hằng,
hai là sông Tân-đầu, ba là sông Tư-đà, bốn là sông Bác-xoa, mỗi con sông có
năm trăm sông nhỏ, song người ấy không thể uống hết nước, chỉ nhọc sức mà việc
không thành.
-
Phật bảo:
-
- Người ấy lại nói thế này: 'Ta tự
có phương tiện nhân duyên, có thể uống hết nước'. Thế nào là nhân duyên uống
hết nước'. Thế nào là nhân duyên uống hết nước? Người ấy nghĩ thế này: 'Ta sẽ
uống nước biển. Vì sao? Tất cả các dòng sông đều đổ vào biển'. Thế nào,
La-vân! Người ấy có thể uống hết nước chăng?
-
La-vân bạch Phật:
-
- Phương tiện như thế, có thể uống
hết nước khiến cạn. Vì sao? Tất cả các dòng sông đều đổ vào biển. Do nhân
duyên này, người ấy uống hết nước.
-
Phật bảo La-vân:
-
- Ðúng thế, La-vân! Tất cả sự cúng
dường riêng như dòng sông, hoặc được phước hoặc không được phước. Chúng Tăng
như biển lớn. Vì sao? Vì nước sông, suối đều chảy về biển và mất tên riêng của
nó, chỉ có tên biển lớn. La-vân! Ðây cũng như thế. Nay mười hạng người này đều
xuất phát từ trong chúng, không có chúng không thành. Thế nào là mười? Ðó là
Hướng Tu-đà-hoàn, Ðắc Tu-đà-hoàn; Hướng Tư-đà-hàm, Ðắc Tư-đà-hàm; Hướng
A-na-hàm, Ðắc A-na-hàm, Hướng A-la-hán, Ðắc A-la-hán, Bích-chi Phật và Phật.
Ðó là mười bậc đều do trong chúng, không tự đứng riêng rẽ.
-
La-vân! Do phương tiện này nên
biết, người do chứng cử, phước ấy không thể hạn lượng. Cho nên, La-vân! Thiện
nam tử, thiện nữ chơn muốn cầu phước vô lượng, nên cúng dường Thánh chúng.
La-vân nên biết! Cũng như có người đem bơ bỏ vào nước, bơ không tan, không lan
rộng. Nếu đem dầu chế vào nước, dầu lan đầy trên mặt, cho nên, này La-vân! Nên
nghĩ cúng dường Thánh chúng Tỳ-kheo Tăng. Như thế, La-vân, nên học điều này!
-
Bấy giờ trưởng giả Sư Tử nghe Phật
khen ngợi, nói về phước cúng dường chúng, không khen nói phước khác. Vào dịp
khác, trưởng giả đến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên. Trưởng
giả Sư Tử bạch Phật:
-
- Vừa nghe Như Lai khen ngợi phước
bố thí cho chúng, không khen ngợi phước thỉnh riêng người. Từ nay về sau, con
sẽ thường cúng dường Thánh chúng.
-
Phật bảo:
-
- Ta không nói thế này: 'Nên cúng
dường Thánh chúng, đừng cúng đường người khác'. Nay bố thí cho súc sanh còn
được phước, huống gì người khác. Ta chỉ nói phước có nhiều, ít. Vì sao? Thánh
chúng của Như Lai đáng kính, đáng quý, là phước điền trên hết của thế gian.
Nay trong chúng này có hàng hướng về bốn quả, đắc bốn quả và Thanh văn thừa,
Bích-chi Phật thừa, Phật thừa. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn muốn được
đạo quả Tam thừa, nên từ trong chúng tìm cầu. Vì sao? Ðạo quả Tam thừa đều
phát xuất từ chúng Tăng. Trưởng giả! Ta quan sát nghĩa lý nhân duyên này nên
nói lời này. Ta cũng không dạy người nên bố thí cho Thánh chúng mà không nên
bố thí cho người khác.
-
Trưởng giả bạch Phật:
-
- Ðúng thế, như lời Phật dạy. Từ
nay về sau, nếu làm phước nghiệp, con sẽ cúng dường hết Thánh chúng, không
chọn người để bố thí.
-
Bấy giờ Thế Tôn vì trưởng giả nói
pháp vi diệu, khiến sanh tâm vui mừng. Trưởng giả nghe pháp xong liền đứng
dậy, cúi đầu lễ chân Phật, lui ra.
-
Trưởng giả Sư tử có ý muốn bố thí,
tạo phước nghiệp. Bấy giờ chư Thiên đến nói:
-
- Ðây là người Hướng Tu-đà-hoàn,
đây là người Ðắc Tu-đà-hoàn. Bố thí người này phước nhiều, bố thí này được
phước ít.
-
Chư Thiên liền nói kệ:
-
Như Lai khen chọn thí,
-
Cho các Ðại đức này,
-
Cúng đây, được phước nhiều,
-
Như ruộng tốt mọc lúa.
-
Trưởng giả Sư Tử im lặng không trả
lời.
-
Chư Thiên lại nói với trưởng giả:
-
- Ðây là người trì giới, đây là
người phạm giới, đây là người Hướng Tu-đà-hoàn, đây là người Ðắc Tu-đà-hoàn.
Ðây là người Hướng Tư-đà-hàm, đây là người Ðắc Tư-đà-hàm. Ðây là người Hướng
A-na-hàm, Ðây là người đắc A-na-hàm. Ðây là người Hướng A-la-hán, đây là người
Ðắc A-la-hán. Ðây là Thanh văn thừa, đây là Bích-chi thừa, đây là Phật thừa.
Cho đây được phước ít, cho đây được phước nhiều.
-
Trưởng giả Sư Tử im lặng không đáp.
Vì sao? Vì ông chỉ nhớ lời dạy bảo của Phật, không lựa chọn mà bố thí.
-
Lại vào thời gian khác, trưởng giả
đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên, thưa rằng:
-
- Con tự nhớ, khi con thỉnh Thánh
chúng thọ trai, có chư Thiên đến với con rằng: 'Ðây là người trì giới, đây là
người phạm giới. Người này Hướng Tu-đà-hoàn, người này Ðắc Tu-đà-hoàn, cho đến
hàng Tam thừa, thảy đều phân biệt, Chư Thiên lại nói kệ này:
-
Như Lai khen chọn thí,
-
Cho các Ðại đức này,
-
Cúng đây được phước nhiều,
-
Như ruộng tốt mọc lúa.
-
Khi ấy, con lại nghĩ thế này: 'Lời
dạy của Như Lai không nên trái, ta há lại sanh tâm chọn lựa để bố thí ư?' Trọn
không có tâm phải quấy và ý niệm cao thấp. Khi ấy con lại nghĩ rằng: 'Ta sẽ bố
thí cho hết thảy tất cả chúng sanh. Nếu người trì giới thì được phước vô cùng,
nếu người phạm giới thì tự chịu tai họa'. Chỉ thương chúng sanh nếu phạm giới
thì tự chịu tai họa'. Chỉ thương chúng sanh nếu không được ăn, thì không được
cứu giúp mạng sống.
-
Phật bảo trưởng giả:
-
- Lành thay! Lành thay! Thệ nguyện
rộng lớn bồ tát khi bố thí thì tâm thường bình đẳng. Trưởng giả nên biết, vào
ngày Bồ-tát bố thí, chư Thiên đến bảo rằng: 'Nhà hào quý nên biết, đây là
người trì giới, đây là người phạm giới. Bố thí người này được phước nhiều, bố
thí người này được phước ít'. Bấy giờ Bồ-tát trọn không sanh tâm này: 'Nên bố
thí người này, không nên bố thí người này'. Tâm Bồ-tát thuần thục không có thị
phi, cũng chẳng nói đây là trì giới, đây là phạm giới. Cho nên, Trưởng giả nên
nghĩ bố thí bình đẳng, được phước vô lượng lâu dài.
- Khi
ấy, trưởng giả Sư-tử nhớ lời Như Lai dạy, thành kính nhìn Thế Tôn, ý không lay
động liền tại chỗ ngồi được pháp nhãn tịnh. Trưởng giả Sư-Tử liền từ chỗ ngồi
đứng dậy, cúi đầu lễ chân Phật, lui đi ra. Trưởng giả đi chưa bao lâu, Phật
bảo các Tỳ-kheo:
-
- Trưởng giả Su-tử này do nhờ bố
thí bình đẳng, lại chiêm ngưỡng Như Lai từ đầu đến chân, liền tại chỗ ngồi
được pháp nhãn tịnh.
-
Phật bảo các Tỳ-kheo:
-
- Trong số đệ tử Ưu-bà-tắc của Ta,
người bố thí bình đẳng nhất là trưởng giả Sư-tử.
-
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy
xong, vui vẻ vâng làm.
-
6. Tôi nghe như vầy:
-
Một thời đức Phật ở tại thành
La-duyệt, vườn trúc Ca-lan-đà, cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người câu
hội.
-
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất ở tại
núi Kỳ-xá-quật, nơi chỗ vắng, vá y cũ. Khi ấy có mười ngàn chư Thiên cõi
Phạm-ca-di từ nơi ấy ẩn, đến chỗ Xá-lợi-phất, cúi đầu lễ chân Tôn giả, đi
quanh hầu Tôn giả, lại dùng kệ này khen ngợi:
-
Quy mạng bậc thượng nhơn,
-
Quy mạng bậc Tôn quý,
-
Nay chúng tôi chẳng biết
-
Y cứ những Thiền nào.
-
Khi ấy, mười ngàn chư Thiên cõi
Phạm-ca-di nói kệ xong, Xá-lợi-phất im lặng chấp nhận. Chư thiên thấy
Xá-lợi-phất im lặng chấp nhận rồi, liền làm lễ dưới chân rồi đi. Chư Thiên đi
chưa xa, Xá-lợi-phất liền nhập Kim cang tam-muội.
-
Khi ấy, có hai con quỷ, một tên
Già-la, một tên Ưu-ba-già-la, do Tỳ-sa-môn Thiên vương sai đi đến chỗ Thiên
vương Tỳ-lưu-lặc (Thiên vương Tăng Trưởng), muốn bàn luận việc Trời, Người.
Lúc đó, hai quỷ ấy bay qua hư không, xa thấy Xá-lợi-phất ngồi kiết-già, buộc
niệm ở trước, tâm ý vắng lặng định tĩnh. Quỷ Già-la bảo quỷ kia rằng:
-
- Nay ta có thể dùng chưởng đánh
ngay đầu Sa-môn kia.
-
Quỷ Ưu-ba-già-la nói:
-
- Ngươi chớ khởi ý niệm đánh vào
đầu Sa-môn. Vì sao? Sa-môn ấy rất có thần đức, có oai lực lớn. Tôn danh vị ấy
là Xá-lợi-phất, trong hàng đệ tử Thế Tôn không ai thông minh, tài cao hơn
người này, là bậc trí tuệ đệ nhất trong hàng đệ tử Phật. Ngươi làm việc ấy
chịu khổ vô lượng lâu dài.
-
Quỷ Già-la cứ hai ba lần bảo:
-
- Ta có thể đánh vào đầu Sa-môn ấy.
-
Quỷ Ưu-ba-già-la lại bảo:
-
- Nay Ngươi không nghe theo lời ta,
Ngươi cứ ở đây, ta sẽ bỏ Ngươi đi.
-
Ác quỷ ấy hỏi:
-
- Ngươi sợ Sa-môn ấy sao?
-
Quỷ Ưu-ba-già-la bảo:
-
- Thật ta sợ. Nếu Ngươi lấy tay
đánh vào đầu Sa-môn này, đất sẽ nứt đôi. Rồi sẽ có gió bão, mưa dữ, đất đai
rúng động, chư Thiên kinh động. Ðất đã rúng động, Tứ Thiên vương cũng sẽ kinh
sợ. Tứ Thiên vương đã biết, chúng ta không yên đâu.
-
Khi ấy, ác quỷ cứ nói:
-
- Nay ta có thể làm nhục Sa-môn
này.
-
Thiện quỷ nghe rồi liền bỏ đi. Ác
quỷ kia liền lấy tay đánh vào đầu Xá-lợi-phất. Ngay khi ấy, trời đất chấn động
mạnh, bốn phía cuồng phong, mưa dữ tức thời thổi lên, đất liền nứt làm hai.
Toàn thân ác quỷ đều rơi vào địa ngục.
-
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất từ
chánh định dậy, chỉnh đốn y phục, xuống núi Kỳ-xà-quật, đi đến vườn trúc, đến
chỗ đức Thế Tô, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên.
-
Phật bảo Xá-lợi-phất:
-
- Nay thân thể Thầy, không bệnh tật
chăng?
-
Xá-lợi-phất thưa:
-
- Thân con không bệnh, chỉ có đầu
hơi đau.
-
Phật bảo:
-
Quỷ Già-la lấy tay đánh vào đầu
thầy. Nếu quỷ ấy dùng tay đấm núi Tu-di, núi Tu-di liền bể đôi. Vì sao? Vì quỷ
ấy có sức mạnh. Nay quỷ ấy chịu tội báo, toàn thân rơi vào địa ngục A-tỳ.
-
Phật bảo các Tỳ-kheo:
-
- Thật kỳ lạ! Thật đặc biệt! Sức
của Kim cang tam-muội đến như thế! Do sức của tam-muội này mà không bị tổn
hại. Giả sử núi Tu-di đánh vào đầu trọn không thể làm động đến mảy lông. Vì
sao như thế? Tỳ-kheo nghe đây:
-
Trong Hiền kiếp này có đức Phật
hiệu Câu-lưu-tôn, Như Lai Chí Chơn Ðẳng Chánh Giác. Ðức Phật ấy có hai đại
Thanh văn, một tên Ðẳng Thọ, một tên Ðại Trí. Tỳ-kheo Ðẳng Thọ có sức thần túc
bậc nhất, Tỳ-kheo Ðại Trí có trí tuệ bậc nhất. Như ngày nay, đệ tử Ta
Xá-lợi-phất trí tuệ bậc nhất, Mục-kiền-liên thần túc bậc nhất.
-
Bấy giờ, hai Tỳ-kheo Ðẳng Thọ và
Ðại Trí đều được Kim cang tam-muội. Vào một lúc nọ, Tỳ-kheo Ðẳng Thọ ở chỗ
vắng nhập Kim cang tam-muội. Khi ấy có các người chăn bò, chăn dê, người đốn
cúi, cắt cỏ, thấy Tỳ-kheo nầy tọa Thiền họ bảo nhau rằng:
-
- ' Hôm nay Sa-môn này đã chết'.
- Các
người chăn bò và đốn củi, bèn gom các cỏ khô, cây khô, chất lên mình thầy
Tỳ-kheo, châm lửa đốt rồi bỏ đi. Khi Tỳ-kheo Ðẳng Thọ từ chánh định xuất,
chỉnh đốn y phục, rời chỗ ngồi mà đi. Tỳ-kheo cũng vào ngày đó, đắp y mang bát
vào làng khất thực. Các người đốn củi thấy thầy Tỳ-kheo khất thực trong làng,
đều bảo nhau:
-
- 'Thầy Tỳ-kheo ngày hôm qua đã
chết, chúng ta lấy lửa hỏa thiêu, ngày nay sống lại, nay nên đặt tên là Hoàn
Hoạt (sống lại)'.
-
Nếu có Tỳ-kheo được Kim cang
tam-muội, lửa không đốt được, dao không chặt được, vào nước không chìm, không
bị người khác làm tổn thương. Như thế, này Tỳ-kheo! Kim cang tam-muội oai đức
như thế. Nay Xá-lợi-phất được tam-muội này. Tỳ-kheo Xá-lợi-phất thường dạo
chơi hai chỗ, Không tam-muội và Kim cang tam-muội.
-
Cho nên, Tỳ-kheo nên tìm phương
tiện thực hành Kim cang tam-muội. Như thế, này các Tỳ-kheo nên học điều này!
-
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-
- Ta sẽ dạy các Thầy như Tỳ-kheo
Xá-lợi-phất ấy có trí tuệ, có sức trí lớn, trí phân biệt rộng, trí vô biên,
trí nhanh nhẹn, trí biết khắp, trí nhạy bén, trí thâm sâu, trí đoạn dứt; ít
muốn biết đủ, vắng lặng dũng mãnh, ý niệm không tán loạn, thành tựu giới,
thành tựu định, thành tựu tuệ, thành tựu giải thoát và giải thoát tri kiến;
nhu hòa không tranh cãi, bỏ việc ác rốt ráo, nhẫn các lời nói, khen ngợi việc
lìa ác, thường nhớ nghĩ xa lìa, thương xót các người ngu, làm Chánh pháp hưng
thạnh, vì người nói pháp không biết chán.
-
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
-
Mười nghìn chư Thiên nhơn,
-
Ðều là trời Tịnh Thân,
-
Tự quy Xá-lợi-phất,
-
Nơi đảnh núi Linh Thứu
-
Quy mạng bậc Thượng nhơn,
-
Quy mạng bậc Tôn quý,
-
Nay chúng tôi không biết,
-
Y cử những Thiền nào?
-
Như thế, Hoa đệ tử,
-
Trang nghiêm cội cây Phật,
-
Như vườn cây cõi trời,
-
Vui thích không thể sánh.
-
Ðệ tử Như Hoa tức là Tỳ-kheo
Xá-lợi-phất. Vì sao? Người này ắt hay trang nghiêm cội cây Phật, cội đạo thọ
tức là Như Lai vậy, Như Lai hay che trùm tất cả chúng sanh.
-
Cho nên, Tỳ-kheo nên nghĩ nhớ siêng
năng, gắng dõng mãnh tinh tấn như Tỳ-kheo Xá-lợi-phất. Như thế, này các
Tỳ-kheo, nên học điều này!
-
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy
xong, vui vẻ vâng làm.
- --o0o--
|
|