- 06. PHẨM VƯƠNG TƯƠNG ƯNG
-
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại Ma-đâu-lệ Sát-lợi[02],
trong rừng xoài, trên bờ sông Sử hà[03].
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Này các Tỳ-kheo, hãy tự mình thắp lên ngọn đèn
Chánh pháp. Hãy nương tựa nơi pháp của chính mình, chớ đừng
thắp lên ngọn đèn khác, đừng nương tựa một pháp khác[04].
“Này chư Tỳ-kheo, nếu ai tự mình thắp lên ngọn
đèn chánh pháp, tự nương tựa nơi pháp của chính mình, không
thắp lên ngọn đèn khác, không nương tựa một pháp khác, thì có
thể cầu học, được lợi và phước vô lượng. Vì sao?
“Này Tỳ-kheo, thuở xưa có vua tên là Kiên Niệm[05]
làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân
chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị Pháp vương như pháp,
thành tựu bảy báu, được bốn đức như ý của con người.
“Thành tựu bảy báu và được thành tựu bảy báu,
được bốn đức như ý của con người là như thế nào? Đã nói trước
đây[06]
về sự thành tựu bảy báu, được bốn đức như ý của con người.
“Bấy giờ vua Kiên Niệm, vào một thời gian sau,
thiên luân báu[07]
di chuyển, bỗng rời khỏi chỗ cũ. Có người trông thấy, đến chỗ
vua Kiên Niệm tâu rằng:
“– Tâu Thiên vương, nên biết rằng thiên luân
báu di chuyển, rời khỏi chỗ cũ.
“Vua Kiên Niệm nghe xong, bảo rằng:
“– Này thái tử, thiên luân báu của ta di
chuyển, rời khỏi chỗ cũ. Thái tử, chính ta từng nghe cổ nhân
nói rằng ‘Nếu thiên luân báu của Chuyển luân vương di chuyển,
rời khỏi chỗ cũ, thì vua ấy chắc chắn không còn sống lâu, mạng
vua không tồn tại lâu nữa. Này thái tử, ta đã hưởng dục lạc
nhân gian, nay ta sẽ cầu dục lạc thiên thượng. Này thái tử, ta
muốn cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình,
sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này thái tử, nay ta đem
bốn châu thiên hạ này giao phó cho con, con hãy chỉnh trị giáo
hóa đúng như pháp, chớ dùng phi pháp, không để trong nước có
người tạo ác nghiệp và phi phạm hạnh. Này thái tử, về sau nếu
con thấy thiên luân báu rời khỏi chỗ cũ một ít thì con cũng
phải đem việc quốc chính của nước này giao phó cho con của
con, khéo dạy bảo và ủy thác giang sơn lại cho nó, rồi con
cũng phải cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia
đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo.
“Bấy giờ vua Kiên Niệm giao phó đất nước lại
cho thái tử. Khéo dạy bảo xong, vua liền cạo bỏ râu tóc, mặc
áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất
gia học đạo. Sau khi vua Kiên Niệm xuất gia học đạo bảy ngày,
thiên luân báu ấy biến mất, không thấy.
“Lúc mất thiên luân, vua Sát-lợi Đảnh Sanh[08]
quá ưu sầu áo não, không hoan lạc. Vua Sát-lợi Đảnh Sanh liền
đến chỗ Tiên nhân, tức vua cha Kiên Niệm, thưa rằng:
“– Tâu Thiên vương, nên biết rằng, sau khi
Thiên vương học đạo mới bảy ngày thì thiên luân báu biến mất,
không thấy nữa.
“Cha là Tiên nhân, vua Kiên Niệm bảo con rằng:
“– Con chớ vì mất thiên luân báu mà nhớ tiếc,
ưu sầu. Vì sao? Vì con không được thiên luân báu này từ nơi
cha.
“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh thưa vua cha rằng:
“– Tâu Thiên vương, vậy con phải làm gì.
“Cha là Tiên nhân tức vua Kiên Niệm bảo con
rằng:
“– Con phải học pháp tương thừa[09].
Nếu học pháp tương thừa thì vào ngày rằm thuyết Tùng giải
thoát, sau khi tắm rửa và đi lên chánh điện, thiên luân báu ấy
chắc chắn sẽ từ phương Đông hiện đến, có ngàn căm và đầy đủ
các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo, màu
sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời.
“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh lại thưa cha rằng:
“– Tâu Thiên vương, pháp tương thừa như thế nào
mà Thiên vương muốn bảo con học, để lúc học rồi, vào ngày rằm,
thuyết Tùng giải thoát, sau khi tắm rửa và lên chánh điện,
thiên luân báu ấy sẽ từ phương Đông hiện đến, có ngàn căm và
đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người
tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời?
“Vua Kiên Niệm bảo con rằng:
“– Con hãy quán pháp như pháp, thực hành pháp
đúng như pháp. Hãy vì thái tử, hậu phi, thể nữ và các thần
dân, Sa-môn, Phạm chí, cho đến loài côn trùng mà phụng trì
trai giới vào những ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm, tu hạnh
bố thí. Bố thí cho những người nghèo khốn, Sa-môn, Phạm chí,
kẻ bần cùng, người cô độc từ các phương xa lại xin; đem đồ ăn
thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà
cửa, giường nệm, đệm lông, khăn quấn và cung cấp đèn dầu đầy
đủ. Nếu trong nước con có các bậc Thượng tôn danh đức, Sa-môn,
Phạm chí, thì con phải tùy thời đi đến chỗ của các vị đó để
hỏi pháp, thọ pháp như thế này: ‘Thưa chư tôn, thế nào là pháp
thiện, thế nào là pháp bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là
phước? Thế nào là diệu, thế nào là phi diệu? Thế nào là hắc,
thế nào là bạch? Pháp hắc bạch từ đâu sanh? Thế nào là mục
đích[10]
của cuộc đời này? Thế nào là mục đích của đời sau? Làm thế nào
để thọ thiện, không thọ ác?’ Khi được nghe xong, phải thực
hành đúng như lời các vị đã dạy. Nếu trong nước của con có kẻ
bần cùng thì hãy lấy của cải cung cấp đầy đủ. Này con, đó là
pháp tương thừa, con nên khéo học. Con đã khéo học thì vào
ngày rằm, thuyết Tùng giải thoát, sau khi tắm rửa và lên chánh
điện, chắc chắn Thiên luân báu ấy sẽ từ phương Đông hiện đến,
có ngàn căm và đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng
phải do người tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời.
“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh sau đó liền quán pháp
đúng như pháp, thực hành pháp đúng như pháp, đã vì thái tử,
hậu phi, thể nữ và các thần dân, Sa-môn, Phạm chí, cho đến
loài côn trùng mà phụng trì trai giới vào các ngày mồng tám,
mười bốn và mười lăm, tu hạnh bố thí. Bố thí cho những người
nghèo khốn, Sa-môn, Phạm chí, kẻ bần cùng, người cô độc từ các
phương xa lại xin; đã đem cho đồ ăn thức uống, y, mền, xe cộ,
tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông,
khăn quấn và cung cấp dầu đèn đầy đủ. Nếu trong nước của vua
có các bậc Thượng tôn danh đức, Sa-môn, Phạm chí thì vua tùy
thời đích thân đến chỗ các vị hỏi pháp, thọ pháp thế này:
“– Thưa chư tôn, thế nào là pháp thiện, thế nào
là pháp bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là phước? Thế nào
là diệu, thế nào là phi diệu? Thế nào là hắc, thế nào là bạch?
Pháp hắc bạch từ đâu sanh? Thế nào là mục đích của đời này?
Thế nào là mục đích của đời sau? Làm thế nào để thọ thiện mà
không thọ ác?
“Nghe xong, nhà vua thực hành đúng như pháp
những lời các vị đã dạy. Nếu trong nước của vua có kẻ bần
cùng, nhà vua liền lấy của cải tùy thời cung cấp đầy đủ. Sau
đó, vua Sát-lợi Đảnh Sanh vào ngày rằm, thuyết Tùng giải
thoát; sau khi tắm rửa và lên chánh điện, Thiên luân bảo ấy từ
phương Đông hiện đến, có ngàn căm và đầy đủ các bộ phận, thanh
tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo, màu sắc như ánh lửa,
chói lọi sáng ngời. Nhà vua đã được làm Chuyển luân vương,
cũng thành tựu bảy báu, cũng được bốn đức như ý của con người.
“Thành tựu bảy báu và được bốn đức như ý của
con người như thế nào? Điều này đã nói ở trước.
“Vua Chuyển luân vương ấy, vào một thời gian
sau, thiên luân báu bỗng nhiên rời khỏi chỗ cũ một ít, có
người trông thấy, liền đến chỗ vua Chuyển luân vương tâu rằng:
“– Tâu Thiên vương, nên biết cho rằng thiên
luân báu đã rời khỏi chỗ cũ một ít.
“Chuyển luân vương nghe xong liền bảo thái tử:
“– Này thái tử, thiên luân báu của ta đã rời
khỏi chỗ cũ. Này thái tử, ta từng nghe từ phụ vương ta là vua
Kiên Niệm nói như thế này: ‘Nếu thiên luân báu của vua Chuyển
luân vương rời khỏi chỗ cũ thì vua ấy chắc chắn không còn sống
lâu, mạng vua không còn tồn tại bao lâu nữa’. Này thái tử, ta
đã hưởng dục lạc của thế gian, nay ta cầu dục lạc thiên
thượng. Này thái tử, ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí
tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này
thái tử, con hãy chỉnh trị giáo hóa đúng như pháp, chớ đừng
phi pháp, không để cho trong nước có những người tạo ác nghiệp
và phi phạm hạnh. Này thái tử, về sau nếu con thấy thiên luân
báu rời khỏi chỗ cũ, thì con cũng phải đem việc quốc chính của
nước này giao phó lại cho con của con, khéo dạy bảo và ủy thác
giang sơn lại cho nó, rồi con cũng cạo bỏ râu tóc, mặc áo
ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia
học đạo.
“Bấy giờ, vua Chuyển luân vương ấy giao phó đất
nước cho thái tử, khéo dạy bảo xong, liền cạo bỏ râu tóc, mặc
áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất
gia học đạo. Sau khi vua Chuyển luân vương ấy xuất gia học đạo
được bảy ngày thì thiên luân báu ấy biến mất không thấy.
“Lúc mất thiên luân, vua Sát-lợi Đảnh Sanh
không ưu sầu mà lại nhiễm dục, trước dục, tham dục, không nhàm
tởm, bị dục trói buộc, bị lệ thuộc vào dục, không thấy tai họa
của dục, không biết sự xuất ly khỏi dục, tự cai trị đất nước
theo ý của mình nên đất nước suy vong, không phục hưng nổi.
Cũng như các vị Chuyển luân vương thuở xưa học pháp tương
thừa, nên đất nước nhân dân càng hưng thịnh thêm mãi, không hề
suy giảm; vua Sát-lợi Đảnh Sanh cũng lại như thế, tự cai trị
đất nước theo ý mình. Vì tự cai trị đất nước theo ý mình nên
đất nước suy vong, không phục hưng nổi.
“Bấy giờ, Phạm chí quốc sư đi quan sát tình
cảnh đất nước, thấy đất nước nhân dân đã suy vong, không phục
hưng nổi, liền nghĩ rằng: ‘Vua Sát-lợi Đảnh Sanh tự cai trị
đất nước theo ý của vua. Vì cai trị đất nước theo ý của vua
nên đất nước nhân dân đã suy vong, không phục hưng nổi. Cũng
như các bậc Chuyển luân vương thuở xưa học pháp tương thừa nên
đất nước nhân dân càng hưng thịnh thêm mãi, không hề suy giảm;
vua Sát-lợi Đảnh Sanh này cũng lại như thế, tự cai trị đất
nước theo ý của vua. Vì cai trị đất nước theo ý của vua nên
nhân dân đất nước đã suy vong, không phục hưng nổi. Phạm chí
quốc sư liền đến vua Sát-lợi Đảnh Sanh thưa rằng:
“– Tâu Thiên vương, nên biết rằng, Thiên vương
đã tự cai trị đất nước theo ý của Thiên vương. Vì đã cai trị
đất nước theo ý của Thiên vương nên đất nước nhân dân đã suy
giảm, không phục hưng nổi. Cũng như các vị Chuyển luân vương
thuở xưa học pháp tương thừa nên đất nước nhân dân càng hưng
thịnh mãi, không hề suy giảm. Nay Thiên vương cũng lại như
thế, cai trị đất nước theo ý của Thiên vương nên đất nước nhân
dân đã suy vong, không phục hưng nổi.
“Nghe xong, vua Sát-lợi Đảnh Sanh bảo rằng:
“– Này Phạm chí, ta phải làm thế nào?
Phạm chí trả lời:
“– Tâu Thiên vương, trong nước có người thông
minh trí tuệ, am tường toán số. Trong nước có đại thần và
quyến thuộc học kinh, hiểu rõ kinh, tụng tập, thọ trì pháp
tương thừa. Khi đã học pháp tương thừa thì vào ngày rằm thuyết
Tùng giải thoát, Thiên vương tắm rửa, lên chánh điện, thiên
luân báu ấy chắc chắn từ phương Đông hiện đến, có ngàn căm và
đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người
tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời.
“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh lại hỏi:
“– Này Phạm chí, pháp tương thừa như thế nào mà
Phạm chí muốn ta học, để lúc học rồi, vào ngày rằm, thuyết
Tùng giải thoát, sau khi tắm rửa và lên chánh điện, thiên luân
báu từ phương Đông hiện đến, có một ngàn căm, đầy đủ các bộ
phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người làm, màu sắc tự
như ánh lửa, chói lọi sáng ngời?
“Phạm chí quốc sư thưa rằng:
“– Tâu Thiên vương, Thiên vương hãy quán pháp
đúng như pháp, thực hành pháp đúng như pháp. Hãy vì thái tử,
hậu phi, thể nữ và các thần dân, Sa-môn, Phạm chí cho đến loài
côn trùng mà phụng trì trai giới. Vào những ngày mồng tám,
mười bốn và ngày rằm tu hạnh bố thí. Bố thí cho những người
nghèo khốn, Sa-môn, Phạm chí, kẻ bần cùng, người cô độc từ các
phương xa lại xin, đem cho đồ ăn thức uống, y, mền, xe cộ,
tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nằm, đệm lông,
chăn quấn và cung cấp đèn dầu đầy đủ. Nếu ở trong nước có
những bậïc thượng tôn danh đức, Sa-môn, Phạm chí thì Thiên
vương hãy tùy thời, đi đến chỗ của các ngài để hỏi pháp, thọ
pháp như thế này: ‘Thưa chư tôn, thế nào là pháp thiện, thế
nào là pháp bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là phước? Thế
nào là diệu, thế nào là phi diệu? Thế nào là hắc, thế nào là
bạch? Pháp hắc bạch từ đâu sanh? Thế nào là mục đích của đời
này? Thế nào là mục đích của đời sau làm thế nào để thọ thiện
mà không thọ ác?’ Khi đã được nghe xong, Thiên vương nên thực
hành đúng như lời các ngài đã dạy. Nếu trong nước của Thiên
vương có kẻ bần cùng thì nên lấy của cải trong cung để cung
cấp đầy đủ. Tâu Thiên vương, đó là pháp tương thừa, Thiên
vương nên khéo học và ghi nhớ, rồi vào ngày rằm thuyết Tùng
giải thoát, sau khi tắm rửa và lên chánh điện, Thiên vương,
thiên luân báu ấy chắc chắn sẽ từ phương Đông hiện đến, có một
ngàn căm và đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do
người tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời.
“Sau đó, vua Sát-lợi Đảnh Sanh liền quán pháp
đúng như pháp, thực hành đúng như pháp, vì thể nữ, hậu phi và
các thần dân, Sa-môn, Phạm chí cho đến loài côn trùng mà phụng
trì trai giới vào ngày mồng tám, mười bốn và ngày rằm, tu hành
bố thí, bố thí cho những người nghèo khốn, Sa-môn, Phạm chí,
kẻ bần cùng, người cô độc từ các phương xa lại xin, đem cho đồ
ăn, thức uống, y, mền, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương,
nhà cửa, giường nệm, đệm lông, khăn quấn và cung cấp đèn dầu
đầy đủ. Nếu trong nước có các bậc Thượng tôn danh đức, Sa-môn,
Phạm chí thì vua đã đích thân tùy thời đến chỗ các vị ấy để
hỏi pháp, thọ pháp như thế này:
“– Thưa chư tôn, thế nào là pháp thiện, thế nào
là pháp bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là phước? Thế nào
là diệu, thế nào là phi diệu? Thế nào hắc, thế nào là bạch?
Pháp hắc bạch từ đâu sanh? Thế nào là mục đích của đời này?
Thế nào là mục đích của đời sau? Làm thế nào để thọ thiện mà
không thọ ác?
“Khi đã nghe xong, nhà vua đã thực hành đúng
như lời các ngài đã chỉ bảo. Nhưng trong nước có người bần
cùng, vua không đem vật dụng cấp phát. Do đó kẻ nghèo khốn
không có của cải, đã nghèo khổ lại càng nghèo khổ hơn. Vì
nghèo khốn nên ăn trộm vật dụng của kẻ khác, vì ăn trộm nên bị
chủ nhân bắt trói đem đến vua Sát-lợi Đảnh Sanh, thưa rằng:
“– Tâu Thiên vương, người này ăn trộm vật dụng
của con, xin Thiên vương trừng trị.
“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh hỏi tội nhân:
“– Quả thật ngươi có ăn trộm?
Người ấy đáp:
“– Tâu Thiên vương, quả thật con có ăn trộm. Vì
sao? Tâu Thiên vương, vì nghèo khốn. Nếu không ăn trộm thì
không có gì để sống.
“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh liền đem của cải cấp
phát cho và nói với người ăn trộm rằng:
“– Ngươi hãy trở về và sau này chớ trái phạm.
“Lúc đó, dân chúng trong nước nghe nói về vua
Sát-lợi Đảnh Sanh như thế này: ‘Nếu trong nước có ai trộm cắp
thì nhà vua liền đem của cải cấp phát cho,’ Do đó, có người
nghĩ rằng: ‘Chúng ta cũng nên ăn cắp của cải kẻ khác’. Từ đó,
dân chúng trong nước ai cũng tranh nhau trộm cắp của cải kẻ
khác. Vì thế, người nghèo khốn không có của cải, không được
cấp phát, càng trở nên nghèo khốn hơn, nên nạn trộm cắp càng
lan tràn. Vì trộm cắp lan tràn nên tuổi thọ con người giảm
xuống, hình sắc trở nên thô xấu.
“Này Tỳ-kheo, sau khi tuổi thọ của con người
giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu thì người cha thọ tám vạn
tuổi, con thọ bốn vạn tuổi.
“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ bốn vạn tuổi,
có người trộm cắp vật dụng của kẻ khác, chủ nhân bắt trói đem
đến vua Sát-lợi Đảnh Sanh, thưa rằng:
“– Tâu thiên vương, người này trộm cắp vật dụng
của con, xin Thiên vương trừng trị.
“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh hỏi người lấy trộm:
“– Quả thiệt ngươi có ăn trộm phải không?
Người ấy đáp:
“– Tâu Thiên vương, quả con có ăn trộm.
Vì sao? – Vì nghèo khốn. Nếu không ăn trộm, con
không có gì để sống.
“Nghe xong, vua Sát-lợi Đảnh Sanh nghĩ rằng:
‘Nếu trong nước ta có nạn trộm cắp mà ta lại đem của cải cấp
phát đầy đủ, như vậy chỉ làm cho kho tàng của quốc gia khô
kiệt, dung túng cho nạn trộm cắp lan tràn. Ta nên rèn dao thật
bén, nếu trong nước ta có ai trộm cắp thì bắt trói ngay dưới
gốc cây nêu cao và chém đầu nó’.
“Sau đó, vua Sát-lợi Đảnh Sanh hạ lệnh rèn dao
thật bén. Nếu trong nước có ai trộm cắp vật dụng của kẻ khác
thì cho bắt trói dưới cây nêu cao mà chém đầu.
“Người trong nước bấy giờ nghe vua Sát-lợi Đảnh
Sanh ra lệnh rèn dao thật bén, nếu trong nước có ai ăn trộm
vật dụng của kẻ khác thì cho bắt trói dưới cây nêu cao và chém
đầu, dân chúng bèn nghĩ rằng: ‘Ta cũng nên bắt chước rèn dao
thật bén, mang đi ăn trộm vật dụng. Nếu lấy vật dụng của ai
thì bắt chủ nhân của vật ấy mà chém đầu’.
“Từ đó về sau, những người ăn trộm thi nhau rèn
dao bén mang đi ăn trộm vật dụng, bắt các chủ nhân mà chém
đầu. Do đó, kẻ nghèo khốn không của cải, không được cấp phát,
càng nghèo khốn hơn. Vì càng nghèo khốn hơn nên nạn trộm cắp
càng lan tràn. Vì nạn trộm cắp càng lan tràn nên sự chém giết
càng tăng lên. Do đó tuổi thọ của loài người giảm xuống, hình
sắc trở nên thô xấu.
“Này Tỳ-kheo, sau khi tuổi thọ giảm xuống, hình
sắc trở nên thô xấu thì người cha chỉ còn bốn vạn tuổi và con
thọ hai vạn tuổi.
“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ hai vạn tuổi,
có người ăn trộm vật dụng của kẻ khác, chủ nhân bắt trói dẫn
tới vua Sát-lợi Đảnh Sanh, thưa rằng:
“– Tâu Thiên vương, người này ăn trộm vật dụng
của con, xin Thiên vương trừng trị.
“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh hỏi tội nhân:
“– Quả thật ngươi có ăn trộm phải không?
“Bấy giờ, người ăn trộm nghĩ rằng: ‘Vua Sát-lợi
Đảnh Sanh nếu biết sự thật này thì sẽ trói và đánh mình, hoặc
vứt ném, hoặc tẩn xuất, hoặc phạt tiền của, hoặc trừng trị đau
đớn đủ cách, hoặc treo lên cây rồi bêu đầu mình. Có lẽ mình
dùng lời nói dối, lừa gạt vua Sát-lợi Đảnh Sanh chăng?’
“Nghĩ xong, thưa rằng:
“– Tâu Thiên vương, tôi không lấy trộm.
“Do đó kẻ nghèo khốn không có của cải, không
được cấp phát, càng nghèo khốn hơn. Vì càng nghèo khốn hơn nên
nạn trộm cắp càng lan tràn mãi. Vì sự trộm cắp càng lan tràn
nên sự chém giết gia tăng. Vì sự chém giết gia tăng nên sự nói
dối, nói hai lưỡi nhiều hơn. Vì sự nói dối, nói hai lưỡi nhiều
hơn nên tuổi thọ của loài người càng giảm xuống, hình sắc trở
nên thô xấu.
“Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ giảm xuống, hình sắc
trở nên thô xấu thì người cha chỉ thọ hai vạn tuổi, người con
chỉ thọ một vạn tuổi.
“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ một vạn tuổi
thì trong nhân dân có người có đức, có người vô đức. Nếu ai vô
đức thì ghen ghét người có đức và phạm tà hạnh với vợ của
người. Do đó kẻ nghèo khốn không có của cải, không được cấp
phát, càng nghèo khốn hơn. Vì càng nghèo khốn nên nạn trộm cắp
càng lan tràn. Vì trộm cắp lan tràn nên chém giết gia tăng. Vì
chém giết gia tăng nên nói dối, nói hai lưỡi gia tăng. Vì nói
dối, nói hai lưỡi gia tăng nên tật đố, tà dâm gia tăng. Vì tật
đố, tà dâm gia tăng nên tuổi thọ của loài người giảm xuống,
hình sắc trở nên thô xấu.
“Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ giảm xuống, hình sắc
trở nên thô xấu thì người cha chỉ thọ một vạn tuổi, người con
chỉ thọ năm ngàn tuổi.
“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ hai ngàn năm
trăm tuổi thì ba pháp khác lại hưng thịnh; đó là, lưỡng thiệt,
thô ngữ và ỷ ngữ. Vì ba pháp này hưng thịnh nên tuổi thọ của
loài người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu.
“Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ loài người giảm
xuống, hình sắc trở nên thô xấu thì người cha chỉ thọ hai ngàn
năm trăm tuổi, người con chỉ thọ một ngàn tuổi.
“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ một ngàn tuổi
thì một pháp hưng thịnh, đó là tà kiến. Vì pháp này hưng thịnh
nên tuổi thọ loài người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu.
“Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ loài người giảm
xuống, hình sắc trở nên thô xấu, thì người cha chỉ thọ một
ngàn tuổi, người con chỉ thọ năm trăm tuổi.
“Này Tỳ-kheo, khi loài người thọ năm trăm tuổi
thì con người lúc ấy hoàn toàn[11]
không hiếu thảo với cha mẹ, không kính trọng Sa-môn, Phạm chí,
không làm việc thuận lợi, không tạo phước nghiệp, không thấy
tội đời sau. Lúc loài người không hiếu thảo với cha mẹ, không
kính trọng Sa-môn, Phạm chí, không làm việc thuận lợi, không
tạo phước nghiệp, không thấy tội đời sau, cho nên này Tỳ-kheo,
lúc đó người cha chỉ thọ năm trăm tuổi, người con chỉ thọ hai
trăm năm mươi tuổi, hoặc hai trăm tuổi.
“Này Tỳ-kheo, hiện giờ nếu có ai được trường
thọ thì được một trăm tuổi và có thể là không chừng.”
Đức Phật lại bảo:
“– Một thời gian lâu xa về đời vị lai, sẽ có
lúc con người chỉ thọ mười tuổi, thì con gái sanh ra mới năm
tháng đã lấy chồng.
“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, có
một giống lúa tên là bại tử[12],
là thức ăn ngon nhất. Cũng như lúa gạo[13]
là thức ăn ngon nhất của loài người hôm nay. Này Tỳ-kheo, cũng
giống như thế, lúc con người thọ mười tuổi thì có loại lúa tên
là bại tử, là món ăn ngon nhất.
“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi,
những thứ mỹ vị mà ngày nay hiện có như tô-du, muối, mật[14],
đường mía thì thời ấy những thứ này sẽ biến mất tất.
“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, nếu
ai tạo mười ác nghiệp đạo thì kẻ ấy sẽ được người khác kính
trọng. Cũng như hiện giờ, nếu ai tạo mười thiện nghiệp đạo thì
kẻ ấy được người khác kính trọng. Này Tỳ-kheo, lúc con người
thọ mười tuổi, cũng như vậy, nếu ai tạo mười ác nghiệp đạo thì
kẻ ấy được người khác kính trọng.
“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi thì
hoàn toàn không có một danh từ “thiện”, huống nữa là có tạo
mười thiện nghiệp đạo.
“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, có
người tên là Đàn Phạt[15],
đi đến khắp mọi nhà mà đàn phạt.
“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, thì
mẹ đối với con có tâm giết hại rất mãnh liệt, con đối với mẹ
cũng có tâm giết hại rất mãnh liệt. Cha con, anh em, chị em
thân thuộc đối với nhau đều có tâm giết hại lẫn nhau. Cũng như
người thợ săn trông thấy con nai thì có tâm giết hại rất mãnh
liệt. Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi cũng lại như
thế, mẹ đối với con có tâm giết hại rất mãnh liệt. Cha con,
anh em, chị em quyến thuộc đối với nhau đều có tâm giết hại
lẫn nhau.
“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, có
nạn đao binh bảy ngày[16].
Nếu ai có nắm cỏ thì cỏ biến thành dao. Nếu nắm cây củi thì
cây củi cũng biến thành dao. Ai cũng dùng dao ấy để giết hại
lẫn nhau. Qua bảy ngày, nạn đao binh chấm dứt.
“Bấy giờ cũng có người biết thẹn thùng, xấu hổ,
nhờm tởm, chán ghét, không ưa những sự hung ác kia. Lúc có nạn
đao binh bảy ngày, họ đi vào núi non hoặc đồng nội, ẩn náu ở
nơi yên ổn. Sau bảy ngày ấy, thì từ núi non đồng nội, nơi yên
ổn đi ra, trông thấy nhau sanh lòng thương mến, quyến luyến
nhau vô cùng. Cũng như mẹ hiền chỉ có một đứa con đã xa cách
lâu ngày, nay từ phương xa trở lại gia đình yên ổn, mẹ con
thấy nhau hoan hỷ, sanh lòng thương mến nhau vô cùng. Những
người kia, sau bảy ngày từ núi non đồng nội, nơi yên ổn đi ra,
trông thấy nhau sanh lòng thương mến, quyến luyến nhau vô
cùng, cũng giống như thế. Trông thấy nhau rồi, liền nói rằng:
‘Chư Hiền, ta nay thấy nhau còn được yên ổn. Chúng ta vì tạo
pháp bất thiện nên gặp gỡ nơi đây, thân thuộc chết sạch. Chúng
ta hãy cùng nhau thực hành thiện pháp. Làm thế nào để chúng ta
cùng thực hành thiện pháp? Chúng ta đều là kẻ sát nhân, nay
nên xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, chúng ta nên thực hành
thiện pháp ấy’.
“Những người kia cùng nhau thực hành thiện
pháp, tuổi thọ liền tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này
Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ đã tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì
người thọ mười tuổi sanh ra con thọ hai mươi tuổi.
“Này Tỳ-kheo, người thọ hai mươi tuổi lại nghĩ
rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc
trở nên đẹp đẽ. Chúng ta nên cùng nhau làm điều thiện nhiều
hơn. Làm thế nào để chúng ta cùng làm điều thiện nhiều hơn?
Chúng ta hãy xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh nhưng vẫn còn
lấy của không cho. Chúng ta nên xa lìa việc lấy của không cho,
đoạn trừ việc lấy của không cho. Chúng ta nên cùng nhau làm
điều thiện ấy’.
“Những người kia cùng nhau làm điều thiện như
thế. Khi đã làm điều thiện ấy, tuổi thọ lại tăng lên, hình sắc
trở nên đẹp đẽ thì người thọ hai mươi tuổi sanh con thọ bốn
mươi tuổi.
“Này Tỳ-kheo, người thọ bốn mươi tuổi cũng nghĩ
như thế này: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên,
hình sắc trở nên đẹp đẽ. Chúng ta nên làm việc thiện nhiều hơn
nữa. Làm thế nào để chúng ta làm việc thiện nhiều hơn nữa?
Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, xa lìa việc
lấy của không cho, nhưng vẫn còn tà dâm. Chúng ta nên xa lìa
tà dâm, đoạn trừ tà dâm. Chúng ta nên làm việc thiện ấy’.
“Những người kia cùng nhau làm điều thiện như
thế. Khi đã làm điều thiện ấy, tuổi thọ lại tăng lên, hình sắc
trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ loài người đã tăng
lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ bốn mươi tuổi sanh
con thọ tám mươi tuổi.
“Này Tỳ-kheo, người thọ tám mươi tuổi cũng nghĩ
thế này: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình
sắc trở nên đẹp đẽ. Chúng ta cùng nhau làm điều thiện nhiều
hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta cùng nhau làm điều thiện
nhiều hơn? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, xa
lìa việc lấy của không cho, đoạn trừ việc lấy của không cho,
xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm, nhưng vẫn còn nói dối. Chúng
ta nên xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối. Chúng ta nên làm việc
thiện ấy’.
“Những người kia cùng nhau làm việc thiện ấy.
Khi đã làm việc thiện ấy thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở
nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, khi loài người tuổi thọ tăng lên,
hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ tám mươi tuổi sanh con
thọ một trăm sáu mươi tuổi.
“Này Tỳ-kheo, người thọ một trăm sáu mươi tuổi
cũng nghĩ như thế này: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ
tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ, chúng ta nên cùng nhau học
điều thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta cùng làm
việc thiện nhiều hơn nữa? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn
trừ sát sanh; đã xa lìa trộm cắp, đoạn trừ trộm cắp; xa lìa tà
dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, nhưng
chúng ta vẫn còn nói hai lưỡi. Chúng ta nên xa lìa nói hai
lưỡi đoạn trừ nói hai lưỡi. Chúng ta nên cùng nhau làm việc
thiện ấy’.
“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như
thế. Khi làm việc thiện ấy, tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở
nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người tăng lên,
hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ một trăm sáu mươi tuổi
sanh con thọ ba trăm hai mươi tuổi.
“Này Tỳ-kheo, người thọ ba trăm hai mươi tuổi
cũng nghĩ rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên,
hình sắc trở nên đẹp đẽ, chúng ta nên cùng nhau học điều thiện
nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta cùng làm việc thiện
nhiều hơn nữa? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh;
đã xa lìa trộm cắp, đoạn trừ trộm cắp; xa lìa tà dâm, đoạn trừ
tà dâm; xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối; xa lìa nói hai lưỡi,
đoạn trừ nói hai lưỡi, nhưng vẫn còn nói thô ác. Chúng ta nên
xa lìa lời nói thô ác, đoạn trừ lời nói thô ác. Chúng ta nên
làm việc thiện ấy’.
“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như
thế. Khi làm việc thiện ấy, tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở
nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người tăng lên,
hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ ba trăm hai mươi tuổi
sanh con thọ sáu trăm bốn mươi tuổi.
“Này Tỳ-kheo, người thọ sáu trăm bốn mươi tuổi
cũng nghĩ rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên,
hình sắc trở nên đẹp đẽ, chúng ta nên cùng nhau học điều thiện
nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta cùng làm việc thiện
nhiều hơn? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; đã
xa lìa trộm cắp, đoạn trừ trộm cắp; xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà
dâm; xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, xa lìa nói hai lưỡi,
đoạn trừ nói hai lưỡi; xa lìa nói thô ác, đoạn trừ nói thô ác,
nhưng chúng ta vẫn còn nói thêu dệt. Chúng ta nên xa lìa nói
thêu dệt, đoạn trừ nói thêu dệt. Chúng ta nên cùng nhau làm
việc thiện ấy’.
“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như
thế. Khi đã làm việc thiện ấy, tuổi thọ liền tăng lên, hình
sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người
tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ sáu trăm bốn
mươi tuổi sanh con thọ hai ngàn năm trăm tuổi.
“Này Tỳ-kheo, người thọ hai ngàn năm trăm tuổi
cũng nghĩ rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên,
hình sắc trở nên đẹp đẽ. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện
nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta làm việc thiện nhiều
hơn? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; đã xa lìa
trộm cắp, đoạn trừ trộm cắp; xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm;
xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, xa lìa nói hai lưỡi, đoạn
trừ nói hai lưỡi; xa lìa nói thô ác, đoạn trừ nói thô ác, xa
lìa lời nói thêu dệt, đoạn trừ lời nói thêu dệt, nhưng còn
tham lam tật đố. Chúng ta nên xa lìa tham lam tật đố, đoạn trừ
tham lam tật đố. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện ấy’.
“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như
thế. Khi đã làm việc thiện ấy, tuổi thọ liền tăng lên, hình
sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người
tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ hai ngàn năm
trăm tuổi sanh con thọ năm ngàn tuổi.
“Này Tỳ-kheo, người thọ năm ngàn tuổi cũng nghĩ
rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc
trở nên đẹp đẽ. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện nhiều
hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta làm việc thiện nhiều hơn?
Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; xa lìa việc
lấy của không cho, đoạn trừ việc lấy của không cho; xa lìa tà
dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa lời nói dối, đoạn trừ lời nói
dối, xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi; xa lìa nói
thô ác, đoạn trừ nói thô ác, xa lìa lời nói thêu dệt, đoạn trừ
lời nói thêu dệt, xa lìa tham lam tật đố, đoạn trừ tham lam
tật đố, nhưng vẫn còn sân hận. Chúng ta nên xa lìa sân nhuế,
đoạn trừ sân nhuế. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện ấy’.
“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như
thế. Khi đã làm việc thiện ấy, tuổi thọ liền tăng lên, hình
sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người
tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ năm ngàn tuổi
sanh con thọ một vạn tuổi.
“Này Tỳ-kheo, người thọ một vạn tuổi cũng nghĩ
rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc
trở nên đẹp đẽ. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện nhiều
hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta làm việc thiện nhiều hơn?
Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; xa lìa việc
lấy của không cho, đoạn trừ việc lấy của không cho; xa lìa tà
dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, xa lìa
nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi; xa lìa lời nói thô ác,
đoạn trừ lời nói thô ác, xa lìa lời nói thêu dệt, đoạn trừ lời
nói thêu dệt, xa lìa tham lam tật đố, đoạn trừ tham lam tật
đố, xa lìa sân nhuế, đoạn trừ sân nhuế, nhưng vẫn còn tà kiến.
Chúng ta nên xa lìa tà kiến, đoạn trừ tà kiến. Chúng ta nên
cùng nhau tu học việc thiện này’.
“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như
thế. Khi đã làm việc thiện ấy, tuổi thọ liền tăng lên, hình
sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người
đã tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ một vạn
tuổi sanh con thọ hai vạn tuổi.
“Này Tỳ-kheo, người thọ hai vạn tuổi cũng nghĩ
rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc
trở nên đẹp đẽ. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện nhiều
hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta làm việc thiện nhiều hơn?
Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; xa lìa việc
lấy của không cho, đoạn trừ việc lấy của không cho; xa lìa tà
dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, xa lìa
nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi; xa lìa lời nói thô ác,
đoạn trừ lời nói thô ác, xa lìa lời nói thêu dệt, đoạn trừ lời
nói thêu dệt, xa lìa tham lam tật đố, đoạn trừ tham lam tật
đố, xa lìa sân nhuế, đoạn trừ sân nhuế, xa lìa tà kiến, đoạn
trừ tà kiến, nhưng vẫn còn có phi pháp dục, ác tham hạnh và tà
pháp. Chúng ta nên xa lìa ba pháp ác bất thiện này, đoạn trừ
ba pháp ác bất thiện này. Chúng ta nên cùng nhau làm việc
thiện ấy’.
“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như
thế. Khi đã làm việc thiện ấy, tuổi thọ liền tăng lên, hình
sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người
đã tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ hai vạn
tuổi sanh con thọ bốn vạn tuổi.
“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ bốn vạn tuổi
thì biết hiếu thuận với cha mẹ, tôn trọng cung kính Sa-môn,
Phạm chí, làm việc thuận lợi, tu tập phước nghiệp, thấy tội
lỗi đời sau. Loài người nhân vì hiếu thuận với cha mẹ, cung
kính tôn trọng Sa-môn, Phạm chí, làm việc thuận lợi, tu tập
phước nghiệp, thấy tội đời sau, cho nên này Tỳ-kheo, người thọ
bốn vạn tuổi sanh con thọ tám vạn tuổi.
“Này Tỳ-kheo, lúc người thọ tám vạn tuổi, châu
Diêm-phù này giàu có cùng tột, nhân dân đông đúc, thôn ấp gần
nhau bằng khoảng cách con gà bay.
“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ tám vạn tuổi,
con gái đến năm trăm tuổi mới có thể lấy chồng. Này Tỳ-kheo,
lúc con người thọ tám vạn tuổi thì chỉ có những chứng bệnh như
đại tiểu tiện, nóng, lạnh, muốn ăn uống và già. Ngoài ra,
không còn tai họa nào nữa.
“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ tám vạn tuổi,
có một vị vua tên là Loa[17]
làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân
chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị Pháp vương như pháp,
thành tựu bảy báu, bảy báu đó là luân báu, voi báu, ngựa báu,
ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu, đó là bảy báu.
Nhà vua có đủ ngàn người con thông minh trí tuệ, dung mạo khôi
ngô, dũng mãnh không sợ, hàng phục được địch quân. Nhà vua
thống lĩnh quả đất này cho đến bể cả, không dùng dao gậy, chỉ
dùng pháp giáo hóa, khiến nhân dân an lạc.
“Này Tỳ-kheo, các vua Sát-lợi Đảnh Sanh làm
nhân chủ chỉnh trị thiên hạ, đi lại trong cảnh giới của chính
mình mà phụ vương đã truyền lại nên tuổi thọ không giảm xuống,
hình sắc không thô xấu, chưa từng mất hoan lạc, sức lực cũng
không suy.
“Này Tỳ-kheo, các ngươi cũng phải như vậy, cạo
bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không
gia đình, xuất gia học đạo, đi lại trong cảnh giới của chính
mình mà phụ vương đã truyền lại, nên tuổi thọ không giảm
xuống, hình sắc không thô xấu, chưa từng mất an lạc, thế lực
cũng không suy.
“Thế nào gọi là Tỳ-kheo đi lại trong cảnh giới
của chính mình mà phụ vương đã truyền lại? Đó là Tỳ-kheo quán
nội thân như thân, nội giác, nội nội, nội pháp như pháp[18].
Như thế gọi là Tỳ-kheo đi lại trong cảnh giới của chính mình
mà phụ vương đã truyền lại.
“Thế nào gọi là tuổi thọ của thầy Tỳ-kheo?
Tỳ-kheo ấy tu dục định như ý túc, y viễn ly, y vô dục, y diệt
tận, hướng dẫn đến xuất yếu, tu tinh tấn định, tu tâm định, tu
tư duy định, như ý túc, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, hướng
đến xuất yếu. Đó là tuổi thọ của Tỳ-kheo.
“Thế nào là sắc của Tỳ-kheo? Đó là Tỳ-kheo tu
tập cấm giới, thủ hộ giải thoát giới, lại khéo thu nhiếp các
oai nghi lễ tiết, thấy tội nhỏ cũng thường canh cánh lo sợ,
thọ trì học giới. Đó là sắc của Tỳ-kheo.
“Thế nào là lạc của Tỳ-kheo? Đó là Tỳ-kheo ly
dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc cảnh thiền thứ
tư, thành tựu và an trú. Đó là lạc của Tỳ-kheo.
“Thế nào là lực của Tỳ-kheo? Đó là Tỳ-kheo diệt
sạch các lậu, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải
thoát, trong đời hiện tại tự tri tự giác, tự thân tác chứng,
thành tựu và an trú, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm
hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh
nữa’. Đó là lực của Tỳ-kheo.
“Này Tỳ-kheo, Ta không thấy có lực nào không
thể hàng phục được như lực của Ma vương, cho nên lậu tận
Tỳ-kheo phải dùng lực của vô thượng trí tuệ mới hàng phục
được.”
Phật thuyết như thế. Các Tỳ-kheo sau khi nghe
Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích
-
[01] Tương đương
Pāli, D.26. Cakkavatti-Sīhanāda-Suttanta. Tham chiếu, Hán:
No.1(6).
-
[02] Ma-đâu-lệ
Sát-lợi, bản Pāli nói ở Mātula, một ngôi làng tại Magadha.
N.1 (6) nói là Ma-la-hê-sấu. Chữ Sát-lợi trong bản Hán này
không rõ. Có thể là phiên âm tương đương với khetta, một
cánh đồng.
-
[03] Sử hà hay Sử
lưu, con sông chảy ngang qua Nam và Bắc Kosala.
-
[04] Đương tự nhiên
pháp đăng, tự quy kỷ pháp. Mạc nhiên dư đăng, mạc quy dư
pháp. So sánh DTK.1(6): Đương tự xí nhiên, xí nhiên ư pháp,
vật tha xí nhiên, đương tự quy y, quy y Ứng Chánh Đẳng Giác
Pháp, Vật Tha Quy Y. Pāli: Attadīpā bhikkhāve viharatha
atta-saraā anañña-saraā. Dhammadīpā dhamma-saraā
anañña-saraā. Dīpā: có nghĩa là ngọn đèn, hay hòn đảo.
-
[05] Kiên Niệm.
No.1(6): Kiên Cố Niệm. Pāli: Dalhameni.
-
[06] Xem
Kinh số 67.
-
[07] Thiên luân
báu. Pāli: Dibbam cakka-ratanam. Xem mô tả nơi
Kinh số 67.
-
[08] Sát-lợi Đảnh
Sanh vương. Pāli: rājākhattiyo maddāvasatto, người dòng
Sát-lợi, được truyền ngôi bằng nghi thức quán đảnh.
-
[09] Tương kế chi
pháp. Xem
Kinh số 67.
-
[10] Hán: nghĩa. Ý
nghĩa hoặc mục đích.
-
[11] Trong để bản:
tận thọ(suốt đời). Có lẽ dư chữ thọ. Ba bản Tống-Nguyên-Minh
không có.
-
[12] Bại tử; loại
cỏ giống như lúa. Pāli: hột kudrūsa.
-
[13] Canh lương;
Pāli: sāli-mamsodana.
-
[14] Trong bản:
diêm, mật. Theo liệt kê thông thường thi chỗ này là thạch
mật tức đường phèn.
-
[15] Đàn phạt; đàn
hạch và trừng phạt? Không rõ Pāli.
-
[16] Đao binh kiếp.
Pāli: satthantara-kappa.
-
[17] Loa. Pāli:
Sakha.
-
[18] Xem
Kinh số 89.