- 07. PHẨM TRƯỜNG THỌ VƯƠNG
-
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong
rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Tiên Dư Tài Chủ[02]
bảo một người sứ:
“Ngươi hãy đến chỗ Đức Phật, thay ta cúi đầu
đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn và thưa hỏi Ngài: Thánh thể có
khang cường, an vui, không bệnh, đi đứng dễ dàng, khí lực bình
thường chăng? Hãy nói như vầy: ‘Tiên Dư Tài Chủ cúi lạy dưới
chân Phật, thưa hỏi Thế Tôn: Thánh thể có khang cường, an vui,
không bệnh, đi đứng dễ dàng, khí lực bình thường chăng?’ Ngươi
đã thay ta thăm hỏi Phật rồi, hãy đến chỗ Tôn giả A-na-luật-đà[03],
cũng thay mặt ta cúi lạy dưới chân Tôn giả, rồi thăm hỏi rằng:
‘Tiên Dư Tài Chủ cúi lạy dưới chân Tôn giả A-na-luật-đà và
thưa hỏi Tôn giả: Thánh thể có khang kiện, an vui, không bệnh,
đi đứng dễ dàng, thoải mái, nhẹ nhàng, khí lực bình thường
chăng? Tiên Dư Tài Chủ cung thỉnh Tôn giả A-na-luật-đà, tất cả
bốn vị, ngày mai cùng đến thọ trai’. Nếu ngài nhận lời, thưa
thêm rằng: ‘Bạch Tôn giả, Tiên Dư Tài Chủ nhiều công việc,
nhiều bổn phận, làm các việc cho vua, giải quyết việc thần tá[04].
Cúi xin Tôn giả vì lòng thương xót, cùng tất cả bốn vị nữa,
ngày mai đến nhà Tiên Dư Tài Chủ’.”
Lúc ấy người sứ nghe lời Tiên Dư Tài Chủ dạy
xong, đi đến chỗ Phật, cúi lạy dưới chân Ngài, đứng qua một
bên mà bạch rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, Tiên Dư Tài Chủ cúi lạy dưới
chân Phật, thăm hỏi Thế Tôn: Thánh thể có khang kiện, an vui,
không bệnh, đi đứng thoải mái nhẹ nhàng, khí lực bình thường
chăng?”
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo người sứ:
“Mong rằng Tiên Dư Tài Chủ an ổn, khoái lạc.
Mong rằng trời, người, A-tu-la, Càn-thát-bà, La-sát và tất cả
loài khác an ổn khoái lạc.
Khi ấy, người sứ nghe lời Phật dạy, khéo ghi
nhớ, cúi lạy dưới chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.
Đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật-đà cúi lạy dưới chân, ngồi qua
một bên và bạch rằng:
“Bạch Tôn giả A-na-luật-đà, Tiên Dư Tài Chủ cúi
lạy dưới chân ngài, thăm hỏi Tôn giả: Thánh thể có khang kiện,
an vui, không bệnh, đi đứng thoải mái nhẹ nhàng, khí lực bình
thường chăng? Tiên Dư Tài Chủ cung thỉnh Tôn giả cùng bốn vị
ngày mai cùng đến thọ trai”.
Lúc ấy, cách Tôn giả A-na-luật-đà không xa, Tôn
giả Chân Ca-chiên-diên[05]
đang ngồi nghỉ. Tôn giả A-na-luật-đà liền nói:
“Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, tôi đã nói ngày
mai chúng ta đến Xá-vệ để khất thực chính là vậy. Hôm nay Tiên
Dư Tài Chủ sai người thỉnh chúng ta bốn người cùng thọ trai
ngày mai”.
Tôn giả Chân Ca-chiên-diên lập tức bạch rằng:
“Mong Tôn giả A-na-luật-đà vì người ấy mà nhận
lời mời. Ngày mai chúng ta ra khỏi khu rừng này để vào thành
Xá-vệ khất thực.”
Tôn giả A-na-luật-đà vì người ấy mà im lặng
nhận lời. Lúc đó người sứ biết Tôn giả im lặng nhận lời, liền
thưa thêm rằng:
“Tiên Dư Tài Chủ bạch Tôn giả rằng: “Tiên Dư
Tài Chủ có nhiều công việc, nhiều bổn phận, làm các việc cho
vua, giải quyết việc thần tá. Mong Tôn giả vì thương xót, tất
cả bốn vị, ngày mai đến sớm nhà Tiên Dư Tài Chủ’.”
Tôn giả A-na-luật-đà bảo người sứ rằng:
“Ông cứ trở về, tôi tự biết thời”.
Lúc ấy, người sứ liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi
đầu đảnh lễ, nhiễu ba vòng rồi lui ra.
Đêm tàn, trời sáng, Tôn giả A-na-luật-đà mang y
cầm bát và tất cả bốn vị cùng đến nhà Tiên Dư Tài Chủ. Bấy giờ
Tiên Dư Tài Chủ với thể nữ vây quanh, đứng ở giữa cửa, chờ Tôn
giả A-na-luật-đà.
Tiên Dư Tài Chủ thấy Tôn giả A-na-luật-đà từ xa
đi đến. Sau khi thấy, Tiên Dư Tài Chủ chắp tay hướng về Tôn
giả A-na-luật-đà tán thán:
“Kính chào Tôn giả A-na-luật-đà, đã lâu rồi
ngài không đến đây”.
Với lòng tôn kính, Tiên Dư Tài Chủ dìu Tôn giả
A-na-luật-đà vào trong nhà, mời ngồi trên giường tốt đẹp đã
bày sẵn. Tôn giả liền ngồi trên giường ấy, Tiên Dư Tài Chủ cúi
lạy dưới chân Tôn giả A-na-luật-đà, ngồi qua một bên mà bạch
rằng:
“Kính bạch Tôn giả A-na-luật-đà, con có điều
muốn hỏi, xin ngài nghe cho”.
Tôn giả bảo:
“Tài Chủ, tùy theo ông hỏi. Nghe rồi tôi sẽ suy
nghĩ”.
Tiên Dư Tài Chủ hỏi Tôn giả A-na-luật-đà rằng:
“Hoặc có Sa-môn, Phạm chí đi đến chỗ con, bảo
con: ‘Tài Chủ, ông nên tu đại tâm giải thoát[06].’
Bạch Tôn giả, lại có Sa-môn, Phạm chí đến chỗ con, bảo con:
‘Tài Chủ, ông nên tu vô lượng tâm giải thoát[07].’
Bạch Tôn giả, đại tâm giải thoát và vô lượng tâm giải thoát,
hai giải thoát này khác văn khác nghĩa, hay một nghĩa nhưng
khác văn?”
Tôn giả A-na-luật-đà bảo:
“Tài Chủ, ông hỏi điều này trước, vậy ông hãy
tự trả lời trước, rồi tôi sẽ trả lời sau”.
Tài Chủ thưa:
“Bạch Tôn giả, đại tâm giải thoát và vô lượng
tâm giải thoát này đồng nghĩa nhưng khác văn”.
Tiên Dư Tài Chủ không thể trả lời việc này[08].
Tôn giả A-na-luật-đà bảo rằng:
“Tài chủ, hãy lắng nghe. Tôi sẽ nói cho ông
nghe về đại tâm giải thoát và vô lượng tâm giải thoát.
“Thế nào là đại tâm giải thoát? Nếu có Sa-môn,
Phạm chí nào ở chỗ vô sự hoặc đến gốc cây, chỗ yên tịnh, y
trên một gốc cây, ý cởi mở, đại tâm giải thoát biến mãn, thành
tựu an trụ, chỉ với giới hạn bằng chừng đó, tâm giải thoát
không vượt hơn chỗ đó[09].
Nếu không y trên một cây, thì hãy y trên hai, hay ba gốc cây,
ý cởi mở, đại tâm giải thoát biến mãn, thành tựu an trụ, với
giới hạn bằng chừng đó, tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó.
Nếu không y trên hai, hay ba gốc cây thì hoặc y trên một khu
rừng. Nếu không y trên một khu rừng thì hoặc y trên hai, ba
khu rừng. Nếu không y trên hai, ba khu rừng, nên y trên một
thôn. Nếu không y trên một thôn thì nên y trên hai, ba thôn.
Nếu không y trên hai, ba thôn thì hoặc y trên một nước. Nếu
không y trên một nước, thì nên y trên hai, ba nước. Nếu không
y trên hai, ba nước thì hoặc y vào đại địa, cho đến đại hải, ý
cởi mở, đại tâm giải thoát biến mãn, thành tựu an trú, với
giới hạn bằng đó, tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó. Đó là
đại tâm giải thoát.
“Tài Chủ, thế nào là vô lượng tâm giải thoát?
Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào ở chỗ vô sự, hoặc đến gốc cây, chỗ
yên tịnh trống trải, tâm đi đôi với từ, biến mãn một phương,
thành tựu và an trú. Như vậy, hai, ba, bốn phương, trên dưới
cùng khắp nơi, tâm đi đôi với từ, không kết không oán, không
giận không tranh, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập,
biến mãn tất cả thế gian. Cũng như vậy, tâm đi đôi với hỷ, bi,
xả, không kết không oán, không giận không tranh, rất rộng, rất
lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian. Đó là vô
lượng tâm giải thoát”.
Tôn giả hỏi:
“Tài Chủ, đại tâm giải thoát và vô lượng tâm
giải thoát, hai giải thoát này khác nghĩa, khác văn, hay đồng
nghĩa đồng văn?”
Tiên Dư Tài Chủ bạch rằng:
“Từ chỗ tôi nghe Tôn giả thì tôi hiểu được
nghĩa ấy. Hai giải thoát ấy, nghĩa đã khác nhau mà văn cũng
khác”.
Tôn giả A-na-luật-đà bảo rằng:
“Tài Chủ, có ba loài trời: Quang thiên, Tịnh
quang thiên và Biến tịnh thiên[10].
Trong đó, chư Thiên trong cõi Quang thiên sanh tại một chỗ,
không nghĩ rằng: ‘Đây là sở hữu của ta, kia là sở hữu của ta’.
Nhưng Quang thiên kia tùy chỗ họ đến nơi nào thì liền vui say
nơi đó.
“Tài Chủ, ví như con ruồi ở nơi miếng thịt,
không nghĩ rằng: ‘Đây là sở hữu của ta, kia là sở hữu của ta’,
nhưng con ruồi tùy theo miếng thịt ở đâu mà vui say chỗ đó.
Cũng vậy, chư Thiên cõi Quang thiên không nghĩ rằng: ‘Đây là
sở hữu của ta, kia là sở hữu của ta’, nhưng Quang thiên tùy
chỗ họ đến nơi nào thì liền vui say trong đó.
“Có thời, chư Thiên cõi Quang thiên họp lại một
chỗ, tuy thân có khác nhau nhưng ánh sáng không khác.
“Tài Chủ, ví như có người thắp vô số cây đèn,
đặt ở trong một cái nhà; các cây đèn kia tuy khác nhau nhưng
ánh sáng của các cây đèn thì không khác. Cũng vậy, chư Thiên
cõi Quang thiên họp lại một chỗ, tuy thân có khác nhau, nhưng
ánh sáng không khác.
“Có lúc Quang thiên kia đều tự tản mác; lúc họ
tự tản mác thì thân của họ đãù khác nhau mà ánh sáng cũng
khác.
“Tài Chủ, ví như có người từ trong một cái nhà
đem ra nhiều cây đèn, phân chia đặt các nơi trong nhà. Những
cây đèn đó đã khác mà ánh sáng cũng khác. Cũng vậy, Quang
thiên kia có khi tự tản mác; lúc họ tản mác thì thân của họ đã
khác mà ánh sáng cũng khác”.
Lúc ấy, Tôn giả Chân Ca-chiên-diên bạch rằng:
“Bạch Tôn giả A-na-luật-đà, các vị Quang thiên
sanh ở một chỗ, có thể biết có sự hơn, bằng, vi diệu và không
vi diệu chăng?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp rằng:
“Hiền giả Ca-chiên-diên, có thể nói Quang thiên
kia sanh ở một chỗ, mà biết có sự hơn, bằng, vi diệu và không
vi diệu”.
Tôn giả Chân Ca-chiên-diên lại hỏi:
“Tôn giả A-na-luật-đà, Quang thiên kia sanh tại
một chỗ, do nhân gì, duyên gì mà biết được có sự hơn, bằng, vi
diệu và không vi diệu?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, nếu có Sa-môn,
Phạm chí ở chỗ vô sự, hoặc đến gốc cây, chỗ an tịnh, trống
vắng, y trên một gốc cây, ý cởi mở, suy tưởng về ánh sáng,
thành tựu an trụ. Tâm suy tưởng về ánh sáng cực thịnh, với
giới hạn bằng chừng đó, tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó.
Nếu không y trên một cây, thì hoặc y trên hai, ba cây, cởi mở,
suy tưởng về ánh sáng, tâm suy tưởng ánh sáng cực thịnh, với
giới hạn bằng chừng đó, tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó.
Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, hai tâm giải thoát này, giải
thoát nào là trên, là hơn, là vi diệu, là tối cao?”
Tôn giả Chân Ca-chiên-diên đáp:
“Tôn giả A-na-luật-đà, nếu có Sa-môn, Phạm chí
không y trên một cây, mà y trên hai, ba cây, ý cởi mở, suy
tưởng về ánh sáng, thành tựu và an trú. Tâm suy tưởng về ánh
sáng cực thịnh, với giới hạn bằng chừng đó, tâm giải thoát
không vượt hơn chỗ đó. Tôn giả A-na-luật-đà, trong hai loại
giải thoát, giải thoát này là trên, là hơn, là vi diệu, là tối
cao”.
Tôn giả A-na-luật-đà lại nói:
“Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, nếu không y trên
hai, ba cây thì hoặc y trên một rừng. Nếu không y trên một
rừng thì hoặc y trên hai, ba rừng. Nếu không y trên hai, ba
rừng thì hoặc y trên một thôn. Nếu không y trên một thôn, thì
hoặc y trên hai, ba thôn. Nếu không y trên hai, ba thôn, thì
hoặc y trên một nước. Nếu không y trên một nước thì hoặc y
trên hai, ba nước. Nếu không y trên hai, ba nước thì hoặc y
trên một đại địa này, cho đến đại hải, ý cởi mở, suy tưởng về
ánh sáng. Tâm suy tưởng ánh sáng cực thịnh, với giới hạn bằng
chừng đó, tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó. Hiền giả Chân
Ca-chiên-diên, trong hai giải thoát đó, giải thoát nào là hơn,
là trên, là vi diệu, là tối cao?”
Tôn giả Chân Ca-chiên-diên đáp:
“Tôn giả A-na-luật-đà, nếu có Sa-môn, Phạm chí
không y trên hai, ba cây thì hoặc y trên một rừng. Nếu không y
trên một rừng thì hoặc y trên hai, ba rừng. Nếu không y trên
hai, ba rừng thì hoặc y trên một thôn. Nếu không y trên một
thôn, thì hoặc y trên hai, ba thôn. Nếu không y trên hai, ba
thôn, thì hoặc y trên một nước. Nếu không y trên một nước thì
hoặc y trên hai, ba nước. Nếu không y trên hai, ba nước thì
hoặc y trên một đại địa này, cho đến đại hải, ý cởi mở, suy
tưởng về ánh sáng. Tâm suy tưởng ánh sáng cực thịnh, với giới
hạn bằng chừng đó, tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó. Tôn
giả A-na-luật-đà, trong hai loại giải thoát, giải thoát này là
trên, là hơn, là vi diệu, là tối thắng”.
Tôn giả A-na-luật-đà bảo rằng:
“Này Chân Ca-chiên-diên, do nhân ấy, duyên ấy,
Quang thiên kia sanh ở một chỗ mà biết có hơn, có bằng, có vi
diệu và không vi diệu. Vì sao? Vì do tâm người có hơn, có
bằng, nên sự tu có tinh, có thô. Do sự tu có tinh, có thô nên
người chứng đắc có hơn, có bằng. Này Hiền giả Chân
Ca-chiên-diên, Đức Thế Tôn cũng nói như vậy, con người có hơn,
có bằng nhau”.
Tôn giả Chân Ca-chiên-diên lại hỏi:
“Tôn giả A-na-luật-đà, Tịnh quang thiên kia
sanh một chỗ có thể biết có sự hơn, bằng, vi diệu và không vi
diệu chăng?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Này Hiền giả, có thể nói, Tịnh quang thiên kia
sanh tại một chỗ mà biết có sự hơn, bằng, vi diệu và không vi
diệu”.
Tôn giả Chân Ca-chiên-diên lại hỏi:
“Tôn giả A-na-luật-đà, Tịnh quang thiên kia
sanh tại một chỗ, vì nhân gì, duyên gì mà biết có sự hơn,
bằng, vi diệu và không vi diệu?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, nếu có
Sa-môn, Phạm chí nào ở chỗ vô sự, hoặc đến dưới gốc cây, chỗ
an tịnh không nhàn, ý cởi mở, Tịnh quang thiên biến mãn, thành
tựu an trú; vị ấy định này không tu, không tập, không phát
triển, không cực kỳ thành tựu. Vị ấy sau đó, khi thân hoại
mạng chung, sanh lên Tịnh quang thiên, sanh rồi không được cực
kỳ tĩnh chỉ, không được cực kỳ tịch tịnh, cũng không sống trọn
tuổi thọ.
“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, ví như hoa
sen màu xanh, vàng, đỏ, trắng, sanh ra và lớn lên đều ở dưới
đáy nước. Khi ấy, rễ, cọng, lá, hoa, tất cả đều bị thấm nước,
ngập nước, không gì là không bị thấm nước. Này Hiền giả Chân
Ca-chiên-diên, cũng như vậy, nếu có Sa-môn, Phạm chí ở chỗ vô
sự, hoặc đến dưới gốc cây, nơi an tĩnh không nhàn, ý cởi mở,
Tịnh quang thiên biến mãn thành tựu an trụ; vị ấy định này
không tu, không tập, không làm rộng lớn, không cực kỳ thành
tựu. Vị ấy thân hoại mạng chung, sanh lên Tịnh quang thiên,
sanh rồi không cực kỳ tĩnh chỉ, không cực kỳ tịch tịnh, cũng
không sống trọn tuổi thọ.
“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, lại có
Sa-môn, Phạm chí, ý cởi mở, Tịnh quang thiên biến mãn, thành
tựu an trụ; vị ấy định này nhiều lần tu, nhiều lần tập, nhiều
lần làm rộng lớn, cực kỳ thành tựu. Vị ấy thân hoại mạng
chung, sanh lên Tịnh quang thiên. Sau khi sanh, được cực kỳ
tĩnh chỉ, cực kỳ tịch tịnh, cũng được sống trọn tuổi thọ.
“Này Hiền giả Ca-chiên-diên, ví như hoa sen
xanh, vàng, đỏ, trắng sanh dưới nước, lớn dưới nước, vượt lên
trên nước, nước không thể thấm ngập được. Hiền giả
Ca-chiên-diên, cũng như vậy, nếu lại có Sa-môn, Phạm chí ở chỗ
vô sự, hoặc đến dưới gốc cây, nơi an tĩnh không nhàn, ý cởi
mở, Tịnh quang thiên biến mãn, thành tựu an trụ; vị ấy định
này nhiều lần tu, nhiều lần tập, nhiều lần làm rộng lớn, cực
kỳ thành tựu. Vị ấy khi thân hoại mạng chung, sanh lên Tịnh
quang thiên. Sanh lên rồi, được cực kỳ tĩnh chỉ, cực kỳ tịch
tịnh, và cũng được sống trọn tuổi thọ.
“Này Hiền giả Ca-chiên-diên, do nhân ấy, duyên
ấy, chư Thiên cõi Tịnh quang thiên, sanh ở một chỗ, biết có sự
hơn, bằng, vi diệu và không vi diệu. Vì sao? Bởi do tâm người
có hơn, có bằng, nên sự tu có tinh, có thô. Do sự tu có tinh,
có thô nên người chứng đắc có hơn, có bằng. Này Hiền giả
Ca-chiên-diên, Đức Thế Tôn cũng nói như vậy, con người có hơn,
có bằng nhau”.
Tôn giả Chân Ca-chiên-diên lại hỏi:
“Tôn giả A-na-luật-đà, Biến tịnh quang thiên
kia, sanh ở một chỗ, biết có sự hơn, bằng, vi diệu và không vi
diệu chăng?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, có thể nói
Biến tịnh quang thiên kia sanh ở một chỗ, mà biết có sự hơn,
bằng, vi diệu và không vi diệu”.
Tôn giả Chân Ca-chiên-diên lại hỏi:
“Tôn giả A-na-luật-đà, Biến tịnh quang thiên
kia, sanh tại một chỗ, do nhân gì, duyên gì mà biết có sự hơn,
bằng, vi diệu và không vi diệu?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, nếu có
Sa-môn, Phạm chí ở chỗ vô sự, hoặc đến dưới gốc cây, chỗ an
tịnh không nhàn, ý cởi mở, Biến tịnh quang thiên biến mãn,
thành tựu an trú. Vị ấy không cực kỳ đình chỉ được thụy miên,
không chấm dứt trạo hối một cách khéo léo. Sau đó, khi thân
hoại mạng chung, sanh lên Biến tịnh quang thiên. Vị ấy sanh
rồi, ánh sáng không cực kỳ minh tịnh.
“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, ví như đèn
cháy là nhờ nơi dầu và tim đèn. Nếu dầu có cặn, tim lại không
sạch, do đó ánh sáng của đèn phát ra không sáng tỏ. Này Hiền
giả Ca-chiên-diên, cũng vậy, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào ở nơi
vô sự, hoặc đến dưới gốc cây, chỗ an tĩnh không nhàn, ý cởi
mở, Biến tịnh quang thiên biến mãn, thành tựu an trụ. Vị ấy
không cực kỳ đình chỉ được thụy miên, không chấm dứt khéo léo
trạo hối. Khi thân hoại mạng chung, sanh lên Biến tịnh quang
thiên. Vị ấy sanh rồi, ánh sáng không cực kỳ minh tịnh.
“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, lại có
Sa-môn, Phạm chí ở chỗ vô sự, hoặc đến dưới gốc cây, chỗ an
tĩnh không nhàn, ý cởi mở, Biến tịnh quang thiên biến mãn,
thành tựu an trụ. Vị ấy cực kỳ đình chỉ được thụy miên, chấm
dứt khéo léo trạo hối. Khi thân hoại mạng chung sanh lên Biến
tịnh quang thiên. Vị ấy sanh rồi, ánh sáng cực kỳ minh tịnh.
“Này Hiền giả Ca-chiên-diên, cũng như vậy, đèn
do dầu và do tim. Nếu dầu rất sạch và tim rất sạch, nhờ đó ánh
sáng phát ra rất trong sáng. Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Phạm chí
ở chỗ nhàn tịnh, vô sự, đến dưới gốc cây, ý cởi mở, Biến tịnh
quang thiên biến mãn, thành tựu an trụ. Vị ấy cực kỳ đình chỉ
được thụy miên, chấm dứt khéo léo được trạo hối. Khi thân hoại
mạng chung, sanh lên Biến tịnh quang thiên. Vị ấy sanh rồi,
ánh sáng cực kỳ minh tịnh.
“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, do nhân ấy,
duyên ấy, chư Thiên cõi Biến tịnh quang thiên sanh ở một chỗ
mà biết có hơn, bằng, vi diệu và không vi diệu. Vì sao? Bởi do
tâm người có hơn, có bằng nên sự tu có tinh có thô. Do sự tu
có tinh, có thô, nên khi người chứng đắc có hơn, có bằng. Này
Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, Đức Thế Tôn cũng nói như vậy,
loài người có hơn, có bằng nhau”.
Bấy giờ Tôn giả Chân Ca-chiên-diên khen Tiên Dư
Tài Chủ:
“Lành thay! Lành thay! Tài Chủ, ông đã làm cho
chúng tôi được nhiều lợi ích. Vì sao? Vì trước hết ông hỏi Tôn
giả A-na-luật-đà về việc cõi trời thù thắng[11].
Chúng tôi chưa từng nghe Tôn giả A-na-luật-đà nói về nghĩa như
vậy. Tức là, cõi trời kia, có cõi trời kia, cõi trời kia như
vậy”.
Lúc ấy, Tôn giả A-na-luật-đà bảo rằng:
“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, có nhiều cõi
trời kia, mà mặt trời và mặt trăng này có đại như ý túc, có
đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần như vậy nhưng
ánh sáng này không kịp ánh sáng kia. Các vị kia cùng ta tụ
họp, cùng hỏi han, cùng có những điều luận thuyết, có những
điều để đối đáp, nhưng ta không như vầy, rằng: “Cõi trời kia,
có cõi trời kia, cõi trời kia như vậy”.
Khi đó Tiên Dư Tài Chủ biết Tôn giả
A-na-luật-đà đã nói xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, tự tay đi
lấy nước rửa, dùng các thức ăn hết sức trong sạch, tốt tươi,
đầy dẫy các loại nhai, loại nuốt, tự tay săn sóc thức ăn, rót
nước, liền cho ăn uống no đủ.
Ăn xong, dọn dẹp đồ dùng, rửa nước, rồi Tài Chủ
lấy một cái ghế nhỏ, ngồi một bên nghe pháp. Tiên Dư Tài Chủ
ngồi xong, Tôn giả A-na-luật-đà thuyết pháp cho Tài chủ nghe,
khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Dùng vô lượng
phương tiện thuyết pháp cho Tài chủ nghe, khuyến phát khát
ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, rồi Tôn giả từ chỗ ngồi đứng dậy ra
về.
Tôn giả A-na-luật-đà thuyết như vậy. Tiên Dư
Tài Chủ và các Tỳ-kheo sau khi nghe xong, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Tương đương Pāli
M.127. Anuruddha-suttaṃ.
-
[02] Tiên Dư Tài Chủ;
Pāli có thể là Isidatta dhanapati (thương gia), nhưng không
đồng với Pāli: Pañcakaga thapati (Ngũ Chi vật chủ, xem
Kinh 179), một người thợ mộc của Pasenadi,
vua xứ Kosala.
-
[03] Xem các
Kinh 72,74,
77.
-
[04] Đoán lý thần tá.
-
[05] Chân
Ca-chiên-diên. Pāli: Sabhiya Kaccāna.
-
[06] Đại tâm giải
thoát. Pāli: mahaggatā cetovimutti.
-
[07] Vô lượng tâm
giải thoát. Pāli: appamāā cetovimutti.
-
[08] Có lẽ bản Hán
sót một câu của ngài A-na-luật-đà. Theo Pāli, ngài không thừa
nhận cả hai đồng nghĩa.
-
[09] Bản Pāli: yāvatā
eka rukkhamūla mahaggan ti pharitvā adhimuccitvā viharati, vị
ấy an trú sau khi làm sung mãn và xác định rằng “lớn đến mức
bằng một gốc cây”.
-
[10] Xem cht.11,
Kinh 78 và cht.2 trên.
-
[11] Hán: hữu thắng
thiên. Tên kinh cũng do đó