-
Tôi nghe như vầy.
Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá,
trong rừng Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Người thợ săn khi bẫy mồi nai, không có tâm
như vầy ‘Mong cho nai được béo mập, được tốt đẹp, được sức
lực, được sung sướng, sống lâu’. Nhưng người thợ săn bẫy mồi
nai với tâm như vầy ‘Bẫy mồi là chỉ muốn chúng đến gần để ăn;
đã đến gần để ăn thì sẽ kiêu loạn phóng dật, mà đã kiêu sa
phóng dật thì sẽ tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn’.
Người thợ ăn bẫy mồi nai với tâm như vậy.
“Đàn nai thứ nhất đến gần đồ mồi của thợ săn.
Sau khi chúng đến gần để ăn, bèn sanh kiêu sa phóng dật rồi do
kiêu loạn phóng dật nên bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc
thợ săn. Như vậy là đàn nai thứ nhất không thoát khỏi cảnh
giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn.
“Đàn nai thứ hai suy nghĩ rằng ‘Đàn nai thứ
nhất đã đến gần để ăn đồ mồi của thợ săn. Sau khi chúng đến
gần để ăn, bèn sanh kiêu loạn phóng dật, rồi do kiêu sa phóng
dật nên bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Như vậy
là đàn nai thứ nhất không thoát khỏi cảnh giới thợ săn và
quyến thuộc thợ săn. Nay ta đừøng ăn đồ ăn của thợ săn, tránh
xa chỗ đáng sợ, nương nơi rừng vắng an toàn[02],
ăn cỏ uống nước được chăng?’ Sau khi suy nghĩ, đàn nai thứ hai
liền bỏ mặc đồ mồi của thợ săn, tránh xa chỗ đáng sợ, nương ở
nơi rừng vắng an toàn, ăn cỏ uống nước. Đến tháng cuối mùa
Xuân[03],
cỏ nước đều hết, thân thể chúng rất gầy ốm, khí lực hao mòn và
rồi lại bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn.
“Như vậy là đàn nai thứ hai cũng không thoát
khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn.
“Đàn nai thứ ba lại suy nghĩ rằng, ‘Đàn nai thứ
nhất và thứ hai, tất cả đều không thoát khỏi cảnh giới của thợ
săn và quyến thuộc thợ săn. Nay ta hãy tránh xa thợ săn và
quyến thuộc thợ săn, nhưng ở một nơi không xa, sau đó hãy ăn
đồ ăn của thợ săn mà đừng đến gần. Đã ăn mà không đến gần thì
không kiêu sa phóng dật. Do không kiêu loạn phóng dật nên
không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn’. Sau khi
suy nghĩ, đàn nai thứ ba liền tránh xa thợ săn và quyến thuộc
thợ săn, nhưng ở một nơi không xa. Sau đó ăn đồ mồi của thợ
săn mà không đến gần. Ăn mà không đến gần nên không kiêu loạn
phóng dật, rồi do không kiêu sa phóng dật nên không tùy thuộc
thợ săn và quyến thuộc thợ săn.
“Người thợ săn và quyến thuộc thợ săn nghĩ rằng
‘Đàn nai thứ ba này khôn lanh kỳ lạ! Quả thật, rất khôn lanh!
Vì sao? Vì chúng ăn đồ ăn của ta mà ta không thể bắt được. Nay
ta hãy bủa vòng lưới chạy dài. Sau khi bủa lưới chạy dài chắc
sẽ biết được chỗ ở, đường lui tới của đàn nai thứ ba này’. Sau
khi suy nghĩ, thợ săn và quyến thuộc thợ săn liền bủa vòng
lưới chạy dài và sau đó biết được chỗ ở, đường lui tới của đàn
nai thứ ba. Như vậy, đàn nai thứ ba cũng không thoát khỏi cảnh
giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn.
“Đàn nai thứ tư lại suy nghĩ, ‘Đàn nai thứ
nhất, thứ hai và thứ ba, tất cả đều không thoát khỏi cảnh giới
của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Nay ta hãy nương ở một nơi
mà thợ săn và quyến thuộc thợ săn không đến được. Sau đó hãy
ăn đồ mồi của thợ săn mà đừng đến gần. Đã ăn mà không đến gần
thì không kiêu loạn phóng dật. Do không kiêu sa phóng dật, sẽ
không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn’. Sau khi
suy nghĩ, đàn nai thứ tư liền nương ở một nơi mà thợ săn và
quyến thuộc thợ săn không thể đến được, sau đó ăn đồ mồi của
thợ săn mà không đến gần. Đã ăn mà không đến gần nên không
kiêu sa phóng dật, rồi do không kiêu sa phóng dật nên không bị
tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Người thợ săn và
quyến thuộc thợ săn lại suy nghĩ rằng: “Đàn nai thứ tư này
ranh mãnh xảo trá kỳ lạ! Quả thật ranh mãnh xảo trá, nếu ta
xua đuổi chúng, chắc chắn không thể được, vì những nai con
khác sẽ kinh sợ bỏ chạy tán loạn. Vậy ta hãy cứ bỏ mặc đàn nai
thứ tư này’. Sau khi suy nghĩ, thợ săn và quyến thuộc thợ săn
liền bỏ mặc.
“Như vậy là đàn nai thứ tư thoát khỏi cảnh giới
của thợ săn và quyến thuộc thợ săn.
“Này Tỳ-kheo, ta nói thí dụ này là muốn các
giải rõ ý nghĩa. Nay Ta nói đây, các ngươi hãy quán sát nghĩa
lý:
“Đồ mồi của thợ săn, nên biết, đó là năm công
đức của dục[04]:
mắt biết sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị,
thân xúc chạm. Đồ mồi của thợ săn, nên biết, đó là năm niệm
công đức của dục. Người thợ săn, nên biết, đó chính là Ác ma
vương. Quyến thuộc của thợ săn, nên biết, đó chính là quyến
thuộc của Ma vương. Đàn nai, nên biết đó chính là Sa-môn, Phạm
chí vậy.
“Sa-môn, Phạm chí thứ nhất đến gần ăn đồ mồi
của Ma vương, là ăn của tín thí thế gian. Những vị ấy sau khi
đến gần đồ ăn bèn sanh kiêu loạn phóng dật. Rồi do kiêu loạn
phóng dật nên bị tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc Ma vương.
Như vậy là Sa-môn, Phạm chí thứ nhất không thoát khỏi cảnh
giới của Ma vương và quyến thuộc của Ma vương.
“Ví như đàn nai thứ nhất đến gần để ăn đồ mồi
của thợ săn. Sau khi chúng đến gần để ăn bèn sanh kiêu loạn
phóng dật, rồi do kiêu sa phóng dật nên bị tùy thuộc thợ săn
và quyến thuộc thợ săn. Như vậy là đàn nai thứ nhất không
thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Các
ngươi hãy quán sát các Sa-môn, Phạm chí kia cũng giống như
vậy.
“Sa-môn, Phạm chí thứ hai lại suy nghĩ rằng,
‘Sa-môn, Phạm chí thứ nhất đến gần ăn đồ mồi của Ma vương, là
ăn của tín thí thế gian. Những vị ấy sau khi đến gần đồ ăn bèn
sanh kiêu loạn phóng dật. Rồi do kiêu sa phóng dật nên bị tùy
thuộc Ma vương và quyến thuộc Ma vương. Như vậy là Sa-môn,
Phạm chí thứ nhất không thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và
quyến thuộc của Ma vương. Nay ta hãy từ bỏ đồ mồi của tín thí
thế gian, tránh xa chỗ đáng sợ, nương ở nơi rừng vắng an toàn,
chỉ ăn trái cây và rễ cây’. Sau khi suy nghĩ, Sa-môn, Phạm chí
thứ hai liền từ bỏ đồ ăn của tín thí thế gian, tránh xa chỗ
đáng sợ, nương ở nơi rừng vắng an toàn, chỉ ăn trái cây và rễ
cây. Đến tháng cuối Xuân, trái cây và rễ cây đều hết, thân thể
những vị ấy rất gầy ốm, khí lực hao mòn, nên tâm giải thoát,
tuệ giải thoát cũng hao mòn. Và tâm giải thoát, tuệ giải thoát
đã hao mòn nên trở lại bị tùy thuộïc Ma vương và quyến thuộc
của Ma vương. Như vậy là Sa-môn, Phạm chí thứ hai cũng không
thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc của Ma vương.
“Ví như đàn nai thứ hai suy nghĩ rằng ‘Đàn nai
thứ nhất đến gần để ăn đồ mồi của thợ săn. Sau khi chúng đến
gần để ăn bèn sanh kiêu sa phóng dật, rồi do kiêu sa phóng dật
nên bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Như vậy là
đàn nai thứ nhất không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và
quyến thuộc thợ săn. Nay ta hãy từ bỏ đồ mồi của thợ săn,
tránh xa chỗ đáng sợ, nương ở nơi rừng vắng an toàn, ăn cỏ
uống nước được chăng? Sau khi suy nghĩ, đàn nai thứ hai liền
từ bỏ đồ mồi của thợ săn, tránh xa chỗ đáng sợ, nương ở nơi
rừng vắng an toàn, ăn cỏ uống nước. Đến tháng cuối Xuân, cỏ
nước đều hết, thân thể chúng rất gầy ốm, khí lực hao mòn, và
rồi lại bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Như vậy
là đàn nai thứ hai không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và
quyến thuộc thợ săn. Các ngươi hãy quán sát Sa-môn, Phạm chí
thứ hai kia cũng giống như vậy.
“Sa-môn, Phạm chí thứ ba lại suy nghĩ rằng,
‘Sa-môn, Phạm chí thứ nhất và thứ hai, tất cả đều không thoát
khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc Ma vương. Nay ta
hãy tránh xa Ma vương và quyến thuộc Ma vương, nương ở một nơi
không xa, sau đó hãy ăn đồ mồi của thế gian tín thí mà đừng
đến gần. Đã ăn mà không đến gần thì không bị tùy thuộc Ma
vương và quyến thuộc Ma vương’. Sau khi suy nghĩ, Sa-môn, Phạm
chí thứ ba liền tránh xa Ma vương và quyến thuộc Ma vương,
nương ở một nơi không xa, sau đó ăn đồ mồi của thế gian tín
thí mà không đến gần. Đã ăn mà không đến gần, nên không kiêu
loạn phóng dật, rồi do không kiêu sa phóng dật nên không bị
tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc Ma vương, nhưng còn chấp thủ
hai kiếân chấp, hữu kiến và vô kiến. Những vị ấy do chấp thủ
hai kiến chấp này nên rồi cũng bị tùy thuộc Ma vương và quyến
thuộc Ma vương. Như vậy là Sa-môn, Phạm chí thứ ba cũng không
thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc Ma vương.
“Ví như đàn nai thứ ba lại suy nghĩ rằng ‘Đàn
nai thứ nhất và đàn nai thứ hai, tất cả đều không thoát khỏi
cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Nay ta hãy tránh
xa thợ săn và quyến thuộc thợ săn, nương ở một nơi không xa,
sau đó hãy ăn đồ mồi của thợ săn mà không đến gần. Đã ăn mà
không đến gần thì không kiêu loạn phóng dật, không kiêu sa
phóng dâït thì không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ
săn’. Sau khi suy nghĩ, đàn nai thứ ba liền tránh xa thợ săn
và quyến thuộc thợ săn, nương ở một nơi không xa, sau đó ăn đồ
mồi của thợ săn mà không đến gần. Đã ăn mà không đến gần nên
không ỷ thị, phóng dật, rồi do không ỷ thị phóng dật nên không
bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Người thợ săn và
quyến thuộc thợ săn suy nghĩ rằng ‘Đàn nai thứ ba này khôn
lanh kỳ lạ! Quả thật rất khôn lanh. Vì sao vậy? Vì chúng ăn đồ
mồi của ta mà không thể bắt được. Nay ta hãy bủa vòng lưới
chạy dài. Sau khi bủa vòng lưới chạy dài, chắc sẽ biết được
chỗ ở, đường lui tới của đàn nai thứ ba này’. Sau khi suy
nghĩ, thợ săn và quyến thuộc thợ săn liền bủa vòng lưới chạy
dài và sau đó biết được chỗ ở, đường lui tới của đàn nai thứ
ba. Như vậy là đàn nai thứ ba cũng không thoát khỏi cảnh giới
của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Chỗ ở, nên biết đó chính
là hữu kiến. Đường lui tới, nên biết đó chính là vô kiến. Các
ngươi hãy quán sát Sa-môn, Phạm chí thứ ba cũng giống như vậy.
“Sa-môn, Phạm chí thứ tư lại suy nghĩ rằng,
‘Sa-môn, Phạm chí thứ nhất, thứ hai và thứ ba, tất cả đều
không thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc Ma
vương. Nay ta hãy nương ở một nơi mà Ma vương và quyến thuộc
Ma vương không thể đến được, sau đó hãy ăn đồ mồi của thế gian
tín thí mà đừng đến gần. Đã ăn mà không đến gần thì không kiêu
loạn phóng dật, không kiêu sa phóng dật thì không bị tùy thuộc
Ma vương và quyến thuộc của Ma vương’. Sau khi suy nghĩ,
Sa-môn Phạm chí thứ tư này liền nương ở một nơi mà Ma vương và
quyến thuộc Ma vương không thể đến được, sau đó ăn đồ mồi của
thế gian tín thí mà không đến gần. Đã ăn mà không đến gần nên
không kiêu loạn phóng dật, rồi do không kiêu loạn phóng dật
nên không bị tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc Ma vương. Như
vậy là Sa-môn, Phạm chí thứ tư thoát khỏi cảnh giới của Ma
vương và quyến thuộc của Ma vương.
“Cũng như đàn nai thứ tư lại suy nghĩ rằng,
‘Đàn nai thứ nhất, thứ hai và thứ ba, tất cả đều không thoát
khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc của thợ săn. Nay ta
hãy nương ở một nơi mà thợ săn và quyến thuộc thợ săn không
đến được, sau đó hãy ăn đồ mồi của thợ săn mà đừng đến gần. Đã
ăn mà không đến gần thì không kiêu loạn phóng dật, không kiêu
sa phóng dật thì không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ
săn’. Sau khi suy nghĩ, đàn nai thứ tư liền nương ở một nơi mà
thợ săn và quyến thuộc thợ săn không thể đến được, sau đó ăn
đồ mồi của thợ săn mà không đến gần. Đã ăn mà không đến gần
nên không kiêu loạn phóng dật, rồi do không kiêu loạn phóng
dật nên không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn.
Người thợ săn và quyến thuộc thợ săn lại suy nghĩ rằng, ‘Đàn
nai thứ tư này khôn lanh xảo quyệt kỳ lạ! Quả thật rất khôn
lanh xảo quyệt, nếu ta xua đuổi chúng, chắc chắn không thể
được vì những con nai khác sẽ kinh sợ bỏ chạy tán loạn. Vậy ta
hãy bỏ mặc đàn nai thứ tư này’. Sau khi suy nghĩ, thợ săn và
quyến thuộc thợ săn liền bỏ mặc. Như vậy là đàn nai thứ tư
thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Các
ngươi hãy quán rằng Sa-môn, Phạm chí thứ tư cũng giống như
vậy.
“Này Tỳ-kheo, phải nên học chỗ ở, đường lui tới
như vậy để khiến Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không
thể đến được.
“Chỗ nào mà Ma vương và quyến thuộc của Ma
vương không thể đến được? Đó là Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất
thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Đó là
chỗ Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được.
“Lại nữa, chỗ nào mà Ma vương và quyến thuộc
của Ma vương không thể đến được? Đó là Tỳ-kheo tâm câu hữu với
từ, biến mãn cả một phương, thành tựu và an trụ. Như vậy cho
đến hai, ba, bốn phương, bốn phương bàng, phương trên, phương
dưới, phổ biến khắp cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không
oán, không nhuế, không hại, rộng lớn bao la, vô lượng, khéo tu
tập biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng như
vậy, đối với bi và hỷ. Tâm câu hữu với xả, biến mãn cả một
phương, thành tựu và an trụ. Như vậy cho đến hai, ba, bốn
phương, bốn phương bàng, phương trên, phương dưới, phổ biến
khắp cả, tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không sân,
không nhuế, không hại, rộng lớn bao la, vô lượng, khéo tu tập
biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Đó gọi là chỗ
Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được.
“Lại nữa, chỗ nào mà Ma vương và quyến thuộc
của Ma vương của Ma vương không thể đến được? Đó là Tỳ-kheo
vượt qua tất cả các sắc tưởng, cho đến thành tựu và an trụ Phi
hữu tưởng phi vô tưởng xứ. Đó gọi là chỗ Ma vương và quyến
thuộc của Ma vương không thể đến được.
“Lại nữa, chỗ nào mà Ma vương và quyến thuộc
của Ma vương không thể đến được? Đó là Tỳ-kheo vượt qua tất cả
Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, nhập tưởng thọ diệt, tự thân
tác chứng, thành tựu an trụ, do tuệ kiến mà vĩnh viễn diệt tận
các lậu. Đó gọi là chỗ Ma vương và quyến thuộc của Ma vương
không thể đến được.
“Này Tỳ-kheo, chỗ ở và đường lui tới như vậy
khiến Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được.
Các ngươi hãy nên học như vậy”.
Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe
Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Bản Hán, quyển
47. Tương đương Pāli: M. 25. Nivāpa-sutta.
-
[02] Hán: vô sự xứ.
Pāli: araññāyatana.
-
[03] Hán: xuân hậu
nguyệt. Pāli: gimhāna pacchime māse, vào tháng cuối mùa hạ.
-
[04] Ngũ dục công
đức. Pāli: pañca kāma-guā, năm phẩm chất của dục vọng.