-
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trụ trong
Đông viên, Lộc tử mẫu giảng đường
[02]
Bấy giờ Lộc Tử Mẫu Tì-xá-khư
[03] , vào lúc sáng sớm, tắm gội, mặc chiếc áo
trắng tinh, dẫn các con dâu với đoàn tùy tùng vây quanh đi đến
chỗ Phật. Cúi đầu làm lễ, rồi đứng sang một bên, Thế Tôn hỏi:
“Này Bà cư sĩ
[04] , bà vừa tắm gội chăng?
Đáp rằng:
“Bạch Thế Tôn, hôm nay con trì trai. Bạch Thế
Tôn, hôm nay con trì trai.”
Thế Tôn hỏi:
“Này Bà cư sĩ, hôm nay bà trì loại trai nào? Vì
trai có ba loại. Những gì là ba? Thứ nhất là loại trai của mục
đồng; thứ hai là loại trai của Ni-kiền; thứ ba là Thánh trai
tám chi.
“Này Bà cư sĩ, thế nào là loại trai của mục
đồng
[05] ? Mục đồng buổi sáng thả trâu trong đầm, buổi
xế dẫn trâu về thôn. Khi về thôn, nó nghĩ rằng, ‘Ngày hôm nay
ta thả trâu ở chỗ này; ngày mai ta sẽ thả trâu ở chỗ kia. Ngày
hôm nay ta cho trâu uống ở chỗ này; ngày mai ta sẽ cho trâu
uống nước tại chỗ kia. Này Bà cư sĩ, nếu người trì trai nghĩ
rằng, ‘Ngày hôm nay ta ăn đồ ăn như vầy; ngày mai ta sẽ ăn đồ
ăn như kia. Ngày hôm nay ta uống thức uống như vầy; ngày mai
ta sẽ uống thức uống như kia. Ngày hôm nay ta nuốt thức ăn như
vầy; ngày mai ta sẽ nuốt thức ăn như thế kia’. Người ấy ở đây
trải qua ngày đêm hoan lạc, đắm trước trong dục vọng như vậy.
Đó gọi là loại trai của mục đồng. Nếu trì loại trai mục đồng
như vầy, không thu hoạch được đại lợi, không được đại quả,
không có đại công đức, không được phát triển.
“Này Bà cư sĩ, thế nào là loại trai của
Ni-kiền
[06]? Nếu có người xuất gia học theo Ni-kiền, vị ấy
khuyên người rằng, ‘Ngươi đối với chúng sanh ở ngoài một trăm
do-diên về phía Đông, để ủng hộ chúng sanh ấy, hãy loại bỏ dao
gậy. Cũng vậy, đối với phương Tây, phương Nam và phương Bắc,
ngoài một trăm do-diên mà có chúng sanh nào, vì để ủng hộ
chúng sanh ấy, hãy loại bỏ dao gậy’. Người ấy khuyến khích
sách tấn người khác như vậy. Hoặc chúng sanh có tưởng được thủ
hộ, hoặc chúng sanh không có tưởng không được ủng hộ, ngươi
vào ngày mười lăm là ngày thuyết Tùng giải thoát, cởi bỏ y
phục, để mình trần truồng, đứng ngay về phương Đông, nói như
vầy, ‘Ta không có cha mẹ, không thuộc về cha mẹ. Ta không có
vợ con, không thuộc về vợ con. Ta không có nô tỳ, không thuộc
về nô tỳ’. Này Bà cư sĩ, người ấy khuyến khích sách tấn bằng
lời nói chân thật, nhưng ngược lại sự khuyến khích sách tấn
trở thành những lời nói hư dối. Người ấy ngày ngày gặp mặt cha
mẹ mình và nghĩ rằng, ‘Đây là cha mẹ ta’. Cha mẹ người ấy ngày
ngày cũng thấy con mình cũng nghĩ rằng, ‘Đây là con ta’. Người
ấy gặp mặt vợ con và nghĩ rằng, ‘Đây là vợ con ta’. Vợ con
cũng thấy người ấy và cũng nghĩ rằng ‘Đây là tôn trưởng của
ta’. Người ấy gặp mặt nô tỳ cũng nghĩ rằng, ‘Đây là nô tỳ của
ta’. Nô tỳ cũng thấy người ấy và cũng nghĩ rằng, ‘Đây là chủ
của ta’. Người ấy thọ dụng dục lạc này, không được cho mà thọ
dụng, chứ không phải được cho mà thọ dụng
[07] . Đó gọi là loại trai của Ni-kiền như vậy
không thu hoạch được đại lợi, không được đại quả, không được
phát triển.
“Này Bà cư sĩ, thế nào là Thánh trai tám chi
[08] ? Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như
vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa sát sanh, đoạn trừ
sát sanh, dẹp bỏ dao gậy, có tàm, có quý, có tâm từ bi, làm
lợi ích cho tất cả cho đến côn trùng, vị ấy đối với sự sát
sanh tâm đã tịnh trừ. Tôi cũng trọn đời xa lìa sát sanh
[09] , đoạn trừ sát sanh, dẹp bỏ dao gậy, có tàm có
quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả cho đến côn trùng.
Đối với việc sát sanh nay tôi tịnh trừ tâm ấy.Tôi do chi này
mà đồng đẳng không khác với A-la-hán’
[10] . Ta coi chi này đồng đẳng không khác với
A-la-hán, cho nên nói là trai.
“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi
trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời không
lấy của không cho, đoạn trừ sự lấy của không cho, những gì
được cho rồi mới lấy, vui thích trong việc lấy của được cho,
thường ưa bố thí, tâm vui thích sự phóng xả, hoan hỷ, không
bỏn sẻn, không trông chờ báo đáp, không để sự trộm cắp che lấp
tâm mình, hay tự chế ngự. Vị ấy đối với việc không cho mà lấy,
tâm đã tịnh trừ. Tôi cũng trọn đời xa lìa sự lấy của không
cho, đoạn trừ sự lấy của không cho, những gì được cho mới lấy,
vui thích trong việc lấy của được cho, thường ưa bố thí, tâm
vui thích sự phóng xả, hoan hỷ, không bỏn sẻn, thường không
trông chờ sự báo đáp, không để sự trộm cắp che lấp tâm mình
hay tự chế ngự. Đối với việc không cho mà lấy, nay tôi tịnh
trừ tâm ấy’. Ta coi chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán,
cho nên nói là trai.
“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi
trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa
phi phạm hạnh, đoạn trừ phi phạm hạnh, tu hành phạm hạnh, chí
thành tâm tịnh, sống không xú uế, ly dục, đoạn dâm, vị ấy đối
với phi phạm hạnh, tâm đã tịnh trừ. Tôi nay trong một ngày một
đêm này xa lìa phi phạm hạnh, đoạn trừ phi phạm hạnh tu hành
phạm hạnh, chí thành tịnh tâm, sống không xú uế, ly dục, đoạn
dâm. Đối với phi phạm hạnh, nay tôi tịnh trừ tâm ấy’. Ta coi
chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán, cho nên nói là
trai.
“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi
trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời không
nói láo, đoạn trừ sự nói láo chỉ nói lời chắc thật, vui thích
sự thật, an trụ nơi sự thật, được mọi người tin tưởng, không
lừa gạt thế gian. Vị ấy đối với sự nói dối, tâm đã tịch trừ.
Tôi nay trọn đời không nói dối, đoạn trừ sự nói dối, chỉ nói
lời chắc thật, vui thích sự thật, an trụ nơi sự thật, được mọi
người tin tưởng, không lừa gạt thế gian. Đối với sự nói dối,
tôi nay tịnh trừ tâm ấy’. Ta coi chi này đồng đẳng không khác
với A-la-hán, cho nên nói là trai.
“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi
trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa
việc uống rượu buông lung, đoạn trừ sự uống rượu buông lung.
Vị ấy đối với việc uống rượu buông lung, tâm đã tịnh trừ. Tôi
nay cũng trọn đời xa lìa sự uống rượu buông lung, đoạn trừ sự
uống rượu buông lung. Đối với việc uống rượu buông lung, nay
tôi tịnh trừ tâm ấy’. Ta coi chi này đồng đẳng không khác với
A-la-hán, cho nên nói là trai.
“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi
trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa
giường lớn cao rộng, đoạn trừ giường lớn cao rộng, vui thích
nằm ngồi chỗ thấp, hoặc giường hoặc trải cỏ. Vị ấy đối với
giường lớn cao rộng, tâm đã tịnh trừ. Tôi nay trong một ngày
một đêm này xa lìa giường lớn cao rộng, đoạn trừ giường lớn
cao rộng, vui thích nằm ngồi chỗ thấp, hoặc giường hoặc trải
cỏ. Đối với giường lớn cao rộng, tôi nay tịnh trừ tâm ấy’. Ta
coi chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán, cho nên nói là
trai.
“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi
trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa
tràng hoa anh lạc, hương bột, phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và
đi đến xem nghe. Đoạn trừ tràng hoa anh lạc, hương bột, phấn
sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe. Vị ấy đối với tràng
hoa anh lạc, hương bột, phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến
xem nghe tâm đã tịnh trừ. Tôi nay trong một ngày một đêm này
xa lìa tràng hoa anh lạc, hương bột, phấn sáp, ca, vũ, xướng,
kỹ và đi đến xem nghe. Đoạn trừ tràng hoa anh lạc, hương bột
phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe. Đối với tràng
hoa anh lạc, hương bột, phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến
xem nghe, nay tôi tịnh trừ tâm ấy’. Ta coi chi này đồng đẳng
không khác với A-la-hán, cho nên nói là trai.
“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi
trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa
sự ăn phi thời, đoạn trừ sự ăn phi thời. Vị ấy đối với sự ăn
phi thời tâm đã tịnh trừ. Tôi nay trong một ngày một đêm xa
lìa sự ăn phi thời, đoạn trừ sự ăn phi thời. Đối với sự ăn phi
thời, tôi nay tịnh trừ tâm ấy’. Ta coi chi này như của
A-la-hán, ngang nhau không khác, do đó gọi là trai.
“Người ấy sau khi đến với Thánh trai tám chi
này rồi, để tiến lên, lại nên tu tập năm pháp.
“Những gì là năm? Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ
tử khi trì trai niệm tưởng Như Lai rằng, ‘Thế Tôn là Như Lai,
Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu[11]
, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự
[12] , Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu[13]
’. Người ấy sau khi niệm tưởng Như Lai như vậy, ác tham nếu có
liền bị tiêu diệt. Những pháp tạp uế, ác bất thiện, nếu có
cũng bị diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Như
Lai cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền bị
diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng bị tiêu diệt. Cũng
như một người trên đầu có cáu ghét, do cao, nước nóng, sức
người tắm gội cho nên được sạch. Cũng vậy, Đa văn Thánh đệ tử
khi trì trai niệm tưởng Như Lai rằng, ‘Thế Tôn là Như Lai, Vô
Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế
Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật,
Chúng Hựu’. Người ấy sau khi niệm tưởng Như Lai như vậy ác lam
tham nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có
cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Như
Lai nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền bị diệt,
pháp tạp uế, bất thiện nếu có cũng bị diệt. Đó gọi là Đa văn
Thánh đệ tử thọ trì trai giới Phạm thiên, cùng cộng hội với
Phạm thiên, nhân Phạm thiên cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham
lam nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng
bị diệt.
Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai
niệm tưởng Pháp rằng, ‘Pháp này do Thế Tôn giảng thuyết toàn
thiện, cứu cánh, thường hằng, không biến đổi, được biết bởi
chánh trí, được thấy bởi chánh trí, được chứng giác bởi chánh
trí
[14]’. Người ấy sau khi niệm tưởng như vậy rồi, ác
tham lam nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có
cũng bị diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi pháp
nên tâm tĩnh, được hỷ; ác tham lam nếu có liền diệt, pháp tạp
uế, ác bất thiện nếu có cũng bị diệt. Cũng như một người trong
mình có cấu ghét, nhờ bột tắm, nước nóng và sức người tắm gội
kỹ cho nên được sạch sẽ. Cũng vậy, Đa văn Thánh đệ tử khi trì
trai niệm tưởng Pháp rằng, ‘Pháp này do Thế Tôn giảng thuyết
toàn thiện, cứu cánh, thường hằng, không biến đổi’. Người ấy
sau khi niệm pháp như vậy rồi, ác tham lam nếu có liền được
diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà
cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi pháp cho nên tâm tĩnh,
được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác
bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, đó gọi là Đa
văn Thánh đệ tử thọ trì pháp trai, cùng cộng hội với pháp,
nhân pháp cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền
được diệt, pháp tạp uế, bất thiện nếu có cũng được diệt.
“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi
trì trai niệm tưởng Tăng rằng, ‘Tăng là đệ tử Thế Tôn, khéo
thú hướng, chất trực, hành yếu, hành thú, trong Tăng chúng của
Như Lai thật sự có A-la-hán thú, A-la-hán quả chứng, A-na-hàm
thú, A-na-hàm quả chứng, Tư-đà-hàm thú, Tư-đà-hàm quả chứng,
Tu-đà-hoàn thú, Tu-đà-hoàn quả chứng. Đó là bốn đôi, tám hạng
Thánh sĩ. Đó là chúng tăng đệ tử của Thế Tôn, thành tựu giới,
định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, xứng đáng mời gọi,
xứng đáng thỉnh, xứng đáng cúng dường, xứng đáng phụng sự,
xứng đáng kính trọng, là ruộng phước là ruộng phước tốt cho
trời và người
[15] ’. Người đó sau khi niệm tưởng như vậy rồi, ác
tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu
có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi
Tăng nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt,
pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Cũng như một
người nơi áo có cấu ghét, bất tịnh, nhờ tro, bột kết, bột
giặt, nước nóng, sức người giặt giũ, nên nó được sạch sẽ như
vậy. Cũng vậy, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Tăng
rằng, ‘Tăng là đệ tử Thế Tôn, khéo thú hướng, chất trực, hành
yếu, hành thú, trong Tăng chúng của Như Lai thật sự có
A-la-hán thú, A-la-hán quả chứng, A-na-hàm thú, A-na-hàm quả
chứng. Tư-đà-hàm thú, Tư-đà-hàm quả chứng, Tu-đà-hoàn thú,
Tu-đà-hoàn quả chứng. Đó là bốn đôi tám hạng Thánh sĩ, đó là
Tăng chúng của Thế Tôn, thành tựu, giới, định, tuệ, giải
thoát, giải thoát tri kiến, xứng đáng mời gọi, xứng đáng
thỉnh, xứng đáng cung kính, xứng đáng cúng dường, xứng đáng
phụng sự, xứng đáng kính trọng, là ruộng phước tốt cho trời và
người’. Người ấy niệm tưởng Tăng như vậy, ác tham lam nếu có
liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được
diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi tăng nên tâm
tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế,
ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Đó gọi là Đa văn Thánh đệ
tử thọ trì tăng trai, cùng tăng cộng hội, nhân tăng mà tâm
tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế,
ác bất thiện nếu có cũng được diệt.
“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi
trì trai tư duy Giới mình đang thọ trì, không sứt, không
thủng, không uế, không ô, rất rộng, rất lớn, không trông chờ
báo đáp, được bậc trí khen ngợi, khéo trọn đủ, khéo thú hướng,
khéo thọ, khéo trì. Người ấy sau khi niệm tưởng Giới mình đang
thọ rồi, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác
bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ
tử duyên nơi Giới, nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có
liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được
diệt. Cũng như một tấm gương bụi nhơ, không sáng, nhờ đá, đá
mài, ngọc oanh, và sức người lau chùi, mài dũa mà được trong
sáng. Cũng vậy, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng
Giới mình đang thọ trì, không sứt, không thủng, không ô, không
uế, rất rộng, rất lớn, không trông chờ báo đáp, được bậc trí
khen ngợi, khéo trọn đủ, khéo thú hướng, khéo thọ, khéo trì.
Người ấy sau khi niệm tưởng Giới mình đang thọ trì như vậy, ác
tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu
có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi
Giới nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt
pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Đó gọi là Đa
văn Thánh đệ tử thọ trì giới trai. Cùng Giới cộng hội, nhân
Giới, tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt,
pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt.
“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi
trì trai niệm tưởng chư Thiên rằng, ‘Thật sự có Tứ vương
thiên. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu tín, mạng chung nơi này
được sanh nơi ấy. Tôi cũng có tín ấy. Hàng Thiên ấy, nếu thành
tựu giới, văn, thí, tuệ, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy.
Tôi cũng có tuệ ấy. Thật sự có Tam thập tam thiên, Diệm-ma
thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa lạc thiên.
Hàng Thiên ấy, thành tựu tín, mạng chung nơi này được sanh nơi
ấy, tôi cũng có tín ấy. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu giới,
văn, thí, tuệ, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy. Tôi cũng
thành tựu tuệ ấy’. Người ấy sau khi niệm tưởng như vậy rồi, và
chư Thiên có tín, giới, văn, thí, tuệ, ác tham lam nếu có liền
được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt.
Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi chư Thiên nên tâm
tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế,
ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Cũng như vàng ròng thượng
sắc, bị bụi đóng bất tịnh, nhờ lửa, bài, kiềm, chùy, đất đỏ,
sức người lau chùi mài dũa mà được minh tịnh. Cũng vậy, Đa văn
Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng chư Thiên rằng ‘Thật sự có
Tứ vương thiên. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu tín, mạng chung
nơi này được sanh nơi kia, tôi cũng có tín ấy. Hàng Thiên ấy,
nếu thành tựu giới, văn, thí, tuệ, mạng chung nơi này được
sanh nơi kia, tôi cũng có tuệ ấy. Thật sự có Tam thập tam
thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha
hóa lạc thiên. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu tín, mạng chung
nơi này được sanh nơi ấy. Tôi cũng thành tựu tín ấy. Hàng
Thiên ấy, nếu thành tựu giới, văn, thí, tuệ, mạng chung nơi
này được sanh nơi ấy; tôi cũng thành tựu tuệ ấy’. Người ấy
niệm tưởng như vậy, và chư Thiên có tín, giới, văn, thí, tuệ,
ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện
nếu có cũng được diệt.
“Này Bà cư sĩ, nếu hành trì Thánh trai tám chi
này như vậy và ở đây với mười sáu đại quốc này, một là
Ương-già, hai là Ma-kiệt-đà, ba là Ca-thi, bốn là Câu-tát-la,
năm là Câu-lâu, sáu là Ban-xà-la, bảy là A-nhiếp-bối, tám là
A-hòa-đàn-đề, chín là Chi-đề, mười là Bạt-kỳ, mười một là
Bạt-ta, mười hai là Bạt-la, mười ba là Tô-ma, mười bốn là
Tô-ma-tra, mười lăm là Dụ-ni, mười sáu là Kiếm-phu. Trong các
nước này những sở hữu tiền tài, bảo vật, kim ngân, ma ni, chơn
châu, lưu ly, tương-già
[16], bích ngọc, san hô, lưu-thiệu
[17] , bệ-lưu[18]
, bệ-lặc[19],
mã não, đồi mồi, xích thạch, tuyền châu, và giả sử một người
làm vua trong đó, sẽ được xử dụng tự tại, tùy ý. Nhưng người
ấy so với người thọ trì Thánh trai tám chi hoàn toàn không
bằng một phần mười sáu.
“Này Bà cư sĩ, Ta nhân đó mà nói như vầy, ‘Lạc
thú của nhân vương không bằng lạc thú của chư Thiên’. Nếu nhân
gian năm mươi năm, ở trên Tứ vương thiên mới là một ngày một
đêm. Như vậy ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là
một năm. Năm trăm năm như vậy là tuổi thọ của Tứ vương thiên.
Này Bà cư sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử hay thiện
nữ nhân, thọ trì Thánh trai tám chi, thân hoại mạng chung sẽ
sanh lên Tứ vương Thiên.
“Này Bà cư sĩ, do đó mà ta nói như vầy, ‘Lạc
thú nhân vương không bằng lạc thú chư Thiên’. Nếu nhân gian
sống một trăm tuổi, thì ở Tam thập tam thiên mới một ngày một
đêm. Như vậy ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là
một năm và một nghìn năm như vậy là tuổi thọ của Tam thập tam
thiên. Này Bà cư sĩ, tất có trường hợp này là thiện nam tử hay
thiện nữ nhân, thọ trì Thánh trai tám chi này, khi thân hoại
mạng chung sẽ được sanh lên Tam thập tam thiên.
“Này Bà cư sĩ, Ta nhân đó mà nói như vầy, ‘Lạc
thú nhân vương không bằng lạc thú chư Thiên’. Ở nhân gian hai
trăm năm thì Diệm-ma thiên mới là một ngày một đêm. Như vậy ba
mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm. Hai
nghìn năm như vậy là tuổi thọ của Diệm-ma thiên. Này Bà cư sĩ,
tất có trường hợp này, là thiện nam tử hay thiện nữ nhân thọ
trì Thánh trai tám chi, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh
lên trên Diệm-ma thiên.
“Này Bà cư sĩ, ta nhân đó mà nói như vầy, ‘Lạc
thú của nhân vương không bằng lạc thú của chư Thiên’. Nhân
gian bốn trăm năm thì Đâu-suất-đà thiên mới là một ngày một
đêm. Như vậy, ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là
một năm. Bốn ngàn năm như vậy là tuổi thọ của Đâu-suất-đà
thiên. Này Bà cư sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử
hay thiện nữ nhân thọ trì Thánh trai tám chi này, khi thân
hoại mạng chung sẽ được sanh lên Đâu-suất-đà thiên.
“Này Bà cư sĩ, Ta nhân đó mà nói như vầy, ‘Lạc
thú nhân vương không bằng lạc thú chư Thiên’. Nhân gian sống
tám trăm tuổi, thì Hóa lạc thiên mới là một ngày một đêm. Như
vậy ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm,
tám ngàn năm như vậy là tuổi thọ của Hóa lạc thiên. Này Bà cư
sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử hay thiện nữ nhân
thọ trì Thánh trai tám chi này, khi thân hoại mạng chung sẽ
được sanh lên Hóa lạc thiên.
“Này Bà cư sĩ, Ta nhân đó mà nói rằng, ‘Lạc thú
của nhân vương không bằng lạc thú chư Thiên’. Nhân gian một
ngàn sáu trăm năm, thì Tha hóa lạc thiên mới một ngày một đêm.
Như vậy ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một
năm, một vạn sáu ngàn năm như vậy là tuổi thọ của Tha hóa lạc
thiên. Này Bà cư sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử
hay thiện nữ nhân thì trì Thánh trai tám chi này, khi thân
hoại mạng chung sẽ được sanh lên Tha hóa lạc thiên.”
Lúc bấy giờ Lộc Tử Mẫu Tì-xá-khư chắp tay hướng
về Đức Phật bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, Thánh trai tám chi thật là kỳ
diệu, thật là hy hữu, đại lợi, đại quả, có đại công đức, có
đại quảng bố, con từ nay cho đến trọn đời xin thọ trì Thánh
trai tám chi này, tùy theo năng lực mà bố thí tu phước.”
Rồi Lộc Tử Mẫu sau khi nghe những lời Phật dạy,
khéo thọ trì, khéo tu tập, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, đi quanh
ba vòng rồi lui về.
Thế Tôn thuyết như vậy, Lộc Tử Mẫu Tì-xá-khư và
các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Tương
đương Pāli: A.8.43. Visākhā-sutta. Biệt dịch No.87 Phật
Thuyết Trai Kinh, Ngô, Chi Khiêm dịch; No.88 Ưu-ba-di
Đọa-xá-ca Kinh, khuyết danh dịch; và 89 Phật Thuyết Bát Quan
Trai Kinh, Lưu Tống, Trở Cừ Kinh Thanh dịch.
-
[02] Đông
viên, Lộc tử mẫu giảng đường. Pāli: Pubbārāme
Migāramātupāsāde.
-
[03] Lộc tử
mẫu Tì-xá-khư. Pāli: Visākhā Migāramātā.
-
[04] Nguyên
Hán: Cư sĩ phụ.
-
[05] Phóng
ngưu nhi trai. Pāli: gopālakūposatha.
-
[06] Ni-kiền
trai. Pāli: Nigahūposatha.
-
[07] Bỉ dụng
thử dục bất dữ nhi dụng phi thị dữ dụng. Câu này không hiểu
muốn nói gì. No.87, có đoạn có thể đối chiếu lại không có ý
nghĩa quan hệ ngày hôm sau, vẫn gọi nhau (là cha mẹ, con
cái...) như cũ.
-
[08] Thánh
bát chi trai. Pāli: atthaga samannāgato upasatho hay
ariyūposatha.
-
[09] Bản Hán
có sự nhầm lẫn. Giới bát quan trai có thể tự phát nguyện
trong một ngày một đêm No.87 và bản Pāli cũng nói chỉ phát
nguyện trong một ngày một đêm. Pāli: yāvajīva arahanto
pāātipāta pahāya... aha pajja imañca ratti imañca divasa
pātipāta pahāya..., A-la-hán trọn đời không sát sanh... tôi
nay một ngày một đêm không sát sanh...
-
[10] Câu
chót này theo văn mạch bản Hán, phải hiểu lời kết của Phật.
Nhưng theo bản Pāli nó nằm trong lời phát nguyện. Pāli:
imināpagena arahanta anukaromi uposatho ca me upavuttho,
“Tôi noi gương A-la-hán với chi này, tôi sẽ thọ trì trai
giới”.
-
[11] Hán:
Minh Hành Thành Vi. Pāli: vijjācara-sampanno.
-
[12] Đạo
Pháp Ngự; bản Hán đọc Dhammasārathi (người đánh xe của Đạo
pháp) và lược bỏ purisa (con người). Phật hiệu theo Pāli:
Purisadammasārathi (vị đánh xe, hay hướng dẫn con người đã
đươc huấn luyện): Điều ngự trượng phu.
-
[13] Chúng
Hựu, tức Thế Tôn. Pāli: Bhagavā.
-
[14] Tư duy
về Pháp bảo, đọc theo Pháp Uẩn (Đại 26, tr.462a) như vầy:
“Phật Chánh pháp thiện thuyết hiện kiến, vô nhiệt, ứng thời,
dẫn đạo, cận quán, trí giả nội chứng”.
-
[15] Tư duy
về Tăng bảo, theo Pháp Uẩn (sđd., nt.) như vầy: “Phật đệ tử,
cụ túc diệu hành, chất trực hành, như lý hành, pháp tùy pháp
hành, hòa kỉnh hành, ở trong tăng này có Dự lưu hướng, Dự
lưu quả, Nhất lai hướng, Nhất lai quả, Bất hoàn hướng, Bất
hoàn quả, A-la-hán hướng, A-la-hán quả. Như vậy tổng có bốn
song tám bối Bổ-đặc-già-la. Phật đệ tử chúng giới cụ túc,
ứng thỉnh, ứng khuất, ứng cung kính, vô thượng phước điền,
thế sở ứng cúng”.
-
[16]
Tương-già. Pāli: sakha, vỏ sò hay xa-cừ.
-
[17]
Lưu-thiệu, không rõ ngọc gì.
-
[18] Bệ-lưu,
không rõ ngọc gì.
-
[19] Bệ-lặc,
không rõ ngọc gì.