-
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại thành Vương xá, trong
rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử vào lúc xế từ tĩnh tọa
dậy, đi đến chỗ Tôn giả Đại Câu-hy-la,
[02] chào hỏi nhau xong rồi ngồi xuống một bên.
Tôn giả Xá-lê Tử nói rằng:
“Này Hiền giả Đại Câu-hy-la, tôi có điều muốn
hỏi, Hiền giả nghe cho chăng?
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp rằng:
“Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, muốn hỏi xin cứ hỏi,
tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.”
Tôn giả Xá-lê Tử hỏi rằng:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, bất thiện, được nói là
bất thiện; bất thiện căn, được nói là bất thiện căn. Thế nào
là bất thiện? Thế nào là bất thiện căn?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Thân ác hành, khẩu và ý ác hành, đó là bất
thiện vậy. Tham, nhuế, si, đó là bất thiện căn vậy. Đó là bất
thiện và bất thiện căn.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Hay thay! Lành thay! Hiền giả Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong, hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Câu-hy-la, thiện, được nói là thiện;
thiện căn, được nói là thiện căn. Thế nào là thiện? Thế nào là
thiện căn?
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh, đó là
thiện vậy. Không tham, không nhuế, không si, đó là thiện căn
vậy. Đó là thiện và thiện căn.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Trí tuệ, được nói là trí tuệ. Thế nào là trí
tuệ?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp rằng:
“Biết như vậy, cho nên nói là trí tuệ. Biết
những gì? Biết như thật ‘Đây là Khổ’, biết như thật ‘Đây là
Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là Khổ diệt Đạo’. Biết như
vậy cho nên được nói là trí tuệ.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, thức, được nói là
thức; thế nào là thức?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Thức, nhận thức, cho nên nói là thức.
[3] Nhận thức những gì? Nhận thức, sắc, nhận thức
thanh, hương, vị, xúc, pháp. Thức, nhận thức, cho nên nói là
thức.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, trí tuệ và thức, hai
pháp này hiệp nhất hay riêng biệt? Có thể thi thiết hai pháp
này riêng biệt chăng?”[4]
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Hai pháp này hiệp nhất chứ không riêng biệt.
Không thể thi thiết hai pháp ấy riêng rẽ. Vì sao vậy? Những gì
được biết bởi trí tuệ cũng được biết bỡi thức. Cho nên hai
pháp này hiệp nhất chứ không riêng biệt, và không thể cho rằng
hai pháp này riêng rẽ.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, người biết, ngài lấy
gì để biết?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Biết, tôi do trí tuệ mà biết.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Tôn giả Đại Câu-hy-la!”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, trí tuệ có nghĩa gì?
Có sự thù thắng gì? Có công đức gì?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Trí tuệ có nghĩa yểm ly, có nghĩa vô dục, có
nghĩa thấy như thật.[5”]
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, thế nào là chánh
kiến?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Biết như thật về Khổ, biết như thật về Khổ
tập, Khổ diệt và Khổ diệt đạo. Đó gọi là chánh kiến.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu nhân, có
bao nhiêu duyên sanh chánh kiến?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Có hai nhân, có hai duyên sanh chánh kiến.
Những gì là hai? Một là duyên từ người khác, hai là nội tâm tư
duy. Đó là có hai nhân, có hai duyên sanh chánh kiến.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu chi thâu
nhiếp chánh kiến để đạt được tâm giải thoát quả, tuệ giải
thoát quả, đạt được tâm giải thoát công đức, tuệ giải thoát
công đức?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Có năm chi thâu nhiếp chánh kiến để đạt được
tâm giải thoát quả, tuệ giải thoát quả; đạt được tâm giải
thoát công đức, tuệ giải thoát công đức. Những gì là năm? Một
là được thâu nhiếp bởi chân đế, hai là được thâu nhiếp bởi
giới, ba là được thâu nhiếp bởi bác văn, bốn là được thâu
nhiếp bởi chỉ, năm là được thâu nhiếp bởi quán. Đó gọi là năm
chi thâu nhiếp chánh kiến để đạt được tâm giải thoát quả, tuệ
giải thoát quả, đạt được tâm giải thoát công đức, tuệ giải
thoát công đức.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, như thế nào sanh sự
hữu trong tương lai
[06]?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Phàm phu ngu si, vô tri, không đa văn, bị vô
minh che lấp, bị ái kết trói buộc, không gặp thiện tri thức,
không hiểu biết Thánh pháp, không điều ngự Thánh pháp, đó gọi
là làm phát sanh sự hữu trong tương lai.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, thế nào là không sanh
sự hữu trong tương lai?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Nếu vô minh đã diệt, minh đã sanh, tất diệt
tận khổ. Đó gọi là không phát sanh sự hữu trong tương lai.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu thọ?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Có ba thọ, là khổ thọ, lạc thọ và không khổ
không lạc thọ. Thọ này duyên đâu mà có? Duyên xúc mà có.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la!”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, thọ, tưởng, tư, ba
pháp này hiệp nhất hay riêng biệt? Có thể thi thiết ba pháp
này riêng biệt chăng?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp rằng:
“Thọ, tưởng, tư, ba pháp này hiệp nhất không
riêng biệt. Không thể thi thiết ba pháp này là riêng biệt. Vì
sao? Những gì được cảm thọ bởi thọ, cũng được tưởng bởi tưởng,
được tư bởi tư. Cho nên nói ba pháp này hiệp nhất không riêng
biệt, và không thể thi thiết ba pháp này riêng biệt.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Diệt có sự đối ngại gì?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Diệt không có sự đối ngại.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có năm căn với hành dị
biệt
[07], cảnh giới dị biệt, mỗi căn lãnh thọ cảnh giới
riêng. Nhãn căn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân căn. Năm căn hành tướng
dị biệt, cảnh giới dị biệt, mỗi căn tự lãnh thọ cảnh giới
riêng. Vậy cái gì lãnh thọ tất cả cảnh giới cho chúng? Cái gì
làm sở y cho chúng?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp rằng:
“Năm căn với hành tướng dị biệt, với cảnh giới
dị biệt, mỗi căn lãnh thọ cảnh giới riêng. Nhãn căn, nhĩ, tỷ,
thiệt, thân căn. Năm căn này với hành tướng riêng biệt, với
cảnh giới riêng biệt, mỗi căn lãnh thọ cảnh giới riêng; ý lãnh
thọ tất cả cảnh giới cho chúng. Ý làm sở y cho chúng.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Ý nương tựa vào đâu mà tồn tại?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Ý nương tựa vào tuổi thọ mà tồn tại.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, tuổi thọ nương vào đâu
mà tồn tại?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp rằng:
“Tuổi thọ nương vào hơi ấm mà tồn tại.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, tuổi thọ và hơi ấm,
hai pháp này hiệp nhất hay riêng biệt? Có thể thi thiết hai
pháp này riêng biệt chăng?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Tuổi thọ và hơi ấm hai pháp này hiệp nhất
không riêng biệt. Không thể cho rằng hai pháp này riêng biệt.
Vì sao? Nhân tuổi thọ mà có hơi ấm; nhân hơi ấm mà có tuổi
thọ. Nếu không có tuổi thọ thì không có hơi ấm, nếu không có
hơi ấm thì không có tuổi thọ. Cũng như do dầu do bấc mà đốt
được đèn; và ở đây do ngọn mà có ánh sáng, do ánh sáng mà có
ngọn. Nếu không có ngọn thì không có ánh sáng, không có ánh
sáng thì không có ngọn. Cũng vậy, nhân tuổi thọ mà có hơi ấm,
nhân hơi ấm mà có tuổi thọ. Nếu không có tuổi thọ thì không có
hơi ấm, không có hơi ấm thì không có tuổi thọ. Cho nên hai
pháp này hiệp nhất không riêng biệt, và không thể cho rằng hai
pháp này riêng biệt.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu pháp khi
sanh thân chết rồi bỏ xác ngoài bãi tha ma như cây gỗ vô
tình?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Có ba pháp khi sanh thân chết rồi bỏ xác ngoài
bãi tha ma như cây gỗ vô tình. Những gì là ba? Một là tuổi
thọ, hai là hơi ấm, ba là thức. Ba pháp này sau khi sanh thân
chết rồi, bỏ xác ngoài bãi tha ma như cây gỗ vô tình.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, chết và nhập diệt tận
định khác nhau như thế nào?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Chết là thọ mạng đã diệt, hơi nóng ấm đã đi,
các căn tan rã. Tỳ-kheo nhập diệt tận định, tuổi thọ chưa hết,
hơi ấm cũng chưa đi, các căn chưa tan rã. Chết và nhập diệt
tận định khác nhau như vậy.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, nhập diệt tận định và
nhập vô tưởng định khác nhau như thế nào?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Tỳ-kheo nhập diệt tận định thì tưởng và tri đã
diệt. Tỳ-kheo nhập vô tưởng định thì tưởng và tri không diệt.
Nhập diệt tận định và nhập vô tưởng định khác nhau như vậy.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, ra khỏi diệt tận định
và ra khỏi vô tưởng định khác nhau như thế nào?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Tỳ-kheo ra khỏi diệt tận định không nghĩ như
vầy, ‘Ta ra khỏi diệt tận định’. Tỳ-kheo ra khỏi vô tưởng định
suy nghĩ như vầy, ‘Ta có tưởng hay ta không có tưởng?’ Ra khỏi
diệt tận định và vô tưởng định khác nhau như vậy.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, Tỳ-kheo nhập diệt tận
định trước hết diệt pháp nào, thân hành, khẩu hành hay ý
hành?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Tỳ-kheo nhập diệt tận định trước hết diệt thân
hành, kế đến khẩu hành và sau hết là ý hành.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, Tỳ-kheo ra khỏi diệt
tận định, pháp nào phát sanh trước hết? Thân hành, khẩu hành
hay ý hành?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Tỳ-kheo ra khỏi diệt tận định, trước hết sanh
thân hành, kế đến sanh khẩu hành và sau cùng sanh ý hành.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Tỳ-kheo khi ra khỏi diệt tận định, xúc bao
nhiêu loại xúc?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Tỳ-kheo ra khỏi diệt tận định, xúc ba loại
xúc. Những gì là ba? Một là xúc không di động; hai là xúc vô
sở hữu; ba là xúc vô tướng. Tỳ-kheo khi ra khỏi diệt tận định
xúc ba loại xúc này.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, không, vô nguyện, vô
tướng, ba pháp này khác nhau về nghĩa, về văn? Hay cùng một
nghĩa một văn?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Không, vô nguyện, vô tướng, ba pháp này khác
nghĩa, khác văn.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong, khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu nhân, bao
nhiêu duyên phát sanh bất động định?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Có bốn nhân, bốn duyên phát sanh bất động
định. Những gì là bốn? Nếu Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện
pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền thành tựu an trụ. Đó gọi là
bốn nhân bốn duyên phát sanh bất động định.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu nhân, bao
nhiêu duyên phát sanh vô sở hữu định?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Có ba nhân, ba duyên phát sanh vô sở hữu định.
Những gì là ba? Nếu Tỳ-kheo vượt tất cả sắc tưởng cho đến
chứng đắc vô sở hữu xứ thành tựu an trụ. Đó gọi là ba nhân ba
duyên phát sanh vô sở hữu định.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu nhân, bao
nhiêu duyên phát sanh vô tưởng định?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Có hai nhân, hai duyên phát sanh vô tưởng
định. Những gì là hai? Một là không suy niệm tất cả mọi tưởng,
hai là suy niệm vô tưởng giới. Đó gọi là có hai nhân, hai
duyên phát sanh vô tưởng định.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu nhân, bao
nhiêu duyên trụ vô tưởng định?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Có hai nhân, hai duyên trụ vô tưởng định.
Những gì là hai? Một là không niệm tất cả tưởng, hai là niệm
vô tưởng giới. Đó là hai nhân duyên hai duyên trụ vô tưởng
định.”
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành.
Lại hỏi:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu nhân bao
nhiêu duyên ra khỏi vô tưởng định?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
“Có ba nhân ba duyên ra khỏi vô tưởng định.
Những gì là ba? Một là niệm tất cả tưởng; hai là không niệm vô
tưởng giới; ba là do thân này và do sáu xứ duyên mạng căn. Đó
gọi là có ba nhân, ba duyên ra khỏi vô tưởng định.”
Như vậy, hai vị Tôn giả tán thán lẫn nhau rằng:
”Lành thay! Lành thay!” và những điều được thảo luận đó, hoan
hỷ phụng hành, rồi rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy mà đi.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Tương
đương Pāli. M.43. Mahā-vedalla-sutta. Phần lớn, những vấn đề
được thảo luận trong kinh, đối chiếu và xem chú thích ở
Kinh 210 trên.
-
[02] Đại
Câu-hy-la. Pāli: Mahā-Kothika.
-
[03] Thức
thức, thị cố thuyết thức. Pāli: vijānāti vijānātī’ti kho
āvuso tasmā viññāan ti vuccati.
-
[04] Pāli:
labbhā ca panimesa dhammāna vinibbhujitvā vinibbhujitvā
nānākaraa paññāpetun ti, có thể chăng sau khi phân tích rồi
phân tích các pháp này mà giả thiết hành tướng sai biệt của
chúng?
-
[05] Pāli:
paññā kho āvuso abhiññatthā pariññatthā pahānatthā ti, trí
tuệ có nghĩa thaéng tri, có nghĩa biến tri, có nghĩa đoạn
trừ.
-
[06] Đương
lai hữu. Pāli: āyati punabbhavābhimibbatti, sự tái sanh xảy
ra trong tương lai.
-
[07] Hành
dị. Pāli: nānāgocarāni, có môi trường hoạt động sai biệt,
sai biệt sở hành cảnh giới.