Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong
rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Tôn giả A-nan trú tại Xá-vệ, có chút
việc tại Đông viên Lộc mẫu giảng đường. Lúc đó Tôn giả A-nan
dẫn một thầy Tỳ-kheo ra khỏi Xá-vệ
[02] , đến Đông viên Lộc mẫu giảng đường. Công
việc xong, Tôn giả dẫn thầy Tỳ-kheo trở về vườn Cấp cô độc,
trong rừng Thắng.
Khi ấy Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la cỡi trên
con voi Nhất-bôn-đà-lị
[03] cùng với Đại thần Thi-lị-a-trà
[04] từ thành Xá-vệ đi ra. Tôn giả A-nan khi ấy
nhìn thấy Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la từ xa đi đến, bèn
hỏi vị Tỳ-kheo đồng hành rằng:
“Có phải là Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la ấy
không?”
Vị Tỳ-kheo đáp:
“Đúng vậy.”
Tôn giả A-nan liền tẻ xuống đường, lánh vào
một gốc cây. Vua Ba-tư-nặc từ xa nhìn thấy Tôn giả A-nan nơi
gốc cây bèn hỏi:
“Này Thi-lị-a-trà, có phải là Sa-môn A-nan ấy
không?”
Thi-lị-a-trà đáp:
“Đúng vậy.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bảo Đại thần
Thi-lị-a-trà:
“Khanh hãy giục voi đến chỗ Sa-môn A-nan.”
Thi-lị-a-trà vâng lệnh bèn giục voi đến chỗ
A-nan.
Rồi Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la vui mừng
hỏi:
“A-nan, từ đâu đến đây và muốn đi đâu bây
giờ?”
“Tôn giả A-nan trả lời:
“Đại vương, tôi từ Đông viên Lộc mẫu giảng
đường đến và muốn trở về vườn Cấp cô độc, trong rừng Thắng.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói:
“A-nan, nếu tại Thắng lâm không có việc gì
gấp, xin Ngài từ mẫn đi cùng tôi đến sông A-di-la-bà-đề
[05].
Tôn giả A-nan nhận lời Ba-tư-nặc vua nước
Câu-tát-la. Nhà vua để Tôn giả A-nan đi trước, rồi cùng đến
sông A-di-la-bà-đề. Đến nơi, vua bước xuống, lấy yên voi gấp
làm tư, trải lên đất và mời Tôn giả A-nan:
“Xin mời ngồi trên chỗ này!”
Tôn giả A-nan đáp:
“Thôi được rồi, Đại vương, trong lòng thỏa
mãn là đủ.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại ba lần mời
Tôn giả A-nan:
“A-nan, xin mời ngồi lên chỗ này.”
Tôn giả A-nan cũng đáp lại ba lần:
“Thôi được rồi, Đại vương, trong lòng thỏa
mãn là đủ. Tôi đã có sẵn tọa cụ. Tôi sẽ ngồi nơi đây.”
Nói xong Tôn giả A-nan trải tọa cụ và ngồi
kiết già.
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la chào hỏi A-nan
rồi ngồi xuống một bên mà nói rằng:
“A-nan, tôi có điều muốn hỏi mong ngài cho
phép.”
Tôn giả A-nan trả lời.
“Đại vương, ngài có điều gì cứ hỏi; tôi nghe
sẽ suy nghĩ.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi:
“A-nan, Đức Thế Tôn có hành những thân hành
như vậy chăng? Tức là thân hành mà các Sa-môn, Phạm chí ghê
tởm chăng?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Đại vương, Như Lai không có những thân hành
như vậy tức là thân hành mà các Sa-môn Phạm chí, những người
thông minh trí tuệ và hàng thế gian khác ghê tởm.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong khen
rằng:
“Lành thay! Lành thay! A-nan, điều mà tôi
không đủ khả năng để nói, kể cả những người thông minh trí
tuệ, và những hàng thế gian khác, thì A-nan đủ khả năng. Này
A-nan, nếu ai không nhận định kỹ mà đã chê bai hay khen ngợi
thì tôi không coi đó là chơn thật. Này A-nan, Đức Thế Tôn có
những thân hành như vầy, những thân hành mà các Sa-môn Phạm
chí những người thông minh trí tuệ và những hàng thế gian
khác ghê tởm chăng?”
Tôn giả A-nan trả lời:
“Đại vương, Như Lai không bao giờ hành những
thân hành như vậy, tức những thân hành mà các Sa-môn Phạm
chí những người thông minh trí tuệ và những hàng thế gian
khác ghê tởm.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:
“A-nan, thế nào là thân hành?”
[06]
A-nan đáp:
“Đại vương, đó là những thân hành bất thiện.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi.
“Thế nào là thân hành bất thiện?”
A-nan đáp:
“Đó là những thân hành có tội.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:
“A-nan, thế nào là thân hành có tội?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Đại vương, đó là những thân hành bị người
trí ghê tởm
[07].”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:
“A-nan, thế nào là thân hành bị người trí ghê
tởm?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Đại vương, đó là những thân hành hại mình,
hại người, hại cả hai, diệt trí tuệ, hỗ trợ sự ác, không
chứng đắc Niết-bàn, không dẫn đến trí, không dẫn đến giác,
không dẫn đến Niết-bàn. Người ấy đối với pháp nên hành,
không biết như thật, đối với pháp không nên hành cũng không
biết như thật. Khi đối với pháp nên hành không biết như
thật, và pháp không nên hành cũng không biết như thật rồi,
đối với pháp nên chấp thủ không biết như thật, và đối với
pháp không nên chấp thủ cũng không biết như thật. Sau khi
đối với pháp nên thủ đã không biết như thật, và đối với pháp
không nên thủ cũng không biết như thật rồi, đối với pháp nên
đoạn trừ không biết như thật, và đối với pháp không nên đoạn
trừ cũng không biết như thật. Sau khi đối với pháp nên đoạn
trừ đã không biết như thật, và đối với pháp không nên đoạn
trừ cũng không biết như thật; thì đối với pháp nên thành tựu
không biết như thật và đối với pháp không nên thành tựu cũng
không biết như thật. Sau khi đối với pháp nên thành tựu đã
không biết như thật và pháp không nên thành tựu cũng không
biết như thật rồi, do đó, pháp nên hành trì thì không hành,
pháp không nên hành trì lại hành. Sau khi pháp nên hành trì
thì không hành, pháp không nên hành trì lại hành rồi, đối
với pháp nên thủ thì không thủ và pháp không nên thủ lại
thủ. Sau khi đối với pháp nên thủ thì không thủ, đối với
pháp không nên thủ lại thủ rồi, đối với pháp nên đoạn trừ
thì không đoạn trừ, đối với pháp không nên đoạn trừ lại đoạn
trừ. Sau khi đối với pháp nên đoạn trừ thì không đoạn trừ,
và đối với pháp không nên đoạn trừ lại đoạn trừ rồi, đối với
pháp nên thành tựu thì không thành tựu, và đối với pháp
không nên thành tựu lại thành tựu. Sau khi pháp nên thành
tựu thì không thành tựu, và pháp không nên thành tựu lại
thành tựu rồi thì pháp bất thiện càng tăng và pháp thiện
càng giảm. Vì vậy, Như Lai không bao giờ hành những pháp
ấy.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:
“A-nan, tại sao Như Lai không bao giờ hành
những pháp ấy?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Đại vương, ly dục và dục đã diệt tận, ly
nhuế và nhuế đã diệt tận, ly si và si đã diệt tận, Như Lai
đoạn trừ tất cả pháp bất thiện, thành tựu tất cả pháp thiện.
Đây là Bậc Thầy khuyến giáo, Bậc Thầy vi diệu, Bậc Thầy khéo
tùy thuận, là Vị dẫn dắt điều ngự, tùy thuận điều ngự, là Vị
nói năng toàn thiện, nói năng vi diệu, nói năng khéo tùy
thuận. Cho nên Như Lai trọn không bao giờ hành những pháp
bất thiện ấy.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! A-nan, Như Lai không
bao giờ hành những pháp không nên hành. Vì sao vậy? Vì Như
Lai là Bậc Vô Sở Trước, Chánh Đẳng Giác. A-nan, ngài là đệ
tử của vị Đạo sư ấy, học đạo để chứng đắc Niết-bàn an ổn vô
thượng, mà còn không hành pháp ấy, huống nữa Đức Như Lai lại
hành các pháp ấy sao?”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:
“A-nan, Như Lai có hành những thân hành như
vầy, tức là thân hành mà các Sa-môn Phạm chí, những người
thông trí tuệ và các hàng thế gian khác không ghê tởm
chăng?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Đại vương, Như Lai tất nhiên hành những thân
hành như vậy, tức thân hành các Sa-môn Phạm chí, những người
thông minh trí tuệ và các hàng thế gian khác không ghê tởm.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:
“A-nan, thân hành đó là như thế nào?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Đại vương, đó là những thân hành thiện.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:
“A-nan, thế nào là thân hành thiện?”
Tôn giả A-nan trả lời:
“Đại vương, đó là thân hành không có tội.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:
“A-nan, thế nào là thân hành không có tội?”
Tôn giả A-nan trả lời:
“Đại vương, đó là thân hành mà kẻ trí không
ghê tởm.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:
“A-nan, thế nào là thân hành mà kẻ trí không
ghê tởm?”
Tôn giả A-nan trả lời:
“Đại vương, đó là những thân hành không hại
mình, không hại người, không hại cả hai, có giác, có tuệ,
không hỗ trợ bởi sự ác, chứng đắc Niết-bàn, đưa đến trí, đưa
đến giác ngộ, đưa đến Niết-bàn. Đối với pháp nên hành thì
biết như thật, đối với pháp không nên hành cũng biết như
thật. Sau khi đối với pháp nên hành đã biết như thật, đối
với pháp không nên hành cũng biết như thật rồi, đối với pháp
nên thủ biết như thật, đối với pháp không nên thủ cũng biết
như thật. Sau khi đối với pháp nên thủ đã biết như thật, và
đối với pháp không nên thủ cũng biết như thật rồi, đối với
pháp nên đoạn trừ biết như thật, và pháp không nên đoạn trừ
biết như thật. Sau khi đối với pháp đã biết như thật và pháp
không nên đoạn trừ đã biết như thật rồi, đối với pháp nên
thành tựu biết như thật và pháp không nên thành tựu cũng
biết như thật. Sau khi đối với pháp nên thành tựu đã biết
như thật và pháp không nên thành tựu cũng biết như thật rồi,
đối với pháp nên hành thì hành, đối với pháp không nên hành
thì không hành. Sau khi đối với pháp nên hành thì hành, đối
với pháp không nên hành thì không hành rồi, đối với pháp nên
thủ thì thủ, đối với pháp không nên thủ thì không thủ. Sau
khi đối với pháp nên thủ thì thủ, đối với pháp không nên thủ
thì không thủ rồi, đối với pháp nên đoạn trừ thì đoạn trừ
đối với pháp nên đoạn trừ thì không đoạn trừ. Sau khi biết
pháp nên đoạn trừ thì đoạn trừ, và pháp không nên đoạn trừ
thì không đoạn trừ rồi, đối với pháp nên thành tựu thì thành
tựu và đối với pháp không nên thành tựu thì không thành tựu.
Sau khi đối với pháp nên thành tựu thì thành tựu, pháp không
nên thành tựu thì không thành tựu rồi, pháp bất thiện càng
giảm, pháp thiện càng tăng trưởng. Cho nên Như Lai tất nhiên
hành những pháp ấy.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:
“A-nan, tại sao Như Lai tất nhiên hành những
pháp ấy?”
Tôn giả A-nan trả lời:
“Đại vương, ly dục và dục đã diệt tận, ly
nhuế và nhuế đã diệt tận, ly si và si đã diệt tận, Như Lai
đã thành tựu tất cả pháp thiện, và đoạn trừ tất cả pháp bất
thiện. Ngài là Bậc Thầy khuyến giáo, Bậc Thầy vi diệu, Bậc
Thầy khéo tùy thuận, là Vị hướng dẫn điều ngự và tùy thuận
điều ngự, là Vị nói năng toàn thiện, nói năng vi diệu, nói
năng khéo tùy thuận, cho nên Như Lai tất nhiên hành những
pháp ấy.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la khen ngợi:
“Hay thay, hay thay, A-nan, Như Lai tất nhiên
hành những pháp nên hành. Vì sao vậy? Vì Như Lai là Bậc Vô
Sở Trước, là Bậc Đẳng Chánh Giác. Này A-nan, Ngài là bậc đệ
tử của Đức Đạo Sư ấy, học đạo để chứng đắc Niết-bàn an ổn vô
thường, mà còn phải hành những pháp ấy, huống nữa Như Lai
lại không hành những pháp ấy sao? A-nan nói thật khéo léo
khiến tôi hoan hỷ. Nếu A-nan được phép thâu nhận thuế tô
trong làng, tôi sẽ vì pháp mà bố thí thuế tô đó. Nếu A-nan
được phép tùy thuận nhận voi, ngựa, trâu, dê, tôi sẽ vì pháp
mà bố thí voi, ngựa, trâu, dê đó. Nếu A-nan được phép thâu
nhận đàn bà con gái, tôi sẽ vì pháp mà bố thí vợ, đàn bà,
con gái. Nếu A-nan được phép thâu nhận vàng bạc châu báu
[08], tôi sẽ vì pháp mà bố thí vàng bạc và châu
báu. Nhưng A-nan không được phép thâu nhận vàng bạc và châu
báu như thế. Vương gia Câu-tát-la của tôi có một chiếc áo
tên là bệ-ha-đề
[09] rất tốt, tôi đặt nó trong ống cán dù, được
gởi đến để làm tin
[10]. Trong các loại áo kiếp-bối
[11]của vương gia Câu-tát-la, áo này là bậc nhất
trong tất cả. Vì sao vậy? Áo bệ-ha-đề dài mười sáu khủy tay.
Tôi nay vì Pháp đem chiếc áo này bố thí A-nan. A-nan sẽ dùng
nó mà may thành ba y để vương gia Câu-tát-la ấy được mãi mãi
tăng ích phước lành.”
Tôn giả A-nan đáp:
“Thôi đủ rồi Đại vương? Trong tâm thỏa mãn là
đủ. Tôi đã có đủ ba y rồi.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại thưa:
“A-nan, xin nghe tôi nói một ví dụ, người có
trí tuệ nghe ví dụ sẽ thấu rõ ý nghĩa. Ví như sau trận mưa
lớn, nước đầy cả sông A-di-la-bà-đề này, ngập cả hai bên bờ
và chảy tràn ra cả ngoài. A-nan có thấy vậy không?”
Tôn giả A-nan đáp: Đại vương, tôi có thấy.
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại thưa rằng:
“Cũng thế, này A-nan, nếu có ba y thì hãy đem
cho các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, các vị tiệm học, xá-la,
xá-la-ma-ni-ly
[12]. Còn A-nan đem bệ-ha-đề này làm thành ba y
để vương gia Câu-tát-la được tăng ích phước lành.”
Tôn giả A-nan im lặng nhận lời. Khi biết
A-nan nhận rồi, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la sau khi theo
pháp bố thí chiếc y bệ-ha-đề cho Tôn giả A-nan rồi, liền từ
chỗ đứng dậy nhiễu quanh ba vòng rồi lui về. Sau khi vua đi
không bao lâu, Tôn giả A-nan bèn đem chiếc y bệ-ha-đề đến
trước Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi lui đứng một bên
mà thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, hôm nay Ba-tư-nặc vua nước
Câu-tát-la vì pháp mà bố thí chiếc y bệ-ha-đề này, vậy con
xin Thế Tôn đặt chân lên trên chiếc y này để vương gia nước
Câu-tát-la được tăng ích phước lành.”
Khi ấy Đức Thế Tôn bèn dẫm hai chân lên y
bệ-ha-đề rồi bảo:
“A-nan, nếu ông đã bàn luận những gì cùng
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hãy kể lại cho Ta nghe.”
Khi ấy Tôn giả A-nan bèn kể lại hết những
điều đã luận bàn cùng vua nước Câu-tát-la cho Thế Tôn nghe
rồi chắp tay thưa:
“Con nói như vậy không xuyên tạc Thế Tôn
chăng? Con nói đúng sự thật, nói đúng như pháp, nói đúng
pháp như pháp, đối với pháp như pháp không có điều gì sai
lầm chăng?”
Đức Thế Tôn bảo:
“Ông nói như vậy là không xuyên tạc Ta, là
nói sự thật, là nói đúng pháp, nói đúng như pháp, đối với
pháp như pháp, không có điều gì sai lầm. Này A-nan, nếu
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi Ta bằng nghĩa này, với câu
này, với văn này, Ta cũng trả lời bằng nghĩa này, với câu
này, với văn này mà trả lời cho nhà vua.”
“A-nan, nghĩa ấy đúng như lời ông đã nói, ông
nên theo đúng như vậy mà thọ trì. Vì sao vậy? Vì nói như vậy
chính là nghĩa như vậy.”
Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các
Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Tương
đương Pāli, M.88. Bāhitika-sutta.
-
[02] Tùng
Xá-vệ xuất. Nói là ra khỏi, vì Đông viên (Pubbārāma) ở nên
ngoài cửa đông của thành Xá-vệ.
-
[03] Nhất-bôn-đà-lị.
Pāli: Ekapudarīka, (Nhất bạch Liên hoa), được gọi như vậy,
vì hai bên hông nó có những đốm trắng hình hoa sen trắng.
-
[04]
Thi-lị-a-trà. Pāli: Sirivaddha.
-
[05]
A-di-la-bà-đề (Pāli: aciravatī), từ trên lầu của vua
Pasenadi có thể nhìn thấy con sông này.
-
[06] Thân
hành: kāyasamācāra, hành vi của thân. Bản Pàli, câu hỏi
nói: ”Thân hành đáng bị khiển trách ấy là gì?”
-
[07] Bản
Pāli: những thân hành có hại (savyāpajjha).
-
[08] Hán:
sanh sắc bảo. Pāli: jātarūpa.
-
[09]
Bệ-ha-đề; ”dịch là chủng chủng thê, cũng nói là lụa”.
(Phiên Phạn Ngữ 10, No.2130, Đại 54 tr.1051b). Pāli:
bāhitikā, áo choàng, áo khoác ngoài.
-
[10] Bản
Pāli nói, cuộn vải do vua Ajātasattu gởi tặng. Văn bản Hán
có thể sót, vì câu nói không đủ nghĩa.
-
[11]
Kiếp-bối, xem cth.15,
Kinh 61.
-
[12] Tiệm
học, xá-la, xá-la-ma-ni-ly, có lẽ phổ thông nói là
Thức-xoa-ma-na, Sa-di và Sa-di-ni. Bản Pāli nói:
sabrahmacārīhi sabhajissati, được phân chia cho các vị
đồng phạm hạnh.