-
Tôi nghe như vầy:
Một thời sau khi Phật nhập Niết-bàn không lâu,
một số lớn các Tỳ-kheo danh đức, thượng tôn đến thành Ba-lị
Tử, trú tại Kê viên
[02].
Bấy giờ Cư sĩ Đệ Thập, người ở Bát thành
[03] mang nhiều hàng hóa quý đến thành Ba-lị Tử để
buôn bán đổi chác. Số hàng hóa đó bán hết rất mau; được lời
khá to, Cư sĩ Đệ Thập, người Bát thành, hết sức vui mừng, bèn
rời Ba-lị Tử đến Kê viên, tìm đến các Tỳ-kheo Thượng tôn danh
đức, cúi đầu lễ sát chân rồi ngồi sang một bên. Các Tỳ-kheo
Thượng tôn danh đức thuyết pháp cho Cư sĩ nghe, khuyến phát
khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi đã dùng vô lượng
phương tiện thuyết pháp cho Cư sĩ, khuyến phát khát ngưỡng,
thành tựu hoan hỷ, các Ngài ngồi im lặng. Rồi thì Cư sĩ Đệ
Thập, người Bát Thành bạch:
“Bạch Thượng tôn, Tôn giả A-nan hiện giờ ở đâu?
Con muốn được gặp.”
Các Tỳ-kheo Thượng tôn đáp:
“Cư sĩ, Tôn giả A-nan đang ở tại thành
Bệ-xá-li, bên bờ sông Di hầu, trong cao lâu đài quán
[04] . Nếu muốn thăm thì có thể đi đến đó.”
Bấy giờ Cư sĩ Đệ Thập, người Bát Thành, từ chỗ
ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ sát chân các Tỳ-kheo Thượng tôn,
nhiễu quanh chiều mặt ba vòng rồi đi.
Cư sĩ tìm đến chỗ Tôn giả A-nan, cúi đầu lễ sát
chân rồi ngồi xuống một bên và bạch rằng:
“Bạch Tôn giả A-nan, con có điều muốn hỏi, Ngài
có cho phép chăng?”
“Cư sĩ cứ hỏi. Tôi nghe rồi sẽ suy xét.”
Cư sĩ hỏi:
“Bạch Tôn giả, Đức Thế Tôn, Như Lai, Vô Sở
Trước, Đẳng Chánh Giác, Bậc đã thành tựu tuệ nhãn, thấy đệ
nhất nghĩa, Ngài có dạy một pháp nào mà Thánh đệ tử nếu an trú
vào đó sẽ đoạn trừ các lậu, tâm giải thoát chăng?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Đúng vậy, Đức Thế Tôn có dạy pháp ấy.”
Cư sĩ hỏi:
“Đức Thế Tôn, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh
Giác, Bậc đã thành tựu tuệ nhãn, đã thấy đệ nhất nghĩa, Ngài
dạy như thế nào về một pháp ấy, mà Thánh đệ tử nếu an trú vào
đó sẽ dứt sạch các lậu, tâm giải thoát? Pháp ấy như thế nào?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử ly dục, ly ác
bất thiện pháp, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an
trú. Vị ấy y cứ nơi đây mà quán pháp như pháp. Hoặc có thể y
cứ nơi đây mà quán pháp như pháp, vị ấy an trú vào đó mà dứt
sạch các lậu. Nhưng an trú vào đó mà không dứt sạch các lậu,
thì nhờ nơi pháp này, do có muốn pháp, yêu pháp, thích pháp,
tin tưởng pháp, ái lạc hoan hỷ[05],
vị ấy đoạn trừ năm hạ phần kết, hóa sanh nơi kia mà nhập
Niết-bàn, được pháp bất thối, vĩnh viễn không còn trở lại đời
này.
“Lại nữa, Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử, tâm cùng
đi đối với từ biến mãn một phương, thành trụ và an trú. Cũng
vậy, hai, ba, bốn phương, bốn phương bàng, phương trên và
phương dưới khắp cả mọi nơi tâm cùng đi đối với từ, không kết,
không oán, không nhuế, không tranh, quảng đại, vô biên, vô
lượng, khéo tu tập, viên mãn tất cả thế gian, thành tựu và an
trụ. Cũng vậy, tâm đi đối với bi, hỷ và xả, không kết, không
oán, không nhuế, không tranh, quảng đại, vô lượng, vô biên
khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Vị
ấy cứ y nơi đây mà quán pháp như pháp. Vị ấy hoặc có thể y cứ
vào đó mà dứt sạch các dục. Nhưng nếu chưa dứt sạch được các
lậu, nhờ pháp này, do yêu pháp, thích pháp, tin tưởng pháp, ái
lạc hoan hỷ, vị ấy đoạn trừ ngũ hạ phần kiết, hóa sanh vào cõi
kia mà nhập Niết-bàn, được pháp bất thối, vĩnh viễn không còn
tái sanh lại đời này nữa. Đây là pháp mà Đức Thế Tôn, Như Lai,
Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Bậc thành tựu tuệ nhãn, đã thấy
đệ nhất nghĩa, nói rằng, ‘Có một pháp mà nếu đa văn Thánh đệ
tử an trú vào đó sẽ dứt sạch các lậu, tâm được giải thoát.
“Lại nữa, Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử vượt qua
tất cả sắc tưởng cho đến phi phi tưởng xứ, thành tựu và an
trú, vị ấy ở nơi đây mà quán pháp như pháp, vị ấy hoặc có thể
an trú vào đó mà dứt sạch các lậu. Nhưng nếu không dứt sạch
các lậu, thì nhờ pháp này, do yêu pháp, thích pháp, tin tưởng
pháp, ái lạc, hoan hỷ, vị ấy đoạn trừ ngũ hạ phần kết, hóa
sanh nơi kia mà nhập Niết-bàn, được pháp bất thối, vĩnh viễn
không còn trở lại đời này nữa. Đây là pháp mà Đức Thế Tôn, Như
Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Bậc đã thành tựu, đã
thấy đệ nhất nghĩa, nói rằng, có một pháp mà nếu Đa văn Thánh
đệ tử an trụ vào đó sẽ dứt sạch các lậu tâm được giải thoát.”
Bấy giờ Cư sĩ Đệ Thập, người ở Bát thành, liền
từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên hữu chấp tay bạch rằng:
“Kỳ diệu thay! Hy hữu thay! Tôn giả A-nan, con
chỉ hỏi một cánh cửa cam lồ, nhưng Tôn giả đã nói cho con nghe
một lần đến mười hai pháp môn cam lồ
[06]. Dựa theo pháp môn nào trong mười hai pháp môn
ấy tu tập cũng đều được giải thoát an lạc.
“Bạch Tôn giả A-nan, cũng như cách làng không
xa, có một ngôi nhà lớn, được mở ra với mười hai cánh cửa. Một
người có việc cần nên đã vào trong nhà ấy. Lại có một người
khác đứng đó, nhưng không muốn đem lại sự lợi ích và phước
lạc, không muốn sự an ổn cho người ấy, nên nổi lửa mà đốt nhà.
Bạch Tôn giả A-nan, người ấy có thể do theo một trong mười hai
cửa mà ra khỏi ngôi nhà cháy một cách an toàn
[07] Cũng vậy, bạch Tôn giả, con chỉ hỏi một cửa
cam lồ mà Ngài nói cho con nghe một lần đến mười hai cửa pháp
cam lồ. Y theo một trong mười hai cửa pháp cam lồ này thì có
thể được an ổn giải thoát. Bạch Tôn giả A-nan, trong pháp luật
của Phạm chí nói về pháp luật bất thiện mà còn có sự cúng
dường thầy của họ, huống sao con lại không cúng dường bậc Đại
sư Tôn giả A-nan.”
Rồi ngay trong đêm ấy, Cư sĩ Đệ Thập, người ở
Bát thành bày dọn các món ăn thơm ngon, tinh khiết, đầy đủ các
loại nhai và nuốt; sau khi bày biện thức ăn xong, vào lúc sáng
sớm, trải dọn chỗ ngồi Cư sĩ cung thỉnh chúng Tăng ở Kê viên
và thành Bệ-xá-li hợp lại, rồi tự tay mình dâng nước rửa, dâng
các thức ăn thơm ngon tinh khiết, đầy đủ các loại nhai và
nuốt; tự tay mời mọc cho đến khi chúng Tăng no đủ, phân chia
các thức ăn đầy đủ cho chúng Tăng. Sau khi chúng Tăng thọ
thực, thâu bát, rửa tay, Cư sĩ đem năm trăm vật phẩm mua một
ngôi nhà cúng riêng cho Tôn giả A-nan. Tôn giả A-nan nhận
lãnh, sau đó cúng cho Chiêu đề tăng
[08]
Tôn giả A-nan thuyết như vậy. Cư sĩ Đệ Thập
người ở Bát thành sau khi nghe những gì Tôn giả A-nan thuyết,
hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Tương
đương Pāli, M. 52. Ahakanāgara-suttam. Hán, biệt dịch,
No.92.
-
[02]
Ba-la-lị Tử thành Kê viên; No.92: Ba-la-lê-phất-đô-lô, Kê
viên. So Pāli: Pāaliputta, về sau là thủ đô của Magadha;
Kukktārama, khu vườn có lẽ ở Đông nam của Pāaliputta. Một
tinh xá cùng tên ở tại Kosambī.
-
[03] Đệ thập
Cư sĩ Bát thành; Pāli: Dasamo gahapati Ahaka-nāgaro, gia chủ
Dasama, người thị trấn Ahaka.
-
[04] Di hầu
giang biên, cao lầu đài quán; có lẽ một ngôi nhà sàn ở trong
rừng Mahāvana gần Vesāli, được gọi là Kūāgarasālā. Vì sông
Di hầu không rõ tương đương Pāli, nhưng Sanskrit gọi là
Markatā.
-
[05] Dục
pháp ái pháp lạc pháp tĩnh pháp ái lạc hoan hỷ. Pāli: teneva
dhammarāgena tāya dhammanandiyā, do sự đam mê đối với pháp,
do sự vui say đối với pháp.
-
[06] Tức Bốn
sắc giới thiền, Bốn vô lượng tâm và Bốn vô sắc định.
-
[07] Cả hai
bản Hán đều thí dụ bằng ngôi nhà cháy. Bản Pāli thí dụ một
người đi tìm kho tàng.
-
[08] Chiêu
đề tăng; dịch nghĩa là Thập phương tăng. Bản Pāli không có
chi tiết này, nhưng tiếng Pāli tương đương là
Catuddisāsagha.