Thư Viện Chùa Dược Sư
KINH TẠNG

KINH DUY MA CẬT GIẢNG GIẢI
Hòa Thượng Thích Thanh Từ

PHẦN BỐN
 
Đó là ba cái tâm, nó đơn giản mà rất thâm trầm. Bây giờ mới nói cái hạnh tu. 
Bố thí là tịnh độ của Bồ tát. 
Bồ tát khi thành Phật thì tất cả những chúng sinh hay xả hết tất cả thì được sinh về cõi nước kia. 
Trì giới là tịnh độ của Bồ tát. 
Bồ tát khi thành Phật thì những chúng sinh nào hành được thập thiện viên mãn. Mãn nguyện đó. Thì sẽ được sanh về cõi nước kia. 
Nhẫn nhục là tịnh độ của Bồ tát. 
Bồ tát khi thành Phật, tất cả những chúng sinh siêng năng tinh tấn đầy đủ thì sanh về cõi nước kia. 
Thiền định là tịnh độ của Bồ tát. 
Bồ tát khi thành Phật nhiếp những chúng mà mà nhiếp tâm không loạn thì sanh về cõi nước kia. 
Trí tuệ là tịnh độ của Bồ tát. 
Bồ tát khi thành Phật tất cả những chúng sinh chánh định thì được sanh về cõi nước kia. 
Như vậy thì chúng ta thấy ở đây pháp tu lục độ. Pháp tu lục độ là cái nhân để Bồ tát được cái quả cõi Phật thanh tịnh. Mà cái nhân của Bồ tát tu lục độ được cái quả cõi Phật thanh tịnh. Bây giờ chúng sinh muốn được sanh về cõi Phật thanh tịnh đó thì cũng phải tu cái gì. Cũng phải tu cái nhân lục độ. Như vậy cái nhân lục độ Bồ tát tu được cái quả cõi Phật thanh tịnh. Chúng sinh muốn sanh về cõi Phật thanh tịnh của Bồ tát cũng phải tu lục độ. 
Ở đây chúng ta thấy hai phần. Bồ tát tu nhân tịnh độ rồi khi thành Phật được cái quả. Còn chúng ta bây giờ muốn sanh về cõi tịnh độ của Phật đó, thì mình là Phật chưa, Phật chưa? Mình muốn sanh về cõi tịnh độ của Phật thì mình cũng phải tu cái nhân lục độ mới được sanh về bên đó, nhưng mà mình Phật chưa. Bây giờ mình là gì? Mình được sanh về đó là Bồ tát chớ chưa phải Phật. Bởi vì Bồ tát tu cái nhân tịnh độ là Bồ tát rồi phải không? 
Tu cái nhân tịnh độ viên mãn thì thành Phật có cái cõi tịnh độ thanh tịnh. Chúng ta nương theo nhân của Bồ tát để mà tu, tu để được về cõi đó. Về cõi đó là được cái quả là Bồ tát sanh vào tịnh độ chớ chưa phải là Phật. Bởi vì Phật, mình có cõi riêng đâu có ở chung nữa phải không? Có ông Phật nào về ở đậu với ông Phật nào không, có không? Đâu có phải không? Cho nên thành Phật rồi thì mỗi người mỗi cõi, không có ở đậu. Mà mình ở đậu là Phật có cõi đó rồi, mình tu cái nhân giống, mình được về ở cõi đó là mình còn Bồ tát, chớ mình chưa phải là Phật. Nhớ như vậy đó. Hiểu vậy thì mới thấy cái ý nghĩa, chớ còn không thì nói rằng chắc mình về bển mình cũng thanh tịnh như Phật. Không phải. Đó là nói cái nhân lục độ. Bây giờ nói tới: 
Tứ vô lượng tâm là tịnh độ của Bồ tát. 
Bồ tát khi thành Phật thì những chúng sinh mà thành tựu được từ bi hỷ xả thì liền được sanh về cõi nước kia. 
Tứ nhiếp pháp là tịnh độ của Bồ tát. 
Bồ tát khi thành Phật thì chúng sinh do cái giải thoát mà nhiếp thuộc hay là nhiếp phục đó. Được sanh về cõi nước kia. Dó cái giải thoát mà nhiếp phục đó, thì được sanh về cõi nước kia. 
Phương tiện là tịnh độ của Bồ tát. 
Bồ tát khi thành Phật đối với tất cả pháp khéo phương tiện. Những chúng sanh có phương tiện vô ngại thì được sanh về cõi nước kia. 
Đoạn này nói về Tứ Vô Lượng Tâm và Tứ Nhiếp Pháp phải không? Nghĩa là Bồ tát cũng tu đủ Tứ Vô Lượng Tâm, cho nên cõi Phật của Bồ tát được thanh tịnh. Khi Ngài thành Phật thì cõi Phật được thanh tịnh. Chúng sinh nào cũng tu Tứ Vô Lượng Tâm, khi thành tựu viên mãn thì cũng được sanh về cõi của các Ngài. 
Rồi Tứ Nhiếp Pháp đó là tịnh độ của Bồ tát. Như vậy cho nên khi Bồ tát thành Phật đó thì những chúng sinh nào, do cái công hạnh giải thoát mà nhiếp phục họ thì những người đó đều sanh về cõi Phật. 
Rồi đến cái phương tiện là cõi tịnh độ của Bồ tát. Vậy khi Bồ tát thành Phật, tất cả những người, những chúng sinh được phương tiện vô ngại thì sanh về cõi Phật. Như vậy chúng ta mới thấy, nghĩa là muốn sanh về cõi Phật hay là muốn được trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh thì Bồ tát phải tu đủ mọi công hạnh phải không? Từ lục độ. Lục độ xong rồi thì tới cái gì. Tứ vô lượng tâm rồi tới Tứ nhiếp pháp. Rồi tới phương tiện. 
Bây giờ tới công hạnh của Thanh Văn nữa. 
37 phẩm trợ đạo là tịnh độ của Bồ tát. Bồ tát khi thành Phật thì những chúng sinh được Niệm xứ, chánh cần, thần túc, căn lực, giác chi, bát chánh đạo, được sanh về cõi kia. 
Hồi hướng Tăng là tịnh độ của Bồ tát. Bồ tát khi thành Phật được tất cả công đức đầy đủ ở cõi Phật. Nói trừ 8 nạn ấy là tịnh độ của Bồ tát. Bồ tát khi thành Phật thì các cõi nước không có ba ác đạo vào tám nạn. 
Tự giữ giới hạnh chẳng chê bai thiếu khuyết của người khác. Ấy là tịnh độ của Bồ tát. Bồ tát khi thành Phật thì cõi nước không có tên phạm giới. Thập thiện là tịnh độ của Bồ tát. Bồ tát khi thành Phật thì mạng không bị chết yểu. Bất trung yểu (Ở giữa chừng mà yểu. Ở giữa chừng là khoảng nào? Từ 50 tuổi trở xuống đó. Gọi là trung yểu.). Giàu có, phạm hạnh nói ra những lời chân thật. Thường nói lời nhỏ nhẹ. Quyến thuộc không có chia lìa. Khéo điều hòa sự thưa kiện. Nói ra thảy đều có lợi ích cho người. Không có tật đố, không có nóng giận. Được chánh kiến. Những chúng sanh ấy được sanh về cõi nước kia. 
Như vậy đoan này để nói lên công phu tu hành của Bồ tát. Nhờ công phu tu hành đó là nhân mới đạt được cõi thanh tịnh là quả. Bây giờ chúng ta thấy thêm nào là 37 phẩm trợ đạo. Nào là cái gì nữa. Nào là hồi hướng tâm. Rồi nào là không trừ hết các nạn. Bởi trừ hết các nạn nên trong cõi Phật không có ba đường ác cũng không có tám nạn. Trong tất cả nạn này tôi thấy có cái nạn mà mình mà nghĩ thật là mình ham mà Phật cho là nạn. Mấy chú biết cái nạn gì không? Sanh ở cõi Trời Trường Thọ. Thường thường ở thế gian mấy chú thấy mình thích sống lâu không? Sống lâu là cái người ta thích phải không? Rồi đầy đủ dục lạc là cái người ta thích. Hai cái sống lâu và giàu có sung sướng là cái người ta thích. Mà cõi Trời Trường Thọ, cõi Trời đó sống lâu vô kể. Thích không? Rồi lại ở cõi Trời là sung sương đầy đủ. Như vậy sống lâu và sung sướng mà tại sao nói nạn. Đó là điều tôi hỏi, mấy chú nói làm sao? Sống lâu và sung sướng là điều hạnh phúc cho con người biết mấy. Tại sao đây lại nói nạn. Hiểu cái này thì mình mới hiểu được tư cách tu hành. Bởi vì Phật nói rằng ngững người sanh về cõi Trời Trường Thọ sống rất là lâu. Tức là cả tiểu kiếp mà luôn luôn thụ hưởng sung sướng đó. Sống lâu để mà hưởng mãi, hưởng mãi không có làm chút lành nào hết trơn. Tới chừng cả triệu năm như vậy rồi trở lại trần tục. Không có một chút phước đức thì đó là tai nạn. Bởi vì không có cơ hội để họ tỉnh giác. Mà không phát tâm, không tỉnh giác thì làm sao mà làm điều thiện mà không làm điều thiện thì làm sao tiến lên. Cho nên lên ở đó cũng như bị nhốt trong cái tháp ngà, thụ hưởng đã rồi xuống. 
Bây giờ mấy chú thích cái đó không? Nghĩa là thế thường người ta thích như vậy, nhưng mà trong đạo Phật là cốt chúng ta sống thế nào, trong hoàn cảnh nào mà dễ phát tâm, dễ thức tỉnh thì đó là cái tốt. Còn chỗ nào mà mình cứ thụ hưởng đã đời cho tới rồi hết kiếp, thì đó là không tốt. Vậy mấy chú nghĩ mình sống mà có sợ tai nạn không? Có sợ khổ không? Có sợ bịnh hoạn không? Nhờ bịnh hoạn mới thấy thân này vô thường phải không? Nhờ tai nạn mới thấy cuộc đời không gì bảo đảm. Nhờ có cuộc sống chật vật nghèo khổ mới thấy cuộc đời là khổ đau. Như vậy có cơ hội để thức tỉnh phải không? Như vậy mình hoan nghinh mấy cái đó hay mình chê mấy cái đó. Như vậy cái mà thế gian sợ đó, chíng là cái Phật cho là cần. Còn cái mà thế gian ưa muốn Phật cho là nạn. 
Bây giờ mấy chú sanh ra trong một gia cảnh nào đó. Mọi sự sung sướng đều như ý hết mà không bao giờ thấy cái gì gọi là buồn lòng hết thì tu được không? Chẳng bao giờ phát tâm tu được. Bởi vì cái gì muốn là được, muốn là được, không có buồn thì làm sao mà tu. Cho nên hiểu vậy rồi mới thấy cái nạn nhà Phật nói, không phải đợi thiếu thốn, khổ đau mới là nạn. Mà chính vì cứ chôn mình trong đó để mà kéo mãi cái đời si mê. Đó là tai nạn. Hiểu vậy thì mới thấy cái ý nghĩa của đạo Phật. Bởi vậy nên nói khi sanh được lên cõi Trời Trường Thọ rồi thì mọi nhu cầu đầy đủ. Sống mãi như vậy cho nên coi như chôn minh trong cái tháp ngà đó. Chớ không có lợi ích gì hết. Vì vậy gọi đó là 1 nạn trong 8 nạn đó. 
Như vậy khi Bồ tát được sanh về cõi tịnh độ rồi, cõi của Ngài không còn những thứ đó nữa. Rồi cho tới những điều trong đây nói, nghĩa là giữ giới hạnh là tịnh độ của Bồ tát. Thì khi giữ giới hạnh và không chê khuyết điểm của người khác. Đó là tịnh độ của của Bồ tát. Cho nên khi Bồ tát thành Phật thì cõi nước của các Ngài không có tên phạm giới nữa. Còn mình bây giờ có khi mình giữ giới hạnh thì cũng có thể ráng phải không? Nhưng mà thấy mình giữ, còn người khác không giữ, quạu không? Có chê không? Đó là một cái điều chưa đầy đủ. Bổn phận mình giữ thì mình ráng giữ. Mình giữ là mình tu, mình tu là cho mình. Còn người khác họ không giữ. Không giữ đó hoặc họ là kẻ không có tinh thần tỉnh giác. Hoặc muốn đi ở trong quần chúng. Muốn làm những điều sai phạm để rồi họ cảnh tỉnh những người khác. Mình có biết đâu phải không? Mình không lo thân của mình chứ ngồi lo chê người ta. Đó là điều không hay. Bởi vậy cho nên Bồ tát mình thấy giữ giới hạnh đó là một bổn phận, rồi cũng không chê cái khuyết của người khác nữa. Đó là cái rất đặc biệt. Nên chúng ta hiểu rồi, cái việc tu của mình đó, nhiều khi nói nghe cũng như hay như phải. Bởi vì mình giữ giới nên mình ghét những người phạm giới phải phải không? Đó nói như vậy để tỏ rằng mình là người trong sạch. Chính khi đó mình đã tổn thương công đức của mình rồi. Vì vậy cho nên sự tu hành của mình không có bổn phận, không có trách nhiệm, thì mình khỏi có chê bai những cái khuyết, cái dở của ai. Chỉ lo mình giữ cho thanh tịnh phần mình thôi. Rồi cho tới. 
Thập thiện là tịnh độ của Bồ tát. 
Bồ tát khi mà thành tựu được cõi nước rồi, cõi nước tịnh độ rồi, những chúng sinh có đầy đủ những điều kiện này: Một là sống lâu nè. Hai là giàu có. Ba là phạm hạnh. Bốn là nói chân thật. Năm là thường nói nhỏ nhẹ. 
Mười điều lợi ích này, (?) đó là do tu nhân gì mấy chú biết không? Do tu nhân thập thiện mà kết quả. Giữ giới không sát sanh thì kết quả mạng sống không chết yểu, phải không? Giữ giới không trộm cướp thì được giàu có. Giữ giới không tà dâm, thì được phạm hạnh. Giữ giới không nói dối thì được nói lời chân thật. Giữ giới không nói ác khẩu thì được các lời nhu nhuyến. Giữ giới không có nói ly gián thì được quyến thuộc không chia lìa. Giữ giới không nói những lời gọi là ác, vu oan cho người ta thì hòa hợp được sự tranh tụng. Giữ giới mình không nói lời thêu dệt thì được nói ra điều có ích lợi. Giữ giới bớt tham, bớt tật đố. Bớt tham, không tham tức là không tật đố thì nó sanh cõi nước không bị tật đố. Rồi giữ giới không sân thì không bị sanh nhuế. Giữ giới không tà kiến thì được chánh kiến. 
Như vậy cái tốt lành đó đều do tu thập thiện mà ra chớ không do đâu mà đến. Như vậy thì cõi nước của Phật của Bồ tát, khi Ngài tu nhân đó, Ngài tu thập thiện thì bây giờ chúng ta là chúng sinh, muốn được về cõi Bồ tát khi thành Phật đó thì chúng ta cũng phải tu cái nhân thập thiện. 
Phật nói cái nhân rồi. Bây giờ tới Ngài muốn kết thúc lại. 
Như thế Bảo Tích, Bồ tát tùy cái tâm ngay thẳng kia, tức là trực tâm kia thì hay phát hành (Nghĩa là mình nhân có cái trực tâm, rồi mình mới khởi ra cái hành động.). Rồi tùy cái phát hành đó liền được, ắt được cái thâm tâm. 
Từ cái trực tâm, tâm ngay thẳng của mình, cho nên mình làm cái gì nó đều là cái điều hay, điều lợi ích cho chúng sinh. Đó gọi là phát hành. Nhờ mình làm điều hay điều lợi ích cho chúng sinh, cho nên mới được cái thâm tâm. Rồi tùy cái thâm tâm kia ắt cái được ý điều phục. Rồi tùy cái ý điều phục ắt là được như nói mà làm. Hay là việc làm như lời nói. Như vậy từ thâm tâm nó mới được cái ý của mình, nó điều hòa nó chinh phục nó được. Từ cái điều hòa chinh phục được ý mình rồi, thì lời nói và việc làm mới đi đôi nhau. Khi lời nói việc làm đi đôi nhau rồi, thì mới hay hồi hướng. Rồi tùy cái hồi hướng đó mà tiến tới phương tiện. Tùy phương tiện đó ắt thành tựu chúng sinh. Tùy cái thành tựu chúng sinh đó ắt là được cõi Phật thanh tịnh. Rồi tùy cái cõi Phật thanh tịnh đó ắt nói pháp được thanh tịnh. Rồi tùy cái nói pháp thanh tịnh đó thì trí tuệ thanh tịnh. Rồi tùy cái trí tuệ thanh tịnh đó tâm được thanh tịnh. Rồi tùy cái tâm thanh tịnh đó ắt là tất cả công đức được thanh tịnh. 
Như vậy là Phật muốn kết thúc lại cả một đoạn trên. Nghĩa là từ trực tâm dài dài cho đến cuối cùng tất cả công đức được thanh tịnh. 
Rồi câu này là câu mình phải nhớ mãi mãi. 
Thế nên Bồ tát, nếu Bồ tát muốn được cái cõi tịnh độ thì phải tịnh cái tâm kia. Tùy cái tâm kia tịnh thì cõi Phật tịnh. 
Như vậy mình mới thấy, Bồ tát mà muốn trang nghiêm tịnh độ đó thì phải làm sao? Trước, cái tâm mình phải thanh tịnh. Nếu tâm mình thanh tịnh thì cõi nước Phật được thanh tịnh. Như vậy mình tu mà muốn cõi nước Phật thanh tịnh thì trước hết mình phải làm sao? Cái tâm mình phải thanh tịnh. Như vậy cái tâm thanh tịnh là cái nhân mà cõi Phật thanh tịnh là cái quả. Còn nếu tâm mình nó cong queo. Tâm mình nó nhơ nhớp mà muốn về cõi Phật tịnh được không? Vì vậy mà chúng ta thấy nhiều người nguyện sanh về tịnh độ mà không lo tịnh cái tâm phải không? Muốn sanh về tịnh độ mà cái tâm không tịnh. Tâm không tịnh thì cõi Phật làm sao mà tịnh được. Cho nên người biết tu thì ngay cái nhân chúng ta phải tạo cho đủ. Cái nhân đủ thì cái quả nó sẽ tròn. Mà cái nhân là gì? Là cái tâm mình thanh tịnh là đầu. Tâm mình thanh tịnh thì cái quả cõi Phật thanh tịnh. 
Bởi vậy tất cả những người biết tu rồi lúc nào mình cũng nhắm vào cái tâm của mình làm gốc, chớ đừng có lệ thuộc vào cảnh. Muốn cái cảnh nó đẹp mà tâm mình không đẹp thì cái cảnh cũng khó mà đẹp được. Bởi vậy cho nên cái tâm là chủ. Thường thường nói cái thân là chánh báo. Cảnh là y báo phải không? Nhưng ở đây Phật nói thẳng, cái tâm mới là chánh của chánh báo. Vì vậy mà chúng ta phải sửa tâm của chúng ta trước thì cõi Phật mới được thanh tịnh. Điều đó là căn bản của sự tu. 
Đây là một đoạn giải nghi. 
Khi ấy Ngài Xá Lợi Phất nương nơi oai thần của Phật, khởi nghĩ thế này, nếu tâm của Bồ tát thanh tịnh thì cõi nước thanh. Đức Thế Tôn của ta ngày xưa khi làm Bồ tát ý đâu chẳng thanh tịnh. Mà cõi Phật này nó bất tịnh như thế ấy. 
Khởi cái nghi này thật là hợp lý phải không? Vì nói rằng Bồ tát cai tâm thanh tịnh nên cõi nước được thanh tịnh. Bây giờ ông Phật Thích Ca là ông Phật của mình đi. Bây giờ đây hồi tu hạnh Bồ tát chả lẽ lúc đó tâm Ngài không thanh tịnh phải không? Tại sao bây giờ được cái nước Phật là cõi Ta bà này, nó ô uế thế này, thì nói tâm Bồ tát thanh tịnh thì cõi nước tịnh. Đó là một cái nghi rất hợp lý. Phật biết cái nghĩ của Ngài Xá Lợi Phất, liền bảo Ngài Xá Lợi Phất rằng. 
Ý ông nghĩ sao, mặt trời, mặt trăng há chẳng sáng sau (chữ tịnh có nghĩa là sáng). Mà người mù họ không thấy. 
Ngài Xá Lợi Phất đáp: 
Không phải vậy, bạch Thế Tôn. Cái lỗi là tại người mù, chớ không phải lỗi tại mặt trời, mặt trăng. 
Mặt trời, mặt trăng lúc nào cũng sáng, nhưng vì người mù họ không có mắt, cho nên họ thấy tối. Thấy tối là lỗi tại người mù. Chớ không phải lỗi tại mặt trời, mặt trăng thì hợp lý quá! 
Phật nói: Xá Lợi Phất, vì chúng sinh tội nghiệp không thấy được cõi Phật của Như Lai trang nghiêm thanh tịnh. Chớ không phải là lỗi của Như Lai. 
Vì chúng sanh tội nghiệp nặng nề, nên họ không thấy cõi Phật là trang nghiêm thanh tịnh. Chớ không phải là lỗi của Phật. 
Ngài Xá Lợi Phất cõi nước của ta nó thanh tịnh mà ông không thấy. (Cõi nước của ta đây thanh tịnh mà ông không thấy). Khi đó Loa Kê Phạm Vương tức là Phạm Vương tên là Loa Kế mới nói với Ngài Xá Lợi Phất rằng: 
Chớ khởi nghĩ cõi Phật này là không thanh tịnh. Vì cớ sao tôi thấy cõi Phật thanh tịnh của đức Thích Ca Mâu Ni (hay là tôi thấy cái cõi nước của Đức Thích Ca Mâu Ni thật là thanh tịnh.). Ví như là cái cung của vua Trời Tự Tại vậy. 
Như vậy thì cõi Ta bà này, Ngài Xá Lợi Phất thì thấy không thanh tịnh. Nhưng mà Loa Kế Phạm Vương lại thấy nó thanh tịnh. 
Ngài Xá Lợi Phất nói: Tôi thấy cõi này gò nỗng, hầm hố, gai góc, cát sỏi, đất đá, núi non, những cái nhớp nhúa dẫy đầy. 
Ông thấy cõi này thanh tịnh, còn tôi thấy nó như vậy đó. dẫy đầy những điều nhơ nhớp. 
Loa Kế Phạm Vương nói nói: Cái tâm nhân gỉa có cao thấp. Không có ý như trí huệ Phật, cho nên thấy cõi này nó nhơ nhớp như vậy. Xá lợi Phất, Bồ tát đối với tất cả chúng sinh thảy đều được bình đẳng, thâm tâm thanh tịnh y như trí tuệ Phật, thì hay thấy cõi Phật được thanh tịnh. 
Như vậy nghĩa là ai mà y theo cái tâm bình đẳng thì được cái thâm tâm thanh tịnh. Nương nơi trí tuệ Phật sẽ thấy cõi Phật thanh tịnh. Như vậy cái thấy của Ngài Xá Lợi Phất với cái thấy của Trời Phạm Vương Loa Kế thì hai vị cùng nhìn cõi Phật Thích Ca. Một bên là cho là uế, một bên cho là tịnh, là tại sao? Đều theo nghiệp. 
Bây giờ tôi thí dụ cụ thể. Tôi nói giả sử như ở đây, ở Thường Chiếu này, cảnh này mà ở trong chúng có một người nào đó, tâm hồn họ đương bất an đương rối loạn. Còn có một người nào đó tâm hồn họ được tự tại thoải mái. Thì hai người đó nhìn cảnh Thường Chiếu này có khác nhau không? Khác không? Cũng cảnh Thường Chiếu thôi, mà người tâm hồn họ đang rối loạn, đang bất an đó thì họ thấy cảnh này tới đâu họ cũng thấy bực bội hết, phải không? Còn người tâm hồn họ tự tại thoải mái thì tới đâu họ cũng thấy cũng vui tươi hết. Cảnh này là vui tươi hay cảnh này là bực bội. Là sao? Vui tươi hay bực bội là tùy tâm phải không? Như vậy tâm của mình nó bực bội dù cho cảnh thế nào đi nữa cũng thấy bực bội. Tâm mình an lành tự tại, cảnh nào cũng thấy an lành tự tại. 
Bởi vậy các Thiền sư ở trong rừng trong núi mà thấy nó đẹp hay xấu. Còn mình nhiều khi ở trong chùa trang nghiêm thanh tịnh mà sao nó bực bội, nó rầu rĩ, muốn bỏ chùa mà đi quá! Đó là tại làm sao? Đó là vì trong tâm mình đang rối loạn. Bởi nó không an nên dù trong cảnh nào rồi cũng bất an. Vì vậy mà chúng ta mới thấy rõ cái trọng tâm đặt ở chỗ nào. 
Khi ấy Phật dùng cái chân, ngón chân ấn xuống đất. Liền khi đó tam thiên đại thiên thế giới, bao nhiêu trăm ngàn trân bảo trang sức, ví như là các thứ báu mà trang nghiêm cõi Phật. Vô lượng công đức những báu mà trang nghiêm cõi này. Tất cả đại chúng khen ngợi chưa từng có, mà đều tự thấy đang ngồi trên đài liên hoa (Đài báu liên hoa. Đài báu hoa sen.). 
Như vậy Phật chỉ cần ấn ngón chân thì mọi người thấy cõi này thanh tịnh trang nghiêm. Thấy mình ngồi trên tòa sen đẹp đẽ. Tòa sen báu. Lúc đó tất cả đều trang nghiêm thanh tịnh hết. 
Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: 
Ông hãy xem cõi nước Phật trang nghiêm thanh tịnh chăng. Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn: Vâng. Xưa chỗ Phật không thể thấy, xưa chỗ không thể nghe. Mà nay cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh đều hiện bày. 
Hồi trước tới giờ con chưa từng thấy. Hồi trước tới giờ con chưa từng nghe. Bây giờ mới thấy cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh như thế này. 
Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: 
Cõi Phật của ta thường thanh tịnh như thế. Vì muốn độ những chúng sanh, những người tâm hạ liệt mà hiện bày ra cảnh xấu nhớp. Cõi nước xấu nhớp không trong sạch. Ví như chư thiên cùng một bát báu đựng thức ăn, tùy phước đức của những người kia mà sắc cơm trong bát hiện khác nhau. Như thế Xá Lợi Phất nếu người tâm tịnh liền thấy cõi này công đức trang nghiêm. 
Người nào tâm tịnh liền thấy cõi này công đức trang nghiêm, phải không? Còn tâm không tịnh thì sao? Thì cõi này nhớp nhúa. Mấy chú mới thấy rõ điều này là một lẽ thực. Không có chối cãi được. Bởi vì tất cả chúng ta ở nơi nào, cảnh nào mà thấy tâm thanh tịnh thì cõi đó tự nó thanh tịnh. Bây giờ mấy chú thử một hôm nào đó, tâm mình thật nhẹ nhàng thoải mái. Mình ra ngồi mấy gốc đào (điều), mình thấy vui không? Vui quá phải không? Còn khi nào mình đang bị ai nói nặng nói nhẹ. Bị người này làm khó dễ. Ra ngồi gốc đào thấy vui không? Ngồi gốc đào mà coi như tù ngục phải không? Như vậy mới thấy rõ rằng, tâm tịnh liền thấy cõi tịnh. Còn tâm không tịnh thì dù cõi tịnh cũng biến thành không tịnh. 
Chủ yếu là như vậy. Muốn thấy cõi nước Phật thanh tịnh thì trước chúng ta phải tịnh cái tâm của mình. Tâm mình định thì cõi nước mới được thanh tịnh. Còn tâm mình nhơ nhớp thì muốn sanh lên cõi tịnh cũng không gao giờ sanh được. Đó là trọng tâm của sự tu.
--o0o--