|
- Thư Viện Chùa Dược Sư
- KINH TẠNG
-
KINH KIM CANG GIẢNG GIẢI
Đồng Mai
Ðức Phật thuyết Kinh Kim Cang là để dạy cho chúng ta làm thế nào
để có được cuộc sống hạnh phúc, cảnh giới niết bàn. Cảnh giới an
vui hạnh phúc này còn gọi là niết bàn là do chính chúng ta tạo
ra, không phải là ở một nơi xa xăm nào đó hoặc là ai đó ban
thưởng đến cho chúng ta.
Tôi xin dùng tất cả sự hiểu biết của mình xin lược giảng bộ kinh
này, xin quý vị không nên chấp vào từ ngữ mà nên hiểu theo ý
nghĩa của kinh và lời giảng, nếu có gì sơ sót xin quý vị hoan hỷ
bỏ qua. Sau khi đọc xong kinh này, xin quý vị hãy gởi tới nhiều
người khác để họ có cơ hội đọc kinh này. Phước đức gởi kinh này
cho nhiều người khác rất nhiều không sao kể hết. Kinh này là
kinh đại thừa, nếu vị nào sau khi đọc xong kinh này mà sợ hãi
hoặc giận thì cố tập làm sao như mình chưa đọc qua kinh này, và
cố gắng giữ tâm mình thanh tịnh.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tháng 2, năm 2004
Ðồng Mai
ÐOẠN 1: NGUYÊN DO CỦA PHÁP HỘI.
Tôi nghe như vầy: Một hôm đức Phật ở nước Xá-vệ (Srŕvasti) tại
rừng Kỳ-đà (Jeta) trong vườn Cấp Cô Độc cùng với chúng đại
Tỳ-kheo là một ngàn hai trăm năm mươi vị. Khi ấy gần đến giờ thọ
trai, đức Thế Tôn đắp y mang bát vào đại thành Xá-vệ khất thực.
Trong thành ấy, Ngài theo thứ lớp khất thực xong, trở về nơi
chúng ở. Thọ trai rồi, Ngài dẹp y bát, rửa chân, trải tòa ngồi.
Ðoạn này tả về bối cảnh nơi thuyết pháp của Phật, nơi có đức
Phật ở rừng Kỳ Ðà trong vườn Cấp Cô Ðộc cùng với 1250 vị tỳ
kheo. Câu kế tả cảnh khất thực theo thứ tự của Ðức Phật và các
vị tỳ kheo. Câu quan trọng nhất trong đoạn này là "Thọ trai rồi,
Ngài dẹp y bát, rửa chân, trải tọa ngồi". Ý nói đức Phật từ từ
theo thứ tự mà làm, không có vội vã, đặc biệt là không có người
khác làm thay cho Ngài. ñoạn
này cũng nói lên sự bình đẳng giữa Phật và các vị Tỳ Kheo.
ÐOẠN 2: THIỆN HIỆN THƯA HỎI.
Khi ấy trưởng lão Tu-bồ-đề (Subhuti) ở trong đại chúng, liền từ
chỗ ngồi đứng dậy, bày vai áo bên mặt, gối mặt quì xuống đất,
chấp tay cung kính bạch Phật rằng: "Thế Tôn! Rất ít có, đức Như
Lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo phó chúc các vị Bồ-tát.
Bạch Thế Tôn! Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng
Chánh đẳng Chánh giác nên làm sao trụ, làm sao hàng phục tâm
kia?" Đức Phật bảo: "Lành thay, lành thay! Này Tu-bồ-đề, như lời
ông nói, Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo phó chúc các
vị Bồ-tát, nay ông hãy lắng nghe cho kỹ, ta sẽ vì ông mà nói.
Người thiện nam, thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh
giác nên như thế mà trụ, như thế mà hàng phục tâm kia". - "Xin
vâng, bạch Thế Tôn! Con nguyện thích được nghe".
Các vị Bồ tát đuợc tả ở đây là các vị Tỳ kheo, những người giải
thoát hay là có đuợc an vui tự tại từ 80% trở lên.
Khi thấy đức Phật an trụ tâm vào từng hành động của Ngài như là
đắp y, khất thực, thọ trai, dẹp y bát, rửa chân, trải tọa ngồi….
Ngài Tu-bồ-đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chấp tay cung kính bạch
Phật rằng: "Thế Tôn! Rất ít có, đức Như Lai khéo hộ niệm các vị
Bồ-tát, khéo phó chúc các vị Bồ-tát. Bạch Thế Tôn! Người thiện
nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên
làm sao trụ, làm sao hàng phục tâm kia?"
Khi nghe Ngài Tu-bồ-đề hỏi như
vậy đức Phật liền nói "Lành thay, lành thay! Này Tu-bồ-đề, như
lời ông nói, Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo phó chúc
các vị Bồ-tát, nay ông hãy lắng nghe cho kỹ, ta sẽ vì ông mà
nói"
Ðức Phật rất hoan hỷ khi biết Ngài Tu-bồ-đề hiểu được ý
của mình. Phật đã dùng phương pháp tu thiền, là trong lúc đi
đứng nằm ngồi, Ngài cột tâm vào từng hành động của mình để giáo
hóa các vị tỳ kheo kia. Đức Phật nói: "Người thiện nam, thiện nữ
phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên như thế mà trụ, như
thế mà hàng phục tâm kia". "Như thế mà trụ, như thế mà hàng phục
tâm kia." "Như thế" ở đây có nghĩa là hãy làm theo Ngài là khi
đắp y, ta biết ta đang đắp y, khi khất thực, ta biết ta đang
khất thực, khi thọ trai, ta biết ta đang thọ trai, khi rửa chân,
ta biết ta đang rửa chân, khi trải tọa ngồi, ta biết ta đang
trải tọa ngồi, … Ngài dạy chúng ta nên cột tâm mình vào từng
hành động của mình để hàng phục cái tâm vọng tưởng. Cuối cùng
Ngài Tu-bồ-đề thưa "Con nguyện thích được nghe".
ÐOẠN 3: ĐẠI THỪA CHÁNH TÔNG
Phật bảo Tu-bồ-đề : Các vị Bồ-tát lớn nên như thế mà hàng phục
tâm kia. Có tất cả các loài chúng sanh hoặc loài sanh bằng
trứng, hoặc loài sanh bằng thai, hoặc sanh chỗ ẩm ướt, hoặc hóa
sanh, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc
không tưởng, hoặc chẳng có tưởng chẳng không tưởng, ta đều khiến
vào vô dư Niết-bàn mà được diệt độ đó. Diệt độ như thế vô lượng,
vô số, vô biên chúng sanh mà thật không có chúng sanh được diệt
độ. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng
nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức chẳng phải là Bồ-tát.
Các vị Bồ tát lớn được nói ở đây là các vị Tỳ kheo, những người
có được an vui tự tại và có giác ngộ được từ 90% trở lên.
Ðức Phật đã lặp lại ý trên là các vị Bồ-tát lớn nên như thế mà
hàng phục tâm kia. Có nghĩa là
nên theo phương pháp tu thiền là trong lúc đi đứng nằm ngồi, các
vị Bồ tát nên cột tâm mình vào từng hành động của mình để hàng
phục cái tâm vọng tưởng kia.
Ðức Phật là một người bình
thường như chúng ta thì lý do gì mà Ngài nói Ngài độ được tất cả
các loài chúng sanh hoặc loài sanh bằng trứng, hoặc loài sanh
bằng thai, hoặc sanh chỗ ẩm ướt, hoặc hóa sanh, hoặc có hình
sắc, hoặc không hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc
chẳng có tưởng chẳng không tưởng, vào vô du Niết-bàn?
Ðể giải thích rõ câu này tôi xin đưa ra một ví dụ điển hình. Ví
dụ như có một bình nước uống bằng nhựa, sau khi người ta uống
nước xong thì họ bỏ bình nhựa đi. Vì cần chất nhựa, người ta nấu
lại (recycle) bình nhựa và có thể chế biến nó thành đồ chơi,
thau nhựa, ly nhựa, chén nhựa. Nói chung là tất cả đồ dùng
bằng nhựa. Như vậy có nghĩa là tùy theo môi trường và nhân duyên
thì bình nước có thể biến thành đồ chơi, thau, ly, chén,… Mặc dù
bị chế biến thành ly, chén, đồ chơi,… nhưng chất nhựa vẫn không
thay đổi. Tương tự như vậy, con người chúng ta sau khi thân này
hoại đi thì cũng tùy theo nhân duyên mà chúng ta sẽ có thể vãng
sanh thành loài sanh bằng trứng, hoặc loài sanh bằng thai, hoặc
sanh chỗ ẩm ướt, hoặc hóa sanh, hoặc có hình sắc, hoặc không
hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng có tưởng
chẳng không tưởng, nhưng cái tâm chân thật, tâm bồ đề đó vẫn
theo chúng ta từ đời này sang đời khác. Nếu ta giữ vững chân tâm
thì dù ta ở bất cứ loài nào, tâm thanh tịnh của ta vẫn được đem
qua từ đời này sang đời khác, khi ấy ta vẫn giác và sẽ độ cho
tất cả chúng sanh vào vô dư Niết Bàn. Chính vì ta sẽ có thể sanh
là loài sanh bằng trứng, bằng thai, …. mà đức Phật dạy chúng ta
nên ăn chay, không nên ăn mặn, để giới hạn việc sát sanh càng
nhiều càng tốt.
Tóm lại, Ngài dạy chúng ta nên giữ vững chân tâm, vì cái tâm đó
sẽ theo ta từ đời này sang đời khác. Có câu "Cha mẹ sanh con,
trời sanh tánh." Không phải có ông Trời nào ban cho ta cái tánh
mà là cái tâm tánh của chúng ta từ quá khứ nó theo chúng ta mãi
mãi từ đời này sang đời khác.
“Diệt độ như thế vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh mà thật
không có chúng sanh được diệt độ. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, nếu
Bồ-tát còn có tướng ngă, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ
giả tức chẳng phải là Bồ-tát." Nếu vị Bồ tát thấy mình độ chúng
sanh thì sẽ dễ sanh tâm cống cao ngã mạn, thì khi ấy tâm không
còn được thanh tịnh nữa. Người đó không thể gọi là Bồ tát được.
Trong đoạn này đức Phật dạy cho chúng ta về sự liên quan mật
thiết giữa các chúng sanh với nhau. Ví dụ như ở một làng này, có
một ông nhà giàu và còn lại là nhà nghèo. Nếu ông nhà giàu này
thương yêu và giúp đỡ những người nghèo thì ngược lại ông ta sẽ
được những người nghèo thương yêu, kính nể ông ta và ông ta sẽ
sống hạnh phúc. Còn nếu ông ta keo kiệt bủn xỉn, hay hà hiếp dân
nghèo thì ông ta sẽ bị người đời chê trách và có thể sẽ bị người
ta ganh tỵ và cướp đồ của ông ta. Ông ta sẽ sống trong cảnh hồi
hộp, lo âu. Nếu hiểu được thí dụ trên thì quý vị sẽ thấy được sự
tương quan mật thiết giữa mọi người với nhau. Có câu "Giúp người
tức là giúp mình" là vậy. Nếu giúp họ được hạnh phúc an lạc thì
mình cũng sẽ được hạnh phúc an lạc. Hiểu đượcc như vậy thì khi
giúp đỡ người khác ta sẽ không còn chấp vào tướng ngã, tướng
nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả nữa.
ÐOẠN 4: DIỆU HẠNH KHÔNG CHỖ TRỤ.
Lại nữa Tu-bồ-đề, Bồ-tát đối với pháp nên không có chỗ trụ mà
làm việc bố thí, gọi là chẳng trụ nơi sắc để bố thí, chẳng trụ
thanh hương vị xúc pháp để bố thí. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát nên như
thế mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng. Vì cớ sao? Nếu Bồ-tát bố thí
chẳng trụ tướng thí phước đức không thể nghĩ lường.
- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Hư không ở phương Đông có thể nghĩ
lường được chăng?
- Bạch Thế Tôn, không vậy.
- Này Tu-bồ-đề, hư không phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn
phía trên dưới có thể nghĩ lường được chăng?
- Bạch Thế Tôn, không vậy.
- Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát không trụ tướng mà bố thí, phước đức cũng
lại như thế, không thể nghĩ lường. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát chỉ nên
như lời dạy mà trụ.
Ðoạn này đức Phật dạy chúng ta không nên có tâm phân biệt giàu,
nghèo, sang, hèn, tốt, xấu,….. khi bố thí. Ngài dạy không nên
trụ nơi sắc mà bố thí, có nghĩa là khi ta bố thí người nào ta
không nên phân biệt người này giàu hay nghèo. Không nên thấy
người này giàu rồi thì không bố thí, còn người nghèo thì mới bố
thí. Dù là giàu hay nghèo, tất cả đều cần được bố thí. Người
giàu thì chúng ta không cần bố thí tiền bạc, nhưng chúng ta có
thể bố thí pháp để giúp đỡ họ bớt khổ, còn đối với người nghèo
thì chúng ta có thể giúp đỡ họ về vật chất lẫn tinh thần. Ví dụ
như có vị Bồ tát chỉ thích bố thí nhưng người bị chế độ đàn áp
nhưng không thích bố thí nhũng người đàn áp dân chúng của mình,
chỉ trích chê bai chế độ này đã đàn áp nhân dân. Như vậy là vị
Bồ tát này đã có tâm phân biệt. Vì chỉ trích chê bai chế độ này
nên vị Bồ tát cũng sẽ bị người khác tố cáo và chỉ trích. Vị Bồ
tát này bị quả báo và bị đau khổ, khi ấy có khẩn cầu, xin Phật
gia hộ cho họ bớt khổ thì làm sao Phật giúp được. Phật đã dạy
chúng ta là khi phát tâm bố thí không nên trụ nơi sắc để bố thí,
chẳng trụ thanh hương vị xúc pháp để bố thí. "Đức Như Lai không
chỉ thuyết pháp cho các hạng người quyền quý như vua Bạt Đề Ca,
mà cũng thuyết pháp cho hạng người bần cùng như ông Ưu Ba Ly;
không riêng thọ lãnh sự cúng dường của những người giàu có như
ông Tu Đạt Đa, mà cũng thọ lãnh sự cúng dường của các hạng nghèo
khổ như ông Thuần Đà; không riêng cho phép xuất gia các hạng
không có tánh tham như Ngài Ca Diếp, mà cũng cho phép xuất gia
những người có nhiều tánh tham như ông Nan Đà; không những
thuyết pháp cho hạng người an tịnh không dự việc đời, mà cũng
thuyết pháp cho vua Tần Bà Ta La trong lúc đang bận rộn việc
nước; không những thuyết pháp cho hạng thanh niên trẻ tuổi, mà
cũng thuyết pháp cho bà Hoàng hậu Mạt Ly, mà thuyết pháp cho dâm
nữ Liên Hoa". Không những Ngài dạy chúng ta như vậy mà Ngài còn
làm gương cho chúng ta học theo Ngài nữa. Trong câu chuyện ông
Vô Não, vì muốn giết đủ1000 người để lấy ngón tay đem về cho
thầy làm lễ cầu pháp, ông ta đã giết hại hết 999 người, còn một
người nữa là đủ 1000 người. Ðức Phật là người thứ 1000 mà ông
định sát hại để tròn đủ vòng hoa bằng ngón tay mà ông thầy yêu
cầu. Như vậy đủ thấy ông ta là người như thế nào rồi chứ gì? Thế
mà Phật mở rộng lòng từ bi và trí tuệ của mình cứu độ cho Vô
Não. Chúng ta nên học và noi gương hạnh từ bi của Ngài. Chúng ta
nên tu tâm dưỡng tánh thêm để có đủ lòng từ bi và trí tuệ để cứu
độ chúng sanh mà không có tâm phân biệt. Nói chung Ngài dạy
chúng ta hãy mở tâm từ bi rộng lớn, giúp đỡ tất cả mọi người,
mọi loài mà không phân biệt thân sơ, sang hèn, tốt xấu,…. Nếu
người nào làm được như vậy thì phước đức rất lớn. Lớn như là
mười phương hư không vậy.
ÐOẠN 5: THẤY LẼ THẬT ĐÚNG LÝ
Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Có thể do thân tướng mà thấy Như
Lai chăng? -Bạch Thế Tôn, không phải vậy. Không thể do thân
tướng thấy được Như Lai. Vì cớ sao? Như Lai đă nói thân tướng
tức không phải thân tướng. Phật bảo Tu-bồ-đề: Phàm những gì có
tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức
thấy Như Lai.
Ðoạn này đức Phật dạy cho chúng ta phải thấy được "Phật tâm
thanh tịnh" của mình, không nên thấy cái sắc thân có 32 tướng
tốt và 80 vẽ đẹp bên ngoài của Phật mà cho là đã thấy Phật. Ða
số chúng ta, chỉ rong ruổi chạy theo giả tưởng bên ngoài, lúc
nào cũng lạy Phật phù hộ con thế này, phù hộ con thế kia và hãy
giúp con thành Phật. Bởi thế nên người xưa quở: "Phật trong nhà
không thờ, mà thờ đức Phật Thích Ca ngoài đường" là vậy. Chúng
ta muốn thấy Phật thì chúng ta phải diệt trừ tánh tham lam, sân
hận, si mê, ích kỷ, … thì chúng ta mới thấy Phật tánh của mình.
Ngài nói "Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai."
Có nghĩa là các tướng đều do nhân duyên hòa hợp, khi
nhân duyên đủ thì nó còn, khi nhân duyên thiếu thì nó mất. Ví dụ
một người đang có công ăn việc làm tốt đẹp, nhưng vì kinh tế cả
nước xuống, sở làm không có lời nên xa thải công nhân. Nguyên
nhân là hãng làm không có lời nên ta bị thất nghiệp. Nếu ta gởi
resume đến tất cả các hãng khác thì khi một trong những hãng này
cần người có trình độ và kinh nghiệm hợp với công việc của họ
thì mình sẽ được công việc đó. Chúng ta không nên hiểu lầm là
đợi cái số tới thì ta sẽ được công việc mới. Cứ thế nằm ở nhà
"chờ sung rụng" thì không thể nào tìm được việc. Nếu chúng ta
không gởi resume cho người ta thì làm sao người ta biết được khả
năng và trình độ của mình chứ. Vậy nên khi bị thất nghiệp chúng
ta không nên đau buồn mà phải hiểu tất cả các tướng đều do nhân
duyên. Khi hội đủ nhân duyên thì nó hợp, khi thiếu một yếu tố
thì nó sẽ mất. Trong đạo Phật cũng vậy, chúng ta không nên đợi
Phật A Di Ðà tới rướt mà phải nổ lực tin tấn tu hành. Nếu hiểu
thật tướng của mọi việc thì sẽ thấy Như Lai.
ÐOẠN 6: CHÁNH TÍN ÍT CÓ (Người tin đúng rất ít có).
Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, vả lại có chúng sanh
được nghe những lời nói và chương cú như thế, sanh lòng tin chân
thật chăng? Phật bảo Tu-bồ-đề: Chớ nói như thế. Sau khi Như Lai
diệt độ, sau khoảng năm trăm năm, có người giữ giới, tu phước,
đối với những chương cú này hay sanh lòng tin cho đây là thật,
nên biết người ấy không phải ở nơi một đức Phật, hai đức Phật,
ba, bốn, năm đức Phật gieo trồng căn lành mà đă ở chỗ vô lượng
ngàn muôn đức Phật gieo trồng căn lành. Người nghe chương cú này
cho đến một niệm sanh lòng tin thanh tịnh, này Tu-bồ-đề, Như Lai
ắt biết, ắt thấy các chúng sanh ấy được vô lượng phước đức như
thế. Vì cớ sao? Vì các chúng sanh ấy không còn có tướng ngă,
tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, không có tướng pháp
cũng không tướng phi pháp. Vì cớ sao? Vì nếu các chúng sanh ấy,
tâm còn chấp tướng là còn chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.
Nếu còn chấp tướng pháp tức còn chấp ngã nhân chúng sanh thọ
giả. Vì cớ sao? Nếu còn chấp tướng phi pháp tức còn chấp ngã
nhân chúng sanh thọ giả. Thế nên không nên chấp pháp, không nên
chấp phi pháp. Bởi do nghĩa ấy, Như Lai thường nói: Tỳ-kheo các
ông nên biết, ta nói pháp ví dụ như chiếc bè, pháp còn nên bỏ,
huống là phi pháp.
Trong câu đầu, Ngài Tu bồ đề lo lắng xem sẽ có chúng sanh tin
vào những lời đức Phật dạy chăng. Tiền tài danh vọng sẽ bị tiêu
tan sau khi thân xác này hoại diệt, nhưng cái phật tâm của chúng
ta, tức là tâm rỗng không như hư không, tâm bình đẳng, không
phân biệt, tâm an nhiên tự tại,…. của chúng ta vẫn theo ta từ
đời này sang đời khác. Ðức Phật nói "Sau khi Như Lai diệt độ,
sau khoảng năm trăm năm, có người giữ giới, tu phước, đối với
những chương cú này hay sanh lòng tin cho đây là thật, nên biết
người ấy không phải ở nơi một đức Phật, hai đức Phật, ba, bốn,
năm đức Phật gieo trồng căn lành mà đã ở chỗ vô lượng ngàn muôn
đức Phật gieo trồng căn lành. Người nghe chương cú này cho đến
một niệm sanh lòng tin thanh tịnh, này Tu-bồ-đề, Như Lai ắt
biết, ắt thấy các chúng sanh ấy được vô lượng phước đức như
thế.”
Có nghĩa là trong quá khứ họ đã tu tập cho tâm được thanh tịnh,
trí tuệ minh mẫn thì dù cho bao nhiêu năm sau đó tâm bồ đề đó
vẫn theo họ và họ vẫn hiểu được kinh này. Người mà có được cái
tâm thanh tịnh như vậy thì phải là người không còn chấp vào
tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, không có
tướng pháp cũng không tướng phi pháp. Ở câu cuối đức Phật dạy
chúng ta không nên chấp pháp, không nên chấp phi pháp, và Ngài
nói : "Tỳ-kheo các ông nên biết, ta nói pháp ví dụ như chiếc
bè, pháp còn nên bỏ, huống là phi pháp." Người tu Tịnh Ðộ
hoặc tu thiền định thường cho là môn tu của mình là bậc nhất nên
đức Phật mới dạy chúng ta : Pháp còn nên bỏ, huống chi là phi
pháp. Thật vậy, pháp của đức Phật làm ra là do tâm của chúng ta
khác nhau nên Ngài dùng đủ mọi phương tiện để nói pháp, cốt để
dạy cho chúng ta trở về cái tâm thanh tịnh, cái Phật tánh có sẵn
ở nơi mình. Chúng ta không nên chấp vào pháp môn tu của mình mà
chê bai pháp môn tu của người khác. Ý chính là phải làm sao tu
tâm dưỡng tánh để được GIÁC NGỘ thành Phật.
ÐOẠN 7: KHÔNG ĐƯỢC, KHÔNG NÓI
Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng
Chánh giác chăng? Như Lai có nói pháp chăng? Tu-bồ-đề thưa: Như
con hiểu qua nghĩa Phật nói, không có pháp nhất định tên là Vô
thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có pháp nhất định Như
Lai có thể nói. Vì cớ sao? Vì pháp Như Lai nói đều không thể
chấp, không thể nói, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp. Vì cớ
sao? Vì tất cả bậc Hiền Thánh đều do pháp vô vi mà có sai biệt.
Trong đoạn này Như Lai dạy cho chúng ta là Vô thượng Chánh đẳng
Chánh giác không phải là cái quả để chúng ta chứng đắc, rồi đi
khoe khoang với người này người kia là ta đã chứng được cái này
hay cái nọ. Ngài dạy chúng ta tánh khiêm nhường, dù đã thấy đạo
cũng không nên kiêu căn ngạo mạn. Cũng không thể nói là chẳng
phải pháp, chẳng phải phi pháp được. Nếu nói không phải pháp thì
người ta sẽ đâm ra bất mãn, họ sẽ nghĩ là tu để chẳng được gì
chăng? Nói là phi pháp cũng không được, vì nó giúp chúng ta tu
để trở về tâm thanh tịnh của mình. Nói chung Ngài dạy chúng ta
tánh khiêm nhường và không nên chấp vào pháp. Pháp làm ra chỉ
vì tâm chúng ta có sai biệt nên mới có nhiều pháp như vậy.
ÐOẠN 8: Y NƠI CHÁNH PHÁP MÀ SANH RA TẤT CẢ QUẢ VỊ.
- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Nếu có người dùng bảy báu đầy cả
tam thiên đại thiên thế giới để bố thí, người ấy được phước đức
thật nhiều chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn rất nhiều! Vì cớ sao? Vì phước đức
ấy tức chẳng phải là tánh phước đức, thế nên Như Lai nói phước
đức nhiều.
- Nếu lại có người ở trong kinh này, thọ trì cho đến bốn câu kệ
v.v… vì người khác giảng nói thì phước đức này còn hơn phước đức
của người kia. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, tất cả chư Phật và pháp
Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật đều từ nơi kinh này
ra. Này Tu-bồ-đề, nói là Phật pháp đó tức chẳng phải Phật pháp.
Ðối với con mắt trần tục thì việc dùng bảy báu đầy cả tam thiên
đại thiên thế giới để bố thí thì nhiều nhưng đối với Phật thì
không bằng tụng bốn câu vì người khác giảng nói. Tại sao Ngài
nói như vậy? Là vì khi ta bỏ thân này chúng ta không thể nào đem
vàng bạc châu báu theo được. Nếu ta hiểu được kinh Kim Cang và
có trí tuệ Bát Nhã thì cái hiểu biết này sẽ theo ta từ đời này
đến đời khác. Dù bất cứ ở đâu, ta cũng có trí tuệ. Người có
trí tuệ thì làm việc gì cũng xong. Còn như ta có nhiều vàng bạc
châu báu trong đời này mà không có trí tuệ thì khi thọ mạng thân
sau ta sẽ không có trí tuệ. Người không có trí tuệ, làm việc gì
cũng khó. Ngài nói “Phật pháp đó tức chẳng phải Phật pháp.” Ý
Ngài muốn dạy cho chúng ta là phải hiểu rõ ý của kinh chứ không
phải là thuộc lòng từng câu như con vẹt mà không hiểu ý nghĩa
của kinh.
ÐOẠN 9: MỘT TƯỚNG KHÔNG TƯỚNG.
- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Tu-đà-hoàn hay khởi nghĩ thế
này: Ta được quả Tu-đà-hoàn chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn,
không vậy! Vì cớ sao? Tu-đà-hoàn gọi là Nhập lưu mà không có chỗ
nhập, chẳng nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, ấy gọi là
Tu-đà-hoàn.
- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Tư-đà-hàm hay khởi nghĩ thế này: Ta
được quả Tư-đà-hàm chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không
vậy! Vì cớ sao? Vì Tư-đà-hàm tên là Nhất văng lai mà thật không
có văng lai, ấy gọi là Tư-đà-hàm.
- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? A-na-hàm hay khởi nghĩ thế này: Ta
được quả A-na-hàm chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không vậy!
Vì cớ sao? A-na-hàm tên là Bất lai mà thật không có bất lai, thế
nên tên A-na-hàm.
- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? A-la-hán hay khởi nghĩ thế này: Ta
được đạo A-la-hán chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không vậy!
Vì cớ sao? Thật không có pháp tên là A-la-hán. Bạch Thế Tôn nếu
A-la-hán khởi nghĩ thế này: Ta được đạo A-la-hán tức là còn chấp
ngă nhân chúng sanh thọ giả. Bạch Thế Tôn! Phật nói con được Vô
tranh tam-muội là bậc đệ nhất trong số người đó, là A-la-hán ly
dục đệ nhất. Bạch Thế Tôn! Con không khởi nghĩ con là ly dục
A-la-hán. Bạch Thế Tôn! Nếu con khởi nghĩ: Con được đạo
A-la-hán, Thế Tôn ắt chẳng nói Tu-bồ-đề là người ưa hạnh
A-lan-na. Do Tu-bồ-đề thật không có sở hành nên gọi là Tu-bồ-đề
ưa hạnh A-lan-na.
Ðức Phật đặt ra quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán,…
là vì trình độ hiểu biết của chúng ta khác nhau. Ngài đặt ra
nhiều tên như vậy để cho chúng ta biết là chúng ta đang ở mức tu
tập nào, chứ không phải là quả vị thật sự để chúng ta tu chứng
quả vị này hay quả vị nọ, rồi đem ra so bì với người khác là ta
tu ở cấp bậc cao hơn người này, người kia. Nói chung Ngài dạy
chúng ta không nên chấp vào quả vị này hay quả vị kia.
ÐOẠN 10: TRANG NGHIÊM TỊNH ĐỘ.
Phật hỏi Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao? Như Lai thuở xưa ở chỗ đức
Phật Nhiên Đăng, đối với pháp, có sở đắc chăng?
- Bạch Thế Tôn, không vậy! Như Lai ở nơi đức Phật Nhiên Đăng,
đối với pháp, thật không có sở đắc.
- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Bồ-tát trang nghiêm cői Phật chăng?
- Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? Trang nghiêm cõi Phật tức
không phải trang nghiêm, ấy gọi là trang nghiêm.
- Thế nên Tu-bồ-đề, các Bồ-tát lớn nên như thế mà sanh tâm thanh
tịnh, không nên trụ nơi sắc sanh tâm, không nên trụ thanh,
hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm
kia. Tu-bồ-đề, ví như có người thân to như núi Chúa Tu-di
(Sumeru), ý ông nghĩ sao? Thân ấy là lớn chăng? Tu-bồ-đề thưa:
Rất lớn, bạch Thế Tôn! Vì cớ sao? Phật nói chẳng phải thân, ấy
gọi là thân lớn.
Câu đầu Như Lai muốn dạy cho chúng ta là khi còn ở chỗ đức Phật
Nhiên Ðăng Như Lai đối với các pháp không có sở đắc. “Nếu Như
Lai còn chấp mình có "đắc pháp và được thọ ký" tức là Như Lai
còn chấp ngã (ta được) chấp pháp (đắc pháp) thì
không phải là Như Lai. Bởi thế nên ông Tu Bồ Đề thưa:"Bạch Thế
Tôn ! Như Lai không có đắc pháp gì cả"”.
Phật nói "các Bồ-tát lớn nên như thế mà sanh tâm thanh tịnh,
không nên trụ nơi sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị,
xúc, pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia." "Như
thế" ở đây có nghĩa là nên tu theo thiền định mà sanh tâm thanh
tịnh, tâm rỗng không như hư không. Ngài dạy không nên trụ nơi
sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. "Sanh tâm" ở đây đức
Phật muốn ám chỉ là tâm Bồ đề hay là Phật tâm. Có những vị Bồ
Tát lo xây dựng chùa lớn, quyên góp tiền của người này người kia
cho thật nhiều để xây chùa cho to rồi khoe khoang với mọi người
là ta đây có công xây được chùa bự, và họ nghĩ là họ đang trang
nghiêm cõi Phật và họ có Bồ đề tâm. Họ trụ nơi sắc mà tu và cho
mình đã phát tâm Bồ đề để trang nghiêm cõi Phật. Cho nên Phật
dạy không nên trụ nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh
tâm là vậy. Các vị Bồ Tát trang nghiêm cõi Phật là những vị thực
hành đúng theo những lời dạy của đức Phật và làm gương cho những
người xung quanh thì đó mới gọi là Bồ Tát trang nghiêm cõi Phật.
Trong kinh Kim Cang, đức Phật lặp đi lặp lại nhiều lần là nếu có
người bố thí nhiều như cả tam thiên đại thiên thế giới cũng
không bằng thọ trì bốn câu trong kinh Kim Cang, vậy xây chùa cho
thật to, cúng dường thật nhiều cũng không bằng hiểu bốn câu kinh
trong kinh Kim Cang và vì người khác giảng nói. Nếu những vị Bồ
Tát đó xây cất chùa để có chỗ cho bá tánh cùng học và hành theo
lời Phật dạy thì đó là mới gọi là Bồ Tát trang nghiêm cõi Phật.
"Tu-bồ-đề, ví như có người thân to như núi Chúa Tu-di (Sumeru),
ý ông nghĩ sao? Thân ấy là lớn chăng? Tu-bồ-đề thưa: Rất lớn,
bạch Thế Tôn! Vì cớ sao? Phật nói chẳng phải thân, ấy gọi là
thân lớn." "Cái thân lớn" ở đây đức Phật muốn ám chỉ là
người có chức tước, hay là người nổi tiếng, có địa vị lớn, được
nhiều người biết đến. Ý câu này đức Phật muốn dạy cho chúng ta
là nếu vị Bồ Tát nào mà biết trang nghiêm cõi Phật thì người đó
sẽ có tiếng tăm lừng lẫy, được nhiều người biết đến, và ai ai
cũng kính phục. Nhưng được tiếng tăm lừng lẫy không phải là cái
để chứng đắc. Vị Bồ Tát nổi tiếng mà không có tự cao và cho mình
là người nổi tiếng thì vị đó mới đích thực là người nổi tiếng và
đáng được mọi người kính trọng. Ví dụ như ta là chủ của một công
ty, ta không có thấy ta là chủ và không dùng chức ông chủ để hà
hiếp, đàn áp công nhân thì ta sẽ được nhiều người biết đến và
kính nễ. Nếu ta là Hòa Thượng hay Thượng Tọa mà ta không nghĩ ta
là Hòa Thượng hay Thượng Tọa, ta không bắt người khác phải hầu
hạ mình thì ta sẽ được nhiều người kính nể và được nhiều người
biết tới. Bởi vậy đức Phật dạy là người thân to lớn như núi
Tu-di, mà không thấy thân to lớn, ấy mới gọi là thân lớn là vậy.
ÐOẠN 11: PHƯỚC VÔ VI LÀ HƠN HẾT.
Này Tu-bồ-đề, như trong sông Hằng có bao nhiêu số cát, số sông
Hằng bằng số cát như thế, ý ông nghĩ sao? Số cát của các sông
Hằng ấy thật là nhiều chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, rất
nhiều! Chỉ các sông Hằng còn nhiều vô số, huống là số cát kia.
- Này Tu-bồ-đề, nay ta bảo thật với ông, nếu có người thiện nam,
thiện nữ đem bảy báu đầy dẫy tam thiên đại thiên thế giới bằng
số cát những sông Hằng kia ra bố thí thì được phước nhiều chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!
Phật bảo Tu-bồ-đề: Nếu người thiện nam thiện nữ, đối trong kinh
này cho đến thọ trì bốn câu kệ v.v… vì người khác giảng nói,
phước đức này nhiều hơn phước đức trước.
Ở đây đức Phật dùng phương pháp so sánh giữa việc bố thí bảy báu
đầy dãy tam thiên đại thiên thế giới bằng số cát những sông Hằng
với việc thọ trì bốn câu kệ trong kinh Kim Cang. Ngài lúc nào
cũng lặp đi lặp lại là việc thọ trì kinh Kim Cang và vì người
khác giảng nói thì có rất nhiều phước đức. Lý do được nhiều
phước đức là vì khi hiểu được kinh Kim Cang thì chúng ta sẽ có
trí tuệ như Kim Cương, trí tuệ này sẽ giúp chúng ta cắt đức tất
cả các phiền muộn đau khổ và sẽ giúp chúng ta có được cuộc sống
an vui hạnh phúc hay còn gọi là cảnh Niết Bàn. Khi có đủ trí
tuệ thì chúng ta sẽ không tạo thêm nghiệp nữa và chúng ta sẽ có
cuộc sống hạnh phúc.
ÐOẠN 12: TÔN TRỌNG KINH ĐIỂN CHÂN CHÁNH.
Lại nữa này Tu-bồ-đề, tùy nơi nói kinh này cho đến bốn câu kệ
v.v… nên biết chỗ này, tất cả thế gian trời, người, A-tu-la đều
nên cúng dường như tháp miếu của Phật, huống nữa có người trọn
hay thọ trì đọc tụng. Này Tu-bồ-đề, nên biết người ấy thành tựu
pháp tối thượng đệ nhất hy hữu. Nếu kinh này ở chỗ nào ắt là có
Phật hoặc là những đệ tử lớn của Phật.
Nơi nào mà có người chỉ cần hiểu và giảng giải bốn câu kệ trong
kinh Kim Cang thôi thì Ngài khuyên tất cả thế gian trời, người,
A-tu-la đều nên cúng dường như tháp miếu của Phật. Làm như vậy
thì mới khuyến khích được nhiều người cố gắng đọc tụng kinh Kim
Cang và duy trì kinh Kim Cang mãi mãi về sau. Ngài Lục Tổ Huệ
Năng là người đốn củi bình thường, nhưng khi nghe qua một câu
trong kinh Kim Cang mà Ngài giác ngộ, như vậy chứng tỏ là Ngài
Lục Tổ Huệ Năng mặc dù có chủng tử đại thừa nhưng cũng cần có
duyên nghe qua một đoạn kinh trong kinh Kim Cang thì mới sực
tỉnh (giác ngộ). Chỉ hiểu có bốn câu thôi mà Ngài khuyên chúng
ta nên cúng dường như tháp miếu của Phật huống nữa là người nào
hiểu được trọn bộ kinh và thọ trì kinh này. Người mà hiểu được
kinh này và thọ trì thì biết người này đã thành tựu pháp bậc
nhất trong tất cả các pháp. Người nào mà hiểu và thuyết kinh này
là người đó kiếp trước là Phật hay là đệ tử lớn của Phật.
ÐOẠN 13: ĐÚNG PHÁP THỌ TRÌ.
Khi ấy ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, thế nào là
tên của kinh này, chúng con làm sao phụng trì? Phật bảo
Tu-bồ-đề: Kinh này tên là Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật, do danh tự
ấy ông nên phụng trì. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, Phật nói Bát-nhă
ba-la-mật tức không phải Bát-nhă ba-la-mật, ấy gọi là Bát-nhă
ba-la-mật. Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có nói pháp
chăng? Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, Như Lai không có
nói pháp.
- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Tam thiên đại thiên thế giới có
bao nhiêu vi trần, ấy là nhiều chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế
Tôn, rất nhiều!
- Này Tu-bồ-đề, các vi trần Như Lai nói không phải vi trần, ấy
gọi là vi trần. Như Lai nói thế giới không phải thế giới ấy gọi
là thế giới. Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Có thể do ba mươi hai
tướng mà thấy Như Lai chăng?
- Bạch Thế Tôn không vậy! Không thể do ba mươi hai tướng được
thấy Như Lai. Vì cớ sao? Như Lai nói ba mươi hai tướng tức không
phải ba mươi hai tướng ấy gọi là ba mươi hai tướng.
- Này Tu-bồ-đề nếu có người thiện nam, người thiện nữ đem thân
mạng nhiều như cát sông Hằng để bố thí, hoặc lại có người ở
trong kinh này cho đến thọ trì bốn câu kệ v.v… vì người khác nói
thì phước này rất là nhiều.
Ngài Tu-bồ-đề hỏi tên của kinh này, và được đức Phật cho biết
tên của kinh này là Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật. Hiểu được kinh
Kim Cang, chúng ta sẽ có trí tuệ vững chắc như kim cương, nó
giúp chúng ta cắt đứt tất cả các phiền não và đau khổ. Ðức Phật
hỏi lại vài câu hỏi mà Ngài đã hỏi Ngài Tu-bồ-đề hỏi trước đó.
Ðức Phật hỏi ông Tu-bồ-đề, Như Lai có nói pháp không và được
Ngài Tu-bồ-đề thưa rằng Như Lai không có nói pháp. Những lời mà
Như Lai dạy trên là Như Lai muốn dạy chúng ta sống như thế nào
để có được cuộc sống hạnh phúc và an vui chứ không phải là một
cái pháp thuật gì hết.
Nhiều vi trần hợp lại sẽ thành thế giới. Ví dụ mỗi chúng ta là
một hạt vi trần, tất cả mọi người trên thế giới gọp lại thì
thành một tập thể hay là một thế giới. Nhưng mỗi chúng ta là do
đất, nước, gió lửa hợp thành, và nước thì là do thành phần
hydrogen và oxygen kết hợp thành, oxygen là do những thành phần
nhỏ khác cấu tạo thành. Như thế không có chất gì cố định cả, tất
cả đều do những thành phần nhỏ khác mà hợp thành. Vì vậy Như Lai
nói vi trần không phải là vi trần, ấy mới là vi trần là vậy.
Như Lai nói thế giới chẳng phải thế giới, ấy mới gọi là thế
giới. Thế giới lớn là do các thế giới nhỏ được kết hợp lại với
nhau mà thành. Vì vậy đức Phật nói thế giới không phải là thế
giới, ấy mới là thế giới. Tại sao đức Phật nói về vi trần và thế
giới, ý của Ngài muốn dạy chúng ta điều gì? Mỗi người là một vi
trần, và tất cả mọi người trên toàn thế giới hợp lại sẽ thành
thế giới. Giữa chúng ta lúc nào cũng có sự liên quan mật thiết
với nhau và chúng ta không thể tách rời thế giới mà sống riêng
rẽ một mình được mà phải nên hiểu là “một là tất cả, mà tất cả
chỉ là một.”
Ðức Phật dạy chúng ta không nên chấp vào 32 tướng tốt mà thấy
Phật. Có nhiều người nghĩ rằng Phật có 32 tướng tốt nên thành
Phật, còn mình không có 32 tướng tốt nên không thể thành Phật
được. Phật có nói " Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ
thành," chúng ta không nên chấp vào 32 tướng tốt và 80 vẽ đẹp
của Phật. Chúng ta nên nhìn vào 32 tướng tốt của Phật mà hâm mộ,
cung kính, và thực hành theo những điều Ngài dạy, là diệt hết
tham, sân, si,…. thì chúng ta mới thật sự thấy Phật. Vì vậy Phật
nói ba mươi hai tướng tức không phải ba mươi hai tướng ấy gọi là
ba mươi hai tướng là vậy.
Tại sao đức Phật nói người thiện nam, người thiện nữ đem thân
mạng nhiều như cát sông Hằng để bố thí, hoặc lại có người ở
trong kinh này cho đến thọ trì bốn câu kệ v.v… vì người khác nói
thì phước này rất là nhiều? Là vì nếu chúng ta bố thí thân mạng
mà không hiểu lý do tại sao phải bố thí? khi bố thí thì được
phước gì? Và kết quả sẽ ra sao? hay chỉ là nghe người khác nói
bố thí có nhiều phước đức và chỉ làm theo kiểu con vẹt thôi thì
người này sẽ không có trí tuệ. Mà không có trí tuệ thì sẽ dễ tạo
thêm tội, và sẽ còn bị đau khổ. Nếu người nào tụng trì kinh Kim
Cang và hiểu được kinh này vì người khác giảng nói thì người đó
có phước nhiều hơn. Vì người tụng kinh này sẽ có trí tuệ và họ
sẽ không tạo thêm tội nữa. Khi đó họ lúc nào cũng sống trong
cảnh giới an vui, tự tại, vô ngại. Ví dụ như ta không giết
người, ta dạy cho tất cả mọi người xung quanh ta không giết
người, thì không còn ai có ý nghĩ giết người nữa, thì khi ấy tất
cả chúng ta không sợ bị giết. Cuối cùng tất cả mọi người đều
sống trong hạnh phúc, an nhiên, tự tại. Ðức Phật lúc nào cũng
nhắc nhở chúng ta phải hiểu kinh này và nên truyền bá rộng rãi
cho tất cả mọi người thì phước đức mới nhiều. Cúng dường thân
mạng nhiều như số cát sông Hằng mà không hiểu được những lời
Phật dạy là không giết người, không trộm cắp, không tà dâm,
không uống rượu, không nói láo,… thì con người vẫn còn tạo đau
khổ cho nhau. Bố thí nhiều vẫn không đem lại hạnh phúc thật sự.
ÐOẠN 14: LÌA TƯỚNG TỊCH DIỆT.
Khi
ấy ngài Tu-bồ-đề nghe Phật nói kinh này, hiểu sâu được nghĩa
thú, rơi lệ dầm dề bạch Phật rằng: Đức Thế Tôn! Rất ít có. Phật
nói kinh điển sâu xa như thế, con từ trước đến giờ đă được tuệ
nhăn mà chưa từng được nghe kinh như thế. Bạch Thế Tôn! Nếu lại
có người được nghe kinh này, lòng tin thanh tịnh ắt sanh thật
tướng, nên biết người ấy thành tựu được công đức ít có bậc nhất.
Bạch Thế Tôn! Thật tướng ấy tức không phải tướng, thế nên Như
Lai nói tên là thật tướng.
Bạch Thế Tôn! Nay con được nghe kinh điển như thế, tin hiểu thọ
trì không đủ làm khó. Nếu đời sau, khoảng năm trăm năm về sau,
lúc đó có những chúng sanh được nghe kinh này, tin hiểu thọ trì,
người ấy ắt là ít có bậc nhất. Vì cớ sao? Vì người này không
tướng ngă, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Vì cớ
sao? Vì tướng ngã tức không phải tướng, tướng nhân, tướng chúng
sanh, tướng thọ giả tức không phải tướng. Vì sao? Vì lìa tất cả
tướng tức gọi là chư Phật.
Phật bảo Tu-bồ-đề: Đúng thế, đúng thế! Nếu lại có người được
nghe kinh này, không kinh, không hăi, không sợ, nên biết người
ấy rất là ít có. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề! Như Lai nói đệ nhất
ba-la-mật tức không phải đệ nhất ba-la-mật ấy gọi là đệ nhất
ba-la-mật. Tu-bồ-đề! Nhẫn nhục ba-la-mật, Như Lai nói không phải
nhẫn nhục ba-la-mật ấy gọi là nhẫn nhục ba-la-mật. Vì cớ sao?
Này Tu-bồ-đề như thuở xưa ta bị vua Ca-lợi (Kali) cắt đứt thân
thể, ta khi ấy không có tướng ngă, tướng nhân, tướng chúng sanh,
tướng thọ giả. Vì cớ sao? Ta thuở xưa khi thân thể bị cắt ra
từng phần nếu còn tướng ngă, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng
thọ giả, lẽ nên sanh sân hận. Tu-bồ-đề! Lại nhớ thuở quá khứ năm
trăm đời, ta làm tiên nhân nhẫn nhục, vào thuở ấy không có tướng
ngă, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Thế nên,
Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên lìa tất cả tướng mà phát tâm Vô thượng
Chánh đẳng Chánh giác, chẳng nên trụ sắc sanh tâm, chẳng nên trụ
thanh hương vị xúc pháp sanh tâm, nên sanh tâm không chỗ trụ.
Nếu tâm có trụ ắt là không phải trụ. Thế nên Phật nói tâm Bồ-tát
không nên trụ sắc mà bố thí. Tu-bồ-đề! Bồ-tát vì lợi ích tất cả
chúng sanh nên như thế mà bố thí. Như Lai nói tất cả các tướng
tức là không phải tướng, lại nói tất cả chúng sanh tức không
phải chúng sanh.
Này Tu-bồ-đề! Như Lai nói lời chân, lời thật, lời như, lời không
dối, lời chẳng khác. Này Tu-bồ-đề! Như Lai được pháp, pháp này
không thật, không hư. Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát tâm trụ nơi pháp mà
làm việc bố thí thì như người vào trong tối ắt không thể thấy.
Nếu Bồ-tát tâm không trụ pháp mà hành bố thí thì như người có
mắt lại thêm ánh sáng mặt trời chiếu soi, thấy các thứ hình sắc.
Này Tu-bồ-đề! Ở đời sau nếu có người thiện nam, thiện nữ hay ở
trong kinh này thọ trì đọc tụng ắt là Như Lai dùng trí tuệ Phật
ắt biết người ấy, ắt thấy người ấy đều được thành tựu vô lượng
vô biên công đức.
Sau khi nghe đức Phật thuyết kinh này xong thì Ngài Tu-bồ-đề
mừng khóc ra nước mắt. Không phải Ngài tủi thân mà khóc, mà là
Ngài mừng nên mới chảy nước mắt. Từ xưa đến giờ Ngài đã có tuệ
nhãn mà còn chưa từng được nghe kinh như thế. Tu-bồ-đề nói: "
Nếu lại có người được nghe kinh này, lòng tin thanh tịnh ắt sanh
thật tướng, nên biết người ấy thành tựu được công đức ít có bậc
nhất. Bạch Thế Tôn! Thật tướng ấy tức không phải tướng, thế nên
Như Lai nói tên là thật tướng." Người nào nghe được kinh này
lòng tin thanh tịnh thì người này sẽ thấy được thật tướng của
tất cả mọi loài và vật xung quanh mình, là phải thấy được duyên
hợp của tất cả mọi loài và vật thì mới thật sự thấy được thật
tướng.
"Bạch Thế Tôn! Nay con được nghe kinh điển như thế, tin hiểu thọ
trì không đủ làm khó. Nếu đời sau, khoảng năm trăm năm về sau,
lúc đó có những chúng sanh được nghe kinh này, tin hiểu thọ trì,
người ấy ắt là ít có bậc nhất." Có nghĩa là sau khi nghe được
kinh điển như thế mà Ngài Tu-bồ-đề không hiểu hết được tất cả
các ý thì việc thực hành thật là khó. Vì vậy khoảng năm trăm năm
về sau, nếu có người nào nghe được kinh này mà tin hiểu thọ trì
thì người này rất hiếm có. Người mà hiểu được kinh này thì người
này sẽ không còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh,
tướng thọ giã nữa. Lìa tất cả các tướng thì được goi là Phật,
tức là người giác ngộ được môt trăm phần trăm.
"Phật bảo Tu-bồ-đề: Đúng thế, đúng thế! Nếu lại có người được
nghe kinh này, không kinh, không hăi, không sợ, nên biết người
ấy rất là ít có." Tại sao đọc kinh này mà phải kinh, hãi, sợ sệt
như vậy? Là vì nhiều người đọc xong kinh Bát Nhã cứ tưởng là cái
gì cũng chấp không hết rồi vô tình làm cho thân xác bị tiều tụy,
đầu óc không còn minh mẫn nữa. Có nhiều người thấy bố thí thân
mạng nhiều như cả tam thiên đại thiên thế giới mà không bằng tho
trì bốn câu kệ trong kinh Kim Cang thì tỏ ra sợ hãi, họ tưởng
đây là thần chú gì đó linh thiêng lắm, sợ đọc không đúng sẽ bị
trừng phạt. Có người còn nghĩ là người không đủ chủng tử đại
thừa mà đọc kinh Kim Cang và sẽ bị tẩu quả nhập ma, vì vậy không
ai dám đọc hết. Chúng ta nên đọc tụng và nghiên cứu kinh này thì
dần dần sẽ hiểu được ý mà đức Phật muốn dạy chúng ta.
Trong đoạn này đức Phật lặp lại những lời dạy ở trên, Ngài dạy
chúng ta không nên có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh,
tướng thọ giả, không nên trụ sắc sanh tâm, không nên trụ thanh
hương vị xúc pháp sanh tâm, nên sanh tâm không chỗ trụ mà phát
tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Như Lai nói lời chân, lời thật, lời như, lời không dối, lời
chẳng khác. Ðức Phật muốn nhấn mạnh cho chúng ta biết là
Ngài nói lời thật, và không nói dối để chúng ta không nghi ngờ
mà làm theo lời Ngài dạy bảo. Vậy chúng ta có tự hỏi lại mình
xem mình có làm theo những lời đức Phật dạy chưa hay là còn nghi
ngờ những lời nói của Ngài?
Ngài dạy Bồ-tát không nên trụ sắc mà bố thí. Tu-bồ-đề! Bồ-tát vì
lợi ích tất cả chúng sanh nên như thế mà bố thí. Ðức Phật cho
biết nếu người thiện nam hay thiện nữ hay ở trong kinh này mà
thọ trì thì đức Phật biết người ấy đều được vô lượng công đức.
Chúng ta đừng nên sợ hãi là kinh này có thần linh hay là tụng
kinh này sẽ bị tẩu quả nhập ma. Chúng ta nên kiên trì bền trí
mà cố gắng tụng kinh này thì một ngày gần đây chúng ta sẽ hiểu
được hết ý nghĩa của kinh. Chúng ta sẽ áp dụng những lời Phật
dạy vào đời sống hàng ngày, và truyền lại cho thế hệ mai sau.
ÐOẠN 15 : CÔNG ĐỨC TRÌ KINH.
Tu-bồ-đề! Nếu có người thiện nam thiện nữ, buổi sáng đem thân
mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi trưa lại đem thân
mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi chiều cũng đem thân
mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, như thế vô lượng trăm ngàn
muôn ức kiếp đem thân mạng bố thí. Nếu lại có người nghe kinh
điển này, lòng tin không nghịch, phước của người này hơn phước
của người kia, huống là chép viết, thọ trì, đọc tụng, vì người
giải nói.
Này Tu-bồ-đề! Tóm tắt mà nói, kinh này có công đức vô biên không
thể nghĩ, không thể lường. Như Lai vì những người phát tâm Đại
thừa mà nói, vì những người phát tâm Tối thượng thừa mà nói. Nếu
có người hay thọ trì đọc tụng, rộng vì người nói, Như Lai ắt
biết người ấy, ắt thấy người ấy đều được thành tựu công đức
không thể lường, không thể tính, không có bờ mé, không thể nghĩ
bàn. Những người như thế tức là gánh vác pháp Vô thượng Chánh
đẳng Chánh giác của Phật. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề! Nếu người
thích pháp nhỏ tức chấp ngã, chấp nhân, chấp chúng sanh, chấp
thọ giả tức là đối với kinh này không thể lắng nghe, thọ trì,
đọc tụng vì người giải nói. Này Tu-bồ-đề! Ở nơi nào nếu có kinh
này thì tất cả thế gian trời, người, a-tu-la đều nên cúng dường,
nên biết chỗ này tức là tháp, đều nên cung kính làm lễ vây
quanh, dùng các thứ hương hoa mà rải cúng nơi ấy.
Trong đoạn đầu đức Phật dạy người nào làm công quả từ sáng cho
tới chiều tối, hay là bố thí thân mạng (ví dụ như là cho máu,
thận, …) cũng không bằng người nghe kinh điển này mà có lòng tin
không nghịch. Phước của người nghe kinh này nhiều hơn phước của
người làm công quả. Những người làm công quả, họ chỉ làm công
quả xây chùa này chùa kia thôi chứ không chịu học kinh điển. Còn
nếu ta học kinh điển, ta hiểu đạo thì ta sẽ có trí tuệ Bát nhã,
và trí tuệ này sẽ được đem theo qua đời sau. Làm nhiều công quả
mà không có trí tuệ thì không có trí tuệ để đem qua đời sau
được. Vậy những ai hay lo làm công quả nên dành cho mình một ít
thời giờ nghiên cứu và học kinh điển để có trí tuệ Bát nhã này.
Những người nào mà thọ trì và vì người khác giảng nói thì phước
đức của người này không thể nghĩ lường, không thể tính,… và
những người này mới có thể gánh vác nói pháp Vô thượng Chánh
đẳng Chánh giác của Phật. Những người nào thích pháp nhỏ thì đối
với kinh này họ không thể nghe, thọ trì, vì người khác giảng nói
được. Ðối với những ai hiểu kinh này vì người khác giảng nói,
đức Phật khuyên chúng ta nên cúng dường làm lễ vây quanh, dùng
các thứ hương hoa mà rãi cúng nơi ấy. Ðức Phật muốn chúng ta kết
duyên với những người này để đời sau, đời sau nữa chúng ta sẽ
còn có duyên gặp lại và họ sẽ dạy ta cách tu.
ÐOẠN 16: HAY LÀM SẠCH CÁC NGHIỆP CHƯỚNG.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Nếu có người thiện nam, thiện nữ thọ trì
đọc tụng kinh này, nếu bị người khinh chê, người này do tội
nghiệp đời trước lẽ ra phải đọa trong đường ác, do đời này bị
người khinh chê nên tội nghiệp đời trước ắt là tiêu diệt, sẽ
được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề, ta nhớ
thuở quá khứ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, ở trước đức Phật Nhięn
Đăng, ta được gặp tám trăm bốn ngàn muôn ức na-do-tha các đức
Phật, ta đều cúng dường thờ phụng không sót một vị nào. Nếu lại
có người ở đời mạt pháp sau này hay thọ trì đọc tụng kinh này,
được công đức, đối với công đức cúng dường chư Phật của ta, trăm
phần chẳng bằng một, ngàn muôn ức phần cho đến toán số thí dụ
đều không thể bằng.
Này Tu-bồ-đề! Nếu người thiện nam thiện nữ ở đời mạt pháp sau
này, có người thọ trì đọc tụng kinh này, được công đức, nếu ta
nói cho đủ hoặc có người nghe tâm tất cuồng loạn, hồ nghi, không
tin. Này Tu-bồ-đề, nên biết kinh nghĩa này không thể nghĩ bàn
nên quả báo cũng không thể nghĩ bàn.
Ðức Phật dạy nếu có người thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng
kinh này, và nếu bị người khinh chê, người này do tội nghiệp đời
trước lẽ ra phải đọa trong đường ác, do đời này bị người khinh
chê nên tội nghiệp đời trước được tiêu diệt, và sẽ được quả Vô
thượng Chánh đẳng Chánh giác. Trong vô số kiếp trong quá khứ, ta
không có trí tuệ, ta đã tạo ra bao nhiêu tội. Vậy nay chúng ta
nên thọ trì kinh này để nghiệp chướng tiêu trừ và được cuộc sống
an nhiên tự tại. Ðức Phật nói Ngài đã cúng dường tám trăm bốn
ngàn muôn ức na-do-tha các đức Phật mà cũng không bằng một phần
của việc tụng trì kinh này, vậy chúng ta nên biết việc đọc tụng
kinh này quan trọng như thế nào. Có câu "Ai ăn nấy no, ai tu nấy
chứng," không có chuyện tu giùm. Vậy chúng ta nên cố gắng thọ
trì kinh này để một ngày nào đó chúng ta sẽ hiểu được toàn bộ bộ
kinh Kim Cang và sẽ có trí tuệ như kim cương. Khi có trí tuệ
rồi, chúng ta sẽ không còn đau khổ nữa.
ÐOẠN 17: TỘT CÙNG KHÔNG CÓ NGÃ.
Khi ấy ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Người thiện
nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm
sao an trụ, làm sao hàng phục tâm kia? Phật bảo Tu-bồ-đề: Người
thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh
giác nên sanh tâm như thế này: Ta nên diệt độ tất cả chúng sanh,
diệt độ tất cả chúng sanh rồi mà không có một chúng sanh thật
diệt độ. Vì cớ sao? Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn tướng ngă, tướng
nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả ắt không phải là Bồ-tát.
Vì cớ sao? Tu-bồ-đề, thật không có pháp phát tâm Vô thượng Chánh
đẳng Chánh giác. Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai ở nơi Phật
Nhiên Đăng có pháp được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng?
- Bạch Thế Tôn, không vậy! Như chỗ hiểu của con qua nghĩa Phật
nói, Phật ở nơi Phật Nhiên Đăng không có pháp được Vô thượng
Chánh đẳng Chánh giác.
Phật bảo: Như thế, như thế! Tu-bồ-đề, thật không có pháp Như Lai
được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề! Nếu có pháp
Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì đức Phật Nhiên
Đăng ắt không thọ ký cho ta: Ở đời sau, ông sẽ được thành Phật
hiệu là Thích-ca Mâu-ni. Do thật không có pháp được Vô thượng
Chánh đẳng Chánh giác, thế nên đức Phật Nhiên Đăng mới thọ ký
cho ta, nói thế này: Ở đời sau, ông sẽ được thành Phật hiệu là
Thích-ca Mâu-ni. Vì cớ sao? Như Lai tức là nghĩa Như của các
pháp. Nếu có người nói Như Lai được pháp Vô thượng Chánh đẳng
Chánh giác, này Tu-bồ-đề, thật không có pháp Phật được Vô thượng
Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề! Như Lai được Vô thượng
Chánh đẳng Chánh giác, ở trong ấy không thật, không hư. Thế nên
Như Lai nói tất cả pháp đều là Phật pháp. Này Tu-bồ-đề! Nói tất
cả pháp đó tức không phải tất cả pháp, nên gọi là tất cả pháp.
Này Tu-bồ-đề thí như có người thân cao lớn.
Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Như Lai nói thân người cao lớn
ắt không phải thân lớn, ấy gọi là thân lớn.
- Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng như thế, nếu nói lời thế này: Ta sẽ
diệt độ vô lượng chúng sanh, ắt không gọi là Bồ-tát. Vì cớ sao?
Này Tu-bồ-đề! Thật không có pháp tên là Bồ-tát. Thế nên Phật
nói: tất cả pháp không ngã, không nhân, không chúng sanh, không
thọ giả. Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát nói lời thế này: Ta sẽ trang
nghiêm cõi Phật, ấy chẳng gọi là Bồ-tát. Vì cớ sao? Như Lai nói
trang nghiêm cõi Phật tức chẳng phải trang nghiêm, ấy gọi là
trang nghiêm. Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát thông đạt pháp vô ngă,
Như Lai gọi đó là chân thật Bồ-tát.
Ngài Tu-bồ-đề hỏi Phật là người thiện nam, người thiện nữ phát
tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm sao an trụ tâm, làm sao
hàng phục tâm vọng tưởng. Phật bảo Tu-bồ-đề: "Người thiện nam,
người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên sanh
tâm như thế này: Ta nên diệt độ tất cả chúng sanh, diệt độ tất
cả chúng sanh rồi mà không có một chúng sanh thật diệt độ." Tại
sao “ta phải diệt độ tất cả chúng sanh?” tại vì trong vô số
lượng kiếp quá khứ ta đã tạo tội với tất cả mọi người trên thế
gian này, vì vậy ta phải giúp họ học và hành theo lời Phật dạy
để mong họ bỏ qua những lỗi lầm của ta trong quá khứ. Tại sao
“diệt độ tất cả chúng sanh rồi mà chẳng có một chúng sanh nào
được diệt độ?” Là tại vì ta giúp họ tu để họ dừng nghiệp của họ
tức là ta cũng dừng được nghiệp của ta. Có nghĩa là trong quá
khứ ta đã tạo tội với họ, thì trong tương lai khi nhân duyên hội
đủ họ sẽ gặp lại ta và ta phải trả nợ cũ, tức là trả nghiệp. Nếu
như ta dạy họ sống hạnh phúc với đầy lòng thương yêu, hiểu biết,
và cảm thông cho nhau thì trong những kiếp tương lai khi nhân
duyên hội đủ, họ gặp lại ta, họ sẽ không dùng tâm ganh ghét và
hận thù để hại ta mà họ sẽ đối sử với ta bằng tình thương mến và
cảm thông. Như vậy là ta diệt độ tất cả chúng sanh rồi mà chẳng
có chúng sanh nào được diệt độ. Nhờ họ tu mà ta mới dừng được
nghiệp của ta và cũng dừng được nghiệp của họ. Nếu hiểu được như
thế thì không bao giờ ta sanh tâm phân biệt giữa người giàu với
người nghèo, giữa người sang với người hèn,… và sẽ không bao giờ
sanh tâm ngạo mạn là ta là người đang ban phước hoặc là ban pháp
đến cho mọi người. Ví dụ điển hình là ngài Mục Kiền Liên (MKL).
Nếu như những vị Bà La Môn kia được học và hành theo giáo lý của
Bụt thì họ sẽ tha thứ những lỗi lầm của ngài MKL ở trong đời quá
khứ, họ sẽ không xô đá giết Ngài. Tuy nhiên cái chết của ngài
MKL cho ta thấy rằng có thần thông vẫn không thoát được nghiệp.
Nếu hiểu được thí dụ trên, quý vị sẽ thấy được là tại sao Phật
nói là Như Lai không có được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Nếu vị Bồ tát nào nói là ta sẽ diệt độ vô lượng chúng sanh là ta
trang nghiêm cõi Phật thì vị ấy không phải là Bồ tát. Vì vị này
còn chấp vào tướng, ngã, chúng sanh, và thọ giã… Ðức Phật dạy
thật không có pháp tên là Bồ-tát, vì Bồ tát là những vị giác ngộ
từ 80% trở lên, còn phàm phu thì giác ngộ ít hơn. Bồ tát không
phải là một địa vị để chúng ta chứng đắc. Nếu ai chấp vào chức
vị Bồ tát thì người đó tu sai rồi vì Phật dạy thật không có pháp
tên Bồ tát.
Nói chung trong đoạn này đức Phật dạy chúng ta "giúp người tức
là giúp mình", và "một là tất cả, tất cả là một." Chúng ta nên
thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau và cùng tu học và hành theo lời
Phật dạy để tất cả mọi người trên thế gian này đều được sống yên
vui và hạnh phúc.
Ngài Lục Tổ có nói đại ý là :
"Phật pháp ở trong thế gian, không nên tìm Phật pháp ở ngoài thế
gian, nếu người nào tìm Phật Pháp ở ngoài thế gian thì người đó
ví như đang đi tìm lông rùa, sừng thỏ." Ý nói đó là việc làm
hoang đường. Thật đúng là Phật pháp ở trong thế gian, nếu như
tất cả mọi người trên thế gian này đều biết thương yêu, thông
cảm, và tha thứ cho nhau, thì thế giới này là thế giới cực lạc.
ÐOẠN 18: ĐỒNG QUÁN CÓ MỘT THỂ.
- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có nhục nhãn chăng?
- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có nhục nhãn.
- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có thiên nhăn chăng?
- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có thiên nhãn.
- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có tuệ nhãn chăng?
- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có tuệ nhãn.
- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có pháp nhãn chăng?
- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có pháp nhãn.
- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có Phật nhãn chăng?
- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có Phật nhãn.
- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như trong sông Hằng có bao nhiêu
cát, Phật nói là cát chăng?
- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai nói là cát.
- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như trong một sông Hằng có bao nhiêu
cát, có những sông Hằng bằng số cát như thế , có các thế giới
của Phật bằng số cát của những sông Hằng ấy, như thế thật là
nhiều chăng?
- Bạch Thế Tôn, rất là nhiều!
Phật bảo Tu-bồ-đề: Trong các cői nước đầy dẫy như thế, có tất cả
chúng sanh có bao nhiêu thứ tâm, Như Lai thảy đều biết. Vì cớ
sao? Như Lai nói các tâm đều không phải tâm, ấy gọi là tâm. Vì
cớ sao? Này Tu-bồ-đề, tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại
không thể được, tâm vị lai không thể được.
Ðoạn này đức Phật cho chúng ta biết là Ngài có nhục nhãn, thiên
nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn, và Phật nhãn. Không phải là Ngài có
năm con mắt thật khác nhau mà là sự thấy biết của Ngài mà có
được năm thứ nhãn trên. Ngài cho biết là Ngài đều thấy biết tất
cả các tâm nhiều như những số cát các sông Hằng gọp lại. Nhưng
cuối cùng Ngài nói "các tâm đều không phải tâm, ấy mới gọi là
tâm. Là vì tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể
được, tâm vị lai không thể được mà nó rỗng không như hư không
vậy. Chúng ta nên tu sao để không còn thấy quá khứ, không thấy
hiện tại, không thấy vị lai. Cố gắng tu sao cho được cái tâm
rỗng không như hư không vậy.
ÐOẠN 19: PHÁP GIỚI THÔNG SUỐT KHÔNG BỊ NGĂN TRỞ.
- Này Tu-bồ-đề , ý ông nghĩ sao? Nếu có người đem bảy báu đầy
dẫy cả tam thiên đại thiên thế giới dùng bố thí, người ấy do
nhân duyên này được phước đức nhiều chăng?
- Bạch Thế Tôn! Như thế! Người này do nhân duyên đó được phước
đức rất nhiều.
- Này Tu-bồ-đề! Nếu phước đức có thật, Như Lai chẳng nói được
phước đức nhiều, do phước đức không, nên Như Lai nói được phước
đức nhiều.
Phật nói: "Nếu phước đức có thật, Như Lai chẳng nói được phước
đức nhiều, do phước đức không, nên Như Lai nói được phước đức
nhiều." Ý đức Phật nói là khi ta đem bảy báu đầy dãy cả tam
thiên đại thiên thế giới để bố thí, thì ta tập cho ta có tâm từ
bi biết giúp đỡ người khác, không tham đắm vào vàng bạc, vì vậy
Như Lai nói là được phước đức nhiều, chứ thật ra không có phước
đức thật. Chẳng qua là vì ta tập cho ta được cái tâm không chấp
vào tiền tài, vàng bạc,… nên Như Lai nói là được phước đức
nhiều.
ÐOẠN 20: LÌA SẮC, LÌA TƯỚNG.
- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Phật có thể do đầy đủ sắc thân
mà thấy chăng?
- Bạch Thế Tôn, không vậy! Như Lai không nên do đầy đủ sắc thân
mà thấy. Vì cớ sao? Như Lai nói đầy đủ sắc thân tức chẳng phải
đầy đủ sắc thân ấy gọi là đầy đủ sắc thân.
- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có thể do đầy đủ các
tướng mà thấy chăng?
- Bạch Thế Tôn, không vậy! Như Lai không nên do đầy đủ các tướng
mà thấy. Vì cớ sao? Như Lai nói các tướng đầy đủ tức chẳng phải
đầy đủ, ấy gọi là các tướng đầy đủ.
Ðoạn này đức Phật lặp lại là chúng ta không nên chấp vào sắc
thân và tướng Phật mà thấy Phật. Ðoạn này đã được giải thích ở
đoạn trên.
ÐOẠN 21: KHÔNG NĂNG THUYẾT VÀ SỞ THUYẾT.
Này Tu-bồ-đề, ông chớ bảo Như Lai khởi nghĩ thế này, ta sẽ có
nói pháp, chớ khởi cái nghĩ ấy. Vì cớ sao? Nếu người nói Như Lai
có nói pháp tức là phỉ báng Phật, không thể hiểu nghĩa ta đă
nói. Này Tu-bồ-đề, nói pháp đó không có pháp có thể nói ấy gọi
là nói pháp. Khi ấy ngài Tuệ Mạng Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch
Thế Tôn, vả lại có chúng sanh ở đời vị lai nghe nói pháp này
sanh lòng tin chăng?
Phật bảo: Tu-bồ-đề, kia chẳng phải chúng sanh, chẳng phải chẳng
chúng sanh. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, chúng sanh, chúng sanh ấy
Như Lai nói chẳng phải chúng sanh, ấy gọi là chúng sanh.
Ðức Phật muốn nói là Ngài chỉ dạy cho chúng ta phương pháp tu để
tập cho tâm ta được thanh tịnh, rỗng như hư không, chứ không
phải là một pháp thuật hay là một thần chú gì cả. Ngài nói "nếu
người nói Như Lai có nói pháp tức là phỉ báng Phật, không thể
hiểu nghĩa ta nói". Phật nói pháp là tùy duyên và tùy theo tâm
tánh của mỗi người mà nói vì vậy Ngài nói "nói pháp đó không có
pháp có thể nói ấy gọi là nói pháp." Tất cả các pháp Ngài nói
chẳng qua cũng chỉ dạy cho chúng ta giữ vững chân tâm để được
sống trong cảnh giới Niết Bàn.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, vả lại có chúng sanh ở
đời vị lai nghe nói pháp này sanh lòng tin chăng? Phật bảo:
Tu-bồ-đề, kia chẳng phải chúng sanh, chẳng phải chẳng chúng
sanh. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, chúng sanh, chúng sanh ấy Như Lai
nói chẳng phải chúng sanh, ấy gọi là chúng sanh.
Trong nhũng đoạn trên đức Phật đã dạy là khi thân này hoại đi
thì trí tuệ bát nhã hay phật tánh sẽ theo ta mãi từ đời này sang
đời khác. Khi thọ mạng thân khác, chúng sanh mà có chủng tử đại
thừa đó không thể gọi họ là chúng sanh tầm thường được, nhưng
cũng không thể không gọi họ là chúng sanh được vì theo nhân
duyên họ vẫn được sanh ra như bao nhiêu người khác. Chúng sanh
mà Như Lai muốn nói là không phải là chúng sanh đó, ấy là chúng
sanh mà có chủng tử đại thừa và người này khi nghe kinh này sẽ
sanh lòng tin chân thật.
ÐOẠN 22 : KHÔNG PHÁP CÓ THỂ ĐƯỢC.
Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, Phật được Vô thượng
Chánh đẳng Chánh giác hay là không được ư? Phật bảo: Đúng như
thế, như thế! Này Tu-bồ-đề, ta đối với Vô thượng Chánh đẳng
Chánh giác nhẫn đến không có một chút pháp có thể được, ấy gọi
là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Ý của đức Phật muốn nói là người mà được Vô thượng Chánh đẳng
Chánh giác là người thấy suốt tất cả mọi việc, tâm của họ sẽ
rỗng không như hư không. Khi gặp chuyện vui, họ cũng không mừng,
gặp chuyện buồn họ cũng không buồn. Nếu người nào mà khi thấy
trong gia đình có người bị mất và họ cảm thấy đau buồn. Họ cần
phải dùng pháp môn quán vô thường để đối trị thì người đó chưa
được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chúng ta phải làm sao tập
cho tâm của chúng ta thật thanh tịnh và rỗng không như hư không
thì khi bất cứ chuyện gì xảy ra, chúng ta không cần dùng phương
pháp nào để trị hết, thì ấy mới gọi là Vô thượng Chánh đẳng
Chánh giác.
ÐOẠN 23: TÂM TRONG SẠCH LÀM VIỆC THIỆN.
Lại nữa Tu-bồ-đề, pháp này bình đẳng không có cao thấp, ấy gọi
là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do không ngã, không nhân,
không chúng sanh, không thọ giả tu tất cả pháp lành tức được Vô
thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề, nói rằng pháp lành
đó, Như Lai nói tức chẳng phải pháp lành, ấy gọi là pháp lành.
Ðức Phật dạy bình đẳng không có cao thấp thì còn được gọi là Vô
thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thật vậy, ví dụ trong một gia đình
nếu người cha nghĩ mình là cha, và lấy quyền làm cha bắt đứa con
làm những gì nó không thích thì đứa con sẽ không nghe lời người
cha và không nể ông ta. Nếu người cha có tánh bình đẳng chịu
nghe tâm sự của người con, để mà thông cảm cho nhau thì họ sẽ
được sống hạnh phúc và cha con không hề giận nhau. Thí dụ khác
là nếu ông tổng thống ỷ ta đây là tổng thống, ông ta có quyền kỳ
thị chủng tộc, kỳ thị tôn giáo, có quyền bắt bớ bất cứ ai mà ông
ta muốn,… thì thử hỏi ông ta có được mọi người thương mến và
kính nể không? Nếu ông ta có tính bình đẳng với tất cả mọi
người, mọi chủng tộc, mọi tôn giáo thì chắc chắn ông ta sẽ được
mọi người thương mến và kính nể. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta
có tập được tánh bình đẳng chưa? Hay là còn phân biệt sư quốc
doanh với sư của giáo hội việt nam thống nhất, phân biệt giữa
tiểu thừa, đại thừa, giàu nghèo, sang hèn, thầy tu với cư sĩ,
đạo Phật đạo Chúa, loài người với loài thú, …. Pháp bình đẳng
này là một quy luật tự nhiên của xã hội, vì vậy Như Lai nói là
pháp lành nhưng thật ra chẳng phải là pháp lành nên tạm gọi nó
là pháp lành vậy thôi. Pháp bình đẳng là một sự thật không thể
thay đổi được. Chúng ta nên cố gắng tập pháp bình đẳng. Muốn
được tánh bình đẳng này, chúng ta không nên chấp ngã, nhân,
chúng sanh, thọ giã.
ÐOẠN 24 : PHƯỚC TRÍ KHÔNG GÌ SÁNH BẰNG.
Này Tu-bồ-đề, nếu trong tam thiên đại thiên thế giới có các ngọn
núi Tu-di chúa, như thế dùng bảy báu nhóm họp bằng những ngọn
núi Tu-di ấy có người mang ra bố thí. Hoặc có người đem kinh
Bát-nhă ba-la-mật này cho đến bốn câu kệ v.v… thọ trì đọc tụng,
vì người khác nói thì phước đức của người này đối với người
trước, người này trăm phần, người kia không bằng một, trăm ngàn
muôn ức phần cho đến toán số thí dụ cũng không thể bằng.
Ðoạn này đức Phật lại lặp lại việc thọ trì bốn câu kệ và vì
người khác giảng nói có phước nhiều hơn là bố thí bảy báu nhiều
như những ngọn núi Tu di. Như vậy chúng ta cũng đủ biết việc thọ
trì kinh Kim Cang này quan trọng như thế nào rồi chứ gì? Vậy
chúng ta nên cố gắng thọ trì kinh Kim Cang này để được trí tuệ
như kim cương và trí tuệ này sẽ là hành trang giúp đỡ chúng ta
không còn bị khổ nữa và được sống trong cảnh giới niết bàn.
ÐOẠN 25 : GIÁO HÓA KHÔNG CÓ CHỖ GIÁO HÓA.
Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Các ông chớ bảo Như Lai khởi nghĩ
thế này: Ta sẽ độ chúng sanh. Này Tu-bồ-đề, chớ khởi nghĩ thế
ấy. Vì cớ sao? Thật không có chúng sanh Như Lai độ đó. Nếu có
chúng sanh Như Lai độ đó thì Như Lai ắt có ngă, nhân, chúng
sanh, thọ giả. Này Tu-bồ-đề, Như Lai nói có ngă ắt không phải có
ngă mà người phàm phu cho là có ngã. Này Tu-bồ-đề, người phàm
phu đó Như Lai nói tức không phải phàm phu, ấy gọi là phàm phu.
Ðoạn này được lặp lại như đoạn trên, ý của Phật dạy chúng ta là
"giúp người tức là giúp mình." Ví dụ là khi ta giúp đỡ người
nghèo, thì người nghèo sẽ cảm ơn và cảm kích lòng từ bi của ta
Ðối với ta thì đó là cách tập cho lòng từ bi của ta lớn hơn, ta
sẽ không có tánh ích kỷ, và biết thương yêu mọi người,… làm như
vậy thì sẽ giúp cho ta được mau sớm thành Phật quả. Một ví dụ
khác về giúp người tức giúp mình là vừa rồi ở Trung Quốc bị bệnh
SAR, các nước giàu khác trên thế giới ra tay cứu giúp để dẹp căn
bệnh hiểm nghèo này. Khi các nước giàu có này bỏ tiền và công để
giúp Trung Quốc ngăn chặn bệnh SAR thì họ sẽ được nhiều nước
khác kính nể, và sẽ không sợ bệnh SAR lan tràn vào nước của
mình. Như vậy họ bỏ tiền giúp đỡ nước khác tức là cũng giúp
không cho bệnh SAR tràn vào nước của mình. Không nên nghĩ là
tại vì những nước giàu này không muốn bệnh này tràn vào nước
mình nên họ mới ra tay cứu. Họ có thể ngăn chặn bệnh này bằng
cách không cho khách du lịch vào nước và mặc kệ cái bệnh SAR ở
Trung Quốc. Hiểu được như vậy thì mình không thấy mình sẽ độ
chúng sanh, mà là giúp người tức là giúp mình.
Như Lai nói phàm phu là muốn ám
chỉ cho những người chưa được giác ngộ nhiều chứ không có ý
khinh chê họ là người phàm phu, còn ta là Phật. Nên Ngài nói là
người phàm phu đó Như Lai nói tức không phải phàm phu, ấy gọi là
phàm phu vậy thôi.
ÐOẠN 26: PHÁP THÂN CHẲNG PHẢI LÀ TƯỚNG.
Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Có thể do ba mươi hai tướng mà xem
Như Lai chăng? Tu-bồ-đề thưa rằng: Như thế, như thế, do ba mươi
hai tướng mà xem Như Lai. Phật bảo: Tu-bồ-đề, nếu do ba mươi hai
tướng mà xem Như Lai, thì Chuyển Luân Thánh Vương tức là Như
Lai. Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn, như chỗ hiểu của con
qua nghĩa Phật nói, không nên do ba mươi hai tướng mà xem Như
Lai. Khi ấy Thế Tôn nói bài kệ:
Nếu do sắc thấy ta, Do âm thanh cầu ta, Người ấy hành đạo tà,
Không thể thấy Như Lai .
Ðoạn này đức Phật dạy chúng ta không nên thấy ba mươi hai tướng
mà xem Như Lai. Như Lai ở trong tất cả chúng ta, đức Phật dạy
chúng ta nên trở về tâm thanh tịnh của mình thì sẽ thấy Như Lai
chứ không phải là tượng Phật có 32 tướng tốt. Bởi vậy Ngài nói
Chuyển Luân Thánh Vương cũng có ba mươi hai tướng tốt nhưng
không phải là Như Lai. Phật dạy nếu thấy Như Lai qua hình sắc,
âm thanh thì người đó tu sai rồi, không thể thấy Như Lai. Vậy
muốn thấy Như Lai chúng ta không nên thấy Ngài qua sắc tướng, âm
thanh, mà hãy trở về tánh thanh tịnh của mình.
ÐOẠN 27: KHÔNG ĐOẠN, KHÔNG DIỆT.
Này Tu-bồ-đề, nếu ông khởi nghĩ thế này, Như Lai chẳng do các
tướng cụ túc được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu-bồ-đề, chớ
khởi nghĩ thế ấy, Như Lai không do tướng cụ túc mà được Vô
thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu-bồ-đề, nếu ông khởi nghĩ thế
này: Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nói các pháp
đoạn diệt, chớ khởi cái nghĩ này. Vì cớ sao? Vì người phát tâm
Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đối với pháp không có nói tướng
đoạn diệt.
Ðoạn này đức Phật dạy là không phải Như Lai do đầy đủ các tướng
mà được Chánh đẳng Chánh giác. Người phát tâm Vô thượng Chánh
đẳng Chánh giác không có nói pháp đoạn diệt, không nên nói là
sau khi thân này hoại đi là hết. Khi thân này hoại đi thì tâm
tánh của chúng ta vẫn còn. Tâm tánh của chúng ta là bất diệt, nó
sẽ được mang sang từ đời này sang đời khác. Vì vậy lúc nào đức
Phật cũng dạy cho chúng ta nên trở về cái tâm thanh tịnh của
mình là vậy.
ÐOẠN: KHÔNG THỌ, KHÔNG THAM TRƯỚC.
Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát dùng thất bảo đầy cả thế giới bằng số
cát sông Hằng để đem bố thí, nếu lại có người biết tất cả pháp
là vô ngă được thành đức nhẫn nhục, thì Bồ-tát này được công đức
hơn vị Bồ-tát trước, vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, do các vị Bồ-tát
không thọ phước đức. Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn,
thế nào là Bồ-tát không thọ phước đức?
- Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát làm phước đức mà chẳng nên tham trước,
thế nên nói chẳng thọ phước đức.
Ðoạn này đức Phật dạy người biết tất cả pháp là vô ngã được
thành đức nhẫn nhục. Người này sẽ được công đức nhiều hơn người
bố thí của báu nhiều như số cát sông Hằng. Người bố thí của báu,
họ chỉ tập tánh không tham lam vàng bạc thôi, còn người hiểu
được tất cả pháp là vô ngã, và hiểu được tất cả mọi vật đều do
nhân duyên mà thành thì khi bất cứ chuyện gì xảy ra, họ đều thấy
rõ tường tận mọi việc và họ được đức nhẫn nhục. Ðối với chúng ta
thì chúng ta thấy họ nhẫn nhục nhưng đối với họ thì đó là chuyên
hiển nhiên không có gì gọi là nhẫn nhục cả. Chính vì không thấy
mình nhẫn nhục nên chẳng thọ phước đức. Nói chung đoạn này đức
Phật dạy chúng ta là phải hiểu thật rỏ các pháp chứ không phải
tu nhẫn nhục bằng cách kiềm tâm mình lại và chịu nhẫn nhục.
ÐOẠN 29: BỐN OAI NGHI ĐỀU TỊCH TĨNH.
Này Tu-bồ-đề, nếu có người nói Như Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc
ngồi, hoặc nằm, người ấy không hiểu nghĩa của ta nói. Vì cớ sao?
Như Lai đó không từ đâu đến cũng không đi đâu nên gọi là Như
Lai.
Như Lai được nói đến ở đây không phải là đức Phật Thích Ca Mâu
Ni mà là tâm tánh Như Lai hiện tiền trong mọi người. Tâm tánh
Như Lai không từ đâu đến cũng không đi đâu hết, nó bất sanh bất
diệt, chúng ta nên trở về tâm tánh Như Lai của mình. Khi nhân
duyên hội đủ, ta thọ thân mạng khác nhưng tâm tánh của ta không
thay đổi. Tâm tánh Như Lai là tâm thanh tịnh và sáng suốt.
ÐOẠN 30: LÝ MỘT HỢP TƯỚNG
Này Tu-bồ-đề, nếu người thiện nam, thiện nữ đem thế giới tam
thiên đại thiên này nghiền nát thành bụi, ý ông nghĩ sao? Số bụi
này thật là nhiều chăng? Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Rất
nhiều. Vì cớ sao? Nếu là bụi thật có đó thì Phật ắt không nói là
bụi nhiều. Vì cớ sao? Phật nói các bụi đó tức không phải là bụi,
ấy gọi là bụi. Bạch Thế Tôn, Như Lai nói thế giới tam thiên đại
thiên tức không phải thế giới, ấy gọi là thế giới. Vì cớ sao?
Nếu thế giới thật có thì ắt là một hợp tướng. Như Lai nói một
hợp tướng tức không phải một hợp tướng ấy gọi là một hợp tướng.
Này Tu-bồ-đề, một hợp tướng đó ắt không thể nói, chỉ người phàm
phu tham trước việc ấy.
Ðoạn này đức Phật dạy là không có vật thể nào cố định cả. Chúng
ta chỉ tạm gọi nhỏ như hạt bụi thôi, chứ thật ra nó được cấu tạo
bởi những hạt nhỏ hơn. Tạm gọi thế giới là lớn nhất nhưng nó
cũng chỉ là một phần của vật khác lón hơn nó thôi. Bất cứ vật
gì, nhỏ như hạt bụi hay lớn như thế giới cũng không phải là thật
thể cố định. Nói chung là Ngài dạy chúng ta tất cả các vật đều
do nhân duyên mà hợp thành không có cái gì là cố định cạ. Như
vậy tâm tánh của ta có cố định không? Tâm bồ đề của chúng ta ví
như là một hạt giống. Chúng ta diệt trừ tham, sân, si để tạo cho
ta hạt giống bồ đề tốt. Nếu chúng ta sanh trong một môi trường
khó khăn thì việc chúng ta trở về cái tâm thanh tịnh của mình
rất khó làm được. Nếu chúng ta sanh trong một môi trường an
lành thì việc tu hành để trở về cái tánh thanh tịnh của mình
rất dễ dàng. Ví như ta có hột giống tốt, nếu ta trồng nó ở trong
môi trường đầy đủ tiện nghi thì nó sẽ sanh sôi nảy nở, đơm hoa,
kết trái, còn nếu ta trồng trong môi trường bị thiếu thốn, không
đủ nước chẳng hạn thì nó sẽ không nảy mầm. Do vậy tất cả chúng
ta phải cùng tu để tạo ra một môi trường an lành thì tất cả
chúng ta mới được sống trong cảnh giới niết bàn, một cảnh giới
an vui và hạnh phúc. Trong kinh Tịnh độ Phật A Di Ðà có nguyện “nếu
một chúng sanh nào chưa được nhiếp thọ thì Phật A Di Đà cũng
nguyện không thành Phật.” Tất cả chúng ta phải tu, vì
"một là tất cả, tất cả là một." Chúng ta phải sống tương trợ lẫn
nhau, không thể sống riêng rẽ một mình được.
ÐOẠN 31: TRI KIẾN CHẲNG SANH.
- Này Tu-bồ-đề, nếu có người nói Phật nói ngă kiến, nhân kiến,
chúng sanh kiến, thọ giả kiến, này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao?
Người ấy hiểu nghĩa của ta nói chăng?
- Bạch Thế Tôn, không hiểu vậy. Người ấy không hiểu nghĩa của
Như Lai nói. Vì cớ sao? Thế Tôn nói ngã kiến, nhân kiến, chúng
sanh kiến, thọ giả kiến, tức chẳng phải ngã kiến, nhân kiến,
chúng sanh kiến, thọ giả kiến, ấy gọi là ngã kiến, nhân kiến,
chúng sanh kiến, thọ giả kiến.
- Này Tu-bồ-đề, người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác,
đối với tất cả pháp nên như thế mà biết, như thế mà thấy, như
thế mà tin hiểu, không sanh pháp tướng. Này Tu-bồ-đề, nói là
pháp tướng đó, Như Lai nói tức chẳng phải pháp tướng, ấy gọi là
pháp tướng.
Ðoạn này đức Phật muốn nói là Ngài dùng danh từ ngã kiến, nhân
kiến, chúng sanh kiến, thọ giã kiến là để thuyết giảng cho chúng
ta dễ hiểu ý của Ngài thôi, chứ Ngài không có chấp ngã kiến,
nhân kiến, chúng sanh kiến, … Ngài dạy người phát tâm Vô thượng
Chánh đẳng Chánh giác thì khi đối với tất cả pháp nên như thế mà
biết, như thế mà thấy, như thế mà tin hiểu. “Như thế” mà Ngài
muốn nói ở đây là nên theo những điều Ngài dạy ở trên mà làm
theo, nhưng không được thấy là có pháp thật sự để cho mình chứng
đắc. Nói chung là khi đọc kinh này, chúng ta nên cố gắng hiểu
liễu nghĩa của kinh, không nên chấp vào từng từ ngữ của kinh.
ÐOẠN 32: ỨNG HÓA KHÔNG PHẢI THẬT.
Này Tu-bồ-đề, nếu có người đem bảy báu bằng thế giới trải qua số
kiếp vô lượng a-tăng-kỳ để bố thí. Nếu có người thiện nam, người
thiện nữ phát tâm bồ-đề đem kinh này cho đến bốn câu kệ v.v… thọ
trì, đọc tụng, vì người diễn nói thì phước của người này còn hơn
phước của người kia. Thế nào là vì người diễn nói? Chẳng thủ nơi
tướng, như như bất động. Vì cớ sao?
Tất cả pháp hữu vi, Như mộng, huyễn, bọt, bóng, Như sương cũng
như điện, Nên khởi quán như thế.
Phật nói kinh này rồi, trưởng lão Tu-bồ-đề và chúng Tỳ-kheo,
Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, tất cả thế gian trời, người,
a-tu-la nghe Phật nói đều rất vui mừng, tin thọ và vâng làm.
Ðức Phật cứ lặp đi lặp lại là bố thí pháp công đức nhiều hơn bố
thí tiền của là vì nếu pháp được lưu trữ mãi mãi về sau thì khi
chúng ta thọ mạng thân sau chúng ta sẽ còn được phước duyên nghe
lại kinh này. Kinh này sẽ gợi lại trong tiềm thức của chúng ta
và chúng ta sẽ dễ hiểu kinh này khi đọc lại chúng. Khi hiểu
được kinh này thì chúng ta sẽ tiếp tục tu để trở về tâm thanh
tịnh của mình.
Thế nào là vì người diễn nói? Chẳng thủ nơi tướng, như như bất
động. Vì cớ sao? Tất cả pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng,
như sương cũng như điện, Nên khởi quán như thế. Tất cả chúng ta
đều phải tu để có một môi trường tốt hay một cảnh giới niết
bàn. Khi diễn nói về kinh điển này ta không nên khoe khoang là
ta đã hiểu được hết nghĩa kinh và nói thao thao bất tuyệt để cho
người ta kinh nể, mà phải nói như như bất động, có nghĩa là khi
ta diễn nói kinh này, ta chỉ mong sao cho tất cả cùng hiểu được
kinh này và cùng tu để có cảnh giới niết bàn. Tất cả mọi người
đều có cuộc sống an vui, hạnh phúc, và không còn bị đau khổ nữa.
Ngài dạy chúng ta nên quán tất cả mọi thứ ở trên đời này như
mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương cũng như điện, hãy quán tất cả
mọi thứ đều không có tồn tại vĩnh viễn. Nói tóm lại là hãy quán
tất cả mọi vật đều do nhân duyên. Khi đủ duyên thì nó hình
thành, khi hết duyên thì nó mất. Sau khi nghe kinh này xong tất
cả mọi người đều vui mừng, tin theo, và thực hành theo lời Ngài
dạy.
Tôi mong tất cả chúng ta cũng vậy, sau khi đọc xong lược giại
kinh này và thấy có lợi lạc thì hãy cố gắng hành theo. Hiện nay
internet thịnh hành, chúng ta không có vì người khác diễn nói
được thì chúng ta có thể email cho tất cả mọi người cùng đọc
kinh này và thực tập theo lời Phật dạy. Phước đức gởi kinh này
cho nhiều người đọc nhiều hơn vô số lần bố thí cả tỷ tỷ đô la.
Tóm lại, trong toàn bộ bộ kinh này, đức Phật dạy chúng ta những
điều sau:
Phải cột tâm vào từng hành động của mình để giúp mình trở về tâm
thanh tịnh hằng có ở trong mỗi chúng ta. Chúng ta ai cũng bận
rộn về công việc nên lúc nào cũng nói là không có thì giờ để tu,
vậy trong lúc đi đứng nằm ngồi hay đang làm việc quý vị cột tâm
của mình vào từng hành động của mình. Còn trong lúc rãnh rỗi,
quý vị sẽ cột tâm vào đâu? hay là để vọng tưởng nổi lên? Quý vị
hãy niệm Phật "Nam mô A Di Ðà Phật" và hãy cột tâm vào từng chữ
"Nam mô A Di Ðà Phật" thì khi đó vọng tưởng không còn có chỗ nổi
lên. Cố gắng tập như thế trong vòng vài tuần, quý vị sẽ thấy tâm
quý vị rất thanh tịnh.
Khi bố thí, chúng ta không nên nghĩ ta là người bố thí và nghĩ
người khác đang nhận của bố thí của ta. Không nên hy vọng sau
này có gì cần đến, mong họ phải đền ơn ta. Nếu người ta không
đền ơn lại thì ta sẽ dễ nổ giận. Vì vậy khi bố thí đừng có hy
vọng người khác trả ơn mình.
Không nên chấp vào pháp. Tất cả các pháp đều chỉ dạy cho chúng
ta trở về tâm thanh tịnh của mình. Không nên cho pháp môn này
của mình tu hay hơn pháp môn kia.
Không nên thấy mình hiểu được tí
kinh điển, hay là học thuộc lòng kinh điển như con vẹt rồi đem
ra khoe khoang. Ðòi chỉ dạy cho người này, người kia trong khi
bản thân mình còn chấp quá nhiều và còn đau khổ. Mình phải cố
gắng làm gương cho những người khác.
Khi ta được người khác trọng vọng hay ta có địa vị cao trong xã
hội, ta không nên tự cao hay có ý khinh thường người kém hơn
mình, mà phải có tính bình đẳng.
Khi thấy người nào hiểu và giảng kinh này, chúng ta nên cúng
dường để kết duyên với người này. Ðến kiếp sau, chúng ta sẽ có
cơ hội gặp lại người này, người này sẽ nhắc nhỡ và giúp đỡ chúng
ta tu cho hết đau khổ.
Tất cả mọi vật đều do duyên sanh và cũng do duyên hoại. Dù một
vật nhỏ như vi trần, hay lớn như thế giới, tất cả các vật đều
không có cố định. Ðể tâm bồ đề của chúng ta được phát triển tốt,
chúng ta nên tạo ra một môi trường an lành, nơi mà không còn có
chiến tranh, nghèo đói, … Khi thọ mạng thân sau, chúng ta không
bị sanh vào những nước có chiến tranh, nghèo đói. Nếu chúng ta
sanh vào những nước đó, chúng ta sẽ khó tu thành Phật.
Phải tập tánh bình đẳng, không nên phân biệt sang hèn, giàu
nghèo, tôn giáo, chức tước, địa vị, loài người hay loài vật, cư
sĩ hay thầy tu, …
Không nên cầu Phật ở ngoài. Nên cố gắng diệt trừ tham, sân, si,…
để trở về Phật tánh của mình. Phật nói ta là Phật đã thành, các
ông là Phật sẽ thành. Nếu là đệ tử của Phật thì nên tin tưởng
nơi Ngài và hãy cố gắng tu tập, đừng nãn chí.
Nếu làm được tất cả những điều trên thì quý vị sẽ được trở về
tâm thanh tịnh, cái tâm rỗng rang như hư không của mình. Khi đó
bất cứ việc gì xảy ra, quý vị không có lo sợ, buồn giận, hay vui
mừng. Khi ấy quý vị biết nguyên nhân của tất cả sự việc sắp xảy
ra và kết quả sẽ ra sao. Vì thấy được nguyên nhân gây ra đau
khổ, quý vị sẽ không tạo thêm nghiệp nữa. Quý vị sẽ không còn
trong vòng sanh tử luân hồi nữa.
Những lời nói trên là sự thật, nó rất thiết thực với đời sống
hàng ngày của tất cả chúng ta. Mong quý vị hãy cố gắng làm theo
lời Phật dạy. Nếu thấy những lời trên đúng và đem lại lợi lạc
cho quý vị, xin quý vị hãy gởi kinh này đến càng nhiều người
càng tốt. Quý vị có thể đăng lên website của quý vị để cho nhiều
người được đọc kinh này. Có như vậy thì tất cả chúng ta mới cùng
nhau tạo môi trường an lành trên trái đất này, và tất cả chúng
ta cùng sống trong cảnh giới Niết Bàn. Nếu vị nào sau khi đọc
xong kinh này tỏ ra sợ hãi hoặc giận dữ, thì cố tập làm sao như
mình chưa đọc qua kinh này, và cố gắng giữ tâm mình thanh tịnh.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Giáp Thân, PL 2547
Tháng 2, 2004
Ðồng Mai
- --o0o--
|
|