KINH TẠNG

PHẦN HAI
KINH HIỀN NGU
H. T.Thích Trung Quán Dịch
--o0o--
CỨ ĐÀ THÍ THÂN
 
Chính tôi được nghe: Một thời đức Phật ở nước La Duyệt Kỳ, tại núi Kỳ Xà Quật.
Đức Thế Tôn khi đó bị cảm chứng phong, các đệ tử đi triệu ông Kỳ Vực Y Vương vào điều trị, ông hòa ba mươi hai vị dược tô dâng lên và bạch Phật rằng:
- Kính lạy đức Thế Tôn! Thời khí năm nay bất hòa, biến nhiều thứ bệnh lạ, con thành kính luyện thứ thuốc này, cúi xin mỗi ngày dùng ba mươi hai lạng.
Đức Thế Tôn hoan hỷ nạp thụ và chú nguyện cho ông.
Thuở đó ông Đề Bà Đạt Đa thường đem lòng ghen ghét với Phật, tự cao tự đại, ý muốn ngang hàng với Phật, nghe biết Phật uống dược tô cũng gọi ông Kỳ Vực luyện thuốc cho uống.
Khi ông luyện xong dâng Ngài và thưa rằng:
- Thưa Ngài! Thuốc này mạnh lắm, mỗi ngày chỉ dùng được bốn lạng!
Ông Đề Bà Đạt Đa hỏi: - Phật uống ngày mấy lạng?
- Thưa Ngài! Phật uống mỗi ngày ba mươi hai lạng!
Ông Đề Bà Đạt Đa hỏi:
- Vì lẽ gì Phật uống nổi ba mươi hai lạng mỗi ngày? Ta chỉ uống được bốn lạng thôi?
- Thưa Ngài! Phật khác! Ngài khác! Nếu Ngài uống như Phật, tất bị tổn thương đến thân thể!
- Ta uống cũng có đủ lực tiêu hóa, thân ta, thân Phật khác chi, để ta uống coi, có hiệu lực như Phật không!
- Thưa Ngài! Việc đó xin tùy ý, nhưng xảy ra chúng tôi không chịu trách nhiệm!
- Dĩ nhiên! Ông khỏi lo.
Ông Đề Bà Đạt Đa cân đủ ba mươi hai lạng uống luôn một lúc, uống xong ông ngã quay lơ, sùi bọt mép như đống xà bông, vật giường trên, lăn xuống giường dưới, kêu lên rầm rĩ.
Đức Thế Tôn thương ông đau đớn, nên Ngài từ xa duỗi cánh tay vàng, bằng lực thần thông tới xoa đầu cho ông, thuốc ấy nhờ sức từ bi được tiêu hóa, bệnh hoạn tan không, thân tâm an lạc! Nhìn lên thấy tay Phật, ông tự nói rằng:
- Tất Đạt có nhiều phép lạ, với đời vô dụng, giờ lại học nghề thuốc đều cầu danh lợi.
Tôi (A Nan) nghe thấy ông thốt ra lời vô nhân nghĩa quá nên quỳ xuống bạch Phật:
- Kính lạy đức Thế Tôn! Ông Đề Bà Đạt Đa vô ân bất nghĩa quá! Ngài cứu cho khỏi, không cảm ơn thì thôi, lai thốt ra những lời tệ bạc, sao lại có những lòng dạ như vậy? Luôn luôn chỉ một niềm ghen ghét với Thế Tôn?
Phật bảo tôi rằng:
- A Nan! Đề Bà Đạt Đa, chẳng những ngày nay mang lòng nham hiểm hại ta đâu, đời quá khứ đã dùng mưu này kế khác hại ta.
Tôi lại thưa rằng:
- Kính lạy Ngài, không hay đời quá khứ ông ấy làm hại thế nào, cúi xin chỉ giáo cho chúng con được rõ?
Phật dạy:
- Ông hãy nghe kỹ, tôi vì ông mà nói!
- Dạ! Con xin đón nghe.
Phật dạy:
- A Nan! Ông nên biết, đời quá khứ cách đã rất lâu kiếp A Tăng Kỳ tới số không thể tính xuể, cũng ở Châu Diêm Phù Đề này, có một nước lớn tên là Ba La Nại, ông vua nước ấy tên là Phạm Ma Đạt tính nết hung tàn không có từ tâm, lại ham mê sắc dục làm tổn thương cho muôn loài, nọc độc nằm chặt trong đáy lòng.
Một hôm ông nằm mộng thấy con thú lông vàng, trên những đầu lông tía ánh sáng sắc vàng tỏa ra hai bên tả hữu. Khi tỉnh giấc ông tự nghĩ con thú ta vừa mộng thấy trên đời này ắt phải có. Nghĩ rồi cho triệu tập các người đi săn lại phán rằng:
- Các khanh! Hôm nay mời các khanh vào đây, muốn nói một câu chuyện trong mộng của ta cho các khanh rõ: Đêm qua vào lúc canh ba đương ngon giấc, ta thấy một con thú, lông trên mình toàn sắc vàng, trên những đầu lông phóng ra những tia sáng, ta chắc rằng trên rừng cũng có loài thú như vậy các khanh tìm bắt lấy nó, rồi lột lấy da cho ta, ta sẽ trọng thưởng cho con cháu các khanh bảy đời được đầy đủ vật dụng ăn uống, nếu không để tâm tìm bắt cho ta, ta sẽ tiêu diệt hết họ hàng nhà các khanh.
Các người sợ toát mồ hôi! Nhưng không biết trình bày làm sao! Đều lạy tạ lui ra.
Trở về họ hội họp lại một nơi để giải quyết công việc nhà vua vừa giao phó như sau:
- Thưa các bạn, việc này rất khó cho bọn mình: Nhận thấy từ thuở biết cầm cái súng đi săn đến nay, tôi chưa từng nhìn thấy con thú như nhà vua nằm mộng! Nếu bọn ta không bắt được con thú lông vàng, họ hàng chúng ta sẽ bị hạ sát dưới tay cường quyền áp bức của nhà vua. Chi bằng tụi mình đưa vợ con trốn sang nước ngoài làm ăn cho thoát!
Một thanh niên tiếp rằng:
- Thưa quý bạn! Nhận thấy trong núi này độc trùng ác thú rất nhiều, đường sá nguy hiểm, có ngày đi không hẹn ngày về, ngụ ý của tôi chỉ mượn người hộ là hơn!
Mọi người đều tán thành! Sau mượn được một người đến, họ sẽ làm lời cam đoan rằng: - Anh hãy tận tâm vào rừng săn hộ tôi con thú lông vàng, trên đầu lông có ánh sáng, nếu anh được tốt lành trở về, chúng tôi sẽ trọng thưởng cho anh một số vàng bạc; nếu anh bị hại nơi rừng xanh, chúng tôi sẽ đem số vàng bạc đó cho vợ con anh ăn dùng.
Người ấy tự nghĩ như vầy: - Ta vì sự cứu người, dầu mất mạng cũng cam lòng.
Nghĩ xong nói:
- Thưa quý bạn, tôi xin bảo lãnh việc đó giúp quý bạn và tôi nguyện rằng nếu được thành công mới trở về.
Họ đều vui mừng! Sắm sửa lương thực tiền bạc để anh đi ăn đường.
Khi bắt đầu ra đi, mọi người đều chúc anh được mọi sự tốt lành trở về, anh từ giã ra đi, đi lâu ngày trải bao những sự gian hiểm, lương thực gần hết, bị đói khát, thân thể gầy còm, sức lực mỏi mệt, qua bãi sa mạc trời nắng làm cho bãi cát như rang, như nấu, khí nóng bức lên ngùn ngụt, mồm khát, cổ khô, chỉ còn chờ tắt hơi là qua đời. Đương lúc cùng cực đau khổ, thốt ra lời nói:
- Ai là người có lòng từ bi, thương đến tôi, cứu được thân mạng tôi giờ?
Trong núi ấy có loài dã thú tên là Cứ Đà, lông vàng vì trên đầu lông có ánh sáng, nó nghe thấy đằng xa có tiếng người kêu cứu; động lòng thương dấn thân đi tìm qua những dòng suối nước lạnh, tới nơi thấy một người nằm phơi trên mặt đất hình như sắp chết, nó ủ ấp bằng thân của nó, hồi lâu tỉnh táo, nó bế tới một khe nước, tắm gội cho mát, rồi đi lấy các thứ quả ngon về cho ăn, ăn xong thân thể được khỏe mạnh.
Người đó khi tỉnh dậy tự nghĩ như vầy:
- Con thú lông vàng này! Chính ta đương đi săn bắt nó đem nộp cho nhà vua, song lúc ta gặp cơn nguy biến, được nó cứu thoát, ơn ấy ta chưa đền đáp nỡ đâu lại còn hại nó. Nhưng nếu không bắt nó nộp cho nhà vua thì tất cả nhà những người đi săn kia đều bị giết chết.
Nghĩ thế rồi trong lòng rầu rĩ khó giải quyết.
Cứ Đà hỏi:
- Tại sao anh không vui?
Anh rơi lệ đáp:
- Tôi đương nghĩ một việc riêng!
Cứ Đà hỏi tiếp:
- Việc gì xin nói cho tôi rõ!
- Việc này khó giải quyết và cũng không dám nói.
Cứ Đà hỏi luôn:
- Anh hãy nói ra, nếu tôi có thể giúp được thì tôi xin giúp.
Anh chàng này ngẫm nghĩ hồi lâu rồi thực tình nói mục đích bắt thú lông vàng cho Cứ Đà nghe.
Cứ Đà hoan hỷ nói:
- Việc không khó, da của tôi có thể đem biếu anh được! Anh nên biết rằng: Nếu cứ tính cái thân chết của tôi từ quá khứ tới nay, vô lượng vô số, không thể đếm được. Nhưng xét rằng những thân ấy chưa từng làm được việt gì hữu ích, hôm nay tôi được đem cái da vàng mạng sống của tôi để cứu người thì còn gì vui thú hơn. Vậy anh cứ việc lột lấy, tôi vui lòng nhưng chớ làm tuyệt mạng tôi vội, với sự cho anh đây tôi rất hoan hỷ, không hối hận chút nào!
Anh chàng đi săn nghe Cứ Đà nói trong lòng vẫn băn khoăn hối hận bất đắc dĩ phải rút dao lột da của Cừ Đà.
Đầu tiên anh đặt dao vào mũi, rạch mạnh, máu tươi chảy ra như rót rồi kéo qua đầu xuống tận đuôi, bắt tay vào kép xả ra hai bên.
Nhìn Cứ Đà vẫn thản nhiên không hề dãy dụa, rồi nguyện rằng: - Tôi thành thực hy sinh da tôi để cứu sống mọi người, nguyện đem công đức này, hướng về tất cả chúng sinh, qua thoát khỏi biển khổ sinh tử luân hồi về nơi Niết Bàn an lạc.
Lời của Cứ Đà phát nguyện vừa xong, ba ngàn thế giới tự nhiên chấn động sáu lần, các cung điện cõi Trời nghiêng ngửa, những Thiên Tử đều kinh ngạc! Ngó nhìn xem chuyện chi, thấy Bồ Tát lột da bố thí cứu sinh, họ bay xuống tận nơi, tung hoa cúng dàng ai nấy đều sa nước mắt.
Lột da xong, thân thể Cứ Đà đỏ như gấc chín, huyết chảy lênh láng, nhìn rất rùng rợn không dám ngó lâu, ruồi kiến bâu xúm xít đầy mình, rỉa thịt uống huyết. Đau quá! Định trở mình, nhưng sợ tổn thương loài ruồi kiến, đành phải nhẫn khổ không dám động đậy.
Những loài ruồi kiến ấy nhân được ăn thịt của Bồ Tát sau khi mệnh chết được sinh Thiên.
Người được da mang về dâng vua, nhà vua rất hài lòng, khen ngợi kẻ đã tử công phu vì ta; ban thưởng cho tước lộc ngôi cao, vàng bạc rất nhiều.
Nhà vua dùng nó để trải nằm, khi nằm cảm thấy tâm an vui khoái lạc.
Tới đây đức Phật nhắc lại cho tôi biết rằng:
- A Nan! Ông nên biết: Cứ Đà có phải ai đâu? Chính tiền thân của ta đấy, vua Phạm Ma Đạt nay là ông Đề Bà Đạt Đa, những ruồi kiến ăn thịt uống huyết của Cứ Đà thuở đó, khi ta mới thành Phật chuyển Pháp Luân đều được đắc đạo sinh lên các cõi Trời, ông Đề Bà Đạt Đa thời đó làm tổn thương tánh mạng ta cho đến ngày nay không có một chút thiện tâm gì đối với ta, suốt ngày chỉ muốn tìm cách để hại ta thôi!
Lúc đó tôi và tất cả đại chúng, nghe Phật nói thế, ai nấy cũng buồn và cảm động! Nhiều người thấy vậy gắng công cầu phép yếu, nên có người được quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm cho đến quả A La Hán, cũng có người gây nhân Bích Chi Phật, cũng có người phát tâm Vô Thượng Đạo; có người trụ ngôi bất thoái, ai nấy đều vui vẻ kính tin phụng hành tạ lễ mà lui.
--o0o--