Thư Viện Chùa Dược Sư
KINH TẠNG
Kinh Giết Giận
---o0o---
 


I- Giới Thiệu
Kinh nầy rút ra từ Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikaya), tập I, trang 41 (Pali Text Society) Hòa thượng Minh Châu đã dịch toàn bộ 5 tập và Tu thư Phật học Vạn Hạnh đã ấn hành năm 1982.
Nội dung kể lại cuộc đối thoại giữa một thiên nhân và Phật. Thiên nhân Magha, biết Phật không tán thành bất cứ sự giết hại nào, song muốn vấn nạn Phật bằng câu hỏi: "Có sự giết hại nào được Phật đồng ý không?" Không để mình bị rơi vào cạm bẫy, Phật trả lời: "Các bậc thánh hiền tán thành giết hại giận, vì giết giận thì được vui, giết giận thì không sầu não."
Như Phật thường nói trong các kinh khác, Giận mà chúng sinh xem như là vị ngọt tối thượng (khi lửa giận bùng cháy người ta có cảm giác rất thoải mái, sung sướng như được uống các thức uống ngon ngọt nhất) là một trong ba độc căn: Tham, sân, si. Nó là nguồn gốc của sự lưu chuyển trong vòng sống chết và gây ra không biết bao nhiêu khổ lụy cho chúng sinh. Vì giận mà người ta ăn không ngon, ngũ không yên. Lửa giận khi thì ầm ỷ, khi bùng cao, luôn luôn đốt cháy tất cả khôn ngoan và mát mẻ trong tâm hồn và đưa con người đến quyết định quyên sinh tự tử. Gia đình tan nát, thế giới chiến tranh cũng vì Giận. Do đó, nếu Giận bị tiêu trừ thì sầu khổ sẽ không còn nữa. Các phương pháp tu hành của nhà Phật không có mục đích nào khác hơn là để diệt trừ Sân và Tham Si.
 
II- Chánh Kinh
Như vậy tôi nghe:
Một thời Thế tôn ở tại Savatthi trong rừng Jeta, vườn Anathapindika. Rồi thiên tử Magha [1], khi đêm gần tàn, với dụng sắc thù thắng chiếu khắp rừng Jeta, đi đến Thế tôn. Sau khi đến, kính lễ đức Thế tôn, rồi đứng một bên ; sau khi đứng một bên; thiên tử Magha nói lên bài kệ trước Thế tôn:
- Giết vật gì được vui, giết vật gì không sầu, Có một pháp gì mà Thế tôn [2] tán thánh giết ?
(Thế Tôn đáp kệ rằng:)
- Này Hiền nhân [3],
thánh hiền tán thánh giết giận với độc căn [4],
vị ngọt tối thượng [5];
giết nó không sầu
.
 
III- Chú Thích Sơ Lược
[1]. Magha là tên của Sakkha, thiên chủ của tầng thấp nhất trong cõi trời Ba mươi Ba (Tavatimsa).
[2]. Trong bản Pali là Gotama, song ở đây dịch là Thế tôn; như vầy vừa đủ nghĩa vừa trang trọng.
[3]. Trong bản Pali là Vatrabhu nghĩa là người chiến thắng Vatra-Asura, một loại quỉ thần, hung hãn, do đó ở đây dịch là hiền nhân, chỉ cho Sakka.
[4]. Giận là một trong ba độc căn: Tham, Sân, Si.
[5]. Giận cũng là vị ngọt tối thượng bởi vì trong lúc giận dữ, người ta cảm thấy thích thú như đang uống loại nước ngọt ngon nhất.