|
Kinh Trung Bộ
H. T. Thích Minh Châu dịch
--o0o--
- KINH PHÂN BIỆT
SÁU XỨ
-
(Salayatanavibhangasuttam)
-
- Như vầy tôi
nghe.
- Một thời Thế
Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tại tinh xá ông
Anathapindika (Cấp Cô Độc). Ở đấy Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo : "Này
các Tỷ-kheo" – "Bạch Thế Tôn" . Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế
Tôn, Thế Tôn nói như sau :
- – Này các
Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông phân biệt sáu xứ. Hãy lắng nghe
và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.
- – Thưa vâng,
bạch Thế Tôn.
- Các vị
Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau :
- – Có sáu nội
xứ cần phải biết. Có sáu ngoại xứ cần phải biết. Có sáu thức
thân cần phải biết. Có sáu xúc thân cần phải biết. Có mười tám ý
hành cần phải biết. Có ba mươi sáu loại hữu tình cần phải biết.
Tại đây, do y cứ cái này, đoạn tận cái này, có ba niệm xứ mà một
bậc Thánh phải thực hành, và có thực hành (niệm xứ) ấy, bậc
Thánh mới xứng là bậc Đạo sư diễn giảng đồ chúng. Trong các bậc
Huấn luyện sư, vị ấy được gọi là bậc Vô thượng Điều ngự sư, điều
phục các hạng người đáng được điều phục. Đây là tổng thuyết về
phân biệt sáu xứ.
- Khi được nói
đến "Sáu nội xứ cần phải biết", do duyên gì, được nói đến như
vậy ? Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Khi được
nói đến : "Sáu nội xứ cần phải biết", chính do duyên này, được
nói đến như vậy.
- Khi được nói
đến "Sáu ngoại xứ cần phải biết", do duyên gì, được nói đến như
vậy ? Sắc xứ, thanh xứ, hương xứ, vị xứ, xúc xứ, pháp xứ. Khi
được nói đến : "Sáu ngoại xứ cần phải biết", chính do duyên này,
được nói đến như vậy.
- Khi được nói
đến "Sáu thức thân cần phải biết", do duyên gì, được nói đến như
vậy ? Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý
thức. Khi được nói đến : "Sáu thức thân cần phải biết", chính do
duyên này, được nói đến như vậy.
- Khi được nói
đến "Sáu xúc thân cần phải biết", do duyên gì được nói đến như
vậy ? Nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc. Khi
được nói đến : "Sáu xúc thân cần phải biết", chính do duyên này,
được nói đến như vậy.
- Khi được nói
đến "Mười tám ý hành cần phải biết", do duyên gì được nói đến
như vậy ? Sau khi mắt thấy sắc, (ý) chạy theo sắc trú xứ của hỷ,
chạy theo sắc trú xứ của ưu, chạy theo sắc trú xứ của xả; sau
khi tai nghe tiếng.. (như trên)... ; sau khi mũi ngửi hương...
(như trên)... sau khi lưỡi nếm vị... (như trên).... sau khi thân
cảm xúc.. (như trên)... sau khi ý nhận thức pháp, ý chạy theo
pháp khởi lên hỷ chạy theo pháp khởi lên ưu, chạy theo pháp khởi
lên xả. Như vậy, có sáu hỷ hành, có sáu ưu hành, có sáu xả hành.
Khi được nói đến "Mười tám ý hành cần phải biết", chính do duyên
này, được nói đến như vậy.
- Khi được nói
đến "Ba mươi sáu loại hữu tình cần phải biết", do duyên gì, được
nói đến như vậy ? Sáu hỷ liên hệ tại gia, sáu hỷ liên hệ xuất
ly, sáu ưu liên hệ tại gia, sáu ưu liên hệ xuất ly, sáu xả liên
hệ tại gia, sáu xả liên hệ xuất ly.
- Ở đây, thế
nào là sáu hỷ liên hệ tại gia ? Có hỷ khởi lên, hoặc do nhận
được hay thấy sự nhận được các sắc do con mắt nhận thức, khả ái,
khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến thế vật; hoặc do nhớ được
những gì đã nhận được về trước, đã qua, đã diệt, đã biến hoại.
Loại hỷ như vậy được gọi là hỷ liên hệ tại gia. Có hỷ khởi lên,
hoặc do nhận được hay thấy sự nhận được các tiếng do tai nhận
thức.. (như trên)... các hương do mũi nhận thức … (như trên) …
các vị do lưỡi nhận thức.. (như trên)... các xúc do thân nhận
thức.. (như trên)... các pháp do ý nhận thức, khả ái, khả hỷ,
khả lạc, khả ý liên hệ đến thế vật; hoặc do nhớ được những gì đã
nhận được về trước, đã qua, đã diệt, đã biến hoại. Loại hỷ như
vậy được gọi là hỷ liên hệ đến tại gia. Sáu hỷ này liên hệ đến
tại gia.
- Ở đây, thế
nào là sáu hỷ liên hệ đến xuất ly ? Sau khi biết các sắc pháp là
vô thường, biến hoại, ly tham, biến diệt và nghĩ rằng : "Các sắc
pháp xưa kia và các sắc pháp hiện tại, tất cả sắc pháp là vô
thường, khổ, biến hoại". Sau khi như thật thấy như vậy với chánh
trí tuệ, có hỷ khởi lên. Loại hỷ như vậy được gọi là hỷ liên hệ
đến xuất ly. Sau khi biết được các tiếng... (như trên)... ; các
hương... (như trên)... các vị.. (như trên)... các xúc... (như
trên)... các pháp là vô thường, biến hoại, ly dục, biến diệt và
nghĩ rằng : "Các pháp xưa kia và các pháp hiện tại, tất cả các
pháp là vô thường, khổ, biến hoại". Sau khi như thật thấy như
vậy với chánh trí tuệ, có hỷ khởi lên. Loại hỷ như vậy được gọi
là hỷ liên hệ đến xuất ly. Sáu hỷ này liên hệ đến xuất ly.
- Ở đây, thế
nào là sáu ưu liên hệ tại gia ? Có ưu khởi lên; hoặc do không
nhận được hay thấy sự không nhận được các sắc do mắt nhận thức,
khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến thế vật; hoặc do nhớ
được những gì không nhận được về trước, đã qua, đã diệt, đã biến
hoại. Loại ưu như vậy được gọi là ưu liên hệ tại gia. Có ưu khởi
lên, hoặc do không nhận được hay thấy sự không nhận được các
tiếng do tai nhận thức.. (như trên)... các hương do mũi nhận
thức.. (như trên)... các vị do lưỡi nhận thức.. (như trên)...
các xúc do thân nhận thức ... (như trên) ... các pháp do ý nhận
thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến thế vật; hoặc
do nhớ được những gì không nhận được về trước, đã qua, đã diệt,
đã biến hoại. Loại ưu như vậy được gọi là ưu liên hệ đến tại
gia. Sáu ưu này liên hệ đến tại gia.
- Ở đây, thế
nào là sáu ưu liên hệ đến xuất ly ? Sau khi biết được các sắc
pháp là vô thường, biến hoại, ly tham, biến diệt và nghĩ rằng :
"Các sắc pháp xưa kia và các sắc pháp hiện tại, tất cả sắc pháp
là vô thường, khổ, biến hoại". Sau khi như thật thấy như vậy với
chánh trí tuệ, vị ấy khởi lên ước muốn đối với vô thượng giải
thoát, nghĩ rằng : "Khi nào ta có thể chứng đạt và an trú trong
xứ (ayatana) mà các bậc Thánh đang chứng đạt và an trú ?" Như
vậy, do ước muốn đối với các vô thượng giải thoát, ưu khởi lên
do duyên ước muốn. Loại ưu như vậy được gọi là ưu liên hệ xuất
ly. Sau khi biết được các tiếng.... (như trên)... các hương..
(như trên)... các vị... (như trên)... các xúc... (như trên)...
các pháp là vô thường, biến hoại, ly dục, biến diệt và nghĩ rằng
: "Các pháp xưa kia và các pháp hiện tại, tất cả các pháp là vô
thường, khổ, biến hoại". Sau khi sự thật thấy như vậy với chánh
trí tuệ, vị ấy khởi lên ước muốn đối với các vô thượng giải
thoát, nghĩ rằng : "Khi nào ta có thể chứng đạt và an trú trong
xứ (ayatana) mà các bậc Thánh đang chứng đạt và an trú ?" Như
vậy, do ước muốn đối với các vô thượng giải thoát, ưu khởi lên
do duyên ước muốn. Loại ưu như vậy được gọi là ưu liên hệ xuất
ly. Sáu ưu này liên hệ xuất ly.
- Ở đây, thế nào là sáu xả liên hệ
tại gia ? Khi một người ngu si, ám độn, phàm phu thấy sắc với
con mắt, xả khởi lên của một vô văn phàm phu, không chinh phục
được (phiền não), không chinh phục được quả dị thục, không thấy
sự nguy hiểm. Loại xả như vậy không vượt khỏi sắc pháp. Do vậy,
đây được gọi là xả liên hệ tại gia. Khi một người ngu si, ám
độn, phàm phu nghe tiếng với tai... (như trên)... ; ngửi hương
với mũi.. (như trên)... ; nếm vị với lưỡi.. (như trên)... ; cảm
xúc với thân... (như trên)... ; nhận thức pháp với ý, xả khởi
lên của một vô văn phàm phu, không chinh phục được (phiền não),
không chinh phục được quả dị thục, không thấy sự nguy hiểm. Loại
xả như vậy không vượt khỏi các pháp. Do vậy, đây được gọi là xả
liên hệ tại gia. Sáu xả này liên hệ tại gia.
- Ở đây, thế
nào là sáu xả liên hệ xuất ly ? Sau khi biết sắc pháp là vô
thường, biến hoại, ly tham, biến diệt, nghĩ rằng : "Các sắc pháp
xưa kia và sắc pháp hiện tại, tất cả sắc pháp là vô thường, khổ,
biến hoại". Sau khi như thật thấy như vậy với chánh trí tuệ, xả
khởi lên. Loại xả như vậy được gọi là xả liên hệ xuất ly. Sau
khi biết được các tiếng.. (như trên)... ; các hương... (như
trên).. các vị... (như trên).. các xúc.. (như trên)... các pháp
là vô thường, biến hoại, ly dục, biến diệt, nghĩ rằng : "Các
pháp xưa kia và các pháp hiện tại, tất cả các pháp là vô thường,
khổ, biến, hoại". Sau khi như thật thấy như vậy với chánh trí
tuệ, xả khởi lên. Loại xả như vậy được gọi là xả liên hệ xuất
ly. Sáu xả này liên hệ xuất ly.
- Khi được nói đến "Ba mươi sáu
loại hữu tình cần phải biết", chính do duyên này, được nói đến
như vậy.
- Khi được nói
đến "Ở đây, do y cứ cái này, đoạn tận cái này", do duyên gì,
được nói đến như vậy ? Tại đây, này các Tỷ-kheo, do y cứ do
duyên sáu hỷ liên hệ xuất ly, đoạn tận, vượt qua sáu hỷ liên hệ
tại gia. Như vậy là sự đoạn tận chúng; như vậy là sự vượt qua
chúng. Tại đây, này các Tỷ-kheo, do y cứ, do duyên sáu ưu liên
hệ xuất ly; đoạn tận, vượt qua sáu ưu liên hệ tại gia. Như vậy
là sự đoạn tận chúng; như vậy là sự vượt qua chúng. Tại đây, này
các Tỷ-kheo, do y cứ, do duyên sáu xả liên hệ xuất ly, đoạn tận,
vượt qua sáu xả liên hệ tại gia. Như vậy là sự đoạn tận chúng,
là sự vượt qua chúng. Tại đây, này các Tỷ-kheo, do y cứ, do
duyên sáu hỷ liên hệ xuất ly, đoạn tận, vượt qua sáu ưu liên hệ
xuất ly. Như vậy là sự đoạn tận chúng, là sự vượt qua chúng. Tại
đây, này các Tỷ-kheo, do y cứ, do duyên xả liên hệ xuất ly, đoạn
tận, vượt qua sáu hỷ liên hệ xuất ly. Như vậy là sự đoạn tận
chúng, là sự vượt qua chúng.
- Này các
Tỷ-kheo, có xả đa diện, y cứ đa diện; có xả nhứt diện, y cứ nhứt
diện. Này các Tỷ-kheo, thế nào là xả đa diện, y cứ đa diện ? Này
các Tỷ-kheo, có xả đối với các sắc pháp, có xả đối với các
tiếng, có xả đối với các hương, có xả đối với các vị có xả đối
với các xúc. Như vậy, này các Tỷ-kheo là xả đa diện, y cứ đa
diện. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là xả nhứt diện, y cứ nhứt
diện ? Có xả y cứ Hư không vô biên xứ, có xả y cứ Thức vô biên
xứ, có xả y cứ Vô sở hữu xứ, có xả y cứ Phi tưởng phi phi tưởng
xứ. Như vậy, này các Tỷ-kheo là xả nhứt diện, y cứ nhứt diện. Ở
đây, này các Tỷ-kheo, do y cứ, do duyên xả nhứt diện, xả y cứ
nhứt diện, đoạn tận vượt qua xả đa diện, xả y cứ đa diện. Như
vậy là sự đoạn tận (xả) này, như vậy là sự vượt qua (xả) này.
Này các Tỷ-kheo, do y cứ không tham dục, do duyên không tham
dục, đoạn tận, vượt qua xả nhứt diện, xả y cứ nhứt diện ấy. Như
vậy là sự đoạn tận (xả) này, như vậy là sự vượt qua (xả) này.
Khi được nói đến "Tại đây do y cứ cái này, đoạn tận cái này",
chính do duyên này, được nói đến như vậy.
- Khi được nói
đến : "Có ba niệm xứ mà một bậc Thánh phải thực hành, và có thực
hành (niệm xứ) ấy, bậc Thánh mới xứng là bậc Đạo sư diễn giảng
đồ chúng", do duyên gì, được nói đến như vậy ? Ở đây, này các
Tỷ-kheo, bậc Đạo sư thuyết pháp cho các đệ tử, vì lòng từ mẫn,
vì lo cho hạnh phúc của họ, vì thương tưởng họ, nói rằng : "Đây
là hạnh phúc cho các Ông, đây là an lạc cho các Ông". Một số đệ
tử của bậc Đạo sư ấy không có khéo nghe, không có lóng tai,
không có an trú tâm vào chánh trí, và hành động ngược lại lời
dạy của bậc Đạo sư. Tại đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai không có
hoan hỷ, không có cảm giác hoan hỷ, nhưng sống không có dao
động, chánh niệm, tỉnh giác. Này các Tỷ-kheo, đây là niệm xứ thứ
nhất, một bậc Thánh phải thực hành, và có thực hành niệm xứ ấy,
bậc Thánh mới xứng là bậc Đạo sư diễn giảng đồ chúng.
- Lại nữa, này
các Tỷ-kheo, bậc Đạo sư thuyết pháp cho các đệ tử, vì lòng từ
mẫn, vì lo cho hạnh phúc của họ, vì thương tưởng họ, nói rằng :
"Đây là hạnh phúc cho các Ông, đây là an lạc cho các Ông". Một
số đệ tử bậc Đạo sư ấy không có khéo nghe, không có lóng tai,
không có an trú tâm vào chánh trí, và hành động ngược lại lời
dạy của bậc Đạo sư. Có một số đệ tử khéo nghe, lóng tai, an trú
tâm vào chánh trí, và không hành động ngược lại lời dạy của bậc
Đạo sư. Tại đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai không có hoan hỷ,
không có cảm giác hoan hỷ, không có không hoan hỷ, không có cảm
giác không hoan hỷ; sau khi đoạn bỏ cả hai, hoan hỷ và không
hoan hỷ, Như Lai trú xả, chánh niệm, tỉnh giác. Này các Tỷ-kheo,
đây là niệm xứ hai, một bậc Thánh phải thực hành... (như trên)..
diễn giảng đồ chúng.
- Lại nữa, này
các Tỷ-kheo, có bậc Đạo Sư thuyết pháp cho các đệ tử ... (như
trên) ... "... đây là an lạc cho các Ông". Đệ tử của bậc Đạo Sư
ấy khéo nghe, lóng tai, an trú tâm vào chánh trí và không đi
ngược lời dạy của bậc Đạo Sư. Tại đây, này các Tỷ-kheo, Như lai
hoan hỷ, và cảm giác hoan hỷ, sống không dao động, chánh niệm,
tỉnh giác. Này các Tỷ-kheo, đây là niệm xứ thứ ba, một bậc Thánh
phải thực hành ... (như trên) ... diễn giảng cho đồ chúng.
- Khi được nói
đến "Có ba niệm xứ, một bậc Thánh phải thực hành, và có (thực
hành) niệm xứ ấy, bậc Thánh mới xứng đáng là bậc Đạo sư diễn
giảng cho đồ chúng", chính do duyên này, được nói đến như vậy.
- Khi được nói
đến "Trong các vị Huấn luyện sư, vị ấy được gọi là vị Vô thượng
Điều ngự sư, điều phục hạng người đáng được điều phục", do duyên
gì được nói đến như vậy ? Này các Tỷ-kheo, một con voi được điều
phục do một vị điều ngự tượng sư dắt dẫn chỉ chạy về một
phương... phương Đông, phương Tây, phương Bắc hay phương Nam.
Này các Tỷ-kheo, một con ngựa được điều phục do một vị điều ngự
mã sư dắt dẫn chỉ chạy về một phương... hay phương Nam. Này các
Tỷ-kheo, một con bò được điều phục do một vị điều ngự sư dắt dẫn
chỉ chạy về một phương ... hay phương Nam. Này các Tỷ-kheo, một
người được điều phục do Như Lai, bậc A-La-Hán, Chánh Đẳng Giác
dắt dẫn, được chạy cùng khắp cả tám phương. Có sắc, thấy các sắc
pháp; đó là phương thứ nhất. Không có tưởng nội sắc, thấy các
ngoại sắc; đó là phương thứ hai. Nghĩ đến thanh tịnh, chú tâm
trên ấy; đó là phương thứ ba. Vượt qua một cách hoàn toàn các
sắc tưởng, diệt trừ đối ngại tưởng, không tác ý sai biệt tưởng;
và nghĩ rằng "Hư không là vô biên", chứng đạt và an trú Không vô
biên xứ; đó là phương thứ tư. Vượt qua một cách hoàn toàn Không
vô biên xứ, nghĩ rằng : "Thức là vô biên", chứng đạt và an trú
Thức vô biên xứ; đó là phương thứ năm. Vượt qua một cách hoàn
toàn Thức vô biên xứ, nghĩ rằng : "Không có gì cả", chứng đạt và
an trú Vô sở hữu xứ; đó là phương thứ sáu. Vượt qua một cách
hoàn toàn Không vô sở hữu xứ; chứng đạt và an trú Phi tưởng phi
phi tưởng xứ; đó là phương thứ bảy. Vượt qua một cách hoàn toàn
Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng
(định); đó là phương thứ tám. Này các Tỷ-kheo, một người đáng
được điều phục do Như Lai, bậc A-La-Hán, Chánh Đẳng Giác dắt
dẫn, được chạy cùng khắp tám phương này. Khi được nói đến "Trong
các vị Huấn luyện sư, vị ấy được gọi là Vô thượng Điều ngự sư,
điều phục hạng người đáng điều phục", chính do duyên này, được
nói đến như vậy.
- Thế Tôn
thuyết giảng như vậy. Các vị Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế
Tôn dạy.
- --o0o--
|
|