|
Kinh Trung Bộ
H. T. Thích Minh Châu dịch
--o0o--
- KINH VÔ TRÁNH
PHÂN BIỆT
-
(Anaravibhangasuttam)
-
- Như vầy tôi
nghe.
- Một thời Thế
Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tại tịnh xá
ông Anathapindika (Cấp Cô Độc). Tại đấy Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo
: "Này các Tỷ-kheo". – "Bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp
Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau :
- – Này các
Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông Vô tránh phân biệt. Hãy nghe và
suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.
- – Thưa vâng,
bạch Thế Tôn.
- Các Tỷ-kheo
ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau :
- – Chớ có hành
trì dục lạc, hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh,
không liên hệ mục đích. Và cũng không nên hành trì tự kỷ khổ
hạnh, đau khổ, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích. Từ
bỏ hai cực đoan ấy, có con đường Trung đạo đã được Như Lai giác
ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí,
giác ngộ, Niết-bàn. Nên biết tán thán và nên biết chỉ trích. Sau
khi biết tán thán và sau khi biết chỉ trích, không tán thán,
không chỉ trích, chỉ nên thuyết pháp. Nên biết phán xét về lạc.
Sau khi biết phán xét về lạc, nên chú tâm vào nội lạc. Không nên
nói lên lời bí mật. Mặt đối mặt (với ai), không nên nói lời mất
lòng. Nên nói thật từ từ, không có vội vàng. Chớ có chấp trước
địa phương ngữ, chớ có đi quá xa ngôn ngữ thường dùng. Như vậy
là tổng thuyết về vô tránh phân biệt.
- Khi được nói
đến "Chớ có hành trì dục lạc, hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không
xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, và cũng không nên hành
trì tự kỷ khổ hạnh, đau khổ, không xứng bậc Thánh, không liên hệ
mục đích", do duyên gì được nói đến như vậy ? Phàm lạc gì liên
hệ với dục nhưng đam mê loại hỷ hạ liệt, đê tiện, phàm phu,
không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, pháp như vậy là có
đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo.
Phàm lạc gì liên kết với dục, nhưng không đam mê loại hỷ hạ
liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục
đích, pháp như vậy không có đau khổ, không có phiền lao, không
có ưu não, không có nhiệt não, thuộc chánh đạo. Phàm hành trì tự
kỷ khổ hạnh nào, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ
mục đích, pháp như vậy có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có
nhiệt não, thuộc tà đạo. Phàm không hành trì khổ hạnh nào, đau
khổ không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, pháp như vậy
không có đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có
nhiệt não, thuộc chánh đạo". Khi được nói đến "Chớ có hành trì
dục lạc, hạ liệt, đê tiện, không xứng bậc Thánh, không liên hệ
mục đích, và cũng không nên hành trì tự kỷ khổ hạnh, đau khổ,
không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích", chính do duyên
này, được nói đến như vậy.
- Khi được nói
đến "Từ bỏ hai cực đoan ấy, có con đường Trung đạo đã được Như
Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh,
thượng trí, giác ngộ, Niết-bàn", do duyên gì được nói đến như
vậy ? Đây là con đường Thánh tám ngành, tức là chánh tri kiến,
chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh
tấn, chánh niệm, chánh định. Khi được nói đến "Từ bỏ hai cực
đoan ấy, có con đường Trung đạo đã được Như Lai giác ngộ.. giác
ngộ, Niết-bàn", chính do duyên này, được nói đến như vậy.
- Khi được nói
đến "Nên biết tán thán và nên biết chỉ trích; sau khi biết tán
thán và sau khi biết chỉ trích, không tán thán, không chỉ trích,
chỉ nên thuyết pháp", do duyên gì được nói đến như vậy ? Này các
Tỷ-kheo, thế nào là tán thán, thế nào là chỉ trích, nhưng không
thuyết pháp ? Vị ấy chỉ trích một số người và nói như sau :
"Những ai tìm thấy lạc liên hệ với dục nhưng đam mê loại hỷ hạ
liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục
đích, tất cả những người ấy có đau khổ, có phiền lao, có ưu não,
có nhiệt não, thuộc tà đạo". Vị ấy tán thán một số người và nói
như sau : "Những ai tìm thấy lạc liên hệ với dục, nhưng không
đam mê loại hỷ hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh,
không liên hệ mục đích, tất cả những vị ấy không có đau khổ,
không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc
chánh đạo". Ở đây, vị ấy chỉ trích một số người và nói như sau :
"Những ai đam mê hành trì tự kỷ khổ hạnh, đau khổ, không xứng
bậc Thánh, không liên hệ mục đích, tất cả những vị ấy đều có đau
khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc về tà đạo". Ở
đây, vị ấy tán thán một số người và nói như sau : "Những ai
không đam mê hành trì tự kỷ khổ hạnh; đau khổ, không xứng bậc
Thánh, không liên hệ mục đích, tất cả những vị ấy đều không có
đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt
não, thuộc chánh đạo". Ở đây, vị ấy chỉ trích một số người và
nói như sau : "Những ai chưa đoạn tận hữu kiết sử, tất cả những
vị ấy đều có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não,
thuộc tà đạo". Ở đây, vị ấy tán thán một số người và nói như sau
: "Những ai đã đoạn tận hữu kiết sử, tất cả những vị ấy không có
đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt
não, thuộc chánh đạo". Như vậy, này các Tỷ-kheo là có tán thán
và có chỉ trích nhưng không thuyết pháp. Và này các Tỷ-kheo, thế
nào là không có tán thán và không có chỉ trích, nhưng có thuyết
pháp ? Vị ấy không nói như sau : "Những ai tìm thấy lạc liên hệ
với dục, nhưng đam mê loại hỷ hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không
xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, tất cả những vị ấy có
đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo".
Vị ấy chỉ thuyết pháp và nói như sau : "Sự đam mê là một pháp có
đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo".
Vị ấy không nói : "Những ai tìm thấy lạc liên hệ với dục, nhưng
không đam mê loại hỷ hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc
Thánh, tất cả những vị ấy không có đau khổ, không có phiền lao,
không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc chánh đạo. "Vị ấy chỉ
thuyết pháp và nói như sau : "Không đam mê là một pháp không đau
khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não,
thuộc chánh đạo". Vị ấy không nói : "Những ai đam mê hành trì tự
kỷ khổ hạnh, đau khổ, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục
đích, tất cả những vị ấy có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có
nhiệt não, thuộc tà đạo. "Vị ấy chỉ thuyết pháp và nói như sau :
"Sự đam mê là một pháp có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có
nhiệt não, thuộc tà đạo. "Vị ấy không nói : "Những ai không đam
mê hành trì tự kỷ khổ hạnh, đau khổ, không xứng bậc Thánh, không
liên hệ đến mục đích, tất cả những vị ấy đều không có đau khổ,
không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc
chánh đạo". Vị ấy chỉ thuyết pháp và nói như sau : "Sự không đam
mê là không đau khổ, pháp này không có phiền lao, không có ưu
não, không có nhiệt não, thuộc về chánh đạo". Vị ấy không có nói
: "Những ai chưa đoạn tận hữu kiết sử, tất cả những vị ấy đều có
đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não". Vị ấy chỉ
thuyết pháp và nói như sau : "Khi hữu kiết sử chưa đoạn tận, hữu
chưa đoạn tận". Vị ấy không nói như sau: "Những ai đã đoạn tận
hữu kiết sử, tất cả những vị ấy không có đau khổ, không có phiền
lao, không có ưu não, không có nhiệt não. "Vị ấy chỉ thuyết pháp
và nói như sau : "Và khi hữu kiết sử được đoạn tận, hữu được
đoạn tận". Như vậy, này các Tỷ-kheo là không tán thán, không chỉ
trích, nhưng chỉ thuyết pháp.
- Khi được nói
đến "Nên biết tán thán và nên biết chỉ trích; sau khi biết tán
thán và sau khi biết chỉ trích, chớ có tán thán, chớ có chỉ
trích, chỉ nên thuyết pháp", chính do duyên này được nói đến như
vậy.
- Khi được nói
đến "Nên biết phán xét về lạc; sau khi biết pháp xét về lạc, nên
chú tâm vào nội lạc", do duyên gì được nói đến như vậy ? Này các
Tỷ-kheo, có năm dục trưởng dưỡng này. Thế nào là năm ? Các sắc
pháp do mắt nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, liên hệ
đến dục, hấp dẫn; các tiếng do tai nhận thức, ... ; các hương do
mũi nhận thức, .... ; các vị do lưỡi nhận thức.... ; các xúc do
thân cảm giác, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, liên hệ đến dục,
hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, như vậy là năm dục trưởng dưỡng. Này
các Tỷ-kheo, do duyên năm dục trưởng dưỡng này khởi lên lạc và
hỷ, như vậy gọi là dục lạc, uế lạc, phàm phu lạc, phi Thánh lạc.
Ta nói loại lạc này không nên thực hành, không nên tu tập, không
nên làm cho sung mãn, nên sợ hãi. Ở đây, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp chứng đạt và an trú Thiền thứ
nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Đình
chỉ tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái
hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhứt tâm...
Thiền thứ ba... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Như vậy gọi là
xuất ly lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, giác ngộ lạc. Ta nói loại
lạc này nên thực hành, nên tu tập, nên làm cho sung mãn, không
nên sợ hãi. Khi được nói đến "Nên biết phán xét về lạc; sau khi
phán xét về lạc, hãy chú tâm vào nội lạc", do chính duyên này
được nói đến như vậy.
- – Khi được
nói đến "Không nên nói lên lời bí mật. Mặt đối mặt (với ai),
không nên nói lời mất lòng", do duyên gì được nói đến như vậy ?
Tại đây, này các Tỷ-kheo, biết được một lời bí mật là không
thực, hư vọng, không liên hệ mục đích, nếu có thể được, chớ nói
lên lời bí mật ấy. Và nếu biết được một lời bí mật là thực,
không hư vọng, nhưng không liên hệ mục đích, hãy tự tập đừng nói
lời ấy. Và nếu biết được một lời bí mật là thực, không hư vọng,
có liên hệ mục đích; ở đây nên biết thời nói lên lời bí mật ấy.
Nếu biết một lời mất lòng, mặt đối mặt (với ai) là không thực,
hư vọng, không liên hệ mục đích, nếu có thể được, mặt đối mặt;
chớ có nói lên lời nói mất lòng ấy. Nếu biết một lời mất lòng,
mặt đối mặt (với ai) là thực, không hư vọng, nhưng không liên hệ
mục đích, hãy tập chớ nói lên lời ấy. Và nếu biết một lời mất
lòng, mặt đối mặt (với ai) là thực, không hư vọng, có liên hệ
mục đích; ở đây nên biết thời nói lên lời mất lòng ấy. Khi được
nói đến "Không nên nói lên lời bí mật, mặt đối mặt (với ai),
không nên nói lên lời mất lòng", do chính duyên này được nói đến
như vậy.
- Khi được nói
đến "Nên nói thật từ từ, chớ có vội vàng", do duyên gì được nói
đến như vậy ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu nói vội vàng, thời
thân mệt mõi, tâm bị tổn hại, tiếng bị tổn hại và cổ họng bị
đau. Lời nói một người vội vàng không được rõ ràng và không được
nhận hiểu. Tại đây, này các Tỷ-kheo, nói lời từ từ, thân không
mệt mỏi, tâm không tổn hại, tiếng không tổn hại và cổ họng không
bị đau. Lời nói một người nói từ từ được rõ ràng và được nhận
hiểu. Khi được nói đến "Nên nói thật từ từ, chớ có nói vội vàng
", chính do duyên này được nói đến như vậy.
- Khi được nói
đến "Chớ có chấp trước địa phương ngữ, chớ có đi quá xa ngôn ngữ
thường dùng, "do duyên gì, được nói đến như vậy ? Và này các
Tỷ-kheo, thế nào là chấp trước địa phương ngữ và đi quá xa ngôn
ngữ thường dùng ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, trong nhiều quốc độ,
người ta biết (những chữ) Pati... Patta... Vittha.. Sarava..
Dharopa.. Pona... Pisila. Như vậy, như họ biết trong các quốc độ
ấy những chữ là như vậy, như vậy, có người lại làm như vậy, kiên
trì chấp thủ, chấp trước và nói : "Chỉ như vây là sư thật, ngoài
ra là hư vọng". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là chấp trước địa
phương ngữ, là đi quá xa ngôn ngữ thường dùng. Và này các
Tỷ-kheo, thế nào là không chấp trước địa phương ngữ, không đi
quá xa ngôn ngữ thường dùng ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, trong
nhiều quốc độ, người ta biết những chữ Pati.. Patta... Vittha..
Sarava... Dharopa... Pona.. Pisila.. Như vậy, như họ biết trong
các quốc độ ấy, những chữ là như vậy, như vậy, một người không
chấp thủ mà giải thích : "Các vị ấy y cứ như thế này, giải thích
như vậy. "Như vậy, này các Tỷ-kheo là không chấp trước địa
phương ngữ, không đi quá xa ngôn ngữ thường dùng. Khi được nói
đến "Chớ có chấp trước địa phương ngữ, chớ có đi quá xa ngôn ngữ
thường dùng", do chính duyên này được nói đến như vậy.
- Ở đây, này
các Tỷ-kheo, phàm lạc gì liên hệ với dục nhưng có đam mê loại
hỷ, hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên
hệ mục đích, pháp như vậy có đau khổ, có phiền lao, có ưu não,
có nhiệt não, thuộc tà đạo. Do vậy, pháp này là pháp hữu tránh.
Tại đây, này các Tỷ-kheo, phàm lạc gì, liên kết với dục, nhưng
không có đam mê loại hỷ, hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng
bậc Thánh, không liên hệ mục đích, pháp như vậy không có đau
khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não,
thuộc chánh đạo. Do vậy, pháp này là pháp vô tránh. Tại đây, này
các Tỷ-kheo, phàm hành trì tự kỷ khổ hạnh, đau khổ, không xứng
bậc Thánh, không liên hệ mục đích, pháp như vậy có đau khổ, có
phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo. Do vậy, pháp
này là pháp hữu tránh. Tại đây, này các Tỷ-kheo, phàm không có
hành trì tự kỷ khổ hạnh, không đau khổ, không xứng bậc Thánh,
không liên hệ mục đích, pháp như vậy không có đau khổ, không có
phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc chánh đạo.
Do vậy, pháp này là pháp vô tránh. Tại đây, này các Tỷ-kheo, đây
là Trung đạo đã được Thế Tôn giác ngộ, tác thành mắt, tác thành
trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết - bàn. Pháp này
không có đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có
nhiệt não, thuộc chánh đạo. Do vậy, pháp này là pháp vô tránh.
Tại đây, này các Tỷ-kheo, pháp tán thán và chỉ trích nhưng không
thuyết pháp này, pháp này có đau khổ, có phiền lao, có ưu não,
có phiền não, thuộc tà đạo. Do vậy, pháp này là pháp hữu tránh.
Tại đây, này các Tỷ-kheo, pháp không tán thán, cũng không chỉ
trích, chỉ có thuyết pháp, pháp này không có đau khổ, không có
phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc chánh đạo.
Do vậy, pháp này là pháp vô tránh. Tại đây, này các Tỷ-kheo,
pháp dục lạc này là uế lạc, phàm phu lạc, phi Thánh lạc, pháp
này là pháp có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não.
Do vậy, pháp này là pháp hữu tránh. Tại đây, này các Tỷ-kheo,
pháp xuất ly lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, pháp này là pháp
không đau khổ, không phiền lao, không ưu não, không nhiệt não,
thuộc chánh đạo. Do vậy, pháp này là pháp vô tránh. Tại đây, này
các Tỷ-kheo, phàm lời nói bí mật nào không thật, hư vọng, không
liên hệ mục đích, pháp này là pháp có đau khổ, có phiền lao, có
ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo. Do vậy, pháp này là pháp hữu
tránh. Tại đây, này các Tỷ-kheo, phàm lời nói bí mật nào là chân
thật, không hư vọng, không liên hệ mục đích, pháp này là pháp có
đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo. Do
vậy, pháp này là pháp hữu tránh. Tại đây, này các Tỷ-kheo, phàm
lời nói bí mật nào là chân thật, không hư vọng, có liên hệ mục
đích, pháp này là pháp không đau khổ, không có phiền lao, không
có ưu não, không có nhiệt não, thuộc chánh đạo. Do vậy, pháp này
là pháp vô tránh. Tại đây, này các Tỷ-kheo, phàm lời nói mất
lòng nào, mặt đối mặt (với ai), không chân thật, hư vọng, không
liên hệ mục đích, pháp này là pháp có đau khổ, có phiền lao, có
ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo. Do vậy, pháp này là pháp hữu
tránh. Tại đây, này các Tỷ-kheo, phàm lời nói mất lòng nào, mặt
đối mặt (với ai) là chân thật, không hư vọng, không liên hệ mục
đích, pháp này là pháp có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có
nhiệt não, thuộc tà đạo. Do vậy, pháp này là pháp hữu tránh. Tại
đây, này các Tỷ-kheo, phàm lời nói mất lòng nào, mặt đối mặt
(với ai) là chân thật, không hư vọng, liên hệ mục đích, pháp này
là pháp không đau khổ.. thuộc chánh đạo. Do vậy, pháp này là
pháp vô tránh. Tại đây, này các Tỷ-kheo, phàm lời nói nào được
nói lên một cách vội vàng, pháp này có đau khổ... tà đạo... pháp
hữu tránh. Tại đây này các Tỷ-kheo, phàm lời nói nào được nói
lên một cách từ từ, pháp này không có đau khổ.. chánh đạo.. pháp
vô tránh. Tại đây, này các Tỷ-kheo, chấp trước địa phương ngữ và
đi quá xa ngôn ngữ thường dùng, pháp này là pháp có đau khổ..
thuộc về tà đạo... pháp hữu tránh. Tại đây, này các Tỷ-kheo,
không chấp trước địa phương ngữ và không đi quá xa ngôn ngữ
thường dùng, pháp này là pháp không có đau khổ... thuộc về chánh
đạo... pháp vô tránh.
- Do vậy, này
các Tỷ-kheo, các Ông phải tự tu học như sau : "Chúng ta sẽ biết
hữu tránh pháp và chúng ta sẽ biết vô tránh pháp. Sau khi biết
hữu tránh pháp và sau khi biết vô tránh pháp, chúng ta sẽ hành
trì vô tránh đạo". Và này các Tỷ-kheo, Thiện gia nam tử Subhuti
(Tu-bồ-đề) đã hành trì vô tránh pháp.
- Thế Tôn
thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn
dạy.
- --o0o--
|
|