- Thư Viện Chùa Dược Sư
- CÁC BÀI VIẾT VỀ VU LAN

- ĐỜI CHA
ĂN MẶN
- ĐỜI CON KHÁT
NƯỚC
- --- o0o ---
-
-
Nếu toàn thể nhân loại kể từ đời thượng cổ cho
đến ngày nay đều có cùng một thói quen sống "ai sao tôi vậy"
hoặc "xưa sao nay vậy" thì giờ này chúng ta vẫn còn phải vác
rìu bằng đá để đi săn thú đem về ăn sống nuốt tươi, chứ không
thể có được nền văn minh điện toán như ngày nay.
- Nền
văn minh mà chúng ta đang thừa hưởng này không phải bỗng nhiên
từ trên trời rơi xuống, hoặc là từ những bộ óc ù lì, nghị gật
"ai sao tôi vậy" mà xây dựng nên. Đó là nhờ công lao của
những khối óc quả cảm, đầy sáng kiến, dám thí nghiệm những
sáng kiến của mình, dám tranh đấu để những sáng kiến thành
hiện thực dù cho đôi khi phải hy sinh tính mạng.
- Sự
tiến hóa cả về vật chất lẫn tinh thần có được là nhờ ở những
con người biết suy nghĩ độc lập, can đảm nhận lãnh trách
nhiệm, dám có ý kiến khác đương thời, "ai sao tôi không vậy"
mới vùng lên lật đổ được ngoại xâm, không chịu cam tâm làm nô
lệ.
- Cho
nên, là phần tử của đạo Giác Ngộ, chúng ta nên xét lại một số
thói quen xấu, như thói quen ỷ lại vào người khác "ai sao tôi
vậy".
- Những "ai sao
tôi vậy" nào mà hợp lý, có lợi cho mọi người thì theo. Cái
nào có hại thì nên bỏ và nói người khác bỏ. Không nên mang
nỗi sợ truyền kiếp với tiền nhân mà cứ cắm đầu tuân theo những
thói quen lạc hậu như sợ "ra ngõ gặp gái thì xui xẻo", "có con
mèo lạc vào nhà thì sẽ nghèo", "vợ chồng khắc tuổi thì sẽ sớm
bỏ nhau", vân vân và vân vân.
-
Trong tinh thần đó, chúng ta nên xét lại một số
châm ngôn tục ngữ qua lăng kính của đạo Phật, thí dụ như câu
"đời cha ăn mặn đời con khát nước".
-
Quan niệm về cái gọi là "đời cha ăn mặn đời con khát nước" cho
rằng có một cái gì vô hình lưu truyền cái nhân xấu do đời cha
tạo ra và chuyển giao cái quả xấu do nhân xấu mang lại cho con
cái trong dòng họ huyết thống tổ tiên.
- Có
người cho rằng, đó là do ảnh hưởng huyết thống, mà khoa học
ngày nay đã khám phá ra các "gene" di truyền và cũng có người
cho rằng quan niệm này bắt nguồn từ thuyết nhân quả luân hồi
của đạo Phật, điều này mới nghe ra thì tưởng như đúng vì cũng
gieo nhân và cũng hái quả, nhưng hoàn toàn không đúng.
-
Thời đức Phật còn tại thế, có người hỏi Ngài:
-
"Bạch Đức Thế Tôn, vì lý do nào mà trong đời
người có người chết yểu và có người sống lâu; có người bệnh
hoạn và có người khỏe mạnh; có người xấu và có người đẹp; có
người làm gì cũng không có ai làm theo, noi?gì cũng không ai
nghe theo; có người nghèo khổ và người giầu sang, có người
sanh trong gia đình bần tiện và có người sanh trong gia đình
cao sang, có người ngu dốt và có người trí tuệ thông minh"?
-
Đức Phật trả lời như sau:
-
"Tất cả chúng sinh đều mang theo cái Nghiệp
(Karma) của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như
người chí thân, như chỗ nương tựa. Chính vì cái Nghiệp riêng
của mỗi người mỗi khác nên mới có cảnh dị đồng giữa chúng
sanh".
-
Nghiệp (kamma, hay tiếng Sanscrit là karma) là
qui luật nhân quả trên bình diện đạo đức. Nói một cách chính
xác hơn, Nghiệp là tác ý hay ý muốn. Vì có ý muốn nên mới
phát sinh hành động qua thân, khẩu, và ý. Tác ý có thể là
thiện hay không thiện, tức lành hay dữ, cũng có thể không lành
không dữ. Vì thế hành động là gieo nhân, mà nhân lành sẽ ra
quả lành và nhân ác sẽ ra quả ác. Tiến trình hành động và
phản hành động, tức tiến trình gieo nhân và gặt quả nối tiếp
vô cùng tận. Nhân tạo quả, quả trở thành nhân mới.
-
Tiến trình của nhân và quả này là qui luật
thiên nhiên, luôn luôn biến dịch, không có ai tạo ra nó và hủy
diệt nó. Một năng lực ngoại tại hay một đấng thần linh nào đó
có quyền ban phước cho những ai ăn hiền ở lành hay trừng phạt
những ai làm điều ác, hay có quyền chuyển giao phước báu hoặc
hình phạt từ người này qua người khác, hoàn toàn không có chỗ
đứng trong Phật giáo. Người cha, dù có thương con cách mấy
cũng không thể nào thay thế cho con ở tù khi đứa con phạm
trọng tội giết người.
-
Trong lịch sử Phật Giáo có rất nhiều điển tích
nói lên cái nhân quả do mình làm mình chịu, không ai có thể
gánh thay cho mình được, như sự tích bà Mục Liên Thanh Đề,
thân mẫu ngài Mục Kiền Liên. Bà Thanh Đề khi còn sống đã làm
nhiều điều độc ác, tham lam và ích kỷ, không bao giờ làm
phước, bố thí hay giúp đỡ người nghèo khổ, nên khi mệnh chung
bà phải đọa vào địa ngục A-Tỳ, làm thân ngạ quỷ, đói khát cực
khổ.
-
Ngài Mục Kiền Liên, một vị đại đệ tử thần thông
bậc nhất của Phật, sau khi chứng được đạo quả, liền dùng huệ
nhãn quan sát sáu nẻo luân hồi, thấy cha đang ở cõi trời hưởng
phước báu an vui, còn mẹ là bà Thanh Đề đang sống trong cảnh
giới địa ngục thân hình tiều tụy, đói khát khổ sở.
-
Quá thương xót mẹ, ngài dùng thần thông đem bát
cơm dâng mẹ. Bà Thanh Đề, vì đói lâu ngày nên khi thấy bát
cơm, thì lòng tham nổi lên sợ các quỷ đói khác dành ăn nên bà
lấy tay trái che bát cơm, tay mặt bốc ăn, cơm liền biến thành
than hồng. Ngài xót xa rơi lệ, biết mẹ mình nghiệp chướng quá
nặng, sức mình không cứu nổi, bèn đi cầu cứu với Phật.
Vâng theo lời Phật dậy, ngài nhờ sức tâm của chư
vị A La Hán, là những bậc tu hành đạt đạo, đã thanh lọc tất cả
mọi tư tưởng ô nhiễm tham sân si, tháo gỡ xong mọi sự vướng
mắc của tâm ý thức, chấm dứt được dòng luân hồi nghiệp báo,
tâm thanh tịnh mênh mông như hư không, nên mới chuyển hóa được
tâm bủn xỉn của bà Thanh Đề. Chỉ cần một niệm tâm chuyển hóa,
ngục tù tâm tạo của bà đã tự tan rã. Cho nên Lục Tổ nói: "Tự
tánh khởi một niệm ác, liền diệt vạn kiếp thiện nhân, tự tánh
khởi một niệm thiện, liền dứt hằng sa ác nghiệp" (Pháp Bảo Đàn
Kinh).
Bao nhiêu đó chứng tỏ rằng người con đắc đạo, thần
thông bậc nhất là do tu chứng của chính cá nhân mình không do
nơi cha mẹ và bà mẹ cũng vậy, phải gánh chịu cái quả do việc
làm của chính mình, ngay cả con bà đến cứu bà cũng không được.
Thật là rõ ràng quan niệm phúc ấm truyền đời hay cái gọi là
"đời cha ăn mặn đời con khát nước" không có mặt trong đạo
Phật.
Theo luật nhân quả, thì quả vui hay quả khổ của
người đang thụ?hưởng đều do những nhân tốt hay xấu do chính
người ấy, chứ không phải do người khác đã gieo trồng, trong
kiếp hiện tại hay trong những kiếp quá khứ. Với cái nhận thức
và tầm nhìn giới hạn của chúng ta nên chúng ta chỉ thấy trước
mặt cái quả đang trổ mà không thấy được tất cả các nguyên nhân
vi tế đã sanh quả ấy, vì các nhân ấy không phải chỉ là những
nhân đã gieo trồng trong kiếp này mà có thể là đã được gieo
trải từ nhiều kiếp trong quá khứ. Nhà Phật gọi là nhân quả
ba đời, (có nghĩa là bao gồm nhiều kiếp trong quá khứ, kiếp
hiện tại và nhiều kiếp trong tương lai).
Sở dĩ chúng ta phải đem ánh sáng của đạo Giác Ngộ
rọi vào những câu châm ngôn tục ngữ như câu "Đời cha ăn mặn
đời con khát nước" vì câu này sai luật nhân quả. "Người này
ăn mặn mà người khác lại khát nước" !!! Chuyện đời nay rõ
ràng, ai cố gắng học hành thì được ghi tên nơi bằng cấp, không
có việc chuyển nhượng.
- Quan niệm "Đời
cha ăn mặn đời con khát nước" cũng có thể là một lời hăm dọa
phát nguồn từ thế lực cầm quyền trong xã hội cũ tại Việt Nam.
Chế độ phong kiến thời xưa, vì quyền lợi, thường có thói quen
tàn ác kéo cả gia đình phạm nhân vào một sự trừng phạt, thí dụ
như án "chu di tam tộc", giết cả ba họ kẻ có tội với triều
đình, với mục đích khủng bố tinh thần dân chúng, để họ vì nghĩ
đến thân nhân, thương xót không muốn thân nhân mắc họa, mà
không giám chống đối lại triều đình.
-
Ở đây thì vì nghĩ đến con mà không giám làm
điều gì mang họa cho con. Dọa dẫm mà có kết quả thì cũng có
thể bỏ qua được. Nhưng không có nghĩa là lời dọa đó đúng với
chánh pháp. Cũng như giết ba họ của phạm nhân để người khác
không giám phạm pháp thì chỉ là một sự trả thù tàn nhẫn và vô
lý mà thôi.
- Cái lợi của sự
dọa dẫm này quá nhỏ so với các tác hại như sau:
-
(1) Quan niệm "đời cha ăn mặn đời con khát nước"
chỉ gây cho con cái, cái tinh thần ỷ lại vào phúc ấm tổ tiên.
-
(2) Đời sống đen tối thì oán trách, đổ thừa cho cha
mẹ mà không tự nhận rằng vì cái nhân xấu mình đã gây ra trong
quá khứ.
-
(3) Con cái khá giả thì cha mẹ giành công, khoe
khoang rằng phúc đức do mình tạo. Nếu trong đám lại có những
đứa nghèo khổ thì chúng lại oán hận cha mẹ bất công, chia phúc
cho con này không cho con khác. Cha mẹ nhận công như vậy đã
gián tiếp không khuyến khích chính con cái làm điều thiện để
tạo nhân tốt cho nghiệp quả của bản thân họ.
-
(4) Không giải thích được những trường hợp một gia
đình có nhiều anh chị em, trong đó có người giầu sang, kẻ
nghèo khó nghiện ngập. Như vậy thì phước đức của tổ tiên cha
mẹ đã được chia cho con cái theo công thức nào?
-
(5) Không giải thích được trường hợp cha mẹ hiền
đức như vua Ba Tư Nặc và Mạt Lợi phu nhân mà lại sinh ra người
con độc ác là vua Lưu Ly, đang tay giết cả dòng họ Thích.
-
Là Phật tử của đạo Giác Ngộ, chúng ta không tin
về cái gọi là "phúc ấm truyền thừa" hay "đời cha ăn mặn đời
con khát nước". Bà Mục Liên Thanh Đề ăn mặn nhưng con của bà
đâu có khát nước. Chúng ta phải tin và hiểu định luật nhân
quả, phải tin tưởng nơi chính mình, chính mình tạo nhân cũng
chính mình gặt quả, phải tin vào khả năng và sự cố gắng của
chính mình trong việc hóa giải những nhân xấu bằng những nhân
tốt để cải thiện đời mình và không ngừng làm việc tốt để tạo
an lạc cho chúng sinh, làm tốt cho cộng đồng.
-
|