|
- Thư Viện Chùa Dược Sư
- CÁC BÀI VIẾT VỀ VU LAN
-

-
Đạo Hiếu Của Phật Giáo
-
Qua Kinh Thiện Sanh
-
--- o0o ---
-
Nội dung
-
Vài lời dẫn nhập
-
Đạo làm cha mẹ
-
Đạo làm con
-
Thay lời kết
-
I. Vài lời dẫn nhập
-
Thông thường khi đề cập đến đạo hiếu trong đạo Phật người ta chỉ
nói đến việc hiếu thảo của người con, mà không đề cập nhiều đến
vai trò đạo đức và giáo dục của các bậc cha mẹ. Đó là một sự
thiếu sót rất lớn. Thật ra theo tinh thần của lời Phật dạy trong
kinh tạng Pali và Đại thừa, đạo hiếu của người Phật tử được thể
hiện đầy đủ về hai mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, và giữa
con cái với cha mẹ. Trong bài viết này, người viết sẽ đề cập sơ
lược về 2 mối quan hệ đạo hiếu đó, được mệnh danh là đạo làm cha
mẹ và đạo làm con.
-
Trong các mối quan hệ con người, có thể nói mối quan hệ cha mẹ
và con cái là thiêng liêng nhất. Sự thiêng liêng không chỉ đơn
thuần nằm ở mối quan hệ di truyền và huyết thống, mà đó còn là
tất cả tình người, tính giáo dục, đạo đức của hai thế hệ trước
và sau, thế hệ sanh và thế hệ được sanh ra. Một người con phá vở
mối quan hệ thiêng liêng này đối với cha mẹ, nghĩa là bất hiếu,
báo đời, hại cha mẹ, làm mất thanh danh và truyền thống tốt đẹp
của gia tộc, làm các việc phạm pháp v.v… thì người con đó không
còn là một người con đúng nghĩa, mà chỉ là một người tội lỗi và
đáng trách. Trái lại, cha mẹ không làm tròn bổn phận của mình,
chẳng hạn như giáo dục con cái trưởng thành về thể chất, thể
trí, tự lập trong đời sống chân chánh (chánh mạng) thì hàng cha
mẹ đó cũng không xứng đáng là các bậc cha mẹ. Cả hai hạng cha mẹ
và con cái như vậy đều được xem là không tương thích trong tinh
thần giáo pháp của đức Phật.
-
Lập cước trên tinh thần xây dựng và phát huy một xã hội an bình
và hạnh phúc trong chiều hướng thượng, các lời dạy của đức Phật
trong ba kho tàng kinh điển Nam tông và Bắc tông, đã trực tiếp
và gián tiếp ca ngợi về mối quan hệ thiêng liêng giữa cha mẹ và
con cái này. Trong bài viết ngắn này, chúng tôi xin giới hạn
tinh thần đạo Hiếu của Phật giáo qua kinh Thiện Sanh (hay Giáo
Thọ Thi-ca-la-việt, Singalovada Suttanta) thuộc Trường Bộ Kinh
của kinh tạng Pali. Đây là một bài kinh được xem là tiêu biểu
cho đạo hiếu trong truyền thống Phật giáo Nam tông.
-
Điều cần nói ở đây là trong lời Phật dạy về đạo hiếu, các giá
trị giáo dục và đạo đức được thể hiện theo mối quan hệ song
phương, đa chiều. Đạo hiếu do đó không chỉ dành cho các những
người con đối với cha mẹ mà quan trọng không kém đó là quan hệ
của cha mẹ đối với con cái. Nói khác hơn đó là mối quan hệ của
đạo làm cha mẹ và đạo làm con cái.
-
II. Đạo làm cha mẹ hay hối quan hệ của cha mẹ đối với con cái
[^]
-
Nói đến mối quan hệ cha mẹ đối với con cái là nói đến tinh thần
trách nhiệm và bổn phận của các bậc cha mẹ đối với một phần máu
thịt mà mình đã sinh ra. Theo lời Phật dạy, cha mẹ sinh con cái
không phải để thỏa mãn dục tính mà là thể hiện tình thương yêu
đối với một phần máu mủ và sự sống của chính mình. Ở đây, chúng
ta thấy đạo Phật đã nhấn mạnh đến đạo đức trong mối quan hệ giới
tính của các bậc cha mẹ. Chính do tính chất đạo đức này mà các
bậc cha mẹ cảm thấy cần phải có trách nhiệm đạo đức về việc nuôi
nấng cho con cái trưởng thành và có lợi ích cho xã hội. Mối quan
hệ của cha mẹ như vậy được xem là nền tảng ban đầu, là cơ sở
phát sanh các mối quan hệ đạo đức xã hội về sau.
-
Kinh Thiện Sanh đã đề cập đến mối quan hệ đạo đức như vậy của
các bậc cha mẹ đối với con cái qua năm tiêu chí căn bản sau đây:
-
Các bậc cha mẹ phải có lòng thương tưởng đến con cái theo năm
cách: (1) ngăn chặn con cái làm việc ác (2) khuyên dạy con cái
làm việc thiện, (3) tạo dựng nghề nghiệp cho con cái, (4) tạo
dựng gia thất cho con cái, và (5) truyền trao gia tài cho con
cái đúng thời. [Trường Bộ Kinh II. 542, Bản dịch của HT Minh
Châu, Viện nghiên cứu Phật học Việt
Nam,
1991].
-
1. Ngăn chặn con cái làm việc ác
-
Như vừa nói mối quan hệ giới tính của các bậc cha mẹ trong đạo
Phật được đặt trên cơ sở đạo đức, do đó, sự sanh sản con cái
không nhằm nhu cầu thỏa mãn các khoái lạc giác quan thuần túy.
Chính vì thế các bậc cha mẹ xem việc nuôi nấng con cái không chỉ
là trách nhiệm mà còn là luân lý đạo đức không thể thiếu được.
-
Trong trách nhiệm thiêng liêng thứ nhất này, các bậc cha mẹ
ngoài việc nuối nấng con cái về thể chất, còn phải nuôi con cái
bằng đạo đức và trí tuệ chân chánh. Đó là sự giáo dục con cái
không được làm các điều ác. Điều ác ở đây chỉ chung cho các hành
vi, lời nói và cả tâm tư ý nghĩ có hại cho bản thân chúng, cho
cha mẹ chúng và cho các mối quan hệ con người và xã hội khác.
Nói khác hơn, theo đức Phật, giáo dục con trước nhất và hơn hết
là giáo dục chúng không làm các điều ác. Bởi lẽ một người dù cho
có khỏe mạnh và giàu sang đến đâu nhưng nếu hành vi và cuộc sống
của họ không đem lại lợi ích cho người khác mà còn đem lại đau
khổ thì chắc chắn rằng đời sống đó là vô nghĩa cho bản thân ngay
hiện tại và nguồn tội lỗi và đau khổ cho cả đời này và đời sau.
Dạy con thành người do đó là dạy con xa lánh các điều tội ác. Đó
là không giết người, trộm cướp, lưà gạt, không quan hệ giới tính
phi pháp và không nghiện ngập say sưa để thần mê trí mờ. Ngoài
ra, không làm các điều ác còn là sự tuân thủ luật pháp xã hội,
tôn trọng thuần phong mỹ tục của quốc gia, duy trì truyền thống
tốt đẹp của gia đình. Sự giáo dục con cái như vậy rõ ràng là sự
giáo dục của người có trí: không nuông chìu con cái, không để
chúng có cơ hội đi vào con đường tội lỗi. Các bậc cha mẹ nuôi
con mà không biết dạy con tránh xa tội ác như vậy sẽ trở thành
chướng ngại cho đời sống gia đình và xã hội và do đó cần phải
loại khỏi mối quan hệ của cha mẹ đối với con cái.
-
2. Khuyên dạy con làm việc thiện
-
Không có gì tích cực cho bằng con đường giáo dục của các bậc cha
mẹ theo đạo Phật bao gồm dạy con cái làm điều thiện, đạo đức.
Nói khác hơn, giáo dục con cái từ bỏ điều ác là cơ sở nền tảng
để từ đó giáo dục chúng làm điều lợi ích cho xã hội. Nội dung
trách nhiệm thứ hai của các bậc cha mẹ trong lời dạy này là
khuyến khích con cái vào các hoạt động lợi ích cho cộng đồng,
cho nhân quần xã hội. Đây là cách giáo dục vô cùng tích cực cho
một xã hội an bình và thạnh trị.
-
Từ một gốc độ khác, việc dạy con từ bỏ các thói hư tật xấu, các
hành vi bất chánh và bất thiện mặc dù là tốt nhưng chỉ mới tốt
có phân nửa: đó là tốt cho bản thân chúng và gia đình. Đây là
giáo dục đạo đức cho bản thân con cái, cơ sở nền tảng cho sự
trưởng thành đạo đức của chúng về sau. Giáo dục con quan trọng
hơn là giáo dục tính chất vi tha, vô ngã trong từng hành vi lời
nói, cử chỉ và việc làm. Đây là lối giáo dục dấn thân để phục vụ
cho tha nhân. Cách giáo dục như vậy rõ ràng không thể tìm thấy
trong bất cứ tôn giáo nào, từ hữu thần cho đến vô thần.
-
Nói khác hơn, giáo dục đạo đức cho con cái bao giờ cũng bao gồm
2 bước, đó là giáo dục đình chỉ ác và giáo dục phát huy thiện.
Đình chỉ ác thôi chưa đủ mà còn phải phát triển thiện. Có như
vậy thì xã hội không những vắng mặt các tệ nạn và khủng hoảng
đạo đức, mà còn trổ hoa trái của hạnh phúc và an lạc từ những
hành vi đạo đức tích cực của thế hệ những người con, thế hệ nền
tảng và tinh hoa của mọi tầng lớp xã hội. Đó là giáo dục con cái
theo tinh thần của bậc giác ngộ, để tạo dựng một gia đình và xã
hội vắng ác đầy thiện, vắng cái xấu xa tội lỗi, tràn đầy cái
chân thiện mỹ.
-
3. Tạo dựng nghề nghiệp chân chánh cho con cái
-
Giáo dục theo tinh thần đạo Phật luôn bắt đầu và đặt nền móng
trên giáo dục đạo đức. Các bậc cha mẹ nào không đặt tầm quan
trọng của giáo dục đạo đức ắt sẽ gặp phải cảnh người con bất
hiếu, ngỗ nghịch và tạo ra cảnh mất đầm ấm hạnh phúc trong gia
đình ở hiện tại và về sau, cho dòng tộc và tha nhân. Nói như thế
không có nghĩa đạo Phật bỏ rơi sự giáo dục con cái trưởng thành
về thể chất.
-
Tạo dựng nghề nghiệp cho con cái không những bao gồm sự nuôi
nấng theo tinh thần khoa học mà còn chăm lo đến nghề nghiệp
tương lai của chúng. Điều này có nghĩa là giao cho con cái cả
gia tài sự nghiệp sẳn có của mình không bằng truyền thụ cho
chúng kiến thức để có được nguồn tài sản đó. Ở đây, giáo dục
Phật giáo nhấn mạnh đến giáo dục nhân để sinh ra quả. Vun bồi
nhân là cách tốt nhất để gặt hái quả tốt. Do đó giáo dục trong
đạo Phật luôn là giáo dục con đường chứ không ban cho con đường.
Đây là lối giáo dục vô cùng sáng suốt vì đã loại bỏ yếu tố tha
lực trong các hoạt động và phát triển nhân cách đạo đức bản
thân.
-
Kế đến lời dạy này còn nhắm đến tính giáo dục tinh thần tự lực
cho con cái, theo quy luật của cuộc sống và theo đạo đức của
cuộc đời. Chỉ có tinh thần tự lực, dưới sự hướng đạo của cha mẹ,
con cái mới thật trưởng thành trong xã hội như một trường đời
đầy cạm bẩy và chông gai.
-
Một ý nghĩa khác có thể rút ra từ lời dạy trên là để khắc chế
nạn lêu lỏng và buông thả của đời sống thanh thiếu niên trong xã
hội nhiều cám dỗ, các bậc cha mẹ phải dạy chúng ý thức về một
nghề nghiệp ổn định cho bản thân. Sự sống nhờ vả, dù đó là nhờ
vào cha mẹ, cũng chỉ là tạm thời và có ý nghĩa rất ít; trong khi
sự tự lập bằng mồ hôi, sức lực, trí khôn trong chiều hướng đạo
đức của bản thân mới là con đường tự tồn tại lâu dài và bền bĩ.
Chính sự giáo dục này giúp cho con cái thoát khỏi các cạm bẩy ăn
chơi xa đọa của xã hội, góp phần ổn định đời sống tập thể và
cộng đồng, nhất là hạn chế nạn thất nghiệp và những nghề nghiệp
phi pháp.
-
4. Xây dựng gia thất xứng đáng cho con cái
-
Trách nhiệm của các bậc cha mẹ không chỉ dừng lại ở giáo dục đạo
đức tránh ác làm lành, ổn định nghề nghiệp mà còn chăm lo đến
đời sống lứa đôi cho con cái. Cần nhấn mạnh ở đây rằng xây dựng
gia thất cho con cái không có nghĩa là ép buộc con cái phải làm
chồng / vợ một người nào đó mà mình thích, thay vì người mà
chúng yêu thương. Đạo Phật không khuyến khích một tập tục "bắt
đâu ngồi đó" như trong truyền thống Ấn giáo cổ và hiện đại, cũng
như truyền thống "phụ vi tử cương" của Nho giáo. Đạo Phật đề cao
tinh thần bình đẳng trong nhận thức của cha mẹ và con cái. Khi
chưa đến tuổi thành niên, con cái tùy thuộc vào sự quyết định
đúng đắn của cha mẹ. Khi con cái đã đến tuổi trưởng thành, việc
quyết định đời sống hôn nhân của chúng phải tùy thuộc vào sự lựa
chọn của chúng. "Ép dầu ép mở ai nở ép hôn" là một phương châm
rất phù hợp với tinh thần của lời dạy này. Ngoài ra, một ý nghĩa
giáo dục khác là nếu cha mẹ có thể dạy và tạo dựng nghề nghiệp
chân chánh và ổn định cho con cái thì các bậc cha mẹ cũng có thể
cố vấn tình yêu và hôn nhân cho chúng. Lời dạy ở đây mang tính
giáo dục rất cao. Cha mẹ không chỉ là người sanh ra con cái mà
còn là người thầy, người cố vấn, người hướng đạo đời sống yêu
đương và hôn nhân cho con cái. Ở đây, ngoài yếu tố truyền trao
kinh nghiệm yêu đương và hôn nhân cho con cái, các bậc cha mẹ
còn phải đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn con cái
chọn lựa người bạn đời thích hợp. Không có gì thiêng liêng và
cao quý cho bằng khi cha mẹ còn đóng vai trò của người thầy và
người cố vấn hôn nhân.
-
Nói rõ hơn, ở đây, cha mẹ chỉ làm chức năng tư vấn cho con cái
biết rõ tiêu chuẩn của một người vợ hay người chồng lý tưởng
cũng như, thế nào là trách nhiệm và bổn phận của đôi vợ chồng
mới hòa minh loan phụng v.v… Hoàn toàn không có chuyện ép buộc
và sắp đặt của cha mẹ trên con cái. Đây là tinh thần giáo dục
rất phù hợp đời sống hôn nhân hiện đại.
-
Một điểm cần lưu ý ở đây là khái niệm "xứng đáng" trong cụm từ
"xây dựng gia thất xứng đáng cho con cái." Xứng đáng ở đây không
có nghĩa là "môn đăng hộ đối" như phong tục Nho giáo. Xứng đáng
ở đây mang tính đạo đức và xã hội. Ở gốc độ đạo đức, người con
khôn ngoan nên biết chọn cho mình người bạn đời có đủ phẩm chất
đạo đức ít nhất như mình. Đây là sự tương thích về nhân phẩm
giữa hai người. Kế đến, về phương diện xã hội, sự xứng đáng còn
mang ý nghĩa chọn người bạn đời có cùng tánh tình, chí hướng và
hạnh nguyện. Không có gì đau khổ cho bằng khi vợ chồng lâm vào
cảnh "đồng sàng dị mộng" hay vợ nắng chồng mưa hay vợ mặt trăng,
chồng mặt trời v.v… Để tránh các tình trạng đau lòng có thể dẫn
đến sự đổ vỡ mối quan hệ tình yêu và hôn nhân như vậy, con cái
rất cần đến sự cố vấn của cha mẹ chúng, những người ít nhất đã
một lần trải qua.
-
Trên tinh thần giáo dục trên, việc dựng vợ gả chồng xứng đáng
cho con cái không chỉ tránh được các đổ vỡ do mối quan hệ đơn
thuần "môn đăng hộ đối" về vật chất nhưng lại không thích hợp về
tánh tình, đạo đức, trí tuệ và hạnh nguyện, mà còn hướng đến một
căn bản tương thích của đời sống lứa đôi. Nói cách khác, hạnh
phúc hôn nhân không chỉ có được từ sự giàu sang mà phải đặt nền
tảng trên sự tương thích về phẩm chất đạo đức, lý tưởng và hạnh
nguyện. Trong bất kỳ cuộc hôn nhân nào nếu có sự tương thích về
đời sống đạo đức và lý tưởng thì tất nhiên sẽ kéo theo sự hạnh
phúc lứa đôi.
-
Ngoài ra, lối giáo dục cố vấn con cái trong hôn nhân trong tinh
thần lời Phật dạy có những giá trị đạo đức sau đây:
-
-- Chận đứng hoặc hạn chế một cách tối đa tình trạng tự tử của
những đôi uyên ương do cha mẹ không đồng ý gả họ cho người họ
yêu say đắm.
-
-- Chận đứng tình trạng ly thân, ly dị, đổ vỡ hôn nhân do đôi
uyên ương không tương đồng về đạo đức, trí tuệ và lý tưởng.
-
-- Hướng đến một xã hội mà các phần tử của nó có tinh thần tự
chủ, độc lập trong nhận thức và hành động nhất là trong việc
chọn người bạn đời thích hợp.
-
5. Truyền trao gia tài cho con cái đúng thời
-
Trách nhiệm thứ năm này mang ý nghĩa pháp lý và đạo đức rất cao.
Về phương diện pháp lý, việc truyền trao này bao gồm di chúc và
tài sản thừa tự cho con cái. Có nhiều bậc cha mẹ đã không nghĩ
tới chuyện này khi còn khỏe mạnh. Do đó, một khi nhắm mắt xuôi
tay, con cái bất hiếu đã gây cảnh nòi da xáo thịt về quyền thừa
tự, tranh dành tài sản của cha mẹ để lại. Chính vì thế, để tránh
các tình trạng trên, đức Phật đã dạy các bậc cha mẹ phải di chúc
và trao truyền gia tài khi mình còn sáng suốt và khỏe mạnh. Chỉ
có trong tình trạng khỏe mạnh và sáng suốt, người ta mới có thể
chọn người xứng đáng vá thích hợp để mà ủy thác.
-
Về phương diện đạo đức, sự truyền trao gia tài không chỉ có
nghĩa đơn thuần là phân chia tài sản cho con cái mà còn có ý
nghĩa truyền trao di sản văn hóa của dân tộc, của truyền thống
gia đình. Gia tài đó hẳn không phải là "một nước Việt buồn" mà
phải là một nước Việt thoát khỏi thực trạng khổ đau (khổ đế)
hướng đến an lạc và giải thoát trong tinh thần đạo Phật. Một gia
tài như vậy, vàng bạc không thể mua được, đô-la không thể đổi
được. Do đó cần phải cẩn trọng chọn lựa người xứng đáng mà
truyền trao. Đức ngũ tổ Hoằng Nhẫn đã không truyền trao y bát
cho ngài Thần Tú mà trái lại truyền cho ngài Huệ Năng. Đức Phật
Thích-ca đã không trao chánh pháp nhãn tạng, niết-bàn diệu tâm
cho ngài A-nan bác học đa văn mà giao cho tổ Ca-diếp đạo cao đức
trọng. Sự chọn lựa ở đây bao hàm nội dung đạo đức rất lớn. Chọn
lựa sai lầm thì kết quả đau thương sẽ không thể tưởng tượng.
Chính vì thế sự chọn lựa đối tượng trao gia tài cần phải cẩn
trọng, hợp thời, hợp cơ. Chỉ khi nào đối tượng xứng đáng về đạo
đức và trí tuệ được chọn lựa và giao phó, sự truyền trao sẽ trở
nên vô nghĩa và nguy hiểm cho cả nhiều thế hệ về nhiều phương
diện của cuộc sống.
-
Ở mức độ đơn thuần hơn, sự truyền trao gia tài hợp thời còn có ý
nghĩa giúp cho xã hội tránh được sự truyền thừa không xứng đáng,
những tình trạng cha truyền con nối, những truyền thống thế tập
"con vua thì được làm vua, con sải ở chùa thì quýet lá đa." Nói
chung, nếu tinh thần này được áp dụng ở xã hội thì lo gì xã hội
không có đủ người tài đức, đất nước không có được minh quân. Mọi
sự phân biệt mang tính cách bè phái, cục bộ cho "con ông cháu
cha" sẽ không còn cơ hội để sống tồn trong một xã hội mà tinh
thần giáo dục của đức Phật được truyền thừa và phát huy triệt
để.
-
Nói tóm lại, mối quan hệ giữa cha mẹ đối với con cái là mối quan
hệ mang tính đạo đức và giáo dục rất cao. Các bậc cha mẹ không
chỉ chăm lo về đời sống vật chất cho con cái mà còn và quan
trọng hơn hết chăm lo và phát triển đời sống đạo đức và trí tuệ
của chúng. Về đời sống đạo đức, cha mẹ phải huyến luyện và dạy
dổ con cái các phẩm chất đạo đức, tránh ác làm lành, từ bỏ con
đường xấu xa phát huy đời sống chánh mạng và chánh nghiệp. Kế
đến cha mẹ còn dạy cho con cái ý thức trách nhiệm cao độ của
người con, tinh thần tự lập qua việc ổn định nghề nghiệp trong
xã hội. Ngoài ra, cha mẹ còn phải cố vấn cho con cái trong việc
lựa chọn một người bạn đời lý tưởng, để đời sống gia thất về sau
được bền bỉ và hạnh phúc. Chỉ có những người con như vậy mới
xứng đáng tiếp hưởng gia tài được đúc kết bằng mồ hôi và xương
máu của cha mẹ, của những thế hệ cha anh đi trước. Thiết nghĩ
tinh thần giáo dục cao thượng này nên được các hội bô lão, các
hội phụ huynh học sinh nghiên cứu và áp dụng triệt để, để tình
thương, sự phát triển và hạnh phúc nở hoa trên sự sống của con
người hôm nay và mai sau.
-
III. Đạo làm con hay mối quan hệ của con cái đối với cha mẹ
[^]
-
Theo tinh thần duyên khởi của đạo Phật, bất cứ mối quan hệ nào
cũng phải có sự đối lưu của ít nhất hai thành phần. Ở đây sự đối
lưu là giữa cha mẹ và con cái và ngược lại. Tinh thần giáo dục
của đức Phật không đơn thuần và một chiều, mà đó là sự đối lưu
của ít nhất 2 trị số con người trong quan mối quan hệ vừa đạo
đức và giáo dục. Nói cách khác, nếu các bậc cha mẹ sanh con cái
không vì sự thỏa mãn các khoái lạc giác quan, nhưng thể hiện
tinh thần trách nhiệm và giáo dục cao độ cho con cái trưởng
thành về thể chất, thể trí và sống vững vàng trong xã hội thì
đối lại người con cũng phải có trách nhiệm đạo đức đối với hai
đấng sanh thành ra mình, nuôi nấng mình trưởng thành và trở nên
hữu dụng cho bản thân và xã hội. Sự hiếu thảo của người con như
vậy được trình bày qua 5 trách nhiệm đạo đức sau đây:
-
Có năm trường hợp người con phải phụng dưỡng cha mẹ, đó là, (1)
tôi sẽ nuôi dưỡng cha mẹ, (2) tôi sẽ làm tròn bổn phận đối với
cha mẹ, (3) tôi sẽ giữ gìn danh dự gia đình và truyền thống, (4)
tôi sẽ bảo vệ tài sản thừa tự, và (5) tôi sẽ lo chu toàn tang lễ
của cha mẹ đúng pháp. [Trường Bộ Kinh II. 542, như trên]
-
1. Tôi sẽ nuôi dưỡng cha mẹ
-
Trách nhiệm đạo đức trước tiên của một người con đối với 2 đấng
sanh thành ra mình theo đức Phật là nuôi dưỡng cha mẹ. Hay nói
cách khác người con phải lấy sự báo đền cha mẹ bằng cách chăm
sóc cha mẹ về đời sống vật chất, cũng như chính cha mẹ đã lo cho
chúng ta trưởng thành, tron suốt 18 năm vị thành niên. Cần lưu ý
ở đây rằng mệnh đề "tôi sẽ" biểu thị một ý thức trách nhiệm cao
độ, chứ không đơn thuần là một lời hứa cụi. Như chúng ta đã biết
đức Phật định nghĩa nghiệp là những hành vi có ý thức và ý thức
là chất xúc tác và dẫn đạo các hành vi của lời nói và việc làm.
Do đó, chỉ có với một ý thức sâu sắc về bổn phận làm con "tôi sẽ
nuôi dưỡng cha mẹ" mới có thể giúp người con duy trì tốt truyền
thống hiếu thảo đối với cha mẹ được.
-
Sự chăm lo đến đời sống vật chất của cha mẹ ở đây cho thấy đạo
Phật rất thực tiễn. Người con hiếu thảo không chỉ biết vâng lời
cha mẹ, làm việc tốt cho gia đình và xã hội mà trước tiên và hơn
hết lo phần đời sống vật chất cho cha mẹ mình. Chăm lo đời sống
vật chất ở đây bao gồm việc dâng tặng cho cha mẹ tiền chi tiêu,
quà quý, thuốc thang, sự thăm viếng khi cha mẹ đau ốm hay không
còn sức lao động.
-
Lời dạy này ngoài việc khích lệ con cái hiếu kính đối với cha mẹ
còn nhắm vào việc xóa bỏ các quan niệm sai lầm cho rằng cha mẹ
sinh con là để thoả mãn dục vọng cho nên con cái không cần phải
có trách nhiệm lo lắng trở lại. Nếu lời dạy cao qúy này được áp
dụng chắc chắn rằng xã hội sẽ không còn tình trạng các cha mẹ
già phải tủi phận vào sống các nhà dưỡng lão, chỉ vì các người
con bất hiếu. Kế đến, lời dạy còn có ý nghĩa cao quý khác, đó
là, sẽ không còn cảnh những đứa con ngỗ nghịch "báo đời" cha mẹ
dưới nhiều hình thức và về nhiều phương diện.
-
2. Làm tròn bổn phận đối với cha mẹ
-
Ý thức trách nhiệm làm tròn bổn phận của một người con là điều
quan trọng thứ hai trong đạo hiếu thảo của người Phật tử. Lời
dạy này mặc dù rất bao quát nhưng có ý nghĩa đạo đức rất lớn.
Khái niệm bổn phận ở đây cần phải được hiểu là sự thực thi những
điều trách nhiệm của người con đối với cha mẹ tùy theo hoàn cảnh
và điều kiện cho phép. Nghĩa là công việc hiếu thảo không bao
giờ là một sự bắt buộc mà trái là một ý thức cao độ, ý thức làm
người có đạo lý.
-
Có nhiều trường hợp người con vì thương cha kính mẹ mà làm nhiều
điều tội ác để chu cấp tài sản cho cha mẹ. Đạo Phật chống lại sự
hiếu thảo phi pháp như vậy. Nói cách khác làm trọn bổn phận tùy
theo hoàn cảnh và điều kiện cho phép là một trong những cách thể
hiện chữ hiếu hợp lý nhất. Ví dụ khi còn ngồi dưới mái trường,
việc làm trọn bổn phận của người con đối với cha mẹ là vâng lời
thầy cô, học hành chăm chỉ, thu hoạch kiến thức để làm nền tảng
trí thức và đạo đức cho bản thân, hiện tại và về sau. Khi đã xây
dựng gia thất riêng, việc làm tròn bổn phận của người con là
sống đúng, sống theo và sống hợp với các nguyên tắc đạo đức của
đạo Phật, không làm các điều ác, phát huy các điều thiện, chăm
lo cho vợ/chồng con chu đáo, thăm viếng cha mẹ khi có thời gian,
phụng dưỡng đời sống vật chất cho cha mẹ v.v… Nói chung trong
mọi hoàn cảnh và trường hợp, người con làm tròn bổn phận phải là
người có ý thức trách nhiệm và thi thố trách nhiệm đó đúng chánh
pháp và phù hợp với đạo lý mặc ước và luật pháp của xã hội hiện
hành.
-
Ở một gốc độ khác việc làm tròn bổn phận còn có ý nghĩa đạo đức
rất lớn, nhất là trong trường hợp cha mẹ sống thiếu chánh kiến
đối với Phật pháp tăng hoặc tạo tác nhiều điều tội lỗi. Người
con có hiếu là người con phải biết tìm mọi cách khuyên gián cha
mẹ, giúp cho cha mẹ trở về với con đường hiền lương và thánh
thiện. Ở đây, chúng ta thấy tính tương tác trong giáo dục của
Phật giáo. Người con hiếu thảo không chỉ đơn thuần vâng lời cha
mẹ, nhất là những lời không có lợi cho sự tiến bộ đạo đức và tâm
linh. Ngược lại người con phải có các hành vi cụ thể để khuyến
tấn cha mẹ mình. Người làm được như vậy theo đức Phật có giá trị
hiếu thảo nhiều lần so với báo hiếu đơn thuần về của cải vật
chất:
-
"Những ai đền ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng dâng cúng với của
cải vật chất tiền bạc thì không bao giờ đủ để đáp đền ơn cha mẹ.
Nhưng này các Tỳ Kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin Tam
Bảo thì khuyến khích cho có lòng tin Tam Bảo, đối với cha mẹ
sống tà giới, thì khuyến khích vào chánh giới, đối với cha mẹ
sinh khởi tham, thì khuyến khích bố thí, đối với cha mẹ tà kiến
thì khuyến khích vào chánh kiến, cho đến như vậy, này các Tỳ
Kheo, là làm đủ và đáp ơn đủ cho mẹ và cha." (Tăng Chi bộ
Kinh
I. 75)
-
Nói cách khác báo hiếu trong đạo Phật không chỉ đơn thuần về đời
sống vật chất mà quan trọng hơn là đời sống tinh thần và đạo
đức. Đây chính là nét đặc sắc và độc đáo của chữ hiếu trong đạo
Phật.
-
3. Giữ gìn danh dự gia đình và truyền thống
-
Mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa riêng. Chính nét riêng là
giá trị tạo nên và đóng góp cho nền văn hóa của nhân loại. Cũng
vậy mỗi gia đình đều có truyền thống riêng mà các bậc tiền bối
và tổ tiên đã dày công xây dựng. Người con hiếu thảo theo đức
Phật là người, ngoài việc làm tròn bổn phận, phụng dưỡng vật
chất cho cha mẹ đúng pháp còn là người biết tôn trọng các giá
trị văn hóa và di sản truyền thống tốt đẹp của gia đình, gióng
nồi và dân tộc.
-
Cần lưu ý ở đây rằng lời dạy này không nhằm khuyến khích một chế
độ thế tập "cha truyền con nối" một cách mù quáng. Nó chỉ nhằm
kêu gọi ý thức trách nhiệm bảo vệ và phát huy các truyền thống
tốt đẹp của một gia phả, một làng xóm, một cộng đồng, một sắc
tộc, một quốc gia mà thôi. Đạo Phật không dạy chúng ta phục tùng
các truyền thống lạc hậu, phản với đạo đức và sự hướng thượng
trong đạo đức và tu tập. Trong tinh thần này, những quan niệm
duy trì truyền thống theo kiểu "con vua thì lại làm vua, con sải
ở chùa thì quét lá đa" cần phải được loại bỏ ra khỏi quan điểm
chữ hiếu trong đạo Phật.
-
Chúng ta vẫn còn nhớ trong bài kinh giáo dục cho dân tộc Kamala
về mười tiêu chí của một niềm tin có chánh kiến có điều dạy rằng
"đừng vội tin một điều gì chỉ vì điều đó có hay thuộc truyền
thống." Lời dạy này phản ánh rằng các truyền thống có thể có 2
mặt, một mặt tốt và tiến bộ và một mặt xấu và phản tiến hóa. Đức
Phật chỉ khuyên chúng ta theo mặt tốt và tiến hóa của truyền
thống trong khi mạnh dạn loại bỏ các mặt tiêu cực và bất lợi của
nó. Lời dạy này càng có ý nghĩa to lớn hơn nếu ta đặt nó trong
sự vận động bảo tồn và duy trì các sắc thái văn hóa của tổ chức
UNESCO. Nói dễ hiểu hơn, đây có thể là phương châm cho một
khuynh hướng giữ gìn và bảo vệ nền văn hóa tích cực của các sắc
dân, của các dân tộc trên thế giới theo chiều hướng có chọn lọc
và đặt chúng trong tiêu chí của các giá trị phát triển đạo đức
và đạo lý con người hơn là chỉ đơn thuần về phương diện vật
chất.
-
4. Bảo vệ tài sản thừa tự
-
Nếu "duy trì các truyền thống tốt đẹp của gia đình, quốc gia" là
một nguyên tắc chung và bao quát đối với những người con có hiếu
theo tinh thần Phật dạy thì "bảo vệ tài sản thừa tự" là một
nguyên tắc cụ thể ứng dụng trong phạm vi của truyền thống gia
tộc. Điều này có ý nghĩa giáo dục rằng một mặt con cái phải biết
sử dụng gia tài và di sản của cha mẹ để lại đúng pháp và mặt
khác phải là người kế thừa có đạo lý. Nghĩa là cha làm thầy thì
con cái không được đốt sách. Cha mẹ làm việc thiện, tôn kính tam
bảo, thì con cái không nên làm việc ác, phỉ báng Phật, pháp,
tăng, trái lại còn phát huy một cách tốt hơn và có chiều kích
hơn.
-
Rất tiếc hiện nay trong nhiều xã hội, lời dạy nầy không được áp
dụng nên đã có nhiều cảnh con cái trở thành những kẻ phá hoại
tài sản của cha mẹ và tổ tiên để lại. Nhiều người con chỉ biết
chi tiêu gia tài của cha mẹ theo khuynh hướng tán gia bại sản
hơn là duy trì và phát huy chúng.
-
Áp dụng lời dạy này trong một chiều kích lớn hơn chúng ta thấy
rất có lợi cho xã hội và đất nước. Việt
Nam
là đất nước được mệnh danh với truyền thống con rồng cháu tiên,
Phù Đổng thiên vương, đã từng bất khuất trước các thế lực ngoại
xâm và đô hộ. Những hành động "cổng rắn cắn gà nhà" hay "rước
voi về giày mã tổ" là những hành vi tội ác không chỉ đi ngược
lại truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn làm chết đi tinh
thần cao qúy đó. Tương tự, quan niệm "mái chùa che chở hồn dân
tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông" là truyền thống tốt đẹp của
dân tộc Việt
Nam
từ nhiều đời. Ai mảnh tâm phá hoại chùa chiền, biến chùa chiền
thành các hợp tác xã, hoặc sử dụng chùa chiền vào các mục đích
thế tục hay tư lợi thì hẳn rằng đã manh tâm phá hoại một truyền
thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đạo lý tình người Việt Nam.
-
5. Chu toàn tang lễ của cha mẹ đúng pháp
-
Điều hiếu thảo cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là khi
cha mẹ qua đời, con cái phải tổ chức tang lễ cho cha mẹ một cách
chu toàn và đúng pháp. Tổ chức tang lễ chu toàn tùy thuộc rất
nhiều vào phong tục tập quán của từng quốc gia, xã hội và gia
đình. Nói chung là phải làm đúng theo các quan niệm đạo hiếu của
từng dân tộc và truyền thống.
-
Tổ chức đúng pháp là điều quan trọng hơn. Nếu tổ chức "chu toàn"
nhằm nhấn mạnh đến hình thức và trình tự của tang lễ như tẫn
liệm, chôn cất v.v… thì tổ chức "đúng pháp" nhấn mạnh đến nội
dung và tinh thần của tang lễ. Đúng pháp ở đây theo tinh thần
lời Phật dạy là con cái không nên khóc lóc, than vãn mà trái lại
nên chánh niệm tỉnh giác trước cơn vô thường sinh ly tử biệt để
hỗ trợ cho cha mẹ không còn quyến luyến tình cảm thế gian, vãng
sanh một cách nhẹ nhàng và dễ dàng. Sự khóc lóc và rên rĩ của
con cái có thể làm động tâm các bậc cha mẹ vừa quá cố và do đó
làm trở ngại rất nhiều cho tiến trình tái sanh của cha mẹ. Do
đó, người Phật tử không nên quá bi lụy theo thường tình của thế
gian, trái lại thỉnh mời quý đại đức tăng ni và ban hộ niệm đến
tụng kinh để siêu độ cho người quá vãng.
-
Có nhiều người con khi cha mẹ còn sống thì đối xử một cách bỏn
xẻn, không phụng dưỡng cha mẹ. Nhưng khi cha mẹ vừa nằm xuống
thì lại cố tình tổ chức tang lễ cho rềnh rang, để chứng tỏ ta
đây là người con có hiếu. Đạo Phật không dạy chúng ta như vậy.
Trái lại, đạo hiếu của đức Phật rất chu đáo và nhấn mạnh đến ý
thức trách nhiệm chân thành của người con hơn là các hình thức
nghi lễ bề ngoài, đôi lúc có tính cách lạc dẫn. Khi cha mẹ còn
sống thì cúc cung, chắm sóc, sớm thăm tối viếng, cung phụng
miếng ăn và thuốc thang cho cha mẹ. Vâng lời cha mẹ khi cha mẹ
có lời dạy bảo hay. Làm tròn bổn phận làm con trong mọi hoàn
cảnh. Khuyến khích cha mẹ trở về con đường hiền lương và đạo đức
nếu cha mẹ đang sa lầy. Rồi đến lúc cha mẹ nhắm mắt lìa đời thì
tổ chức tang lễ giản đơn nhưng không kém phần trang nghiêm và có
ý nghĩa đạo đức.
-
Nói chung, báo hiếu khi cha mẹ qua đời là việc lo chu toàn tang
lễ một cách chân thành, trang trọng; không đặt nặng các hình
thức lễ nghi như hiến tế súc vật, cúng tam sên, trổ nhạc tây
nhạc tàu, thuê người khóc mướn, tổ chức ca hát xướng k? cúng đạo
lộ, mở cửa mã, v.v… Các việc làm như vậy chỉ tạo thêm nhiều
nghiệp ác và tội lỗi mà thôi. Tang lễ theo đạo Phật nên đơn giản
bao gồm các khóa lễ tụng kinh tưởng niệm, phóng sanh thả vật,
làm phước cúng dường, để hồi hướng công đức cho cha mẹ vừa quá
cố, như một hành trang đạo đức cho cha mẹ đi tái sanh vào các
cảnh giới an lạc.
-
IV. Thay lời kết
[^]
-
Qua những gì vừa được trình bày sơ lược trên, đạo hiếu của Phật
giáo bao gồm đạo làm cha mẹ và đạo làm con cái. Năm nguyên tắc
đạo đức của đạo làm cha mẹ và năm nguyên tắc đạo đức của đạo làm
con trong kinh Thiện Sanh có thể được xem là những chuẩn mực,
khuông vàng thước ngọc cho các mối quan hệ của cha mẹ và con cái
trong một xã hội tiến bộ và văn minh. Người viết nghĩ rằng đạo
hiếu tích cực và toàn diện như vậy nên được đưa vào giảng dạy
trong các cấp bậc của học đường để phục hưng và chấn chỉnh một
nền đạo đức bị suy thoái hiện nay, do thiếu ánh sáng từ bi và
trí tuệ của đạo Phật.
-
Nếu năm nguyên tắc đạo làm cha mẹ nên được phổ biến rộng rãi
trong các hội bô lão và các hội phụ huynh thì năm nguyên tắc đạo
làm con nên được truyền bá trong các câu lạc bộ thanh thiếu
niên, trong các hội đoàn sinh viên học sinh, để các bậc làm cha
mẹ xứng đáng là cha mẹ và để các người con xứng đáng là những
người con.
-
Hơn hết, tinh thần đạo hiếu mang tính giáo dục và đạo đức của
đức Phật nên được các nhà giáo dục quan tâm, giới thiệu vào các
sách giáo khoa về công dân giáo dục, để làm tốt đẹp đạo lý tình
người. Chỉ trừ khi nào các nguyên tắc đạo hiếu nêu trên được áp
dụng thì khi đó gia đình và xã hội có có sự an lạc và đạo đức.
Do đó mọi hoạt động và tuyên truyền chống phá đạo lý hiếu thảo
của đạo Phật sẽ là con đường tự hủy diệt đạo đức bản thân và xã
hội. Mong sao các nhà lãnh đạo đất nước chân chánh sớm nhận ra
được con đường giáo dục cao thượng, đạo đức và thuận tiến hóa
của đạo Phật để xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh về vật
chất và khỏe mạnh về tinh thần!
- --o0o--
|
|