- Khi Tôi
Học Đạo
- ---o0o---
- Ngày
xưa khi còn là chú điệu mới học đệ ngũ, trong những buổi hầu
trà tôi nghe quí Thầy đàm đạo với nhau về một đề tài từ một bộ
kinh hay một cuốn sách thiền nào đó, mà ý chính là thế này: “Khi
tôi chưa học đạo, tôi thấy núi là núi; sông là sông; khi tôi
học đạo tôi thấy núi không phải là núi, sông không phải là
sông; sau khi học đạo xong tôi lại thấy núi là núi, sông là
sông”. Tôi nghe mà chẳng hiểu chi dù có vắt óc suy nghĩ.
Về sau học môn triết Tây, nghe giáo sư giảng về cái Ta (le
moi), tôi nhớ có một ý rất triết mà cũng rất thơ: “tôi
không thể ngồi bên cửa sổ để nhìn tôi đi qua đường”. Những
ghi nhận đó cứ đeo đẳng mãi trong đầu và tôi chẳng tự tin là
mình hiểu những ý trên là đúng hay không.
- Tại
sao khi chưa học đạo thấy núi là núi, sông là sông; đến khi
học đạo thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông;
khi học đạo xong lại thấy núi là núi sông là sông? Sau nhờ học
Duy Thức vấn đề mới được giải mã.
- Thì
ra thế giới với thiên hình vạn trạng trong đó con người cùng
muôn vật chung sống, theo Duy thức học đó là thế giới của
“ý ngôn cảnh”. Cảnh chỉ cho thiên hình vạn trạng, ý chỉ
cho ý tưởng, ý niệm và ngôn chỉ cho ngôn cú danh xưng.
- Khi
tắm dưới sông ai cũng cảm nhận được cảm giác mát dịu của dòng
sông, và mặc nhiên không ai bận tâm đặt vấn đề là có dòng sông
hay không có dòng sông; nếu có, thì cái gì là dòng sông? Nếu
không thì tại sao? Có lẽ vì không quan tâm truy cứu nên ai
cũng thấy núi là núi sông là sông; nếu quan tâm truy cứu ta sẽ
thấy cái được gọi là sông với dòng nước chảy, thực thì đó
không hẳn là sông hay dòng sông.
- Thứ
nhất, nếu một người từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành chưa
hề nghe ai nói đến từ sông. Cũng không được ai dẫn đến
và chỉ cho thấy con sông hay dòng sông, chắc chắn người ấy khi
tình cờ gặp phải dòng sông họ sẽ ngớ ra không hiểu và gọi được
dòng sông họ đang thấy là cái gì.
- Thứ
hai, ngay những người từng nghe, thấy và tắm dưới sông đi nữa
họ cũng không thể gọi đúng tên cái thực tại mà họ đang đắm
mình trong đó, bởi danh từ dòng sông hay dòng nước sông thuần
tuý chỉ là danh ngôn được dùng để miêu tả vấn đề, chứ danh
ngôn bản thân nó hoàn toàn không phải là vấn đề.
-
Thứ ba, cái được gọi là sông hay dòng sông kỳ
thực là không có, bởi dòng sông mà ta đang tắm, nếu phân tích
về mặt vật lý thì không có cái gì là dòng sông. Dòng sông là
sự kết tụ của vô số những phân tử nước, tách rời tất cả những
phân tử nước ấy đi dòng sông sẽ còn là hư vô, và như ta biết
trong mỗi một phân tử nước luôn phải hội đủ hai thành tố là
Hydro và Ôxy (H2O) . Thiếu một trong hai thành tố
này sẽ không có sự xuất hiện của một phân tử nước, chưa kể là
phân tử nước chỉ có và tồn tại trong môi trường thích hợp,
trong một môi trường không thích hợp ngay cả một phân tử nước
cũng không thể có nói chi là có cả một dòng sông!
- Như
vậy, danh từ dòng sông được dùng để miêu tả một hiện tượng vật
lý mà hiện tượng đó thực chất nó hoàn toàn không có thực thể
cá biệt của riêng nó. Do đó, dòng sông chỉ thuần là vấn đề của
ý ngôn cảnh, tức hiện tượng vật lý chỉ tồn tại trong phạm trù
của tư tưởng và ngôn ngữ của sự hiểu biết và phân biệt của sự
nhận thức hay của Thức mà thôi, chớ hiện tượng vật lý không
tồn tại bên ngoài sự hiểu biết và phân biệt của Thức. Theo Duy
Thức học, ngôn ngữ và tư tưởng hay sự hiểu biết và phân biệt
của thức được sinh khởi từ “danh ngôn chủng tử”. Danh ngôn
chủng tử hay hạt giống của tư tưởng và ngôn ngữ từ vô thỉ đến
giờ huân tập vào tạng thức chúng ta và đã thành tập khí, tức
thói quen vốn có từ muôn kiếp nghìn đời; và rồi chúng ta dùng
tập khí danh ngôn chủng tử này để nhận biết và phân biệt hiện
tượng vật lý. Chứ kỳ thực chúng ta hoàn toàn không biết được
gì về hiện tượng của thế giới vật thể. Nói cách khác, chúng ta
nhận biết là nhận biết về chính những dữ kiện tri thức mà
chúng ta tích lũy được qua quá trình thu thập kiến thức của
chúng ta mà thôi, chứ chúng ta không thể nhận biết thế giới
vật thể bằng chính những gì thuộc về thế giới vật thể.
- Luận
Thành Duy Thức: Chủ thể nhận thức cho rằng sự nhận thức chỉ
xảy ra khi có đối tượng bị nhận thức, thực thì chủ thể nhận
thức không thể nhận thức được đối tượng bị nhận thức, chủ thể
nhận thức chỉ nhận thức được những khái niệm, những ý tưởng
của chính bản thân của chủ thể nhận thức có được về đối tượng
bị nhận thức, chứ chủ thể nhận thức không thể hóa thân vào đối
tượng bị nhận thức (khách thể) để nhận biết những gì được nội
hàm trong đối tượng bị nhận thức. (năng thủ bỉ giác, diệc bất
duyên bỉ, thị năng thủ cố, như duyên thử giác).
- Quả
đúng là khi tôi học đạo tôi thấy núi không phải là núi, sông
không phải là sông. Vậy núi, sông trước mắt thì sao? Núi sông
trước mắt theo Duy thức học đó là hiện tượng y tha khởi, theo
Hoa Nghiêm tông đó là duyên khởi hay duyên sinh, mà duyên sinh
thì vô tự tánh, tức duyên sinh không tự có thể tánh riêng
(“Pháp bất cô khởi trượng cảnh phương sanh”). Các pháp không
thể độc lập sinh khởi mà phải nương nhau. Một cây bông lau
mảnh khảnh yếu đuối không thể tự đứng trước gió được, nhưng
một bụi bông lau nương dựa nhau có thể đứng vững giữa trời
(như thúc lô phược).
-
Tỳ kheo Thích Tâm Trí
-
Chùa An Dưỡng
-
Vĩnh Thái, Nha
Trang
-
Xuân Quý Mùi - 2003
|