Một Thuở Làng Hương

Phóng Sự Của Hoàng Tùng

---o0o---
 

          Nhắc đến Hóc Môn - Bà Ðiểm, người ta dễ nhớ đến cái tên Mười tám thôn vườn trầu. Dễ mấy ai biết, nơi đây còn là xuất xứ của nghề trồng lài, điểm cung cấp hương liệu ướp trà gần như cho cả miền Nam.
          NHỮNG NHÁNH LÀI ÐẦU TIÊN VỀ HÓC MÔN
          ... Ở An Phú Ðông (Hóc Môn), người ta gọi ông Huỳnh Văn Ðặng (Ba Ðặng) là ông tổ trồng lài. Ông năm nay đã 78 tuổi và đã gần 70 năm trong nghề trồng lài. Câu chuyện về nguồn gốc  cây lài ở Hóc Môn theo vào tâm trí tôi cùng với hương lài thắm đượm trong vị trà ngọt, giữa những ngày thu hoạch lài đang rộ của năm 2001.
Niềm đam mê lài của ông bắt đầu từ những năm 1938-1939. Trong một dịp rất tình cờ, những khóm lài giống đầu tiên lọt vào tay ông từ một người bà con làm thuê cho chủ vườn hoa Gò Vấp. Ôạng mang về Hóc Môn ươm được 30 cây. Lài gặp đất tốt, phát triển nhanh, vài tháng sau ra hoa, thơm vô cùng.
          Lúc đó, ông chỉ nghĩ trồng chơi, ngờ đâu có người biết lại hỏi mua 20 cây, trả mỗi cây một “cắc” (một cắc thời đó mua được 5 tô mì bây giờ, ông cụ giải thích). Biết người ta cần lài để nhân giống, trồng hái hoa bán cho các tiệm trà, ông nhân giống thành 300 cây nữa.
Ðược hơn năm, lài ra bụi, ra hoa. Ngày nào ông cũng hái bán cho tiệm trà Hiệp Mậu gần chợ Xóm Củi. Mà ngày đó, ra Chợ Lớn khó lắm, chỉ có đường đi bằng xe lửa, cách một hai tiếng có một chuyến. Những ngày Nhật ném bom, xe lửa không hoạt động, ông cũng vẫn một mình đi bộ mang lài bán.
          Thấy ông làm được, cả gia đình làm theo. Thậm chí có ông người Tàu ở Chợ Lớn tên là Tàu Hủ cũng đến tìm ông Ba Ðặng mua giống để trồng... Cứ thế lâu dần, cả một làng An Phú Ðông, lan sang đến Thạnh Lộc, Thạnh Xuân thành những làng hoa lài.
           MẢNH ÐẤT LÀNH CHO HOA LÀI NỞ
          “Ðất xứ này thích hợp với cây lài”, ngồi bên ly trà thơm ngát hương lài, cụ Ba Ðặng tự hào: “Lài ra bông, trắng và thơm ngát. Ðành rằng ở Bến Tre, Long An, hoặc gần như Bình Dương, Củ Chi cũng có trồng, nhưng bông không thể tốt và thơm được như bông ở đây. Năm trước, có một phái đoàn người Pháp qua nghiên cứu về lài. Ðến đây, họ cũng mê nhất loại lài này, bởi hương thơm của nó. Mình ở đây chỉ biết cân ký hoa lài, chứ nghe nói bên Pháp, một ký lài chiết xuất được 10cc tinh dầu, giá trị thị trường là hơn 200 USD”.
Thật vậy, loại đất pha sét đen ở Hóc Môn (nay là quận 12) đã thành nơi trú chân lý tưởng cho cây lài. Lài mọc dễ dàng đến nỗi, lúc nó được giá, nhà nào cũng trồng. Khi mất giá, người ta lại bỏ đi.
          Trồng lài mau thu hoạch. Nếu cây trà phải ba năm mới bắt đầu thu hoạch thì trồng lài chỉ sáu tháng đã có huê lợi. Và cứ thế, một năm 365 ngày, chỉ trừ ba ngày Tết là nghỉ, ngày nào chủ nhân của vườn lài cũng được gặt hái thành quả của mình. Lài trổ hoa mỗi ngày mà! Khi lài đã ra bụi không cần phải chăm sóc  nhiều nữa. Chỉ khi nắng lắm mới cần tưới, một ngày sáng chiều hai lần là đủ. Như lời của cụ Ba Ðặng: “Nghề trồng lài, nói cực thì cũng chẳng cực... chỉ phải cái dãi nắng dầm mưa. Nắng mưa gì cũng phải hái lài, sợ bông nở. Khi lài còn nhỏ, chăm sóc như con mọn. Còn khi lài lớn, đâu cần chăm nhiều. Cây lài sống tới 20 năm, chỉ trừ khi bị úng lâu ngày lắm mới thối rễ mà chết”.
          Lài ra bông quanh năm, nhưng rộ nhất là mùa nắng nóng, đó là đặc tính của cây lài. Cây lài không chịu được lạnh, chỉ ưa nóng. Vì vậy, Ðà Lạt, Lâm Ðồng tuy trồng trà rất tốt, nhưng lại không thể trồng lài. Cây lài trồng ở Ðà Lạt lên xanh tốt nhưng quanh năm xanh rì, thỉnh thoảng mới điểm được vài nụ. Gần như toàn bộ trà Lâm Ðồng cùng ướp bằng nụ lài của Hóc Môn.
          NHỮNG NGƯỜI LÀM HƯƠNG CHO LÀI
          Hình như cứ nói đến hoa là có bóng dáng phụ nữ. Trồng lài cũng là công việc của phụ nữ. Công cán hái lài ở xã An Phú Ðông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân hiếm khi gặp một người đàn ông trong vườn lài. Chỉ thấy những chiếc nón lá, áo sơ mi dài tay che nắng, và những ngón tay thoăn thoắt hái nụ hoa lài.
          Công cụ lao động cũng thật đơn giản, chỉ cần một cái giỏ đeo ngang hông đựng nụ vừa hái. Người giỏi, một ngày hái 7,8 ký. Có người là chủ nhân của vườn, có người rảnh việc nhà, đi làm thêm. “Một ký lài hái được, nhà vườn trả công em năm ngàn”. Một cô gái cho biết.
          Sáng sớm mà chị Diệp Thị Huệ, một người trồng lài nổi tiếng trong xã đã lui cui trong vườn ươm của mình. Chị vừa trồng lài vừa chiết cây con bán, lại vừa thương lái mua bán với các tiệm trà ở Chợ Lớn, các công ty chế biến trà. Căn nhà khang trang nằm giữa vườn lài rộng lớn. Chị đang cho đất vào các túi ni lông con, chuẩn bị ươm giống. Chị tận tình kể từng công đoạn ươm lài: nào là trộn đất, phân, trấu để vô bịch, cắt các “con lươn” (nhánh nhỏ) găm bịch ươm cây ra sao... Ðể một tháng rưỡi trong mát, thêm tháng rưỡi ra ngoài trời cho cây con cứng cáp, tổng cộng ba tháng. Sau đó bán lại cho các nhà vườn. Nhà vườn mang về “bấu lỗ”(đào rác hố) xé bịch trồng lài xuống đất v.v...
          “Một cây con bán một nghìn đồng. Năm rồi lài được giá. Lúc thời điểm cao, trước Tết, lài lên tới 60 ngàn đồng một ký. Sau Tết, mọi năm chỉ còn mười, mười mấy ngàn mà năm nay vẫn được tới bốn chục... Vì thế, dân ở đây rủ nhau trồng lài đại trà. Những nhà trồng lài lâu năm ở đây vừa rồi bán hàng triệu cây con”.
          Năm nay chị Huệ đã 44 tuổi, 44 năm sống với cây lài. Khi sinh ra, nhà chị đã có nghề trồng lài gia truyền. Mỗi năm, thu nhập của gia đình chị nhờ cây lài lên đến 100 triệu đồng.
          MANG HƯƠNG CHO ÐỜI
          Ði khắp xã, những gia đình trồng lài lâu năm đều là những nhà khá giả: nhà tường khang trang, rộng rãi, tiện nghi đầy đủ. Có nhà còn có xe hơi đời mới. Một ông cụ trồng lài ngồi nghe chuyện bên bàn trà cũng trầm ngâm nhớ đến thuở vàng son của lài: “Có một thời, giá lài đắt như vàng. Nhà vườn hái lài đếm nụ để bán. Vào thời điểm đó (khoảng năm 1982,1983) vàng bốn ngàn đồng một chỉ mà lài là ba ngàn một ký. Những nhà vườn có nghề lâu năm như bà Bích, Tám Cu, Chín Chè, Năm Lý... nhờ đó mà phát luôn.
          Chị Huệ tâm sự: “Bông lài chỉ dùng trong công nghiệp ướp trà. Lài lại ra bông nhiều, trái mùa với trà. Mùa lạnh là khi trà trổ lá non, thu hoạch, khi ấy lại hiếm bông. Mùa nóng, lài ra bông nhiều, một ngày ở vùng này thu hoạch tới 400-500kg bông lài...,  nhưng trà lại khô cây. Vì sự tỉ lệ nghịch ấy nên giá lài cứ trồi sụt thất thường. Vào thời điểm này trong năm, của ta đã bắt đầu xuất khẩu nhiều. Nhờ đó mà lài cũng được lên giá theo.
          ÐỂ LÀI HÓC MÔN TỎA HƯƠNG ÐI XA
          Suốt một đời sống với cây lài, vui buồn, thương yêu cây lài, điều đau đáu nhất của cụ Ba Ðặng là ở nước mình chưa chiết xuất được tinh dầu lài.
Năm 1995, nghe nói dưới Cửu Long có phương pháp lấy tinh dầu lài, ông lặn lội xuống tận nơi thử, nhưng không được. Ôạng mang xuống 25 ký chiết được có một phần tinh dầu. Hiện giờ chỉ có Pháp là làm được...
          Những buổi chiều, những đêm trăng, các cặp tình nhân thường đưa nhau tới đây, tình tự bên các vườn lài, vườn ngâu. Những cuộc tình mang theo vào ký ức mùi hương ngâu, hương lài. Và vì vậy, biết bao cặp đã gọi làng thành cái tên “làng Hương”. Thơm quá, mùi thơm nhè nhẹ cứ dìu dịu trong gió. Ði đến đâu, ngoài đường hay trong nhà cũng thoang thoảng hương thơm. Mùi hương thật quyến rũ...

           Source : Báo Giác Ngộ, số đặc biệt,  Xuân Nhâm Ngọ - 2002

---o0o---

Trang Nhà / Mục Lục Xuân / Xem Trang Kế Tiếp