Chùa Dược Sư
Ðạo &Thơ
 
Thân tặng Chư Phật Tử xa gần đã đóng góp tài lực trong công cuộc kiến tạo và phát triển Chùa Dược Sư
Sinh hoạt Phật sự tại Chùa Dược Sư trong bốn tháng vừa qua, đã được đạo hữu N.H.Q quán sát và ghi lại thành những đoạn thư ngắn. Tuy những đoạn thư ngắn rất ngắn, nhưng đã chuyên chở đến chúng ta cái tâm tha thiết cầu đạo giải thoát ngay trong kiếp sống hiện tại. Ý của những đoạn thư đó đã nói lên những lúc vừa làm công quả vừa làm thơ. Làm thơ ngay cả lúc tụng kinh, lễ Phật, khi uống nước giải lao, khi trà đạo luận đàm. Tất cả những lời thơ cũng như mọi Phật sự là những món quà đạo quý hiếm kính tặng tất cả quý Phật Tử Chùa Dược Sư. Trong phạm vi bài nấy chúng tôi chỉ giới thiệu một số ít đoạn thơ. Khi nào thuận lợi chúng sẽ phát hành rộng rãi tập thơ nhỏ nầy.
                          Bạch Y Thư Sinh
                                                                       
- Hôm nay phát cỏ khai quang
Ngày mai tỏa ánh đạo vàng muôn phương
Hôm nay lập hạnh cúng dường
Ngày mai phước báu tâm thường an vui.
                                                N.H.Q
Ngày xưa Tổ Sư Bồ Ðề Ðạt Ma từ Ấn Ðộ sang Trung Quốc để truyền đạo, với mộng ước là đem nền đạo trao cho nhân thế. Nhiệt tình nầy không có một ai hiểu thấu, rốt cuộc ngài ngồi diện bích chín năm để trở về với nỗi cô đơn của chính mình. Một Huệ Khả cầu đạo cũng đi trong cô đơn để tìm đến với niềm cô đơn của Tổ Sư, và họ đã gặp nhau trong nỗi niềm cô đơn lớn nhất ấy. Sự gặp gỡ đó đã được khai thác triệt để, và kết quả là một sự bùng nổ lớn có một không hai để khai sinh ra dòng Thiền Ðông Ðộ. Dòng Thiền nầy phát triển lớn mạnh và có một sức mạnh như vũ bão cuốn phăng đi tất cả chủ thuyết của các trường phái khác lúc bấy giờ. Sự ảnh hưởng lớn mạnh đó phải nói là từ thời đức Lục Tổ Huệ Năng, và đệ tử của ngài là Thần Hội. Nói như những bậc Cổ Ðức đã từng nói: Không có Ðức Lục Tổ Huệ Năng thì không có dòng Thiền Ðông Ðộ, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Ðức Lục Tổ cũng là người Cô Ðơn. Niềm cô đơn của ngài, sau khi nhận y bát truyền trao từ tay Ngũ Tổ, ngài lặng lẽ ra đi trong đêm khuya thanh vắng để tránh một cuộc tranh giành y bát, và trong tuồng diễn này, Ngài đã dạy một câu đầy oai lực của một vị Tổ: Y bát có thể tranh được, Pháp Phật có thể tranh được sao? Có lẽ từ xưa tới nay, thông thường tất cả những  gì được coi là nhiệt tình thì chỉ có những người chủ trương đó thấy, biết, chấp nhận cô đơn, và coi đó như là hành trang trên đường đi đến chỗ an nhiên. Chùa Dược Sư được hình thành trong một hoàn cảnh hết sức đặt biệt, nhưng không đến nỗi cô đơn như những hành trình của chư liệt Tổ Sư đã đi qua bởi vì:
            1- Chùa Dược Sư đã thấy được sự cô đơn.
            2- Chư Phật Tử xa gần có tâm vì đạo đã thấy được sự cô đơn đó và sẳn sàng hộ trì.
            Cả hai sự thấy biết và thông cảm nầy, đã là pháp lực nhiệm mầu dựng lập nên Chùa Dược Sư ngày hôm nay. Chư Phật Tử xa gần ai cũng hoan hỷ, mười phương chư Phật, chư Hộ Pháp Thiện Thần cũng hoan hỷ. Niềm hoan hỷ tràn ngập trong tâm của những người con phật, vì vậy mà bao nhiêu chướng duyên cũng vượt qua:
- Cô đơn thật nghĩa cô đơn
Cảm thông pháp ấy thì buồn mà vui   
Mười phương chư phật cũng vui
Xuôi dòng hạnh nguyện độ đời vượt qua.
            Trong thời gian đầu, bên cạnh chư Phật tử hết lòng vì đạo đã tích cực hộ trợ cho phật sự sớm thành tựu, còn có những phá phách, thử thách, nhưng cũng không lay chuyển được lòng người có tâm cầu học. Bởi vì sự thật lúc nào cũng sự thật, đó là chân lý muôn đời không thay đổi. Ðối với những người con Phật hiểu đạo và có niềm tin vững chãi thì lại càng thấy được pháp chân thường chân tịnh của Chư Phật nhiều hơn:
            - Làm sao đời thắng được ta
Ðời là bọt nước ta là Ðại Dương   
Ðời trong tuồng Pháp Vô Thường
Ta trong Phật Pháp Chân Thường Chân Như.
                                                N.H.Q
            Thời gian Chùa Dược Sư còn tại trụ sở mướn tạm, cũng là lúc Chùa cảm nhận được những chân tình của Chư Phật Tử xa gần: Người cho nồi, người cúng dường gạo, người mì gói, người thẻ nhang và rồi trong đạo tình qúi Phật Tử xa gần trước sau đồng quy kính về Chùa, vì vậy mà không khí đạo vị ngày càng lan rộng. Ở đây nếu nói đến tri kỷ thật khó mà nói được. Chúng ta hãy gạt bỏ cái tri kỷ thường tình, để cùng chung lo tu tập giáo pháp giải thoát, thì sẽ thấy được những tấm lòng vì đạo. Tri âm tri kỷ trong đạo vị mới là chân thường, chân lạc:
- Trời trong biển lặng sáng nguồn tâm
Thi pháp vui chơi thảo mấy vần
Ngọn trúc đong đưa cơn gió thoảng   
Xôn xao tri kỷ bặt tri âm.
N.H.Q
            Nhân duyên đã hội, được chư Phật Tử xa gần hổ trợ, Chùa tạo lập và dọn về cơ sở mới. Nơi đây, mới nhìn qua mọi người thường ví von là Rừng U Minh. Nói là Rừng U Minh vì cây cối rậm rạp, dây leo, gai góc mọc đầy. Những ngày đầu nơi đây trông thật hoang sơ tiêu điều, có thể nói một người yếu bóng vía không dám ở nơi nầy lâu. Nhờ sự phát tâm của chư Phật tử, nên từ trẻ đến già, mỗi người một tay hổ trợ quyết tâm mở một đạo tràng Hoằng Dương Phật Pháp. Lớn làm việc lớn, nhỏ làm việc nhỏ, già cả làm theo sức và khả năng của mình bằng cách là bưng nước đến từng người để giải khát, hoặc nấu cơm rán đậu cho những bữa cơm trưa chiều..v..v..rất là an vui trong tình Ðạo:
            - Có những bàn tay những tấm lòng
            Mười phương góp lại một Phương Ðông..
Hoặc là:
- Một ly nước mát cho anh
Ngọt ngào hương vị đạo lành là đây
Cùng nhau xây dựng chùa nầy
Khai quang sửa đất trồng cây Bồ Ðề
Tay sơn, tay mộc, tay nề                          
Tay phát cỏ dại tay tề rừng cây
Chánh pháp như đã tỏ bày
Ở trong Phật sự tháng ngày an vui.
                                                N.H.Q
Chùa Dược Sư, cái tên nghe rất là thân tình. Chùa Dược Sư ở Washington Seattle là ngôi Chùa nơi thế gian trần tục, nhưng nhìn xa một chút, chúng ta thấy: Ngoài hình ảnh của một ngôi Chùa hữu danh hữu tướng trong cõi Ta Bà nầy, người Phật Tử chúng ta còn một hình ảnh thánh thiện trong tâm, đó là Ðông Phương Tịnh Ðộ của đức Phật Dược Sư. Do đó mà hình ảnh hiện thực của ngôi Chùa là tiêu biểu cho thánh địa, là quốc độ của Chư Phật, để cho mọi người con phật có nơi quy kính hướng về. Trên con đường tu tập, bỏ giả tìm chân, dầu muốn dầu không chúng ta cũng cần nương tựa vào những hình ảnh giả tạm nầy để làm phương tiện cho việc tu học, trao dồi nội tâm để kiến tánh thành Phật, vì vậy mà ngôi Chùa trở nên quan trọng đối với mọi người có tâm cầu học. Khi nào thấy tánh rồi thì những hình ảnh huyễn mộng nầy sẽ không còn cần thiết nữa. Muốn như vậy thì ngay bây giờ chính là lúc mà chúng ta phải bắt đầu. Bắt đầu từ bây giờ cho việc tu tập tìm chân đạo cũng có nghĩa là ta đã khởi hành từ bờ mê để đi về bến giác. Cũng có nghĩa là chúng ta khởi hành từ cõi Ta Bà nhiều phiền lụy khổ đau để đi về Tịnh Ðộ. Tịnh Ðộ mà chúng tôi muốn nói trong phạm vi bài viết nầy là Ðông Phương Tịnh Ðộ của Ðức Phật Dược Sư. Chúng ta khởi hành từ bây giờ là từ trong đêm tối của vô minh tham vọng, cho đến khi hết đêm tối của vô minh tham vọng thì thấy được bình minh ở Phương Ðông ẩn hiện đó đây:
            - Ta ở cỏi Ta bà                     
Hạnh nguyện nên xuôi dòng 
Khởi đi từ chiều tối
Bình minh về Phương Ðông.
                                                N.H.Q
            Khi đã đến Phương Ðông, nơi đây sẽ viên dung lý đạo, không còn phiền lụy khổ đau, lúc bấy giờ ta lại từ Phương Ðông mà đi, đem ánh đạo vàng soi sáng thế gian:
            - Trời rạng ánh dương hồng
Ta đi từ phương Ðông            
Giữa trưa trời đứng bóng
Ðạo nhất thừa viên dung.
                                                N.H.Q
            Sau khi dọn dẹp phía trong để thiết trí điện Phật cho có chỗ lễ lạy, tu trì, công tác kế tiếp là quét dọn rừng Vô Minh. Những ngày đầu thật khó khăn lắm mới mở được lối thông được từ mặt đường vào bên trong. Sự khai phá nầy giống như chúng ta đang khai phá mảnh vườn tâm đạo để gieo trồng vào đó những hạt giống Bồ Ðề, nếu quả thật như vậy thì chúng ta đã tạo cho chính mình một lộ trình đi về Ðông Phương Tịnh Ðộ:
- Rừng hoang đã khai thông
Ðầu núi ánh dương hồng
Vạch một đường gió nổi
Mở lối về Phương Ðông.
                                                N.H.Q
            Công cuộc phát quang càng lúc càng tiến sâu vào trong rừng Vô Minh, lộ trình cũng thu ngắn lại, cỏ dại của Vô Minh cũng ít hơn, ngôi chùa hiện ra rất sáng sủa và rất đẹp. Cũng như người tu phật thấy được ánh sáng của đạo. Nhìn lại những thành quả đã thu gặt được sau bao ngày gian khổ, ngôi Chùa uy nghiêm dưới bầu trời trong xanh của vùng đất Seattle, cảnh trí rất là thơ mộng, Phật Tử cùng gọi nhau về chùa tu học rất đông. Vào Chùa Dược Sư là về với Ðông Phương Tịnh Ðộ của Phật Dược Sư, như trở về với quê hương Phương Ðông của chính mình, do đó mà thân tâm của mọi người con Phật thấy an lạc và có chỗ nương tựa vững vàng. Nơi đây Giáo Pháp Ðại Thừa được thuyết giảng để cùng nhau tu tập, và chia sẻ những kinh nghiệm trong việc hoằng dương chánh Pháp:
- Phát quang rừng vô minh
Ta đi tìm tuệ giác
Vào chùa Lễ Dược Sư
Thấy thân tâm an lạc
Washington rất đẹp
Bầu trời cao trong xanh
Như bầy chim về tổ
Ðàn con Phật thiền hành
Ngôi chùa mới tôn lập
Như tín hiệu an lành
Thầy, mười phương Phật Tử
Dốc tâm nguyện tu hành
Nguyện phụng thờ chư phật
Cúng dường đức Dược Sư
Trời Phương Ðông tỏ rạng
Soi sáng Pháp Ðại Thừa.
                                                N.H.Q
Khai quang rừng Vô Minh quả thật là một việc làm phi thường, cỏ dại thì nhiều, mà đám rừng cũng lớn, do đó mà người làm phía trước cỏ mọc phía sau, trùng trùng điệp điệp. Cỏ dại trên đất Chùa trong cuộc sống hiện thực như vô minh phiền não trong lòng. Vô minh phiền não như sóng biển liên miên bất tuyệt. Niệm niệm con người cũng thế, liên tục không bao giờ ngừng, hết duyên nầy thì đến duyên khác, kể cả xấu và tốt. Người phát cỏ thì mong cho sạch cỏ dại để an tâm. Người tu học thì niệm niệm mong sao cho hết vô minh phiền não, do đó mà thường cầu nguyện chư Phật trợ duyên, tinh tấn tu tập mong có ngày kiến tánh để an lạc:
- Vô minh cỏ dại quá dày
Chỗ kia chưa sạch chỗ nầy mọc lên
Từng ngày rồi lại từng đêm
Vô minh lớp lớp thêm phiền lòng ta
Thôi về niệm Phật Di Ðà
Cầu sao Tịnh Ðộ chan hòa cỏi tâm.
                                                N.H.Q
            Người làm vườn nếu không có kiên nhẫn đào gốc bứng rễ thì cỏ dại sẽ mọc lên lại rất nhanh. Cũng vậy, người tu hành nếu không có lòng kiên trì tu tập diệt trừ tham sân thì nghiệp chướng khởi dậy, công hạnh khó tròn đầy. Muốn cho con đường tu thuận lợi thì phải cần có thầy hay, bạn hiền để sách tấn, nhắc nhở cho nhau từng giây, từng phút, từng cử chỉ, lời nói. Học theo hạnh nguyện của ngài Phổ Hiền thì việc gì cũng là pháp môn tu, và bất kỳ nơi nào cũng tu tập được. Hiểu như thế thì việc dọn cỏ phát quang được xem như là bài học, một công án thiền:
            - Bầy pháp cỏ dại khuyến tu
            Làm sạch cỏ dại huệ như hiện bày
Phật tử hiệp sức với thầy
Vô minh cỏ dại từ nay không còn
Ta về lễ phật tạ ơn.
                                                N.H.Q
Như có lần đã nói ở trên, người làm vườn, ngày nào cỏ chưa sạch là dạ chưa bao giờ yên. Người tu đạo giải thoát ngày nào mà chưa minh tâm kiến tánh thì ngày đó còn phải nổ lực gắng công tu tập nhiều hơn nữa. Bởi vì phiền não còn thì đoạn đường đi đến kiến giải còn xa. Phiền não như cỏ dại, nên người tu tâm phải luôn luôn an trụ trong chánh niệm. Ðược như thế thì dù cho chừng trong giây lát vẫn cảm thấy đời an nhiên thư thái:
- Chưa làm sạch cỏ dạ chưa yên
Phiền não vương mang lấp mạch thiền
Nếu biết khéo tu trong một niêm
Vào đời an lạc cảnh như nhiên.
                                                N.H.Q
Có những tấm lòng của những Phật Tử vì đạo, hết sức quý kính, không những chính mình ra công tu tạo phước báo mà còn khuyến hoá người thân đóng góp công sức:
- Con có rảnh giúp chùa một chút
Con cần đi một phút về ngay
Việc xong con trở lại đây
Chùa chưa sạch cỏ con đây chưa về.
                                                N.H.Q
            Bao nhiêu ngày tháng cố gắng nổ lực cả thầy lẫn trò đều hăng say tích cực nhờ vậy mà phật sự sớm thành tựu. Quang cảnh chùa giờ đây trang nghiêm tốt đẹp hơn và đây cũng là lòng mong mỏi của tất cả mọi người. Sau những ngày làm công quả tu phước giờ đây chính là lúc thầy trò cùng nhau ngồi lại khai phá nguồn năng lực nội tại của chính mình. Phương thức khai phá đã sẳn có trong mỗi thời kinh, thời pháp được chư Phật, chư Ðại Bồ Tát, chư Liệt Vị Tổ Sư đã truyền trao đến chúng ta, phần còn lại cho sự thành tựu việc khai phá nầy là chúng ta phải  tích cực nhiều hơn:
- Bây giờ Chùa đã đẹp rồi
Con ngồi niệm Phật,
Thầy ngồi niệm tâm.
Niệm sao cho hết mê lầm
Chúng sanh Tịnh Ðộ
Ðường trần sạch trong.                        
Hướng về nước Phật phương Ðông
Mà nghe giải thoát
Khỏi vòng tử sanh.
Lắng nghe,
Thời Pháp,
Lời kinh.
                                                N.H.Q
            Trong công cuộc khai phá nguồn nội tại, là một công trình đòi hỏi khả năng và ý chí sắt đá mới có thể thành tựu được. Chư Phật thành tựu là do sự tu tập đã nhiều, các ngài vào đời chỉ vì tâm nguyện độ sanh chứ không phải vì nghiệp thức ràng buộc. Trái lại tất cả chúng sanh vào đời đều do nghiệp lực, vì thế mà muốn vượt khỏi bể khổ trầm luân thì phải đòi hỏi một ý chí kiên cường, thận trọng lắng nghe lời khuyên của thầy tổ, lời nhắc nhở của bạn hiền. Phải luôn luôn tinh tấn, đừng giải đãi buông lung lơ đểnh, đừng say mê sa ngã trong phút chốt để ngàn đời ân hận. Sự kiên trì tu tập giống như thuyền chèo ngược nước không tiến chắc chắn phải lùi:
- Chúng sanh tu Phật ngược dòng đời
Lơ đểnh xẩy chân nước cuốn trôi
Chư Phật xuôi dòng hành hạnh nguyện
Tâm không ngăn ngại đến muôn nơi.
                                                N.H.Q
            Khai phá nguồn năng lực nội tại chủ yếu là tìm lại bản tánh ban đầu. Bản tánh ban đầu là chân như thanh tịnh. Trong mọi người chúng ta ai cũng có bản tánh thanh tịnh, nhưng phần nhiều chúng ta quên đi. Pháp môn Tịnh Ðộ là pháp môn hướng dẫn hành giả niệm Phật tam muội, danh hiệu được trì tụng thường là danh hiệu đức Phật A Di Ðà. Ðức Phật A Di Ðà là tiêu biểu cho bản tánh thanh tịnh, vậy thì muốn trở về với bản tánh thanh tịnh chính mình là niệm đức A Di Ðà trong tâm của mọi người chúng ta:
- Chỉ cần hai chữ Di Ðà
Em về đãnh lễ
Di Ðà trong em.
Phật Pháp trải rộng mọi miền
Thấy Như thì đến
Thấy duyên thì dừng.
Nam mô chư Phật mười phương..
                                                N.H.Q
            Nơi nào có Chánh Pháp thì dù có vượt rừng, vượt suối gian khổ bao nhiêu đi nữa, nhưng vì lợi lạc bản thân, cũng như nhân loại đang cần những con người có tâm lượng Bồ Tát cứu độ họ trong cơn khổ sanh tử bức bách, chúng ta cũng phải lặn lội tìm kiếm, tu tập để mai kia mang chân đạo tùy duyên mà hoá độ mọi người:
- Ta đi ngược lại về xuôi
Trăm sông cũng vượt vạn đồi cũng qua
Ta đi theo pháp Di Ðà
Muôn phương Tịnh Ðộ muôn nhà yên vui.
Ta đi mà chẳng luân hồi
Tùy duyên hiện tướng tùy nơi an bày
Ta về đãnh lễ Như Lai
Làm thơ độ nhật xoá bày có không.
                                                N.H.Q
            Trong công cuộc tìm về với chính mình nếu là thuận duyên thì hãy tự vui mừng vì mình có đủ phúc duyên. Nếu gặp những chướng duyên thì phải cố gắng nổ lực để vượt qua. Tu là phải hành, nếu không có đau khổ thì thành quả không viên mãn, nếu không có gian nan thì không hạnh nguyện không kiên cố. Chướng duyên là thử thách để chúng ta vượt qua. Chướng duyên là những trắc nghiệm khả năng chịu đựng đối với người có lòng hướng thượng và hướng thiện. Vượt qua được thì chướng duyên là những bậc thang cho chúng ta bước lên địa vị Bồ Tát, và Phật. Gương Bồ Ðề Ðạt Ma Tổ Sư còn đó:
- Lòng như đã nguyện với muôn duyên
Ðạo Pháp trao tay chẳng lụy phiền
Quán chiếu nguyên không tâm cảnh vắng
Hồi quang diệu hữu đạo nhà thiêng
Pháp môn vô lượng như còn thiếu
Viên giáo nhất thừa chẳng lẽ riêng
Mật pháp Nhất Hoa sanh ngũ diệp
Ta ngồi diện bích với tình nguyên.
                                                N.H.Q
            Trở về với nỗi cô liêu tuyệt đối của chính lòng mình, để nghe tiếng nói sâu thẳm của tự tâm, mà lòng không vướng bận bụi trần.
Phiền não sẽ rơi rụng như những chiếc lá mùa Thu rơi rụng vàng úa trên sân:
- Lá ơi lá rụng thật nhiều
Ðể em quét hết lá chiều hôm nay
Lá nhiều công đức thêm dày
Lá rơi về cội, cội đầy lá rơi.
                                                N.H.Q
Phiền não không còn, tuệ giác bừng tỉnh. Tiếng chuông Chùa đâu đây như thức tỉnh giấc ngủ ngàn đời trong cơn mê luân hồi sanh tử. Tiếng chuông cõi Phương Ðông thúc giục mọi người con phật mang tuệ giác lên đường để trao truyền cho nhân loại:
- Trong cơn tỉnh giấc ngu ngơ
Thoảng nghe có tiếng chuông chùa Dược sư
Trăm con nước chảy về sông
Lòng không vướng bận sao không lên đò.
N.H.Q
            Mớ hành trang tuệ giác đã sẳn sàng trao truyền cho nhân thế. Những ai ý thức đời là hoa là mộng, là phiền não đa đoan thì xin hãy trở về với Phương Ðông, đảnh lễ Ðức Phật Dược Sư và thưởng thức một chén chè sen thơm ngon đầy đủ hương vi giải thoát:
- Cho em một chén chè sen
Em ăn cho ngọt tâm thiền tâm như
Tâm như em lễ Dược Sư
Tâm thiền em lễ tâm từ tâm em
Chè sen dược thảo trăm miền
Từ miền cực Lạc đến miền trần gian
Trị lành trăm bệnh đa đoan
Chữa lành tâm bệnh ngàn vàng khôn mua
Trăm công ngàn việc bốn mùa
Chè sen một vị cho vừa lòng em
Cảnh đời còn lắm bon chen
Chè sen diệu mát ưu phiền lắng trong.
Em về đảnh lễ phương Ðông.
                                                N.H.Q
            Nếu không thấy được hương vị của đạo hạnh thì dù cho hạt giống Bồ Ðề có đó nhưng cũng khó phát triển. Do đó mà người được trao truyền phải thành tâm thành ý hành trì. Chính hành giả phải mặc áo hoại sắc, hay còn gọi là áo giáp nhẫn nhục của Như Lai, trước là để trang nghiêm tự tâm, sau là trang nghiêm quốc độ:
- Tặng em một chiếc áo tràng
Ðể em lễ Phật đàng hoàng nghe em
Người ta tu nổi tu chìm
Chúng mình tu Phật nên duyên Bồ Ðề
Duyên Bồ Ðề trăm bề khó gặp
Hãy quy y tu tập ngày đêm
Tự tâm quốc độ trang nghiêm
Công phu lễ phật thật hiền thật ngoan
Cùng vui dưới ánh đạo vàng
Áo tràng hoại sắc đạo tràng chân như.
N.H.Q
            Khi ý thức được sự tu tập, trước hết là phải thấy vô thường, vì vô thường là một trong Ba Pháp Ấn quan trọng trong Ðạo Phật. Vô Thường là Thể, Chân Không là Dụng. Thấy được như vậy, thì cho dù là được, là thua, là khôn là dại, tất cả đều không phải là đối tượng để bàn luận:
- Ta đi cầu đạo Bồ Ðề
Ðạo vốn vô tự ta về tay không
Tay không nghe cũng ấm lòng
Tâm kinh bát nhã ta đồng tiêu dao.
                                                N.H.Q
Chưa đạt được Tâm không thì hãy khiêm nhường tịnh tâm tu tập. Cần tịnh tâm để trở về với cõi lòng chân thật đúng nghĩa, chứ không phải ngồi tịnh tâm để thấy tiền tài, danh lợi, ganh tỵ, nuối tiếc những phát tâm buông xã trong phút bốc đồng, để rồi cuối cùng làm chướng ngại Thánh Ðạo và vô tình phá hoại Ðạo Pháp, làm trò cười cho mai hậu:
- Khôn ngoan thì cũng vô thường
Dẫu rằng vụng dại cũng tuồng Pháp như
Ta về đảnh lễ Dược Sư
Cầu sao thoát khỏi bến bờ tử sanh
Vượt qua bến giác thỏa tình
Bon chen cũng bỏ rẻ khinh cũng từ
Lợi danh như thể phù du
Giữ tâm thanh tịnh chân tu mới thành
Thôi đừng ganh tỵ đua tranh
                                                N.H.Q
            Khi phiền não không còn, người tu tập sẽ rất an lạc an lạc:
- Chiều chiều đứng ngắm cảnh chùa
Trăng soi ngọn trúc gió đùa cờ hoa
Sắc Thu phong nhuộm mầu đà
Không vương cõi mộng an hòa cõi tâm.
                                                N.H.Q
Người hướng dẫn cũng an nhiên tự tại, đi đi lại lại trong cuộc đời mà không có một chút vướng bận:
- Treo bình trên đầu gậy
Phong kiếm giữa trời mây
Chân bước cao bước thấp
Ung dung nhàn mà thôi.
                                                N.H.Q
            Hoặc là:
- Vườn thiền dạo bước mà chơi
Mượn câu thơ đạo ru đời lãng quên
Trăng thanh gió mát mọi miền
Xôn xao tri kỷ, tri âm mấy người.
                                                N.H.Q
            Công cuộc kiến tạo Chùa, khai phá rừng Vô Minh hiện thực như là khai phá nguồn năng lực nội tại chính mình trong cuộc sống hiện tại được viên mãn, như vậy hành trình về cõi Phương Ðông của Ðức Phật Dược Sư, là điều hiện thực chứ không còn mơ mộng:
- Ðêm nay trăng đã về ngôi
Trăng soi khắp cả đất trời hư không
Nguyệt Quang Bồ Tát vui mừng
Nguyện đem ánh sáng cúng dường Như Lai.
                                                N.H.Q
--o0o--