Thư Xuân
Biết Gởi Về Ðâu
Nhất Quán
--o0o--
 
            Sau biến cố 1975, mọi sinh hoạt trong gia đình có liên hệ với chính quyền cũ gần như bế tắc. Một trong những khó khăn đó là con em của sĩ quan thuộc chế độ cũ không có quyền ưu tiên đi học. Gia đình Phượng cũng cùng chung trong số phận đó. Vì tương lai các con nên mẹ Phượng quyết định vượt biển, trong lúc ba Phượng con đang kẹt trong trại cải tạo.
            Ðưọc định cư ở Mỹ là một sự may mắn, mọi người thường nói như thế. Tuy nhiên đối với Phượng lại khác, Phượng cảm thấy cô đơn lạc lõng trong xã hội vật chất nầy, mặc dầu Phượng được đi học và tương  lai sẽ xán lạn hơn. Phượng thích cuộc sống ở tại quê nhà, vì dầu sao đi nữa cũng là nơi chôn nhau cắt rún, nhất là những lúc về chiều, trên bến Ngự mọi người tấp nập, duới sông Hương nước lững lờ trôi. Hình ảnh đẹp của Huế, nơi chào đời của Phượng thật mộng mơ, dễ thương yêu nhung nhớ.
            Một phần vì để khỏa lấp nếp sống cô lẻ nơi xứ lạ quê ngưới, một phần vì sự giúp đở của nhà thờ, nên mẹ Phượng thường dẫn gia đình đi lễ vào sáng Chủ Nhật. Cũng từ đó Phượng bắt đầu biết đạo.
            Thói quen của Phượng là mỗi buổi chiều đi học về, Phượng thường ra đứng trước cửa sổ rũ tóc, chải tóc và ngắm mây trôi. Ðồng thời cũng để nghe tiếng tụng kinh gõ mõ vang vọng từ một ngôi chùa bên cạnh nhà Phượng. Âm điệu là lạ khác hẳn với lối đọc Thánh Kinh ở nhà thờ, nơi Phượng thường đi lễ. Ban đầu âm điệu khác lạ đó không làm cho Phương mấy thích thú, nhưng có lần Phượng đi học về trễ, thời tụng kinh cũng đã xong, nên Phượng chỉ đứng rũ tóc chãi tóc mà trong tâm tư dường như có một cái gì thiếu vắng. Cũng từ đó Phượng mới biết thói quen và lời kinh cầu đã thâm nhập vào tiềm thức của Phượng từ bao giờ mà Phượng không hay biết.
            Như mọi buổi chiều, tiếng kinh cầu vang vọng trong tai, trong cuộc sống hiện tại của Phượng. Nhưng hôm nay một âm điệu mới lạ trẻ trung hơn, ngân nga trầm bổng hơn. Có những lúc âm vang cao vút như rồng thiên cuộn gió, có những khi trầm hẳn vào hư vô như gió thoảng mây bay. Có những lúc tha thiết như lời nguyện cầu gọi người sớm quay đầu vể nẽo giác. Có những khi nhẹ nhàng như mẹ hiền ru con ngủ. Ban đầu Phượng ngạc nhiên vì lời kinh cầu huyền diệu đó, tuy nhiên cũng làm Phượng thích thú. Vì lời kinh cầu làm cho Phượng cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản trong tâm hồn. Dòng thời gian cứ âm thầm trôi chảy, và lời kinh cầu của những lúc về chiều ấy, cũng đã thâm nhập vào tiềm thức của Phượng. Một động cơ vô hình thúc đẩy tính tò mò sẳn có, và cuối cùng Phượng đã biết lời kinh cầu huyền diệu đó là tiếng đọc kinh của một Chú Tiểu độ khoảng 18 hoặc 20. Thấy người quen tiếng, nhưng không biết tên, vì lẽ dễ hiểu là Phượng chưa một lần tiếp xúc. Phượng không dám gần gũi vì nghĩ mình là phận con gái, con nhà có giáo dục, đã vậy lại thường theo mẹ đi nhà thờ, dầu cho là không phải ý của Phượng. Nhưng dẫu sao đi nữa đó cũng là một khoảng ngăn cách đủ để Phượng khó mà tiếp xúc, mặc dầu trong thâm tâm của Phượng rất muốn làm quen với Chú Tiểu ấy để tìm hiểu sự tu học trong nếp sống của thiền môn.
            Chiều nay như thường lệ, phơi tóc,  chãi tóc xong, đáng lý Phượng vào trong phụ mẹ để nấu bếp, nhưng không hiểu tại sao Phượng cứ chần chờ, nôn nóng đi qua lại trước hành lang như trông ngóng, chờ đợi một cái gì? Phải, Phượng nôn nóng chờ đợi một âm điệu của lời kinh cầu nguyện nồng ấm, thân thiết, trìu mến từ một Chú Tiểu mà Phượng hằng ao ước muốn được làm quen. Phượng tiếp tục chờ đợi. Phượng tự hỏi:
            - Quái lạ, hôm nay đã 6:30 rồi mà vẫn chưa thấy Chú ấy tụng kinh, tại sao?
            Trong lúc Phượng còn đang thắc mắc, thì ánh mắt của Phượng chợt sáng rực vì từ sau hậu điện của Chùa, một bóng áo vàng thấp thoáng tiến về chánh điện. Phượng đứng lặng lẽ hồi hộp, chờ đợi để thưởng thức tiếng kinh cầu huyền diệu quen thuộc. Cũng như mọi lần, tiếng chuông mõ ngân vang, và sau đó lời kinh cầu, nhưng hôm nay âm điệu lại khàn khàn chứ không thảnh thót như mọi ngày. Ban đầu Phượng cứ ngỡ là nhà sư nào đó đã thay thế cho Chú Tiểu để phụ trách buổi lễ chiều nay. Nhưng nhìn kỷ, thì ra vẫn Chú Tiểu quen thuộc mà Phượng đã biết. Phượng đoán có lẽ Chú ấy đau thì phải? Tâm tư còn đang suy nghĩ thực hư về con người mà Phượng chưa từng tiếp xúc, thì đột nhiên tiếng kinh cầu dứt hẳn, tiếp theo đó là một tiếng bịch, một bóng người ngã dài trong chiếc áo vàng trước chánh điện. Phượng hoảng hốt kêu lớn.
- Trời ơi! Chú Tiểu ấy đã té, tại sao vậy?
Phượng đứng run rẩy như cành liễu trước gió, vì không biết làm sao để cứu người trong lúc hoạn nạn. Nhìn trước nhìn sau trong chùa không có một bóng người, Phượng muốn vượt rào chạy qua để giúp Chú. Tuy nhiên từ khi nhà dời về đây hơn một năm, Phượng chưa từng đặt chân đến cửa Chùa vì Phượng theo đạo Chúa, một phần vì gia giáo nghiêm ngặt, cho nên Phượng không biết gì nhiều về người bạn láng giềng, một phần Phượng không dám ra ngoài giờ nầy vì sợ mẹ la ham chơi, nên Phượng hết sức e ngại. Suy tới nghĩ lui, mắt nhìn bóng người rũ dài trên điện Phật, Phượng cảm thấy xót xa, rối loạn. Cuối cùng lương tâm nhân đạo của con người không cho phép trước hoàn cảnh nguy khốn, nên Phượng quyết định phải cứu người trong lúc cần phải hy sinh danh dự của chính mình. Thế là Phượng vượt rào chạy bay vào điện Phật, đến bên cạnh Chú Tiểu, Phượng cảm thấy lòng mình xao xuyến, tay chân run rẩy khi nhìn thấy đôi mắt của Chú Tiểu nhắm nghiền, mặt xanh ngắt không còn một hột máu. Sợ quá, một lần nữa Phượng lại chạy lui chạy tới, tìm kiếm trước sau coi có người nào khác có thể giúp Chú không? Nhưng khung cảnh Chùa vắng, không có một bóng người, nên Phượng đành quay trở lai chánh điện, dùng hết sức mình để dìu Chú vào một góc tường bên cạnh. Thân hình của Chú không lớn lắm, nhưng sức con gái, nên Phượng phải chật vật, khó khăn lắm mới đặt Chú vào góc tường như ý định. Sau đó Phượng vội vã chạy vào bếp mở nước nóng và dùng khăn tay của mình hấp nóng để đắp lên trán cho Chú, với hy vọng Chú sẽ sớm tỉnh lại. Trong lúc ngồi chờ đợi, nhìn khuôn mặt hiền hậu nhưng thông minh của Chú, Phượng chợt cảm thấy trong lòng có một sự cảm mến lạ lùng. Như có lần Phượng đã suy đoán, có lẽ Chú ấy cũng vào tuổi của Phượng hoặc lớn hơn hai ba tuổi là nhiều, nhưng có lẽ Chú sống trong nếp sống thiền môn lâu ngày, và được sự huấn luyện của sư phụ nên Chú có vẻ đạo mạo quá.
            Ngồi bên cạnh Chú Tiểu trong một ngôi Chùa vắng người vào lúc hoàng hôn, nhưng Phượng cảm thấy ấm áp lạ thường. Chính Phượng cũng không hiểu tại sao, một con người ngoan đạo như Phượng, vả lại là thân gái mà có thể chăm sóc một người xa lạ dưới mái Chùa cổ kính nầy. Con người nầy là ai, tên gì, từ đâu đến, cho đến giờ phút nầy Phượng vẫn chưa biết lai lịch của Chú? Còn đang đăm chiêu suy nghĩ, chợt nghe tiếng thảng thốt của Chú Tiểu:
            - Ủa cô là ai, sao lại đến đây giờ nầy?
            Nghe tiếng nói Phượng giật mình trở về với thực tại. Thì ra Phượng còn đang miên man suy nghĩ thì Chú ấy tỉnh lại lúc nào mà Phượng không hay. Tuy mừng rở nhưng Phượng vẫn giữ vẻ bình tĩnh đáp lại:
            - Nhà Phượng ở bên kia kìa, vừa nói Phượng vừa đưa bàn tay chỉ về hướng nhà mình, nơi của sổ nho nhỏ, chỗ Phượng thường đứng phơi tóc và nghe tụng kinh. Nuốt xong nước bọt Phượng nói tiếp:
- Thấy Chú đang tụng kinh đột nhiên ngã lăn ra, Phượng thấy không có ai nên mới mạo muội qua đây để giúp Chú. Nói đến đây Phượng chợt nhớ đến lúc nãy, khi đẩy, khi lôi kéo..v..v.. chợt nhiên mặt Phượng đỏ lên vì hổ thẹn và không nói ra lời, nên cứ ấp a ấp úng mãi.
            Như không để ý đến thái độ ấp úng của Phượng, Chú Tiểu gật đầu nói:
            - À, thì ra là như vậy, tôi thành thật cảm ơn cô nhé.
            - Ở đây đâu có cô nào, chỉ có mình Phượng thôi. Chú đừng xưng hô như vậy Phượng không chịu đâu.
            - Cô tên là Phượng à, tên đẹp quá nhỉ?
            - Phượng thì tên Phượng còn Chú thì tên gì, tại sao lại ở Chùa có một mình, trong lúc Chú đau yếu lại không có ai giúp đỡ Chú hết vậy?
             Phượng liến thoắng ngồi bên cạnh hỏi han trò chuyện, và quên đi những sợ hãi ban đầu, quên đi mình đang nói chuyện với một người xa lạ, khác phái trong khung cảnh hoang vắng, cổ kính nhưng ấm áp.
- Tôi tên T. T. Theo thầy vượt biển qua đây cũng hơn năm năm, nhưng vì bận một vài chuyện nên phải ở lại Nữu Ước một thời gian, trong lúc Thầy tôi về California trước. Xong chuyện rồi tôi mới về đây với Thầy tôi, đến nay cũng hơn sáu tháng. Cha mẹ anh em tôi còn ở lại Việt Nam.
Biết Chú Tiểu qua đây chỉ có một mình nhưng Phượng vẫn hỏi:
- Vậy Chú qua đây chỉ có một mình phải không?
- Vâng , tôi qua đây chỉ có một mình.
- Chú có cảm thấy buồn, và nhớ cha mẹ chú không?
- Buồn thì có buồn vì đã xa gia đình và quê hương, lúc muốn quay về thăm thì cũng hơi khó. Nhưng cũng có một phần an ủi vì tôi ở Chùa từ thuở bé, cho đến lớn và trưởng thành đều nhờ cơm áo của thập phương bá tánh, cho nên dù ở đây hay ở Việt Nam thì thân bằng quyến thuộc của tôi cũng là bá tánh. Còn về phần Cha Mẹ, thì tôi theo Thầy từ lúc nhỏ nên tình gia đình, Cha Mẹ tôi coi như là một đại ân nhân, vì người đã sinh ra tôi. Do đó nhớ thì không có nhớ, vã lại trong thời Công Phu Sáng Ðức Phật cũng có dạy:
- Tương thử thâm tâm phụng trần sắc
Thị tắc danh vi báo Phật ân.
            Theo ý nghĩa nầy tôi cố gắng tu và học hỏi cho giỏi, làm cho cha mẹ tôi mừng là báo đền công ơn sanh thành của người rồi. Hơn nữa cha mẹ biết tôi đang sống gần thầy hay, bạn tốt chắc ông bà cũng yên tâm, nên tôi cũng không có gì lo lắng cả.
            Phượng ngồi lắng nghe Chú Tiểu nói về đạo lý, mặc dầu Phượng không hiểu cái gì là: Tương thử thâm tâm phụng trần sắc, cái gì là thị tắc danh vi báo Phật ân, tuy nhiên Phượng cũng biết Chú Tiểu ở Chùa lâu năm nên am hiểu về Phật Pháp nhiều, và những gì mà Chú đang nói tất nhiên phải hay. Có lẽ là Phượng có nhiều thiện cãm với Chú, nghĩ như vậy Phượng gật đầu tán thưởng. Chờ cho Chú Tiểu nói dứt lời, Phượng tiếp theo:
            - Chú học với ai mà nói hay quá vậy? Thế nào tôi cũng phải học hỏi đạo lý với Chú đó, Chú có bằng lòng dạy cho tôi không?
            Phượng liến thoắng mà quên đi mình là người đạo Chúa.
            - Thầy Bổn Sư tôi dạy. Việc dạy thì tôi không dám, nhưng nếu Phượng không chê tôi dốt, tôi biết gì thì chỉ cho Phượng cái đó.
            - À Chú, Thầy của chú ở đâu mà nãy giờ tôi không thấy?
            - Thầy tôi đi làm phật sự ở tiểu bang khác đã hơn ba hôm rồi, có lẽ cũng sắp về nay mai. À, cô Phượng, cô thích học giáo lý, có lẽ gia đình của cô phải là một Phật Tử thuần thành, vậy sao tôi không thấy cô và gia đình đi về Chùa lễ Phật?
Nghe Chú Tiểu hỏi đến đây Phượng mới giật mình, vì gia đình Phượng là Ðạo Chúa chứ không phải là đạo Phật. Phượng là con người thông minh và thầm kín, nên Phượng không muốn cho người bạn trẻ mới gặp biết được sự khác biệt giữa hai đạo, vì rất có thể đưa đến sự ngăn cách bởi vách tường tôn giáo. Nếu đem so sánh giữa hai tôn giáo, thì Phượng thấy tôn giáo nào cũng tốt, vì mục đích cả hai đều cứu nhân độ thế. Nhưng nếu bảo Phượng lựa chọn vào khoảng thời gian trước đây thì chắc chắn Phượng sẽ chọn Ðạo Chúa. Theo Ðạo Chúa, trên dưới có hệ thống, có tổ chức hẳn hoi, điều nầy cũng làm cho Phượng rất thích thú. Bởi vì rất ít khi có một tổ chức tôn giáo có tầm vóc ảnh hưởng như một quốc gia nằm trong một quốc gia, và có khả nămg chi phối cả thế giới. Như vậy bảo sao Phượng không tự hào về tôn giáo mà Phượng đang theo cho được. Còn trong lúc nầy, tức là sau khi nói chuyện với Chú Tiểu thì chắc chắn Phượng sẽ chọn Ðạo Phật, vì Phượng thấy Ðạo Phật không có một hệ thống tổ chức quy mô về hình thức như Ðạo Chúa, nhưng nó lại bàng bạc khắp nơi theo tinh thần tự nguyện, tự phát của mỗi con tim yêu đạo và vì đạo. Từ lúc được nói chuyện với Chú Tiểu đến giờ, điều làm cho Phượng phải suy nghĩ đó là:
- Nếu Ðạo Phật không phải là một tôn giáo có đạo đức vững chãi, thì không thể đào tạo một con người trẻ mà có cái phong độ như người lớn, và tài ăn nói lưu loát, hoà nhã khiêm tốn như vậy. Trong tâm tư của Phượng lúc nầy đã có chủ ý, và thái độ dứt khoát là học hỏi và tu tập theo đạo Phật. Tuy nhiên Phượng là người cơ trí lanh lẹ, nên Chú Tiểu không dễ gì thấy được điều khác biệt về sự quyết định mau lẹ đó, nghĩ như thế nên Phượng nói:
            - Vì nhà Phượng mới dọn tới, do đó việc lễ lạy phải chờ đợi thời gian.
            Như chợt nhớ là đã đi ra ngoài quá lâu, Phượng hoảng hốt:
            - Í, xin lỗi Chú nhé, Phượng phải về không thôi bị me mắng, vì tội đi ra ngoài không xin phép. Chào Chú gặp lại sau nghe Chú.
            - Thành thật cảm ơn cô đã giúp tôi, nếu không thì tôi...
            - Thôi Chú đừng nói vậy, Phượng buồn lắm đó, vì giúp người là lẽ thường mà.
            Nói xong Phượng vội bước nhanh ra cửa đại điện trong cảnh hoàng hôn cô tịch.
            Nhìn theo bóng dáng thon nhỏ đầy đặn với mái tóc đen huyền phủ kín bờ vai chảy dài xuống tới nửa lưng, mà trong lòng Chú Tiểu như có một niềm vui mới lạ. Chờ cho bóng dáng của Phượng khuất sau mấy khóm trúc, Chú Tiểu mới bắt đầu đứng lên chầm chậm bước về phòng riêng của mình. Từ đó mỗi buổi chiều về, lúc tụng kinh trong tâm tư của Chú Tiểu hăng hái lắm, nên lời kinh cầu càng ngân nga trầm bổng hơn trước. Vì Chú nghĩ bên kia bờ rào, nơi cửa sổ nhỏ bé, đã và đang có người bạn theo dõi, thả hồn theo tiếng kinh cầu nguyện của mình
                                   
*   *   *   *   *
            Hai năm sau trong một lớp học Biology tại Valley College lúc 6:30 chiều trời bắt đầu mưa. Mưa càng lúc càng nặng hột mà khoảng cách từ lớp học ra ngoài bãi đậu xe thì quá xa, nên Phượng không dám đi ra xe vào lúc nầy vì sợ ướt mình. Cũng may, Ái bạn của Phượng có dù nên cả hai cùng đi ra bãi đậu xe. Phượng mừng vui vì nghĩ là ra được đến xe rồi thì về nhà sẽ không bị trễ. Trong lúc Phượng đang hì hục đề máy xe, thì Ái đã được người bạn trai đón đi rồi. Ðề máy một lúc lâu không được, Phượng mới phát giác ra xe mình vì quên tắt đèn lúc ban sáng nên đã hết bình điện. Phượng cuống quít hỏi mọi người chung quanh để nhờ sự giúp đỡ, nhưng tất cả đều trả lời là không có dây để câu bình. Hạt mưa vô tình vẫn rơi rơi, bãi đậu xe càng lúc càng vắng người, và vắng đến độ khủng khiếp giữa trời chiều mưa nhé nhem tối. Phượng ngồi trong xe giọt ngắn giọt dài, bắt đầu thi nhau chảy dài trên má. Niềm hy vọng duy nhất của Phượng trong lúc nầy là mong sao có người Security nào đó chạy ngang qua đây, Phượng sẽ nhờ họ giúp đỡ. Phượng bắt đầu niệm Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát, theo lời Chú Tiểu dặn là mỗi lần gặp các khổ nạn mà niệm đến danh hiệu của Ngài, thì sẽ được giúp đỡ như ý muốn. Vì thế nên Phượng thì thầm niệm rất là thành khẩn. Trong lúc đang khấn niệm thì có tiếng còi xe vang vọng te te dưới mưa đêm, tiếp theo đó là một giọng ấm áp quen thuộc hỏi:
            - Ủa, đã tối rồi mà Phượng chưa về nhà sao?
            Nhìn ra cửa xe, Phượng mừng rở trong khi mí mắt còn ướt lệ:
            - Ủa Chú, sao Chú biết tôi ở đây mà Chú đến, Chú ngồi vào trong xe không thôi trời mưa ướt mình.
            Ngồi vào trong xe, Chú Tiểu ôn tồn nói:
            - Thực ra đây là một sự may mắn thôi. Vì cách đây không lâu có lần tôi nghe cô nói đang học lớp Biology và một số courses để dự bị vào Trường Dược. Chiều nay tôi định tìm cô để từ giã, vì tôi sắp phải đi học ở xa, không dè từ Northridge về đây trời mưa, đường trơn nên không dám chạy  nhanh, vì thế nên tôi tới đây hơi trễ. Chỉ sợ không gặp cô hôm nay, nhưng có lẽ nhờ Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát gia hộ,  nên cuối cùng tôi cũng được gặp cô, thật là may mắn.
            Nghe Chú Tiểu nói sắp đi học ở xa, Phượng ngạc nhiên hỏi:
            - Chú học về ngành gì mà phải đi học ở xa, bộ ở đây kkhông có ngành đó cho Chú học hay sao?
            - Không dấu gì Phượng, tôi vừa học xong dự bị y khoa, và được một trường Y Khoa ở ngoài tiểu bang nhận vào học tháng 9  năm nầy. Tuy nhiên vì phải thay thế Thầy tôi làm một vài Phật sự ở các tiểu bang khác, nên tôi phải đi sớm, và sau đó sẽ bắt đầu cho việc học.
            Phượng nói như trách móc:
            - Vậy mà Chú dấu Phượng, quen Chú bấy lâu nay mà có bao giờ Chú đề cập gì đến việc học đâu, bấy giờ mới biết thì chú sắp đi xa rồi.
            - Thật ra tôi đâu có ý định dấu cô, nhưng vì phần lớn Phật Tử của Thầy tôi, biết tôi đi học y khoa họ phản đối không đồng ý. Vì theo họ thì tăng sĩ không được va chạm tới thân thể đàn bà con gái, mà học y khoa là phải va chạm, nhất là khoa nội thương và Sản Khoa. Những khoa nầy không những chỉ có va chạm, mà còn phải biết một cách tường tận. Do đó mà các Phật Tử họ cho rằng việc đó là một trở ngại lớn cho giới tu sĩ, chung quy là họ sợ tôi bỏ tu. Ngay cả thầy tôi tỏ ra cũng không đồng ý, tuy nhiên thấy tôi năn nỉ, nên Người cũng đành chiều theo. Còn riêng về cô, tôi không biết là người thế nào, nên không tiện nói chứ không phải tôi dấu cô.
            - À, ra là vậy, thế thì chừng nào Chú đi làm Phật sự?
            - Có lẽ chiều mốt.
            Phương nói trong buồn rầu:
            - Chú, bộ chú đi thật sao? Chú đi xa rồi có còn nhớ nhỏ Phượng rắc rối nầy không? Mỗi lần gặp Chú là Phượng thích tranh luận, chọc tức, Chú có tức nhỏ nầy không Chú?
            - Không có đâu, có gì mà phải tức giận. Việc tranh luận là việc của tôi mà.
Ðể chứng minh là mình không có giận như Phượng đã nghĩ, Chú Tiểu phân trần tiếp:
- Cô biết không, tôi thích tranh luận lắm đó, nhưng từ khi qua Mỹ cả mấy năm nay tôi chưa có dịp để tranh luận một cách sôi nổi như lúc còn ở quê nhà. Tôi có một người sư huynh, ông ta đã mất cách đây mấy năm rồi, ông ta cũng là mẫu nguời thích tranh luận và học hỏi. Tôi còn nhớ có lần hai huynh đệ tranh luận về đề tài Có và Không. Cuộc tranh cãi lúc 8:30 tối, tức là sau thời Tịnh Ðộ. Việc tranh luận càng lúc càng hăng, Thầy tôi nghe cãi cọ ồn nào, nên ông bảo một sư huynh khác stop không cho cãi với nhau nữa. Sợ Thầy la, hai huynh đệ không dám ở trong nhà, nên phải dắt nhau ra sân tranh luận tiếp cho đến 12:00 đêm cũng chưa chấm dứt. Một lần nữa, Thầy tôi lại bắt đi ngủ sớm để sáng dậy công phu. Vì câu chuyện chưa được kết thúc, nên một lần nữa hai anh em lại dắt nhau ra ngoài vườn sau chùa để tiếp tục. Cuộc tranh luận kéo dài đến 4:00 sáng, thế là hai huynh đệ dắt nhau vào đi công phu sáng luôn. Việc cô tranh luận với tôi, so với sư huynh thì có ăn thua gì, phải không? Bình thường trong lúc tranh luận ai cũng cố tranh phần thắng. Tuy nhiên, điễm quan trọng là làm sao, giữ cho mình đừng sân hận thì việc tranh luận mới có ý nghĩa và kết quả. Nghĩa là sau khi tranh luận, cả hai cùng chấp nhận một điểm đúng, có được như vậy thì việc tranh luận bổ ích vô cùng, vì mình có thể học hỏi thêm. Còn nói về nhớ cô, đương nhiên có chứ, vì cô là người đầu tiên tôi quen, lý do đó thì cô biết tại sao tôi tìm đến đây để từ giả.
            - Thiệt hả Chú, Chú nói thế làm Phượng sung sướng quá. Như không kiềm chế được sự xúc động, Phượng quay qua nắm chặt lấy tay Chú Tiểu, nhưng sau những phút giây bồng bột đó, Phượng buông tay ra và nói trong hối hận:
            - Xin lỗi Chú, Phượng sung sướng quá nên đã xúc phạm, và làm Chú phải phạm giới, mong Chú thứ lỗi.
            Vẫn với giọng trầm ấm không thay đổi, Chú Tiểu nói tiếp:
- Không có việc chi phải xin lỗi, chúng ta là bạn đâu có gì mà nói là xúc phạm. Ngừng một chút để tằng hắn chú Tiểu nói tiếp:
- Những gì mà tôi đã làm cô vui thì tôi không sợ phạm giới. Tôi cũng là con người trần tục như bao nhiêu con người khác, nhưng cảm thấy là tôi được thấm nhuần giáo lý của Ðức Phật một phần nào. Cái tôi thấy là tinh thần của Phật Giáo Ðại Thừa là một tinh thần siêu thoát, vượt hẳn mọi phạm vi hữu hạn của trần tục. Tôi nghĩ thể nhập được như thế thì mới lãnh hội được cái tinh thần cứu khổ ban vui, là cửa ngõ bước vào thế giới mênh mông bát ngát của Ðại Thừa Bồ Tát, như vậy thì làm sao lại phạm giới hay không phạm giới. Vả lại tinh thần của Phật Giáo Ðại Thừa còn có một điểm đặc thù nữa là:
- Chư Ác Mạc Tác,
Chúng Thiện Phụng Hành,
Có nghĩa là:
- Bất cứ một việc gì được coi là ác thì đừng nên làm.
Bất cứ việc gì được coi là thiện thì hàng đệ tử của Phật phải làm.
Ðó rồi chúng ta mới hiểu tại sao chư Phật, Chư Tổ, Chư Vị Thiền Sư trên đườmg tu tập để giải thoát phải trang trải bằng tâm nguyện, có nhiều khi phải trả giá thật đắt bằng máu, bằng nước mắt để hoàn thành tư cách của một bậc Ðại Thừa Bồ Tát.
- Không ngờ từ ngày quen Chú đến nay, Phượng đã mở mang rất nhiều về phương diện kiến thức, nhất là Chú có một cái lối nhìn đời thật độc đáo. Một cái nhìn không khe khắt bảo thủ như một số quan niệm: Ði tu rồi thì không màng đến thế sự, Phải xa rời trần tục mới có thể tu  được đạo giải thoát. Ðặc biệt là hôm nay chú giúp Phượng hiểu thêm về chiều sâu của Phật Pháp, đó là dụng tâm chứ không phải dụng tướng, khéo xử dụng phương tiện để đạt tới cứu cánh. Như vậy giờ đây Phượng mới hiểu tại sao Ðức Phật lại không về cảnh Tây Phương để thành Phật, hoặc cõi Trời Ðâu Suất, hay các cảnh giới Cực Lạc khác để thành Phật mà ngài ở cảnh giới Ta Bà ô trọc để mà thành Phật. Có  thể nói đời Ngài là một cái ô trọc đứng vững trong muôn vạn cái ô trọc khác để giáo dục họ, để thánh thiện hoá đời sống của họ, để rồi tất cả cùng giải thoát thật là tuyệt diệu.
Như chợt nhớ ra điều gì, Chú Tiểu nhìn đồng hồ đeo tay thảng thốt:
- Gần 10:00 đêm rồi, Phượng về trể có bị me cô la không?
Nhìn ra ngoài đêm bao la, lúc nầy mưa cũng bắt đầu tạnh, vầng trăng mười sáu cũng bắt đầu xuất hiện giữa muôn sao lấp lánh, Phượng mĩm cười nói:
- Không sao đâu Chú, mẹ Phượng có la thì cũng chỉ một bữa nay thôi, ngày mốt Chú đi rồi, Phượng sẽ đi học về sớm, thì mẹ đâu còn có lý do để la nữa.
Nghĩ đến cảnh chia tay trong mai mốt tới đây, Phượng buồn nói tiếp:
- Này Chú, Phượng muốn mời Chú ngày mốt đi dùng cơm tối, rồi sau đó Phượng đưa Chú ra Phi Trường luôn có được không?
- Vậy thì tốt quá, nhưng việc học hành của cô thì sao?
- Chú không biết bữa nay là Thứ Sáu à? Nếu mà hôm nay là Thứ Sáu, thì ngày mốt là Chủ Nhật, Chủ Nhật thì đâu cần học bài phải không chú?
Nhớ lại lúc chiều xe hết bình, nên Phượng nói tiếp:
- Chiếc xe Phượng bị hết bình, Chú có dây câu bình không?
- Có, đừng lo để tôi giúp cô một tay.
Thế là Chú Tiểu lo hì hục câu bình, trong lúc Phượng liến thoắng kể lại lý do tại sao xe hết bình, cho đến lúc Phượng thiết tha cầu nguyện Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát thì Chú Tiểu đến, và Phượng kết luận: Chú là Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát đến đây để cứu độ Phượng. Thấy cái lối liến thoắng, ví von của Phượng Chú Tiểu chỉ mĩm cười mà không nói. Vừa lúc đó máy xe của Phượng cũng đã nổ dòn, cả hai chắp tay búp sen chào từ giã.
Bốn giờ chiều ngày Chủ Nhật Phượng đón Chú Tiểu đi nhà hàng Mỹ Lệ Hoa, bữa cơm chay hôm đó thật đơn giản, nhưng hàm chứa nhiều thâm tình đạo vị. Sau khi trả tiền xong, Phượng lái xe chạy quanh một vòng Downtown Los Angeles, và kế đó là đến phitrường.
Tâm sự của mỗi người trong cảnh chia tay chắc chắn ai cũng buồn, Phượng cũng không ngoài thông lệ đó.
*****
Ngoài trời Ðông giá lạnh, tuyết rơi. Trong một căn phòng nhỏ nhắn nhưng ấm áp, Phượng ngồi trầm tư về dĩ vãng, những mớ kỷ niệm vui buồn ngổn ngang trong lòng. Nhìn những thiệp chúc Mừng Giáng Sinh, đến những lá thư Xuân của mười mấy năm qua còn nằm gọn trên bàn viết, nay đã được phủ lên một lớp bụi mỏng bởi thời gian vô tình. Phượng cố nhìn lại coi đã viết những gì, và rồi Phượng đã biết mình viết:
- Xuân 1986
Thân Gởi Chú Tiểu
.................................................
- Xuân 1990
Kính Gởi Ðại Ðức Chú Tiểu
...............................................
- Xuân 1994
Kính Gởi Thượng Tọa Chú Tiểu.
.................................................
- Xuân 1999
Kính gởi Thượng Tọa Chú Tiểu.
Ðến đây Phượng thì thầm như để chính mình nghe:
- Xuân 1999 lại đến, và rồi Thư Xuân Nầy Biết Gởi Về Ðâu? Khi mà mình không biết người ấy ở phương trời nào...
 
Chú Thích:
Phượng đã biết tên Chú Tiểu là ai, nhưng cái tánh tinh nghịch, nên cứ thường gọi Chú hoặc Chú Tiểu. Do đó trong bài viết nầy vẫn dùng chữ Chú Tiểu.
--o0o--