-
Tết Nói Về Chuyện Hoa Mai
-
Hà Xuân Liêm
-
--o0o--
-
-
Mỗi
năm cứ vào độ cuối đông, khi Tết sắp về là hoa mai bắt đầu
nở. Cái duyên keo sơn giữa mai và Tết như đã được thiên nhiên
an bài đâu từ thuở kiếp xa xăm. Nhưng ta phải nói rằng mai là
một loại cây đặc biệt của châu Á. Mai đẹp không những ở hoamà
còn ở cành cây mà người chơi mai thường gọi là "cái thế".
Cành mai có những nét ngoạc rất bất ngờ: đã kỳ cổ lại cương
nghị, xương kính; những đờng uống cong dịu dàng; những nét đâm
ngang những cành sổ dọc rất mạnh. đang thế đi ra cành mai
bỗng ngoạc trở lại một cách đột ngột, bất ngờ làm cho con mắt
người thưởng thức phải đổi hướng một cách thích thú; rồi bỗng
cành mai lại chĩa vút lên không và giữa một cái ngoạc rất
"chướng" đó lại bỗng nở ra một cành hoa vàng rất đột ngột, lại
có cành tưởng là chĩa về bên trái thì thình lình ngoạc xuống
không báo trước, rồi lại chĩa về bên phải như làn chớp xẹt và
trên đó mang cả một chùm hoa mãn khai chen lẫn hàm tiếu và búp
hoa chưa trổ. Thực lạ lùng! Thế nhưng chưa hết. Người chơi
hoa còn thưởng thức cả những màu nơi cành mai và cả những địa
y, cả một số rêu đậc biệt bám vào cành hoa. Phải nói những
màu ở cành mai là những màu rất đặc biệt mà chỉ có thiên nhiên
mới có thể cấu tạo nỗi. Một vệt màu đen, một đám màu da cam,
một khoảng mà trắng xanh phớt nhẹ được phối hợp điều hòa nói
lên cái tuổi tác của cành hoa mà người chơi hoa rất ca ngợi
"lão mai". Những lộc lá non trên cành hoa cũng đươc người
thưởng mai rất để ý. Màu lục non xanh trong như ngọc từ trong
những bút hình móng gà tỏa ra. Những chùm lá non này đã trợ
màu cho những chùm hoa vàng thêm ý nghĩa.
-
Người chơi mai thường tỉ mỉ để ý đến những cái búp
trên cành mai: búp tròn mới nhú hạt cườm chính là những chùm
hoa rực rỡ đang thời ẩn náu; còn những búp dài nhọn như móng
chân gà là những lá non chưa đến kỳ xuất hiện. Cho nên khi
chọn cành mai chơi Tết, người sành mai rất lưu ý đến hai loại
búp này để biết cành mai có hoa nhiều hay ít... Bây giờ, tưởng
đã đến lúc nói đến cái hương thơm của cây mai. Hoa mai rất
thơm, nhưng rất khó thưởng thức hương mai bởi vì nó là một thứ
"ám hưong". Tiết trời càng lạnh, mai càng tỏa hương thơm
ngát; nhưng nếu tâm người vọng động vì danh lợi quá thì khó
lòng cảm được hưong mai.
-
Trong thơ văn, mai được ca ngợi vô cùng tận. Bởi vì mai là
loại hoa rất cao khiết, cương nghị. Mai trổ sớm nhất trong các
loại hoa mùa xuân. Khi những lá mai già của năm cũ vừa rụng
hết thì tiết trời càng lạnh ngắt. Hoa mai đã chọn cái thời
tiết lạnh nhất; không một sắc hoa tươi thắm, không một lá non
trợ màu để làm lúc xuất hiện của mình. Chính vì chỗ này mà
người quân tử phương đông đã chọn hoa mai để biểu hiện cho chí
khí của họ. Trong cuộc nhân sinh, Cao Bá Quát đã từng tuyên
bố:
-
- "Thập tái luân giao cầu cố kiếm
-
Nhất sinh đê thứ bái mai hoa."
-
Suốt cả cuộc đời nhà thơ chỉ "cúi đầu lạy hoa mai" Thật là
khí cốt hạo nhiên! Tại VN ta đã từng lưu hành những bộ đồ trà
có cây mai làm đề tài. Nỗi tiếng nhât là bộ chén dĩa trà"Mai
hạc" có câu thơ nôm trích trong truyện Kiều của Nguyễn Du:
-
- "Nghêu ngao vui thú yên hà
-
Mai là bạn cũ, hạc là người quen."
-
Cây mai ở bộ chén đĩa trà này vẽ theo kiểu chữ "Nữ". Cây mai
uốn cong rất nhiều hoa, một tảng đá và một con chim hạc đứng
trên tảng đá. Câu thơ viết theo hai cách:
6/2/6
hoặc 6/8 theo dòng dọc kiểu chữ nho. Chén dĩa màu men xanh
ngọc và ký hiệu hãng "Ngoạn Ngọc" chế tạo. Nói cho xác đáng
thì cây mai ở bộ chén đĩa "Mai Hạc" không lấy gì làm mỹ thuật
lắm, và nó cũng không diễn tả được cái cốt cách cương nghị,
xương kính của loài mai. Cũng hình vẻ này nhưng lại có loại
chén dĩa có đề câu thơ chữ Hán "Hàn mai xuân tín tảo", tức là
cành mai lạnh báo tin xuân về sớm. Loại chén đĩa chữ Hán này
không nổi tiếng bằng bộ trên, có lẽ vì câu thơ Nôm quá có giá
trị chứ không vì cây mai đẹp. Một bộ chén đĩa trà khác vẽ một
cây mai rất đẹp, không có hoa nở chỉ có cành và búp, không có
lá. Dưới gốc mai có mấy tảng đá lớn nhỏ khác nhau, có cỏ non
và đầy rêu. Một cây cầu nhỏ vắt ngang con suối, một cao sĩ
cưỡi lừa qua cầu đi trước, một tiểu đồng vác cành mai theo
sau. Bên kia chén đối diện với tranh vẽ có câu thơ: "Độc thán
mai hoa sấu" viết thành hai dòng: "Độc thán mai" ở dòng thứ
nhất, "Hoa sấu" ở dòng thứ hai, dưới hai chữ này có khuôn dấu
vuông thành sáu vị trí đối nhau. Câu thơ này vốn là của Khổng
Minh trong Tam Quốc: "Kỵ lô quá tiểu Kiều, độc thán mai hoa
sấu", có nghĩa là: cưỡi lừa qua cầu nhỏ, để kiếm cành mai gầy.
Đề tài này các trà hữu thường gọi là đạp tuyết tầm mai tức là
dẫm lên tuyết lạnh để tìm hoa mai. Bộ chén đĩa có nhiều nước
men: men màu vỏ trứng gà so do hãng "Nhã Thâm Trân Tàng" chế
tạo; và men màu xanh ngã trắng của hãng "Nội Phủ". Cây mai ở
bộ chén đĩa này đẹp hơn cây mai ở bộ "Mai Hạc" rât nhiều. Tính
chất vừa thanh nhã vừa cao khiết đều có ở cây mai của bộ đồ
trà đạp tuyết tầm mai này...
-
Trong hội họa xưa thì mai đứng đầu trong "Tứ hữu": Mai, Lan,
Cúc, Trúc. Các nhà Nho thường trang trí bộ tranh "tứ hữu" này
ở chỗ mình ngồi. Cây mai trong bộ tranh này vẽ thật nhiều
kiểu; tựu trung nét vẽ vẫn chưa diễn tả nỗi những cái chướng
rất bất ngờ ở loài mai. "Mai điểu" tức là cành hoa mai và mấy
con chim đậu hoặc lượn trên cành mai là một đề tài rât quen
thuộc của các bác thợ nề ngày xưa thường đắp bằng mảnh sứ để
trang trí ở các nhà thờ họ hoặc ở đình, chùa. Nhưng... hay
nhất thì phải nói là cành mai trong văn thơ. Mai vẽ trong nơi
chén, đĩa trà, mai vẽ ở tranh tứ hữu hay mai trang trí ở đâu
thì đều ít gợi đến trí tưởng tượng của người ta, vì hình ảnh
thực có trước mắt đã quy định một phần lớn hình dáng cây mai.
-
Đằng này, văn thơ- nhất là trong thơ- chỉ cần mấy chữ gợi hình
là người đọc tha hồ nghĩ tới cây mai hoặc cây mai mình thích.
Trong bài Tạp Thi, Vương Duy (701-761) vừa là thi nhân vừa là
họa sĩ- đời Đường đã viết:
-
- "Quân tự cố hương lai
-
Ưng tri cố hương sự
-
Lai nhật ỷ song tiền
-
Hàn mai hoa trước vị"
-
Một người từ cố hương đến thăm, thi nhân không hỏi gì mà chỉ
hỏi "Cây mai mùa lạnh nở nhiều hoa chưa?"
-
Thực cũng đã đáo để!
-
Một nhà thơ Nhật Bản đã vịnh mai qua bốn câu thơ:
-
- "Cửu châu đệ nhất mai
-
Kim dạ vị quân khai!
-
Dục thức hoa chân ngụy
-
Tam canh đạp nguyệt lai"
-
Ông Hoa Bằng, cách đây 48 năm đã dịch ra thơ Việt:
-
"Cành mai đệ nhất Cửu Châu
-
Đêm nay nở mấy bông đầu vì anh
-
Muốn coi hư thực cho rành
-
Giẵm trăng tìm đến lối canh ba này".
-
Thi nhân Việt
Nam
đã không chịu thua hai nhà thơ ngoại quốc nó trên trong việc
ca ngợi và thưởng thức hoa mai. Lê Cảnh Tuân trong bài
"Nguyên Nhật" đã viết"
-
- "Lữ quán khách nhưng tại
-
Khứ niên xuân phục lại
-
Quy kỳ hà nhật thị ?
-
Lão tận cố hương mai"
-
Thân mình phiêu bồng nơi quán trọ không lo, lại lo cho "cây
mai ở quê cũ càng ngày càng già đi".
-
Huyền Quang Tôn Giả một thiền sư danh tiếng đời nhà Trần, đệ
tam Tổ phái Trúc Lâm cũng là một thi nhân tài hoa tuyệt đỉnh.
Ngài thường có những bài thơ nho nhỏ tuyệt hay và Ngài cũng đã
có bài "Mai hoa tác" tức là Vịnh hoa mai:
-
- "Dục hướng thương thương vấn sở tùng?
-
Lẫm nhiên cô trỉ tuyết sơn trung
-
Chiết lai bất vị già thanh nhãn
-
Nguyện tá xuân tư tuý bệnh ông"
-
Toàn bài không nói đến một chữ mai nào cả nhưng suốt câu thứ
hai đã ca ngợi hết sức cái đặc tính của cây mai. Đứng một mình
giữa non trơ trọi đầy tuyết trắng. Tuyết thì đương nhiên là
lạnh. Nhưng tác giả thì sao? Tác giả đã bẻ một cành mai trong
miền tuyết lạnh ấy đem về. Một cành mai không chỉ là một cành
mai, mà một cành mai là cả một mùa xuân, có mai là có xuân.
Vẫn biết thơ của Huyền Quang Tôn Giả là loại thơ Thiền, "thi
trung hữu đạo" nhưng "dĩ lai đạo bản vô ngôn". Đề bài là vịnh
hoa mai song không hề nhắc đến mai mà lại ca ngợi cái tính
chất đặc biệt của mai qua màu tuyết lạnh mà mùa xuân với cái
trơ trọi của nó, không có cây lá nào hỗ trợ. Thực là loại thơ
tượng trưng về mai vậy.
-
Đến hình ảnh cây mai trong bài "Loạn Hậu" của Tuyết Giang Phu
Tử mới là tuyệt mỹ:
-
- "Tương phùng loạn hậu lão tương thôi
-
Khiến luyến ly tình tử số bôi
-
Dạ tĩnh vân am thùy thị bạn ?
-
Nhất song minh nguyệt chiếu hàn mai".
-
Cành mai của Vương Duy của nhà thơ Nhật Bản và cả Lê Cảnh Tuân
nữa thì vẫn là con người trùm lên cảnh vật, người thụ hưởng
thiên nhiên. Giữa con người và thiên nhiên còn có một khoảng
cách. Đến cây mai của Huyền Quang Tôn Giả thì con người và
thiên nhiên đã có sự hỗ tương tình cảm. Nhưng trong cái
"Thiên" "Nhân" tương dữ một cách thân mật, rốt ráo thì phải
đợi đến Tuyết Giang Phu Tử. Sau khi loạn lạc Phu Tử ở ẩn tại
Bạch Vân Am, ít giao du với đời, cái đời Trịnh Mạc mấy ai lại
chẳng biết? Và cuộc đời cũng như tư cách của Phu Tử ai lại
chẳng tự hào? Cho nên không lạ gì khi nghe Ngài hỏi: "Dạ tĩnh
Vân Am thùy thị bạn?" và Ngài tự trả lời: " Nhất sông Minh
nguyệt chiếu hàng mai!" Giữa mai dưới trăng sáng đầy khí lạnh
của sương móc và Tuyết Giang Phu Tử đã có một tình cảm bạn bè
cố hữu, thân mật. Mai là người và người là mai. Cây mai ở
đây là cây mai đẹp cương nghị, cao khiết và trang nhã; cây đẹp
của văn chương và triết lý phương Đông ngày trước. Cây mai
trọn vẹn cả hương lẫn thế, cả thế thực lẫn thế ảo của bóng
cành do cành cây chiếu. Tuyệt hảo!
-
Mỗi độ Tết về, khắp cõi VN ai cũng chơi mai. Nhưng chơi mai
thì nhiều mà hiểu mai thì chắc ít. Chơi mai, vì mai của dân
Việt chính là mai của Huyền Quang Tôn Giả. Có mai là có xuân.
Một cành mai cắm và lọ độc bình - bằng đất chứ không là bằng
đồng bở nguyen do là vì kim khắc mộc - để ở chính giữa nhà là
đã có môt mùa xuân rực rỡ, môột cái Tết đầy hy vọng đang ngự
trị trong gia đình. Người ta chơi mai không phải chơi để
thưởng ngoạn, để cho đẹp mà cành hoa mai ngày Tết còn biểu
hiện cả cuộc sống gia đình trong năm mới sắp đến. Cành mai có
"thế" đẹp cân đối hoa nở đầy đủ tươi có lá non trổ lộc là điềm
hay cho gia chủ.
-
Nếu có hoa sáu cánh hay hoa bốn cánh thì càng lại hay hơn.
Người Việt đã đưa vũ trụ quan vào nhân sinh quan, một nhân
sinh quan biến thành theo Dịch Lý của phương Đông. Một cành
mai như thế phải có đủ cả thượng, hạ, tả, hữu. Theo chiều
đứng phải biểu hiện được tam tài: thiên, địa, nhân, tức là
phải có cái thế cân xứng : có ở dưới, có ở trên và ở giữa.
Theo chiều ngang phải có tiền hậu tả hữu, tức là cành hoa phải
có "Cái thế" nào đó mà nhìn vào ngã nào cũng có hoa. Đó là
nói về cấu tạo cành hoa. Còn về hoa thì có năm loại: một số
hoa đã rơi cánh, xếp lá đài; một số rất nhiều đang thời thịnh
khai; rồi phải có hoa đang hàm tiếu; hoa búp đang tiến triển
và cuối cùng là nụ tròn mới nhú hạt cườm. Lá cần có ba loại:
lá non hay đậm màu, bản lá mở rộng; lá non nẩy lộc phần này
quan trọng nhất và sau hết là nụ lá hình móng gà...Nói chung
sự hài hòa của cành, hoa, nụ, lá phải đến độ gần như tuyệt đối
phải có. Cấu tạo cành mai biểu hiện cho không gian, cấu tạo
hoa biểu hiện cho thời gian. Dòng đời trôi chảy tiếp tục từ
quá khứ sang hiện tại. Quá khứ đã qua không còn quan trọng,
hiện tại rực rỡ phấn chấn mới là hay. Phần hoa thịnh khai nở
rộ trong ba ngày Tết thêm lá non nẩy lộc tươi mát mới là phần
thiết yếu; các búp hoa, lộc lá cứ tiếp tục cái rực rỡ của thời
thịnh khai ấy lại là phần trọng yếu nhất bởi nó là nguồn
hạnh phúc, làm ăn phát đạt sung túc của gia đình trong năm mới
đang lần lần đi tới với gia chủ.
|