Mùa Xuân Trên Côn Sơn
Tùy bút của Hạnh Chiếu
--o0o--
 
Mùa Xuân trên Côn Sơn, trời vẫn còn lạnh lắm. Tôi tiếc không đem theo chút trà để dâng Sư. Hồi đó, Sư thích uống trà. Gần 20 năm trong chốn quan trường, giàu sang phú quý Sư vẫn xem thường. Đến cuối đời, Sư chỉ vui với "một giường gió mát một chung trà".
Tôi thích Thiền Sư Huyền Quang không phải vì Ngài là một danh quan, một nhà thơ lớn, một đệ tam Tổ Trúc Lâm Yên Tử ; mà có lẽ trên tất cả. Ngài đã từ bỏ mọi thứ ấy để làm ông Tăng nhàn ở núi, tay gõ mõ tay nâng sáo, chơi với gió đùa với mây, vậy thôi. Ở Sư, tâm hồn của một Tăng sĩ siêu việt nhi nhiên đã hòa nhập với tâm hồn của một nghệ sĩ phóng khoáng hào hoa, phá toang những khuôn thước định sẵn, tự tại đi vào đời.
            - Củi hết, lò còn vương khói nhẹ,
            Sơn đồng hỏi nghĩa một chương kinh
            Tay cầm dùi mõ, tay nâng sáo
            Thiên hạ cười ta cứ mặc tình.
 
            (Ồi dư cốt đốt độc hoàng hương,
            Khẩu đáp sơn đồng vấn đoản chương.
            Thủ bả xuy thượng hòa mộc đạc,
            Tùng giao nhân tiếu lão tăng mang).
Khéo và đẹp lạ thường ! Nhưng nếu không phải là đệ tam Tổ Huyền Quang thì làm sao được như vậy. Nâng ống sáo thổi khúc Tâm kinh. Mượn sợi khói thay cho lần "có mặt". Bình dị mà siêu thoát đến vô cùng. Thiên hạ ai dám cười ?
Thật ra, từ nhỏ Sư đã khác người. Hình dung kỳ lạ, học một biết mười, rất có tài văn chương nhưng không ưa công danh sự nghiệp ở đời. Năm 20 tuổi đậu trường Hương, sang 21 tuổi đậu trường Hội. Hay tin Sư đỗ Trạng Nguyên. Vua chọn làm Phò mã, Sư không chịu, đòi vào chùa, nhưng vua không cho nên bất đắc dĩ Sư phải làm quan. Đến 51 tuổi, Sư mới được thỏa niềm riêng. Hôm gặp Sư với chiếc nạp tăng ở chùa Vĩnh Nghiêm. Điều Ngự hài lòng lắm, cho theo làm thị giả liền. Và từ đó Yên Tử Sơn, Côn Sơn, Thanh Mai Sơn trở thành chỗ ẩn thân của Sư. Đến khi chính thức là người nối tổ đăng, được Ngài Pháp Loa trao tâm kệ và truyền y của Điều Ngự cho, trở thành đệ tam Tổ, lãnh đạo Giáo Hội Yên Tử, nhưng Sư vẫn không rời núi để trở về chốn đô thị là trụ sở trung ương ở chùa Quỳnh Lâm. Không gì có thể trói buộc được Sư. Thế cũng đủ thấy ý chí thoát tục nơi Người.
Tôi đến Côn Sơn vào giữa Xuân năm đó. Nhưng tôi hiểu, với Sư mùa Xuân đến bây giờ vẫn còn. Bởi vì không có ngày tháng năm cho một sơn tăng ở chốn chân mây. Chỉ có "lòng thiền vằng vặc" giữa mấy từng núi xanh xanh, nước xanh xanh, khiến cho bao kẻ cùng tử lang thang, dù chỉ một lần ghé đến nơi này cũng mong được cái phút dừng chân. Cốc vắng. Thiên nhai. Bóng Thiền tăng trải dài suốt vạn niên Xuân.
Tôi còn nhớ bài "Xuân nhật tức sự" (Tức cảnh ngày Xuân) của Sư đã làm chấn động trong giới thiền môn lẫn giới thi ca xưa cũng như nay.
            - Mỹ nhân thêu gấm, dáng tuyệt vời
            Chim đùa oanh hót, khóm hoa chơi.
            Quá thương vô hạn, thương Xuân ý !
            Là lúc dừng kim, chẳng thốt lời.
 
            (Nhị bát giai nhân thích tú trì,
            Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly.
            Khả liên vô hạn thương Xuân ý.
            Tận tại đình châm bất ngữ thì).
Không giật mình sao được, khi một bài thơ Xuân ý tứ như vậy lại được viết ra từ bậc trưởng lão của núi rừng Yên Tử. Đối với sơn tăng, có nghĩa gì đâu một chút kiều diễm của mỹ nhân trong mùa Xuân ngắn vội. Chẳng lẽ Thiền sư lại thả trôi lòng mình trong một phút dạt dào mộng mị ? Cái độc đáo của Sư là ở chỗ đó. Cái hơn người cũng ở chỗ đó. Bởi vì có gì đẹp hơn một buổi sáng nắng ấm trời trong, hoa nở, chim hót, người con gái đôi tám xuất hiện mượt mà trên nền trời Xuân với dải lụa đang thêu dang dở. Tả cảnh Xuân như vậy thì không còn gì bằng. Nhưng thật bất ngờ, Sư lại hạ bút : "Quá thương vô hạn, thương Xuân ý. Là lúc dừng kim, chẳng thốt lời". Cái ý Xuân của Thiền sư nếu không có lời này thì bài thơ có lẽ đã chết mất rồi. "Dừng kim, không nói" chính là kết quả, là hoa trái của bao năm Sư theo Điều Ngự, Pháp Loa về núi ươm mầm gieo hạt ; không thương thiết tha sao được ! Thôi thì người có trách cũng cam. Một thoáng mỹ miều của ráng mây hồng điểm lên bầu trời Khôn, càng đẹp chứ sao. Chỉ có điều, mùa xuân bất tận của Sư không biết được mấy kẻ tri âm ? Ung dung tiêu sái, không vướng trần lao, chẳng trệ pháp mầu là nét đẹp trong thơ Sư. Điều Ngự có được Sư, tức là Thiền phái Trúc Lâm Yên tử có được một trời Xuân miên viễn. Tôi rời Côn Sơn khi trời chưa tắt nắng. Mùa Xuân vẫn còn. Xe vòng qua những khúc quanh uốn lượn trong rừng thông làm tôi nhớ Đà Lạt với thiền viện Trúc Lâm.
Rời Côn Sơn, rời những đồi hoa, những rặng rừng im tiếng, những tòa cổ sái cao ngất ngất trời mây ; những non, những nước, những tăng, những tục, những Xuân, những Hạ, những Thu, Đông... Nhưng tôi không để lại một lời từ giã nào. Bởi vì tôi biết, sẽ có ngày mình trở lại.
(Trích Báo Giác Ngộ số 150 - 13/02/1999)
-- o0o --