MÙA XUÂN CÔNG ÁN
Hà Thượng Chi
--o0o--
 
Bấy giờ là mùa Xuân sang, khắp vùng rừng núi Gaya. Nơi ấy, có nhiều hành nhân nhìn thấy Xuân về với vạn hoa đơm bông nẩy lộc. Các khe suối nước trong vắt, lặng yên không tiếng động. Có những hồ lắng sâu in bóng mây trời tơ nõn tuyệt đẹp. Đạo nhân xuống núi đi vào nhân gian, thấy đâu đâu cũng linh đình ăn uống vui chơi, bày cuộc chơi giỡn khắp nơi. Đạo sĩ hỏi các anh đang làm gì đó? Phía trước có tiếng đáp rằng: Mùa Xuân đang tới, nhà kia sinh con trai, có nhiều lễ hội vui nói không hết. Nghe vậy, đạo nhân tự nói: Mùa Xuân đến, vạn vật lớn lên lan tràn từng ngày. Ta hãy về núi vắng, lặng yên mà tu hành.
Rồi mùa Thu tới, vị hành nhân lại xuống núi. Nhìn đâu Ngài cũng thấy cây cối trụi lá tiêu điều, lá rụng đầy, đất trời như cái mền lớn phủ trùm. Các khe lạnh khô cạn, đất cứng hết sức. Khi ấy, vị hành nhân suy nghĩ: Hiện nay bên ngoài vạn vật đang suy tàn rơi rụng. Hoa xinh tươi không còn trở lại sum sê. Ông thấy nơi này chốn nọ trong thôn xóm có nhiều cảnh buồn bã như tang ma với tiếng kêu khóc buồn thương ấm ức. Sau đó, ông trở về núi, ngồi kiết già suy tư sâu sắc, không bị loạn động xen vào. Thấy trong, ngoài đều là vô thường. Ông đi vào công án: Nhựt Chuyển, nghĩa là không có cái gì ngừng lại. Nhựt chuyển là gì? Là tính từ mùa Xuân đến mùa Thu. Từ mùa Thu đến năm. Từ năm đến tháng. Từ một tháng đến nửa tháng. Từ nửa tháng đến ngày. Từ ngày đến giờ, từ giờ đến ngày đêm. Từ ngày và đêm đến sự chuyển động. Từ chuyển động đến hơi thở ra vào. Từ hơi thở ra vào là chỗ tận cùng chấm dứt. Không còn sót cái gì nữa. Từ chỗ dứt hết ấy mới biết là hết sạch trơn, vạn vật tan biến hình hài, qua một chu kỳ khác. Khi đã biết không còn hình hài thì biết được cái gì khởi lên từ cái gốc diệt. Ông nhớ lại lời đức Thế Tôn nói: Mọi cái không thường còn thì là khổ, và khi ấy, Phật nói giữa đại chúng bài kệ rằng:
- Đi mãi không trở về
Vậy, đêm ngày gắng sức
Cá lên giàn nướng cháy,
Khổ sinh tử cũng vậy.
Trong kinh nói chỉ có Phật, Bồ tát, bậc đắc đạo mới nhìn thấy chúng sinh ra đi mãi mà không ai trở về, tức đi theo đường sinh tử quay mãi mãi. Người tỉnh biết thì nhìn lại hiện trạng sinh tử thật khổ não như cá lên giàn nướng nên các Ngài khuyên ai nấy cố gắng đạt tâm không nhiễm chấp đeo níu trần tục tham đắm để có cơ hội ra khỏi vòng quay bất tận của sinh tử. Công án là đề mục chú, đổ trút cả bình sinh vào nó là có cơ may bừng ngộ bản tâm.
Mùa Xuân giàu có vạn bội là giàu có sự thảnh thơi giải thoát, đó là mùa Xuân chân chính lồng lộng trong tâm hồn người tu học. Đó là mùa Xuân quý giá bởi nó khó được, nhưng lại ở ngay tâm mình. Trong kinh nói chúng sinh nghèo mạt pháp tài, nên sống đời hom hem tăm tối, nợ nần lỗ lã, mắc nợ mãi mãi không còn đồng xu dính túi với mụ già vô minh. Tài sản vinh quang của ta bất diệt chính là kho pháp. Mùa Xuân về ta phải kiểm kho pháp, kho tâm mình coi có những khối tỉnh sáng nào chăng. Ta giàu có là giàu có tỉnh sáng thấy lại cơ ngơi tâm hồn mình, có lòng thương, hiểu biết, giải trừ mọi tăm tối của cố chấp hận thù nhỏ nhen, mà sống đời thảnh thơi giải thoát ngay tại đây. Biên giới và tiếp cận thời gian vật lý và thời gian tâm hồn là ở chỗ kể tuổi đạo. Tỷ kheo bắt đầu kể tuổi đạo vào ngày Tự tứ hằng năm, sau ba tháng An cư không khuyết điểm, Phật vui mừng, từ đó kể là lớn lên trên đường đạo một tuổi, không kể theo tuổi thế gian tức đầu Xuân. Do vậy, mùa Xuân đất trời là vật lý chuyển quay tự nhiên thay đổi cho đẹp vạn vật, mùa Xuân là ba tháng trạm đầu của hy vọng trong xanh và vui mừng chế ra nhiều lễ hội, kể tuổi sống bắt đầu từ đó. Mùa Xuân của đạo là mùa Xuân sáng dậy tâm hồn, giàu có bởi thấy lại cơ ngơi vĩ đại của tâm mình. Mùa Xuân tâm hồn giải thoát là mùa Xuân không mất, bất diệt. Mùa xuân đất trời có biến dạng qua mùa Hè. Bất thời giải thoát chính là mùa Xuân bất diệt của tâm hồn lúc nào cũng lồng lộng, không phải đợi chờ điều kiện mới có thể giải thoát. Thế giới bao la nhưng chỉ có tâm ta là vĩ đại chi phối, cho nên mùa Xuân giải thoát, mùa Xuân tâm hồn giàu có thanh tịnh mới là mùa Xuân chân chính mà ta đi tới, bước vào biên thùy nó ngay đây trong mọi thời tiết, chở mùa Xuân ấy đi mười phương, gọi là Bồ tát thừa Niết bàn du chư phương sở. Ta đứng lên cỡi Niết bàn đi chơi trong mười phương. Ta chở mùa Xuân là chở thế gian bao la kia làm cho nó thanh tịnh, tịnh quốc độ là đưa mùa Xuân giải thoát đến cho nhân gian. Đó là nguyên tắc. Ta có an lạc thảnh thơi, giải thoát, có nguồi suối mùa Xuân vĩ đại thì mới đem tặng cho đời được. Do vậy, lo kiến tạo mùa Xuân giải thoát là lòng thanh tịnh không lạnh giá của mọi cố chấp tù hãm nhỏ nhoi, ta phát dậy biên cương vô hạn của mùa Xuân Akalika (ngoài thời gian vật lý tháng năm hạn hẹp ước lệ trong hệ thống thái dương hệ). Nói về trẻ và mùa Xuân, thì ai cũng muốn mình trẻ mãi, xinh đẹp mãi như mùa Xuân, nhưng đó chỉ là mơ ước hão huyền, không có ai nộp hồ sơ cho mùa Xuân xin như thế cả, bởi mùa Xuân thoáng chốc đi qua, bản thân mùa Xuân cũng lo dọn dẹp gấp cửa hàng, có thì giờ đâu mà lo cho đông đảo với trăm nghìn nguyện vọng, thôi thì mùa Xuân ngồi trên cao ban phát ánh sáng tơ trời gió nhẹ, và mọi êm dịu cho vạn vật là ra đi ngay, để mãi mãi tạo hy vọng cho nhân gian.
Mùa Xuân ra ngoài kiếp sinh, trụ, diệt của đoản kỳ thời gian là mùa Xuân của Phật tính hằng hữu, mùa Xuân của Tâm Bồ đề hằng sáng lấp lánh như sông Hằng nghìn năm sông nước vẫn còn. Kinh nghiệm này, ai cũng có thể thực hiện, ta chỉ đi chệch ra ngoài giờ giấc thói quen là thấy có nhiều cái mới lạ khởi lên trong tâm ý. Ta sống là ta bị đè nén thảm hại dưới sức mạnh của thói quen. Nói về thói quen thì mùa Xuân cũng là một thói quen với cái này thứ nọ, ta cắt giảm bớt dần thì cũng không sao đối với những bày đặt càng rườm về sau này, không đốt pháo chẳng hạn, rồi cũng quen. Tâm thức ta trôi chập chùng như 40 ngọn núi chập chùng trong dãy quần sơ Himalaya. Tất cả đều do thói quen, phù sa nó bồi đắp lâu đời mà nên, cho nên mùa Xuân thời gian vật lý mỗi nơi có những khác nhau về thụ hưởng, vật chất. Tu tập ta cũng phần nào có tham dự mùa Xuân nhơn thế, theo lệ thường, kiểu bên ngoài 23 đưa ông táo, nhà chùa cũng đưa chư Thiên, cho đạo chúng nghỉ công phu bái sám làm cả năm đằng đẳng, nghỉ xả hơi để mùng 1 rước chư Thiên v.v... Ta phải biết lợi dụng thời khóa biểu mùa Xuân để phát mạnh hơn nữa kiến tạo mùa Xuân tâm hồn thanh tịnh rực sáng trời vô nhiễm ngay đây, có vậy là ta vinh quang bước vào Phật tính bất diệt, ngoài thời gian vật lý, sống trẻ mãi với mùa Xuân thanh tịnh ấy, thênh thang ra ngoài tù hãm của sinh tử, hết trôi trong biển khái niệm nên thấy thời gian là vô tận. Xưa chư Tỷ kheo tu tập một nơi, khi Xuân sang, họ có lúc cũng đi nơi nầy nơi khác, nên chư Thiên thấy buồn vì sự sum vầy nơi ấy tiếng nói pháp vang lên, giờ vắng vẻ, chư Thiên băn khoăn hỏi:
- Lòng ta không vui,
Đây không ai ngồi
Vị giỏi nói pháp
Hiện giờ ở đâu?
Thiên thần khác đáp:
Họ đi Ma Kiệt Đà,
Họ đi Kosala
Hoặc họ đi Vajja
Như nai thoát bẫy sập (năm dục)
Chạy nhảy bốn phương trời
Đời sống xuất gia thảnh thơi như thế.
Đoạn này lấy trong Samyutta bài kinh 194. Có ngoại đạo thấy chư đệ tử Phật ngày ăn một bữa, sao thần thái tươi mát xinh đẹp, ông ta hỏi nguyên nhân. Phật nói bởi họ không bao giờ lo lắng tương lai hay nhớ tiếc quá khứ, còn phàm phu thì như cỏ non bị cắt phơi ngoài nắng, bởi không biết chánh niệm như Tỷ kheo, mà trái lại lo lắng quá nhiều. Sầu héo hết mùa Xuân chính bởi những đường cày sâu đậm của lo lắng sầu hận quá khứ mất mát đủ thứ. Tóm lại, nhân thời gian Xuân đất trời mà làm tâm mình rực rỡ với mùa Xuân thanh tịnh, lắng trong của giải thoát an lạc chánh niệm bất diệt. Hoa Xuân ấy không khô héo, đáng tôn kính và nó là vĩnh hằng.
-- o0o --