MÙA XUÂN CỦA THANH VĂN
HT.Thích Trí Quảng
--o0o--
 
Đức Thích Ca, một con người toàn thiện toàn mỹ đến mức loài người tôn Ngài là bậc siêu nhân, một bậc Thánh trên thế gian. Tuy nhiên bằng tuệ giác túc mạng minh, Ngài thấy không phải chỉ riêng Ngài mà tất cả mọi người đều có khả năng thành Phật, có khả năng chuyển mê lầm thành sáng suốt nhưng chúng ta không biết vận dụng tiềm năng sẵn có để cam chịu sống mãi với tà vạy khổ đau. Vì vậy Ngài khởi tâm từ bi, trở lại với xã hội loài người, dìu dắt chúng ta đến thế giới an lạc tự tại giải thoát hoàn toàn. Trong suốt 300 pháp hội của Đức Phật từ Lộc Uyển đến Ta La song thọ, theo Ngài Thiên Thai Trí Giả Đại Sư, Đức Phật đã sử dụng nguyên tắc Tứ Tất Đàn đưa ra hàng loạt cách gợi ý, suy tư và hàng loạt cách giải quyết mà trong kinh thường gọi là 84.000 pháp môn tu tùy theo khả năng, trình độ nhận thức, tùy hoàn cảnh thời gian không gian, tùy đối tượng tu học để sau cùng tất cả đạt đến cứu cánh giải thoát hoàn toàn như Đức Phật. Và trong quá trình hoằng hóa độ sanh, thí dụ Tam Xa Hỏa Trạch hay ba xe của Phẩm Nhà Lửa trong kinh Pháp Hoa Đức Phật nêu lên cũng không nằm ngoài nguyên tắc Tứ Tất Đàn, trong đó Ngài đã vẽ ra cảnh nhà lửa và ba xe dụ cho giáo pháp Tam Thừa dùng để thoát khỏi nhà lửa.
Trong Tam Thừa giáo Đức Phật dạy, chúng ta tự lượng sức mình có thể sử dụng xe nào để ra khỏi sanh tử là vấn đề quan trọng, chúng ta cần suy nghĩ vì tu sai pháp tất phải đọa thôi. Nếu chúng ta vừa khỏe, vừa thông minh, lại có đồ chúng và đầy đủ phương tiện trong tay, bấy giờ chúng ta thừa sức dấn thân giáo hóa chúng sanh theo con đường Bồ Tát. Nhưng nếu chúng ta không đầy đủ phước đức nhân duyên của hàng thượng căn mà chỉ được phần nhân duyên và trí tuệ của hàng trung căn, chúng ta phải tu theo Duyên Giác Thừa. Và thượng căn, trung căn vì đạo đức còn kém, trí tuệ tài năng yếu ớt, người đời khó kính trọng được, về mọi phương diện ta không hơn họ mà làm thầy họ, điều này không phù hợp thực tế, không thể chấp nhận. Trên cuộc đời này còn nhiều người hơn ta, nếu ta mang hoài bão giáo hóa họ, ta liền chạm trán với bao nhiêu phiền lụy khó khăn. Vì vậy chúng ta chấp nhận sự tầm thường này ẩn nhẫn tu hành, miệt mài làm những việc trong tầm tay của mình để tạo trạng thái an lạc, giải thoát cho bản thân.
Đối với hàng đệ tử tu theo Thanh Văn Thừa, trước tiên Đức Phật thuyết Tứ Thánh Đế. Người nào có khả năng nghe, tin, tu theo Tứ Thánh Đế mới nương theo Thanh Văn Thừa ra khỏi sanh tử. Trong Tứ Thánh Đế, Đức Phật dạy chúng ta phương pháp diệt khổ hay Đạo Đế là 37 trợ đạo phẩm, bỏ 37 trợ đạo phẩm, hành giả không bao giờ đoạn trừ phiền não được. Ba mươi bảy trợ đạo phẩm là phương cách giúp cho hành giả thăng tiến trên con đường Thánh đạo, khởi đầu từ pháp tu Tứ Niệm Xứ cho đến Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc. Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, trải qua quá trình từ ngoài đi lần vào tâm, thành tựu 29 phần trợ đạo, cuối cùng đưa đến thành quả thể hiện cuộc sống theo Bát Chánh Đạo hay đó là mô hình sống chân chánh Đức Phật đề ra cho Hiền Thánh tỏa sáng ở thế gian này.
Bát Chánh Đạo, một quy luật sống trong xã hội mà hầu hết giáo lý đạo Phật giảng dạy trong 49 năm đều nhắc nhở, là thềm thang căn bản tất yếu người đệ tử Phật phải tuân theo, dù chưa làm được lợi ích gì lớn lao cho đời như các Bồ Tát, cũng phải là con người mô phạm hoàn thiện sống an lạc giải thoát, một con người mẫu mực về trí tuệ, đạo đức hoàn mỹ. Điều này không có gì viễn vông xa vời, chính Đức Phật và hàng bao thế hệ đệ tử của Ngài đã đi trên con đường Bát Chánh, đã thể hiện nếp sống mẫu mực hoàn thiện, hoàn mỹ. Thật vậy, hàng Thanh Văn khởi đầu xuất gia học đạo được Đức Phật khai tâm thấy rõ cuộc đời ngắn ngủi, không bền chắc nên không ham ưa. Thanh Văn không quan tâm đến vui buồn của cuộc đời bằng cách đóng kín 5 giác quan hay 5 cửa tiếp xúc với bên ngoài. Ngăn chặn 5 tiền trạm này xong, còn lại phần tinh thần thọ, tưởng, hành, thức theo đó bị xóa sạch vì 6 căn không tiếp xúc 6 trần nên vấn đề không được đặt ra, chuyện thế tục danh lợi, thị phi do mắt thấy tai nghe bị cắt đứt, tâm hồn hành giả trở thành lắng yên. Cách nhìn đời không vướng bận thế gian của hành giả ở giai đoạn này được ví dụ một cách sâu sắc bằng hình ảnh người gỗ mà ngắm chim vẽ. Trong thế giới đau khổ của chúng sanh, hành giả không khổ vì đang vui với thế giới nội tâm của mình, tám ngọn gió trần không còn khuấy động, lòng hành giả lúc nào cũng nở hoa, tìm được niềm vui trong sự an tịnh giải thoát nhờ từng bước diệt trừ vô minh, loại bỏ phiền não. Chánh hạnh của Thanh Văn là thể hiện Bát Chánh Đạo trong cuộc sống, quay trở về chính mình tu tạo thiện nghiệp của thân khẩu ý, loại trừ những hành động bắt nguồn từ tam độc tham sân si. Sau khi ý căn hoàn toàn thanh tịnh, hành giả thấy tất cả vật theo cái thấy của Như Lai phát xuất từ thiền định, không kẹt trong phiền não nhiễm ô tham chấp, hoàn toàn khách quan không dựa trên tình cảm con người, nói khác đã tận diệt nhận thức sai lầm của khối óc và con tim (kiến hoặc, tư hoặc). Từ con người mê lầm bị trói buộc bởi tâm lý, hành động tha hóa, giáo pháp Phật trong sáng hóa tình cảm của con người, giúp con người thoát khỏi mọi trói buộc của tánh tham lam, ích kỷ, những hành vi độc ác thù hận, kiêu căng xung đột để hành giả xây dựng một cuộc sống an lành nội tâm và an lạc cho tha nhân. Được soi sáng bởi thấy biết và suy nghĩ đúng như pháp, hành giả sắp xếp một cuộc sống đơn giản nhất không tổn hoại sức lực và phá sản tinh thần, hành giả thường niệm tri túc, sống với thực tế trong tầm tay nên thân tâm hoàn toàn tự tại an vui. Giải thoát của Thanh Văn trước nhất là giải thoát chính mình khỏi những khổ đau phát xuất từ sự cám dỗ của tham dục vì họ biết rõ tham dục nhận chìm ta trong bể sanh tử. Nói khác, đời sống của hàng Thanh Văn bỏ tục xuất gia hưởng thụ của đời ít hơn là phần lợi lạc họ mang đóng góp cho đời. Trên bước đường tu học, ngoài việc xây dựng cuộc sống đạo hạnh, Thanh Văn còn nỗ lực phát huy trí tuệ vì trí tuệ hay tánh sáng suốt đóng vai trò then chốt tác động như ngọn đèn soi sáng sự sống con người. Đối với Thanh Văn, giới thân huệ mạng mới chính là thân mạng quí báu cần nuôi dưỡng phát huy, bằng mọi cách phát triển trí tuệ vô lậu. Để trợ giúp cho trí tuệ mau được trong sáng, hành giả luôn tinh tấn kiểm tra từng niệm tâm, theo dõi xem trong lòng có khởi ý ác không, có còn ham muốn không vì sau mỗi ham muốn thường tiếp nối theo muôn ngàn điều ác khác. Thanh Văn tu phải gạn lọc từng điều một như vậy vì biết rõ tịnh là thiện, động là ác nên thường xuyên gạn lọc tội lỗi và đem pháp lành vào tâm, rút ngắn con đường ra khỏi ngục tù tam giới. Tâm trong sạch, bình tĩnh mới quyết định được những vấn đề khó khăn một cách sáng suốt. Dù đời có vui buồn thăng trầm đến đâu chăng nữa, chúng sanh có tệ ác khen chê cũng mặc, hành giả vẫn giữ trạng thái tâm bình thường như hư không, không cho khởi bất cứ niệm nào dù là niệm trái hay niệm phải và lời nói xuất phát từ tâm hồn thanh thản giải thoát chắc chắn phải êm dịu đúng chánh pháp làm vơi phiền não cho tha nhân. Sống trong chánh định tụ thường được lý giải là đức hạnh mà phải giả thể hiện trong thiền định, người ngoài không thấy biết nhưng nó có khả năng tác động trên thực tế rất cao. Điều này được chứng minh rõ rệt qua trường hợp Mã Thắng độ Xá Lợi Phật. Đức Phật sai Mã Thắng là một người ít nói đến độ Xá Lợi Phất thuộc hạng người nổi tiếng biện bác giỏi của ngoại đạo. Trạng thái tâm hồn thanh tịnh lắng yên của Tỳ Kheo Mã Thắng ở trong thiền định như thế nào chúng ta không thấy biết nhưng đức độ trầm tĩnh của ông tỏa ra tác động mãnh liệt đến tâm hồn Xá Lợi Phất nên vừa nhìn thấy Mã Thắng, niềm kiêu hãnh cùng nỗi ray rứt của nhà hùng biện bậc nhất Xá Lợi Phật bỗng nhiên tan biến như mây khói và ông xin theo làm đệ tử dù Mã Thắng chẳng nói lời nào. Tám việc của một bậc thánh thiện kết lại chỉ nhằm mục đích làm phát sinh và hoàn thiện ba khía cạnh căn bản trong việc tu tập phát triển trí tuệ là giới, định, tuệ. Trong quá trình tu Bát Chánh Đạo, nâng tình cảm cho trong sáng và phát huy trí tuệ cao tột là hai vấn đề không thể tách rời nhau. Đạo đức và trí tuệ hay con tim và khối óc đều thăng hoa đến độ nhập làm một, sẽ giúp cho hành giả nhận thức các pháp đúng như thật, hành động phù hợp với quy luật khách quan, phù hợp với tình cảm trong sáng của con người.
Con đường Bát Chánh, con đường dẫn đến an lạc giải thoát cho biết bao hàng đệ tử, chắp đôi cánh cho con người vươn tới đời sống cao cả, giúp cho con người trở thành bậc Thánh trên thế gian, một hoa sen trong nhà lửa tam giới. Đó là chức năng của đạo Phật chúng ta. Và chức năng đó, nhiệm vụ đó, trước hết chúng ta phải thực sự thể hiện ngay trong cuộc sống, trong từng suy tư, từng niệm tâm, từng hành động. Mỗi chúng ta, Tăng ni và Phật tử hãy là một gương sáng, một mẫu mực của đạo giải thoát, tỏa ảnh hưởng tốt lành và tích cực vào đời sống xã hội. Từng đóa hoa Bát Chánh Đạo của mỗi chúng ta kết thành vườn hoa đạo hạnh bát ngát hương thơm từ bi trí tuệ dâng lên cúng dường Đức Từ Thị trong ngày đầu Xuân, đóa hoa Bát Chánh Đạo mãi mãi là mùa Xuân bất diệt làm sáng đẹp cuộc đời của những tâm hồn tha thiết thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.
Source: LotusNet home page 
-- o0o --