Mùa Xuân Nhân Loại
Một Ảo Mộng Vĩnh Cửu
Trần Trung Phượng

 

--o0o--
 
Từ Ước Vọng Về Một “Mùa Xuân Nhân Loại”…
            Trong sự vận hành của bốn mùa, có lẽ mùa Xuân là mùa gợi cho con người có nhiều cảm xúc nhất, từ những cảm xúc bình thường cho đến những cảm xúc mang đầy tính chất nghệ thuật, thi ca.  Có lẽ hơn bất cứ một cảm thức nào khác về thiên nhiên, cảm thức về mùa Xuân có một giá trị thẩm Mỹ thật tuyệt vời, bởi vì chính trong cảm thức này, con người thấy mình như thay đổi hẳn và "thực hiện" được một sự hòa hợp lớn (thái hòa) giữa bản thân với thiên nhiên, ban thân với tha nhân và giữa bản thân với chính mình.  Do đó, ý nghĩa lớn nhất của mùa Xuân là ý nghĩa về hòa hợp, một sự hòa hợp được thực hiện đồng thời ở cả ba bình diện tự nhiên, xã hội và tâm linh.  Sự hòa hợp này chính là sự thống nhất của cả ba yếu tố 
- Thiên, Địa và Nhân.
Bước nhè nhẹ trong gió
Có phải Xuân đang về
Mà lòng nghe phơi phới
Rộn lên bản Tình Ca!
Và bản Tình Ca lớn nhất mà con người có thể tạo nên được bằng sự mơ mộng của mình, đó là "Mùa Xuân nhân loại", đỉnh cao ước mơ của những tâm hồn lãng mạn và giàu trí tưởng tượng.  Từ lâu, trong ngôn ngữ thi ca ở phương Đông cũng như ở phương Tây, khái niệm "Mùa Xuân nhân loại" thường được các nhà thơ tạo nên như một sự kết tinh đẹp đẽ và lãng mạn của những ước mơ mang đầy giá trị nhân bản: sự hòa hợp và hạnh phúc của cả loài người xét như một thực thể thống nhất không bị chia cắt và chia rẽ bởi những đường ranh giới tự nhiên và nhân tạo.  Một thế giới không còn chiến tranh, bạo lực, nghèo đói bất công; một thế giới mà người đối xử với người không phải như lang sói mà như "tứ hải giai huynh đệ", và một nhân loại vĩnh viễn bước ra khỏi thời kỳ "tăm tối" để thực sự trở thành Người với tất cả ý nghĩa tốt đẹp của từ này.  Đó là một "Giấc mơ nhân bản"  hết sức cao đẹp mà không phải chỉ có các nhà thơ, các nghệ sĩ mới mơ mộng; mà ngay cả một số nhà tư tưởng hoạt động xã hội và tôn giáo cũng từng đề cập đến.  Một trong những chỗ gặp gỡ giữa thi ca và triết lý, nghệ thuật và tư tưởng, chính là ở khái niệm "thiên đàng tại thế" và một "ngày mai ca hát" cho tất cả mọi người.  Nếu nói đây chỉ là mơ mộng thì đây là một thứ mơ mộng lớn nhất, một loại "mơ mộng thần thánh" mà chỉ có con người, với tất cả sự đau khổ và ý hướng – vượt – khổ của mình, mới có thể tạo ra như một viễn cảnh tốt đẹp nhất mà loài người có thể hướng tới.  Về phương diện này có thể nói con người là Kẻ mơ mộng với chính mình và về chính mình.
 Đến ThựcTại Của Thế Giới Ngày Nay
Một giấc mơ nhân bản cao đẹp như vậy, khi đối diện với thực tại của thế giới ngày nay, bỗng trở nên thật xa vời và gần như có tính chất ảo mộng.  Thực khó có thể nắm bắt được thực chất của cái gọi là "những vấn đề toàn cầu" mà nhân loại ngày nay đang ra sức giải quyết, nhưng bằng một sự phân tích và tổng hợp từ chính thực tại lịch sử trong thế kỷ 20 này, chúng ta có thể nói rằng, đúng như quan điểm của Aurelio Peccei, nhà khoa học Ý và là người sáng lập Câu lạc bộ Roma, qui mô của "những vấn đề thế giới" đã trở nên phức tạp và nan giải hơn bao giờ hết (1).  Nhìn vào sự vận động và phát triển của "những vấn đề thế giới" trong nhiều thập niên qua, Aurelio Peccei nhận thấy rằng ngoài việc chúng tavẫn còn bị những vấn đề cũ rích ám ảnh (như vấn đề chiến tranh, hòa bình…), "bây giờ chúng ta lại càng lúng túng hơn nữa trước một loạt vấn đề mới vừa đặt ra, chồng chéo lên những vấn đề cũ chưa được giải quyết" (2).  Mặc dù khoa học – kỹ thuật và các lực lượng sản xuất của thế giới có những bước phát triển thật khổng lồ và có những tính chất quyết định đối với nền văn minh của nhân loại, nhưng điều này vẫn chưa bảo đảm thật sự hạnh phúc của con người, và con người gần như phải luôn luôn trả giá, một cái giá rất đắt, cho chính sự phát triển nặng về phía cạnh vật chất của mình, trong đó có cái giá về môi trường và văn hóa.  Những "làn sóng văn minh" mà Alvin Toffler(3) thường hay đề cập đến cũng thường đi liền với những "làn sóng khủng hoảng" đang liên tiếp nổi lên ở nơi này hay nơi khác trên thế giới, trong đó nặng nề nhất là sự khủng hoảng về những giải pháp cho những vấn đề mang tính toàn cầu này.  Kết quả là có không ít người rơi vào tình trạng mất phương hướng, cảm thấy lạc lõng và xa lạ trong một thế giới ngày càng tha hóa.  Điều này dẫn đến một cuộc khủng hoảng khác: khủng hoảng về chính giá trị và vị trí của con người trong hệ thống tự nhiên – xã hội.
Khác với những thời kỳ trước trong lịch sử, hiện nay, sự tha hóa (vong thân) đã trở nên nặng nề và "toàn diện" hơn bao giờ hết.  Trong một thế giới đang vận động với qui luật gia tốc,  con người ngày càng xa lạ với môi trường xung quanh và đôi khi với ngay cả chính bản thân mình.   Sự tàn phá và hủy diệt môi trường (được ngụy trang bằng mỹ từ "chinh phục thiên nhiên") mà con người đã thực hiện trong suốt mấy chục năm qua đã để lại những hậu quả thật nặng nề: sự xa vắng và "thù địch" trong mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, cũng như sự trừng phạt nghiêm khắc của bà Mẹ Thiên nhiên đối với đứa con nhân loại ngỗ nghịch của mình.  Trên bình diện xã hội và con người, cơn dịch tha hóa hầu như đã thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống và các lãnh vực hoạt động xã hội.  Nhờ sự tiến bộ đạt được trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sự liên lạc-truyền thông giữa con người tăng lên nhưng sự cảm thông và tôn trọng lẫn nhau thật sự lại giảm; và đó chính la một  trong những nghịch lý lớn nhất của thời đại.
Tóm lại, trong các thập niên cuối cùng của TK.20 này, sự phát triển của loài người (bao gồm sự phát triển có lý trí và sự phát triển mù quáng) và sự vận động của lịch sử đã đi đến một bước ngoặc vĩ đại có tính chất quyết định: hoặc loài người vẫn tiếp tục "phát triển" theo lối cũ và tiếp tục vật lộn với những vấn đề toàn cầu hết sức nan giải: sự bùng nổ dân số, nạn thiếu lương thực, kiệt quệ tài nguyên, ô nhiễm môi trường sự bạo lực và khủng bố, sự liên minh của các thế lực tội ác, sự lạm dụng năng lượng hạt nhân sự nỗi loạn kỹ thuật cũng như sự khủng hoảng của các nền kinh tế và sự băng hoại  các giá trị đạo đức – văn hóa…, hoặc loài người dũng cảm đưa ra những quyết định sáng suốt tác động một cách tích cực đến cá mối quan hệ xã hội và tự nhiên, góp phần vào việc xây dựng lại nền văn minh nhân loại theo hướng lành mạnh hơn là làm giảm thiểu đến mức thấp nhất các mối hiểm nguy hiện thực cũng như tiềm tàng…  Đây chính là một sự lựa chọn có tính chất "thiên niên kỷ", và số phận của nhân loại sẽ tùy thuộc vào sự lựa chọn đó…
* Trở về với con đường của Phật Giáo 
Nếu khoa học, kỹ thuật giúp cho con người phát triển hướng ra thế giới bên ngoài và là một yếu tố không thể thiếu được trong việc cải thiện và nâng cao các tiện nghi, phúc lợi vật chất của con người, thì Phật giáo và tôn giáo nói chung lại hướng về sự phát triển của thế giới bên trong, điều kiện cơ bản cho hạnh phúc của cá nhân và xã hội.  Một giải pháp Phật giáo cho "những vấn đề toàn cầu" không thể thay thế cho những giải pháp hiện thực khác có tính chất xã hội, khoa học, chính trị; nhưng đó chính là một giải pháp căn cơ, có khả năng giải quyết tận gốc rễ những vấn đề trầm trọng đang đặt ra trước toàn thể loài người.  Sự "phá sản nhân văn", nếu có thể nói như vậy, chỉ có thể được giải quyết bằng cách phục hồi lại những giá trị nhân bản và tâm linh ngay trong bản thể của con người.  Và để thực hiện điều này, Phật giáo, hiểu như một con đường sống, có thể cung cấp nhiều kinh nghiệm và chỉ dẫn quí báu.
Nói như Daisaku Ikeda, nhà bác học Nhật và là chủ tịch tổ chức Soka Gakkai Quốc tế (một tổ chức Phật giáo vì hòa bình, văn hóa, giáo dục), chính sự mất cân bằng bên trong con người đã kéo theo sự mất cân bằng của xã hội và môi sinh; và căn nguyên sinh ra khuyết điểm và mất cân bằng đó chính là cách sống và lối suy nghĩ của con người, là sự suy thoái đạo đức gây ra bởi ba độc tố là tham, sân , si.  Đây chính là một thứ "hiểm họa nội tại" có sức phá hoại khôn lường và không dễ dàng gì khắc phục được nó, bởi vì "đánh bại kẻ phản trắc trên núi còn dễ hơn kẻ phản trắc trong tâm" (4).   Một khi con người không thực hiện được sự thanh bình ngay trong tâm hồn của mình thì chắc chắn rằng người đó sẽ "góp phần" làm cho thế giới mà trong đó anh ta đang sống mất đi một yếu tố thanh bình và an lạc.  Và ngược lại, sự mất thanh bình của thế giới cũng "góp phần" tạo ra sự mất thanh bình và an lạc trong tâm hồn.  Đó là cái vòng lẩn quẩn mà để thoát ra khỏi nó cần có sự phối hợp giữa giải pháp Phật giáo và các giải pháp khác.
Không phải ngẫu nhiên mà để giải quyết một cách căn cơ các vấn đề toàn cầu, trong đó nổi bậc nhất là vấn đề tha hóa và suy thoái đạo đức, nhiều bậc thức giả ở phương Đông và ở phương Tây đều chủ trương một cuộc "Cách mạng con người" có tính chất toàn diện và triệt để.  Theo Krishnamurti, nếu trên bình diện khoa học – kỹ thuật và đời sống vật chất con người đã đạt được những bước tiến khổng lồ; thì trên bình diện cơ cấu tâm thức và động năng, con người hiện nay không khác gì mấy so với con người cách đây hàng mấy ngàn năm.  Nếu có khác chăng là ở chỗ con người hiện đại khéo "ngụy trang" tâm thức của mình bằng nhiều võ bọc và nhãn hiệu khác nhau được mệnh danh là "văn hóa", trong khi đó bản chất thật sự của tâm thức vẫn giống như xưa.  Do đó một cuộc cách mạng chỉ thật sự vĩ đại khi nó tạo ra  được một sự chuyển hóa tâm thức  toàn diện và triệt để, phá tan bức màn vô minh và vọng tưởng đang che phủ con người; qua đó, một sự "hòa giải" đích thực giữa con với thiên nhiên, con người với tha nhân và con người với chính mình mới có thể xảy ra.
Aurelio Peccei cũng chủ trương cần phải "thay đổi lòng người" và cũng phải khẳng định một cuộc cách mạng con người bằng cách thực hiện điều mà ông gọi là "một chủ nghĩa nhân văn mạnh mẽ và có tinh thần đổi mới".  Theo A.Peccei, sống trong một thời đại mà con người cuồng nhiệt đi tìm hạnh phúc bằng cách chiếm đoạt thật nhiều của cải vật chất mà xem nhẹ những giá trị nhân đạo, thì việc "chiến thắng lòng sùng bái vô biên đối với cuộc cách mạng vật chất là một điều cần thiết để "chủ nghĩa nhân văn mạnh mẽ và đổi mới" có thể trở thành hiện thực".  Nhà bác học Mỹ Linus Pauling cũng đã đề cập đến một nguyên tắc luân lý cơ bản mà ông đã rút ra được từ những lập luận khoa học của mình, theo đó, sự giảm tới mức tối thiểu nỗi khổ đau của con người phải được xem là một nguyên tắc tối thượng (5).  Ông cho rằng đó chính là nền tảng đạo lý cơ bản của hầu hết các tôn giáo lớn.
Cũng trong cùng một nguồn mạch suy tư của những bậc thức giả nói trên, Daisku Ikeda cũng cho rằng một giải pháp toàn diện và triệt để cho những vấn đề toàn cầu không thể tìm trong những cuộc cách mạng kỹ thuật  và vật chất ở bên ngoài con người, mà phải tìm ở sự thay đổi ngay từ bên trong tâm thức và tư duy của con người.  Quan sát đời sống xã hội Nhật Bản sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, ông nhận thấy rằng mức sống vật chất cao hoàn toàn không phải là một yếu tố bảo đảm cho sự yên ổn về tinh thần và thoải mái về tư tưởng.  Trái lại, cùng với sự  phồn vinh và phát triển kinh tế, số người mắc bệnh tâm thần trong xã hội ngày càng cao. Theo Daisaku Ikeda, tu hành theo Phật pháp không phải chỉ là cải cách tầng ý thức bên ngoài, mà còn có thể chuyển hóa tầng vô thức, làm phát huy tiềm lực to lớn trong mỗi sinh mệnh. Trong chín tầng nhận thức của Tánh Tông (giáo lý cửu thức), tầng thứ chín Ammala thức (Aavijâna) là tầng sâu nhất, vốn trong sạch, không nhiễm ô (nên còn gọi là Vô cấu thức, Thanh tịnh thức, Chơn như thức…).   Đây chính là cơ sở của sự sống dưới hình thức phổ quát, và là hiện thực phổ quát duy nhất.  Một cuộc "cách mạng con người" mà các bậc thức giả thường kêu gọi chỉ có thể được thực hiện nếu tầng nhận thức thứ chín này được chú tâm khai mở và phát triển thực sự.  Đó chính là một sự phát triển tâm linh mà Roberto Assagioli gọi là "phát triển siêu cá nhân" (le développement transpersonel)(6). Có người còn gọi đây là một trong những hướng phát triển chủ yếu của nhân loại trong tương lai.
"Mùa Xuân nhân loại"  là một ước mơ nhân bản có khả năng trở thành hiện thực, hay mãi mãi chỉ là một Ảo Mộng vĩnh cửu?  Không ai khác hơn mà chính là chúng ta, những người còn đang chìm đắm trong vô minh và niềm đau khổ vô biên hoặc đang vươn đến bến bờ của sự giải thoát sẽ trả lời câu hỏi này, một sự trả lời sẽ quyết định số phận của nhân loại trong thiên niên kỷ tới.
            (1), (2) Tiếng chuông cảnh tỉnh cho thế kỷ XXI ("trước khi trở nên quá trễ") (Daisaku Ikeda, Aurelio Peccei)
(3) Làn sóng thứ ba (Alvin Toffler)
(4), (5) Suốt đời tìm kiếm hòa bình (Linus Pauling, Daisaku Ikeda)
(6) Sự phát triển siêu cá nhân (Roberto Assagioli
-- o0o --