-
Từ Nguyễn Trãi Đến Ngô Thì Nhậm
-
& Con Đường Đi Lên Đỉnh Núi Yên Tử
-
--o0o--
-
- I -
-
Tôi còn nhớ vào khoảng cuối năm 1973 hay đầu năm 1974 gì đó.
Tuần báo văn nghệ Tìm Hiểu tại Sài Gòn có đăng một bài phỏng
vấn Bùi Giáng, người phỏng vấn là Phan Quốc Sơn. Trong đó Bùi
Giáng có nhắc đến cái chết của Nguyễn Trãi, tôi không còn nhớ
được nguyên văn, nhưng đại ý Bùi Giáng nói rằng:" Ðêm nào tôi
cũng nằm mơ thấy Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, rồi đây dân
tộc mình phải gánh lấy hậu quả của ác nghiệp mà mình đã gieo
ấy".
-
Không biết đó có phải là lời tiên tri của một thi
sĩ hay không?
-
Nhưng trên thực tế thì từ 1973 đến nay đã gần 3
thập kỷ, đúng là 3 thập kỷ mà dân tộc đã phải gánh chịu không
biết bao nhiêu là thống khổ, chiến tranh, phân ly và nhất là
hận thù.
-
Trong đêm dài đằng đẵng của quê hương đó, chắc
chắn rằng vẫn không ít những người con thức cùng với quê hương
đau khổ, vẫn thức cùng với nỗi oan nghiệt và ngang trái mà
Nguyễn Trãi, một bậc anh hùng đã hiến dâng tất cả tình yêu của
mình cho quê hương, để rồi cuối cùng phải ngã gục bởi tình yêu
mà Nguyễn Trãi đã cưu mang đó.
-
Trong thơ của Nguyễn Trãi, ta thấy ông thường nói
đến cái hận của bậc anh hùng:
-
- Kim cổ vô cùng giang mạc mạc
-
Anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu
-
( Xưa nay thời gian không cùng, sông rộng bát ngát
-
Anh hùng mang mối hận, lá rụng veo veo)(1)
-
( Vãn Hứng )
-
Và trong một bài thơ khác, Nguyễn Trãi lại nói đến cái hận đến
cả ngàn năm:
-
- Anh hùng di hận kỷ thiên niên
-
(Anh hùng để mối hận đến mấy nghìn năm sau)(2)
-
Dù đó là câu được trích trong bài Quan Hải (đóng cửa biển)
nhắc đến việc Hồ Quý Ly đã lấy gỗ và đá đặt sau dưới lòng biển
để đánh đuổi quân Minh xâm lăng, nhưng vì không được lòng dân,
thì dù là một bậc anh hùng như Hồ Quý Ly đi chăng nữa, thì
cuối cùng cũng gánh lấy thảm bại mà thôi.
-
Nhưng tôi nghĩ rằng, khi làm câu thơ trên không
nhiều thì ít Nguyễn Trãi cũng có gởi gắm tâm sự của mình trong
đó. Vì lý do dễ hiểu là một người tự trọng như Nguyễn Trãi thì
không bao giờ tự nhận mình là bậc anh hùng.
-
Nhưng Nguyễn Trãi có hận riêng cho bản thân mình
không?
-
Ðọc lịch sử dân tộc, thì có lẽ ai cũng phải công
nhận rằng, chỉ có Nguyễn Trãi là người chịu nhiều bất công và
đau khổ nhất trong số các bậc anh hùng của dân tộc.
-
Vừa mới thi đậu tiến sĩ, được Hồ Quý Ly cử giữ chức Ngự Sử Ðài
Chánh Chưởng, mộng ước giúp nhân dân giúp đất nước đã nằm
trong tầm tay. Vậy mà mộng ước đó đã bị vùi dập ngay tức khắc
khi quân Minh do Trương Phụ chỉ huy đã ào ạt xâm lăng đất
nước. Cha con Hồ Quý Ly và hầu hết triều đình nước "Ðại Ngu"
của ông đều bị bắt làm tù binh, trong đó có Nguyễn Phi Khanh,
cha của Nguyễn Trãi.
-
Nghe tin, Nguyễn Trãi đến thăm và tiễn cha đến tận
biên giới, có ý địnhtheo cha qua Trung Quốc để hầu hạ cha
trong buổi xế chiều của cuộc đời. Nhưng sau khi nghe lời
khuyên của Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi đã gạt nước mắt từ
biệt cha và em rồi quay trở lại để tìm con đường "rửa nhục cho
nước, trả thù cho cha".
-
Vậy là, Nguyễn Trãi phải bắt đầu làm lại cuộc đời từ con số
không, với trước mắt là hình bóng người cha già và đứa em trai
sống những ngày còn lại trên đất khách quê người với cuộc đời
tù binh mà Nguyễn Trãi biết chắc rằng sẽ chẳng bao giờ gặp lại
được nữa, còn sau lưng là quê cha đất tổ đang quằn quại trong
đêm dài nô lệ của ngoại bang.
-
Rồi sau khi đã cùng với Lê Lợi nằm gai nếm mật
"rửa nhục cho nước, trả thù cho cha" thì Nguyễn Trãi phải chịu
nỗi đau đớn khác nữa. Lê Lợi vì muốn thâu tóm quyền hành nên
đã bắt đầu nghi ngờ những nhân vật lỗi lạc đã cùng với Lê Lợi
chung vai sát cánh đánh đuổi quân Minh. Sử chép rằng, năm
Thuận Thiên thứ 2, Lê Lợi sai bắt Trần Nguyên Hãn, một đệ nhất
công thần khiến Trần Nguyên Hãn phải nhảy xuống sông tự tử.
Rồi tiếp theo là Phạm Văn Xảo, một đệ nhất công thần khác cũng
bị giết. Và chính Nguyễn Trãi cũng bị nghi ngờ có liên hệ với
Trần Nguyên Hãn nên cũng bị bắt, nhưng chỉ một thời gian ngắn
thì được thả ra.
-
Và cuối cùng là, một tai hoạ thảm khốc nhất đã giáng xuống
trên đầu Nguyễn Trãi:
-
"Vào cái ngày đau xót không những cho Nguyễn Trãi mà còn cho
cả dân tộc nữa, là ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất tức ngày 19
tháng 9 năm 1442 Nguyễn Trãi và gia tộc đã rụng đầu dưới lưỡi
dao oan nghiệt của cái triều đình hèn hạn và ngu muội mà chính
ông đã chiến đấu gian khổ để dựng nên" (3).
-
Nhưng xét cho cùng thì đó cũng chỉ là tai hoạ
riêng của Nguyễn Trãi và gia tộc. Một bậc anh hùng như Nguyễn
Trãi thì chắc không bao giờ có thể lấy sự đau khổ có tính cách
riêng tư để ôm mối hận đến ngàn năm sau. Vậy thì Nguyễn Trãi
ôm hận vì việc gì?
-
Lịch sử chép vào năm 1437 vua Lê Thái Tôn sai Nguyễn Trãi và
Lương Ðăng thẩm định lại lễ nhạc. Nguyễn Trãi tâu với Thái Tôn
rằng:
-
"Thời loạn thì dùng võ, thời bình thì dùng văn. Ngày nay định
ra lễ nhạc là phải thời lắm. Song không có gốc thì không đứng
vững, không có văn thì không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của
nhạc, thanh âm là văn của nhạc" (4).
-
Nhưng dù sao đó cũng là những lời những chữ mà ta
có thể nghĩ là bất cứ một chính trị gia thông minh và khôn
ngoan nào cũng có thể phát biểu được. Chỉ có những lời sau đây
mới là những lời được phát xuất từ trái tim nóng bỏng của bậc
cha già vì tình thương yêu cho con cháu ở muôn đời sau:
-
"Dám mong bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăn nuôi dân khiến cho
dân trong thôn xóm vắng, không có một tiếng hờn giận oán sầu.
Ðó tức là giữ được cái gốc của nhạc" (5).
-
Nguyễn Trãi bị giết năm 1442, vậy là tính đến nay
đã gần 600 năm. Có lẽ trong khoảng thời gian dài đằng đẵng của
lịch sử dân tộc đó, trừ vài thập kỷ ngắn ngủi dưới thời Lê
Thánh Tông (1442-1497) ra, còn hầu hết thì "tiếng hờn giận,
oán sầu" vẫn vang lên trong những xóm vắng của quê hương đất
nước.
-
Thi sĩ là kẻ luôn luôn có trực giác sâu xa nên
Nguyễn Trãi đã linh cảm được rằng, sự đau khổ chính bản thân
mình cũng là sự đau khổ chung cho cả dân tộc trong những thế
kỷ tiếp sau chăng? Vì lẽ những bậc anh hùng thì luôn luôn lấy
sự đau khổ chung như là sự đau khổ của chính bản thân mình
vậy.
-
Vào hậu bán thế kỷ 18, cũng có một nhà đại trí thức cũng bị
trả thù và hạ nhục như Nguyễn Trãi. Ðó là Ngô Thì Nhậm bị Gia
Long đem ra đánh đòn tại Văn miếu, và đã chết ngày 16 tháng 2
năm Quý Hợi (9 tháng 3 năm 1803). Thực ra, Ngô Thì Nhậm chỉ bị
hạ nhục chứ không oan trái như Nguyễn Trãi. Vì Nguyễn Trãi đã
ngã gục dưới lưới dao của chính triều đình mà ông đã dựng lên.
Còn Ngô Thì Nhậm thì ngã gục bởi triều đình đối nghịch với
triều đình mà Ngô Thì Nhậm đã phục vụ là triều đại Tây Sơn.
Nhưng nói cho cùng, thì dù là triều đình nào đi nữa thì cũng
đều là chung nòi giống Việt. Bởi vậy, hai cái chết của hai nhà
đại trí thức lớn của dân tộc vẫn để lại vết thương đau đớn
không phải chỉ ở thời đại của Nguyễn Trãi và Ngô Thì Nhậm
thôi, mà vết thương đó vẫn tiếp tục mưng mủ cho đến nhiều thế
kỷ sau nữa, đặc biệt là đối với những người biết vui cũng như
buồn về lẽ thịnh suy của lịch sử dân tộc.
-
Không chỉ giống nhau về cái chết bị hạ nhục, mà Nguyễn Trãi và
Ngô Thì Nhậm còn giốnh nhau trên nhiều lãnh vực nữa. Trước
nhất là thời đại.
-
Vậy thời đại mà Nguyễn Trãi đã sanh ra và lơn lên như thế nào?
-
Ðó là vào những năm cuối đời Trần. Gần như đã trở thành một
quy luật, những ông vua cuối cùng của bất cứ triều đại nào ở
đâu và thời đại nào cũng vậy, nghĩa là cũng hèn yếu, nhu
nhược, hưởng thụ trên sự đau khổ và rên xiết của muôn dân một
cách tàn nhẫn mà không hề có một chút hỗ thẹn. Nguyễn Phi
Khanh cha của Nguyễn Trãi trong một bài thơ gởi cho Băng Hồ
Trần Nguyên Ðán đồng thời cũng là cha vợ của mình, một Tôn
Thất của nhà Trần. Nguyễn Phi Khanh đã nói lên tình cảnh khốn
khổ của người dân tại một làng quê như thê này:
-
- Ðạo huề thiên lý xích như thiêu
-
Ðiền dã hưu tu ý bất liêu!
-
Hậu thổ sơn hà phương địch địch
-
Hoàng thiên vũ lộ chính thiều thiều!
-
Lại tư võng cổ hồn đa kiệt,
-
Dân mạnh cao chi bán dĩ tiêu
-
(Ðồng lúa nghìn dặm đỏ như cháy
-
Vùng thôn quê vang tiếng kêu than:
-
Sinh kế biết trông đâu!
-
Non sông khắp giải đất này đang khô không khốc:
-
Mà mưa mốc hoàng thiên còn xa biền biệt
-
Màng lưới nha lại, làm cho dân kiệt quệ mất nhiều;
-
Dầu mỡ trong sinh mạng dân ta đã
tiêu hao đến một nửa!)(6)
-
(Thôn cư cảm sự ký trình Băng Hồ tướng công)
-
Trước một xã hội như vậy, Nguyễn Phi Khanh với tư cách một sĩ
phu cứ băn khoăn tự hỏi mình phải làm gì?
-
- Ô hô thế đạo như hà ngã
-
Tam phủ di biên phú Ðại Ðông!
-
( Than ôi! Trên đường đời, ta biết tính sao đây?
-
Ba lần vỗ bìa sách cũ mà ngâm thơ Ðại Ðông!)(7)
-
(Thu nguyệt hữu khởi cảm tác )
-
Không còn hồ nghi gì nữa chính Nguyễn Phi Khanh qua nhữnh vần
thơ trên đã hun đúc tâm hồn cho con la Nguyễn Trãi sau này.
-
Ðến Nguyễn Trãi thì sự thống khổ lại được nhân lên gấp bội,
nghĩa là ngoài sự đau khổ loạn ly của xã hội cuối đời Trần,
Nguyễn Trãi còn chứng kiến sự tàn bạo của quân cướp nước:
-
- Thui dân đen trên lò bạo ngược
-
Hãm con đỏ dươi hố tai ương.
-
Dối trời lừa người! Kế gian đủ muôn nghìn khoé.
-
Cậy binh gây hấn, ác chứa gần hai chục năm (8)
-
(Bình Ngô Ðại cáo )
-
Ðó không phải là hận thù lên tiếng nói mà chính tình thương đã
lên tiếng nói. Phải có một tấm lòng tràn đầy nhân ái nên chỉ
trong vài câu ngắn gọn Nguyễn Trãi đã phơi bày được hết cái
xấu cái ác của một thiểu số người thống trị ở mọi thời đại.
-
Kẻ xâm lược có nghĩa là kẻ không cùng chung nòi giống, thì họ
tàn bạo cũng là điều có thể hiểu được. Nhưng cùng chung một
nòi giống mà " Dối trời lừa người" để “ Thui dân đen trên lò
bạo ngược" thì lịch sử xưa cũng như nay đều không phải là ít.
-
Vào hậu bán thế kỷ 18, xã hội mà Ngô Thì Nhậm sanh ra và lớn
lên cũng chẳng khác gì xã hội mà Nguyễn Trãi đã chứng kiến từ
những ngày còn trai trẻ ở đầu thế kỷ 15, nghĩa là cũng những
ngày xế chiều của vua Lê chúa Trịnh ở đàng Ngoài, và chúa
Nguyễn ở đàng Trong. Phan Huy Chú đã ghi lại về đời sống của
người dân về những ngày ấy:
-
" ... Vì sự trưng thu quá mức, vật lực kiệt không thể nộp nổi,
đến nỗi người ta thành ra bần cùng mà phải bỏ nghề nghiệp. Có
người vì thuế sơn sống mà phải chặt cây sơn, có người vì thuế
vải lụa mà phải chặt khung cửi. Cũng có kẻ vì nộp vỏ cây mà bỏ
rìu búa; vì bắt cá tôm mà xé lưới chài, vì phải nộp mật mà
không trồng mía đường nữa, vì phải nộp bông chè mà bỏ hoang
vườn tược. Làng xóm náo động... “(9)
-
Năm 1769, Ngô Thì Nhậm mới có 23 tuổi được bổ nhiệm làm Hiến
Sát Phó Sứ Hải Dương. Trong Hàn Các Anh Hoa, còn ghi
lại tất cả những bài Khải của Ngô Thì Nhậm dâng lên
chúa Trịnh, hầu hết đều nói đến “cái ẩn tình đau khổ của dân”.
Trong một bài Khải khác, Ngô Thì Nhậm đã chính thức đề
nghị chúa Trịnh nên thi hành "các cải cách hành chánh", Ngô
Thì Nhậm viết:
-
“... Thần được nghe “ Quan nhiều thì lại nhiều, lưới thưa thì
dân giàu" cho nên Thiên Chu quan nói: "Quan không cần đủ".
Thiên Lập Chính nói: "Cẩn thận noi phép tùy theo nặng nhẹ mà
dùng hình phạt cho thích đáng”. Những điểm đó đều là gốc của
chính sự, có quan hệ đến tính mệnh của dân, sai một ly là đi
một dặm.
-
Gần đây, cứ nhân tuần theo như tệ cũ, mỗi ngày một phiền nhiễu
thêm: quan có khi không cần đặt cũng đặt, việc có khi không
cần thêm cũng thêm; kiện có khi không cần xử cũng xử. Nói
chung họ lợi dụng chức vụ để sách nhiễu, mượn văn án để làm
việc thiên tư, khiến kho của dân bị khánh kiệt vì quan nhiều,
chính thể bị tổn thương vì án nặng. Hiện nay ở nơi thôn xóm,
dân đương vất vả vì thiếu ăn. Mong được nới phần nào nhờ ơn
phần nấy.
-
Thiết nghĩ đường lối nới rộng cho dân, trước hết là bỏ những
viên chức tạp nhạp, ngồi không và bớt những công việc phiền
nhiễu đi" (10). ( Tuế quy Trần ngôn khải )
-
Ngô Thì Nhậm viết bảng điều trần trên cách đây đã gần 2 thế kỷ
rưỡi.
-
Phong kiến rồi thực dân đế quốc đã bị quét sạch.
-
Thế nhưng những điều mà Ngô Thì Nhậm yêu cầu chúa
Trịnh bãi bỏ để quan lại thời đó bớt ức hiếp người dân, đến
nay vẫn còn tồn tại, mặc dù tồn tại dưới một hình thức khác,
nghĩa là tinh vi và máy móc hơn nhiều.
-
Trong lịch sử đánh đuổi ngoại xâm của dân tộc, mặc dù rất
nhiều, nhưng có lẽ 4 cuộc chống ngoại xâm được xem là vĩ đại
nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đó là:
cuộc đánh Tống của Lý Thường Kiệt (1076), cuộc đánh đế quốc
Nguyên Mông của Trần Hưng Ðạo lần thứ nhất (1257), lần thứ hai
(1285) và lần thứ ba (1287-1288), rồi cuộc đánh đuổi quân Minh
của Lê Lợi (1418-1427) và cuối cùng là cuộc đại phá quân Thanh
năm Kỷ Dậu (1789) của Quang Trung Nguyễn Huệ.
-
Nếu xét theo hoàn cảnh, thì có thể nói rằng hai cuộc chiến
tranh vệ quốc sau là cuộc đánh Minh của Lê Lợi và đại phá quân
Thanh của Nguyễn Huệ thì gian nan và khó khăn hơn nhiều. Khi
đánh Tống, thì Lý Thường Kiệt đã có sẵn một vương triều Lý
đang ở hồi hưng thịnh nhất. Cũng vậy, khi đế quốc Nguyên Mông
tràn vào nước ta thì Trần Hưng Ðạo cũng đã có sẵn vương triều
Trần cũng đang ở trong gian đoạn hùng mạnh, nhất là tinh thần
đoàn kết từ vua quan đến thứ dân.
-
Trong khi Lê Lợi đã phải bắt đầu bằng hai tay trắng nơi núi
rừng Lam Sơn nghèo khổ ở Thanh Hóa. Còn Nguyễn Huệ thì có
thuận lợi hơn Lê Lợi, nhưng vẫn có nhiều hạn chế, trước hết là
nội bộ Tây Sơn đã bắt đầu rạn nứt, trong Nam thì Nguyễn Aùnh
đang bắt tay với Pháp và củng cố các tỉnh miền Nam để chuẩn bị
phản công. Còn ở Bắc Hà, mặc dù dân chúng thì căm ghét quân
Thanh xâm lược, nhưng một số nhà Nho bảo thủ vẫn hướng vọng về
vua Lê chúa Trịnh.
-
Tuy vậy, Lê Lợi và Nguyễn Huệ lại được hai nhà trí thức có thể
là lỗi lạc nhất của thời đại tìm đến giúp đỡ. Nguyễn Trãi, mặc
dù là cháu ngoại của Tôn Thất nhà Trần, nhưng bằng cặp mắt
nhìn xa trông rộng, biết rằng nhà Trần đã hết vai trò lịch sử,
nên đã mạnh dạn đến Lỗi Giang trao Bình Ngô Sách cho Lê Lợi.
Rồi sau đó ròng rã trong 10 năm, chính Nguyễn Trãi đã hoạch
định đường lối và kế sách cho nghĩa quân Lam Sơn. Trong và sai
khi hòa bình được lập lại, thì Lê Lợi cũng đã giao cho Nguyễn
Trãi soạn thảo các văn thư ngoại giao với các tướng lãnh nhà
Minh. Trong Quân Trung từ mệnh tập ta thấy Nguyễn Trãi
đã viết thư cho các tướng lãnh đang chiếm đóng nước ta như Sơn
Thọ, Phương Chính, Thái Thúc, Vương Thông, .v..v. để có lúc “
như mắng nhiếc “, có lúc “ như khiêu khích ". Nhưng trên hết
vẫn là lòng nhân ái tràn đầy, đã làm cho nhiều tướng lãnh của
quân Minh như Lưu Thanh ở Tam Giang cùng với các tướng lãnh
khác ở Nghệ An, Thuận Hóa, Tây Ðô và nhiều thành đều “không
đánh mà giặc phải ra hàng cả" như Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư đã
ghi lại.
-
Cũng như trường hợp Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm mặc dù đã được
sanh ra và lớn lên trong gia đình nhiều đời chịu ân sủng vua
Lê chúa Trịnh, lại được nổi tiếng là người trí thức thuộc
"dòng dõi văn học Bắc Hà". Nhưng Ngô Thì Nhậm cũng đã nhận ra
chiều gió lớn của lịch sử, nên cuối cùng đã quyết định trở về
với nghĩa quân Tây Sơn.
-
Ngô Thì Nhậm trở về cũng đúng lúc như Nguyễn Trãi đến Lỗi
Giang gặp Lê Lợi vậy.
-
Ngày 28 tháng 10 năm Mậu Thân (1788), 29 vạn quân Thanh dưới
sự chỉ huy của tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị đã vượt ải Nam
Quan tiến về Thăng Long. Hầu hết các tướng lãnh Tây Sơn đều
nhất quyết đem quân chận đánh, vì theo cách suy diễn của họ
thì "lấy quân nghĩ ngơi mà đánh quân mệt nhọc" thì nhất định
phải thắng. Nhưng ý kiến của Ngô Thì Nhậm thì lại khác, ông đề
nghị "toàn quân rút lui, không bị mất một mũi tên, cho nó ngủ
trọ một đêm rồi mai lại đuổi nó đi”. Tướng Ngô Văn Sở đã chấp
nhận ý kiến của Ngô Thì Nhậm, cho rút quân về núi Tam Ðiệp,
đồng thời cho người về cấp báo với Nguyễn Huệ ở Phú Xuân. Quân
Thanh vào Thăng Long như vào chỗ không người nên tỏ ra chủ
quan, kiêu ngạo, nên rất đúng như lời nói của Ngô Thì Nhậm
"cho chúng ngủ trọ một đêm rồi mai lại đuổi nó đi”. Nguyễn Huệ
đã thần tốc kéo quân ra Bắc Hà, không đầy 10 ngày đã đánh tan
29 vạn quân Thanh, giải phóng Thăng Long lập nên võ công vĩ
đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.
-
Sau chiến thắng mùa xuân 1789, Ngô Thì Nhậm cũng được Nguyễn
Huệ giao trách nhiệm “tuỳ việc ứng đối với nhà Thanh để yên
việc chiến tranh”. Các văn kiện ngoại giao do Ngô Thì Nhậm
soạn thảo trong thời kỳ này được tập hợp lại trong Ban giao
hảo thoại và một số trong Ban giao tập.
-
Cũng như Nguyễn Trãi đã viết Bình Ngô Ðại Cáo để nói
lên tất cả hào khí của dân tộc được thể hiện qua nghĩa quân
Lam Sơn, thì Ngô Thì Nhậm cũng đã viết Chiếu Lên Ngôi
cũng với cùng mục đích là nói lên hào khí của dân tộc trong
thời đại Tây Sơn mà tiêu biểu nhất là qua bản thân Quang Trung
Nguyễn Huệ.
-
Ngoài ra, Ngô Thì Nhậm cũng đã là tác giả của Biểu Trần
Tình, Biểu Cầu Hôn, Biểu đòi bỏ lệ cống người
vàng, Biểu đòi đất 7 châu Hưng Hóa, Biểu đòi sứ bộ nhà
Thanh vào Phú Xuân tiên phong.
-
Nhà Hán học và nghiên cứu văn học Lê Thước có nhận định về văn
phong của Ngô Thì Nhậm như sau:
-
"Ngô Thì Nhậm là tiến sĩ đời Lê, nhưng văn ông không bị ảnh
hưởng lối văn phù hoa, phiêu dật của thời này. Văn ông là văn
bác học, văn ông hùng hồn, mạch lạc, kỹ thuật điêu luyện ít ai
bì nổi. Văn Ngô Thì Nhậm không phải hay ở chỗ câu văn trau
chuốt mà hay ở chỗ cốt cách không trọng kỹ xảo. Lời văn này
hoàn toàn xa lại với văn cầu kỳ, khuôn sáo ở thời Lê Mạt. Có
thể nói văn Ngô Thì Nhậm là văn của một người có tầm tư tưởng
lơn, có thể so sánh với văn của Nguyễn Trãi.
-
Ðứng trước Ngô Thì Nhậm, không những nhà văn bình thường, mà
những nhà văn tài ba sống cùng thời như Phan Huy Ích cũng bị
lu mờ" (11)
-
- II -
-
Dường như trong thi ca xưa cũng như nay, hầu hết các thi nhân
đều không bao giờ đứng nhìn mặt trời mọc mà cảm khái cho thân
phận phù du của kiếp người, mà đều đứng nhìn cảnh chiều tà.
-
Có lẽ cũng là điều dễ hiểu, vì tâm thức của con người cũng
quay theo tiết nhịp của trời đất. Nói theo một nhà văn của
Việt Nam hiện đại thì "ngôn ngữ của bình minh là ngôn ngữ của
sự thức tỉnh" còn "ngôn ngữ của hoàng hôn là ngôn ngữ của sự
đưa ma những thần tượng" ( Phạm Công Thiện ).
-
Nguyễn Trãi là một người tài hoa lại mang nhiều bi
kịch trong đời sống nội tâm của mình, nên chắc chắn ông có
nhiều điều để tâm sự mỗi khi nhìn buổi chiều đến chậm:
-
- Trường thiên mạc mạc thủy du du
-
Hoàng lạc sơn hà thuộc mộ thu
-
Tiễn sát hoa biên song bạch điểu
-
Nhân gian lụy bất đáo thương châu
-
(Trời thì rộng bao la nước thì bát ngát.
-
Lá vàng rụng phủ núi sông, tiết muộn về thu.
-
Thèm chết được như đôi chim trắng ở bên hoa kia
-
Lụy nhân gian không đến được bãi ẩn dật ) (12)
-
( Buổi chiều đứng trông )
-
Có lẽ cũng như bao nhiêu tâm hồn vĩ đại khác đã đến rồi đi
trên cuộc đời này. Nguyễn Trãi cũng đã nhiều lần băn khoăn tự
hỏi, sự có mặt của mình trên cuộc đời này có ý nghĩa gì chăng?
Mình là gì hay cũng chỉ là một sinh vật phù du giữa đất trời
mênh mông? Nên ở lại với loài người? Hay nên ra đi sống vô
danh và im lặng như cỏ cây, cát bụi? Sao mình không được là
đôi chim trắng đang bay thảnh thơi bên bụi hoa ngoài song cửa
sổ kia?
-
Trong bài Thính vũ (Nghe mưa) ta thấy Nguyễn Trãi có
một nỗi xao xuyến lạ lùng rất khó tả. Nỗi xao xuyến đó có thể
là một niềm vui (dù rất mơ hồ) "hoà chung nhập mộng thanh"
(lẫn tiếng chuông vẳng vào giấc mơ nhẹ nhàng); hay cũng có thể
là một nỗi hốt hoảng bàng hoàng khi chợt nhận ra rằng mình
cũng chỉ là một kẻ xa lạ, nhỏ bé, chẳng nghĩa gì giữa vũ trụ
mênh mông này:
-
- Tịch mịch u trai lý
-
Chung tiêu thính vũ thanh
-
Tiêu tao kinh khách chẩm,
-
Ðiểm trích sổ tàn canh
-
Cách trúc xao song mật
-
Hòa chung nhập mộng thanh
-
Ngâm dư hồn bất mị
-
Ðoạn tục đáo thiên minh
-
-
( Vắng vẻ trong phòng tối tăm
-
Suốt đêm nghe tiếng trời mưa
-
Tiếng não nùng làm kinh động gối khách;
-
Giọt thánh thót suốt mấy canh tàn.
-
Cách bụi trúc như khua nhặt vào cửa sổ
-
Lẫn tiếng chuông vẳng vào giấc mơ nhẹ nhàng.
-
Ngâm rồi vẫn không ngủ được
-
Nghe đứt nối cho đến trời bình minh) (13)
-
( Nghe mưa )
-
Ngô Thì Nhậm một lòng vừa bước đi vừa nhìn đất trời mông lung
rồi cũng băn khoăn tự hỏi về mình, về vũ trụ mênh mông kia:
-
- Vừa đi ta vừa tự hiểu trong lòng ta chừ,
-
Lúc trời đất còn hỗn độn chưa phân,
-
Ở dưới cái gì làm nên núi sông chừ;
-
Ở trên cái gì làm trăng sao?
-
Ở giữa cái gì hình thành nên vật chừ,
-
Từ trạng thái gì hình thành nên người?
-
Sao lại chia ra trên, dưới, giữa chừ,
-
Khiến cho tụ lại theo loài, phân ra nhiều giống.
-
Chữ "Lý" (của Tống Nho) ấy thật là trống rỗng,
-
Chữ "Khí" (của Tống Nho) ấy thật là lộn xộn
-
Tại sao người ta vẫn ganh đua danh lợi chừ,
-
Ai là sơ mà ai là thân?
-
Tại sao lại đưa đón phiền phức chừ
-
Ai là giả mà ai chân?
-
Ðã dùng gươm giáo đánh nhau chừ
-
Rồi lại đem ngọc lụa mà giao hiếu (14)
-
Ðọc bài Phú trên của Ngô Thì Nhậm khiến ta nhớ đến kinh
MalunKyaputta trong Trường Bộ Kinh, MalunKyaputta đến xin Ðức
Phật giải đáp những vấn đề siêu hình như: vũ trụ trường tồn
hay 2) không trường tồn 3) vũ trụ hữu hạn hay 4) vô hạn. 5)
linh hồn là một vật và thể xác là một vật khác ..v...v..
-
Có lẽ chính vì những băn khoăn và ray rứt trên mà
Thái Tử Tất Ðạt Ða và biết bao nhiêu người trai trẻ khác đã từ
bỏ tuổi xuân, cắt mái tóc đen nhánh của mình, vứt bỏ lại sau
lưng tất cả những lạc thú của trần gian để lên đường tìm kiếm
cho ra lời giải đáp thỏa đáng cho những vấn đề muôn thuở về
thể phận của con người. Vì những con người minh triết nhất,
thì luôn luôn ý thức một cách triệt để rằng, mỗi người phải tự
tìm lấy lời giải đáp cho chính mình, chứ không ai giải đáp
thay cho mình cả.
-
Nói theo cách nói thơ mộng của một nhà thơ Việt Nam hiện đại
thì:
-
Em hỏi mãi tuy biết lời đáp lại
-
Chẳng bao giờ thỏa đáng giữa đời câm.
-
Em ngó mãi những chiều về trở lại
-
Mang những gì về trong cõi trăm năm
-
( Bùi Giáng )
-
Trong thơ bằng chữ Hán cũng như chữ Nôm, ta thất rất nhiều bài
Nguyễn Trãi cũng đã lên đường để tìm lời giải đáp cho những
vấn đề có tính cách sống chết này. Chẳng hạn, khi còn làm quan
to giữa chốn triều đình quyền cao chức trọng, nhưng Nguyễn
Trãi vẫn cứ nghĩ rằng mình như đang ở trong một thiền viện âm
u tĩnh mịch nào:
-
- Tiểu viện âm âm thạch kính tà
-
Tiêu nhiên hoạn huống tự tăng gia
-
( Viện nhỏ âm u với đường đá xiên
-
Vắng vẻ cảnh làm quan mà sao giống nhà chùa ) (15)
-
( Mạn hứng 3 )
-
Nếu nhìn theo cách nhìn của nhà thơ thì Nguyễn Trãi đang lên
đường tìm kiếm cái đẹp “cái đẹp sẽ cứu vớt con người” một văn
hào Nga đã nói như thế. Nhưng nếu ta nói rằng Nguyễn Trãi đang
thực tập Thiền quán, đang quán chiếu về đám mây trắng từ đỉnh
núi cao bay ra để mà quên lãng những cái gì nhỏ nhen thấp hèn
của cuộc đời như vinh hay nhục thì cũng không sai:
-
- Vị xuất gia thì thả trú gia
-
Hạm lý vân sơn vô sủng nhục
-
( Chưa xuất gia thì hãy ở nhà
-
Trong hiên nhìn mây núi thì không có vinh hay nhục nữa )
-
( Họa hữu nhân yên hà ngụ hứng )
-
Nguyễn Trãi ý thức được rằng đó là việc thiên nan vạn nan,
nhưng dường như Nguyễn Trãi cũng đã một lần phát đại nguyện,
luyện tập cái tâm của mình như một câu trong Quốc Âm thi
tập:
-
- Mọi sự đều nên " thuấn nhã đa"
-
Câu ấy khiến ta nhớ đến câu “thuấn nhã đa tánh khã
tiêu vong, thước ca ra tâm vô động chuyển" ( Hư không có thể
băng hoại, nhưng lòng kiên trì của ta đối với đại nguyện này
sẽ không bao giờ lây chuyển ) trong bai tựa của Kinh Thủ Lăng
Nghiêm mà truyền thống các chùa tại Việt Nam vẫn trì tụng vào
buổi khuya hơn 2000 năm nay.
-
Ðúng là Nguyễn Trãi đã trụ vững cái tâm của mình,
trong bất cứ trường hợp nào, dù giữa chốn triều đình, giữa sự
lao xao của lợi danh, chức tước, Nguyễn Trãi vẫn xem chốn đó
như một “quán khách” ngủ trọ một đêm rồi sáng mail lại lên
đường. Chỉ có hình bóng của "Bụt" mới rọi sáng trên con đường
đi của Nguyễn Trãi mà thôi:
-
- Chân chẳng lọt đến cửa vương hầu
-
Ấy tuổi nào thay đã bạc đầu!
-
Liệu cửa nhà xem bằng quán khách!
-
Ðem công danh đổi lấy cần câu.
-
Thân đà hết lụy thân đều nhẹ;
-
Bụt ấy là lòng Bụt há cầu?
-
( Mạn Thuật 8 )
-
Thực sự thì chẳng đợi đến khi ra làm quan, nghĩa là chẳng phải
khi gặp đau khổ thì Nguyễn Trãi mới nghĩ đến việc vào chùa,
vào Thiền viện, mà năm Ất Sửu (1385) khi vừa mới lên năm thì
đã theo mẹ là Trần Thị Thái về ở động Thanh Hư trên núi Côn
Sơn cùng ông ngoại là Quan đại Tư đồ Trần Nguyên Ðán, lúc này
đã xin cáo quan về hưu. Côn Sơn là vùng núi non có nhiều chùa,
Thiền viện, nên tất nhiên Nguyễn Trãi đã được hun đúc, nuôi
dưỡng rồi lơn lên trong không khí đầy Thiền vị ấy.
-
Khi về già, cáo quan về lại Côn Sơn, ta thấy Nguyễn Trãi đã
xác nhận lại một lần nữa rằng, chính "đất Bụt” đã làm thức
tỉnh tâm hồn mình, và ý thức nhập cuộc cứu đời cũng bắt nguồn
từ mảnh đất ấy:
-
- Ao quan thả gởi hai bè muống
-
Ðất Bụt nương nhờ một luống mồng
-
Còn có một lòng âu việc nước
-
Ðêm đêm thức nhẫn nẻo sơ chung
-
( Thuật Hứng 23 )
-
Hiện chưa có sử liệu nào xác nhận hay phủ nhận Nguyễn Trãi có
đến Trung Quốc hay không? Nhưng tôi nghĩ rằng Nguyễn Trãi có
đi hay không thì cũng chẳng quan trọng gì lắm, điều quan trọng
nhất vãn là Nguyễn Trãi đã làm một cuộc hành trình tâm linh,
đến tận nơi phát xuất dòng suối Tào Khê, nơi mà Lục Tổ Huệ
Năng đã chỉ rõ "bản lai diện mục", tức cái khuôn mặt muôn đời
của mọi sinh linh đau khổ trên cuộc đời phù du này. Vì dòng
suối ấy, không chỉ đã nuôi dưỡng sức sống cho 2 triều đại Lý
Trần, hai triều đại được xem là đỉnh cao của văn hóa Việt Nam,
mà dòng suối ấy còn chảy đến tận Cao Ly và nhất là Nhật Bản,
đã trở thành cây đại thọ mà cành lá của nó đã phủ mát cả đất
trời Á Ðông. Ðể rồi cuối cùng đến những thập niên của thế kỷ
20, sau khi nhân loại đã chịu đựng sự đau khổ đến cùng cực bởi
2 cuộc thế chiến, thì dòng suối Tào Khê lại bắt đầu đâm rễ ở
các nước Phương Tây.
-
Bởi vậy khi vừa đến đứng trước dòng suối Tào Khê, Nguyễn Trãi
đã viết:
-
- Bán sinh khâu hác tiện u thê
-
Thiền pháp phân minh thính điểu đề
-
Vạn lý Nam lai sơn thủy viễn
-
Nhất sinh năng kỷ quá Tào Khê
-
( Nửa đời chỉ thích nương thân cảnh suối gò
vắng vẻ
-
Noi gương Thiền nghe rõ tiếng chim kêu
-
Sông núi xa xôi, muôn dặm từ phương Nam đến
-
Một đời người đã được mấy lần qua suối Tào Khê? )
-
( Ðề Nam hoa thiền phòng )
-
Câu: Nhất sinh nhân kỷ quá Tào Khê
-
( Một đời người đã được mấy lần đến suối Tào Khê? )
-
Có thể thấy sự biểu lộ niềm vui mừng khôn xiết, sự hân hoan vô
bờ bến.
-
Vì sao Nguyễn Trãi lại vui mừng đến gần như rơi lệ khi đến
được suối Tào Khê như vậy? - Bài thơ sau đây có thể biết được
vì sao Nguyễn Trãi lại vui mừng đến như vậy:
-
Thần tích phi lai kỷ bách xuân
-
Bảo Lâm hương hỏa khế tiền nhân.
-
Hàng long phục hổ cơ hà diệu;
-
Vô thụ phi đài ngữ nhược tân.
-
Ðiện tắt khởi lâu tàng Phật bát;
-
Khám trung di tích thuế chân thân.
-
Môn tiền nhất phái Tào Khê thủy
-
Tẩy tận nhân gian kiếp kiếp trần
-
( Gậy thần tích bay đến đây đã mấy trăm xuân rồi
-
Hương hỏa chùa Bảo Lâm họp cùng nhân duyên trước.
-
Rồng giáng, hổ phục, mấy huyền vi thật thần diệu
-
“Không cây, cũng không đài" lời nói nghe như mới
-
Bên điện dựng lầu giữ gìn bát Phật
-
Trong hộp còn ghi dấu nhưng chân thân đã giải thoát
-
Một dòng suối Tào Khê tuôn trước cửa
-
Rửa sạch bụi bám đời đời cho nhân gian)(16)
-
( Du Nam Hoa tự )
-
Phải đau khổ đến tận cùng, phải chết đi sống lại nhiều lần thì
Nguyễn Trãi mới thấy được sự mầu nhiệm của dòng suối Tào Khê:
-
- Môn tiền nhất phái Tào Khê thủy
-
Tẩy tận nhân gian kiếp kiếp trần
-
( Một dòng suối Tào Khê tuôn trước cửa
-
Rửa sạch bụi bám đời đời cho nhân gian )
-
Trong việc rửa sạch những vết thương nhức nhối của lòng mình
hay tuyệt đến như vậy.
-
Cũng như Vương Duy, Tô Ðông Pha của Trung Quốc hay Basho của
Nhật Bản, Nguyễn Trãi không chỉ thường lui tới cửa chùa, Thiền
viện hay vân du rày đây mai đó trên khắp các nẻo đường của quê
hương đất nước, mà còn thường xuyên gặp gỡ các Thiền Sư, có
thể là bạn mà cũng có thể là thầy để học phật và đàm đạo về
đạo Thiền nữa:
-
- Ký tằng giảng học thập dư niên
-
Kim hựu tương phùng nhất dạ miên
-
Thả hỷ mộng trung phao tục sự;
-
Cánh tầm thạch thượng thoại tiền duyên.
-
Minh triêu Linh phố hoàn phi tích;
-
Hà nhật Côn Sơn cộng thính tuyền?
-
Lão khứ cuồng ngôn hưu quái ngã
-
Lâm kỳ ngã diệt Thượng Thừa Thiền
-
( Nhớ từng giảng học hơn mười năm
-
Nay lại gặp nhau ngủ một đêm với nhau
-
Vả mừng trong mộng bỏ hết việc tục;
-
Lại tìm lên núi để nói chuyện tiền duyên.
-
Rạng mai sẽ bay gậy về bến Chí Linh;
-
Ngày nào mới cùng nghe suối ở Côn Sơn được?
-
Già rồi hay nói cuồng, đừng lạ ta
-
Từ biệt nhau rồi thì ta cũng sẽ tu đạo Thiền Thượng Thừa)(17)
-
( Tống tăng Ðạo Khiêm qui sơn )
-
Thiền sư Ðạo Khiêm chắc chắn phải là một Thiền sư lỗi lạc ở
thời sơ Lê, nhưng cũng như bao nhiêu Thiền sư trác việt khác,
họ như "nhạn quá trường không". Nên ngày nay ta không còn tìm
thấy bất cứ một tư liệu nào nói về họ. Sở dĩ ta có thể kết
luận Ðạo Khiêm là vĩ đại bởi lẽ một người như Nguyễn Trãi, một
bậc anh hùng vừa lãnh đạo giải phóng đất nước ra khỏi cảnh nô
lệ lại nhà một nhà tư tưởng, một thi sĩ lớn của thời đại thì
không thể kết bạn với những vị sư bình thường như mọi nhà sư
khác được.
-
Bài thơ ghi lại cuộc đời của một người đã giải phóng mọi hệ
lụy của cuộc sống và cũng nói lên sự khao khát một ngày nào đó
tác giả cũng đến được chân trời tự do ấy. Nhưng dường như vẫn
có một chút ngậm ngùi trong đó, hay đúng hơn là tự trách mình
sao lại còn quá nhiều ràng buộc với cuộc đời đến như vậy:
-
Lão khứ cuồng ngôn hưu quái ngã
-
(Già rồi hay nói cuồng, đừng lạ ta )
-
Tuy nhiên, khi đứng nhìn người bạn của núi rừng khuất sau rặng
núi rồi, tâm hồn Nguyễn Trãi lại bồi hồi xúc động và tự hứa
với chính mình rằng:
-
Lâm kỳ ngã diệt Thượng Thừa Thiền
-
(Từ biệt nhau rồi thì ta cũng sẽ tu đạo Thiền Thượng Thừa)
-
Có một số nhà nghiên cứu về Nguyễn Trãi nói rằng, câu trên
chứng tỏ Nguyễn Trãi đã "ngộ" (Satori) theo cách gọi thông
dụng của Thiền.
-
Nguyễn Trãi có ngộ Thiền hay không? Có lẽ vấn đề
ấy ngoài sự phán xét của chúng ta. Nhưng có những bài thơ mà
đọc vào ta thấy Nguyễn Trãi đã đạt đến một tiến trình tâm linh
rất cao, như bài sau đây chẳng hạn:
-
- Ðoản trạo hệ tà dương
-
Thông thông yết thượng phương
-
Vân quy Thiền sáp lãnh
-
Hoa lạc giản lưu hương.
-
Nhật mộ viên thanh cấp;
-
Sơn không trúc ảnh trường
-
Cá trung chân hữu ý
-
Dục ngữ hốt hoàng vương
-
( Mái chèo ngắn buộc trong bóng xế
-
Vội vàng lên chùa lễ Phật
-
Mây kéo về làm lạnh giường Thiền
-
Hoa rụng xuống khiến dòng suối thơm.
-
Chiều hôm tiếng vượn kêu rộn
-
Núi trống bóng trúc dài ra;
-
Trong cảnh ấy thật có ý
-
Ta muốn nói ra bỗng lại quên lời )
-
( Tiên Du tự )
-
Chừng như một mình trong núi vắng vẻ, nhìn bóng trúc ngả dài
theo bóng chiều, Nguyễn Trãi như chợt nhận ra chân ảnh của
chính mình vừa thoáng hiện về từ những tiền kiếp xa xôi?
-
Qua bài thơ trên, ta tuyệt nhiên không còn thấy
nỗi sầu tê tái chất chứa trong hồn của những buổi chiều xa
xưa, hay những đêm nằm nghe tiếng mưa rơi mà bàng hoàng trước
vũ trụ mênh mông, xa lạ và lạnh lùng, rồi xót xa cho thân phận
bi thảm của chính mình:
-
Lão ngã thế đồ nan hiểm thục
-
Trung tiêu bất mị độc thương tình
-
-
( Ta đã
già trên đường đời, nỗi gian hiểm đều thuộc cả
-
Giữa đêm không ngủ, một mình xót thương )(18)
-
( Tầm Châu )
-
Bài thơ sau đây mới nói lên tất cả những gì tinh hoa nhất của
một dân tộc đã thấm nhuần tư tưởng Bát Nhã của Phật Giáo. Nói
theo thiền sư Huyền Quang đời Trần thì dân tộc ấy lúc nào
cũng: Khuya sớm sáng chong đèn Bát Nhã, hôm mai rửa sạch
nước Ma Ha:
-
- Ánh nước hoa in một đóa hồng
-
Vết nhơ chẳng bén, Bụt làm lòng.
-
Chiều mai nở chiều hôm rụng
-
Sự lạ cho hay tuyệt sắc không
-
( Cây Mộc Cẩn )
-
Ta tưởng tượng khi làm 4 câu thơ ấy, Nguyễn Trãi đang đi dạo
trên một con đường quê thấy bụi dâm bụt mọc cạnh hồ nước bên
vệ đường, thi nhân đứng lại xem. Không ngờ đó cũng là lúc
Nguyễn Trãi chợt "ngộ" ra rằng, tất cả tam thiên đại thiên thế
giới, tất cả càn khôn vũ trụ, hay tất cả những sự phân biệt
của ý thức nhị nguyên như: "Sách và không, thường và vô
thường, luân hồi và Niết Bàn, sát na và vĩnh cửu, đau khổ và
hạnh phúc", đều nằm gọn trong đóa dâm bụt “chiều mai nở chiều
hôm rụng” này.
-
Nếu thi hào Nguyễn Du ở thế kỷ 18 đã có lần nói rằng:
-
Ngã độc Kim Cang thiên biến linh
-
( Ta đã đọc kinh Kim Cang hơn cả ngàn lần )
-
Thì Nguyễn Trãi ở thế kỷ 15, qua 4 câu thơ Nôm trên, ta đoán
là Nguyễn Trãi có thể cũng đã trì tụng một ngàn lần hoặc hơn
thế nữa.
-
Với Ngô Thì Nhậm có lẽ cuộc đời tương đối bằng phẳng hơn
Nguyễn Trãi, nên ta thấy cuộc hành trình đi tìm kiếm một quê
hương tâm linh cũng ít gian nan hơn. Tất nhiên, ngoại trừ
những năm cuối đời, nghĩa là sau khi Nguyễn Huệ mất, ông không
còn chỗ dựa vững chắc để đem hết tài hoa của mình ra mà phục
vụ cho Tổ quốc nữa.
-
Ngô Thì Nhậm vốn sanh ra trong gia đình có truyền thống cực
đoan về Khổng giáo, cực đoan đến nỗi Ngô Thì Sỹ đã viết một
bảng gần như lời “di chúc” để giáo dục con cái, trong đó có
mấy câu như thế này:
-
- "Không thể cầm cày bừa
-
Không thể làm họ Lão, họ Thích"(19)
-
Chỉ đến cuối đời thì Ngô Thì Sỹ mới bỏ bớt cực đoan, và bắt
đầu hướng về Phật Giáo và tự xưng là Nhị Thanh Cư Sỹ trong
bài Ký động Nhị Thanh ông viết: "Ðạo chỉ có một. Phật và
Lão và tên khác thôi. Thực ra cũng là Nho cả".
-
Ngô Thì Nhậm cũng đứng trên lập trường ấy của cha để giải
thích Phật Giáo. Nhưng có hai câu thơ mà có lẽ Ngô Thì Nhậm đã
làm trong lúc ông lánh nạn để tránh cảnh tranh giành giữa các
phe chúa Trịnh ở Thăng Long, thì ta có thể thấy là chính Phật
Giáo mới là nơi để Ngô Thì Nhậm trở về để an thân lập mệnh chứ
không phải Nho Giáo.
-
- Khuất chỉ phiêu bồng ký ngũ niên
-
Kim thu thôn tự nhất tham Thiền
-
( Bấm đốt ngón tay tính ra phiêu bạt đã năm năm
nay
-
Mùa thu này lại tìm đến một ngôi chùa làng để tham Thiền)(20)
-
Bài thơ sau đây của Ngô Thì Nhậm, có lẽ là kết quả của những
năm dài đến tu Thiền tại ngôi chùa ở một làng quê vắng vẻ gần
kinh thành Thăng Long chăng?
-
- Thủy bản vô thanh, khướt hữu thanh
-
Thanh oanh giang thượng vị thùy minh?
-
Trường lưu thuận chú nguyên thường tĩnh
-
Ðoạn thạch hoành lan nãi bất bình.
-
Ngạnh vị khứ thời ưng hữu nộ,
-
Lượng năng vô xứ tiện vô tranh.
-
Thái hòa quân tử tu tiềm hội
-
Thấu triệt ngân hoa đáo để minh
-
( Nước vốn không có tiếng mà lại có tiếng
-
Vì đâu dậy sóng đùng đùng trên sông?
-
Thuận dòng chảy xuống vẫn thường im lặng,
-
Có hòn đá chắn ngang liền sanh bất bình.
-
Chưa cuống bỏ được vật chướng ngại, tất phải nổi giận,
-
Chỗ nào cương có thể chứa thì không tranh giành.
-
Người quân tử phải trầm lặng mà thể hội cái lẽ thái hòa
-
Ánh bạc của nước, trong suốt đến tận đáy )(21)
-
Ngô Thì Nhậm đã từng phát biểu rằng: “Chân thánh không cần đội
mũ nhà Chu, chân Nho không cần đội mũ nhà Nho, chân Thiền
không cần mặc áo cà sa"(22)
-
Câu trên mang âm hưởng câu chuyện quan trọng trong
Trung bộ Kinh (Majjihima – Nikaya) của Phật Giáo:
-
"Một hôm Ðức Phật ở lại đêm trong xưởng một người
thợ làm đồ gốm. Cũng trong xưởng ấy có một ẩn sĩ trẻ tuổi đến
đấy trước Ngài. Họ không biết nhau. Ðức Phật quan sát người ẩn
sĩ và tự nhủ: "Thanh niên này có những cử chỉ ngộ thay. Ta nên
hỏi xem về người này". Bởi thế Ðức Phật liền hỏi:
-
"Hỡi bạn, nhân danh ai mà bạn đã từ bỏ gia đình?
Ai là thầy của bạn? Bạn thích lý thuyết của ai?"
-
Chàng ẩn sĩ trẻ tuổi đáp: "Ồ bạn ơi, có ẩn sĩ Cồ Ðàm dòng họ
Thích Ca, đã từ bỏ gia đình để trở thành một ẩn sĩ. Người ta
đồn rằng đó là một vị A La Hán (Arahant), một bậc Toàn Giác,
chính nhân danh con người thánh thiện ấy mà tôi đã trở thành
một ẩn sĩ. Người là thầy của tôi và tôi thich lý thuyết của
Người".
-
- Vậy chớ con người thánh thiện ấy, vị A La Hán, đấng Toàn
Giác ấy bây giờ đang ở đâu?
-
- Ở các xứ về phương Bắc, hới bạn có một đô thị
gọi là Xá Vệ (Sàvatthi) chính đấy là nơi đấng Thế Tôn, vị A La
Hán, đấng Toàn Giác đang ở.
-
- Bạn có khi nào thấy vị ấy chưa? Ðấng Thế Tôn ấy? Nếu gặp
Người, bạn có thể nhận ra Người ấy hay không?
-
- Tôi chưa bao giờ thấy Ðức Thế Tôn ấy. Nếu gặp Người tôi
cũng sẽ không làm sao nhận ra được.
-
Ðức Phật nhận ra rằng chính nhân danh Ngài mà người thanh
niên xa lạ này đã từ bỏ gia đình và trở thành một ẩn sĩ. Nhưng
vẫn không để lộ tông tích, Ngài bảo:
-
- Hỡi ẩn sĩ, tôi sẽ giảng cho bạn lý thuyết, hãy chú ý lắng
nghe. Tôi sẽ nói.
-
- "Ðược bạn nói đi", người trẻ tuổi chấp thuận.
-
Khi ấy Ðức Phật giảng dạy cho người thanh niên bài
thuyết pháp đặc sắc nhất về chân lý.
-
Chỉ sau khi Ngài thuyết pháp xong, người ẩn sĩ tên
là Pukkusàti, mới nhận ra rằng người nói với mình chính là Ðức
Phật, người thanh niên cúi thấp mình dưới chân Ðức Phật, và
xin lỗi với Ngài vì đã không biết và đã gọi Ngài là "bạn".
-
Qua câu chuyện trên ta thấy rõ là khi Pukkusàti
lắng nghe Ðức Phật và lãnh hội được giáo pháp của Ngài, anh
không hề biết Người đang nói với mình là ai, hay đấy là giáo
lý của ai. Anh ta tìm thấy chân lý, chỉ có vậy, mọi nhãn hiệu
đều phụ thuộc. Ngay cả nhãn hiệu Phật Giáo mà ta đặt cho giáo
lý của Ðức Phật cũng không mấy quan hệ. Cái tên mà ta đặt cho
Phật là điều không thiết yếu “. ( Con đường thoát khổ – Trí
Hải dịch ).
-
Trong tinh thần không cần nhãn hiệu Nho Giáo hay Phật Giáo đó,
ta có thể giải thích bài thơ trên của Ngô Thì Nhậm như thế
nào?
-
Có lẽ ta phải hiểu như thế này: nếu là một bậc Trượng Phu quân
tử của Nho Giáo thì "phải trầm lặng mà thể hội lẽ thái hòa của
Trời Ðất". Còn nếu là một Thiền sư của Phật Giáo thì khi đi
sau vào Thiền Ðịnh sẽ trực nhận được rằng:
-
- Chư pháp tùng bổn lai,
-
Thường tự tịch diệt tướng
-
( Các pháp xưa nay
-
Thường tự vắng lặng )
-
Như hai câu kệ mà Kinh Pháp Hoa đã mô tả.
-
Và đây là một bài thơ khác nữa của Ngô Thì Nhậm. Bài thơ nói
lên cái thấy của ông về bản thể của vũ trụ, bản thể ấy vốn u
huyền, lặng lẽ, nghĩa là "nguyên thường tĩnh" nhưng đồng thời
nó cũng "nguyên thường động" cũng có nghĩa là rất lưu dộng, và
biến thiên cùng khắp:
-
- Càn khôn diệu ý bất thăng cùng
-
Vạn tượng thiên nghi vãn chiếu trung
-
Cao xứ sơn hoàng đê xứ thúy,
-
Tả biên thùy bích hữu biên hồng.
-
Ẩn ngư lân lập than đầu hỏa,
-
Quy điểu hàn sinh mộc mạc phong.
-
Cánh hữu nhất ban thanh ý vị
-
Tùng lâm y ước sổ thanh chung
-
( Cái diệu ý của trời đất nói sao cho xiết
-
Muôn vạn hình tượng hòa hợp trong bóng chiều
-
Chỗ cao thì núi vàng, chỗ thấp thì màu biếc
-
Phía bên trái nước biếc, phía bên phải màu đỏ.
-
Cá lặn chầu vây như ánh lửa đầu ghềnh
-
Chim về tổ vẫy cánh sinh gió trên ngọn cây
-
Lại còn có một ý vị trong trẻo hơn nữa:
-
Tiếng chuông chùa văng vẳng điểm nhịp trong rừng thông)(23)
-
( Lệ giang vãn điếu )
-
Với Nguyễn Trãi có lẽ ông làm thơ là vì sự rung động của trái
tim mỗi khi có đau khổ hoặc một niềm vui nhiều hơn là muốn
dùng thi ca để diễn tả tư tưởng hoặc triết lý. Mặc dù không
chính thức nhận mình là Thiền sư, nhưng trong thơ của Nguyễn
Trãi thì tư tưởng Phật Giáo ảnh hưởng mạnh mẽ hơn là tư tưởng
Khổng Giáo. Còn Ngô Thì Nhậm thì thi ca được xem như là phương
tiện để ông diễn đạt những suy tư của ông về tư tưởng và triết
lý. Và dù chính thức tự nhận là Thiền sư (Hải Lượng) nhưng tư
tưởng Khổng Giáo trong thơ văn của ông có phần lấn lướt hơn là
tư tưởng Phật Giáo.
-
Nhưng dù có khác nhau đôi chút như vậy, nhưng trong thi ca của
họ thì chỉ có hình ảnh của những ngôi chùa giữa núi non tịch
mịch hay trong thôn làng vắng vẻ của quê hương đất nước mà
thôi, chứ ta không hề thấy có bất cứ một bài thơ nào ghi lại
những cảm xúc của họ về các văn miếu hoặc những nơi thờ tự
Khổng Tử cả.
-
Như vậy ta có thể kết luận được là, tư tưởng Khổng Giáo chỉ
tồn tại trong lý trí của họ chứ chưa đi vào được trong tình
cảm, trong khi Phật Giáo thì đã chiếm trọn vẹn trái tim tình
cảm không chỉ Nguyễn Trãi mà còn cả Ngô Thì Nhậm nữa.
-
- III -
-
Khi gặp Trần Thái Tông trên đỉnh núi Yên Tử, quốc sư Trúc Lâm
đã nói với nhà vua như thế này:
-
"... Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng
lặng lẽ mà hiểu, đó chính là chân Phật. Nay nếu bệ hạ giác ngộ
điều đó thì lập tức thành Phật, không cần khổ công tìm kiếm
bên ngoài"
-
Khi thấy vị vua trẻ tuổi đang đau khổ muốn vứt bỏ ngai vàng
như vứt “đôi dép rách” này còn đang phân vân lưỡng lự, thì vị
Thiền sư "xương gầy, mặt vẽ, ăn rau đắng, nếm trái cây, chơi
cảnh rừng, uống nước suối, lòng như mây nổi" liền nói tiếp:
-
"Phàm đã là bậc nhân quân tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm
ý muốn của mình. Lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của
mình. Nay muôn dân đã muốn đoán bệ hạ về thì bệ hạ không về
sao được! Duy có việc nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng chút
xao lãng mà thôi" (24).
-
Không còn hồ nghi gì nữa, chính hai câu nói đó của
Quốc sư Trúc Lâm đã là tư tưởng chỉ đạo toàn bộ cho vương
triều Trần. Một triều đại mà tất cả sử gia dù thích hay không
thích Phật Giáo đều phải thừa nhận là độc đáo nhất trong lịch
sử 2000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.
-
Vậy là nỗi phân vân giữa "nhập thế" và "xuất thế" của các sĩ
phu mà hầu hết đều xuất thân từ "cửa Khổng sân Trình" đã được
vị Thiền sư vốn được nuôi dưỡng từ truyền thống tinh thần của
Kim Cang Bát Nhã, Duy Ma, Hoa Nghiêm, Thắng Man của Ðại Thừa
Phật Giáo đã tóm tắt lại chỉ trong hai câu ngắn gọn nhưng vô
cùng súc tích đã giải quyết được vấn đề trọng đại ấy một cách
dứt khoát và triệt để.
-
Trong bài Phú Cư Trần Lạc Ðạo, người sáng lập ra Thiền
phái Trúc Lâm Yên Tử là vua Trần Nhân Tông cũng đã mở đầu bằng
hai câu:
-
- Mình ngồi thành thị
-
Nết dụng sơn lâm
-
( Hội thứ nhất )
-
Nghĩa là xưa nay ai cũng cứ nghĩ rằng phải bỏ tất cả để vào
rừng núi thì mới đúng nghĩa là đi tu, còn thành thị vốn được
xem là nơi tranh giành lợi danh của người thế tục. Nhưng qua
hai câu này, Trần Nhân Tông đã định nghĩa lại rằng, nếu một
người ở thành thị, nhưng làm việc hết mình vì sự an lạc của
mọi người, bằng cái tâm trong sạch nghĩa là làm việc với cái
tâm không lợi không danh, không đem lại lợi lộc về riêng cho
bản thân mình, thì nhất định kẻ ấy đã ở trên núi rừng rồi. Vì
núi rừng là gì? Chẳng phải núi rừng là nơi tiêu biểu cho sự
thanh khiết và trong sạch đó hay sao?
-
Bởi vậy Trần Nhân Tông khẳng định tư tưởng này một lần nữa
rằng:
-
Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết sức
-
Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thật cả đồ công
-
( Hội thứ 3 )
-
Hơn ai hết, Trần Nhân Tông có thẩm quyền để nói như vậy, vì
Trần Nhân Tông đã từng làm vua, mà lại không phải một ông vua
như bao nhiêu ông vua tầm thường khác. Một ông vua đã đích
thân cầm quân đánh tan hai cuộc xâm lăng của đế quốc Nguyên
Mông, một đế quốc mà từ Ðông sang Tây, từ AÂu sang Á phải run
sợ mỗi khi nhắc đến. Một ông vua đã đưa dân tộc từ một đất
nước đã tan nát vì hai cuộc chiến tranh trở thành một đất nước
hùng mạnh, không phải chỉ hùng mạnh trên phương diện quân sự
không thôi mà trên tất cả mọi phương diện khác nữa, nhất là
phương diện văn học.
-
Tại Việt Nam, sau bao nhiêu thập niên cố tình xuyên tạc cố
tình kết án dòng văn học ấy là gieo rắc sự bi quan, tiêu cực,
yếm thế, nhưng dòng văn học ấy đã không hề bị quên lãng mà vẫn
tiếp tục âm thầm nuôi dưỡng tinh thần cho những người con ý
thức nhất của dân tộc, giữa một dòng văn học hoàn toàn vắng
bóng tình người. Một dòng văn học chỉ biết “mạt sát” hoặc “đề
cao” mà thôi. "Mạt sát" những gì mà họ thấy là có hại cho sự
"độc quyền" và "đề cao" những gì mà họ nghĩ là có lợi cho sự
"độc quyền” ấy, chứ không phải đứng trên tinh thần khách quan
để “mạt sát” hoặc “đề cao”. Khi một dòng văn học mà chỉ biết
lấy sự tuyên truyền ý thức hệ làm cứu cánh thì tất nhiên dòng
văn học ấy phải vắng bóng tình người và cả tình nhân loại nữa,
dòng văn học ấy đến lúc phải trở thành lỗi thời, nhất là khi
thấy đã đến lúc phải đứng cùng với thế giới văn minh và tiến
bộ của loài người. Ðặng Thái Mai, trong bài Mấy điều tâm
đắc trong khi đọc lại văn học của một thời đại đã phải xác
nhận lại rằng, nền văn học đời Trần đã ảnh hưởng một cách tốt
đẹp đên đời sống xã hội thời ấy như thế này:
-
"Bảo là đời sống hồi này là một đời sống “tự do”, một đời sống
hoàn toàn "bình đẳng" thì e quá. Nhưng tôi thiết tưởng rằng
đời sống xã hội phong kiến thời này còn những ngày dễ chịu,
vui ve, gần gũi với nhau thì cũng không phải là ngoa. Ðây là
tâm lý chung của thời đại: vui độc lập tự chủ của dân tộc. Hồi
ấy người ta biết sống, biết sống trong tình thân, trong vui
vẻ, trong tin tưởng" (25)
-
Muốn có được một xã hội tương đối lý tưởng ấy, Trần Nhân Tông
dù đang là một vị tổ sư khai sáng dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử
vẫn không chủ trương "độc quyền" tôn giáo của mình mà đã thực
hiện đúng tinh thần của Phật Giáo là tự do, bình đẳng với mọi
trào lưu tư tưởng đương thời khác, khi Trần Nhân Tông viết:
-
- Sạch giới lòng, dồi giới tướng
-
Nội ngoại nên Bồ Tát trang nghiêm.
-
Ngay thờ Chúa, thảo thờ cha
-
Ði đỗ mới trượng phu trung hiếu
-
( Hội thứ 6 )
-
Vậy là không chỉ mẫu người Bồ Tát trang nghiêm của Phật Giáo
không thôi, mà Trần Nhân Tông còn kết hợp cả mẫu người lý
tưởng trượng phu quân tử, tức là mẫu người lý tưởng của Nho
giáo. Nhưng thế nào là mẫu người trượng phu quân tử? Mạnh Tử
đã định nghĩa như thế này: "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất
năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu” (
Giàu sang không thể mê hoặc, nghèo hèn không thể lay chuyển,
uy vũ không thể khuất phục, đó gọi là Ðại Trượng Phu).
-
Ðối với mẫu người Bồ Tát trang nghiêm theo lý tưởng Phật Giáo
thì theo Trần Nhân Tông phải là:
-
Dựng cầu đò, dồi chiền tháp
-
Ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu.
-
Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi
-
Nội tự tại kinh lòng hằng đọc
-
( Hội thứ tám )
-
Theo giáo sư Lê Mạnh Thát thì:
-
"Thế rõ ràng con người Trượng Phu và con người Bồ Tát phải kết
hợp với nhau thành con người Phật Giáo của Thiền Trúc Lâm"
(25).
-
Còn một sự kiện quan trọng nữa đã diễn ra trong buổi lễ Trần
Nhân Tông trao truyền y bát cho Pháp Loa làm tổ thứ 2 của
Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, được ghi lại trong Tam Tổ thực
lục, mà có lẽ ít người lưu ý tới, buổi lễ diễn ra một cách
trang trọng như thế này:
-
"Vào tháng 5, Ðiều Ngự lên ở am tại đỉnh núi Ngọa Vân. Ngày
rằm Bố Tát xong, đuổi tả hữu ra, đem y bát và viết tâm kệ giao
cho Sư, bảo phải giữ gìn. Ngày mùng một tháng giêng năm Mậu
Thân Hưng Long thứ 16 (1308) Sư vâng lệnh làm trụ trì nối dòng
Pháp ở Cam Lộ Ðường và làm lễ trao truyền, vua cho đặt bài vị
của liệt tổ, tấu đại nhạc, đốt hương thơm, đánh trống Pháp,
tập hợp đại chúng lên Pháp đường. Bấy giờ vua Trần Anh Tông xa
giá đến chùa. Sau khi đặt ngôi chủ khách xong, vua Trần Anh
Tông vì là đại thí chủ của Phật Pháp đứng vào ngôi khách ở
Pháp đường, thượng tế Trần Quốc Trấn đem bá quan đứng ở dưới
sân. Ðiều Ngự lên tòa thuyết pháp. Giảng xong, bèn đi xuống đỡ
Sư lên tòa. Ðiều Ngự đứng chấp tay hỏi han, Sư đáp lễ xong
nhận Pháp y mặc vào. Ðiều Ngự bèn bước sang một bên, ngồi trên
giường Khúc Lục, nghe Sư thuyết pháp. Ðem chùa Siêu Loại của
sơn môn Yên Tử sai Sư thừa kế trụ trì, làm đời thứ 2 của dòng
Trúc Lâm. Lại đem Ngoại thư kinh sử 100 hộp và Ðại tạng 20
hộp nhỏ (...) để mở rộng việc học nội và ngoại điển"
(26).
-
Vậy là Trần Nhân Tông không chỉ trao 20 hộp kinh đựng Ðại tạng
Phật Giáo thôi, mà còn trao cho Pháp Loa 100 hộp kinh sách của
các tôn giáo khác, trong đó chắc chắn phải có các tác phẩm của
các tác giả Trung Quốc nữa, một nước được xem như kẻ thù không
đội trời chung của nước Ðại Việt, mà gần nhất là đã 2 lần đem
quân xâm lăng và đã bị Trần Nhân Tông đánh đuổi ra khỏi bờ
cõi. Vậy mà Trần Nhân Tông vẫn di chúc cho người kế thừa của
mình phải học hỏi và phổ biến nền văn hóa ấy trong chính dòng
Thiền của mình.
-
Trần Nhân Tông sinh 1258 và mất 1308, tức là thế kỷ thứ 13,
thế kỷ mà lịch sử AÂu Châu đang ở trong thời kỳ Trung Cổ. Thời
kỳ mà ngoại trừ một số nước ở Tây AÂu ra, còn tất cả các vùng
thuộc Trung AÂu thì đang chìm ngập trong bóng tối dày đặc.
Nông nô quằn quại dưới ách thống trị của các lãnh chúa, đặc
biệt là học thuật tư tưởng đều bị bóp chết, không có điều kiện
để nảy nở. Tiếp đến là thế kỷ 16, năm 1542 Giáo Hoàng Paul đệ
tam tái lập tôn giáo Pháp đình, để bài trừ tự do tư tưởng. Ðến
Giáo Hoàng Paul đệ tứ (1559 – 1565), thì càng khủng khiếp hơn
nữa, không chỉ dùng lửa để hủy hoại phong trào cải cách thôi,
mà Paul đệ tứ còn muốn bóp chết luôn cả khoa học và triết học
nữa. Rồi đến năm 1559 thì sách vở được đem ra chất từng đống
để đốt. Chính trong thời gian này, nhà khoa học
Galilee
bị hạ nhục và Bruno bị thiêu sống. Ðây là một vết nhơ nhục nhã
trong lịch sử truyền giáo của Thiên Chúa giáo vậy.
-
Vậy mà Trần Nhân Tông, vị hoàng đế và Thiền sư của nước Ðại
Việt vào thế kỷ thứ 13 đã chủ trương tự do tư tưởng, tự do tôn
giáo một cách triệt để và dứt khoát bằng cách trao cho đệ tử
kế thừa của mình một 100 hộp kinh sách ngoại điển, nghĩa là
không chỉ học giáo pháp của Phật Giáo mà phải học và nghiên
cứu các tôn giáo khác nữa, kể cả nền văn hóa và nghệ thuật của
ngoại bang, dù nền văn hóa của nước đã đô hộ và xâm lăng đất
nước của chính mình.
-
Chính vì thế mà nước Ðại Việt sau đời Trần, thời kỳ mà các sử
gia gọi là thời "độc tôn Nho giáo" thì tư tưởng của Trần Nhân
Tông được thể hiện cụ thể nhất qua Cư Trần lạc đạo Phú
vẫn tiếp tục duy trì và phát triển một cách mạnh mẽ. Có lẽ
không có một sử gia nào có thẩm quyền hơn là sử gia Lê Mạnh
Thát trong việc xác nhận ảnh hưởng này:
-
"... Có thể nói Cư Trần lạc đạo Phú là một bản tuyên
ngôn của con đường sống đạo, mà Phật Giáo Việt Nam đã đề ra và
đã chi phối cuộc sống của hàng triệu người Phật tử Việt Nam
thời vua Trần Nhân Tông và những thế kỷ sau. Nó cũng là một
trong số ít tác phẩm quyền uy, khi Thiền sư Chân Nguyên trình
bày những vấn đề Phật Giáo cho vua Lê Chánh Hòa vào khoảng năm
1692 trong Kiến Tánh thành Phật lục" (27).
-
Và " trong vòng 300 năm trở lại đây, Cư Trần lạc đạo Phú
và Ðắc thú Lâm tuyền thành đạo ca được in nhiều
lần. Ðiều này chứng tỏ Cư Trần lạc đạo Phú vẫn tiếp tục
được học tập và truyền bá dù Phật Giáo cũng như đất nước đang
chuyển mình qua một giai đoạn mới. Giá trị lý luận của Cư
Trần lạc đạo Phú, từ đó vẫn có sức hấp dẫn mạnh mẽ, đặc
biệt là vào cuối thế kỷ 18 với những chiến công Ngọc Hồi, Ðống
Ða oanh liệt của quân và dân Tây Sơn, trong đó nổi bật nhất là
những gương mặt Phật tử tự nhận mình là người kế thừa truyền
thống Trúc Lâm như binh bộ thượng thư tỉnh Phái Hầu Ngô Thì
Nhậm tức Hải Lượng Thiền sư, hương lĩnh bá tiến sĩ Nguyễn Ðăng
Sở là Hải AÂu Thiền sư..." (28).
-
Chính vì thế mà ta cũng chẳng lấy gì làm lạ, khi Nguyễn Trãi
vốn học Nho từ thời còn niên thiếu, đã nhận ra rằng Nho giáo
không những đã không giải quyết nổi những vấn đề cho bản thân
của mỗi người mà còn cho cả giấc mộng kinh bang tế thế của
mình nữa:
-
- Thanh niên phương dự ái Nho lâm
-
Lão khứ hư danh phó mộng tầm.
-
Trượng sách hà tòng quy Hán thất;
-
Bảo cầm không tự tháo Nam âm.
-
( Lúc tuổi xanh tiếng thơm sực nức rừng Nho
-
Già rồi, để mặc cho chiêm bao đi tìm cái danh suông.
-
Chống roi ngựa làm gậy biết đâu tìm nhà Hán
-
Ôm đàn cuống gãy điệu phương
Nam
)(29)
-
( Mạnh thành 1 )
-
Và thốt lên một cách đau đớn rằng:
-
Ta dư cửu bị Nho quan ngộ
-
( Thân ta bị cái mũ nhà Nho đánh lừa đã lâu ) (30)
-
( Ðề từ trọng phủ canh ẩn đường )
-
Từ cái bế tắc đó Nguyễn Trãi đã trở về con đường mà Trần Nhân
Tông đã vạch ra trong Cư Trần lạc đạo Phú để tìm một
hướng đi chẳng những để có thể hoàn thiện cho chính bản thân
mình mà vẫn có thể phục vụ cho đất nước nữa chăng? Bằng chứng
là vào năm 1434, sau khi thấy triều chính nhà Lê thối nát,
Nguyễn Trãi xin về trí sĩ. Sau đó bị triệu ra làm quan trở
lại, Nguyễn Trãi đã viết bài Biểu tạ được bổ lại chức
tạo chùa Tư Phúc ở Côn Sơn. Bài biểu mở đầu: “Vĩnh lộc đại
phu, kiêm hàn lâm viện thừa trí học sĩ, tri tam quán sự, đề cử
ở chùa Tư Phúc tại Côn Sơn, tử quốc tính tôi là Lê Trãi kính
cẩn dâng lời rằng ... " (31)
-
Ðọc các tư liệu như Cương Mục, Toàn Thư, thì ta được biết chùa
Tư Phúc là do Pháp Loa, đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
sáng lập. Vậy chắc chắn Nguyễn Trãi là người thuộc dòng Thiền
Trúc Lâm Yên Tử.
-
Còn Ngô Thì Nhậm thì sau khi chính sự triều đình Tây Sơn xuống
dốc và tư tưởng Nho Giáo lúc này đã lung lay đến tận gốc rễ,
không còn áp dụng được vào thức tế của đời sống nữa, thì vào
khoảng năm 1798 Ngô Thì Nhậm quay về mở Trúc Lâm Thiền viện
tại phường Bích Câu (gần văn miếu Hà Nội hiện nay). Nơi đây,
Ngô Thì Nhậm đã kính cẩn ghi lại Tam tổ hành trạng (tức
hành trạng của 3 vị tổ Thiền phái Trúc Lâm là Trần Nhân Tông,
Pháp Loa và Huyền Quang), đồng thời biên soạn Trúc Lâm Tông
Chỉ Nguyên Thanh, tự nhận là Hải Lượng Thiền sư, kế thừa
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trong Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên
Thanh, ta thấy Ngô Thì Nhậm đã cố đem ánh sáng của tư
tưởng Phật Giáo để rọi sáng cho ý thức hệ Nho giáo, hầu mong
giải quyết những vấn đề thực tiễn mà xã hội cuối thế kỷ 18 đã
đặt ra, mà Nho giáo đã không giải quyết được (32)
-
Vậy là Nguyễn Trãi ở thế kỷ 15 và Ngô Thì Nhậm ở thế kỷ 18,
hai khuôn mặt lỗi lạc nhất của thế kỷ 15 và hậu bán thế kỷ 18
đã cùng leo lên đỉnh núi Yên Tử. Thế có nghĩa là cả hai đều
nhận ra rằng chỉ có con đường mà Trần Nhân Tông, vị tổ khai
sáng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã vạch ra là con đường thực
tiễn nhất để giải quyết sự mâu thuẫn và giằng co giữa hai con
đường là thành tựu tâm linh cho chính mình mà vẫn phụng sự
được cho đất nước hay cho cả mọi sinh linh đang quằn quại
trong đau khổ nữa.
-
Và đây là bài thơ của Nguyễn Trãi đã làm khi đã leo lên đến
đỉnh cao núi Yên Tử:
-
Yên sơn sơn thượng tối cao phong
-
- Tài ngũ canh sơ nhật chính hồng
-
Vũ trụ nhãn cùng thương hải ngoại
-
Tiếu đàm nhân tại bích vân trung
-
Ủng môn ngọc sóc sâm thiên mẫu
-
Quải thạch châu lưu lạc bán không.
-
Nhân miếu đương niên di tích tại
-
Bạch hào quang lý đỗ trùng đồng
-
( Núi Yên Tử cao nhất trên dãy núi
-
Mặt trời đỏ rừng đầu trống canh năm
-
Phỏng mắt trong vũ trụ trong suốt ngoài biển xanh
-
Tiếng người cười nói trong mây biếc
-
Trước cửa hộ vệ có nghìn mẫu giáo ngọc xum xuê (trúc)
-
Ðã rủ những tua hạt châu rơi xuống lưng chừng không.
-
Di tích vua Trần Nhân Tông còn đó mãi
-
Giữa bóng sáng lông mày trắng được thấy trong đôi mắt (trùng
đồng )(33)
-
( Ðề Yên Tử sơn Hoa Yên tự )
-
Bài thơ nói lên cảnh trí hùng vĩ của núi non Yên Tử mà cũng là
sự lẫm liệt kỳ vĩ của dòng Thiền đặc biệt của dân tộc Việt Nam
do Hoàng Ðế kiêm Thiền Sư Trần Nhân Tông sáng lập.
-
Dòng Thiền này đã soi đường cho lịch sử của dân tộc từ 7 thế
kỷ qua. Bởi vậy, chúng ta có quyền hy vọng rằng, dòng Thiền
Trúc Lâm cũng sẽ soi sáng tâm thức không những chỉ cho Phật
Giáo Việt Nam mà còn cho toàn dân tộc Việt Nam trong thế kỷ
mới này nữa.
-
Nha Trang, cuối năm Tân Tỵ
-
( tháng 01/ 2002 )
-
Chú thích:
-
(I) Nguyễn Trãi toàn tập NXB KHXH, Hà Nội 1976 tr. 364, (2)
tr. 281, (3) tr. 22, (4) tr. 18, (5) tr. 19, (8) tr. 77 (12)
tr. 330, (13) tr. 266, (15) tr. 346, (16) tr. 352, (17) tr.
373 (18) tr. 380, (29) tr. 365, (30) tr. 340. Tuyển tập 40 năm
Tạp chí Văn học, tập 2. Nhiều tác giả NXB TP. HCM 1999 (6) tr.
50 – 51, (7) tr. 50, (25) tr. 212 Ngô Thì Nhậm trong văn học
Tây Sơn của Mai Quốc Liên NXB Thông tin văn hóa Nghĩa Bình (9)
tr. 91, (10) tr. 97 – 98, (11) tr. 178, (14) tr. 187, (19) tr.
25 (20) tr. 68, (21) tr. 189, (22) tr. 113, (23) tr. 190 Thơ
văn Lý Trần, tập 2 NXB KHXH, Hà Nội 1983 (24) tr. 28 – 29 Toàn
tập Trần Nhân Tông của Lê Mạnh Thát NXB TP. HCM, năm 2000 (25)
tr. 312, (26) tr. 311, (27) tr. 271, (28) tr. 271, Nguyễn Trãi
sinh thức và hành động của Võ Văn Ái NXB Quê Mẹ, Paris 1992
(31) tr. 153, (33) tr. 231, Thơ văn Ngô Thì Nhậm, tập 1 NXB
KHXH, Hà Nội 1978 (32) tr. 10.
|