-
BÀI THƠ THIỀN
-
CỦA TRẦN NHÂNTÔNG
-
Hà Thúc Minh
-
--o0o--
-
-
Trần Nhân Tông (1258-1308) là con đầu của Trần Thánh Tông. ông
là một vị vua anh minh quả cảm, nhiều lần xông pha trận mạc
đánh tan quân Nguyên Mông, đội quân hùng mạnh vào bậc nhất thế
giới thời bấy giờ, hai lần (1258, 1288) xâm lấn nước ta.
-
Ông không những là vị tướng tài ba mà còn là con người có tâm
hồn phóng khoáng. Nếu đem so sánh những bài thơ Thiền và những
chiến công hiển hách của ông ở trận tiền thì người ta ngỡ là
của hai người khác nhau. Nhưng thật ra đó chỉ là sự thống nhất
kỳ diệu giữa khí phách và tâm hồn của người Việt Nam. Ai mà
không cảm thấy nỗi buồn “thu cô liêu” khi đọc những bài
thơ:
-
- Niềm thị phi rụng theo hoa buổi sớm
-
Lòng danh lợi lạnh theo trận mưa đêm
-
Hoa rụng hết, mưa đã tạnh, núi non tịch mịch
-
Một tiếng chim kêu lại cảnh xuân tàn.
-
(Mạn hững ở Sơn Phòng) 1
-
- Thị phi niệm trục triêu hoa lạc
-
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn
-
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch
-
Nhất thanh đề điểu hạ xuân tàn.
-
(Sơn Phòng mạn hứng)
-
- Ngôi chùa cổ lạnh lẽo sau lớp khói mùa thu
-
Thuyền câu hiu quạnh chuông chùa bắt đầu điểm
-
Nước trong núi lặng, chim âu trắng bay qua
-
Gió im mây nhởn nhơ, cây lơ thơ lá đỏ.
-
(Cảnh chiều ở Châu Lạng) 2
-
- Cổ tự thê lương thu ái ngoại
-
Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ
-
Thuỷ tinh sơn tĩnh bạch âu quá
-
Phong định vân nhàn hồng thụ sơ.
-
(Lạng Châu vãn cảnh)
-
-
Có lẽ cũng đừng vội cho rằng đó chỉ là lời thở dài
của một kẻ chán đời. Một con người chán đời không thể chấm phá
đồng quê bằng những nét bút hữu tình như:
-
- Thôn trước thôn sau mờ mờ như khói phủ
-
Cảnh vật trong bóng chiều nửa có nửa không
-
Mục đồng cất tiếng sáo lùa trâu về
-
Cò trắng từng đôi là là xuống đồng.
-
(Ngắm cảnh ờ Thiên Trường) 3
-
- Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
-
Bán vô bán hữu tịch dương biên
-
Mục đồng địch lý quy ngưu tận
-
Bạch lộ song song phi hạ điền.
-
(Thiên Trường vãn vọng)
-
Có lẽ cũng nên thay đổi cách nhìn. Cái mà người ta
quen cho là bi quan chán đời không phải trường hợp nào cũng
đúng vậy. Ở Trần Nhân Tông, không phải là tâm trạng bi quan mà
chính là trạng thái đạt đạo trong tâm hồn. Ông đã bình thản
trước mọi cám dỗ vật dục. Phải chăng toàn bộ tinh thần đạo
Thiền Trúc Lâm của ông đã quy tụ trong bài kệ :
-
- Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên
-
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
-
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
-
Ðối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.
-
Tạm dịch:
-
- Sống ở trên đời theo với hoàn cảnh mà vui với đạo
-
Ðói thì ăn, mệt thì ngủ
-
Của báu sẵn trong nhà khỏi tìm kiếm
-
Ðứng trước cảnh vật mà vô tâm thì không phải hỏi Thiền là gì.
-
“Duyên”, tiếng Phạn gọi là Pratyaya, Pali gọi là
Paccaya, có nghĩa là diều kiện. Sách Trung luận ghi :
“chúng duyên hợp” (các điều kiện hội đủ). “Tuỳ duyên” tiếng
Phạn gọi là Yatha-Pratyaya, nghĩa là thuận theo với biến đổi
của hoàn cảnh (điều kiện). Sách Ðại thừa khởi tín luận
giải thích “chân như” có hai nghĩa: nghĩa thứ nhất, cũng giống
như Duy thức luận, chân như là chân lí tối cao. Trên đời này
không thể có cái gì tồn tại độc lập tự nó được, mọi thứ đều do
duyên khởi mà thành, cho nên tất cả là “không”. Nghĩa thứ hai,
ngoài chân lí tối cao ra, chân như còn là biểu hiện của tâm,
vừa ở trạng thái tịnh vừa ở trạng thái động, động - tịnh như
nhau (động - tịnh nhất như), cho nên gọi là tâm chân
như. Chân như vừa có tính khách thể vừa có tính chủ thể. Nói
cách khác, chân như vừa bất biến vừa tuỳ duyên. Cho nên
Trần Nhân Tông vừa theo với đời (tuỳ duyên) nhưng không bị đời
lôi cuốn (bất biến).
-
“Ðói thì ăn, mệt thì ngủ”, điều đó tưởng chừng quá dễ nhưng
thực ra người đời lao vào cảnh bon chen cho nên ăn không ngon,
ngủ không yên là chuyện thường. Mấy ai đã thực hiện được điều
tưởng chừng quá dễ đó ?
-
“Của báu sẵn trong nhà khỏi tìm kiếm”, Thiền tông
cho rằng Phật tính có sẵn nơi con người. Ðàn kinh ghi :
“Kiến tính thành Phật”. Sách Truyền tâm pháp yếu ghi :
“Tổ sư Tây lai trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật. bất
tại ngôn thuyết” (Tổ sư từ phương Tây đến, chỉ thẳng cho con
người rằng Phật tính tại tâm chứ không phảỉ ở lời nói).
-
“Ðối cảnh vô tâm”, ý nghĩa từ kinh Kim cương : “Ưng vô
sở trụ nhi sinh kì tâm” (Ðừng để tâm biến động theo bên
ngoài). Lục tổ Huệ Năng sở dĩ giác ngộ là do câu này.
-
Với tâm hồn đạt đạo, Trần Nhân Tông đã bình thản
trước mọi cám dỗ vật dục, từ đó yêu ra yêu, ghét ra ghét, sống
ra sống, chết ra chết. Ðó là khí phách và tâm hồn của con
người Việt
Nam. Nếu không phải như vậy thì Trần Nhân Tông làm sao có thể
nhìn con ngựa đá mà phác hoạ ra hai câu thơ để lại nghìn đời
cho con cháu:
-
- Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
-
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
-
Trần Trọng Kim dịch là :
-
- Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
-
Non sông nghìn thuở vững âu vàng
-
Ðúng là khí phách và tâm hồn của một dân tộc bất
khả chiến bại !
-
Ghi Chú:
-
Mạn hứng ở Sơn Phòng. Thơ văn Lý - Trần. Nxb KHXH. Hà Nội
1989: tr469 (Ðỗ Văn Hỷ dịch)
-
Cảnh chiều ở Châu Lạng. Sđd. tr.468 (Trần Lê Văn dịch)
-
Ngắm cảnh ở Thiên Trường. Sđd. tr 464 (Ngô Tất Tố dịch)
|