Anh Lạc Sang Tàu Kỳ II
(Bút Ký Hành Hương Trung Quốc)
Thiện Anh Lạc
--o0o--
 
Khoảng sáu giờ ba mươi sáng, xe lửa đến sân ga Đại Đồng. Nghe nói nơi đây thiếu an ninh, có nhiều thổ phỉ nên tôi hơi sợ, đề phòng, nhưng tôi chỉ thấy người dân địa phương có gương mặt hơi man rợ vì khí hậu khắc nghiệt làm nước da họ đen sạm, vậy thôi. Họ xúm lại, tò mò nhìn chúng tôi đang đứng giữ hành lý, chờ xe buýt đến đón ở một khoảnh đất, trước sân nhà ga.  
Chẳng bao lâu, xe và hướng dẫn viên địa phương đã đến, họ đưa chúng tôi về khách sạn ăn sáng. Thành phố tấp nập, hỗn độn người, xe qua lại, nhà lầu, nhà trệt, cửa hàng, khách sạn khắp nơi trên đường. Hai bên lề, có những người trả?#273;ại tấm ni lông xuống đất, bày bán vài thứ rau đậu trái cây, có những chiếc xe ba bánh chở đầy trái cây, rau cải nằm cả xuống đường, lấn một khúc ra đường cái. Còi xe inh ỏi liên hồi báo hiệu những chiếc xe đạp tránh xa xe vận tải, xe buýt. Tôi thấy cả sự chênh lệch lạ kỳ trong thành phố khi một toà cao ốc khách sạn quốc tế  đứng ngất ngưởng bên cạnh một ngôi nhà nhỏ, mái ngói, phên gỗ đen thui, ọp ẹp, tiêu điều. Cả một ngày hôm qua lang thang ngoài đường, một đêm ngủ trên xe lửa. Chúng tôi mong có nơi để làm vệ sinh cá nhân cho sạch sẽ, khoẻ khoắn, phấn khởi trước khi đi lễ bái, thăm viếng thánh tích. Không có chỗ, chúng tôi đành ở bẩn mà lên đường.  Khách sạn quốc doanh miền núi nấu thức ăn thật "khiêm nhường" như khung cảnh. Sau một đêm ngủ chập chờn, người ngợm rít chịt, mệt mỏi làm chúng tôi không thiết chi ăn uống, chỉ dùng qua loa rồi lên đường đi thăm viếng thánh tích nơi đây.
            Đại Đồng thuộc tỉnh Sơn Tây, giáp ranh với Mông Cổ, là kinh đô thời Tây Hán gọi là Bình Thành. Xây dựng cùng thời kinh đô Luy Lâu (bắc Việt). Thời Sĩ Nhiếp sang Giao Châu làm Thái Thú. Trên đường đi, hai bên quang cảnh khô cằn, bụi bặm. Xe dường như chạy lên núi, lác đác chỉ có dăm ba cây xanh, còn lại là một màu vàng nâu từ đất núi khô khan, cằn cỗi. Rãi rác dọc theo sườn núi thoai thoải, tôi thấy có những nóc nhà nhô lên trông thật lạ. Được biết, người dân địa phương tại đây đào sâu xuống sườn núi làm nhà rồi dùng đất, đálợp nóc lên trên. Khi vào nhà, họ phải trổ từ trên nóc nhà xuống. Nóc nhà cũng có màu sắc như màu đất núi. Làm nhà như thế thật tiện, chẳng tốn kém mua vật liệu xây cất, chỉ có đào sới đất đá lên rồi dùng những thứ dư đó để làm mái nhà, những thứ linh tinh khác. Tôi không biết tại sao họ cất như vậy, cho ấm vào mùa đông, mát vào mùa hạ, hay thiếu vật liệu.
Nơi đây thiếu nước trầm trọng nên dân địa phương có khi cả năm không tắm giặt… Nhìn ra ngoài cửa, tôi thấy một lớp bụi mỏng bay toả trong hư không, những người lam lũ, mặt mủi lem luốc đang lúi húi trồng trọt chút rau đậu, những trẻ em chạy nhảy, vui đùa khắp nơi. Không có nước, họ cũng cố công trồng trọt được chút cây xanh tô điểm bên đường. Nhìn thấy đời sống của họ như vậy, tôi hết bức rức bị ám ảnh hai ngày qua không tắm gội, dùng ngoại cảnh để đối trị căn bịnh chấp trước này rất hiệu quả, tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái hẳn lên.
            Xe từ từ đổ xuống núi, cây cỏ nhiều, tươi mát hơn một chút, cuối cùng, dừng lại trên một bãi đất rộng. Phong cảnh thật buồn thảm, hoang tàn trên đường đến  trước Vân Cương Thạch động. Nhà cửa nghèo xơ  nghèo xác, gọi là nhà, chứ thật ra là những túp lều, dân chúng ăn mặc tả tơi. Nơi đây có mỏ than đá nên quanh động và thành phố bụi bặm bay tung trời.  Chúng tôi cẩn thận bước đi trên đường đất nhấp nhô dễ vấp ngã, có nhiều nơi loang lổ khá to thành vũng nước mưa, đọng lại đen ngòm. Hàng quán bày la liệt thức ăn, nước uống, tượng, chuổi, vòng, chén bát, đủ thứ. Có cả thợ chụp hình cho du khách, rất hữu ích cho quí bác già thích có ảnh lưu niệm mà không đủ phương tiện máy móc. Thấy du khách đến, dân địa phương vây quanh chào hàng chật ních. Trước cổng chùa, tôi thấy một hai con lừa, ngựa, lạc đà được trang sức bằng chuông, hoa, dây đủ màu, chủ đon đả dắt chúng đến mời du khách cưởi. Nhờ có người xưa bỏ công xây cất nên người nay mới sinh sống được, tôi nhớ về một thế giới tương tức giữa xưa nay, kẻ đến, người ở giúp nhau qua sự trao đổi.   
Chúng tôi phải leo lên nhiều bậc tam cấp mới đến cổng tam quan của chùa, mua vé xong, lần lượt từng người vào bên trong. Trước khi viếng hang động, phái đoàn bước vào một ngôi chùa làm lễ. Chùa nhỏ, bằng gỗ, có mái ngói ống nhiều màu ngả thành màu chết đẹp tuyệt.
Tôi thăm viếng, chiêm ngưỡng, lễ lạy từng vị Phật trong mỗi hang lớn nhỏ. Có hang to,  cả đoàn vào được hẳn bên trong như những hang đầu tiên, có đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bên  phải Ngài là Ngài trưởng lão Ma Ha Ca Diếp, bên  trái là Ngài A Nan, tường xung quanh khắc hẳn thành ba bực, đều có hình Bồ Tát, chư thiên. Trên trần hang khắc hình những hoa sen và những vật cúng dường.
Có hang chỉ được đứng bên ngoài nhìn vào vì nhỏ hay là nguy hiểm. Tôi đi viếng hết tất cả các động này trong lòng rất buồn, tất cả tượng đều bị tàn phá bởi chủ nghĩa, hành động quá khích gọi là  " Cách Mạng Văn hoá " trong thế kỷ qua. Nhìn thấy những tượng Phật, Bồ Tát, Hộ Pháp bị cụt tay, móc mắt, vạt mặt, thẻo mũi mà lòng tôi đau sót tựa hồ như người thân yêu của mình bị lâm nạn. Có nhiều tượng được bàn tay Phật Tử rờ vào đến độ nhẵn thín, bóng láng vì thương cảm quá đổi. Phải mất hàng mấy trăm năm, người xưa mới hoàn tất được những công trình to tác như thế, Vậy mà, chỉ đập phá trong chốc lát, công trình xây dựng ngàn đời đã trở nên hoang phế. Tôi ngậm ngùi than tiếc với một vị Đại Đức và hỏi Thầy rằng quả báo ra sao khi làm thân Phật ra máu như thế ? Tôi thầm nghĩ mặc dù không ra tay trực tiếp, nhưng đã hô hào, khuyến khích quần chúng tàn phá như thế thì cũng mắc tứ trọng tội do giáo tha tác rồi. Vị Đại Đức cho tôi biết người này đã bị điên loạn, quằn quại trước khi qua đời.     Vân Cương Thạch Động nằm bên vách núi đá, ở ranh giới 2 tỉnh Hà Nam và Sơn Tây. Tổng cộng tất cả 53 động đá chứa 51,000 tượng Phật lớn nhỏ khác nhau, điêu khắc rất công phu, sắc sảo, nghệ thuật cao, đường nét sống động. Công trình hoàn tất trong vòng vài trăm năm. Người chủ trương điêu khắc nên những động này là vị Sư Jan Yao, vào thế kỷ thứ 5. Động chính từ số 5 đến 20.
            Động số 5 có tượng Phật Thích Ca lớn nhất, cao đến 17 m.
Động số 6 chạm nổi về lịch sử đức Phật, từ sơ sinh đến xuất gia, thành đạo, thuyết pháp, nhập Niết Bàn.
Động số 7 chạm tam thế Phật - Thích Ca, Di Đà, Di Lạc - Tượng Phật Đa Bảo. Trên trần chạm những thiên thần trổi nhạc cúng dường. Hoàn tất trong 600 năm.
Động số 8 chạm Phật Di Lạc rất đẹp ở giữa, trên trần chạm tam thế Phật.
Từ động số 9 -> 13  gọi là Ngũ Hoa Động - Động số 9 bên ngoài đã đục xong, nhưng bên trong chưa có gì. Những công trình vẫn chưa hoàn tất vì chinh chiến.
Động số 11 Chạm đức Phật A Di Đà, đứng hai bên là Ngài Quán Avà Thế Chí.
Chạm từ năm 470 - 493 thời Bắc Ngụy - năm Thái Hoà thứ 7 (483)
Động số 12 không có hình Phật, Bồ Tát, chỉ có hình tượng chư Thiên thổi sáo, đàn ca để cúng dường chư Phật trên trần,
Động số 13 chạm Phật Di Lạc cao 13 m
Động số 16 có tượng Phật đứng, cao đến 13.5 m. Có gương mặt giống Vua Đạo Vũ để hậu thế nhớ ơn.
 Động số 17 chạm Phật Di Lạc cao 15.6 m.
 Động số 18 chạm tam thế Phật cao 15.5m. Đặc biệt là trên y đức Phật có chạm 1,000 tượng Phật do Vua Thái Vũ cho tạc để cầu nguyện tiêu tai ách.
Động số 19 chạm Phật Thích Ca cao 16.8 m , gương mặt tạc hình vuông.
Động số 20 chạm Phật cao 13.7 m. Sắc diện khác hẳn vì được tạc sau này.
            Đặc biệt hơn hết là tượng Đức Bổn Sư  rất to ở động số 5, gần như lộ thiên đang ngồi kiết  già, gương mặt Ngài hoan hỉ, mắt mở hơi lớn nhìn chúng sinh, hai bên là tượng hai Ngài Ca Diếp, A Nan nhỏ hẳn đi. Từ tượng này vào sâu nữa chẳng có gì ngoài những công trình chưa hoàn tất, bao giờ xong nhỉ?   Tôi chưa thấy ai làm tiếp tục cả … bởi vậy, xây dựng lên thì khó mà đập phá rất dễ. Hướng dẩn viên du lịch khuyên tôi nên quay lại, đi sâu vào trong rất nguy hiểm. Trên đường về, tôi chợt thấy cậu bé nhỏ bày bán chút ít đồ đồng, đồ đá mới xuất hiện tự khi nào, mời tôi mua hàng …tôi muốn giúp cậu nhỏ này nên mua …hớ … vài món hàng, cậu năn nỉ tôi dấu những thứ này đi, đừng để những người bán hàng dưới kia thấy sẽ đánh cậu. Từ   nơi cậu bé ngồi bán hàng xuống đến dưới kia xa chừng hơn một cây số nên tôi có đủ thì giờ cất hàng mua được vào trong giỏ.    
Rời Vân Cương Thạch Động hơi trể sau vài giờ thăm viếng, trể nải vì một số quí vị trong đoàn mướn chụp hình nhưng chưa trả tiền, hình chưa xong nên họ bu lại níu xe lại không cho đi.  Một số người trên xe đã đồng ý dân vùng này có tiếng đồn là dữ. Tôi trái lại không đồng ý, tôi thấy họ làm vậy cũng phải, vì họ quá nghèo, lâu lâu mới có mối lợi sống qua ngày, họ đâu có chịu bị thua thiệt. Khách du lịch giàu có hơn họ nhiều, sao không  chịu trả tiền cho họ trước đi rồi hẳn đi đâu thì đi.
            Công việc hoàn tất, chúng tôi xuống phố thăm chùa và bức tường có năm con rồng. Chùa không có nơi đậu xe nên chúng tôi phải xuống xe ở một nơi khác, rồi đi bộ một khoảng xa, vào tận ngõ ngách mới đến chùa. Chùa toạ lạc trong một con hẻm, cổng tam quan nhỏ, cũ kỹ, rỉ xét, phía trước có lư hương. Đường đất loang lổ những ổ gà đọng nước, phong cảnh thật buồn thảm, tiêu điều. Hoa Nghiêm tự, một ngôi chùa duy nhất có cửa xoay về phương đông, thay vì hướng Nam như hầu hết các chùa ở Trung Quốc.  Chùa gồm có hạ và thượng Hoa Nghiêm.
Chùa hạ Hoa Nghiêm: xây cách đây 1500 năm vào Thái Hoà năm thứ 8, 484 sau Tây Lịch. Một tượng Phật lộ thiên bằng đồng bày giữa sân chùa. Có lẽ trước đó được thờ trong chính điện. Tượng Phật, chùa, chuông đồng … đều dãi dầu sương gió, mưa nắng nên trông thật thê lương.
Chùa xưa quá mà không được trùng tu lại nên trông xiêu vẹo, âm u, hầu hết tượng trong chùa bằng đồng, đã lên màu xanh, là mhững món đồ cổ rất quí. Sân gạch đã mòn, mái ngói rêu phong, cột kèo mục nát, nơi thờ phượng lại tối om, các vị Phật và Bồ Tát đứng ngồi thầm lặng trong bóng tối trông thật tang thương. Chúng tôi không ở lâu, chỉ lễ Phật rồi lui ra vì thời giờ có hạn.
Chùa có bảo tàng viện lớn nhất trưng nhiều đồ đồng, đồ đá rất quý, giá trị mấy ngàn năm lịch sử. Đặc biệt là những ngà voi hoá thạch rất lớn.  Bảo tàng viện tươm tất, lịch sự, tân kỳ vì có người chăm nom cẩn thận, tôi thấm mệt nên không đi hết.     
Chùa thượng Hoa Nghiêm: đang trùng tu, không được phép vào.
            Trưa hôm ấy, sau khi dùng cơm, chúng tôi có dịp đi dạo trên hè phố tỉnh Sơn Tây để đến thăm Ngũ Long Bích nằm trong một khuôn viên nhỏ có bốn bức tường bao quanh. Ngũ Long Bích nằm chơ vơ ở tận cuối tường, xung quanh khuôn viên, những cửa hàng mho nhỏ bán đủ thứ, giá rẻ, nơi đây là tỉnh miền núi nên trông mộc mạc.
Ngũ long bích: Trên tường có chạm 5 con rồng. Đây là bức tường thứ hai có chạm rồng từ đời Chu Nguyên Chương - nhà Minh. Ở cố cung cũng có một bức.
Thành phố  lúc nào cũng mờ mờ phủ màu đen do bụi than đá đem lại. Tuy nhiên, thành phố khá tươm tất cho khách ngoại quốc đến thăm viếng.  
            Rời thành phố, chúng tôi đi viếng một công trình kỳ lạ "độc nhất vô nhị" ở Trung Quốc đó là chùa Treo.   Gọi là chùa Treo vì  từ nhìn xa, trông như  chùa được treo lơ lững trên sườn núi thật ngộ nghỉnh, dễ thương. Vách núi đá cao lớn, xám xịt, hùng vĩ một toà giữa thiên nhiên lạnh lẽo, bỗng nhiên, điểm trên ấy, lác đác vài gian nhà nhỏ, mái ngói đỏ, cong, vách gỗ nâu bóng, có bao lơn thấp phía trước xinh xắn. Cảnh một mái chùa đủ làm ấm áp cõi lòng người giữa chốn rừng thiêng sông núi, trống trãi như nơi đây. Trước khi đến chùa Treo, chúng tôi phải đi qua chiếc cầu Treo chòng chành, chao qua, chao lại. Dưới cầu, chẳng có nhiều nước mà toàn là đất đá. Cảnh vật nơi đây thật hoang vu, cằn cổi, không một bóng cây xanh, may thay, phía bên trái có ngọn suối chảy róc rách từ núi cao xuống con lạch làm tươi mát phần nào. Hai bên đường đến chùa có những chòi vải dựng lên sơ sài, bày vài món hàng nội địa bán cho khách hành hương như tranh ảnh, tượng Phật, chuổi tràng ….. Đi một đoạn khá xa, mới đến được chân núi, đường dẩn lên chùa đục vào núi thành những bậc thang rộng hẹp, cao thấp không đều. Các cụ già không dám leo lên vì khá hiểm trở. Chùa có ba tầng, tầng cao nhất, ít người lên vì leo khó, cầu thang lên chùa bằng gỗ chống vào sườn núi trông rất nguy hiểm, lang cang chống lại thấp, không an toàn.  Một phần của chùa nầy được dán dính vô vách núi là những điện thờ Phật, Bồ Tát, Hộ Pháp và Chư Thiên. Phần nhô ra là ngõ vào chùa thông với cầu thang,  gọi là hành lang hay bao lơn gì cũng được. Toàn thể sức nặng dồn xuống những cây cột đóng vào sườn núi phía dưới . Tuy thấy có hơi mạo hiểm, nhưng tôi đã leo lên ngôi chùa cao nhất.
Gọi là chùa cho long trọng, chứ thật ra chỉ là những điện thờ nhỏ chừng vài thước vuông như một cái hang, trong có tượng đã bị tàn phá đến đau lòng người Phật Tử.
Có điện đóng hẳn cửa từ cầu thang, không cho vào vì nguy hiểm. Có điện chỉ cho đứng ngoài nhìn vào, và có điện được vào hẳn bên trong, trước bàn thờ, dưới đất có gối và manh chiếu để lễ. Không một tượng nào còn nguyên vẹn, phần lớn bị cụt tay, móc mắt, xẻo mũi, cà mặt trông thật tội nghiệp. Thương tâm nhất là tượng đức Bổn Sư bị cụt tay, hai bên, hai Ngài Ca Diếp và A Nan bị phá hủy hình hài, nhưng sao tôi thấy từ các vị nơi đây, vẫn cón phát ra được tướng hảo trang nghiêm, một vẻ đẹp thù thắng, bất sinh, bất diệt. Tôi leo lần lên ngôi điện cuối, cao chót vót trên không, nơi đây vắng vẻ, ít người lui tới nên tĩnh mịch, ngôi điện đầu khá to nên tôi vào hẳn bên trong lễ Phật. Tâm hồn bình lặng, nhìn xung quanh, bất giác tôi an lạc không ngờ khi nhìn thấy cảnh giới Tây Phương Cực Lạc được trình bày trong ngôi điện này. Điện có rất nhiều tượng bị đập phá sơ sơ nên vẫn còn nét đẹp thanh thoát, trang nghiêm cõi tịnh độ. Trên trần là chư Thiên trổi nhạc, rải hoa cúng dường chư Phật, Bồ Tát. Đứng hẳn bên ngoài bàn thờ Phật có hai vị Hộ Pháp to lớn như người thật. Tất cả những tượng chùa này làm bằng đá hay đất nung sơn phết màu sắc sặc sở, có tượng được mặc áo hay choàng khăn. Trông thô sơ,  mộc mạc, chân chất, phản ánh rõ rệt tâm hồn người dân vùng này vào những thế kỷ trước.
Lễ lạy xong, tôi cẩn thận leo hay … bò xuống, lạ quá, người xưa xây bao lơn đi xuống sao mà dốc ngược ra phía ngoài, sơ ý rất dễ mất thăng bằng mà lộn nhào.
Tưởng rằng đi đã hết, bất giác, tôi đi ngang qua một điện nhỏ có Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát đứng trong đó làm tôi chú ý bước vào. Tượng thật trang nghiêm và hảo, nhưng hơi buồn tủi vì đóng cáu bẩn như khung cảnh xung quanh. Bên cạnh tượng là chiếc bàn gỗ đầy bụi bên trên có phích nước, vài cái ly uống nước cùng cái ấm nhôm, có một hai chiếc ghế. Tôi ngửi thấy mùi thịt cá nấu chín bay lên nồng nặc, nhìn sang bên điện kia, có chiếc võng đong đưa, một vài người trong ấy nhìn lại tôi. Thì ta, họ đã biến điện thờ ở từng trệt thành nơi trú ngụ,   không chừng, họ là những người trông nom, quét tước Chùa này. Tôi thương Ngài Địa Tạng phải ở đấy, nhưng chợt nhớ Ngài còn vào tận địa ngục nữa là … xá gì nơi đây. 
"Xuống núi", chúng tôi mua sắm, nghỉ ngơi, thư dãn một chút rồi lên đường đi núi Ngũ Đài. Đường đi từ đây đến chân núi Ngũ Đài mất khoảng bốn giờ nên chúng tôi phải chuẩn bị tinh thần ngồi xe. Xe chạy dần dần lên núi cao, một bên thung lũng, một bên vách núi cheo leo, đường xá khá tốt nên xe chạy êm ru. Dưới thung lũng, vườn tược xanh tươi với những ruộng lúa, luống rau tươi, xanh mướt như ngọc, lác đác vài mái nhà tranh, vách đất. Vách núi, cây dại mọc đầy lởm chởm, cây non xanh biếc, cây già vàng úa,  những cụm mây thấp trôi lơ lững giữa hư không tạo nên cảnh giới huyền ảo  khi trời chiều buông xuống êm đềm…..
Xem phần 01 <
-- o0o --