DIỄN VĂN ÐẠI LỄ PHẬT ÐẢN PL. 2546
CỦA HÒA THƯỢNG CHỦ TỊCH HÐTS GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
---o0o---
 
Phật Giáo Luôn Ở Trong Lòng Dân Tộc
 
Cách đây 2626 năm, dưới cội cây Vô ưu tại vườn Lâm Tỳ Ni ở phía Ðông thành Ca Tỳ La Vệ của Bắc Ấn Ðộ cổ, thái tử Tất Ðạt Ða đã ra đời, để rồi 29 năm sau, Ngài từ giã hoàng cung, rời thành Ca Tỳ La Vệ, vượt dòng Anoma, sống đời ẩn sĩ cho đến khi thành đạo dưới cội bồ đề tại Bồ Ðề đạo tràng, đem ánh đạo vàng rải khắp thế gian, mở ra con đường giải thoát cho hết thảy chúng sanh. Vĩ đại thay, vi diệu thay sự xuất hiện của Ðức Thế Tôn trên đời! Ngài dạy: "Một người, này các Tỳ kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người vi diệu. Người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh đẳng giác. Chính người này, này các Tỳ kheo, khi xuất hiện ở đời là một người vi diệu".
Tăng Ni Phật tử Việt Nam đón mừng lễ Phật Ðản năm nay trong một hoàn cảnh thuận lợi với những thành quả khả quan của Giáo hội. Kế hoạch 5 nămcủa nhiệm kỳ IV Hội đồng Trị sự gần như đã được thực hiện trọn vẹn mà không gặp phải những khó khăn đáng kể có thể gây trì trệ cho tiến độ của các Phật sự. Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến kỳ Hội nghị thường niên của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, hội nghị cuối cùng của Trung ương Giáo hội trước khi tiến đến Ðại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V sẽ được tổ chức vào cuối năm nay tại thủ đô Hà Nội. Các Ban Trị sự các Tỉnh - Thành hội đã lần lượt tổ chức Ðại hội Phật giáo đúng theo kế hoạch đã đề ra, thúc đẩy mạnh hơn việc hoàn tất kế hoạch của nhiệm kỳ IV và xây dựng cơ sở vững vàng cho việc dự thảo cho kế hoạch 5 năm của nhiệm kỳ V của Hội đồng Trị sự. Cùng với những thành tựu tốt đẹp của đất nước về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, cùng với những nỗ lực cải tạo xã hội, cải tiến giáo dục với những hiệu quả đáng khích lệ, những thành tựu Phật sự của các ban ngành viện, các Ban Trị sự, các cơ sở, tự viện... đã thể hiện được sức phát triển mạnh mẽ và đồng bộ với sự phát triển chung của đất nước.
Trong không khí trang nghiêm, cờ phướn rực rỡ, khói hương nghi ngút trong tiếng chuông mõ và tiếng kinh kệ tại các cơ sở, tự viện Phật giáo trong ngày Ðại lễ Phật Ðản năm nay cũng như mọi năm càng củng cố cho chúng ta niềm tin chánh pháp trường tồn, khẳng định rằng Phật giáo luôn ở trong lòng dân tộc, đang tiếp tục chặng đường 20 thế kỷ từ khi đạo Phật du nhập Việt Nam. Sức mạnh nào đã giúp Phật giáo cùng với dân tộc trải qua bao gian nguy thử thách để có được ngày nay và một ngày mai tươi sáng? Ít ra, chúng ta cũng có thể kể ra 5 sức mạnh, đồng thời là 5 yếu tố tạo thiện nghiệp, tạo hạnh phúc cho đời này và đời sau của người con Phật. Ðó là: lòng tin tưởng vào Ðức Phật với đầy đủ 10 danh hiệu của ngài (tín lực); lòng hổ thẹn khi lỡ phạm vào các pháp bất thiện (tàm lực); lòng sợ hãi đối với các pháp bất thiện (quý lực); sự tinh tấn, tinh cần trong việc xa lánh các pháp bất thiện, thực hành các pháp thiện (tấn lực); và sự thành tựu trí tuệ về sanh diệt, đoạn tận khổ đau (tuệ lực). Chúng ta quyết tâm tu tập năm sức mạnh này để tự độ, độ tha và nhờ ngọn đuốc Tam bảo soi đường, nhất định chúng ta sẽ viên thành mọi Phật sự, thực hiện được lý tưởng vì Ðạo, vì Ðời.
Hình ảnh bảy đóa sen thiêng nở ra dưới chân Ðức Phật khi Ngài vừa Ðản sanh và bước đi bảy bước như truyền thuyết đã kể còn có ý nghĩa tượng trưng là con đường thanh khiết, thánh thiện và tối thắng của những ai theo bước chân Ngài tìm giải thoát. Mong sao những đóa sen này sẽ chiếu rạng từng chặng đường chúng ta đi, sẽ chiếu rạng tâm trí chúng ta bằng ánh sáng từ bi và trí tuệ. Mong sao tất cả chúng sanh đều được niềm vui tự nội đất nước được phồn vinh, hạnh phúc, thế giới được hòa bình, an lạc.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
-ooOoo-