VUA TỊNH PHẠN NỖI KHỔ NIỀM VUI
Phước Thắng
---o0o---
  
RIÊNG MÌNH TÔI CHỊU KHỔ.
Dưới con mắt người đời thì hoàng hậu Ma Da  mạng chung sau khi sanh Thái tử được 7 ngày là một điều bất hạnh, song với cái nhìn về nghiệp thì đó là sự giải tỏa khổ đau, chấm dứt trầm luân. hoàng hậu sanh lên cõi trời Ðao Lợi, nơi đây bằng thiên nhãn, Bà có thể thấy bước đi người con tuyệt tác của mình (xem kinh MahaMada). Ðiều còn lại không ohải là sự cút côi thường tình, mà cả một hoàng gia bảo bọc nuôi dưỡng một Ðông cung Thái tử trong nhung lụa. vua Tịnh Phạn, người được phúc đức lớn lao nhưng cũng là người lao tâm khổ trí với diễm phúc ấy. Nhà vua những mong sự lớn khôn của Thái tử theo chiều thuận lý của mình, song trong chiều này luôn luôn hiện hữu sự nghịch lý phi thường mà nhà vua đành thúc thủ, cam chịu. Ðiều này được phản ảnh rõ nét qua 3 danh xưng do chính nhà vua đặt tên cho con mình, đó là Nhất Thiết Nghĩa Thành (Tất Ðạt Ða) Thích Ca Mâu Ni và Thiên Trung Thiên ( Trong phẩm Hóa thành dụ của kinh Pháp Hoa vị Sa di thứ 16) Và sự thật của điều nghịch lý lại được  Ðại tiên A Tư Ðà khẳng định trước nhà vua:
... Trừ khổ não, Bậc này phước lớn
Chứng cam lồ, thành Ðạo sư...
(Tỳ Nại Da Tạp sự 9.20)
Vua Tịnh Phạn khi nghe lời tiên tri ấy đã lặng người... và cũng từ đó, mới ám ảnh Thái tử bỏ ngôi vua trở thành nỗi lo lắng đêm ngày trong Vua. Tuy nhiên, lời tiên đoán là một lẽ còn việc làm cho điều tiên đoán không thành sự thật lại là một lẽ khác và khả năng này không nằm ngoài tầm tay của nhà Vua. Một giải pháp vừa thực tế vừa hiệu quả được đan cài vào trong mạng lưới tình báo của cung đình, đó là nhung lụa và dục lạc. Vâng tuổi trẻ với dục lạc như hình với bóng, một nỗi đam mê quên cả đất trời. Thái tử Nhất Thiết Nghĩa Thành đã không chối từ điều thường tình này và một người vợ, công chúa gia du Ðàla  trở thành niềm hãnh diện của hoàng gia, trong đó người hài lòng nhất vẫn là vua cha. tuy nhiên, ngược về quá khứ có mấy ai hiểu đó là lệ của chư Phật khi chưa xuất gia, điều mà một Ðông cung Thái tử không phải làm khác hơn là phải bước qua quá trình của loài sen mọc lên từ bùn và hay chăng cái lệ này không là một giai điệu cần và đủ để cho sự giải thoát thành vĩ đại ? Chính điều minh bạch ấy đã vô hiệu hóa điều cần vô hiệu hóa kể quả mọi cám dỗ của ma quân. Hơn nữa, từ trong giai điệu này, Thái tử Thích Ca Mâu Ni tổng hợp nên đời sống “sự mâu ny” Thái tử nhìn thấy rõ hơn sự ô nhiễm đầy tội lỗi kia như là hố thấm của vong thân. và cũng chính từ sức “mâu ny” ấy, Thái ử nhìn xuyên suốt cảnh già, bệnh, chết và hình ảnhcủa vị đạo sĩ ấy như là một biện chứng giải thoát và sự hiện thực của nó chỉ xảy ra từ trong cô thân tu tập, trong Ðịnh và Tuệ trong lý tính Mâu Ny. Với không gian tất yếu, đối với Thái tử đã trở thành tất yếu, là sự lựa chọn duy nhất.
Sáu năm...một chiều miên viễn bất an và tuyệt vọng của Vua Tịnh Phạn cho đến một ngày cuối của nỗi tuyệt vọng, nhà vua : “lấy tay chống má, lòng ôm ưu sầu, than: Xưa kia, Thái tử Nhất thiết Nghĩa Thành tu khổ hạnh, ta thường sai sứ hỏi xemThái tử có bằng an không? Sứ giả tìm kiếm rồi trở về báo cáo với ta chỗ tu của Thái tử. Ta lại sai người đi thăm, không thấy ai trở về. Nay lại nói Thái tử đến ở rừng Thệ Ða, việc ấy là thế nào? (căn bản thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nai Da. TậpI quyển 17 trang 459, bản dịch của Ngài Thích Ðỗng Minh).
Việc chứng “Vô thượng Chánh giác” của Bồ Tát Thích Ca Mâu Ni là một sự thật hiển nhiên- nhưng khi rõ được sự thật này, trong một bức thư gửi đến Dức Phật, nhà Vua vẫn bị “phiền não  đốt”, thốt lên lời hẹp của mình.
...Mọi người thọ an lạc, riêng mình tôi chịu khổ... (Sđd trang 459).
NGÀY GẶP LẠI
Nếu ngày rời khỏi hoàng cung cũng là ngày Bồ Tát rời bỏ giai cấp thống trị của mình thì ngày trở lại, đức Phật là hình ảnh Vô ngã tuyệt vời trước mọi giai cấp.  Ngày ấy, ngoài thành Ca Tỳ La trong khu rừng Khuất Lộ Ðà, một ngày hội tiếp đón cực kỳ đông đảo với mọi định kiến khác nhau, với cái nhìn khác nhau, với những hiếu kỳ tưởng chừng như trào lộng đã phải lặng lẽ cúi đầu trước thần thông nhiệm mầu của Phật và đại chúng Alahán của Ngài. Ngài đã im lặng đúng lúc và Ngài nói ra cũng đúng lúc đức Phật bằng âm thanh vi diệu ngài thuyết pháp . Kinh “Cha con gạp gỡ nhau” có duyên khởi từ ấy (Tạng Ðại chánh Tân tu, No 320, kinh 15) Qua kinh cho chúng ta biết: cứ xem tánh tình, cách hành xử, nếp sống, nét văn hóa, tập tục v.v... thì có thể biết được cá nhân ấy hoặc từ Ðịa ngục, ngã quỷ, súc sanh A tula hay từ nhân loại, cõi trời tái sanh làm người của Thế giới này. Chính đều này cho thấy xã hội loài người là một “hợp chủng” đa nguyên. Tuy nhiên hợp chủng này có một đặc điểm nổi bật là lợi căn trí tuệ, cho nên phải biết vận dụng lợi căn ấy theo hướng thiện, hướng tiến bộ để làm lợi ích cho nhau, xứng đáng với thân người khó được này. Bằng không, biến nó thành điều ác, thành tội lỗi thì cách sống, cách đối xử với nhau lại là phiên bản của địa ngục, ngã quỷ , súc sanh...mà thôi! Hơn nữa, vì ngã chấp sâu nặng, dị thục nhiều tư dục khác nhau mà làm cho xã hội “hợp chủng” biến chất, đạo đức suy đồi, dù có văn minh nhưng hành vi ác độc, môi trường sống, môi trường văn hóa đầy ô nhiễm luôn luôn là mối lo âu của nhân loại. Bởi lẽ đó, con người không nhìn thấy tính cách vô ngã của các pháp hữu vi cũng như vô vi, cho nên tham, sân, si, ái dục luôn gắn liền lên đời sống tự ngã. Ðức Phật dạy phải tự chiết phục để thật sự nhìn thấy các pháp đều là vô ngã thì từ đó, con người mới có thể giải trừ được khổ tai, ách nan- Ngài dạy : Này ngoại đạo, Pháp tánh như vậy (vô ngã) không biến đi, không đổi dời thể của nó là Chân như là Như lai. Nên biết rằng : thật tướng của ngã không thể thụ đắc. Do bởi ngã mạn khởi lên nên phải bị lưu chuyển mà sanh vào các nẻo : Atula, hoặc người hoặc trời...Chínhvì thế mà phải quán sát tướng của ngã mạn vốn không có thể tánh, chính nó với cái khác, với tha nhân bình đẳng nhau, làm cho tâm thanh tịnh và mọi tập nghiệp còn lại đều được đoạn trừ (kinh đã dẫn, tự dịch).
Không phải của riêng vua Tịnh Phạn mà cũng chẳng phải của riêng ai mà là của chung, cái toàn diện phải được nhìn thấy đúng đắn như vậy mới thật sự tìm thấy điều vui, điều an ổn và hạnh phúc trong bất cứ nơi đâu trong thế gian này.
-ooOoo-