Ðức Phật & Ðạo Phật
Minh Châu và Ðặng Tấn Hậu trích dịch
(Từ "Con Ðường Xưa" của Hòa thượng Piyadassi)
---o0o---
Ðức Phật
Vào năm 623 trước Tây Lịch, một vị Bồ Tát đã giáng sinh tại miền bắc Ấn Ðộ, họ ngài là Cồ Ðàm (Gotama), tên ngài là Sĩ-đạt-ta (Siddhattha) tức là "đạt được ý nguyện". Cha ngài là vua Tịnh Phạn (Suddhodana) thuộc dòng họ Thích Ca (Sakyas) cai trị phần đất tại thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu) gần biên giới Népal. Mẹ ngài là hoàng hậu Ma-ha Ma-da (Mahamaya).
            Vào ngày trăng rằm tháng tư (âm lịch), trên đường về quê cha để sanh nở, hoàng hậu Ma-da đã hạ sanh một thái tử tại vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini) dưới cành cây Vô Ưu.
Vườn Lâm-tỳ-ni cách thành phố Benares 100 dặm về hướng bắc, gần núi Hy-mã-lạp-sơn. 316 năm sau, vua A Dục (Asoka) đã cho xây một cột trụ để đánh dấu nơi thái tử Sĩ-đạt-ta ra đời. Ngày nay, chúng ta còn thấy cột trụ nầy tại vườn Lâm-tỳ-ni với 93 cổ ngữ:
- "Hida Budhe Jate Sakyamuni"
(Nơi đây một vị Phật, bậc hiền triết của dòng họ Thích Ca Mâu Ni đã ra đời)
Ngài Huyền Trang đã tìm thấy cột trụ nầy vào giữa thế kỷ thứ 7 khi ngài đi Ấn Ðộ thỉnh kinh. Nhà khảo cổ trứ danh Cunningham cũng đã khám phá cột trụ nầy tại vườn Lâm-tỳ-ni vào năm 1896.
Ðây là chứng cớ Ðức Phật là một nhân vật lịch sử đã sống và lưu lại thánh sản cho chúng sanh. Cuộc đời ngài là nguồn cảm hứng vô tận và tấm gương lành để chúng sanh noi theo.
Bảy ngày sau khi hạ sanh thái tử, hoàng hậu Ma-da qua đời. Bà Ba-xà-ba-đề Gô-ta-mi (Pajapati Gotami) thay chị nuôi cháu. Kinh điển ghi lại thái tử lúc trẻ tuấn tú, khôi ngô có đủ 32 tướng tốt 80 tướng phụ đẹp. Ðược vua cha chìu chuộng, mời các thầy văn vỏ chỉ dạy, thái tử văn vỏ song toàn. Lúc thiếu thời, thái tử thường trầm tư thiền định. Trong khi đó, vua cha ước muốn thái tử sẽ thành lập gia đình, sanh con thừa kế ngai vàng. Vì sợ thái tử xuất gia sống đời đạo sĩ, vua Tịnh Phạn đã cố gắng trói buộc ngài trong đời sống xa hoa lợi dưỡng không để ngài thấy sự khổ thế gian. Sống trong cung vàng điện ngọc, thái tử không biết cái gì gọi là sầu muộn.
Theo tục lệ lúc bây giờ, năm ngoài 16 tuổi, thái tử thành hôn cùng công chúa Da-du-đà-la (Yasodhara), là con gái duy nhất của vua Suppabuddha và hoàng hậu Pamita thuộc dòng họ Koliyas.
Sống trong cung vàng điện ngọc, tuổi đời càng cao, thái tử càng trầm tư về ý nghĩa của đời sống con người. Nhân một buổi du ngoạn, ngài chứng kiến ba cảnh khổ: một người già, một người bệnh, một người chết. Sự khổ đau nầy đã chấn động tâm tư ngài. Hình ảnh thứ tư ảnh hưởng sâu đậm nhất đối với ngài là hình ảnh một người tu sĩ, hiền hòa, thông thái, sống đời không nhà đi tìm chân lý. Càng gần thế gian, càng thấy sự khổ đau, thái tử càng nhận thức thế gian không có hạnh phúc lâu bền. Ngài nhận thức đời sống con người hoàn toàn vô nghĩa nếu không tìm ra con đường đưa đến hạnh phúc vĩnh cửu.
Thái tử tự nhủ: "Rồi một ngày, tuổi thanh xuân sẽ chấm dứt với sự già nua cằn cỗi, cơ thể sẽ hư hoại, yếu kém. Cuối cùng, cái chết sẽ đến một cách bất ngờ, chấm dứt đời sống".
Nhận thấy sự khổ đau của đời sống, ngài quyết định chiến thắng thần chết, tìm đường giải thoát khỏi cảnh sanh, già, bệnh, chết cho ngài và nhân loại.
           Năm ngoài tròn 29 tuổi, vào lúc công chúa Da-du-đà-la vừa hạ sanh thái tử Rahula (sợi dây trói buộc), thái tử Sĩ-đạt-ta quyết định từ bỏ cung vàng điện ngọc, vua cha và vợ đẹp con thơ. Vì lòng từ bi đối với nhân loại, ngài phát tâm khước từ đời sống lợi dưỡng cá nhân, dấn thân sống đời đạo sĩ tỉnh lặng trong rừng sâu, đi tìm chân lý vĩnh cửu, giải thoát ra khỏi mọi sự trói buộc, tìm giải thoát cho chính mình và nhân loại.
Trước hết, ngài đến tu học cùng với hai vị thầy nổi tiếng đương thời là Alara và Uddaka Ramaputta. Sau thời gian ngắn, ngài đắc tầng thiền cao nhất. Nhưng không thỏa mản vì biết chưa đạt tới toàn giác. Ngài từ bỏ nơi nầy để tiếp tục con đường vô định tìm chân lý.
Vào thời ấy, thực hành khổ hạnh xem là phương pháp cao thượng tìm chân lý nên ngài quyết định tu khổ hạnh tại rừng Uruvela Gaya (Khổ Hạnh Lâm) cùng với năm vị đạo sĩ - Kiều Trần Như (Kondanna), Bạt Ðề (Bhaddiya), Thực Lực (Vappa), Ma-ha Na-ma (Mahanama) và Át-bệ (Assaji).
Ngài đã tự chứng nghiệm pháp tu khổ hạnh bằng cách ăn mỗi ngày một hột mè, mặc y bằng giẻ rách, ngủ cạnh thây ma và nằm trên cây gai. Lối tu khổ hạnh nầy khiến thân thể ngài suy nhược hoàn toàn. Sau sáu năm khổ hạnh, sự chết gần kề, ngài vẫn không đạt tới mục tiêu tối thượng.
Do kinh nghiệm tự chứng, ngài nhận biết lối tu khổ hạnh không dẫn đến giải thoát. Nhớ lại lúc thiếu thời, trầm tư dưới gốc cây đã hưởng được nhiều phỉ lạc của tâm định, ngài nhận thức thiền định là phương pháp dẫn đến giác ngộ. Ngài quyết định từ bỏ lối tu khổ hạnh, bảo vệ sức khỏe và tâm thần để tiếp tục công cuộc tìm chân lý.
Với ý chí mãnh liệt, không thầy chỉ dạy, không bạn đồng hành, Bồ Tát đơn độc tìm chân lý. Băng qua sông Ni-liên-thiền tại Gaya (ngày nay là Bồ Ðề Ðạo Tràng), dưới một cội bồ đề mát mẻ thanh tịnh thích hợp cho thiền định, ngài lập thệ nguyện: "Dù cho máu có cạn, da thịt có khô, ta sẽ không rời nơi nầy cho đến khi đắc quả Chánh Ðẳng Chánh Giác (samma-sambodhi)".
Áp dụng thiền niệm hơi thở (anapana sati), ngài đạt vào nhất thiền, kế đó là nhị thiền, tam thiền và tứ thiền. Ngài nhớ lại tiền kiếp vào canh một (từ 6 giờ chiều đến 10 giờ đêm). Vào canh hai (từ 10 giờ đêm đến 2 giờ sáng), ngài thấy được lý nhân quả. Tâm ngài hoàn toàn trong sạch. Ngài thấy đây là khổ, đây là nguồn gốc của sự khổ, đầy là sự chấm dứt khổ, đây là con đường diệt khổ. Ngài nhận thức đây là ô nhiễm, đây là nguồn gốc ô nhiễm, đây là sự chấm dứt ô nhiễm, đây là con đường diệt trừ ô nhiễm. Ðến canh ba (từ 2 giờ sáng đến 6 giờ sáng), ngài đã chấm dứt ý-muốn-tái-sanh và cắt đứt dòng sanh tử luân hồi. Ngài tuyên bố: "Ðây là đời sống cuối cùng, ta không còn tái sanh luân hồi nửa". Chính sự giác ngộ đã giúp ngài giải thoát khỏi ái dục (kamasava), khỏi ý-muốn-tái-sanh (bhavasava) và vô minh (avijjasava).
Bồ tát Cồ Ðàm đã khám phá chân lý Tứ Diệu Ðế và trở thành Phật Chánh Ðẳng Chánh Giác, Bậc Tối Thượng Y Vương (bhisakko) trị tất cả bệnh khổ thế gian. Lúc đó là đêm trăng tròn tháng tư âm lịch, ngài vừa đúng 35 tuổi.
Sau khi chứng ngộ, Ðức Phật dùng huệ nhãn quan sát khắp thế gian, thấy chúng sanh vô minh chìm đắm trong bể khổ nhưng cũng có người có trí tuệ có thể lãnh hội được chân lý. Vì lòng từ bi vô lượng, ngài quyết định truyền bá giáo pháp (Dhamma) chỉ cho nhân loại Con Ðường Xưa (purana maggam) mà chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai đã, đang, sẽ đi qua.
Ðược biết năm anh em Kiều Trần Như đang tu khổ hạnh tại vườn Lộc Uyển ở Isipatana (Sarnath ngày nay), cách Bồ Ðề Ðạo Tràng 150 dặm, Ðức Phật đi đến nơi nầy để chuyển pháp luân.
Tại vườn Lộc Uyển, vào đêm trăng rằm tháng bảy, Ðức Phật dạy cho năm vị đạo sĩ như sau:
            "Nầy chư vị, có hai thái cực mà chúng ta phải tránh. Cái gì gọi là hai? Ðời sống lợi dưỡng và đời sống khổ hạnh không dẫn đến giải thoát. Như Lai đã chứng nghiệm con đường trung đạo sẽ dẫn đến giác ngộ, an lạc. Niết Bàn. Cái gì gọi là Trung Ðạo? Ðó là Bát Chánh Ðạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tin tấn, chánh niệm, chánh định".
            Sau đó, Ðức Phật giảng về Tứ Diệu Ðế. Ðây là lần đầu tiên Ðức Phật chuyển bánh xe chân lý (anuttaram dhammacakkam) và thành lập tăng già với năm anh em Kiều Trần Như là đệ tử đầu tiên. Ðến cuối hạ, lúc mùa mưa chấm dứt, đệ tử ngài gồm có thêm trưởng giả Yasa và phái đoàn 54 người tùy tùng. Ðức Phật dạy cho 60 vị tỳ khưu đầu tiên như sau:
"Chư vị đã giải thoát. Hãy vì lợi ích cho trời và người, mỗi người đi một ngả truyền bá giáo pháp toàn hảo lúc ban đầu, toàn hảo lúc giữa, toàn hảo lúc cuối. Hãy công bố đời sống đạo hạnh!".
Từ đó, với lòng từ bi và trí tuệ vô lượng, Ðức Phật cùng với chư vị đệ tử đi hoằng pháp khắp nơi trên xứ Ấn. Khi truyền bá chánh pháp, ngài không bao giờ phân biệt giai cấp, chủng tộc. Nam cũng như nữ, giàu cũng như nghèo, người hạ tiện cũng như bậc thượng lưu, người trí thức cũng như kẻ ít học, bậc bà la môn cũng như người nô lệ, bậc vua chúa cũng như kẻ ăn xin, bậc hiền triết cũng như kẻ tù tội - tất cả đến nghe pháp, xin quy y nơi ngài và tu tập theo con đường hòa bình và giác ngộ. Con đường nầy mở cửa cho tất cả chúng sanh. Số tăng sĩ càng ngày càng đông, các ngôi chùa, tu viện mọc lên khắp nơi, và các trường đại học phật giáo được thành lập như Nalanda, Vikramasila và Odantapuri là nơi phát huy văn hóa toàn cõi Á Châu.
Sau 45 năm hoằng pháp, Ðức Phật nhập diệt ở Câu-thi-na (Kusinara) tại rừng Sala vào lúc ngài 80 tuổi. Lời nhắn nhủ cuối cùng của ngài cho các hàng đệ tử là:
- Vayadhamma samkhara, appamadena sampadetha
Cái gì do duyên hợp sẽ tan rã. Hãy tinh tấn giải thoát.
---o0o---
 
Ðạo Phật
Ðiểm đặc biệt đầu tiên trong Phật Giáo là Ðức Phật không phải một vị trời hóa sanh, cũng không phải là Thượng Ðế hay bậc siêu nhân. Ngài là một chúng sanh, là một con người, nhưng là con người phi thường (accariya mamussa), con người cao thượng bậc nhất (purisuttama).
Ðức Phật dạy: "Nầy chư vị tỳ khưu, sen mọc từ trong bùn, vượt ra khỏi mặt bùn và không bị hôi tanh mùi bùn. Cùng thế đó, Như Lai sanh từ thế giới sa-bà, sống trong thế giới sa bà nhưng không bị ô nhiễm bởi thế giới sa bà".
Tự tinh tấn, không thầy chỉ dạy, ngài đạt tới trí tuệ cao thượng, ngài trong sạch và thánh thiện hoàn toàn. Ngài là hiện thân của lòng từ bi và trí tuệ; đó là hai đặc tính trong giáo pháp của ngài.
Bằng đời sống và kinh nghiệm của ngài. Ðức Phật đã chứng minh giác ngộ và giải thoát nằm trong tầm tay của con người. Ngài là vị giáo chủ duy nhất trên thế gian chỉ dạy giải thoát không từ bên ngoài mà từ thân-tâm của chính mình, và khuyến khích con người "hãy nương tựa nơi mình. Như Lai là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành".
Phật dạy: "Như Lai chỉ con đường giải thoát. Giáo Pháp, Chân Lý chỉ có thể tự chứng ngộ". Không một ai có thể giải thoát cho ta. Chư Phật, chư bồ tát, chư tổ từ bi có thể giúp ta một cách gián tiếp bằng ân điển tha lực trợ duyên cho ta tu học, nhưng chính ta tự giác ngộ, tự tỉnh thức, tự giải thoát. Giác ngộ chỉ đến cho những ai không còn bị ô nhiễm. Mỗi cá nhân phải tinh tấn phá vở cái còng trói buộc của mình bằng sức nhẫn nại, tự lực và thiền định.
Con Ðường Xưa là con đường mà tất cả chư Phật quá khứ đã thực hành. Ðó là Bát Chánh Ðạo, con đường dẫn đến giải thoát. Những ai trau dồi phẩm hạnh nầy sẽ giác ngộ (arahatta), giải thoát khỏi khổ đau. Những người nầy được Ðức Phật nhìn nhận không còn bị ô nhiễm và đã giải thoát: "Chiến thắng như ta, những người nầy đã diệt trừ ô nhiễm".
Một đặc điểm khác của đạo Phật là phương pháp truyền dạy và học hỏi giáo pháp. Ðức Phật không đòi hỏi hay chấp nhận đệ tử mù quáng tin nơi ngài hay giáo pháp của ngài. Ngài nhấn mạnh đến sự suy luận và trí huệ. Câu chuyện người dân Kalama luôn nhắc nhở ta về cách học pháp chân chánh như sau:
Kesaputta là thành phố nhỏ thuộc vương quốc Kosala. Dân xứ nầy gọi là Kalama. Khi họ nghe Ðức Phật đến thành phố của họ, họ đến gặp ngài và xin ý kiến:
- Bạch Ðức Thế Tôn, mỗi khi có vị đạo sĩ đến, họ nói giáo lý của họ hay nhất, đầy đủ nhất và họ chê trách giáo lý của người khác. Các vị bà-la-môn cũng nói như vậy. Bạch Ðức Thế Tôn, chúng con không biết ai là người chỉ dạy đúng".
Phật dạy: "Người dân Kalama, các con đã làm đúng. Các con đừng tin những gì do tập tục, do kinh sách chỉ dạy. Các con hãy tự hỏi cái gì là ô nhiễm, cái gì đáng chê trách và cái gì không có lợi thì các con từ bỏ. Và các con tự hỏi cái gì không ô nhiễm, không bị chê trách và có lợi thì các con nên theo".
Ðức Phật chỉ tiếp: "Khi nào tham-sân-si phát sanh, chúng ta có lợi hay không ?
- Bạch Ðức Thế Tôn, không.
- Bây giờ, nếu chúng ta phải giải thoát khỏi tham-sân-si, chúng ta có lợi hay không?
- Bạch Ðức Thế Tôn, có.
- Nầy người dân Kalama! đó là lời dạy của Như Lai.
Ðạo Phật không dựa trên đức tin mù quáng. Ðức Phật luôn nhắc nhở: "Ví như vàng, chúng ta phải đốt, cắt, cọ xát để biết vàng thật hay giả. Cùng thế đó, các con hãy suy niệm, nhận thấy lời dạy của ta có đúng hay không trước khi tin theo".
Ðạo Phật là một lối sống dựa trên giáo pháp và giới luật dẫn đến sự tự do hoàn toàn của tư tưởng. Từ đầu đến cuối, đạo Phật mở rộng cánh cửa cho bất cứ ai có mắt để thấy, có tai để nghe, có trí tuệ để hiểu giáo pháp.
Phật dạy ta nên nhận biết chân lý giáo pháp qua thiền định thay vì đức tin mù quáng hay sợ sệt thần quyền. Vì vô minh, có tôn giáo làm cho con người lo sợ, tin có vị thần linh tối thượng kiểm soát tâm linh và đời sống của họ. Ðức Phật đả phá thái độ nầy: "Trong sạch hay ô nhiễm chính tự ta. Không ai có thể làm ta trong sạch hay ô nhiễm".
Ðạo Phật không tin có một vị thượng đế tạo dựng vũ trụ và thưởng phạt con người. Phật tử quy y Phật (Buddham saranam gacchami) chắc chắn không phải để cầu nguyện Ðức Phật cứu rỗi. Ðức Phật là vị thầy chỉ ta con đường giải thoát như vị bác sĩ chẩn bệnh và cho toa. Chính chúng ta phải cất bước trên con đường mới đi đến đích, chính chúng ta phải uống thuốc mới hết bệnh.
Ðức Phật dạy: "Những người tin ta, thương ta, họ sẽ được phước báu nhưng không đủ điều kiện giải thoát. Những người thực hành giáo pháp, họ sẽ giác ngộ giải thoát". Trước khi nhập diệt, Ðức Phật dạy:
- "Nầy Ananda, người thực hành giáo pháp là người biết cúng dường Như Lai. Thực hành giáo pháp là cúng dường cao cả nhất".
Tất cả giáo lý nhà Phật chuyên dạy về sự khổ của đời sống và trau dồi tu tập dẫn đến tự do, thoát khổ. Ðó là triết lý Phật Giáo. Chúng ta có thể gọi đạo Phật là triết học, giáo thuyết, tôn giáo hay bất cứ danh từ chuyên môn nào. Ðiều nầy không quan trọng cho người tìm chân lý và giải thoát. Cũng không cần thắc mắc pháp nào là tiểu thừa, đại thừa hay kim cang thừa, càng không nên so sánh pháp nào cao, pháp nào thấp.
Tất cả các Pháp Phật dạy đúng lúc đều có thể dẫn đến giải thoát. Có nhiều trường hợp, chỉ cần nhìn thấy lá rụng, nước chảy, mây trôi, rừng cháy, đèn tắc, chúng ta giác ngộ sự vật vô thường, tức khắc giải thoát sanh tử.
Thế giới vô hạn hay hữu hạn? Ðức Phật không bận tâm đến vấn đề siêu hình vì điều nầy không dẫn đến giải thoát. Ðức Phật là vị thầy thực tế. Chủ đích của ngài là giải thích về căn bệnh khổ, là bệnh chung của nhân loại và chỉ ra con đường thoát khổ.
Vào thời Ðức Phật, du tăng Sakuludayi hỏi ngài về quá khứ và vị lai. Ðức Phật khẳng định:
- "Hãy bỏ qua quá khứ.
Ðừng mơ tưởng tương lai.
Hãy nghe Như Lai giảng giáo pháp.
Khi có nhân này, quả kia sẽ trổ.
Vì pháp nầy phát sanh nên pháp kia phát sanh.
Nếu pháp nầy chấm dứt, pháp kia sẽ chấm dứt."
Ðó là giáo lý nhân duyên (paticca sammuppada) cũng là nền tảng Tứ Diệu Ðế, là cốt tủy đạo Phật
 
-ooOoo-