-
PHÁP THOẠI VỀ LỄ PHẬT
-
Quảng Giáo ghi
-
--o0o--
-
-
Tất cả mọi người, một khi đã có lòng đi đến thắp nhang, cúng
Phật, lễ Phật, thì tất cả những người ấy đã có nhân duyên với
Phật Pháp. Còn những ai đã phát lòng quy y Phật, Pháp, Tăng
Tam Bảo, và thọ trì năm giới cấm của người Phật Tử tại gia thì
những vị gọi là Phật Tử tại gia. Giới Phật Tử tại gia nầy là
Hộ Pháp đắc lực nhất giúp cho giới Xuất gia đệ tử Phật rất
tích cực trong công cuộc Hoằng Pháp Lợi Sanh. Nói chung, là
người có nhân duyên với Phật, hay các giới đệ tử Phật tất cả
đều có một mục đích chung là Tu Tập, và tự hướng dẫn cuộc đời
mình đi vào con đường Chân, Thiện, và Mỹ. Pháp môn tu thì có
rất nhiều, tuy nhiên một trong những Pháp Môn tu tập vừa giản
dị vừa đáp ứng cho tất cả mọi người, mà chúng tôi muốn nói ở
đây đó là Pháp Môn Lễ Phật. Thông thường thì việc lễ Phật được
coi như là một thông lệ của tất cả mọi người con Phật. Nhưng ở
đây chúng tôi lại nói là một Pháp Môn. Mới nghe qua chắc có lẽ
quý vị sẽ lạ tai, tuy nhiên nếu suy gẫm cho kỷ thì chúng ta
thấy đây là một Pháp Môn rất thù thắng xuất phát tận đáy lòng
của con người. Truyền thống lạy Phật có từ khi Ðức Phật còn
tại thế. Cứ mỗi lần gặp phật, trên từ những vị Vua, Quan; dưới
cho đến những thứ dân từ giàu cho đến nghèo khó, mỗi lần gặp
Phật đều cúi xuống ôm chân Phật và đặt trán mình lên chân Ðức
Phật. Cử chỉ ấy là để tỏ lòng ngưỡng mộ bậc tối thượng: Bi,
Trí Siêu Phàm. Cử chỉ ấy là một cử chỉ vô cùng khiêm tốn, nhu
thuận và hoàn toàn tin tưởng vào Ðức Phật. Sau khi Ðức Phật
nhập Niết Bàn, toàn thể Tăng, Tín Ðồ vẫn xem ngài như còn tại
thế, và cái cử chỉ cúi xuống ôm chân Phật vẫn còn tiếp nối cho
đến ngày hôm nay. Cái cử chỉ ấy có công dụng làm cho tín đồ
bao giờ cũng hình dung như Ðức Phật còn ngồi trước mặt mình,
để chứng giám cho cho tấm lòng thành kính, tha thiết của mình.
Sự kính lễ nầy, càng về sau, căn cứ vào các Kinh Ðiển, chư
liệt Tổ Sư, trong việc hướng dẫn hàng hậu học, sự kính lễ được
sắp xếp và được phân tích như sau:
-
1- Phát Trí Thanh Tịnh Lễ: Trong phép nầy, người hành lễ phải
thấu suốt rằng cảnh giới của chư Phật, đều tùy tâm hiện bày,
nên lạy một Ðức Phật tức là lạy tất cả chư Phật, lạy một lạy
tức là lạy tất cả Pháp Giới, vì Pháp Thân của Phật dung thông.
-
2- Biến Nhập Pháp Giới Lễ: Trong phép này người hành giả phải
tự quán thân, tâm cùng tất cả các pháp, từ hồi nào đến giờ đều
không rời Pháp Giới.
-
3- Chánh Quán Lễ: Trong phép nầy người hành giả lạy Ðức Phật
ngay tự Tâm của mình chứ không duyên với Ðức Phật ở bên ngoài.
Vì tất cả chúng sanh từ xưa tới nay, đều sẳn có Phật Tánh Viên
Mãn, bình đẳng và chân giác.
-
4- Thật Tướng Bình Ðẳng Lễ: Trong phép lễ nầy, người hành lễ
không thấy có mình có người, phàm thánh nhất như, thể và dụng
không hai.
-
Bốn cách lễ nầy nghĩa lý cao siêu, nếu không phải là bậc
thượng căn thượng trí, thí khó mà làm theo cho được. Ngoài bốn
cách lễ như ở trên đã nêu ra, hành giả mỗi lần kính lễ phải
luôn luôn tâm niệm. Mỗi một lễ trước Tam Bảo, hình ảnh của chư
Phật, hành giả phải tự quán chiếu:
-
-
Lễ thứ nhất nguyện rằng đệ Tử cùng tất cả chúng sanh sám hối
vô lượng tội cấu.
-
-
Lễ thứ hai nguyện rằng đệ tử cùng tất cả chúng sanh tiêu diệt
vô luợng tội cấu
-
-
Lễ thú ba nguyện rằng đệ tử cùng tất cả chúng sanh chứa nhóm
vô lượng phước trí.
-
Thấu triệt được những lý lẽ nầy rồi, một khi chúng ta lạy
phật, hay chúng ta xá mọi người, chúng ta mới thấy có một giá
trị đáng kể. Bởi vì, mỗi cái lạy hoặc một cá xá dài của chúng
ta đến mọi người là chúng ta đều nguyện cầu cho tất cả chúng
sanh. Ðây là tâm nguyện của những người tu theo hạnh Ðại Thừa
Bồ Tát. Ðiều nầy chúng ta không lạ gì khi thấy những Phật Tử
thuần thành thường kính lễ chư tôn trưởng lão. Bởi lẽ họ biết
rằng khi kính lễ như vậy, chính bản thân của họ có nhiều lợi
lạc mà ngay tất cả chúng sanh cũng có phước lợi nữa. Do đó mà
chư Phật tử cứ mỗi sau ba tháng mãn an cư kiết hạ của chư
tăng, chư Phật tử thường có những buổi lễ cúng dường chư tăng.
Chư Phật Tử sẽ lễ lạy trong dịp nầy, vì họ biết rằng sau ba
tháng an cư, chư tăng tinh chuyên tu tập, giới luật nghiêm
minh. Với ý nghĩa nầy người kính lễ thì được phước, còn người
đón nhận những sự kính lễ đó nếu không đủ đức thì sẽ giảm thọ.
Ðể tránh việc giảm thọ, tổn phước, đồng thời cũng là tránh
những giây phút cao mạn bất chợt phát khởi, chư tăng thường
thiết lập một cái bàn phật phía trước để cho chư Phật tử lễ
Phật, còn riêng về chư tăng thì tất cả mọi người đều chung sức
cầu nguyện cho tất cả chư Phật tử có Tâm thành.
-
Bằng vào pháp môn kính lễ, nếu hành giả chuyên cần thọ trì, và
thấu triệt lý lẽ thì sự phước báo đó sẽ không thể đo lường
được. Trong kinh Kháp Hoa có một đoạn nói về hành trình tu tập
với pháp môn kính lễ của ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát Như sau:
-
Vào thời kỳ Oai Âm Vương Phật có một vị Tỳ Kheo
chẳng chuyên đọc tụng kinh chỉ đi lễ lạy, nhẫn đến xa thấy
hàng tứ chúng, cũng cố qua lễ lạy khen ngợi mà nói rằng: Tôi
chẳng dám khinh quí ngài, quý ngài đều sẽ làm Phật. Trong hàng
tứ chúng có người lòng bất tịnh sanh lòng giận hờn buông lời
ác mắng nhiếc rằng: Ông Vô Trí Tỳ Kheo này từ đâu đến đây tự
nói ta chẳng dám khinh ngài, mà thụ ký cho chúng ta sẽ thành
Phật, chúng ta chẳng dùng lời thụ ký như thế. Trải qua nhiều
năm như vậy thường bị mắng nhiếc chẳng sanh lòng hờn giận
thường nói: Ngài sẽ làm Phật. Lúc nói lời nói đó, chúng nhân
hoặc lấy gậy, cây, ngói, đá để đánh ném. Ông liền chạy ra xa
mà vẫn to tiếng xướng rằng: Ta chẳng dám khinh quý ngài, quý
ngài đều sẽ thành Phật. Bởi lòng ông thường nói lời nói đó,
nên hàng tăng thượng mạn Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà
Di gọi ông là Thường Bất Khinh.
-
Trong đoạn kinh trên cho chúng ta thấy, muốn tu
học trước tiên phải lập hạnh, để rồi theo đó mà hành trì. Như
ở trong Phẩm Pháp Sư và Tuỳ Hỉ Công Ðức đều dạy rằng: Nếu
người nào thọ trì đọc tụng kinh Pháp Hoa một bài kệ một câu
kinh thì vị ấy sẽ thành Phật. Nên Thường Bất Khinh Bồ Tát
không đọc kinh thuyết Pháp gì cả mà chỉ đi lễ khen ngợi, và
bảo người ta rằng: Các ngài đều sẽ thành Phật. Câu nói tuy đơn
giản nhưng lại có một giá trị vô cùng huyền diệu. Thấu rõ lẽ
kinh nên ngài thường hay thọ trì và ghi nhớ mãi mãi chẳng
quên. Ở đây chúng ta thấy ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát thường
hay thọ trì Kinh, nhẫn nhục chịu đựng những cái khó chịu đựng.
Tinh tấn tu tập những cái khó có thể vượt qua mà ngài cũng làm
được. Ngài tự tin mình sẽ làm Phật, Tất cả mọi người sẽ làm
Phật, nên cho dù mọi người khinh rẻ coi thường nhưng ngài vẫn
giữ vững hạnh nguyện của ngài trên đường tu đạo. Nhờ sự kiên
nhẫn đó mà ngài thành tựu quả Phật, chúng ta hãy nhận xét một
đoạn kinh kế tiếp:
-
Vị Tỳ Kheo đó lúc sắp chết, nơi giữa hư không nghe
trọn hai mươi nghìn muôn ức bài kệ Kinh Pháp Hoa của Phật Oai
Âm Vương đã nói thưở trước, nghe xong đều có thể thụ trì, liền
được nhãn căn thanh tịnh, nhĩ tỷ, thiệt, thân, ý căn cũng
thanh tịnh. Ðược sáu căn thanh tịnh rồi lại sống thêm hai trăm
muôn ức na do tha tuổi, rộng vì người nói Kinh Pháp Hoa. Vị Bồ
Tát đó giáo hóa nghìn muôn chúng sanh khiến chúng trụ trong vô
thượng chính đẳng chính giác. Sau khi mệnh chung được gặp hai
nghìn ức Phật đồng một hiệu là Vân Tự Tại Ðăng Vương, ở trong
pháp Hội của các đức Phật đó thọ trì đọc tụng, vì hàng tứ
chúng nói kinh điển nầy, cho nên được mắt, tai, mũi, lưỡi,
thân.và ý được thanh tịnh.
-
Trong đoạn kinh trên cho ta thấy: Chủ yếu của sự
thọ mệnh là Phước Báo hay Nghiệp Báo. Thường Bất Khinh Bồ Tát
thọ trì một câu Kinh Pháp Hoa như vậy cho đến trọn đời, đã vậy
đến lúc sắp lâm chung lại được nghe và thọ trì những bài kệ
của Kinh Pháp Hoa do Ðức Phật Oai Âm Vương thuyết ra và trao
cho. Nhờ Pháp lực thù thắng này mà ngài được sáu căn thanh
tịnh và tăng thêm tuổi thọ để thuyết pháp và hàng phục những
ác nhân, làm cho họ trở về với chánh đạo. Nhờ nhân hạnh thù
thắng cho nên thọ mạng quả báo chủ thể cũng thù thắng, và cuối
cùng trở thành bậc chánh đẳng chánh giác.
-
Như trên chúng ta thấy lễ Phật cũng là một phương
pháp tu, tuy nhiên có lợi ích hay không còn tuỳ thuộc vào từng
cá thể. Nếu coi sự lễ bái như là một việc yếu đuối, khẩn cầu
xin xỏ thì thật không nên và không đúng. Bởi vì theo tôn chỉ
của đúc Phật ngài không dạy và cũng không bó buộc tín đồ, đệ
tử của ngài phải quỳ lụy cuối đầu, sợ hải vâng lệnh. Ðã vậy
ngài còn khuyến khích các con phải tự thắp đuốc mà đi. Ðây là
tinh thần tự chủ tự lập. Ngài cũng không buộc mọi người vâng
dạ nhắm mắt tin theo mà ngài còn khuyến khích mọi người hãy
đến để nghe chứ không phải đến để tin. Sau khi nghe và có tin
hay không đó là quyền tự quyết của mỗi cá thể. Nên coi sự lạy
Phật là phương pháp tu: Một là để diệt trừ bản tánh cao ngạo
của chính mình. Hai là chúng ta bày tỏ tấm lòng tri ân sâu xa
của chính chúng ta đối với bậc đã hy sinh tất cả những hạnh
phúc riêng mình cho chúng sanh nhân loại. Hiểu được như vậy và
chúng ta thực hành một cách thành tâm, thiện chí và đúng ý
nghĩa thì sẽ đem lại nhiều phước báo trong cuộc sống hiện tại
và đời kiếp ở tương lai.
|