-
Ðịa Tạng Bồ Tát
-
Nhất Quán
-
--o0o--
-
-
Trang viện nầy người ta không biết có từ hồi nào,
có điều người dân ở Giao Châu biết tòa lâu đài nầy có từ khi
xứ An Nam còn bị lệ thuộc dưới sự độ hộ của nhà Ðường Trung
Hoa (lúc bấy giờ nhà Ðường đặt nền móng cai trị Mãn Châu, Mông
Cổ: An Bắc Ðô Hộ Phủ; Tây Tạng: An Tây Ðô Hộ Phủ; Cao Ly: An
Ðông Ðô Hộ Phủ; và Việt Nam: An Nam Ðô Hộ Phủ, từ đó đến nay
cũng đã khá lâu rồi. Chủ nhân của ngôi trang viện nầy là ông
Kim Kiều, và vợ là Nguyên Thị, hai ông bà là Phật Tử rất thuần
thành, cho nên trong nhà có thờ Phật, hằng đêm ông và bà tụng
kinh bái sám; tất cả những tôi tớ trong nhà ai ai cũng biết ăn
chay niệm Phật. Cũng nhờ mọi người cùng nhau tôn thờ một đấng
cha lành là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, nên dù là tôi tớ
trong nhà, nhưng ông bà Kim Kiều đối xử với mọi người rất thân
tình, và coi nhau như ruột thịt. Hai ông bà Kim Kiều ăn ở với
nhau đã hơn ba mươi năm rồi mà chưa có con, cho nên hằng đêm
ông bà phát nguyện thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa để cầu con,
ngỏ hầu nối dỏi tông đường.
-
Trong dịp đầu xuân, hai ông bà Kim Kiều, cùng với
tôi tớ sửa soạn lễ vật lên Ngọc Ấn Tòng Lâm, trước là để trẩy
hội đầu năm, sau là để cúng dường Tam Bảo. Ðoàn người vui vẻ
ra đi chẳng bao lâu đã đến địa phận Ngọc Ấn Tòng Lâm. Vắt
ngang qua cánh đồng lúa phì nhiêu trải dài suốt tận chân mây
là con suối con, nước trong vắt chảy róc rách, hòa lẫn với
tiếng gió xào xạt, xuyên qua những cội hoa đào mọc dọc theo bờ
suối, tạo nên một điệu nhạc thiên nhiên, nên thơ và hùng vĩ.
Trên con đường nhỏ lót sỏi dẫn xuyên qua rừng trúc, thì mọi
người cũng đã thấy cổng tam quang. Ngôi Ngọc Ấn Tòng Lâm nằm
chểm chệ, chợt ẩn, chợt hiện trong rừng tùng rộng rải mênh
mông. Chẳng bao lâu mọi người đã đến trước hồ bát giác, Ðức
Quan Thế Âm lộ thiên đứng giữa hồ sen nở xanh, trắng, đỏ, vàng
thoảng ra mùi hương thơm tho dịu ngọt. Cách tôn trí thờ phượng
của Ngọc Ấn Tòng Lâm làm cho ông bà Kiều Công luôn khen ngợi.
Ðầu xuân bá tánh đi lễ Phật cầu phước, kẻ ra người vào thật là
rộn ràng. Phải khó khăn lắm ông bà Kim Kiều và đám gia nhân
mới vào đến Tổ Ðình. Trước tiên ông bà Kiều Công tìm gặp Hoà
Thượng Trụ Trì để chúc thọ đầu năm. Hòa Thượng Trụ Trì của
ngôi Ngọc Ấn Tòng Lâm là Thông Trí Ðại Pháp Sư, nhìn qua gương
mặt hoan hỷ hiền từ của ngài, ông bà Kiều Công có cảm tưởng
như mình đang đứng trước Ðức Phật Di Lặc tái sanh. Trong những
giây phút đó, bà Kim Kiều chợt cảm thấy trong tiềm thức của
mình có một niềm hoan hỷ vô biên, cũng trong giây phút đó bà
chợt nghĩ rằng: Phật do tu nhiều đời nhiều kiếp mà đắc đạo, Bồ
Tát do nguyện lực mà thành. Ðời nầy mình được gặp ông chồng
giàu có sang trọng, chắc là do công quả tu tập vun trồng nhân
bố thí từ đời kiếp trước. Hôm nay đứng trước hình ảnh hoan hỷ
nầy, mình cũng nên phát đại nguyện để kết duyên với ngài. Nghĩ
xong, bà cúi đầu sụp lạy Thông Trí Ðại Pháp Sư và phát ra lời
nguyện như vầy:
-
-
Con nguyện từ đời nầy cho đến vô lượng vô biên, vô số kiếp về
sau, kiếp nào con cũng được làm người, sinh trong gia đình
giàu có, để có dịp cúng dường Phật, Pháp, Tăng Bảo, tu tạo
Chùa Tháp, khuyến hóa giúp, đở phương tiện để cho mọi người
đồng tu.
-
-
Con nguyện đời đời, kiếp kiếp luôn nhớ bản tánh trí Tuệ sáng
suốt, đức tánh Tứ Bi, Hỷ Xã của chư Phật, chư Bồ Tát. Con
nguyện thọ trì và xiển dương những đức tánh đó để cho chúng
sanh được thấm nhuần.
-
-
Con nguyện đời đời, kiếp kiếp sau, chúng sanh còn nghèo đói
khổ sở, mọi loài chưa thấm nhuần những đức tánh Từ Bi, Hỷ Xã
của chư Phật, con nguyện không bao giờ thành Phật.
-
Khi bà Kim Kiều phát nguyện vừa xong, thì như trái
đất bỗng nhiên phát ra những chấn động, ngoài trời Chư Thiên
mưa hoa cúng dường để tán thán những hạnh nguyện vĩ đại của
bà. Thông Trí Ðại Pháp Sư thấy vậy trong lòng rất lấy làm hoan
hỷ.
-
Sau khi được Thông Trí Ðại Pháp Sư dẫn vào chánh
điện lễ Phật, ông bà và gia nhân cùng nhau đi viếng cảnh bên
ngoài. Cảnh sắc chỗ nào cũng xanh tươi mát mẻ, nhất là con
suối con từ trên đỉnh cao của Thiên Sơn chảy dài ra tận cánh
đồng xa xa, trông như con thần long đang uốn mình để bay vút
lên trên không. Cuối cùng bà Kim Kiều dừng chân lại trước mặt
hình tượng của ngài Ðịa Tạng Bồ Tát. Có lẽ hình tượng nầy đã
lâu lắm, cho nên trên vai nước sơn cũng đã bạt màu, cây tích
trượng của ngài đang cầm cũng đã sét rỉ, tuy vậy vẫn không kém
đi phần trang nghiêm. Nhìn hình tượng của ngài, bà Kim Kiều
liên tưởng đến những lời thệ nguyện sâu dày: Chúng sanh độ tận
phương chứng bồ đề, địa ngục vị không thệ bất thành Phật. có
nghĩa là: Ðộ chưa hết chúng sanh ngài chưa chứng quả bồ đề, ở
nơi địa ngục chưa trống không thì ngài nguyện sẽ không bao giờ
thành Phật. Chính vì đại nguyện mà trải qua thời gian lâu xa
như vậy nên ngài vẫn còn là một vị Bồ Tát. Nghĩ đến đây bà
động mối từ tâm, vì nhớ tới công hạnh sâu dày của chư Phật,
chư Bồ Tát vì chúng sanh và cho chúng sanh tất cả, thế mà con
người trần tục cứ mãi mê trong si mê dục vọng, trong danh lợi
phù phiếm giả tạo, không bao giờ tỉnh thức để trở về sống thật
với chính lòng mình. Cảm ân đức đó bà cúi đầu sụp lạy, thì lạ
lùng thay hình tượng lâu cũ kia cũng từ từ sụp ngã. Thấy hiện
tượng lạ lùng như vậy, mọi người lấy làm kinh sợ, lật đật quay
trở lại Tổ Ðình trình bày mọi việc xảy ra như vậy với Thông
Trí Ðại Pháp Sư. Nghe xong Ðại Sư lấy làm hoan hỷ và bảo ông
bà Kiều Công rằng: Xin ông bà đừng lo, đây là điềm báo ứng ông
bà sẽ sanh một quý tử. Người nầy nếu tu hành thì chứng quả vị
Bồ Tát, để tiếp tục cái hạnh nguyện trong đời kiếp trước. Còn
nếu vị nầy ở tại gia, thì sẽ là một Ðại Trưởng Giả giàu có, và
cũng là một Phật Tử thuần thành, hết lòng xiển dương Giáo Pháp
của Phật. Nghe Ðại Sư nói xong ông bà Kim Kiều rất lấy làm mãn
ý.
-
Thời gian thấm thoát trôi qua, đã đến kỳ khai hoa
nở nhụy, trong lúc sanh sản, hào quang sáng rực cả nhà, mùi
thơm bay bát ngát. Ông bà Kim Kiều nhớ tới lời tiên đoán của
Thông Trí Ðại Pháp Sư: Ông bà sẽ sanh quý tử.. Ông
liền cho người tới Ngọc Ấn Tòng Lâm cung thỉnh Ðại Sư đến nhà
và yêu cầu ngài đặt tên cho đứa bé. Nhìn qua tướng mạo khôi
ngô phúc hậu của đứa bé, ngài liền đặt tên là Kim Kiều Giác.
Kim là cái họ, còn Kiều Giác ý Ðại Sư muốn nói: Vị bồ tát hóa
thân nầy lúc nào cũng nhớ bổn nguyện của mình mà hoằng hoá
chúng sanh, thức tỉnh chúng sanh ra khỏi nhà lửa trong ba cỏi.
Kiều Giác càng lớn, càng biểu lộ là một thanh niên thông minh,
đầy đủ nghị lực để thực hành những gì mình mong muốn. Ðiểm đặt
biệt là Kiều Giác lúc nào cũng tỏ ra mình là một Phật Tử hiểu
đạo thuần thành, và trong tâm tư lúc nào cũng thương tưởng đến
tất cả mọi người nghèo đói, bơ vơ lạc lõng ở đầu đường xó chợ
trong xã hội ly loạn nầy. Ðó là động cơ chính thúc đẩy vị công
tử khả ái kia phải làm một cái gì đó để cứu độ nhân quần.
Nhiều đêm thao thức, vị công tử kia nghĩ rằng: Gia đình mình
của cải giàu có, nếu đem bố thí hết cho mọi người nghèo đói
thì cũng được, nhưng như vậy vẫn còn trong giới hạn. Bởi vì
của cải trong gia đình mình tuy nhiều, nhưng những người nghèo
đói khổ sở trong xã hội cũng không phải là ít. Bố thí như vậy
chỉ trong lúc nhất thời mà thôi, hơn nữa không tạo cho chúng
sanh kết duyên với Tam Bảo Phước Ðiền. Người kết duyên với Tam
Bảo Phước Ðiền sớm muộn gì chắc chắn cũng thóat khỏi những đói
khổ bức bách, chắc chắn sẽ ra khỏi nhà lửa ba cỏi. Nghĩ như
vậy chàng quyết định xuất gia học đạo để trên là đền trả bốn
ân nặng, dưới là cứu khổ chúng sanh trong ba đường khổ não.
Kiều Giác nhiều lần xin cha mẹ đi tu, nhưng ông bà Kim Kiều
tìm đủ mọi cách ngăn cản, lý do Kiều Giác là con một trong gia
đình. Ý chí từ bỏ cha mẹ theo thầy học đạo, hầu mong một ngày
kia thức tỉnh tự tâm, thấu suốt được bản tánh, để trở thành
một bậc sa môn chân chính, hầu có thể cứu độ tất cả chúng sanh
cứ nung nấu trong lòng. Nhân dịp một ngày nọ, Kiều Giác theo
cha mẹ lên Ngọc Ấn Tòng Lâm kính lễ Phật, đảnh lễ Thông Trí
Ðại Pháp Sư, và nghe ngài thuyết Pháp. Kiều Giác nghe tới Phẩm
Chúc Lụy của Ðịa Tạng Bổn Nguyện Kinh, Ðức Thế Tôn nhiều lần
dặn bảo: Ðịa Tạng! Ðịa Tạng! Thần lực của ông không thể nghĩ
bàn, đức Từ Bi của ông không thể nghĩ bàn, Trí Tuệ của ông
không thể nghĩ bàn, biện tài của ông không thể nghĩ bàn. Dầu
cho các đức Phật ở mười phương khen ngợi tuyên nói những sự
không thể nghĩ bàn của ông, trăm nghìn muôn kiếp cũng không
thể hết đặng. Nầy Ðịa Tạng! Ðịa Tạng! Ông nên nhớ hôm nay ta ở
trong Cung Trời Ðao Lợi, nơi Pháp Hội lớn, có trăm ngàn muôn
ức bất khả thuyết, bất khả thuyết tất cả các đức Phật, các vị
Bồ Tát, các hàng Trời Rồng, Tám Bộ Thánh Chúng ở đây, một lần
nữa ta đem các hàng chúng sanh còn đang ở trong nhà lửa Ba Cõi
mà giao phó cho ông. Ông chớ để các chúng sanh đó phải bị đọa
vào ba ác đạo, dầu chừng một ngày một đêm, huống chi lại để
cho chúng nó đọa Ðịa Ngục Ngũ Vô Gián, cùng Ðịa Ngục A tỳ, mãi
mãi đến cả nghìn muôn ức kiếp không lúc nào ra khỏi ư? Nầy Ðịa
Tạng, tâm tánh của chúng sanh ở cỏi Diêm Phù không định, phần
đông đều quen theo thói ác, thỉnh thoảng có người có tâm lành,
nhưng rồi không bao lâu cũng thối thất, còn như duyên ác lại
luôn luôn tăng trưởng. Cũng vì lẽ đó nên ta chia thân nầy ra
muôn ức để hoá độ, thuận theo căn tánh của chúng sanh, hầu làm
cho chúng được giải thoát. Nầy Ðịa Tạng! Ðịa Tạng! Hôm nay ta
ân cần đem chúng trời người gia phó cho ông. Trong hội trường
chư Thiện Nam Tín Nữ thì đông, mà lời kinh nầy Thông Trí Ðại
Pháp Sư như thầm nhắc nhở và khơi dậy trong tìm thức của Kim
Kiều Giác, cho nên ngài cứ lập đi lập lại nhiều lần, gương mặt
hiền hòa đạo hạnh của ngài cứ nhìn chầm chập vào Kim Kiều
Giác, như thầm thúc dục: Nhanh, nhanh lên nhân loại chúng sanh
đau khổ đang mong đợi thần lực nhiệm mầu của ông. Nhanh, nhanh
lên, ông còn chần chờ gì nữa..Trên đường về ông bà Kim Kiều cứ
luôn mồn khen ngợi buổi thuyết Pháp hay có ý nghĩa cho cuộc
sống..v..v..Nhưng Kim Kiều Giác lại khác, trong tâm cứ quay
cuồng nhớ nghĩ đến những lời kinh vừa nghe. Hôm nay ta ân cần
đem chúng trời người giao phó cho ông..,và mắt theo dỏi những
đám mây bạc bay bềnh bồng về nơi vô tận, mà xót thương cho
kiếp người quá đau khổ đọa đày. Ý chí từ bỏ gia đình, xuất gia
học đạo, lúc bấy giờ bừng dậy trong tâm thức của Kiều Giác một
cách mãnh liệt.
-
Thế rồi một hôm giữa trời đêm tịch mịch, vầng
trăng khuya chiếu vằn vặc trên không, Kiều Giác một mình lặng
lẽ rời khỏi Giao Châu đi thẳng đến Cửu Hoa Sơn (Trung Hoa).
Quang cảnh nơi đây vô cùng xinh đẹp, gió thổi, thông reo, muôn
hương ngàn sắc, bất giác chàng buộc miệng ngâm bài thơ:
-
-
Lắm phong trần cũng nên thơ
-
Làm thân chim én bao giờ mới thôi
-
Trăng khuya giờ đã lên rồi
-
Sương khuya lát đát nghe môi mặn thầm
-
Gió vô tình rét lạnh căm
-
Ðời mê ta tỉnh âm thầm đứng lên
-
Ði vào trong cỏi mông mênh
-
Bóng mình thoai thoải trên nền xa xa
-
Ai hay trong cõi bao la
-
Ðường dài rộng bước ai mà cản ngăn
-
Cái quan rộng rãi không ngằn
-
Phù vân cũng biết cảnh trăng lưng đồi
-
Trang kinh huyền hoặc không lời
-
Âm vang ba động cuộc chơi vô bờ
-
Thông reo, nước chảy liễu hờ
-
Quanh quanh ngọn suối tụng nhờ trang kinh
-
Cánh tùng mở rộng mông mênh
-
Rảo chân đi thẳng lộ trình đầu non
-
Rồng mây hội giữa lối mòn
-
Kỳ duyên vi diệu đời còn với ta
-
Hiện thân trở lại Ta Bà
-
Ðạo vàng nay đã nở hoa rạng ngời
-
Lối đi vào giữa cuộc đời
-
Lời trang kinh cũ thành bài ca vang
-
Trần sa phiền não bên đàng
-
Không còn vướng bận gót ngàn vân du.
-
Giữa núi rừng rộng mênh mông, âm vang ba động của
chúnh mình, lan lan dần trong sương khuya vô tận. Nhìn trời
đêm, trên môi cậu công tử khả ái kia điểm một nụ cười sung
sướng. Sau đó Kiều Giác tìm một hòn đá thạch bàn, lấy lá làm
nơi cư trú, tự tay cắt tóc và ẩn tu từ đây.
-
Thời gian thấm thát trôi qua mau, mới đó mà đã 75
năm rồi. Trong núi rừng tịch mịch thâm u, hôm sớm chiều trưa,
chung quanh chàng công tử khả ái kia giờ đây chỉ có cỏ cây,
núi rừng, khỉ, vượn, Chồn cheo, Chim chóc bầu bạn mà thôi.
Kiều Giác giờ không còn là một thanh niên trần tục nữa, mà
kiều Giác bây giờ là Kiều Giác Thiền Sư với râu tóc bạt phơ,
đoan nghiêm tướng mạo.
-
Dưới chân Cửu Hoa Sơn có một trang viện nguy nga lộng lẫy
không thua gì non bồng trên tiên cảnh. Chủ nhân ngôi trang
viện nầy là ông Các Mẩn Công. Dòng họ gia phả của ông người ta
không biết ra sao, có điều ngôi trang viện nầy có từ đó đến
nay cũng đã lâu lắm rồi. Ðiều đáng lưu ý và đáng nói là vào
đời Ðường, Phật Giáo đã du nhập vào Trung Hoa, và chiếm giữ
một vai trò rất quan trọng trong nền Văn Học, có thể nói đây
là thời đại Hoàng Kim của Phật Giáo. Các Mẫn Công là một Phật
Tử rất Thuần thành. Do lòng kính Phật trọng Tăng, nên ông
thường mời chư Tăng các nơi về Trang Viện để tụng kinh cầu
phước, nghe thuyết pháp và cúng dường. Một hôm nhân tiết trời
về mùa Thu, khí trời nhè nhẹ trong lành mát mẻ, ông cùng gia
quyến, và người ở tất cả cùng dắt nhau lên đầu non của Cửu Hoa
Sơn để ngắm cảnh lá vàng của rừng phong thu nhuộm. Nơi đây,
trên hòn đá thạch bàn dưới cây cổ thụ, ông chợt gặp một Tăng
Nhân râu tóc bạc phơ, mặt mũi phương phi thoát tục. Ðộng tính
hiếu kỳ, ông đến thăm hỏi mới biết rõ vị Tăng Nhân ấy chính là
Kim Kiều Giác Thiền Sư, người từ Giao Châu đến, và tu tại Cửu
Hoa sơn nầy cách đây 75 năm rồi, thế mà cho đến hôm nay ông
mới biết. Từ đó về sau, ông và gia đình thường lui tới nơi cư
trú của Kiều Giác Thiền Sư để hỏi đạo, cũng từ đây Kiều Giác
Thiền Sư cũng được Các Trang Chủ thường mời về nhà Thuyết Pháp
và cúng dường trai Tăng. Một hôm nhân lúc ông bà Các Mẫn Công
nhắc lại duyên kỳ ngộ, và trở thành thầy trò, Kiều Giác Thiền
Sư mới biết được Mẫn Công là chủ nhân của dãy núi Cửu Hoa vĩ
đại. Ngài liền nói với Mẫn Công: Bần Tăng lâu nay muốn thiết
lập một đạo tràng tại núi nầy để xiển dương Chánh Pháp, nhưng
vì không biết ai là chủ nhân, nên chưa biết bày tỏ cùng ai. Từ
khi gặp ngài, và biết ngài là chủ nhân, bần tăng xin được bày
tỏ ý của mình, và mong rằng ngài vì Ðạo Pháp mà phát Bồ Ðề tâm
cho bần tăng xin một khoảnh đất chừng bằng một mãnh y nầy mà
thôi. Nghe Kiều Giác Thiền Sư nói, Mẫn Công rất lấy làm hoan
hỷ. Thế là hai người cùng nhau đi lên trên đỉnh của núi Cửu
Hoa. Lạ lùng thay khi chiếc y vàng vừa tung ra, một sự huyền
diệu lạ thường, chiếc y vàng kia cứ từ từ lớn dần, lớn dần ra
và bao trùm cả dãy núi Cửu Hoa. Thấy vậy Mẫn Công chợt tỉnh
ngộ, ông thầm nghĩ: Oai lực như vậy nếu đây không phải là bậc
La Hán, Bồ Tát tái sanh thì còn là gì nữa. Nghĩ xong ông liền
cúi đầu đảnh lễ Kiều Giác Thiền Sư và cầu xin sám hối nếu có
điều gì thất kính. Từ đó Các Mẫn Công phát đại nguyện: Nguyện
đời đời, kiếp kiếp, sanh ra thời nào cũng được giàu có, gặp
Phật, chư Ðại Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tổ để ủng hộ cúng dường
Phật Pháp. Sau đó Mẫn Công vì cảm mến đức độ của Kiều Giác
Thiền Sư, nên ông cho con trai lớn của mình là Các Mẫn Giác
quy y xuất gia theo Kiều Giác Thiền Sư. Mẫn Giác theo thầy
tinh tấn học đạo, ngày đêm tu tập, không lúc nào biến trễ.
Chẳng bao lâu Mẫn Công ngộ được lý vô thường, cảm mến đức hạnh
của Mẫn Giác, con trai lớn của mình, ông liền phát tâm quy y
với Mẫn Giác. Từ khi ngôi đạo tràng nầy được lập, Phật Tử xa
gần, Tăng Chúng kắp nơi về tham học rất đông.
-
Một hôm vào buổi sáng đẹp trời, sương mai còn đọng
trên cành cây kẻ lá, Kiều Giác Thiền Sư cho người đánh bảo
chúng triệu tập Tăng Tín Ðồ lại và căn dặn: Ngày xưa khi Ðức
Thế Tôn còn tại thế, ngài đã ân cần đem Tám Bộ Chúng giao phó
cho ta, hôm nay vì cơ duyên hoá độ nơi đây đã mãn, ta phải đi
nơi khác. Trước khi đi, ta cũng ân cần nhắc nhở các ông phải
cố gắng tu tập đừng có chểnh mản biến trể mà sa đoạ vào ác
đạo. Các ông phải tùy theo cơ duyên và phương tiện mà cứu độ
chúng sanh. Căn dặn xong ngài nói bài kệ:
-
- Nay ta ân cần phó các ông
-
Trổ đại thần thông mở phương tiện
-
Tế độ cho khắp cỏi nhân thiên
-
Ðời nầy đời sau thoát đường ác
-
Nói bài kệ xong, Kiều Giác Thiền Sư cỡi con Ðề
Thính, tay cầm tích trượng, hướng dưới núi Hoa Sơn mà đi
thẳng. Từ đó về sau người ta không còn gặp và cũng không biết
Kiều Giác Thiền Sư đi đâu. Cũng từ đó người dân Trung Hoa lúc
bấy giờ cho đó là hóa thân của ngài Ðịa Tạng Bồ Tát, cho nên
họ tạc tượng ngài Ðịa Tạng Bồ Tát cỡi con Ðề Thính, tay cầm
tích trượng, còn hai người hầu hai bên là hai cha con Các Mẫn
Công và Các Mẫn Giác, và chọn 30 tháng 7 ngày ra đi của Kiều
Giác Thiền Sư là ngày vía của Ðịa Tạng Bồ Tát.
|