-
Sự Thị Hiện Của Đức Phật
-
Nguyên Hảo
-
--o0o--
-
-
Biết bản chất luân hồi,
-
Lòng tràn đầy thương xót.
-
Soi chiếu cảnh tử sinh,
-
Không rời Pháp Thân Phật.
-
Hiện thân nhiều sắc hình,
-
Trước vào trời Ðâu Suất,
-
Rồi từ đó giáng trần,
-
Học rành mọi nghệ thuật.
-
Lớn lên trong hoàng cung,
-
Rồi từ bỏ ra đi,
-
Kham nhẫn đời khổ hạnh,
-
Thiết tha cầu giác ngộ.
-
Khuất phục hàng chúng ma,
-
Thành tựu Vô thượng giác.
-
Quay bánh xe Chánh Pháp
-
Nhập Vô Dư Niết Bàn
-
Hiện thân vô cùng tận,
-
Ðế khi hết luân hồi,
-
Không còn cõi bất tịnh.
-
(Nguyên Hảo-Cuộc Ðời Ðức Phật)
-
Ngày Phật Ðản, chúng ta nhớ đến sự thị hiện của Ðức Phật, sự
thị hiện vì lòng từ bi vô lượng đối với sự tối tăm và đau khổ
của thế gian.
-
Vâng, ngài chỉ thị hiện, hiện ra trong thế gian
này để cho thế gian được thấy tận mắt một con người thật sự an
vui và một con đường thật sự giải thoát. Ngài hiện ra trong
thế gian, đi giữa thế gian để thế gian thấy rằng nơi đây cũng
là một đạo tràng nghiêm tịnh.
-
Ngài đã đi trong thế gian trọn vẹn một cách tuyệt
vời. Từng cử chỉ, từng lời nói, từng bước chân, từng cái
nhìn,... của ngài tất cả đều là khuôn vàng thước ngọc cho nhân
thế. Và người thế gian, những đệ tử của ngài, đã noi theo đời
sống tuyệt vời đó, để giáo pháp của ngài dạy đã sáng rỡ qua
bao ngàn năm, và tiếp tục sáng rỡ khi nào con người vẫn còn
ước ao một sự an vui chân thật, một con đường giải thoát chân
thật.
-
Cuộc đời của ngài dạy cho chúng ta thấy rằng thế
gian khổ nhưng có con đường thoát khổ, thế gian hẹp hòi nhưng
là đạo tràng của lòng lân mẫn, thế gian u buồn nhưng là đạo
tràng của niềm vui bất tận, thế gian luyến chấp nhưng là đạo
tràng của sự xả bỏ lớn lao.
-
Trong pháp giới vô biên, thế gian này sáng lên mỗi
khi ngài đi qua. Ngài đã đi trong thế gian này vô lượng vô
biên lần và sẽ hiện thân vô lượng vô biên lần đầy khắp trong
vị lai:
-
-
Phật nơi vô lượng kiếp lâu xa
-
Ðã cạn chúng sanh biển phiền não
-
Mở rộng đạo lý trần sạch trong
-
Soi sáng chúng sanh đèn trí huệ
-
(Kinh Hoa Nghiêm-Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm)
-
Vô lượng kiếp tu hành viên mãn
-
Dưới cội Bồ đề thành Chánh Giác
-
Vì độ chúng sanh khắp hiện thân
-
Như mây đầy khắp vị lai thế
-
(Kinh Hoa Nghiêm-Phẩm Như Lai Hiện Tướng)
-
Do đó, sự ra đời của Ðức Phật ở thế gian này có hai ý nghĩa
nhiệm mầu: Thành tựu rốt ráo đại nguyện lợi sanh thành Phật,
và chứng nhập pháp thân để hóa độ chúng sanh không hạn lượng.
-
Nguyện cứu độ tất cả chúng sanh là nguyện của mười
phương chư Phật, Bồ-tát, cũng là con đường của mọi Phật tử,
không chỉ ở trong thế giới này, nhưng là của mọi Phật tử trong
toàn khắp pháp giới khác. Con đường nầy là con đường rộng vô
biên mà cũng dài vô cùng. Và sự ra đời của đức Phật trong thế
gian này nằm trong hạnh nguyện chung của Thánh Chúng trong
mười phương. Ðó là sự hiện thân của Từ-Bi vào nơi nào chúng
sanh đang đau khổ.
-
Từ-Bi là nền tảng cho sự xuất hiện của chư Phật,
Bồ-tát. chư Phật và Bồ-Tát không có ngã, nhưng vì Từ-Bi, các
ngài hiện ra có ngã. Chư Phật và Bồ Tát đã tịch diệt, vô vi
nhưng vì Từ-Bi các ngài đã hiện ra làm vô số việc. Chư Phật và
Bồ-Tát, biết tất cả các pháp đều hư huyễn, nhưng vì Từ-Bi, các
ngài đã hiện ra vô lượng vô biên pháp.
-
Vì Từ-Bi, chư Phật, Bồ-tát đã lấy phiền não của
chúng sanh làm nhân Bồ-Ðề, lấy chốn ngũ trược làm đạo tràng
thanh tịnh, lấy sanh tử làm Niết-Bàn, lấy ràng buộc làm giải
thoát...
-
Tất cả những việc làm đó của các ngài chỉ có một
mục đích duy nhất là cứu khổ chúng sanh. Các ngài như hư
không, không ngằn mé, nhưng vì Từ-Bi, đã thị hiện vào giữa
không gian cách ngăn và thời gian ràng buộc.
-
Chư Phật, Bồ-tát chỉ chìu theo tâm ý chúng sanh mà
thị hiện ra nơi đời. Những hạnh nguyện vô cùng lớn lao của chư
Phật, Bồ-tát được diễn tả trong các kinh điển không làm sao tả
hết. Những đoạn kệ vô cùng cảm động sau đây được trích từ Kinh
Hoa-Nghiêm:
-
-
Như Lai trí rất sâu
-
Vào khắp nơi pháp giới
-
Hay chuyển theo ba đời
-
Vì đời làm Minh Ðạo.
-
Chư Phật đồng pháp thân
-
Vô y vô sai biệt
-
Tùy theo ý chúng sanh
-
Khiến thấy thân hình Phật.
-
***
-
Phật tùy tâm chúng sanh
-
Hiện khắp ở trước họ
-
Chúng sanh chỗ thấy được
-
Ðều là Phật thần lực
-
***
-
Phật tùy tâm chúng sanh
-
Vì họ hiện pháp vân
-
Các thứ môn phương tiện
-
Khai ngộ và điều phục.
-
(Như Lai Hiện Tướng)
-
Phật dùng tâm đại bi
-
Quan sát khắp chúng sanh
-
Thấy ở trong ba cõi
-
Luân hồi thọ nhiều khổ
-
Chỉ trừ đấng Chánh Giác
-
Ðấng đạo sư đủ đức
-
Tất cả các trời người
-
Không ai cứu hộ được
-
Nếu chư Phật Bồ-tát
-
Chẳng xuất hiện thế gian
-
Thời không một chúng sanh
-
Có thể được an lạc.
-
Như Lai đấng chánh giác
-
Và các chúng Thánh Hiền
-
Xuất hiện ở thế gian
-
Cho chúng sanh được vui.
-
(Phẩm Tu Di Kệ Tán)
-
Vì sự xuất hiện trong thế gian của chư Phật,
Bồ-Tát có mục đích đem an vui cho chúng sanh, sự xuất hiện đó
là một sự thị hiện. Sự thị hiện này là sự thị hiện của Từ-Bi.
Sự Ðản Sanh của Ðức Phật là sự Thị Hiện của Từ-Bi vào trong
cỏi Ta bà này.
-
Và từ đó trong suốt cuộc hành trình dài của Ðạo Phật chúng ta
thấy là cuộc hành trình của Từ-Bi. Và ánh sáng Từ-Bi của Ðạo
Phật đã đem niềm vui đến cho thế gian. Chỗ nào có đau khổ và
thiếu thốn, về vật chất cũng như tinh thần, thì có Ðạo Phật.
Với sự thị hiện của Ðức Phật, Ðạo Phật đã đến với thế gian,
đem ánh sáng, hy vọng, và niềm vui cho khắp thế gian.
-
Ðức Thích Ca Mâu Ni thị hiện trong vườn Lâm Tỳ Ni,
thành Ca Tỳ La Vệ của bộ tộc Thích Ca, cách đây 2541 năm. Ngài
đã đến với thế gian trong sự an lành, ban cho thế gian sự an
lành, và khi ra đi cũng để lại sự an lành cho thế gian.
-
Tâm Từ-Bi của ngài lúc nào cũng lan tỏa. Gần ngài,
người cũng như thú vật đều cảm thấy an lành.
-
Khi mang thai ngài, hoàng hậu Maya luôn luôn mơ
thấy những giấc mơ an lành, luôn luôn cảm thấy an lạc, không
phiền não. Khi ngài ra đời, chư thiên trỗi nhạc, rãi hoa, khắp
vũ trụ hân hoan trong niềm hy vọng. Ước vọng của vua cha và
dân chúng được thỏa nguyện, ngài có tên là Shidharta.
-
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là sự an lành tạm bợ. Niềm
an lành thật sự trong đạo pháp phải là một niềm an lành trong
tự tại.
-
Ðức Phật không muốn sự an lành của chúng sanh chỉ
có được khi nương trong ánh từ quang của ngài.
-
Ngài muốn tất cả chúng sanh tự mình là bóng mát
của chính mình, tự mình là ánh sáng của chính mình, tự mình là
niềm hạnh phúc của chính mình. Ðó là niềm an lành tự tại, niềm
an lành chân thật và vĩnh cữu. Này các con, hãy tự thắp đuốc
lên mà đi!
-
Con đường an vui thật sự phải tự mỗi người tìm
thấy. Vì ngay trong chính mỗi người, mỗi chúng sanh, vốn là
một cõi an vui, cõi tánh không, vô ngã. Cõi bình an đó, mỗi
người phải tự tìm thấy. Ðức Phật chỉ là một vị thầy, chỉ là
một người hướng đạo, người soi sáng. Ðó là ý nguyện của chư
Phật, Bồ-Tát, là niềm vui của chư Phật, Bồ-Tát.
-
Sự tìm thấy niềm bình an một lúc nào đó vụt đến
với con người đi tìm. Và khi tìm thấy thì mọi sự đều chấm dứt,
đều dừng lại, đều phơi bày. Vô số người đã tìm được bình an
vĩnh cữu khi thấy Ðức Phật, khi nghe về Phật, khi nghe giáo
pháp của Phật, khi thực hành giáo pháp Phật.
-
Chúng ta không một phút nào được bình an vì chúng
ta mãi tìm cầu, mãi trốn tránh, mãi phân biệt. Chúng ta hối
tiếc quá khứ, bất mãn hiện tại, vọng cầu tương lai. Lý do là
chúng ta vô minh. Và vì vô minh chúng ta không biết và không
thể dừng lại.
-
Ðệ tử của Ðức Phật trước khi gặp ngài cũng thế.
Ngài Xá Lợi Phất, trước khi gặp Ðức Phật là một vị thầy ngoại
đạo. Tuy nhiên, ngài vẫn thấy rằng mình chưa thấy được chân lý
cứu cánh. Một hôm tình cờ gặp một đệ tử của Phật là ngài A Thị
Thuyết, một vị chứng quả A La Hán nhờ nghe Phật thuyết Tứ Ðế,
ngài Xá Lợi Phất khởi lòng kính phục dáng điệu đoan nghiêm của
vị A La Hán, đến trước vị này ngài hỏi:
-
- Xin lỗi, cho tôi hỏi thăm đạo giả, chẳng hay
ngài tên gì, hiện ở đâu?
-
- Ða tạ tôi tên là A Thị Thuyết, ở tại Trúc Lâm
Tịnh Xá, ngoài thành không xa.
-
- Thầy của ngài là ai? bình thường dạy ngài đạo lý
gì?
-
Ngài A Thị Thuyết chậm rãi trả lời:
-
- Thầy của tôi là bậc đại thánh Thích Ca Mâu Ni
xuất thân dòng họ Thích. Ngài dạy về chơn lý của vũ trụ nhơn
sanh, kẻ ít học như tôi không thể lãnh hội trọn vẹn, nhưng tôi
nhớ đạo lý ngài thường giảng là:
-
-
Các pháp do nhân duyên sanh
-
Các pháp do nhân duyên diệt
-
Cũng dạy rằng:
-
Các hành vô thường
-
Là pháp sanh diệt
-
Sanh diệt diệt rồi,
-
Tịch diệt là vui
-
Ðối với lời dạy của bậc đạo sư, thật khó diễn tả
được hết cảm kích của chúng tôi.
-
Xá Lợi Phất được nghe danh hiệu của Phật Ðà và
giáo pháp của ngài, dường như trời long đất lở, như mặt trời
sáng ngời trước mắt, tất cả mối nghi ngờ về vũ trụ nhân sinh
đều biến mất.
-
(Như Ðức-Thập Ðại Ðệ Tử)
-
Tâm Từ-Bi của Ðức Phật, hình ảnh của Ðức Phật, lời
dạy của Ðức Phật đã đem đến bình an cho vô số người như Ngài
Xá Lợi Phất.
-
Suốt cuộc đời của Ðức Phật, mọi việc của ngài chỉ
có một mục đích duy nhất là đem an lạc cho chúng sanh.
-
Khi ngài nhập Niết Bàn, cả trời, người, quỷ thần,
và muôn loài đều đau buồn:
-
-
Tất cả mọi chúng sanh
-
Khổ đau trong phiền não
-
Sắp xa đấng Y Vương
-
Ðức Phật, đấng Từ-Bi,
-
Xin đừng bỏ chúng con.
-
(Nguyên Hảo- Cuộc Ðời Ðức Phật)
-
Nhưng an vui phải được nhận thấy trong vô thường. Và dù có khả
năng kéo dài tuổi thọ, Ðức Phật thấy đã đúng thời để ra đi.
-
Ðức Phật không bao giờ bỏ thế gian, vì thế gian
còn đau khổ. Nhưng từ nay con người đã biết rằng:
-
-
Chư Phật là Pháp Tánh,
-
Vì vậy vẫn hằng còn,
-
Và không lời để nói.
-
Hãy đi đường giác ngộ
-
Giữ tâm luôn tỉnh thức.
-
Từ bỏ mọi nghiệp ác,
-
Sống an vui hạnh phúc.
-
(Nguyên Hảo - Cuộc Ðời Ðức Phật)
-
Từ nay, ánh sáng đã đến, đã được thắp, và sẽ được
thắp sáng khắp thế gian. Từ nay, người thế gian đã biết con
đường tự thắp sáng niềm vui cho chính mình.
|