Dư Hương
Ngày Phật Ðản
Diệu Hóa
--o0o--
 
Turn off computer, Luân ngồi xếp lại chồng giấy tờ trên bàn theo thứ tự. Trên hết là chương trình buổi lễ Phật Ðản, kế đến là lời cảm tạ quan khách, sau đó là chồng giấy dành cho văn nghệ vào chiều. Sau hai tiếng đồng hồ cặm cụi sàng lọc, cuối cùng rồi cũng xong Luân thở phào nhẹ nhỏm.
            Những tháng ngày làm đoàn trưởng của Ðoàn Thanh Thiếu Niên chùa Viên Giác, anh có biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Thời gian là con tạo xoay vần, hết Tết lại Phật Ðản, Vu Lan hình như tất cả anh em trong đoàn cứ bận rộn mãi. Bên ngoài tiếng các đoàn sinh nam nữ ca múa chuẩn bị cho buổi lễ ngày mai rầm ran. Luân nhìn ánh nắng tươi ấm ngoài song cửa mà lòng mường tượng đến ngày mai:
- Chà, trời đẹp như thế nầy chắc ngày mai sẽ đông Phật Tử về Chùa lắm. Nhất là các cô sẽ tha thướt trong những bộ áo dài mà không sợ những chiếc áo lạnh làm phiền. Tiếng Hạnh từ bên ngoài cắt đứt dòng suy tưởng trong đầu Luân:
- Chè xong rồi tất cả nghỉ mệt đi, ăn xong rồi dợt tiếp. Anh Luân xong chưa nghỉ tay đã.
Luân bỏ xấp giấy vào cặp bước ra ngoài. Những đoàn sinh nữ trông đã yên phận bên nồi chè. Hồng cao giò đã lẹ tay bưng ngay một chén thủ trong góc. Nga đang múc chè cho những anh đoàn sinh nam bận đóng giàn sân khấu cho buổi văn nghệ mới vào sau. Buổi chiều thứ bảy thật nhộn nhịp, ai cũng dành thời gian về chùa để lo cho ngày Phật Ðản. Phượng đang ngồi bàn tán với Vân và Thùy về đoạn múa cuối của bài hát. Cả đoàn ai ai cũng mến Phượng vì nàng thông minh và có tài chỉ đaọ múa hát. Vân lên tiếng:
- Em thấy chào theo kiểu quạt hình chữ V đẹp hơn phải không Phượng công bằng?
- Thôi được, chốc nữa chúng ta chịu khó dợt lại hết ba kiểu chào rồi coi kiểu nào được. Thôi ăn chè đi.
Chợt thấy Luân đang lụi hụi với chén chè, Phượng đùa:
- Chà, anh Luân im lặng nảy giờ làm nồi chè hết phân nửa.
Nga chen vào:
- Nam nhi không hảo ngọt, răng anh Luân ăn dữ rứa?
- À, chắc tại Hạnh nấu ngon. Các cô múa hát đến đâu mà nghe ồn ào dữ dzậy?
Hồng đã thủ tiêu xong chén chè liền đổi đề tài:
- Mới có chè thôi, khi nào múa xong, mình đòi anh Luân khao một chầu kem nữa. Cả mùa Ðông ảnh đâu có tốn đồng nào cho mình ăn kem đâu.
Nga cũng tiếp lời Hồng:
- Răng mà anh Luân kẹo rứa.
Luân luôn luôn bị các cô chọc phá nhưng anh luôn dễ dàng, vì ngoài sự tinh nghịch, các cô còn làm được nhiều việc ghê lắm. Các cô chưa lần nào làm anh mất mặt nên chìu:
- Ðược lắm, anh đãi nhưng mà chè với kem đánh lộn liệu ngày mai các cô có lên sân khấu nổi không?
Vân hớt lời:
- Anh khỏi lo, mình tập lẹ lên các bạn ơi để cho anh Luân khỏi đổi ý.
Phượng lên tiếng:
- Tụi em tập còn đoạn chót nữa, hay là anh lên xem coi có ý kiến gì không?
- Ư, các cô mê ăn quá, không biết múa có giỏi hơn ăn không?
Lập tức cả đám xúm vào nhéo anh, Luân chạy vội lên phòng:
- Thôi cho tôi xin, các cô bắt đầu múa xem nào.
Tất cả trở về vị trí, và tiếng nhạc bật lên:
- Từ ngàn xưa, vương thành Ca Tỳ La Vệ, Tất Ðạt Ða thái Tử con vua Tịnh Phạn..
Những chiếc quạt bằng lông gà đủ màu sắc xòe ra, nhịp nhàng theo điệu hát. Một luồng cảm giác xao xuyến dâng lên trong lòng Luân. Anh chợt nhớ đến Hằng, người con gái năm xưa đã đi vào lòng anh. Bằng chính bài hát nầy, điệu nhạc nầy, nàng đã biến đổi anh từ một tên Luân không đạo, vô tư bên bút sách thành một anh đoàn trưởng vững vàng trong niềm tin đạo mầu. Bao nhiêu ký ức hiện về. Ðã bốn năm rồi Hằng nhĩ?
Ngày ấy, gần xong năm thứ ba đại học, anh ghi danh vào chương trình huấn luyện của trường đi thực tập ba tháng, Anh thích đi xa, nhân tiện ghé thăm gia đình dì năm vì đã lâu không gặp. Ngày đầu tiên tới tiểu bang mới, Luân mê ngay không ngờ trường anh thực tập lại ở gần nhà dì. Nhất là Hải, con của dì năm lại cởi mở, có nhiều tư tưởng giống anh nên hai anh em cứ mãi nói chuyện, quên cả dì năm ngồi bên cạnh. Sau khi dùng cơm chiều xong, dì năm bảo Hải chở Luân đi dạo chơi cho biết. Hải chải xong mái tóc, ngắm mình trong gương:
- Bảnh trai lắm rồi, anh Luân xong chưa, mình đi đại ca.
Hai anh em lái xe xuống phố, chiều thứ bảy tấp nập xe cộ. Những dãy hàng sáng trưng, các quán ăn mở rộng cửa như rất sẳn sàng cho chiều cuối tuần. Hải chỉ tay:
- Phía trước là vũ trường đó, mỗi chiều thứ bảy đông người lắm, anh có muốn thử không?
Luân nửa đùa nửa thật:
- Có vào thì cũng đi với mấy nàng chứ, hai gã độc thân mặc Jean như thế nầy mà vào cho thiên hạ cười à!
- Anh sành điệu lại đẹp trai, chắc là có nhiều bồ lắm?
- Khen lầm người rồi.
Hai người cuối cùng đã thấm mệt, nên ghé vào quán nước bên đường. Chiều thứ bảy các cô choai choai, cặp năm, cặp ba đi lại chào hỏi vui vẻ. Luân không lạ gì vì ở đây là phố Việt. Có điều khó nhìn rõ được, vì những khuôn mặt thật các cô ở đây lúc nào cũng được bao bọc bằng những lớp son phấn lòe loẹt. Hải thưởng thức nói:
- Anh thấy các cô ở đây ăn mặc rực rỡ và model chưa?
- Các cô qua đây đại diện cho nước Việt con rồng cháu tiên mà. Ðã là cháu tiên thì phải mặc đẹp chớ.
- Con gái qua đây thay đổi hết, chắc anh em mình chịu kiếp độc thân quá.
Luân không trả lời. Anh chợt nhớ hai câu thơ anh đã đọc ở đâu khi còn nhỏ:
- Giữa vườn hoa có chen nhiều cỏ dại
Giữa dòng đời cây cỏ có chen hoa.
Dù ở bất cứ nơi nào thì giữa người xấu vẫn có người tốt, và ngược lại, không nên vì một cá nhân nào mà đánh giá tất cả. Ngồi trong quán đã lâu, Hải  trả tiền và bảo: 9:30 rồi, em muốn ghé trường lấy cuốn sách bỏ quên hôm qua, anh vô trường em cho vui.
- Mấy giờ trường đóng cửa?
- Mười giờ lận, mình đi là vừa.
Hải nhỏ hơn Luân một tuổi, và cũng đang học đại học năm thứ hai ở gần trường nhà. Ðậu xe vào Parking, Hải và Luân đi về phía phòng lab. Những ngọn đèn vàng soi rõ lối đi để nổi tấm bảng Non-smoking trong hành lang. Luân dừng lại bảo:
- Em vào trước, anh đứng ngoài hút thuốc chờ em ra.
Hải bước vào trong, cánh cửa đóng lại. Luân dựa vào góc tường châm thuốc hút một hơi dài. Anh bổng chú ý, từ xa trong hành lang, một thiếu nữ đang hối hả đi ra. Người đâu mà đáng đi đẹp quá. Cô gái càng đi lại gần, Luân nhìn rõ thì ra người mình, Việtnamese. Chèn ơi, đã gần10 giờ đêm, con gái nhà ai mà còn cặm cuội ở trường thế này. Dáng người thanh tao, mái tóc ngang lưng đen láy, bao nhiêu đó thôi cũng bù lại tất cả những khuyết điểm nếu có rồi. Luân nghĩ thầm mĩm cười:
- Party người ta đã bắt đầu mấy tiếng đồng hồ rồi đó em.
Cô gái chợt dừng lại, mở cặp ra bỏ quyển sách và mớ giấy cầm trên tay vào, liếc ngang dọc không có ai, cô lôi một miếng Sandwich được gói cẩn thận trong giấy bạc và bắt đầu hành động. Con bé chắc có lẽ đói lắm, nên vừa đi vừa ăn ngon lành. Có lẽ Luân đứng khuất trong tối nên cô gái không thấy, cho đến khi đẩy cửa bước ra vừa đưa miếng sandwich lên miệng, cô gái tròn xoe đôi mắt thẹn thùng. Nhìn con bé đỏ mặt vì bị bắt quả tang trông thật tội nghiệp. Ðôi mắt đen láy, sống mũi cao cao, làm cân khuôn mặt thanh thanh. Không ngờ con bé đẹp và đài các như vậy. Sau một giây bâng khuâng, Luân vờ như không thấy say Hi một cách tự nhiên cho con bé đỡ ngượng. Con bé lấy lại tư thế tự nhiên kèm theo tiếng Hi rồi bước đi. Luân tiếc rẽ nhìn theo cho đến khi cô gái đi khuất. Chợt Hải vỗ vai làm Luân giật mình:
- Làm gì mà thờ thẩn vậy, anh đang nhớ nhà hay nhớ người yêu đây?
- Hải đọc truyện Kiều bao giờ chưa?
- Có, mà không nhiều.
- Vậy có nghe câu này chưa: Người đâu gặp gở làm chi, Trăm năm biết có duyên gì hay không?
- Hải nhìn Luân ngạc nhiên..
Sau một tuần nghỉ ngơi, Luân vào trường thực tập, mãi đến hai tuần sau Luân mới rãnh về lại nhà dì năm. Dì bảo Hải bận ở chùa không biết cho tới mấy giờ mới về. Luân thắc mắc, thứ bảy mà lên chùa làm gì, nhưng không buồn hỏi. Anh thay đồ dùng cơm tối, rồi xem TV. Gần mười giờ đêm mà Hải chưa về, Luân mở cửa phòng Hải thấy cây guitar trong hộp. Anh ngồi xuống thử dây và đàn bản nhạc lòng của mình:
- Tôi vẫn nhìn thấy em giữa đám đông xa lạ
Vì em là hoa lá giữa quê nhà thiết tha. Tôi vẫn nhìn thấy em vì trong đôi mắt đó, có quê hương bạn bè..
Luân hát say sưa và chìm trong bóng hình của cô gái hôm nọ. Ðúng vậy, từ đôi mắt đó có những điều gì thiết tha, đôi mắt đó cuốn anh theo nỗi nhớ, niềm vấn vương như trong lòng anh vẫn thường ấp ủ hình bóng quê hương, bạn bè từ khi anh bỏ tất cả lại sau lưng để bây giờ chỉ còn lại nỗi nhớ. Nghe tiếng động Luân ngước lên:
- Ủa Hải về rồi à, lên chùa làm gì mà khuya vậy?
- Ngày mai là lễ Phật Ðản Sanh, nên hôm nay có nhiều việc phải làm.
- Phật Ðản, lễ gì mà nghe quen quen, làm gì mà bận rộn hả?
- Thì lau dọn, đóng sân khấu văn nghệ, ngày lễ mừng đức Phật ra đời, mọi người về chùa đông lắm nên phân công với nhau, người hướng dẫn cho Phật Tử đậu xe, người giúp chuyển thức ăn..đủ thứ chuyện.
- Trời ơi, phức tạp dzậy à, hèn gì mà chờ cả buổi, tưởng đâu đi chơi với người yêu chớ.
- Anh dạo này tương tư rồi, mai đây anh đi chùa không?
- Ừ, đi cho biết.
Sáng sớm, Hải đã hối Luân lên chùa. Ðến nơi những chiếc xe đã đậu sẳn còn ướt sương. Ngôi chùa thật rộng, thật khang trang. Những cánh cửa chính của Chánh điện cũng đã mở rộng chờ đón khách. Hải dắt Luân xuống basement:
- Anh coi các bác có cần gì thì phụ nhé. À, đây là anh Minh đoàn trưởng đoàn thanh thiếu niên ở đây. Còn đây là anh Luân anh của em đến từ miền lạnh..
Sau khi làm quen, Luân phụ các dì pha nước ngọt, bưng khay thức ăn để sẳn phòng ăn. Nhìn sơ phòng ăn Luân đoán biết sẽ rất đông quan khách về dự lễ. Luân chẳng bao giờ về chùa cả. Thỉnh thoảng mẹ anh cũng về chùa nhưng mà anh không bao giờ quan tâm đến. Ngoài giờ học và làm ra, anh dành thời gian đi chơi tennis, thể thao. Theo anh, dường như chùa dành cho những người lớn tuổi, thích yên tịnh trong tuổi già, hôm nay vì tiện nên về một lần cho biết.
Tiếng nói trên chánh điện vọng xuống, mời các quan khách vào dự buổi thuyết pháp. Luân nhìn quanh chẳng còn gì để làm nên anh lên chánh điện ngồi ngay ngắn để nghe pháp. Mới đó mà mọi người đã lên đông đảo, gần như chật cả chánh điện. Hôm nay ai cũng đẹp, cũng trang nghiêm. Nhìn những thanh niên áo quần thẳng nếp đến những cô gái tha thướt trong những bộ áo dài, Luân nhìn lại mình cũng may không tệ lắm. Chà cũng đông đảo các anh chị trẻ tuổi về chùa vậy mà mình cứ tưởng.. .Luân chợt thấy gượng cho tư tưởng của mình. Nhưng một niềm vui nào chợt dâng lên trong anh trong ngày Phật Ðản rộn ràng. Lần đầu tiên anh nghe Pháp, chẳng có gì cuốn hút. Những lời giảng của Thầy xa lạ đối với anh, một thanh niên lần đầu đến chùa, cũng may là anh không ngủ gục. Buổi thuyết pháp kết thúc, anh không nhớ gì nhiều, nhưng anh đã biết được một điều mà từ hôm qua cho đến giờ anh thắc mắc, đó là ngày Phật Ðản hay Ðản Sanh là ngày Phật ra đời để cứu độ chúng sanh. Còn đức Phật dĩ nhiên là đấng siêu phàm, là một đấng tối cao đã để lại cho trần thế nhiều điều thiêng liêng hay nói một cách khác là Ðức Phật ngài đã để lại cho trần thế một nền triết đạo cao siêu nhiệm mầu giải thoát, nên khắp nhân gian ai ai cũng tôn thờ và học theo.
Sau đó buổi lễ chính thức bắt đầu. Luân cứ như cái máy, mọi người lạy thì anh cũng lạy, mọi người qùy thì anh cũng qùy. Anh ngượng ngập nhưng rất ngoan ngoản và sùng kính. Sau khi mọi người đã lạy xong và ngồi ngay ngắn. Xướng ngôn viên giới thiệu chương trình kế đến là bài hát Em Kính Mến Thầy qua tiếng hát của Giáng Hằng. Nghe đến cái tên lạ lạ, Luân cũng như mọi người tò mò chờ giọng hát xuất hiện. Bên trong chánh điện, dáng một thiếu nữ trong bộ áo dài trắng bước ra. Nàng chấp tay hướng về thầy và hát:
- Nam Mô A Di Ðà Phật..
Luân chợt ngẩn người, trời ơi con bé gặm sandwich. Hôm nay con bé trông thánh thiện làm sao. Dáng dấp nữ sinh, mái tóc dài ấy. khuôn mặt quyến rũ ấy đang đứng trước anh. Giáng Hằng như một nàng tiên với tiếng hát dịu hiền thanh sáng. Trời đất dung hòa đã cho em một vẻ đẹp toàn thiện, một nét đẹp hòa hài. Tiếng hát em, khuôn mặt em, và dáng đi thanh tao đã quyện vào nhau đẹp hơn một bức tranh tố nữ, làm  cho hoa ghen liễu hờn. Nhìn em, không rực rở, không kiêu hãnh nhưng trong sáng tựa một buổi bình minh. Những nét đẹp muôn phương đã tụ lại để kết tạo nên em, một Giáng Hằng kiều diễm. Luân ngồi bất động, hai mắt không rời con bé gặm sandwich một giây. Xung quanh anh cũng có tiếng xì xầm:
- Trời ơi con nhỏ đẹp quá, Giáng Hằng đó, là Phật Tử đã về Chùa nhiều năm. Cô ấy hát hay số một.
Mặc cho bao lời khen ngợi chung quanh, Luân dồn hết tâm trí, dành hết bao nhiêu sự cuốn hút để tôn sùng người thiếu nữ ấy. Một lần nữa anh lại gặp em. Có phải vì đôi mắt đó có quê hương bạn bè. Buổi lễ đã kết thúc lâu hay mau Luân không biết, lúc ấy thời gian đối với Luân là vô định. Anh theo mọi người xuống dưới basement để xem văn nghệ. Anh không biết Giáng Hằng đã đi đâu, nhưng giữa đám người đông chật thế kia, đi lại bất tiện nên anh ngồi yên. Anh cảm thấy vui một niềm vui lâng lâng len lén trong lòng anh. Anh tự cười mình. Giáng Hằng đâu phải của riêng anh, chỉ một lần tình cờ gặp nhưng anh lại thấy gần gủi với nàng như đã quen nhau từ lâu lắm. Buổi văn nghệ bắt đầu cắt ngang sự suy nghĩ trong lòng Luân bằng  một bài hát hợp ca. Tiếp theo bài hợp ca là bài đơn ca, và kế đến là múa quạt do các cô đoàn sinh đoàn thiếu nữ biểu diễn. Cánh màn được kéo qua, một đoàn thiếu nữ sáu người trong y phục Ấn Ðộ xòe những chiếc quạt đủ màu quay theo tiếng hát:
- Từ ngàn xưa, vương thành Ca Tỳ La Vệ..
Một lần nữa, Luân lại có cơ hội nhìn Hằng. Dòng nhạc từ từ đi vào lòng anh. Thì ra đức Phật là một vị vua quyền thế của nước Ấn Ðộ. Từ một Thái Tử sung sướng có vợ đẹp con ngoan, ngài đã từ bỏ tất cả để ra đi xuất gia tìm đạo. Hằng xoè quạt, người nghiêng xoay, nàng như phơi bày tất cả những ý nghĩa của bài hát. Nàng tựa như tiên xuất hiện, soi cho anh thấy ánh sáng đạo mầu huyền vi, mà không phải ai ai cũng có duyên hiểu thấu. Khi bài hát kết thúc, Luân đã hiểu được lịch sử ra đời và thành đạo của Ðức Phật Thích Ca. Lời giảng của thầy như một cơn gió bay qua tai, nhưng bài hát và dáng điệu của Hằng đã dễ dàng lắng đọng trong anh. Luân thấy mình đang đứng trước sự hiểu biết mới về đạo Phật, một chân lý huyền diệu. Sau khi tất cả chương trình kết, mọi người lần lượt ra về. Hải bảo Luân:
- Anh có thể giúp Hải cùng anh chị trong đoàn thu dọn chung quanh sau đó họp đoàn rồi về luôn nha?
Luân như mở cờ trong bụng nên nói:
- Ðược, Luân sẳn sàng giúp Hải và tất cả các anh chị một tay, nếu cần họp đến tối cũng không sao.
Trong cuộc họp anh đoàn trưởng không quên giới thiệu Luân cho anh em trong đoàn làm quen. Rồi các anh chị đoàn sinh cũng vui vẻ tự giới thiệu tên mình. Hùng, Hoàng, Diệu, Mỹ, Anh, Hằng...Sau khi anh đoàn trưởng tổng kết lại buổi lễ và cảm ơn các anh chị đã nhiệt thành đóng góp cho những thành công vừa qua, thì đoàn chuyển sang kế hoạch cho tuần tới, đó là chuẩn bị buổi liên hoan cho những đoàn sinh ra High School năm nay. Buổi họp kết thúc anh Minh và tất cả đoàn sinh không quên mời Luân tuần sau nếu rảnh về sinh hoạt với đoàn cho vui. Cũng may mà Hải lanh miệng nói hớt:
- Anh Luân còn rảnh về đoàn ba tháng lận, có khi vui quá ở luôn không chừng.
Luân mừng thầm, không ngờ Hải dể thương quá, nhất là trong lúc nầy. Luân muốn ôm chầm lấy Hải để cảm ơn một cách hậu hỉnh.
Rồi như để không thất hứa vì câu nói của Hải, Luân về chùa mỗi tuần thật. Chưa bao giờ Luân bắt đầu mong ngày weekend đến để được họp đoàn như vậy. Vì từ sau ngày Phật Ðản Luân đã có cơ hội nói chuyện với Giáng Hằng. Nàng rất cởi mở dễ làm quen, nhất là không kiêu hãnh như anh nghĩ. Ðôi khi Luân tự hỏi:
- Không biết Hằng có biết rằng nàng đẹp, và có khả năng cuốn hút người đối diện hay không, vậy mà sao nàng lúc nào cũng giản dị, hoà đồng với tất cả mọi ngườI?
Càng tiếp xúc với Hằng, Luân càng phát hiện nàng rất dễ thương, thật lòng và tài cán. Mọi người trong đoàn ai ai cũng dành cho nàng nhiều sự trìu mến. Khi nàng vừa đến là đám nhỏ oanh vũ reo lên:
- A, chị Hằng đến, cái áo đầm của em vừa rồi bị đứt nơ, chị may lại cho em đi.
- Chị Hằng ơi, bài thơ chị dạy em quên câu cuối rồi:
Việt Nam đất nước ta ơi,
Mênh mông biển lớn đâu trời đẹp hơn,
Cánh cò bay cả rập rờn..rồi sao nữa hả chị.
- Chị Hằng ơi Ðức Phật nhập Niết Bàn là đi đâu?
Mỗi dứa một câu dành lấy chị Hằng. Trong những cuộc họp, ý kiến của Hằng bao giờ cũng hợp lý. Như tuần trước, khi đa số đoàn sinh muốn kéo nhau đi nhảy đầm mừng ngày ra trường, làm anh đoàn trưởng một phen khó xử, vì đa số lúc nào cũng thắng thiểu số. Anh đoàn trưởng tỏ vẻ do dự, vì đoàn sinh của chùa mà mở party, hoặc kéo nhau cả đoàn đến vũ trường thì không tiện lắm. Hơn nữa tiền của chùa của đoàn thì phải tiêu xài cho chính đáng, chứ tự dưng bỏ tiền ra đi nhảy đầm khó coi quá. Nhưng mà tuổi trẻ năng nổ, sau bao ngày hăng say vì đoàn thì đoàn cũng cần có những giải trí tươi mát. Tuổi trẻ nhiệt tình và ham vui, anh không thể nào bó buộc quá được. Luân thấy bên nào cũng có lý, anh cũng sẽ chịu thua nếu như cho anh được quyền quyết định. Trong tình huống tiến thoái lưỡng nan thì Hằng vui vẻ lên tiếng:
- Thôi thì thế nầy nhé, chúng ta là đoàn sinh, ngoài nhiệm vụ hoạt động những phong trào của chùa, và gia đình Phật Tử, chúng ta còn là hiện thân thể hiện tinh thần hy sinh cao cả của đức Phật, thôi thì mỗi người chịu thiệt thòi một chút. Theo Hằng nghĩ, nếu chúng ta kéo một đoàn đi đến vũ trường, mọi người biết được họ sẽ to nhỏ và gây ra hiểu lầm. Còn nếu đi một vài người, tức là thiếu sự tham dự đông đủ của các bạn trong đoàn thì mất vui, như thế thì buổi liên hoan nầy coi như không phải do đoàn tổ chức mà là do cá nhân của các bạn. Hơn nữa, khi xin phép với các phụ huynh của đoàn sinh, nói là cho con em của họ đi nhảy đầm thì các cô bác sẽ nghĩ như thế nào về đoàn? Theo ý kiến của Hằng, để cho vẹn toàn, chúng ta nên tổ chức buổi liên hoan tại hội trường của chùa, các nữ đoàn sinh thì lo phụ trách bánh trái, thức ăn và quà cáp. Bên nam thì trang trí và lo giàn nhạc. Như vậy chúng ta có thể mời qúy cô bác, cha mẹ của các đoàn sinh một cách mạnh dạn. Như thế chúng ta sẽ có một buổi lễ nho nhỏ để vui, sau đó chúng ta có thể hát karaoke. Ai có bản nhạc nào thì đem đến để mọi người cùng hát, còn không thì đoàn sẽ nhờ người phụ trách mượn thêm. Mỗi người có thể mời một vài người bạn thân đến tham dự. Như vậy chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền, và chung vui trong tình thân thiết, trong không khí đạo vị vui vẻ. Mỗi chúng ta có thể làm ca sĩ hoặc nhảy nhót tùy thích. Ðây là ý kiến của Hằng, nếu ai có ý kiến gì thì xin bổ túc thêm?
Hằng vừa dứt lời, mọi người ai cũng vỗ tay đồng ý. Anh Minh thở phào nhẹ nhỏm. Trong Hằng mọi vấn đề đều có cách giải quyết hay đẹp riêng. Từ party, đến những cuộc picnic ngoài trời nàng đều sắp xếp rất khéo léo. Hằng dường như chưa bao giờ lùi bước trước những khó khăn nào. Tư tưởng nàng đã nói lên, mỗi người thắp đuốc lên mà đi, đừng mong nhờ vào kẻ khác. Tạo hóa ban cho mỗi người có một con tim, một khối óc thì tự mình mài dủa, trau dồi cho nó bóng bẩy, minh mẫn. Hằng hiểu đạo sâu sắc và thực hành nghiêm túc chứ không hiểu suông cho có lệ. Luân cảm thấy Hằng tuy nhỏ tuổi hơn anh, nhưng lý trí nàng cao hơn và trưởng thành hơn. Có lẽ trong tâm hồn nàng trong sáng và từ bi nên tất cả đã kết tụ cho nàng một vẻ đẹp hoàn mỹ đến thế: Tâm tạo ra tướng mà. Luân rất thích nói chuyện với Hằng, vì nàng nhỉ nhảnh nhưng có rất nhiều điều cho anh học hỏi. Muốn được cuốn hút như Hằng, Luân bắt đầu kiên trì học đạo. Anh bắt đầu thường xuyên nghe Pháp, mượn thêm sách kinh về đọc. Những buổi sinh hoạt của đoàn giúp anh mở mang rất nhiều về phương diện lãnh đạo, nội quy và tác phong của người Phật tử. Anh cũng thường trao đổi giáo lý với anh chị em trong đoàn. Những gì không hiểu anh gặp riêng thầy hỏi thêm. Ðạo Phật cao sâu, càng đi sâu vào lãnh vực tìm hiểu, Luân càng cảm thấy kiến thức mình nhỏ bé, và cuộc sống không có tư niệm về đạo, mà trái lại còn chứa đầy những tham vọng sân si. Từ tò mò đến những khúc mắt, Luân càng đam mê khám phá thì anh cảm thấy chân lý không ở đâu xa. Mọi tham vọng và nghiệp chướng từ tâm mà sanh ra. Ðạo Phật gần gủi với mọi cá nhân nhưng chúng ta không chịu tìm thấy và thực tập theo. Luân vui vì mình từ nay biết mình rõ hơn. Anh cũng đã biết một điều, sở dĩ Hằng không kiêu căng với sắc đẹp của mình vì biết nó vô thường, không một vật nào sanh ra mà không có ngày hoại diệt. Sắc đẹp, danh vọng rồi cũng tàn phai theo sắc không, thì nâng niu giữ lấy nó mà làm gì. Từ ngày biết đạo, Luân sống trong cảm giác mới, anh đã tìm được cho mình nguồn an lạc, yêu thiên nhiên mở lòng ra với mọi người, và biết vị tha, hỷ xã.
Những tháng ngày thực tập ngắn ngủi trôi qua, Luân giật mình vì anh phải trở về. Anh không muốn rời xa nơi nầy, lý do là anh không muốn rời xa những khuôn mặt thân thương, đã in hằn trong ký ức suốt ba tháng qua. Những cuộc họp đoàn, những lần picnic, và những trò chơi đã trở thành những kỷ niệm làm tươi mát trong cuộc sống của anh. Nhất là hình dáng Hằng, nàng chạy nhảy tung tăng trên cát, đón những ngọn sóng trắng duới chân với tiếng cười hồn nhiên. Nàng vô tư đỡ những quả banh vô lưới, nàng phơi phới trong điệu nhảy hôm nào, nhưng anh không thể nào kéo thời gian dừng lại được. Luân đã chuẩn bị một món quà xinh xắn tặng Hằng. Ðó là cây viết mạ vàng khắc chữ: Nguyễn Chánh Luân mà ngày ra trường High School mẹ anh đã tặng. Anh sẽ trao nó tận tay Hằng, nhân tiện sẽ xin số phone, địa chỉ để sau nầy liên lạc. Anh sẽ nói lên tất cả những tình cảm của mình và Hằng trong ngày cuối cùng trước khi anh rời nơi nầy. Anh không biết Hằng sẽ phản ứng ra sao, nhưng anh cũng cần phải nói. Nghĩ đến đây anh lại thấy ngượng ngập từ đâu kéo về bủa vây anh.
Sáng nay sau khi sửa soạn hành lý xong, Luân lên chùa để từ giả bạn bè. Bỏ gói quà cho Hằng vào túi, anh háo hức bước vào chùa. Bắt đầu cuộc họp anh đoàn trưởng tuyên bố, hôm nay Hằng vắng mặt vì phải theo gia đình đi xuyên bang thăm người quen. Mọi người vẫn bình thường, riêng Luân một sự thất vọng từ đâu kéo đến, bao nhiêu dự định đều tan vỡ như những bọt sóng trắng dưới chân Hằng cuốn theo nước trôi ra khơi. Ngày mai anh đi, không chờ Hằng, không gặp Hằng được rồi. Chắc tại không có duyên. Sau bao lời từ giả, Luân chuẩn bị ra về, chợt anh Minh gọi lại:
- Ðây Luân, hôm qua Hằng có nhờ anh chuyển vật nầy đến em và chúc em lên đường may mắn.
Không ngờ Hằng cũng có món quà tặng cho anh. Luân cũng rút vội món quà nhỏ của mình trao cho Minh  và nói:
- Tưởng hôm nay gặp Hằng, thôi nhờ anh trao lại và chúc Hằng mọi việc như ý. Cảm ơn anh nhé.
Luân ra xe mở vội gói quà. Một cây viết nhỏ khắc tên: Nguyễn Giáng Hằng, và một mảnh giấy nhỏ: Có duyên sẽ gặp lại, chúc anh vui. Dường như Hằng đọc được niềm tâm sự của anh, Luân mĩm cười chẳng biết mình vui hay buồn.
Luân xách vali lên xe, anh nhìn lại một lần nữa, miệng lẩm bẩm:
- Thôi nhé, tạm biệt thành phố muà hè, và kỷ niệm của tôi.
Ngày ấy thoáng chốc bây giờ đã mấy năm. Sau ngày thực tập, anh trở về bận rộn với sách vở để lo hoàn tất chương trình học còn lại. Luân không còn thời gian để suy nghĩ viễn vông nữa. Gần hai năm sau anh ra trường và chính thức đi làm, mẹ vui với hai hàng nước mắt:
- Vậy là con đã hoàn thành sự mong muốn của mẹ, bây giờ con có thể nghĩ đến người yêu rồi đó.
Hôm nay là ngày vui trong đời, Luân chợt nhớ đến Hằng, Hải, và đoàn Phật Tử ngày nào. Lục lại số phone anh gọi về chùa, thầy cho biết anh Minh đã lập gia đình, và đoàn bây giờ đã thay đổi đoàn trưởng mới cả năm rồi. Anh gọi Hải, Hải đang bận rộn lo cho ngày tân hôn của mình. Hải cho biết những đoàn sinh ngày trước, kẻ đi làm, người đi học xa, hoặc lập gia đình hết rồi, chẳng còn mấy ai về chùa nữa. Ðoàn bây giờ toàn là những khuôn mặt mới. Lớp trước đi qua, nhường lại cho lớp trẻ: Tre già măng mọc. Hải bận rộn học hành nên cũng thôi về chùa hơn cả năm nay. Nhắc đến Hằng, con bé ấy đã theo gia đình move đi tiểu bang khác, và Hải cũng không rõ địa chỉ. Mới hai năm thôi mà mọi vật thay đổi không ngờ. Hai năm thôi đã làm cho con người trưởng thành hơn, xa rời kỷ niệm hơn. Vậy là chỉ còn một chút hy vọng trong ngày vui của anh cũng biến mất.
Từ ngày anh không còn bận bịu đi học nữa, ngoài giờ làm Luân về chùa học hỏi thêm giáo pháp. Dường như đạo Phật có một sức mạnh nào đó làm cho anh thích tìm tòi khám phá. Nhân duyên đến, nhiều thanh niên nơi đây thích về chùa sinh hoạt, thầy khuyên anh nên đem kinh nghiệm của mình ra góp sức. Một năm nữa trôi qua, anh đã trở thành người đoàn trưởng được nhiều người yêu thích. Anh hiểu đạo và có kinh nghiệm là nhờ hình ảnh Hằng, và cũng chính nhờ Hằng đã cho anh thêm nhiều nhiệt tình. Ðoàn càng ngày càng lớn mạnh, anh càng thấy vui hơn vì công sức của mình đổ ra không uổng. Bây giờ ngồi đây nhìn những cánh quạt xòe múa trước mắt, mà nhớ lại ngày ấy. Ngày đầu tiên ấy, chính bài hát nầy đã làm biến động cuộc sống của anh, những rung động đầu tiên như một tiếng chuông vang đưa anh về với đạo. Anh cảm thấy yêu mến mái chùa, yêu mến các đoàn sinh. Những người con Phật, dù ở đâu, bất cứ nơi nào trên thế giới cũng biết tìm đến với Phật Pháp, với chân tâm của mình.
Nghĩ đến ánh trăng tròn đêm nay, Luân bước ra ngoài. Trong khung cảnh rộn ràng của anh em đoàn sinh Luân tự nói thầm: Hằng ơi em đã đến như ánh trăng của ngày Phật Ðản huyền diệu, soi sáng làm tan đi màng đêm, cho bóng tối không còn bao lấy cảnh vật nữa, và em cũng đã soi sáng, xua đi những vô minh trong lòng anh. Dù không gặp được nhau, dù mỗi chúng ta ở mỗi phương trời xa cách nhưng anh vẫn vui vì mình đã cùng chung chí hướng, cùng làm người con Phật, có cùng một hướng về ánh từ bi. Có duyên nhất định sẽ còn gặp lại, phải không em?
-- o0o --