Thần Lực
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Quảng Giáo ghi
--o0o--
 
I- Giải Thích Ðề Kinh.
Kinh Pháp Hoa gọi cho đủ là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Kinh: Là Pháp thường mười phương ba đời chư Phật đều nói như vậy. Kinh nói cho đủ là khế kinh, nghĩa là pháp thường khế hợp chân lý và khế hợp với căn cơ của tất cả chúng sanh.
Diệu: Có nghĩa là tốt đẹp, tinh tế mầu nhiệm, những đức tánh ấy nói không kể xiết, không cùng tận. Diệu tức là cái lý thật tướng. Diệu cũng có nghĩa là thoát khỏi phiền não, năm món dục của phàm phu. Ðối với chư Phật, chư Ðại Bồ Tát có nhiều chỗ Diệu như: Cảnh Diệu, Trí Diệu, Hạnh Diệu, Ngôi Vị Diệu, Pháp Diệu, Cảm Ứng Diệu, Thần Thông Diệu, Thuyết Pháp Diệu, Quyến Thuộc Diệu, Lợi Ích Diệu, Bổn Quả Diệu, Quốc Ðộ Diệu, Thọ Mạng Diệu, Niết Bàn Diệu.
Diệu Pháp: Cũng gọi là Tri Kiến Phật. Tri Kiến Phật được hiểu là Diệu Pháp là vì Tri Kiến đó vượt trên tất cả các sự đối đãi, không thể so sánh với bất cứ các Pháp nào trên thế gian nầy. Là cái pháp đệ nhất tối thắng không thể suy xét luận bàn.
Liên Hoa: Là bông sen. Nói về bông sen nếu đem so sánh với tất cả các loài bông hoa khác thì bông sen có năm điều đặc biệt:
1- Nhân Quả Ðồng Thời: Có hoa là có gương không giống như các loài hoa khác khi nở. Dụ cho Chân Như Pháp Tánh không do sanh diệt mà khởi, Phật vốn sẳn đầy đủ tất cả trí đức. Khi hoa sen nở thì cái gương sen và hạt đồng thời hiển hiện đây là nhân quả đồng thời. Ðiều nầy dụ cho Chân Như Pháp Tướng tùy thời, tùy cơ không thời cơ nào mà chẳng hiển hiện. Khi những cánh hoa rơi rụng, gương sen già hạt viên mãn, điều nầy dụ cho huyễn vọng đã tiêu tan, thời bản lai diện mục, chân như thật tướng, tất cả diệu công đức và diệu quả... không một thứ nào là không viên mãn đầy đủ.
2- Tánh Thanh Khiết: Mọc trong bùn mà vẫn trong sạch thơm tho, được người đời ưa quý. Ưa quý không phải vì sắc đẹp, mùi hương như các loài hoa khác, mà quý ở chỗ: Hoa mọc từ bùn lầy nhơ nhớp, mà vẫn giữ được hương sắc thanh khiết. Cũng giống như thân năm uẩn nầy, nếu chúng ta biết nó là nhơ nhớp bất tịnh, và biết dùng nó để tu tập thì sẽ tìm thấy được cái chân thường thanh tịnh. Một ý nghĩa khác, cũng nói lên tính chất cao thượng của những bậc Bồ Tát. Mặc dầu sống trong cõi đời ác năm trược nhưng vẫn có thể thực hành được tâm nguyện Bồ Tát và có thể thành ngôi vị chánh giác trong cuộc đời ác năm trược.
3- Tánh đồng nhất: Có những hoa vượt lên khỏi mặt nước hé nụ, có những hoa còn đang ở trong nước, có những hoa vừa nhô ra khỏi bùn. Ðiều nầy nói lên ý nghĩa sâu xa: Người, Trời, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, và tất cả những chúng sanh trong lục đạo tuy căn cơ có sai biệt, nhưng Phật tánh không sai khác. Nếu tu hành viên mãn sẽ thành Phật giống nhau. Cộng hoa từ gốc tách riêng không chung với cành lá. Khác hẳn với tất cả các loài bông hoa khác cành, lá, hoa có sự liên hệ với nhau. Ðiểm nầy nói tính chất Nhân Quả của Hoa Sen cũng giống như nhân quả của chư Phật, chư Ðại Bồ Tát không bị chi phối bởi nghiệp lực.
4- Ong và Bướm không bu đậu:  Hoa sen khi nở không bị ong bướm bu đậu làm hư hoại, khác hẳn với các loài hoa khác khi nở đều bị ong bướm hút nhụy làm hư hoại. Ðiều nầy nói lên Tri Kiến Phật là pháp nhiệm mầu, không bị các Pháp thế gian làm ô nhiễm.
5- Không bị người dùng làm trang điểm: Bởi vì theo tập tục của người đàn bà Ấn Ðộ thường dùng các loại hoa kết thành các tràng hoa để làm đồ trang sức, đội hoặc đeo. Ðiều nầy nói lên cái hạnh nguyện thanh cao của chư Phật, chư Bồ Tát thị hiện vào đời độ đời, sống như bao nhiêu các chúng sanh khác, nhưng vẫn được đời kính trọng nể vì.
Nói tóm lại tên Diệu Pháp Liên Hoa được cấu tạo theo cách ghép chữ, thuộc loại Pháp Dụ. Diệu Pháp là Pháp vi diệu. Liên Hoa là Dụ. Theo Kinh Pháp Hoa, Diệu Pháp là tri kiến Phật sẳn có trong mỗi chúng sanh, còn gọi là Pháp Thân Thanh Tịnh hay Phật Tánh. Nếu người nhận ra Tri Kiến Phật thì không còn kẹt trong pháp đối đãi hai bên của Phàm phu. Liên Hoa là dụ cho tri kiến Phật, bởi vì bông sen có những thanh khiết như trên. Như vậy chúng ta hiểu, nếu có lúc Diệu Pháp của Phật dụ như chiếc thuyền để cứu vớt tất cả chúng sanh ra khỏi biển sanh tử thì gọi là Diệu Pháp Thuyền. Nếu Diệu Pháp của Phật dụ như ngọn đèn soi tỏ cho thế gian khỏi bị hắc ám của bóng tối vô minh thì gọi là Diệu Pháp Ðăng. Nếu Diệu Pháp của Phật dụ cho Tri Kiến thì gọi là Diệu Pháp Tri Kiến. Chân-Như, Trí Ðức chúng sanh và Phật không hai, nhưng vì chúng sanh vọng tưởng chấp trước nên chư Phật mới phương tiện khéo léo mà hóa độ, khi nào chúng sanh thấm nhuần rồi thì bỏ phương tiện để hướng tới vô thượng nhất Phật thừa, thì lúc bấy giờ các phương tiện kia cũng dung hòa theo, giống như những cánh hoa sen kia rơi rụng thời hạt sen hiển hiện ra. Do những ý nghĩa vi diệu như vậy cho nên kinh nầy mới mệnh danh là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.
II- Cửa Ngõ Ði Vào Thế Giới Pháp Hoa
Kinh Pháp Hoa là một bộ kinh lớn mà từ xưa tới nay, sau khi đức Phật nhập Niết Bàn được lưu thông nhiều nhất, và được nhiều người trì tụng nhiều nhất. Có lẽ kinh nầy hợp với cơ duyên với chúng sanh trong cõi Ta Bà nầy, và cũng là nhờ công đức của kinh và thần lực của chư Phật.
Những bậc cổ đức đã giải thích kinh nầy rất nhiều như là Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Pháp Hoa Văn Cú, Pháp Hoa Thông Nghĩa, Pháp Hoa Cú Giải, Pháp Hoa Diễn Giảng Lục...vì vậy mà danh tiếng của Pháp Hoa vốn đã vang dội lại càng vang dội hơn. Người tụng được lợi, người trì được nghiệm, hoặc hiện tiền thâm nhập tam muội, hay lai thế siêu thăng thánh địa, hoặc tiêu tai, hoặc giải trừ tai nạn... đó là diệu lực bất khả tư nghì của kinh. Tụng trì kinh Pháp Hoa có hai phương pháp: Sự Tụng Trì, và Lý Tụng Trì.
a- Sự Tụng Trì:
Sự tụng trì nghĩa là chỉ biết thọ, trì, đọc, tụng kinh văn, học thuộc lòng lễ bái từng chữ thời sẽ được phước đức vô lượng.
b- Lý Tụng Trì:
Lý tụng trì nghĩa là nghiên cứu, suy ngẫm nghĩa lý chiều sâu, rộng của kinh mà hành trì theo ý nghĩa đó.
Ðối với người kiêm cả sự, lý trì tụng, nghĩa là chẳng những chuyên đọc tụng kinh văn, mà còn nghiên cứu thấu hiểu nghĩa lý của kinh thời phải biết là vị ấy đã ngồi toà Như Lai, mặc áo Như Lai nói Pháp Như Lai để hoá độ chúng sanh. Bởi vì Phật tri kiến mà được khai thị, được ngộ nhập là ở nơi lý tụng trì chứ không phải do sự tụng trì. Cho nên người trì tụng muốn được công đức viên mãn phải thọ, trì, đọc, tụng và, nghiên cứu, suy ngẫm nghĩa lý huyền diệu của kinh.
Trọn bộ kinh Pháp Hoa có bảy cuốn, hai mươi tám phẩm, có trên sáu vạn lời. Nghĩa lý đã sâu, văn tự lại quá rộng. Nghĩa lý sâu thì khó lãnh hội, văn tự rộng thì khó nắm bắt. Nắm bắt không đặng thì không thể hiểu cương lĩnh của toàn bộ kinh. Ðã không nắm được cương lĩnh thì không thể nào hiểu rỏ nghĩa lý, trong khi đó nghĩa lý của Kinh Pháp Hoa rất cao sâu rất mầu nhiệm. Thọ, trì, đọc, tụng Kinh Pháp Hoa mà không lãnh hội nghĩa lý thời huệ giải không do đâu mà phát sanh, đại thiện công đức không từ đâu mà thành tựu. Theo trong kinh Vô Lượng nghĩa có đề cập đến ba điểm: Ðức Hạnh, Thuyết Pháp và Công Ðức. Ba điểm nầy tiêu biểu cho ba bậc thang hướng dẫn, trau dồi tư cách hành giả để trở thành sứ giả của Như Lai trước khi đi vào thế giới Pháp Hoa. Ba bậc thang như sau:
1- Ðức Hạnh:
Mục tiêu đức Phật ra đời giảng kinh Pháp Hoa, khai tri kiến Phật, giúp chúng sanh thành Phật. Tuy nhiên quan sát chúng sanh nghiệp cấu nặng nề, đầy đủ tham sân phiền não, không thể trong nhất thời chuyển đổi chúng sanh thành thuần thiện được, ngài mới dùng phương tiện, biện tài vô ngại dìu dắt chúng sanh từng bước vào đạo. Trong những năm đầu, đức Phật thuyết pháp Tứ Ðế là tiệm giáo để cho chúng sanh dễ bề tu hành, trong đó lấy giới làm căn bản, tác động đại chúng xa rời nghiệp ác phát triển nghiệp lành để trở thành người tốt trong xã hội. Trong khoảng thời gian nầy, Ðức Phật ngài xây dựng đại chúng thành người đức hạnh, đào tạo từ con người phàm phu với những thành kiến mê lầm chấp ngã để trở thành một Tỳ Kheo là những người không phải chỉ có tướng hảo bề ngoài mà cả cử chỉ lời nói hành động đều thánh thiện, có tác dụng làm cho tha nhân vơi đi phiền não trong cuộc đời.
Chúng Thanh văn tu pháp Tứ Ðế, để trở thành con người đức hạnh thật sự, từ đó mới có thể giáo hóa chúng sanh. Ðức Phật uốn nắn Thanh Văn trong quá trình 12 năm tu, họ phải lóng nghe, ý thức hành động để có thể phân biệt được những phạm vi hoạt động, sở trường, sở đoản, và khả năng của chính mình. Ngoài ra còn phải lắng nghe những chỉ trích chung quanh để y pháp sám hối tự sửa mình cho trong sạch và tu tập để diệt trừ mọi kiết sử lậu nghiệp, không còn bị vướng mắc bởi những khen chê trong cõi đời
Chúng ta là hành giả của kinh Pháp Hoa, mặc dù còn là thân phàm phu, nhưng vẫn được chư thiện thần kính lễ như là một đại Pháp sư, như thế tất cả đều nhờ thần lực của chư phật, nên nhất cử nhất động cũng phải tự kiểm điểm bản thân một cách nghiêm túc. Trước tiên, phải tự xét cái nhìn của mình trong cuộc sống hằng ngày có chính xác hay không, mình nghe việc gì nên kiểm chứng lại những sự kiện đó có đúng sự thật hay không? Ðừng bao giờ có cái nhìn thiển cận và thiếu hiểu biết. Thông thường cái nhìn của con người phàm phu thường bị thiên lệch, vì còn bị lệ thuộc vào yếu tố tình cảm con người. Ðức Phật có dạy: Ðừng tin tưởng một điều gì vì phong văn. Ðừng tin tưởng điều gì vì vin vào tập quán lưu truyền. Ðừng tin tưởng những điều gì vì được nhiều người nhắc lại. Ðừng tin tưởng điều gì dù là bút tích của thánh nhân. Ðừng tin tưởng điều gì dù thói quen từ lâu khiến ta nhận điều đó là đúng. Ðừng tin tưởng điều gì do ta tưởng ra lại nghĩ rằng vị thần linh đã khai thị cho ta. Ðừng tin tưởng bất cứ một điều gì chỉ vin vào thầy dạy các người. Nhưng chỉ tin vào cái gì mà chính các ngươi đã từng trải, kinh nghiệm và nhận là đúng, có lợi cho mình và cho kẻ khác, chỉ có cái đó mới đích thực tối hậu thăng hoa cho con người và cuộc đời. Nếu không có sự cân nhắc khi nghe, hoặc trước khi nói mà chỉ căn cứ theo sự hiểu biết thế gian, thì chỉ thấy những thâm mưu, tham vọng, bè phái, và còn nhiều sự sai lầm đáng tiếc nữa. Trên bước đường tu tập, tùy trình độ tu chứng mà chúng hội đạt được những cái thấy khác nhau. Ðể hỗ trợ cho sự nghiệp tu học của chính mình, hành giả Pháp Hoa phải tự kiểm tra lời nói của mình có đúng như thật hay không, có thêm, có bớt hay không. Tâm lý thế gian, thường muốn cho lời nói của mình được nhiều người chú ý, hoặc muốn cho mọi người theo về phe mình, nên bằng mọi cách vận động, rỉ tai để tìm người hậu thuẫn. Cho nên Ðức Phật ngài thường dạy chúng ta, nhất là hành giả Pháp Hoa đừng nói lưỡi đôi chiều. Sở dĩ Ðức Phật được mọi người tin cậy, tôn kính vì lời nói của ngài luôn luôn đúng sự thật, thường suy nghĩ những điều hay theo đúng chánh pháp. Người đời thường để tâm trí chạy theo những ý nghĩ ác độc, tà dại, mông lung nên sự tu tập trở thành yếu kém. Trái lại, đức Phật thường tư duy chân chánh nên mọi hiểu biết không bao giờ sai lầm. Từ suy nghĩ đúng đắn, hành giả siêng năng phát huy những việc làm tốt đẹp, mang lợi ích cho mọi người. Ngoài ra đời sống và hành nghiệp của hành giả Pháp Hoa phải lương thiện chân chính, cuối cùng phải sống trong tam tạng giáo điển. Sự hiểu biết của hành giả do trầm mình vào giáo pháp của Như Lai nên chính xác, thành tựu viên mãn pháp tu bát chánh đạo, hành giả mới tròn đầy giới đức để thâm nhập vào thế giới Pháp Hoa. Nếu thiếu phần căn bản nầy thì hành giả tự đào thải như 500 vị tỳ kheo tăng thượng mạn, không ai đuổi mà tự xấu hổ bỏ đi.
            2- Khả Năng Hiểu Biết:
            Trước khi hành giả thuyết pháp, phải thấu rõ Pháp, nếu không biết mà giảng nói trở thành phi pháp. Ðức Phật dạy, hành giả quán sát các pháp nghĩa là quán sát sự vật biến chuyển để biết được sự thay đổi chính xác của nó, có như thế hành giả sẽ không sai lầm. Ðức Phật ngài cũng từng đã nói: Ta thành đạo cũng nhờ ở cõi đời ác năm trược nầy mà thành. Như vậy Ðức Phật đắc đạo là do quán thế gian, thế nên Pháp Phật không rời thế gian pháp. Vì vậy mà quán sát Pháp là quán sát thế gian, lìa bỏ thế gian mà tu hành thì không thể thành tựu. Hành giả Pháp Hoa phải trang bị bằng sự thật, sự hiểu biết, không mơ hồ hoang tưởng. Từ lúc ban đầu Ðức Phật sơ chuyển pháp luân ở Lộc Uyển đến Tịnh Xá Kỳ Hoàn, qua Trúc Lâm và sau cùng ở Pháp Hội Linh Sơn, đức Phật thuyết pháp qua các đối tượng khác nhau: Thinh Văn, Duyên Giác, A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, tùy theo căn cơ của chúng hội mà thọ nhận, và có những lợi lạc khác nhau. Giáo Pháp của Phật cho chúng sanh tu tập để tiêu diệt tham sân si phiền não, giống như nước có thể rửa sạch những thứ dơ bẩn, cho dù là nước sông, nước suối, nước giếng, hay nước trong biển lớn, mặt dù nó có khác, nhưng công dụng cũng đều rửa sạch mọi thứ nhơ uế. Nước Pháp cũng vậy, nó rửa sạch những cấu uế phiền não cho chúng sanh. Tuy nhiên, nếu gặp đối tượng có đủ khả năng, trình độ để tiếp nhận ngài mới giảng, như đối với các bậc Thanh Văn ngài nói Pháp Tứ Ðế, cũng nói các Pháp bản lai rỗng lặng tàn tạ không ngừng. Ðối với những vị Duyên Giác cũng gọi Bích Chi Phật là những người có trí, do phuớc đức trí tuệ tích lũy từ nhiều đời, sanh ra bẩm tánh thông minh, Ðức Phật dạy họ pháp quán Nhân Duyên, quan sát vũ trụ từ hữu tình đến vô tình. Khi tu pháp quán 12 nhân duyên để trở thành Bích Chi Phật, Ðức Phật còn dạy hành giả quán sát ngũ ấm có 6 căn tiếp xúc với 6 trần sanh ra 6 thức tổng cộng 18 giới. Mười tám giới nầy tác động trong sáu đường chúng sanh gây ra 108 phiền não. Ngài dạy cặn kẽ như vậy là để hàng Duyên Giác thấy được cội nguồn chân thật các pháp và mối tương quan tương duyên tạo nên sự tồn tại giữa các pháp với nhau. Tất cả những lời nầy cũng là bản lai rỗng lặng, niệm niệm sanh diệt, tàn tạ thay đỗi không ngừng. Từ đó Duyên Giác đạt quả vị Bích Chi Phật. Ðức Phật còn dạy quan sát tận cùng thân ngũ uẩn để cho thấy, tất cả đều do nhân duyên giả hợp mà có, do tứ đại tạo nên, một khi nhân duyên ly tán thì thân cũng mất. Cho đến những hàng Bồ Tát thì ngài nói lục độ: Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Ðộ, Tinh Tấn, Thiền Ðịnh, Trí Huệ, và mười độ như: Bố Thí, Giới, Xuất Ly, Trí Huệ, Tinh Tấn, Nhẫn Nhục, Chân Thật, Quyết Ðịnh, Từ Bi, Hỷ Xã, và các bộ Kinh Phương Ðẳng, Kinh Bát Nhã, Kinh Hoa Nghiêm..v..v.. Tất cả những lời nầy cũng là bản lai rỗng lặng, niệm niệm sanh diệt, tàn tạ thay đổi không ngừng
Lời nói của Phật không có hai lời, lúc nào ngài cũng nói Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, Không Phải Chân, Không Phải Giả, Không Phải Lớn, Không Phải Nhỏ, Bản Lai Bất Sinh, Bất Diệt, tuy nhiên ý nghĩa có sai khác, vì ý nghĩa sai khác cho nên chúng sanh hiểu ngộ sai khác, vì hiểu ngộ sai khác cho nên chứng đắc cũng sai khác. Cho nên mới có các thừa Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát...Ðối với con người, theo lời Phật dạy là một sinh vật tối linh so với các loài khác, và chỉ có con người mới có khả năng tu thành Phật, nhờ ở tám giác quan mà các loài khác không hội đủ.
Một hành giả Pháp Hoa phải biết Ðức Phật vì phương tiện mà mở bày Ba Thừa, quan sát phiền não qua pháp nhân duyên để nhận thấy sự tương quan, nhân duyên biến hoá và đưa đến tám muôn bốn ngàn trần lao, thì phải cố gắng nhiều hơn nữa để bước vào cảnh giới không thể nghĩ bàn của chư Phật. Cảnh giới nầy không phải chỗ hay biết của hàng nhị thừa, cũng không phải chỗ theo kịp của các vị ngôi thập trụ Bồ Tát, mà chỉ có Phật với Phật mới hiểu nổi. Vì những ý nghĩa sâu mầu như vậy, cho nên  đòi hỏi hành giả Pháp Hoa phải có khả năng hiểu biết tường tận, biết được diễn biến vật lý và tâm lý đúng như thật của các pháp rồi mới thuyết Pháp. Một bài pháp biết được căn bản chính xác thì bài pháp của hành giả mới có thể thỏa mãn được sở cầu, sở nguyện của chúng sanh mới giáo hoá được chúng sanh.
3- Công Ðức Thọ Trì Kinh Pháp Hoa
Mỗi người tuỳ theo sự hành trì tu tập mà được xử dụng từng phần công đức khác nhau. Nếu hành giả một lòng thọ trì không xao lãng thì chắc chắn sẽ bước vào thế giới Pháp Hoa, nhận được những công đức bất khả tư nghì. Tất cả những công đức có được là nhờ vào con người của Pháp Hoa và cũng là Bồ Tát ở dưới dạng thức thứ hai chớ không phải là con người phàm phu nầy. Tất cả các việc hành giả làm dù là hữu lậu, hay vô lậu, nhưng nếu biết nương theo Bồ Tát hạnh đều được chuyển sang thật báo độ, nhờ vậy tuy thân còn ở thế giới nầy mà đã có thể liên hệ với các thế giới khác. Khi hành giả làm việc với tâm vô cầu, thì mọi công đức nhiệm mầu sẽ tuần tự hiện ra. Nhưng nếu hành giả khởi lên tà niệm, thì là tạo một sự ngăn cách với Ðức Phật, hành giả liền rơi trở lại thực tế của phàm phu. Lý do tà niệm đó là mầu sắc của cuộc sống Sắc thọ tưởng, hành, thức nghĩa là bị con người ngũ uẩn ngăn che, lúc đó hành giả sẽ không còn có những sự mầu nhiệm nữa. Mười công đức nhờ ở sự thọ trì Kinh Pháp Hoa như sau:
1- Khi hành giả thọ trì Kinh, tâm duyên với kinh và Phật, công đức lành sanh ra nên những ngăn che của phàm phu tự tan biến, sáu căn trở thành thanh tịnh. Nương công đức và thần lực của chư Phật, hành giả chuyển đổi toàn bộ con người của chính mình như: Chưa phát tâm bồ đề thì phát tâm. Không có lòng nhân từ thì khởi ra lòng nhân từ. Hay sát hại thì khởi ra tâm đại bi. Hay ghen ghét thì khởi ra tâm tùy hỷ, Giận dữ nhiều thì khởi ra tâm nhẫn nhục. Những tâm ganh ghét, tham ái, sẻn tham, kiêu mạn, sân hận, si mê, thoái chuyển, phiền não không còn tác dụng nữa và biến thành tâm tùy hỷ, hỷ xã, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ..v..v.. Tất cả những phiền não trước đây tác hại hành giả bao nhiêu, thì nay đều trở thành phương tiện tốt để hành giả hành đạo bấy nhiêu. Do đó Bồ Tát tuy mang thân phàm phu mà cảm nhận được Kinh thì tất cả nghiệp ác đều trở thành tánh Bồ Ðề. Ác hoá thiện, ví như sen hút bùn nhơ chuyển ra hương sen thơm ngát
Tuy nhiên nếu hành giả khởi niệm đắc Pháp nầy tức thì công đức cũng tự động tiêu tan theo vọng niệm điên đảo. Sử dụng được công đức bất khả tư nghì thứ nhất, hành giả hành đạo như Bồ Tát Sơ Ðịa, chẳng những không qua giai đoạn tiệm tu của hàng Thanh Văn, mà bỏ luôn 40 giai đoạn của Bồ Tát từ Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng để đi thẳng vào Bồ Tát Thập Ðịa.
2- Thông thường khi nói tu, sửa từ một con người Phàm phu, đến quả vị thánh, thì phải tu từ những quả vị thấp lên cao. Như xưa, khi mới chuyển Pháp Luân, Ðức Phật nói Pháp Tứ Ðế cho năm anh em Kiều Trần Như và các ông tiếp nhận được dễ dàng. Pháp nầy là Tư Nghì Sanh Diệt Tứ Ðế, không phải là Pháp chân thật, đức Phật phương tiện để hướng hàng Thanh Văn, vì pháp nầy có thể tu và hiểu bằng tri thức của phàm phu. Từ Pháp nầy lần lần tu lên, tâm niệm của chúng hội cũng lần lần đổi thay từng giai đoạn và nhận được nghĩa lý khác nhau, nên quả vị cũng theo đó mà lớn dần. Ðến giai đoạn nầy chúng hội bước sang Bất Tư Nghì Sanh Diệt Tứ Ðế, vượt ngoài sự hiểu biết của loài người. Khi đạt đến quả vị A la Hán chúng hội vượt qua ranh giới sanh diệt môn mà vào cảnh giới Bất Tư Nghì Bất Sanh Bất Diệt. Ðắc được Bất Tư Nghì Bất Sanh Bất Diệt Tứ Ðế Pháp, hành giả tiến thêm một bước tiến nhảy vọt để đặt chân lên cảnh giới bao la bát ngát của Ðại Thừa, lúc bấy giờ mới hoàn toàn tự tại nói Pháp không chướng ngại. Ðó là con đường hành đạo thông thường của mọi người. Tuy nhiên đối với hành giả Pháp Hoa không theo phương hướng nầy. Một khi hành giả dùng tâm hoàn toàn thanh tịnh, vô nhiễm trước mọi phiền não trần lao, để đọc, tụng Kinh Pháp Hoa. Dù chỉ chuyển đọc một lượt, một bài kệ, cho đến một câu thì cũng có thể thông đạt trăm nghìn muôn ức nghĩa. Bởi vì kinh nầy giống như một hột giống phát sinh ra trăm nghìn muôn hạt khác. Từ trăm nghìn muôn hạt giống kia lại phát sanh ra hàng trăm nghìn muôn nữa. Cũng vậy hành giả tu một pháp thông tất cả các pháp. Vì vậy mà hành giả có thể đốt giai đoạn vượt bỏ thời gian 40 năm theo Phật nghe Pháp để đạt đến tiền Pháp Hoa. Ở cảnh giới nầy hành giả vẫn làm công việc như lạy Phật, tụng kinh, như bao nhiêu con người tầm thường khác, nhưng có thể tạo được một lực dụng công đức bất khả tư nghì, từ đây hành giả có thể thông được với tam thiên đại thiên thế giới. Hành giả thông được Pháp Phật và căn tánh hành nghiệp của chúng sanh. Vì vậy từ một câu, một chữ trong kinh giảng vô số nghĩa nói một ngày một tháng một năm không hết. Tất cả những chúng sanh đến, hành giả đều biết những chúng sanh ấy muốn cái gì, làm gì, tu pháp gì và tuỳ căn cơ mà chỉ dạy cho họ được lợi ích.
            3- Khi Hành giả thông được tất cả các pháp, và thông đạt trăm nghìn ức nghĩa rồi, thì mặc dầu hành giả còn thân ngũ ấm, và phiền não, nhưng hành giả có thể qua lại trong ba cõi, xuống lên trong sáu nẻo luân hồi. Nghĩa là từ Bồ Tát giới đến Ðịa Ngục giới tùy ý ra vào trong sanh tử luân hồi để hoá độ chúng sanh hoàn toàn không chướng ngại, không ô nhiễm. Mặc dù còn mang thân ngũ ấm nhưng có thể học đạo được với chư Phật. Sau khi học đạo với chư Phật, và Bồ Tát rồi, hành giả có đủ tư cách làm sứ giả của Như Lai. Do đó mà hành giả mặc dầu chưa có thể độ cho mình mà đã có thể độ cho người, cho nên dù ở trong nhà lửa của Tam Giới nhưng vẫn an nhiên tự tại đưa mọi người về thế giới Cực Lạc. Ðây là tư thế của một bậc Ðại Thừa Bồ Tát giống như Tùng Ðịa Bồ Tát ở thế giới Ta Bà để trợ hoá cho Ðức phật, tương đương với Bồ Tát Ðệ Tam Ðịa.
            4- Tuy còn thân phàm phu vẫn có thể độ người khác và làm bạn được với chư Bồ Tát trong mười phương. Dù là chỉ mới phát tâm hành giả cũng được coi như là Pháp Vương Tử, và ở vị trí đồng đẳng với chư Bồ Tát trong mười phương, thâm nhập vào pháp bí mật của chư Phật. Hành giả một mặt trụ ở Ta Bà, một mặt tham dự với các Bồ Tát học xứ, trau dồi trí tuệ. Vì vậy hành giả có thể dùng thần lực nầy để đưa những ai có tâm nguyện muốn gặp chư Phật, chư Bồ Tát. Ðạt được công đức nầy hành giả tuy còn là phàm phu với phiền não, nhưng nhờ nhận được Phật lực, Bồ Tát lực nên tạo được lực dụng bất khả tư nghì, do đó ngày đêm có thiên long che chở, ác ma không dám khuấy phá, hoặc xâm hại được.
            Ðạt được công đức nầy rồi, hành giả tương đương với những bậc Bồ Tát Ðệ Tứ Ðịa.
5- Trì Kinh Pháp Hoa đạt được bốn điều công đức nói trên, hành giả tuy còn phiền não, trông thật là tầm thường như bao nhiêu người khác nhưng, có thể làm được việc phi thường như: Thị hiện đại đạo Bồ Ðề, một ngày có thể làm cho mọi người có cảm giác là một trăm kiếp, và cũng có thể làm cho một trăm kiếp chóng như một ngày. Có được như vậy là vì hành giả đã thâm nhập được pháp thân thanh tịnh, và phép tu thiền định sâu xa, có thể giảng giải chân lý một cách rõ ràng. Ðó là những bậc Bồ Tát bên ngoài hiện thân Phàm Phu, nhưng bên trong có đầy đủ thần thông để độ được vô lượng chúng sanh. Việc làm của những vị nầy không thể nghĩ bàn, vượt ra ngoài sự thấy biết của Phàm Phu. Họ hành đạo dưới dạng tâm chân như của một bậc Bồ Tát hóa sanh từ liên hoa là Bồ Tát thuộc dạng thức thứ hai chứ không phải từ thân ngũ ấm, do đó mà những việc giúp ích cho chúng sanh chính người nầy cũng không hay biết. Hành giả ở giai đoạn nầy ngang hàng với Bồ Tát Ðệ Ngũ Ðịa.
            6- Hành giả còn đủ phiền não ràng buộc nhưng vẫn có thể thuyết pháp hoá độ chúng sanh. Lời nói nào của hành giả cũng đều là sự thật, làm cho chúng sanh xa rời phiền não ô trọc, đồng thời có thể làm bóng mát, là nơi nương tựa cho chúng sanh, do đó mà những tâm hồn đau khổ tuyệt vọng một khi đã đến với hành giả đều được bình yên. Ngay như chỉ nghe tên hoặc chỉ nghĩ đến hành giả, chúng sanh đó cũng nhận được sự an lành. Nương công đức kinh mà trấn át được nghiệp lực chúng sanh. Chúng sanh nào có duyên với hành giả, chỉ một lần gặp mặt, một lòng phát tâm tu trì thì chúng sanh đó có thể đoạn trừ phiền não, đắc pháp, đắc quả, cho đến đắc đạo. Ðược công đức nầy hành giả ngang hàng với Ðệ Lục Ðịa Bồ Tát.
            7- Các hàng Thanh Văn đệ tử của đức Phật như ngài Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Tu Bồ Ðề..v..v..theo Phật từ ban đầu, gia công tu hành Pháp Tứ Ðế và 37 phẩm trợ đạo chứng diệt đế Niết Bàn. Nay hành giả Pháp Hoa không cần phải trải qua A Tăng kỳ kiếp để tu pháp đoạn dục khử ái, chỉ nhất tâm thọ trì Kinh Pháp Hoa, không chấp tướng mà còn quán sát lẽ Vô Tướng, nhờ vậy mà có được trí tuệ cao xa, cho nên tự động nhàm chán mọi say đắm dục lạc trong thế gian. Hành giả không tu Tứ Ðế, Thập Nhị Nhân Duyên và 37 phẩm trợ đạo, sáu Ba La Mật, và các thần thông, nhưng những pháp nầy cũng được thành tựu vì trong một niệm vô tướng, thanh tịnh tương ứng với Kinh nên thấy được các pháp như thật không còn tà vạy.. và chứng được quả vô sanh Pháp Nhẫn. Tuy nhiên đây không phải là thực chứng như những hàng A La Hán, Bồ Tát đạt được, mà sự chứng đắc nầy hành giả đã nương vào công đức của Kinh và thần lực của chư Phật mà có được những điều bất tư nghì như vậy. Nếu hành giả nào chỉ cần khởi lên một niệm ngã mạn thì ngay tức khắc rơi trở lại thân phận của Phàm phu.
            Ðược công đức nầy hành giả tương đương với Bồ Tát Ðệ Thất Ðịa. 
            8- Hành giả ngoài việc thọ trì kinh Pháp Hoa, còn phải kiên trì giới hạnh nhẫn nhục, gồm những việc bố Thí, phát lòng từ bi sâu rộng, nhờ thần lực đó mà hành giả có khả năng làm cho những người chống đối với mình phát Bồ Ðề Tâm. Ðến giai đoạn nầy thì hành giả cũng đồng như thân Phật không khác. Người đến với hành giả thực không phát tâm Bồ Ðề, nhưng nhờ nương năng lực chính hành giả hành trì, và công đức Kinh nên hành giả chuyển được họ. Một khi tâm đã được chuyển thì những vị ấy được coi như là Bồ tát Sơ Phát Tâm. Nếu những vị sơ phát tâm ấy khởi một niệm thanh tịnh duyên với kinh, sẽ khơi dậy tâm Bồ Ðề của người khác, những người đó có thể là thuận với con đường học của mình thì tâm bồ đề của họ càng được tăng trưởng thêm, Hành giả làm được việc giáo hoá như vậy, thì ngay trong đời mặc dầu còn là thân phàm phu mà chứng được vô sanh nhẫn và được ngôi thượng địa cùng với Bồ Tát làm quyến thuộc, chẳng bao lâu sẽ thành vô thượng Bồ Ðề. Như trên là nói đến những vị Sơ Phát Tâm mà uy lực còn như thế, nếu nói đến các vị Bồ Tát lớn thì sao? Các Bồ Tát lớn thanh tịnh miên viễn, công đức tròn đầy, nên bất cứ lúc nào nghĩ tưởng đến các ngài thì những chúng sanh ấy cũng đều thanh tịnh.
Ðược công đức nầy hành giả tương đương với Bồ Tát Ðệ Bát Ðịa.
9- Ðến giai đọan nầy những nghiệp chướng của hành giả từ đời kiếp trước còn sót lại, tất cả đều tan hoại và được thanh tịnh. Hành giả được tài hùng biện không ngăn ngại, giảng giải các Pháp Ba La Mật, chứng được các môn Tam Muội như Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, vào được môn tổng trì. Lúc bấy giờ hành giả được thông suốt mọi vấn đề mà không cần phải học. Tất cả những công đức nầy đều nhờ vào sự phát tâm Bồ Ðề, nương công đức kinh tu tập, do đó mà bất cứ một người nào khi đến với hành giả cũng sẽ tìm thấy sự an lạc trong tâm hồn. Hành giả đạt được pháp nầy tuy còn ở địa vị phàm phu nhưng đã có thể phân thân đi giáo hóa khắp các thế giới, ngay cả trong cuộc sống hiện tại có thể dạy cho các lòai thú tu học vì vậy mà loài người và các loài cầm thú đều kéo về quy ngưỡng. Hành giả giảng kinh, thuyết Pháp khuyên dạy mọi người tu học dưới dạng người của Liên Hoa nên chính hành giả cũng không biết. Cũng nhờ dưới dạng thức thứ hai nầy nên hành giả có thể phân thân ở khắp mười phương để cứu vớt tất cả chúng sanh. Ðến đây tương đương với Bồ Tát Ðệ Cửu Ðịa.
10- Sử dụng được công đức thứ mười Bồ Tát tương đương với Bồ Tát Ðẳng Giác. Do đó tuy còn ở chốn phàm phu mà đã phát được A Tăng Kỳ Thệ Nguyện sâu rộng như đức Phổ Hiền Vương Bồ Tát, đồng thời cũng phát lòng đại bi thệ cứu độ hết thảy chúng sanh vô lượng vô hạn. Nương công đức kinh giáo hóa khắp mười phương. Ðem tình thương đi trang khắp mọi nơi và ban cho hết thảy chúng sanh được yên vui, rồi dần dần vượt lên Pháp Vân Ðịa. Do ân đức thấm nhuần, lòng từ cứu độ không bờ bến tiếp dắt chúng sanh thâm nhập con đường đạo, nên hành giả được coi như là Bồ Tát tại nhân gian. Nhưng nếu hành giả để một vọng niệm khởi lên thì liền rớt trở lại thế giới Phàm Phu.
Mười công đức nói trên được đức Phật xác định chỉ có Bồ Tát Nhân Gian mới sử dụng được. Bồ Tát Nhân Gian là Bồ Tát vì thương chúng sanh nên trở lại thế giới Ta Bà để hóa độ. Các ngài thọ ngũ ấm thân như con người trần thế, vẫn còn phiền não trần lao như mọi người, còn bị nghiệp tập quán chi phối, nhưng bên trong hoàn toàn thanh tịnh. Khi thọ trì kinh trong ngoài đều thanh tịnh nên phá được bức màn Vô Minh thông suốt từ trong ra ngoài và do đó mà lúc trở lại với tư thế của Phàm phu vẫn thanh tịnh
Nói Tóm lại, muốn đi vào Thế Giới Pháp Hoa để tham dự vào cảnh giới vô thượng nầy, Hành giả trước tiên phải nghiêm túc tự kiểm điểm lại mình. Bước đầu tiên là tự xét về Ðức Hạnh, bước thứ hai là kiểm điểm sự hiểu biết của mình, và bước thứ ba là xác định khả năng truyền bá Pháp Hoa của mình, như đã trình bày ở trên. Bước qua ba cấp bậc nầy rồi, hành giả là mẫu người lý tưởng, đầy đủ tư cách để bước và cảnh giới mầu nhiệm của Pháp Hoa.
           
            Tài liệu tham khảo:
            - Ðại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh
            - Lược Giải Kinh pháp Hoa
            - PhápHoa Diễn Giảng Lục
            - Phật Học Tự Ðiển
-- o0o --