Chuyến Hành Hương Âu Châu
Ðồng Nguyệt
--o0o--

 

             Cách đây 10 năm, trong một khóa tu, tôi được quý thầy hướng dẫn cách chuyển hóa nội kết giữa những người thân yêu, cách thức áp dụng Giáo Lý Phật Giáo vào đời sống hằng ngày ngõ hầu mang an lạc hạnh phúc đến cho bản thân, gia đình và cho xã hội. Trong dịp nầy, quý thầy nói những sự phát triển Ðạo Pháp tại các nước Âu Châu. Thành thật mà nói, có lẽ tôi đã có duyên với Phật Pháp từ nhiều đời nhiều kiếp, nên khi nói đến Chùa Tháp, Thánh Tích là tôi thích lắm. Vì vậy trong tâm cũng có ao ước, nếu ngày nào đó có điều kiện thuận tiện tôi sẽ đi hành hương một chuyến qua các nước Âu Châu, trước là chiêm bái lễ Phật các Chùa, sau là viếng thăm các kỳ quan trên thế giới mà hồi nào đến giờ tôi chỉ nghe qua sách vở, hoặc bạn bè ca tụng.
Nhân duyên đã đến, ngày đầu năm Ðinh Sửu vừa qua, Tôi và nhà Tôi đã thực hiện chuyến hành hương như đã dự định trong tư tưởng. Nói là Hành Hương cho có vẻ oai oai một chút, chứ thật tình thì chỉ đi viếng thăm một số Chùa mà chúng tôi có nhân duyên gặp khi quý Thầy ấy sang Mỹ. Nước đầu tiên chúng tôi đến đó là nước Pháp. Ở Lyon nước Pháp, sau khi tham dự một đám cưới tổ chức linh đình, đầm ấm và thương yêu, chúng tôi đi viếng thăm các Chùa. Tại Pháp có rất nhiều Chùa như: Chùa Linh Sơn, Chùa Khánh Anh, Làng Hồng..v..v.. nơi mà chúng tôi đến đầu tiên đó là Chùa Linh Sơn, và Chùa Khánh Anh, cả hai nơi nầy đều rộng rãi khang trang, và thấy chiều hướng phát triển khả quan chúng tôi rất mừng, điều nầy chứng tỏ rằng đạo tâm của quý Phật tử ở đây rất là cao. Trước khi đi viếng thăm các nước khác, chúng tôi cũng đi ngắm những cảnh đẹp như: Tháp Effel, Dòng Sông Seine..v..v.. và các Viện Bảo Tàng nổi tiếng. Ngoài những cảnh thanh lịch ra, tại Paris còn có những khuyết điểm, theo quan điểm của chúng tôi là không nên tồn tại. Một trong những khuyết điểm đó là: Các bà đầm vì thương yêu súc vật, nên cứ mỗi sáng sớm là quý bà dắt các chú Cẩu, đi thả bộ ngoài đường phố rất là thơ mộng. Nhưng rồi lại không được thơ mộng tí nào khi những sản phẩm của các chú Cẩu sản xuất khắp nơi trên đường không được các bà xuất khẩu kịp thời. Ðiều nầy đã khiến cho những du khách, cũng như người dân bản xứ mỗi khi ra đường cứ phải dòm xuống từng bước chân đi, bởi vì nếu nhìn trời thì chắc chắn sẽ dẵm phải những báu vật của các chú Cẩu nầy. Tôi nói ra điều nầy để cho những ai muốn du lịch nước Pháp phải chuẩn bị tinh thần trước để khi đến đó sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ.
Về những vấn đề di chuyển ở bên Pháp như Metro và xe lửa tốt vô cùng. Một Europass 7 ngày đi được các quốc gia như: France, Germany, Italy, Spain, Switzerland, trong vòng hai tháng. Europass nầy nếu mua tại Mỹ chỉ có 300.00 U.S dollars, còn nếu qua Pháp mới mua từng chuyến xe để đi thì rất đắt. Cũng may, chúng tôi có nghe người thân lưu ý, do đó chúng tôi có sửa soạn trước, nên khi đến đó thì chỉ dùng chứ không có mua.
Từ Pháp đi Ðức, chúng tôi dùng phương tiện xe lửa. Mỗi ngày có ba chuyến: Lúc 7:25AM, 9:40AM, và 4:34PM. Hai chuyến 7:25AM và 4:34PM đi thẳng đến Dortmund, tuy nhiên cũng có ngừng nhiều trạm để rước thêm khách, nhưng không đổi xe.Riêng chuyến xe 9:40AM tới nước Bỉ thì ngừng và có đổi qua xe khác, lẽ dĩ nhiên là phải trả thêm tiền. Rời nước Pháp, chúng tôi đi xe lửa đến Dortmund của nước Ðức bằng chuyến xe lúc 4:34PM. Chúng tôi chọn chuyến xe lửa lúc 4:34PM có hai lý do: Một là từ Pháp đến Dortmund vào lúc 11:00PM sẽ rất thuận lợi cho người thân đón rước, thứ hai là không phải trả thêm tiền. Theo nhân viên bán vé người Pháp làm ở ga xe lửa nói là chúng tôi không phải trả thêm tiền, nhưng sự thật khi xe lửa ngừng rước thêm khách ở Bỉ, chúng tôi bị các nhân viên soát vé Bỉ nằng nặc đòi thêm tiền. Biết rằng việc đó không đúng, nhưng vì muốn để cho cuộc viếng thăm các nước Âu Châu đuợc vui nên chúng tôi bằng lòng trả thêm tiền vé. Chỉ tội nghiệp cho hai mẹ con của du khách ở Hawaii(năm nầy bà cụ 86 tuổi) đi cùng chuyến xe lửa với chúng tôi, vì không biết để chuẩn bị nên phải mượn tiền người ngồi cùng toa xe để trả. Theo nhân viên soát vé cho biết, nếu không trả tiền họ sẽ đuổi hai mẹ con bà ấy xuống. Chúng tôi thấy đây là việc làm không đúng của nhân viên soát vé Bỉ. Vì thế khi trở lại Mỹ chúng tôi có trình bày với công ty du lịch, bởi vì chúng tôi không muốn những người du lịch sau nầy gặp những trường hợp như trên. Sau đó chúng tôi được công ty Du Lịch trả lui tiền lại. Tuy nhiên chúng tôi cũng dặn lòng rằng : Sau nầy nếu có duyên đi Âu Châu nữa, tốt nhất nên bỏ 31.50 dollars mua thêm vé đi Bỉ, để nhỡ có gặp các ông soát vé ngủ gục như trường hợp trên, cũng không rắc rối và phải trả một số tiền lớn gấp mấy lần mua bên mỹ.
Ở Ðức, chúng tôi đến viếng thăm Chùa Viên Giác. Chùa Viên Giác rất rộng, theo như Thượng Tọa Trụ Trì cho biết Chùa có tất cả 56 phòng, thầy có đưa chúng tôi đi các nơi và giới thiệu những sinh hoạt trong Chùa. Nơi đây chúng tôi cũng đã được thấy các bộ bàn ghế được làm bằng gỗ quý, điêu khắc rất công phu và thẩm mỹ, từ Viêt nam đưa sang. Nhưng rất tiếc là một số bộ bàn ghế đẹp đó đã bị nứt nẻ. Nguyên nhân chính rất có thể là thời tiết bên Ðức không giống như Việt Nam, nên đã bị hư hại như thế. Ngày tôi đến Chùa Viên Giác là ngày rằm Thượng Nguyên nên Phật Tử lễ Chùa đông lắm. Có thể nói từ nhỏ cho tới bây giờ, tôi có duyên về các Chùa rất nhiều, nhưng tôi chưa lần nào tham dự một buổi Lễ Rằm Thượng Nguyên đông như vậy. Rất mừng cho Chùa Viên Giác. Ngày hôm đó, chúng tôi cũng có dịp gặp các em trong G.Ð.P.T Chùa Viên Giác. Tất cả đều năng nổ làm việc, người thì săn tay áo nhồi bột làm bánh, người thì dọn bàn, kẻ thì bán bánh thật là tấp nập. Chư Phật Tử xa gần nối đuôi nhau để mua những tô bún khô, bún nước, và bánh trông thật là vui. Riêng các em trong G.Ð.P.T tiếp đãi mọi người rất là nhã nhặn, các em rất dễ thương.
Rời Chùa Viên Giác, chúng tôi đuợc thân nhân đưa đi thăm viếng một thắng cảnh lịch sử đó là Nhà Thờ ở Koeln. Nghe nói rằng, sau Ðệ Nhị Thế Chiến, tất cả những nhà cửa trong thành phố Koeln đều bị san bằng bởi bom đạn, nhưng ngôi Nhà Thờ nầy vẫn còn sừng sửng với biến cố. Nhà Thờ nầy rất nổi tiếng qua những nghệ thuật điêu khắc rất là thẩm mỹ từ nhiều năm qua.
            Sau khi di thăm viếng nhiều chỗ khác ở Ðức chúng tôi bắt đầu chuyển hướng cuộc hành trình qua Hoà Lan. Từ Dortmund qua Hòa Lan độ chừng vài ba tiếng đồng hồ lái xe, người hướng dẫn cho chúng tôi biết: Tại Hoà Lan có cần sa, ma tuý bán công khai ở tất cả các quán café. Ngoài ra, chúng tôi cũng được hướng dẫn đi ngang qua dãy phố có những cô gái giang hồ đứng, ngồi xếp hàng trong cửa kính để cho khách làng chơi tự do lựa chọn. Ðây có phải là điểm đặc biệt ở Hoà Lan, và cũng là chuyện lạ trên thế giới?
Trở lại Ðức và chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành hương qua Roma Italy bằng chuyến xe lửa đêm. Xe lửa vừa chuyển bánh không lâu là nhân viên hỏa xa soát vé tàu, ông ta nói tiếng Ðức. Vì không biết tiếng Ðức nên chúng tôi đề nghị ông nói tiếng Anh. Chúng tôi được ông ta trả lời: Tại sao bà không nói tiếng Ðức mà bắt tôi phải nói tiếng Anh? Sau đó ông ta đề nghị với chúng tôi, ông ấy sẽ đưa chúng tôi qua toa khác, toa đó có phòng chỉ cho hai người thôi, và có ổ khoá đàng hoàng nếu chúng tôi bằng lòng trả thêm tiền. Mặc dầu chúng tôi đã mua vé hạng nhất, và đã trả tiền phòng ngủ trên xe lửa tại trạm bán vé rồi. Nhưng cũng vì sự an toàn, nên chúng tôi cũng phải trả tiền cho người ăn hối lộ. Xe lửa đêm chạy mau, và lắt lư quá độ nên không sao ngủ được. Sáng hôm sau thân thể mệt nhừ, tưởng đâu như dập mật đến nơi, nên chúng tôi tự nhủ lòng không đi xe lửa đêm nữa.
            Ở Roma Italy, khách sạn chung quanh ga xe lửa rất nhiều, nhưng cũng rất mắc. Chọn một phòng sạch sẽ không khó lắm. Theo thủ tục Chúng tôi tới bàn thư ký của khách sạn để biết giá phòng, và có ghi trên receipt với điều kiện coi phòng trước, nếu được thì sẽ quyết định trả tiền sau. Sau khi coi phòng, chúng tôi bằng lòng mướn phòng. Ðến khi tính tiền, thì cô ta lại đòi tiền cao hơn số tiền đã được ghi trong receipt. Số tiền không nhiều, nhưng thực sự chúng tôi không thích lối làm ăn theo kiểu nầy, nên tôi đã đưa giấy tờ, bút tích của cô ấy đã ghi và ngõ ý không muốn mướn phòng nữa, thì cô lại năn nỉ cho mướn với cái giá ban đầu mà cô ấy đã ghi trong giấy tờ. Tại Italy, Pizza là thức ăn chính của người bản xứ, nhưng khi dến Rome thì Pizza chẳng ngon chút nào. Có lẽ là Pizza khi nhập vào nước Mỹ, người làm có chút biến chế theo khẩu vị của người mỹ hay sao đó mà cuối cùng vẫn thấy Pizza ở Mỹ ngon hơn. Một số Nhà Hàng, và Siêu Thị ở Roma, khi mua và được họ thối tiền lại thì ít khi họ thối đủ. Sự việc nầy chúng tôi được bạn bè và thân nhân nhắc nhở nhiều lần, nhưng khi gặp những hoàn cảnh trên, chúng tôi cũng hết sức ngạc nhiên vì những sự kiện trên còn nhiều hơn là người thân đã lưu ý. Mua vé đi tour thăm các thắng cảnh ở Rome rất là rẻ. Tại Rome có nhiều di tích lịch sử mấy ngàn năm vẫn còn đẹp. Thắng cảnh ở Rome không thể nào chê được. Chúng tôi cũng có vào toà thánh Vatican. Toà Thánh to và rộng vô cùng, nhưng có điều làm tôi ngạc nhiên, bởi vì tôi ngắm Chúa Jesu sao mà cứ thấy Ðức Phật của tôi. Có phải vì tôi tưởng nhớ Ðức Phật trong tôi nhiều quá hay không? Rời Rome chúng tôi viếng thăm tháp nghiêng ở Pisa, một trong những kỳ quan thế giới, và sau đó chúng tôi trở lại Pháp.
Nghỉ một đêm tại Pháp, sáng sớm hôm sau chúng tôi bắt đầu cuộc hành hương sang Tây Ban Nha. Trước khi đến Tây Ban Nha, chúng tôi cứ nghĩ trong đầu, con người ở đó chắc cũng giống như những chú Mễ đen đúa mạnh khỏe, mà chúng tôi đã gặp nhan nhản ở ngoài đường phố tại Mỹ hoặc tại Mễ tây Cơ. Nhưng khi đến rồi chúng tôi mới biết rằng họ không phải như chúng tôi tưởng. Họ rất dễ thương và lịch sự. Khi chúng tôi đến Madrid Tây Ban Nha nhằm vào ngày thứ sáu nên khách sạn gần ga xe lửa hết không còn phòng ngủ, nên chúng tôi phải ra phố mướn, tuy nhiên khách sạn ngoài phố lại rẻ hơn khách sạn ở gần ga xe lửa. Cũng nhờ ở khách sạn ngay trong phố chính, nên buổi tối chúng tôi được tham dự những sinh hoạt của dân Tây Ban Nha. Ðường phố về đêm của thành phố Madrid thật là tấp nập người qua kẻ lại, với quần áo chỉnh tề. Họ hưởng thụ tối đa nhưng hiền hoà hơn và lịch sự hơn tất cả những chỗ khác. Vật giá ở Madrid Tây ban Nha rẻ hơn tất cả những nơi tôi đã đến rất nhiều.
Từ giả Tây Ban Nha, trước khi trở về lại Hoa Kỳ, chúng tôi đi đến thẳng Làng Hồng, mặc dầu đã biết rằng Hoà Thượng Thiền Chủ đi vắng. Dự định lần nầy đến là để cho biết những sinh hoạt tu tập nơi đây, vì đã nghe từ lâu mà chưa có lần trông thấy. Tới ga xe lửa chúng tôi được hai sư cô ra đón. Làng Hồng có tất cả năm xóm: Xóm thượng dành riêng cho Chư Tăng tu học. Xóm mới dành riêng cho Chư Ni tu học. Ba xóm còn lại dành riêng cho chư Phật Tử và gia đình đến tu học. Thời gian an trú tại Làng Hồng cũng qua mau, cuộc sống ở đây thật là an ổn không sợ sệt như trên toa xe lửa, không lo lắng như ở Hotel, hoặc không sợ mọi người lường gạt..v..v..
Trở lại Hoa Kỳ sau 28 ngày hành hương ở Âu Châu, chúng tôi ghi nhận một vài ưu điểm trong chuyến hành hương: Trước khi đi Âu Châu chúng tôi nghĩ chỉ có Hoa Kỳ là nhiều Chùa cũng như Tu Viện. Khi đi Âu Châu rồi chúng tôi được biết ở Âu Châu cũng có rất nhiều Chùa, mặc dầu chúng tôi không có đủ duyên viếng thăm từng ngôi Chùa một, nhưng vẫn có một niềm vui vô hạn. Niềm vui mà chúng tôi muốn nói đó là Ðạo Pháp đã được truyền bá lan rộng khắp nơi, khắp chốn tại Âu Châu do chư Tăng Sĩ Việt Nam truyền bá. Như vậy từ ngày biến cố 30 tháng 04 năm 1975, trên con đường tỵ nạn chư Tăng Ni, Chư Phật Tử kẻ trước người sau định cư khắp nơi trên Thế Giới, nơi nào có Phật Tử là nơi đó có Chùa, Tu Viện, và ngược lại, nơi nào có Chùa, Tu Viện thì không sớm thì muộn, không xa thì gần Phật Tử cũng cùng nhau về chùa học đạo giải thoát.
-- o0o --