-
Chữ Hiếu &
-
Văn Học Nhân Gian
-
Bạch Y Thư sinh
-
--o0o--
-
-
I- Ân Nghĩa Sanh Thành.
-
Ðối với người Việt Nam chúng ta, Vu Lan đã trở thành truyền
thống, là một mùa báo hiếu mà những người con chân thành tưởng
nhớ đến công ơn cha mẹ, người còn cũng như kẻ mất và cố gắng
thực hiện những việc có thể làm đựợc để trả ân, đền ân phụng
dưỡng của cha mẹ. Truyền thống cao quý nầy cũng là đề tài
phong phú cho các nhà thi sĩ làm thơ, các nhà nhạc sĩ làm
nhạc, những nhà văn viết sách. Và từ ngàn xưa những tiếng hát
câu hò được truyền tụng trong nhân gian cũng đã là một đề tài
được nhắc nhở cho con cháu, cho những hàng hậu học. Chúng ta
làm sao quên được những tiếng hát câu hò đó trong xóm làng xa
vắng, trong những lúc đêm về khi những bà mẹ nhẹ nhàng ru con;
-
-
Ru hời ru hởi ru hơi
-
Công cha như núi ngất trời
-
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Ðông
-
Núi cao biển rộng mênh mông
-
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi.
-
Nói là công cha như núi, nghĩa mẹ như biển là để cho có đối
tượng to lớn mà so sánh, thật ra công cha mẹ làm sao có thể
nói được:
-
-
Ai rằng công mẹ như non
-
Thật ra công mẹ lại còn lớn hơn.
-
Ðời sống của những người dân nông nghiệp trong những vùng
nhiệt đới, vào các mùa mưa thì mưa rơi tầm tả, những lúc nắng
thì nắng gắt vô cùng. Nóng quá con không ngủ được thì mẹ cũng
không yên, mẹ phải quạt phải ru con ngủ, tình mẹ là thế đó:
-
-
Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
-
Năm canh dài thức đủ năm canh.
-
Lòng cha mẹ luôn luôn lúc nào cũng cho con và vì con tất cả,
do đó dầu con có như thế nào đi nữa cũng là con của cha mẹ.
Con mà có học hành đổ đạt nên danh nên phận cha mẹ cũng thơm
lây, và đó cũng là con của cha mẹ. Nhưng nếu gặp phải con bất
hiếu luôn luôn suốt ngày rượu chè cờ bạc hút sách..v..v..thì
chác chắn cha mẹ sẽ buồn phiền nhưng cũng phải nói đó là con
của cha mẹ. Không phải vì giỏi giang học hành đổ đạt mới nói
là con của mẹ, mà đứa dở nói là không phải con của mẹ, lòng
cha mẹ quả thật bao la:
-
-
Biển Ðông có lúc đầy vơi
-
Chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng.
-
Khi sanh con là phải nói đến bổn phận và trách nhiệm của bậc
làm cha mẹ. Trách nhiệm đó là nuôi dưỡng và giáo dục. Trong
một gia đình nếu là khá giả chắc không đến độ khó khăn lắm,
tuy nhiên trong một gia đình túng thiếu cha mẹ phải chật vật
nuôi con, như vậy mẹ không lo lắng sao được! Con càng lớn
trách nhiệm của bậc làm cha mẹ càng nặng thêm, vì ngoài việc
cơm áo còn phải lo cho con đủ phương tiện để cặp sách đến
truờng, và lẽ dĩ nhiên còn phải lo rất nhiều:
-
-
Miệng ru mắt nhỏ hai hàng
-
Nuôi con càng lớn mẹ càng lo thêm.
-
Nuôi dưỡng con là cả một sự kiên nhẫn, hy sinh của bậc làm cha
mẹ, hy sinh cả cuộc đời không một lời than thở. Những lúc con
trở trời trái nắng, những lúc con khóc về đêm, những lúc con
tiểu con đại tiện thì phần dơ, ướt, xấu đó mẹ phải nằm, phải
chịu, miễn sao cho con khô con ngủ được là cha mẹ vui:
-
-
Nuôi con chẳng quản chi thân
-
Chỗ ướt mẹ nằm chỗ ráo con lăn.
-
ii- Giáo Dục Gia Ðình
-
Cha mẹ là những người từng trải nhiều kinh nghiệm, những kinh
nghiệm đó luôn luôn muốn chia sẻ cho con. Trong một gia giáo
nghiêm mật, nên tất cả mọi việc từ việc học hành đến việc hôn
nhân của con cái thường là cha mẹ chỉ định. Bây giờ thì con
cái ít khi nghe theo sự đặt để và hướng dẫn của cha mẹ, nên vì
vậy sự thất bại cũng không phải là ít. Khi biết quay đầu nhìn
lại mới biết mình đã hư hỏng:
-
-
Cá không ăn muối cá ươn
-
Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư
-
Ngày con còn nhỏ cha mẹ nuôi dưỡng không tiếc của và công, chỉ
mong mai nầy con sẽ trở thành người hữu dụng. Bây giờ đây con
đã lớn khôn và trở thành người hửu dụng trong xã hội. Tất cả
những thành quả đó đều nhờ cơm cha áo mẹ công thầy giáo dục:
-
-
Ngày nào con bé cỏn con
-
Bây giờ con đã lớn khôn thế nầy
-
Cơm cha áo mẹ công thầy
-
Nghĩ sao cho bỏ những ngày ước ao.
-
Trai thời trung hiếu làm đầu đó là truyền thống trong xã hội Á
Ðông, đó là tuyền thống tốt. Theo quan niệm nếu cá nhân tốt
thì xây dựng gia đình sẽ tốt. Gia đình tốt thì tạo dựng một xã
hội tốt vì vậy mà bậc làm cha mẹ lúc nào cũng hướng dẫn con
cái một cách nghiêm mật:
-
-
Làm trai đủ nết trăm điều
-
Trước tiên điều hiếu đạo thường xưa nay
-
Công cha đức mẹ cao dày
-
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ
-
Nuôi con khó nhọc đến giờ
-
Trưởng thành con phải biết nhờ song thân.
-
iii- Nỗi Buồn Của Những người Mất Cha mẹ
-
Cha mẹ suốt đời vì con, thế nhưng lúc cha mẹ còn thì lắm người
không biết quý trọng, đến khi cha mẹ mất đi rồi thì mới thấy
được sự thiếu thốn đó. Lẽ dĩ nhiên còn cha mẹ là còn có điểm
tựa vững vàng, cho nên dầu muốn dầu không mọi nguời cũng có sự
nể vì, nhưng khi cha mẹ mất đi rồi thì thân phân kẻ mồ côi mới
thấy sự khinh khi ngoài xã hội:
-
-
Còn cha gót đỏ như son
-
Ðến khi cha chết gót con đen xì.
-
Còn cha nhiều kẻ yêu vì
-
Một mai cha thác ai thì nuôi con.
-
Hai thân là cột trụ vững vàng cho các con, vì vậy mà một khi
mất cha thì còn có mẹ, mẹ sẽ săn sóc từng miếng cơm manh áo,
từng chén nước, chút quà dẩu rằng không đầy đủ như khi cha còn
sống, nhưng mẹ sẽ lo lắng những việc đó, vì đó là việc làm của
mẹ. Trong trường hợp mất mẹ thì không ai săn sóc cho con ngủ
nghỉ lúc đêm về, biết rằng cha cũng săn sóc nhưng cũng không
chu đáo bằng mẹ:
-
-
Mồ côi cha ăn cơm với cá
-
Mồ côi mẹ lót lá mà nằm.
-
Cha mẹ là hai thân quý trọng, nên thiếu một trong hai thân là
cũng thấy cuộc đời thiếu thốn rất nhiều. Cho nên người con
thảo luôn luôn trân quý cả hai, bởi vì:
-
-
Mất cha con cũng u ơ
-
Mất mẹ con cũng bơ vơ một mình.
-
Ðờn mà đứt dây rồi thì không làm sao tấu nhạc được, nhưng cũng
có thể nối lại để xài tiếp. Nhưng cha mẹ mất rồi thì không tìm
được, vì thế mà người con thảo phải hết lòng săn sóc song thân
để mai này cha mẹ có khuất bóng cũng không nuối tiết:
-
-
Còn cha còn mẹ thì hơn
-
Không cha không mẹ như đờn đứt giây.
-
Ðờn đứt giây còn ngày nối lại
-
Cha mẹ chết rồi con phải mồ côi.
-
IV- Làm Con Phải Hiếu
-
1- Ân Nghĩa Sinh Thành
-
Hiện tại chúng ta có thân nầy là nhờ vào tinh cha huyết mẹ.
Cho nên lúc còn trong thôi nôi thì đó cũng là con của cha mẹ.
Ngày nào đó học hành đỗ đạt, làm nên danh phận thì cũng là con
của cha mẹ. Ngay cả ông vua trong một nước cũng phải còn quý
kính cha mẹ thì huống gì người dân tầm thường. Cho nên dẫu như
thế nào đi nữa thì cũng phải nhớ đến cội nguồn:
-
-
Con người có bố có ông
-
Như cây có cội như sông có nguồn
-
Khi còn là cô thiếu nữ bé bỏng thì không thấy được sự nhọc
nhằn của cha mẹ, thường phần nhiều người trong thế gian là như
vậy. Ðến lúc trưởng thành va chạm với thực tế mới thấy được
giá trị của cuộc sống. Nhất là những lúc mang nặng đẻ đau mới
thấy sự khổ nhọc của mẹ cha:
-
-
Có con nghĩ cũng thương thay
-
Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau.
-
Hoặc là:
-
-
Lên non mới biết non cao
-
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.
-
Ở
đời ai cũng có lần
-
Làm cha mẹ mới biết ơn sanh thành
-
Người xưa khó học nuôi mình
-
Khác gì mình đã hết tình nuôi con
-
b-
Sự Tỏ Tình
-
Trai lớn thì cưới vợ, gái lớn thì gả chồng, đó là
định luât tự nhiên. Thông thường trước khi tiến tới hôn nhân,
những cặp thanh niên nam nữ họ thường quen nhau. Tâm sự chàng
trai, với bao nhiêu ngày tháng đợi chờ mong mỏi và chàng đã
táo bạo ngõ lời:
-
-
Mẹ già như chuối chín cây
-
Sao đó chẳng liệu cho đây liệu cùng
-
Khế với sung, khế chua sung chát
-
Mật với gừng, mật ngọt gừng cay
-
Ðấy với đây không duyên thì nợ
-
Ðây với đấy không vợ thì chồng
-
Dây tơ hồng chưa xe đã mắc
-
Rượu quỳnh tương chưa nhắp đã say.
-
Nhưng đối với người gái có hiếu thì cô cũng không ngần ngại
trả lời:
-
-
Tay bưng dĩa muối tau bợ sàng rau
-
Thủy chung như nhất mặc sức anh nhờ
-
Anh có thương em thì xin ráng đợi
-
Em nguyện ở vậy để phụ mẫu nhờ đôi năm.
-
Khi thấy nàng không lay chuyển, nên tiếp tục chứng minh cho
đối phương biết, em là người con gái có hiếu với mẹ cha, nên
không muốn lấy chồng vì sợ không có người nuôi dưỡng song
thân, thì anh đây là bậc nam nhi chi chí cũng song toàn trung
hiếu chứ không có thua em đâu, và chàng đã mạnh dạn khẳng
định:
-
-
Chữ dâu hiền con gái
-
Cậu rể thảo con trai
-
Bậu đâu đôi lứa trúc mai
-
Bớ bậu ơi
-
Qua kính thờ song nhạc dễ nài công lao.
-
Qua những lần tỏ tình, mà không thấy người đẹp phản ứng nên
chàng trai muốn cho người khác phái chú ý đến mình nhiều hơn.
Có những lúc chàng trai cũng cần phải thi thố để biểu diễn,
rằng anh đây cũng trung với tổ quốc, hiếu với mẹ cha, và tình
cảm cũng chứa chan đậm đà chớ không phải là nguời không hiểu
biết:
-
-
Mình về ta chẳng về cho
-
Ta nắm lấy áo ta đề câu thơ
-
Câu thơ ba chữ rành rành
-
Chữ trung chữ hiếu chữ tình là ba
-
Chữ trung thì để phần cha
-
Chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình.
-
Cuộc tình dài lâu theo năm tháng, nhưng vẫn chưa tiến đến việc
hôn nhân. Hoàn cảnh sinh nhai khó khăn, nên không thường thăm
viếng thì bạn vàng trách móc là bạc tình, nhưng nếu cứ đi lên
đi xuống hoài thì cha mẹ lại la rầy quở mắng, thậm chí cho đến
đánh đập nữa là khác:
-
-
Làm sao hiệp mặt đôi ta
-
Ðặng tôi báo hiếu mẹ cha bên mình
-
Không xuống lên mình nói bạc tình
-
Xuống lên phụ mẫu đánh mình thấy không.
-
Ðạo làm con thảo phải tuân theo lời cha mẹ dạy bảo. Có khi vì
quan niệm xưa nghiêm ngặt quá trở thành độc đoán, nhưng làm
con thảo thì phải để cho cha mẹ định đoạt tương lai, đây cũng
là lý do mà nàng viện cớ thối thoát:
-
-
Mẹ cha là biển là trời
-
Nói sao hay vậy, đừng cải lời mẹ cha.
-
Không những như thế nàng còn khẳng định: Phong tục ngàn đời
của xứ ta, người con hiếu trong một gia đình nề nếp luôn luôn
tuân hành theo lệnh của cha mẹ, ngay cả việc chung thân của
một đời cũng do cha mẹ quyết định:
-
-
Phụ mẫu sanh ra để cho phụ mẫu định
-
Em đâu dám tư tình cãi lệnh mẹ cha.
-
Nói thì nói vậy, người con gái thông minh đã biết chuyện tình
cảm lứa đôi, một khi đã đến lúc chín mùi thì ai cũng muốn tiến
đến chỗ hôn nhân, để cho có bạn trên đường dài của cuộc đời.
Khi chàng hỏi nàng khi nào mới có thể gần nhau vĩnh viễn, thì
mặc dầu tình thắm thiết, nghĩa mặn nồng, nhưng khi nghĩ tới
còn có mẹ già cha yếu nên nàng cũng còn ngần ngại trả lời:
-
-
Ở nuôi cha mẹ trọn niềm
-
Bao giờ trăng khuyết lưỡi liềm sẽ hay.
-
Thấy chàng đã hết lòng nên cũng cảm động, nhưng muốn thử lần
cuối lòng ra sao, vì vậy mà mượn cớ cha mẹ để tránh né:
-
-
Bước lên Ðèo Cả
-
Trông sang Vạn Giả, ngó lại Tu Bông
-
Biết rằng cha mẹ có đành không
-
Mà anh chờ em đợi uổng công đôi đàng.
-
Trong xã hội đặt nặng trung hiếu như Á Ðông ta, nên các cô
muốn lựa chọn một người bạn lý tưởng thì cũng phải coi căn bản
đạo đức của anh ta có được bao nhiêu. Ðể chứng minh cho người
trong mộng biết là mình cũng là người biết đạo đức nên nói:
-
-
Chim còn mến cội mến cành
-
Anh đây cũng biết nghĩa sanh thành công lao.
-
Trai lớn có vợ gái lớn lấy chồng đó là lẽ thường, nhưng đạo
làm con hiếu cần có sự cân nhắc. Khi nghe bao nhiêu sự tỏ
tình, nàng đã không cầm lòng được và cũng suy nghĩ rất nhiều.
Ra đi lấy chồng thì công cha nghĩa mẹ không báo đáp được, nên
đã tự hỏi mình đã làm được gì cho cha mẹ nhờ chưa trước khi ra
đi lấy chồng:
-
-
Lấy chi trả thảo cho cha
-
Ðền ơn cha mẹ cho ra lấy chồng.
-
Khi đi lấy chồng, người có giáo dục thường hay chọn những gia
đình có đạo đức để nương nhờ, chớ không phải vì giàu có sang
trọng. Giàu có sang trọng chỉ là phước báo nhất thời, nếu
không biết giữ gìn thì một ngày nào đó cũng sẽ không còn, vì
vậy mà người con gái khôn ngoan không ham phú quý, mà chỉ
trọng nơi đạo đức để làm nơi nương tựa:
-
-
Kiếm nơi cha thảo mẹ hiền
-
Gửi thân khuya sớm bạc tiền không ham.
-
Mặt dầu người con gái cho chàng trai biết là mình sẽ ưng thuận
sống chung không có gì trở ngại. Nàng cũng biết rằng, truyền
thống của Á Ðông người phụ nữ một khi lấy chồng thì phải theo
chồng, nhưng dầu sao đi nữa cha mẹ vẫn là người trước tiên
được chú ý tới. Trong trường hợp, nếu là người chồng hiểu biết
và có hiếu thuận, thì chồng xướng vợ tùy đó là lẽ đương nhiên.
Nhưng gặp người con rể mà không có lòng hiếu thuận với cha mẹ
vợ thì người con gái hiếu thảo ấy cũng có thể nói thẳng:
-
-
Công cha sanh bằng công tạo hóa
-
Có cha mẹ sau mới có chồng.
-
Hoặc là:
-
-
Mất mẹ mất cha thật là khó kiếm
-
Chớ điệu vợ chồng không thiếu gì nơi.
-
Những điều kiện hiếu kính của cặp thanh niên nam nữ nầy họ đã
thỏa thuận, nên chàng đã đem tất cả những chuyện trong gia
cảnh, thố lộ để cho người bạn đường hiểu rỏ, để sau này có
sống chung không bị mang tiếng lừa dối. Ðặc biệt là ngoài việc
gia cảnh của anh thiếu thốn, anh còn có mẹ già, vả lại anh
thường buôn bán đường xa, nên tất cả những việc trong nhà đều
nhờ cậy vào một tay em:
-
-
Nhà anh chỉ có một gian
-
Nửa thì làm bếp nửa toan làm buồng
-
Anh cậy em coi sóc trăm đường
-
Ðể anh buôn bán trẩy trương thông hành
-
Còn chút mẹ già nuôi lấy cho anh
-
Ðể anh buôn bán thông hành đường xa
-
Liệu mà thờ kính mẹ già
-
Ðừng tiếng nặng nhẹ người ta chê cười
-
Dù no dù đói cho tươi
-
Khoan ăn bớt ngủ liệu lời lo toan
-
Cho anh đành dạ bán buôn.
-
c- Hiếu Kính
-
Ân cha nghĩa mẹ như trời cao biển rộng, nên phận làm con phải
đền đáp công ơn trong muôn một, không thể vì một lý do riêng
tư nào đó mà quên đi bổn phận làm con:
-
-
Ân cha nghĩa mẹ nặng triều
-
Ra công báo đáp ít nhiều phận con.
-
Hoặc là:
-
-
Ân cha nặng lắm ai ơi
-
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.
-
Ðạo làm con thảo cứ thấy cha mẹ tuổi càng lớn thì sự gần gủi
càng xa, vì vậy mà rất sợ sẽ có ngày xa cách. Tuy sự mong muốn
mong manh, nhưng vẫn cứ mong muốn cho cha mẹ sống mãi để cho
mình có dịp phụng thờ, mặc đầu hiện tại đã lấy chồng xa xứ:
-
-
Cây khô chưa dễ mọc chồi
-
Mẹ già chưa dễ ở đời với con.
-
Vì duyên phận phải lấy chồng xa xứ, ngoài việc hiếu kính cha
mẹ chồng, và cũng không quên đi ân nghĩa sinh thành của cha mẹ
mình. Nhớ lại quê nghèo nắng gắt mưa thưa, có lẽ thầy mẹ sẽ
cực nhọc. Ðể gọi là chút lòng của người con viễn xứ, nên nàng
đã dành dụm gởi cho cha mẹ đôi giày:
-
-
Ai về tôi gởi đôi giày
-
Phòng khi mưa nắng để thầy mẹ đi.
-
Ngoài việc gởi đôi giày, nàng còn nhớ rõ, miếng
trầu là đầu câu chuyện, đó là tập tục của người Việt Nam ta,
và đó cũng là niềm vui cho những người lớn tuổi. Vì vậy người
con thảo dù cho xa quê hương, xa mẹ già, và mặc dù sống ở bên
chồng không vì vậy mà quên đi bổn phận làm con:
-
- Ai về tôi gởi buồng cau
-
Buồng trước kính mẹ buồng sau kính thầy.
-
Biết cha mẹ thích kiểu cách trong lúc ăn trầu, là người con
thảo có những cử chỉ nho nhỏ như têm từng miếng trầu, thái
từng lát cau non mới hái, gởi về cho mẹ:
-
-
Cau non khéo bửa cũng dày
-
Trầu thêu cánh phượng để thầy mẹ ăn.
-
Trong cuộc sống những xứ nông nghiệp, thường là dùng cá hơn là
dùng thịt, đã vậy còn tuỳ thuộc vào thời tiết thành thử nếu
trời êm biển lặng, thì những ngư phủ đánh cá không khó khăn
lắm. Tuy nhiên gặp những lúc trời động mạnh thì việc chài lưới
sẽ khó khăn hơn, vì vậy họ sẽ bán với một giá thật đắt. Nhân
dịp có người về quê hương, là người con hiếu dù cho nghèo đến
đâu và đắt đến cỡ nào cũng phải mua để làm quà cho mẹ:
-
-
Ba tiền một khứa cá buôi
-
Cũng mua cho được mà nuôi mẹ già.
-
Mặc dầu cũng thường gởi quà, và thơ thăm viếng, nhưng vì đường
đi xa cách quá nên tâm tư của người con thảo sống xa gia đình
lúc nào cũng nghĩ đến cha mẹ, nhất là lúc đêm về, không biết
giờ nầy cha mẹ đang làm gì, có khoẻ không, Cuộc sống hiện giờ
ra sao?
-
-
Ðêm khuya trăng rụng xuống cầu
-
Cảm thương cha mẹ giải dầu ruột đau.
-
Lấy chồng thì phải theo chồng, dầu cho trăm thương ngàn nhớ
cha mẹ đi nữa cũng phải dứt bỏ, nhưng là người con thảo làm
sao yên được khi bỏ lại sau lưng cha yếu mẹ già, em thơ dại
lấy ai săn sóc dẫy sắn nương dâu:
-
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
-
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.
-
Sống xa gia đình, thân nhân, họ hàng, giờ đây chỉ có hàng xóm
láng giềng. Kể như vậy cũng là vui, nhưng dầu sao đi nữa tình
cốt nhục cũng vẫn hơn, và nơi chôn nhau cắt rún lúc nào cũng
đẹp, nên đôi lúc cũng thấy có chút gì bàng hoàng trong tâm tư,
một chút gì nhớ thương quê cha đất tổ, giờ đây nếu có thì cũng
chỉ đứng xa vọng về:
-
-
Chiều chiều ra đứng ngõ xuôi
-
Ngó về quê mẹ bùi ngùi nhớ thương.
-
Hiếu kính cha mẹ trên phương diện tinh thần và vật chất, như
thế mới trọn vẹn, nhưng không hoàn toàn mà người con thảo còn
muốn ở gần sân, trước ngõ để sớm hầu tối viếng cho dễ:
-
-
Muốn cho gần mẹ gần cha
-
Khi vào thúng thóc khi ra quan tiền.
-
Phận làm con gái trước còn thăm viếng mẹ cha, nhưng rồi thời
gian cũng phôi pha vì điều kiện sinh kế. Thường thì người ta
nói cái khó nó bó cái khôn. Quả thật như vậy, đôi khi vì cuộc
sống sinh kế khó khăn, cho nên có những lúc người dâu hiền con
gái, cậu rễ thảo con trai, cũng phải mất thảo mất ngay, quên
công cha nghĩa mẹ. Không phải vì không có hiếu, nhưng vì hoàn
cảnh nên có muốn sớm hầu tối viếng cũng khó:
-
-
Khó khăn mất thảo mất ngay
-
Ơn cha cũng bỏ nghĩa thầy cũng quên.
-
Khi không còn điều kiện viếng thăm quà cáp cho cha mẹ thì
những người con gái lấy chồng xa vẫn thường bị hàng xóm láng
giềng chê trách, là thiếu bổn phận trong lúc cha yếu, mẹ đau
không người săn sóc nuôi dưỡng:
-
-
Xin người hiếu tử gắng chuyên
-
Kịp thời nuôi nấng cho truyền đạo con
-
Kẻo khi sông cạn đá mòn
-
Phú ngà phú uất có còn là chi.
-
Hoặc là:
-
-
Một mai bóng xế cội tùng
-
Mũ rơm ai đội áo thùng ai mang.
-
Có những sự chê trách nặng nề hơn, bởi vì con cái lớn khôn,
làm nên danh phận là nhờ ân đức của cha mẹ, vì vậy phải nhớ để
mà đền đáp. Những người con hờ hững, không biết đến ân đức
sanh thành để cho cha mẹ sống một cuộc sống nghèo đói trong
những túp lều tranh vách lá, thì chắc chắn không ai chấp nhận
được:
-
-
Mẹ già ở túp lều tranh
-
Ðói no không biết, rách lành không hay.
-
Bị hàng xóm láng giềng chê trách hẳn nhiên rất đau khổ. Càng
đau khổ càng nhớ tới công cha nghĩa mẹ như trời biển, không
thể tính đếm được, và trong lòng có những sự so sánh bình
thường dễ thương:
-
-
Ngó lần nuột lạt mái nhà
-
Bao nhiêu nuột lạt thương mẹ già bấy nhiêu.
-
Nỗi buồn mang mác đó khi nghĩ tới phận mình xa xứ, nhớ đến
những lúc còn nhỏ, mẹ ân cần xú nước nhai cơm:
-
-
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
-
Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương.
-
Rồi từ đó những kỷ niệm của thời thơ ấu, những con đường đất
dẫn về thôn chứa chan tình quê, tình mẫu tử thiêng liêng cao
quí hiện lên trí nhớ khó quên:
-
-
Ngó lên ngó xuống thì vui
-
Ngó về quê mẹ ngùi ngùi nhớ thương.
-
Người con hiếu mặc dầu được cha mẹ chấp thuận cho đi lấy
chồng, tuy nhiên vì quan san cách trở, nên không làm tròn hiếu
đạo của người con, do đó mà trong lòng cũng có những ray rứt,
dày vò khi phải xa cha mẹ để đi theo một người đàn ông xa lạ:
-
-
Chữ xuất giá tùng phu là lẽ phải
-
Gái có chồng bỏ mẹ quạnh hiu
-
Bớ anh ơi,
-
Em nhớ khi thơ bé nâng niu
-
Ngày nay xuất giá bỏ liều mẹ cha.
-
Nổi lòng nhớ mẹ trong hoàn cảnh nơi xứ lạ thật là thâm trầm
khó tả, cứ thế mà tháng năm nỗi buồn vằng vặc không nguôi. Làm
sao có thể ăn no ngủ yên được khi nhớ đến quê nghèo, nắng gắt
mưa thưa, trong lúc cha mẹ không có người thân nương tựa:
-
-
Gió đưa cây cửu lý hương
-
Từ xa cha mẹ thất thường bữa ăn
-
Sầu riêng cơm chẳng muốn ăn
-
Ðã bưng lấy bát lại dằn xuống mâm.
-
Tất cả những kỷ niệm vui buồn khó quên của thời thơ ấu, giờ
đây đã không còn mắt thấy tai nghe nữa, có còn chăng nữa là
một mớ ký ức vui buồn. Những thời gian sớm hầu tối viếng của
người con thảo, giờ đây được thay thế cho sự nguyện cầu, cầu
cho cha mẹ sống đời với con cháu. Sự hiện diện của mẹ cha trên
cõi đời nầy là nguồn vui vô tận đối với những người con thảo:
-
-
Mỗi đêm thắp ngọn đèn trời
-
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
-
Có niềm vui nào hơn, và sự hãnh diện nào hơn là niềm vui còn
cha mẹ. Nỗi buồn nào hơn là nỗi buồn mất mẹ. Bao nhiêu ngày
tháng mong mỏi gần bên mẹ, nhưng không thực hiện đuợc. Nay mẹ
đã ra đi vĩnh viễn, là người con gái có hiếu làm sao không
nuối tiếc bùi ngùi:
-
-
Chiều chiều xách giỏ hái rau
-
Ngó về mả mẹ ruột đau chín chiều
-
Là người con hiếu không những vâng lời cha mẹ lúc sanh tiền,
mà luôn cả khi cha mẹ đã mất cũng không vì vậy mà lãng quên
lời giáo huấn. Những lời di chúc, di thư, và những cử chỉ cuối
cùng trước khi lìa đời, tất cả đều in hằn trong trí của những
người con hiếu thảo:
-
-
Nửa đêm ra đứng giữa trời
-
Cầm tờ giấy bạch trái lời mẹ răn.
-
Thấy người bạn đường của mình vì thương nhớ mẹ mà sầu bi rất
mực, nên anh cũng khuyên nhủ: Mẹ em cũng như mẹ anh, giờ đây
đã quá cố thì em còn có mẹ anh. Tình mẹ dành cho em cũng vô
vàng cao quý, không những vậy mà còn dịu ngọt như mật như
đường:
-
-
Mẹ già như chuối ba hương
-
Như xôi nếp một như đường mía lau.
-
Ngày xưa em hiếu kính phụng dưỡng với mẹ, anh đây cũng vậy,
bây giờ mẹ đã qua đời thì em hiếu kính với mẹ anh. Hiếu kính
với cha mẹ về phương diện tinh thần còn chưa đủ, mà phải hiếu
kính phụng dưỡng về vật chất. Muốn như vậy thì chúng ta phải
tạo điều kiện để sống gần gủi với cha mẹ để tiện bề phụng
dưỡng:
-
-
Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi
-
Gạo nhe An Cựu mà nuôi mẹ già
-
Mẹ già là mẹ già chung
-
Em về bảo dưỡng cá canh cho thường.
-
Trong những lúc tâm sự cùng nhau, bàn bạc đến ân đức sanh
thành của cha mẹ, là người con trai khôn ngoan, nhân đây cũng
đã nói ý hướng kính trọng cha mẹ của mình cho người bạn đường
biết:
-
- Mẹ cha trọng quá ngọc vàng
-
Ðền bồi sao xiết muôn ngàn công ơn.
-
Hoặc là:
-
-
Gươm vàng rớt xuống hồ tây
-
Công cha cũng trọng nghĩa thầy cũng sâu.
-
Câu người ta thường nói: Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ
lúc ban sơ mới về. Do đó để cho người bạn đường của mình biết
tôn ty, hiếu để với cha mẹ, và kính nhường anh em, và phải tôn
trọng sự khuyên nhủ của chồng thì ngay từ đầu phải giáo huấn:
-
-
Con quốc kêu khắc khoải mùa hè
-
Làm thân con gái phải nghe lời chồng
-
Sách có chữ phu xướng phụ tòng
-
Làm thân con gái lấy chồng xuất gia
-
Lấy em về thờ kính mẹ cha
-
Thờ cha kính mẹ ấy là người ngoan.
-
Hoặc là:
-
-
Thờ cha kính mẹ hết lòng
-
Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường
-
Chữ để nghĩa là chữ nhường
-
Nhường anh nhường chị lại nhường người trên
-
Ghi lòng tạc dạ chớ quên
-
Con em phải giữ lấy nền con em.
-
Trong thời chinh chiến khi đất nước kêu gọi thì bao nhiêu lứa
trai hùng cũng phải lên đường theo tiếng gọi của quê hương
sông núi. Có những khi ra đi mà không hẹn ngày về. Trung hiếu
cưu mang, người con trai phải lựa chọn. Có đôi lúc được hiếu
mất trung, và cũng có lúc được trung mất hiếu. Ðược cả hai là
điều ai cũng mong mỏi, nhưng cuộc đời đôi khi phải lựa chọn.
Không có sự lựa chọn nào là không đau khổ. Người con trai
trong thời ly loạn, không thể không nghĩ đến quốc gia, tổ quốc
còn thì già đình còn. Vì thế mà sự lựa chọn phải lên đường
tòng quân diệt giặc để cứu quê hương. Thôi thì mẹ già con thơ,
trăm việc em ráng cố gắng lo liệu cho anh:
-
-
Anh đi em ở lại nhà
-
Hai vai gánh vác mẹ già con thơ.
-
Sau khi anh đi rồi em tùy theo điều kiện và phương tiện mà
chăm sóc cho mẹ cha để làm tròn bổn phận làm con dâu:
-
-
Thức khuya dậy sớm ân cần
-
Quạt nồng ấp lạnh giữ phần đạo con.
-
Bậc cổ đức có nói: Cha mẹ còn tại thế thì không nên đi chơi
xa. Là một người con thảo trong một xã hội, lúc nào cũng đắn
đo nhớ tới cha mẹ khi bè bạn rủ đi chơi xa. Tuy nhiên đây
không phải là đua đòi mà là nhiệm vụ tổ quốc thiêng liêng,
nhưng cũng có người gắt gao chỉ trích:
-
-
Ði đâu mà bỏ mẹ già
-
Gối nghiêng ai sửa chén trà ai dâng.
-
Người bạn đường ra đi vì tiếng gọi của quê huơng, để lại cha
mẹ già, với rẫy sắn nương dâu. Hình ảnh của người mẹ già răng
long tóc bạc, cuộc sống gần đất xa trời, do đó là phận con dâu
cứ lo âu, không biết mẹ sẽ ra đi lúc nào:
-
-
Mẹ già như chuối chín cây
-
Gió đưa mẹ rụng con rày mồ côi.
-
Chàng đi tòng quân, cuộc sống trong gia đình giờ đây cơm không
đủ ăn áo không đủ mặc, nhưng phần hiếu dưỡng cũng phải lo chu
toàn cho cha mẹ. Những lúc củi quế, gạo châu, không có đủ cơm
cho cha mẹ ăn, làm con phải nhường phần ăn của mình cho mẹ,
cho tròn câu hiếu đạo:
-
-
Ðói lòng ăn hột chà là
-
Ðể cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.
-
Trong những lúc hướng dẫn mẹ đi chùa, thấy nơi nghiêm tịnh
muốn đi tu để học đạo giải thoát, vì biết tu là cội phúc, đời
là oan khiên. Biết thì biết như vậy, tuy nhiên đến chùa để mà
tu cũng không phải là phương pháp hoàn hảo. Ðạo làm con thảo
giữa hai sự lựa chọn: Tu thân bằng con đường hiếu kính, và
xuất gia sống cuộc đời phạm hạnh trong chốn thiền môn, thì sự
lựa chọn phải là con đường hiếu kính:
-
-
Lên chùa lạy phật muốn tu
-
Về nhà thấy mẹ công phu chưa đền.
-
Hoặc là:
-
-
Tu đâu cho bằng tu nhà
-
Thờ cha kính mẹ hơn là đi tu.
-
Bên cạnh những người có lương tâm phò vua vực nước, chúng ta
còn thấy có những người cũng thích nếp sống bất lương, bè
phái, khuynh loát quần chúng. Nhưng là người con thảo hiểu rõ
tam cang ngủ thường thì vẫn một lòng thẳng tiến để hoàn thành
bổn phận của người trai thời ly loạn. Ân đền nghĩa trả đã xong
anh trở về lại với mái ấm gia đình:
-
-
Vai mang bức tượng Di Ðà
-
Hiếu trung ta giữ gian tà mặt ai.
-
Hoàn thành nhiệm vụ làm trai
-
Trở về bên mẹ sau bao ngày nhớ thương
-
Kết Luận:
-
Trong một gia đình đầy đủ phúc duyên, đầm ấm hạnh phúc, vợ bảo
chồng nghe, chồng vợ hài hòa, ai cũng nghĩ đến sự hiếu kính và
tìm cách thế nào để làm vui lòng cha mẹ trong những lúc xế
chiều, và xây dựng một gia đình sung túc, nên nàng đã đề nghị:
-
-
Em thời đi cấy ruộng bông
-
Anh đi cắt lúa để chung một nhà
-
Ðem về phụng dưỡng mẹ cha
-
Muôn đời tiếng hiếu người ta còn truyền.
-
Ðể khuyến khích người bạn đường trong việc hiếu và cũng là xây
dựng một tương lai cho gia đình, nên chàng cũng đã động viên:
-
-
Em thì đi cấy lấy công
-
Ðể anh nhổ mạ tiền chung một lời
-
Ðem về cho bác mẹ coi
-
Làm con phải thế em ơi.
-
Cặp vợ chồng trẻ nầy đã theo dấu nguời xưa làm tròn đạo người
con hiếu kính, và luôn luôn nhớ nghĩ đến cội nguồn tổ tông. Có
được ngày hôm nay là nhờ hồng phúc của tổ tiên để lại, vì vậy
mà bây giờ, mình có được địa vị cao sang như ngày hôm nay. Cho
dù bây giờ cha mẹ không còn khoẻ mạnh, và trẻ trung như thời
thanh xuân, vì đã hy sinh rất nhiều cho con cái, nên mới tiều
tụy như ngày hôm nay, nhưng làm con phải hết lòng hết dạ tôn
thờ song thân:
-
-
Khôn ngoan nhờ ấm cha ông
-
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ
-
Ðạo làm con chớ hững hờ
-
Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm.
-
Hoặc là:
-
-
Có cha sinh mới ra ta
-
Làm nên nhờ bởi mẹ cha vun trồng
-
Khôn ngoan nhờ ấm cha ông
-
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ
-
Ðạo làm con chớ hửng hờ
-
Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm.
|