-
Vu Lan &
Tình Bạn
-
Diệp Lê
-
--o0o--
-
-
Mỗi khi lễ Vu Lan về, tôi lại nhớ bạn Minh Hoài
của tôi, bởi vì gần nó tôi mới thấy mình hạnh phúc vì có mẹ.
-
Ngày ấy chúng tôi là những đứa học sinh High
School cùng trang lứa. Vì mới định cư ở Mỹ, nên chúng tôi rất
nhớ nhà, và còn giữ những đức tính rất là Việt Nam. Hàng ngày
chính vì bị lạc lõng giữa những học sinh Mỹ, nên chúng tôi
càng quí mến và thân thiết nhau hơn. Ở trường chúng tôi thường
đoàn kết lại thành một tiểu dân tộc, vì tình đồng hương đối
với chúng tôi bây giờ rất là qúy báu.
-
Những tháng ngày chung trường bên nhau, chúng tôi chia xẻ rất
nhiều kỷ niệm và vui vẻ lắm. Hàng ngày, sau giờ học, bọn con
trai chiều về đi làm thêm vì muốn tự do tiêu xài. Bọn nó nam
nhi vì tự ái của phái mày râu không muốn xin tiền bố mẹ đó
thôi, cứ như con gái chúng tôi hay về vòi vĩnh mẹ, ôm mẹ kể lể
một hồi là đủ xài cả tuần rồi. Vì bố mẹ đặt nhiều hy vọng vào
tương lai của tuổi trẻ chúng tôi, nên chúng tôi ngoan ngoản ăn
học thì muốn gì có đó mà. Cứ mỗi cuối tuần, sau giờ học chúng
tôi tụ tập lại moi tài sản của mình ra góp lại, và sau đó là
những trò chơi dành cho ngày cuối tuần được bàn cải, tính toán
rất là hấp dẫn. Thế đó, chúng tôi sống rất là thoải mái với
tuổi đến trường vô tư, nhộn nhịp vì sau lưng đứa nào cũng có
một bà mẹ nâng đỡ. Mẹ lo cơm nước, tài chánh và làm tất cả.
Chúng tôi, ngoài việc bài vở ở trường ra, thường thì không từ
chối bất cứ một cuộc vui nào.
-
Cuộc đời học sinh của chúng tôi nên thơ lắm, chỉ
có Minh Hoài là hơi khác biệt. Nó chẳng bao giờ tham gia vui
chơi với chúng tôi, mặc dầu ở trường nó là nhân vật được chúng
tôi thích tâm sự và làm bài vở chung nhất.
-
Tôi nhớ lần đầu tiên gặp mặt nó, cả bọn chúng tôi
đều mến đức tính vui tươi nhí nhảnh và ghen thầm với nét đẹp
của nó. Sau lưng nó chúng tôi thường nói lén: Con nhỏ chắc
tiểu thư và sống trong sung túc nên lúc nào cũng thấy nó vui
vẻ, yêu đời... Hà phụ thêm:
-
- Tụi bay không thấy hai bàn tay nó múp máp, nõn
nà à, chắc là chẳng bao giờ phụ mẹ làm gì cả.
-
- Mày không thấy nó học giỏi à, dĩ nhiên là ăn
không ngồi rồi rảnh rang mà.
-
Chúng tôi đã lôi hết những cảnh sống nhàn ra để
đàm tiếu Minh Hoài, vì không lẽ nói thẳng ra là mình ganh tỵ
nó. Sau những tháng ngày quen biết, chúng tôi bắt đầu ngạc
nhiên vì Minh Hoài rất ít khi đi chơi chung. Mỗi lần trời vào
thu chúng tôi rủ nhau đi xem lá vàng. Chúng tôi sống theo cái
tuổi lãng mạng của tuổi đến trường. Chúng tôi tâm sự với nhau
về mùa thu, lá của mùa thu bao phủ khắp thành phố gợi lên
những con đường đầy những màu sắc. Lá của mùa thu qui tụ muôn
màu của thiên nhiên đẹp hơn tranh vẽ. Từ mùa thu, những chiếc
lá vàng đã dệt nên biết bao lời thơ, bài nhạc lãng mạng. Những
gì đẹp thường trôi qua rất mau như tuổi học trò, vậy cho nên
chúng tôi phải tranh thủ để thưởng thức, không hề bỏ xót bất
cứ một cuộc vui nào. Buổi sáng hôm đó, chúng tôi hẹn nhau ở
góc đường bắt đầu xuất phát. Có tiếng hỏi Minh Hoài đâu ?
-
- Nó không đi được vì phải đi làm homework.
-
- Chà thiếu gì thời gian mà phải làm giờ này.
-
- Nó hay vậy mà, đâu có gì lạ.
-
Từ đó những lần đi chơi chúng tôi rất ít khi quan
tâm tới sự có mặt của Minh Hoài lắm. Chắc tại nó không thích
đi chơi. Tuy nhiên chúng tôi rất mến nó vì gần nó chúng tôi
rất hài lòng và thoải mái:
-
Có một hôm tôi hỏi Minh Hoài:
-
- Sao Hoài không đi xuyên bang với tụi nó tuần này
?
-
- Dung cũng không đi mà.
-
Minh Hoài ít khi nói lý do tại sao nó từ chối lắm.
Chưa trả lời mà nó đã hỏi ngược lại tôi rồi, nhưng tôi vui vẻ:
-
- Dung ở nhà vì ngày đó là ngày birthday của mẹ,
còn Hoài làm gì ?
-
Không hiểu sao tôi lại thích tò mò đến gia đình
Hoài, vì nó ít khi nhắc đến. Hơn nữa vì nó ít đi chơi chung,
nên chúng tôi chẳng quan tâm nhiều. Lần này tôi có ý định đến
nhà nó chơi vì nó khéo tay, chắc tôi sẽ có nhiều cái hay để
học hỏi. Nghe tôi hỏi Hoài nữa đùa nữa thật:
-
- Dung hứa giúp thì mới nói à ?
-
- Trời đất, người ta định nhờ Hoài giúp chưa kịp
nói thì Hoài đã nhờ ngược lại rồi.
-
- OK, có qua có lại, muốn tớ giúp chuyện gì ?
-
- Nhờ Hoài phụ mình làm bữa tiệc birthday cho mẹ
đó.
-
Một thoáng xúc động trên khuôn mặt Hoài làm tôi
ngạc nhiên, nhưng nó vui vẻ:
-
- Làm birthday cho mẹ hả, nếu không biết Hoài vẫn
xung phong phụ mà, nhưng mà cho you biết, bếp núp bánh trái là
nghề của nàng mà, không tin à, để Hoài làm cho Dung một cái
bánh sinh nhật thật đẹp tặng mẹ.
-
- Ủa, Hoài biết làm cả bánh sinh nhật nữa hả ?
-
Hoài nhí nhảnh:
-
- Ðã nói là nghề của nàng mà.
-
Tôi vô tình:
-
- Chắc Mẹ Hoài khéo tay lắm nên chỉ dạy Hoài nhiều
như vậỵ Hoài có làm bánh sinh nhật cho mẹ mỗi năm không ?
-
- Hoài không có cái hạnh phúc đó. Ngày đó Hoài
theo ba đi vượt biên, mẹ vì em nhỏ bị bệnh nên kẹt lại. Mấy
năm rồi xa mẹ, buồn lắm.
-
- Tôi thật sự bị một cú sốc khi nghe Hoài nói. Bao
lâu nay, bởi vì chính mình có cuộc sống nhàn nhã nên chúng tôi
đã hiểu lầm Hoài. Thật là xấu hổ, khi chúng tôi thường hay đem
cảnh sống của mình ra để dèm pha Hoài mà không hề nghĩ rằng nó
bất hạnh hơn chúng tôi.
-
- Không sống gần mẹ tại sao Hoài giỏi vậy ?
-
- Có gì đâu, vừa đi học, chiều đi làm giúp ba gởi
tiền về cho mẹ nuôi em. Hoài thấy ba cực nhọc đi làm ngày đêm,
chắc ba nhớ mẹ lắm nên Hoài ráng học hỏi, thay mẹ chăm sóc ba.
-
Bổng dưng tôi và Hoài hai đứa cùng khóc. Những
giọt nước mắt xúc động lăng dài, vừa lau nước mắt tôi và Hoài
cùng cười:
-
- Tụi mình con nít quá.
-
Từ đó tôi mới biết, những giờ chúng tôi vui chơi
Hoài phải tranh thủ học, những giờ chúng tôi vòi vĩnh mẹ thì
Hoài cặm cụi đi làm trong nổi nhớ mẹ. Chúng tôi đứa nào cũng
sống trong bình yên, nên không biết Hoài bị thiếu thốn tình
thương và thiệt thòi nhiều. Hoài ơi, xin lỗi Hoài nhé!
-
Giữ đúng lời hứa, Hoài đã giúp tôi làm bánh và
trang bày một bửa tiệc sinh nhật thật đẹp mắt, làm mẹ ngạc
nhiên không nói nên lời. Hôm nay tôi lại đến phụ Hoài làm bông
hồng cúng dường lễ Vu Lan ở chùa, Hoài giải thích bông hồng là
dành cho những ai còn mẹ và bông trắng là tượng trưng đã mất
mẹ rồi. Trong lòng tôi vừa phục vừa thương Hoài. Hằng ngày nó
vui vẻ và hoạt bát, nhưng nó vẫn mang một nỗi buồn nhớ mẹ thầm
kín. Nó tâm sự với tôi, xa mẹ đó là một bất hạnh lớn nhất đời
nó. Nó trưởng thành và đảm đang nhưng xa mẹ, nó đã mất đi tuổi
thơ và niềm an ủi. Nó đã mất đi những tháng ngày đẹp nhất. Chỉ
có mùa Vu Lan về là nó thấy vơi bớt đi sự bơ vơ, vì khi cài
lên ngực một đóa hoa hồng đỏ, nó thực sự thấy hãnh diện vì còn
có mẹ trong đời.
-
Và từ đó chúng tôi tâm sự với Hoài nhiều hơn. Mỗi
đứa chúng tôi đã chuyển sự xấu hổ trong lòng thành niềm cảm
thông với Hoài. Năm cuối của trung học rồi, chúng tôi bắt
chước Hoài, bớt đi chơi để dành thời gian đi làm. Ðồng lương
lần đầu tiên kiếm về, ôi qúy báu làm sao, hảnh diện làm sao vì
đó là những giọt mồ hôi thật sự sau giờ học, chúng tôi đem tấm
chi phiếu lại khoe Hoài và hứa sẽ khao Hoài một bửa no nê ở
nhà hàng. Hoài nhận lời và nhắc chúng tôi hãy mua quà tặng ba
mẹ trước. Thế đấy, từ sự học tập, siêng năng đến hiếu thảo
chúng tôi phải học từ Hoài.
-
Một hôm Hoài gọi điện thoại hỏi tôi có chịu đi
chùa không.
-
- Chi dzậy ?
-
- Thì cài bông hồng bửa mình làm đó. Vu Lan đến
rồi. Sáng sớm chủ nhật, tôi và Hoài tha thướt trong tà áo dài
đến chùa. Giữa đám người lễ Phật đông đảo, tôi đùa:
-
- Chùa đẹp, em cũng đẹp phải không Hoài ?
-
- Ngày lễ báo hiếu, ai có lòng hiếu thảo với mẹ
cha đều đẹp hết.
-
- Cha, cao siêu quá, không hiểu Hoài ơi.
-
- Thì vào nghe pháp rồi sẽ hiểu.
-
- Yes, Madam.
-
Dù năm tháng trôi qua tôi cứ nhớ mãi lần cài hoa
đỏ lễ Vu Lan đầu tiên đó với Hoài. Ðã bao lần tôi nghe biết
bao bài thơ, câu nhạc ca ngợi về mẹ nhưng chẳng cảm thấy gì
đặc biệt. Nhưng khi cài lên ngực mình một đóa hoa hồng đỏ và
nhìn lên những đôi mắt buồn của những người cài hoa trắng tôi
mới thấm thía được sự thiêng liêng của tình mẹ. Tôi cảm thấy
đời còn mẹ là còn ý nghĩa sống sinh tồn cao cả nhất. Tôi thật
sự hãnh diện vì còn mẹ, yêu thương mẹ vô vàng. Tôi vô cùng may
mắn giữa những đóa hoa trắng trên ngực của những người xung
quanh. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được nỗi buồn của những dòng
nước mắt lặng lẽ rơi của những người mất mẹ. Hoài tâm sự bên
tai tôi:
-
- Dung biết không, người ta thường nói: Trong vũ
trụ có lắm kỳ quan, nhưng tuyệt hảo là trái tim người mẹ. Vu
Lan là ngày để dành cho mẹ, nhưng mà công lao của cha sâu nặng
đâu kém. Cha như một bức tường sừng sững một đời gồng gánh, âm
thầm hy sinh cuộc đời để bảo bọc vợ con. Không có cha chúng ta
cũng khó mà trưởng thành. Hoài hy vọng khi cài trên ngực mình
dầu là bông hồng trắng hay đỏ, mỗi một người con đều dành một
chút suy tư và niềm biết ơn về cha, người đã cùng mẹ chèo lái
chúng ta đến bến bờ.
-
Tôi nhìn Hoài và thương nó vô vàng.
-
Mùa Vu Lan năm đó cũng là mùa chúng tôi ra trường
và chia tay mỗi đứa một nơi. Mỗi chúng tôi đã trưởng thành và
đi theo tiếng gọi của ước mơ từ lâu mình ấp ủ. Chúng tôi đã
chọn cho mình những trường đại học lớn và hăng hái hòa nhập
vào cuộc sống mới. Chỉ có Hoài vì không có ai chăm sóc cho ba
nên học ở trường nhà. Nó nhìn chúng tôi như những cánh chim
bay xa mà không biết vui hay buồn. Ngày ra trường nó để lại
cho chúng tôi những vần thơ từ giã bâng khuâng:
-
... Rồi từ đây cuộc sống sẽ ngỡ ngàng,
-
Từng đứa bạn chia nhau đi khác hướng
-
Tuy ở đây không tiếng ve, mùa phượng
-
Nhưng đồng hương tình bạn vẫn thân thương
-
Nắng chưa tan, hè khép vội cỗng trường
-
Khi tìm lại tuổi thơ là kỷ niệm ...
-
Và từ đó, thời gian trôi nhanh quá, tôi bận bịu
với bài vở ở trường, lâu lâu mới gặp Hoài một lần rồi chia tay
trong vội vã. Tuy vậy, trong lòng tôi, Hoài là một đứa bạn tôi
mến yêu nhất. Nó đã cho tôi hiểu, khi tôi còn bên mẹ là tôi
còn cả một bầu trời thanh bình, thân thương để vươn tới thành
công trong cuộc sống.
-
Ðã lâu lắm rồi, giờ đây một mùa Vu Lan nữa lại về,
tôi hãnh diện cài lên ngực mình một đóa hoa hồng đỏ thắm tình
mẫu tử và không quên tự hỏi bây giờ Hoài ở đâu. Lạy đức Phật
Thích Ca, xin Ngài hãy phù hộ cho Hoài sớm được đoàn tụ cùng
mẹ, để những mùa Vu Lan về, Hoài cài hoa đỏ mà không thấy
chạnh lòng.
|