Ðức Phật & Chân Hạnh Phúc
Nguyễn Mộng Khôi
--o0o--
 
            Một số người quan niệm Hạnh Phúc là thõa mãn những điều mong ước. Nhưng an phận với điều vừa có không phải dễ. Túi tham không đáy, người tham không bao giờ tri túc. Chưa đạt được thì ước nguyện nào cũng đẹp, nhưng có rồi xem thường và lại mong cầu những điều khác nữa.
- Phàm sự nan cầu giai tuyệt mỹ
Cập năng như nguyện hựu thường tình.
Vì không thõa mãn nên luôn luôn đuổi bắt Hạnh Phúc. Nhưng phần đông lại đồng hóa Hạnh Phúc với Ngũ Dục Lạc. Họ nghĩ rằng đạt được năm điều này là nắm được Chân Hạnh Phúc. Ngũ Dục Lạc gồm có:
            1- Tài Dục(ham của)
            2- Sắc Dục(ham sắc)
            3- Danh Dục(ham danh)
            4- Ẩm Thực Dục(ham ăn uống)
            5- Thùy Miên Dục(ham ngũ)
1- Ðiều mong ước đầu tiên là Tài Dục
Với họ, có tiền sẽ có cuộc sống viên mãn, muốn gì thì được nấy:
- Có tiền mua tiên cũng được.
Nếu mua tiên cũng được thì tại sao lại có những triệu phú lúc nào cũng than vất vả, có sản nghiệp càng lớn thì sự quản trị càng mệt, ấy là chưa kể mỗi khi đổi đời như những cuộc cách mạng, hay một triều đại sụp đổ, lúc đó họ là những đích nhắm của chế độ mới và của đám dân nghèo, muốn sống bình thường như mọi người cũng không xong. Có những triệu phú đã quyên sinh vì thất bại, sợ hải và phiền não. Vậy có tiền bạc chưa phải là có Hạnh Phúc.
2- Sắc Dục: Sau Tài Dục là Sắc Dục. Biết bao thi sĩ đã ca ngợi sắc đẹp của giai nhân. Lý Bạch tả vẻ đẹp của Dương Quí Phi (ái phi của Ðường Minh Hoàng ) như đóa phù dung.
- Phù dung như diện, liểu như mi.
Hoặc:
- Vân tưởng y thường hoa tưởng dung.
Cụ Nguyễn Du coi nhan sắc Thúy Kiều còn hơn cả hoa và liễu. Với đôi mắt trong như nước mùa thu, làn mi thanh tú tựa núi xuân, môi thắm như hoa, tóc xanh hơn liễu:
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Nhưng chính vì sắc đẹp của Dương Quí Phi mà Ðường Minh Hoàng khốn đốn vì loạn An Lộc Sơn, và cũng chính vì hồng nhan đa truân mà Thúy Kiều phải vất vả suốt mười lăm năm. Vì vậy càng say đắm Sắc Dục, càng nhiều phiền não. Trong lịch sử nước ta, chưa ai có nhiều mỹ nhân bằng vua Gia Long, nhưng lúc nào nhà vua cũng bực bội và không hài lòng với bọn cung nữ. Trong một bài báo của Chaigneau đăng trong tờ Le Moniteur de la Flotte xuất bản năm 1858 tường thuật như sau:
- Trong Hoàng cung vua Gia Long, người ta đếm được chừng 100 cung phi, trong những lúc chuyện trò thân mật với một sĩ quan người Pháp. Vua Gia Long thường nói: Với nhà vua, việc cai trị một nước dễ dàng hơn và ít khó nhọc hơn đối với hậu cung của ngài...Ở đây trẫm được hài lòng nói chuyện với những người xứng đáng, họ lắng nghe trẫm, họ hiểu biết trẩm, và khi cần họ vâng lời trẩm răm rắp. Còn ở đằng kia (hậu cung), trẫm gặp phải lũ quỷ sứ thật sự. Chúng cãi nhau, ngược đãi nhau, phỉ báng nhau, và sau đó tất cả cùng chạy đến cầu xin trẫm phân xử.
Sau một lúc im lặng, ngài tiếp:
- Chốc nữa trẫm sẽ ở giữa một đám yêu phụ làm trẩm điếc tai nhức óc...
Như vậy thì nhà vua sao còn hạnh phúc để chung sống với cả trăm cung tần mỹ nữ nữa.
            3- Danh Dục: Nếu cái sắc gây nhiều phiền toái cho cuộc đời thì cái danh cũng làm cho người ta nhiều khổ đau không ít. Trong văn học sữ nước ta, có lẽ Nguyễn Công Trứ, thuở thiếu thơì, là khát khao danh vọng nhất, Cụ viết:
- Ðã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.
Nhưng khi làm quan, đụng với thượng cấp cụ đã cay đắng:
- Nghe như chọc ruột tai làm điếc
Giận dẩu căm gan miệng mĩm cười.
Lúc về già, sau khi mệt mõi với công danh cụ đã lui về với thú điền viên:
- Chen chúc lợi danh đà chán ngắt
Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao...
Tâm sự của cụ Nguyễn Công Trứ cũng giống như Ðại Ðức Baddhiya, khi chưa xuất gia ông làm quan tổng trấn miền Bắc Vương Quốc Sakka. Một đêm kia trong lúc thực tập thiền tọa dưới một gốc cây, ông bổng cảm nhận được một niềm vui sướng, mà chưa bao giờ ông từng biết tới trong thời gian còn ở nhà. Có một hôm, sau một thời pháp của Ðức Phật Ông đã bạch Phật cùng đông đủ đại chúng:
- Thế Tôn, ngày trước con làm tổng trấn, con sống trong giàu sang, phú quí và có nhiều quyền lực. Ði đâu con cũng có một đạo binh theo hầu và bảo vệ. Dinh phủ của con luôn luôn có binh lính canh gác ngày đêm, bên trong cũng như bên ngoài, vậy mà lúc nào con cũng lo lắng, sợ hãi, cảm thấy thiếu an ninh. Bây giờ đi một mình trong rừng, ngồi một mình dưới cội cây trong đêm vắng, vậy mà con không hề có cảm tưởng nghi ngại và sợ hãi...
            Như vậy Uy Viễn Tướng Quân Nguyễn Công Trứ và Tổng trấn Baddhiya thật sự không được an lạc, và hạnh phúc khi đang có công danh trong thời gian tại chức chút nào cả.
            4- Ẩm Thực Dục: Là được ăn ngon, nhưng chính vì ăn uống làm cho con người dễ bịnh hoạn. Dân chúng ở các nước giàu có đã giãm ăn thịt cá để tránh phì mập, tránh ăn chất béo để giảm lượng mở trong máu, kiên cử đồ ngọt để khỏi bị bịnh tiểu đường. Có lẽ vì sợ bệnh tật do ăn uống thái quá, nên Thái Tử Charles (Anh Quốc) đã ăn uống điều độ và gần như trường chay.
            5- Thùy Miên Dục: Là ngủ nghỉ mà nhiều người coi như hạnh phúc thứ năm. Nhưng ngủ nhiều sẽ sinh hôn trầm và bịnh hoạn, vì vậy mà trong giới luật nhà Phật đã cấm các tu sĩ nằm giường cao, nệm êm để ngủ kỹ.
            Nếu đam mê Ngũ Dục Lạc không phải là hạnh phúc thì cái gì là hạnh phúc? Biết chúng sinh khổ sở vì tham dục, nên Ðức Phật Ngài đã nói trong kinh Majjhima Nikaya trong mùa an cư thứ 38 lúc đó Ngài 73 tuổi. Phật dạy hạnh phúc (Sukha) là có thật, và ta có thể thực hiện được hạnh phúc ngay trong đời sống nầy, nếu ta biết theo Chánh Pháp.
            Trước hết, Phật cho biết hạnh phúc không phải là sự đam mê vào dục lạc.  Dục lạc có thể cho người một ảo tưởng về hạnh phúc, và thật sự chỉ là khổ đau (Dukkha). Phật lấy ví dụ của người bị bệnh cùi, bị bắt buộc sống biệt lập trong rừng, người nầy luôn luôn cảm thấy ngứa ngáy xốn xang rất khó chịu. Ông ta đào một cái hố, chất cành khô với những gốc cây mục xuống hố và đốt cháy cho đến khi hố đầy than hồng, rồi ông ta đứng bên cạnh hố, đưa mình mẩy, tay chân lên trên hố than để hứng lấy cái nóng của than lửa đang cháy. Trong khi làm như thế, ông ta cảm thấy dễ chịu, và cảm thấy bớt khổ. Ngày nào không được hơ mình trên hố than rừng nầy, ông ta rất lấy làm đau khổ. May mắn cho ông ta, mấy năm sau bệnh cùi của ông được chữa lành. Ông trở về sống đời sống bình thường trong thôn xóm. Một hôm ông ta vào rừng, thấy mấy người có bệnh cùi đang đưa mình mẩy của họ lên trên đống than lửa rừng. Ông thấy thương xót họ vô cùng. Hố than rừng nóng quá ông tới gần chịu không nổi. Nếu có ai tới trì kéo ông, bắt ông tới gần hố than để đưa mình mẩy hơ trên than lưả, ông sẽ la tru tréo lên và phản đối kịch liệt. Cái mà ngày xưa ông cho là làm ông sung sướng, bây giờ thành một khối khổ đau đối với ông. Phật nói:
- Dục Lạc chỉ là một hố than rừng. Chỉ có người bệnh mới thấy Dục Lạc là vui. Nhưng người lành mạnh đều phải xa lánh hố than của Dục Lạc. Người sống lành mạnh mà biết sống thư thái, tự do, tiếp xúc được với những mầu nhiệm của cuộc sống tức là có hạnh phúc: Ý thức được những gì xãy ra trong giờ phút hiện tại, không tham đắm vào bất cứ pháp nào và cũng không ghét bỏ bất cứ một pháp nào, nghĩa là xa lánh Ngũ Dục Lạc: Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy nhưng không ghét bỏ chúng. Người có hạnh phúc biết quí những gì mầu nhiệm đang xảy ra trong hiện tại, không luyến tiếc quá khứ, cũng đừng vội nghĩ đến tương lai, nên Ðức Phật thường dạy trong kinh Kim Cang:
- Quá khứ thì qua rồi
Tương lai thì chưa tới
An trú trong hiện tại
Giờ phút đẹp tuyệt vời.
            Thưởng thức một làn gió mát, một buổi sáng đẹp trời, một bông hoa vàng, một cây trúc tím, một nụ cười của em bé. Người có hạnh phúc biết thưởng thức những thứ ấy nhưng không bị ràng buộc vào những thứ ấy. Thấy được vạn pháp vô thường và vô ngã, người ấy không nhận thức các pháp như những gì có thường và có ngã, do đó người ấy không bị ràng buộc bởi các pháp kia, không bị tham đắm vào các pháp kia. Không bị ràng buộc, không tham đắm, người ấy sống thảnh thơi, không lo âu, không sợ hãi. Biết rằng một bông hoa có thể sớm nở tối tàn, người ấy thấy được tự tính, sinh diệt vô thường của các pháp, cho nên không có sự sinh diệt của vạn pháp mà đau khổ. Cũng vì thế nên hạnh phúc của người ấy là hạnh phúc chân thật. Người ấy không lo âu và sợ hãi ngay cả sinh diệt của chính mình. Ðức Phật còn nhấn mạnh thêm, nếu ngườI Phật Tử tại gia muốn có được sự an lạc và hạnh phúc thì phải thực hành 10 điều:
            01- Thân cận với những người hiền đức, có khả năng xa lánh những kẽ đang đi trên đường sa đọa
            02- Sống trong một môi trường thuận tiện cho sự tu học.
            03- Tạo cơ hội học hỏi thêm về giáo pháp, về giới luật và sự tạo tác những nhân lành.
            04- Phụng dưỡng mẹ cha và có thì giờ để săn sóc vợ chồng con cái của mình.
            05- Chia xẻ thì giờ, tài vật và hạnh phúc với kẽ khác.
            06- Tạo cơ hội vun trồng đạo đức, xa lánh rượu chè cờ bạc.
            07- Thực tập un đúc các đức khiêm nhượng, biết ơn và tri túc (biết thế nào là đủ).
            08- Thân cận với các khất sĩ mà học hỏi đạo lý.
09- Sống một cuộc sống trong sạch theo nguyên tắc bốn sự thật.
10- Học cách thiền quán để tháo bỏ những phiền não và ưu sầu trong cuộc sống.
            Nếu hành đúng như lời Phật dạy thì hạnh phúc có ngay trong đời nầy vậy
 
Tài liệu tham khảo:
            - Eight Wordly Conditions
            - Ðường xưa mây trắng
            - Kinh Majjhima Nikaya
            - Ðời sống trong Tứ Cấm Thành
-- o0o --