CÁI DUYÊN CHỮ TÂM
Ngày 29 tháng 5 Ðinh Sửu
July 4th, 97
Minh Tâm-Nguyễn Ð. Chí
--o0o--
 
            Năm lên mười tuổi, mẹ dẫn hai anh em tôi đến chùa Giác Nguyên để xin Hoà Thượng Hành Trụ cho hai anh em được Quy Y Tam Bảo. Tên tôi là Chí, viết theo chữ Nho gồm có hai phần, phía trên là chữ Sĩ, phía dưới là chữ Tâm.  Không rõ có phải vì đó mà thầy đặt pháp danh cho tôi là Minh Tâm hay không? Tôi hơi ngạc nhiên vì pháp danh của mình lại trùng tên em tôi là Ngọc Tâm. Tôi hỏi mẹ:
            Tại sao thầy lại lấy tên em Tâm đặt pháp danh cho con? Sao thầy không dùng tên con đặt pháp danh cho em?
            Mẹ tôi cười bảo:
            - Không phải đâu! Pháp danh của con theo bốn chữ Minh Tâm Kiến Tánh rất tốt. Còn pháp danh của em(Minh Huệ) là do hai chữ Ma Ha Bát Nhã cũng hay lắm.
            Ðối với tôi, câu giải thích của bà chẳng khác nào không giải thích gì cả, bởi vì lúc ấy mớ chữ Nho với chữ Phạn kia chỉ làm tôi thêm rối mù, không biết đàng nào mà lần!
            Sau bữa quy y ấy trở về nhà, đêm nào mẹ tôi cũng lôi hai anh em tôi ngồi hai bên để cùng tụng kinh với bà trên căn gác nhỏ thờ Phật. Hầu như những kinh mẹ tôi tụng đều từ Hán Việt, tôi đọc theo khá suông sẻ nhưng chẳng hiểu gì ráo. Mẹ bảo tôi cầm dùi chuông nhìn vào quyển kinh để đọc, và dặn rằng cứ đến chỗ nào có cái khuyên tròn thì đánh 1 tiếng. Bà nói, tụi con phải ráng tụng kinh để được thông minh sáng láng, học hành giỏi giắn, thi đâu đậu đó. Vì vậy hai anh em tôi ráng tụng theo bà chỉ vì lời này chớ chẳng biết kinh sách nói gì!
            Những kinh mẹ tôi thường hay tụng là Phổ Môn, Kim Cang, Pháp Hoa ... Dù là tụng kinh nào, đến lúc sắp kết thúc buổi công phu, mẹ tôi cũng đọc một bài Bổ Khuyết Tâm Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Ða. Lúc đầu, tôi không thấy điều ấy có gì lạ. Về sau đọc lâu dần, hầu như tôi thuộc lòng bài kinh mà không nhìn vào quyển kinh, mặc dù toàn bài kinh đều là chữ được dịch âm bằng Hán Việt.
            Có một hôm, tôi hỏi mẹ:
            - Mẹ, tại sao cứ tụng gần xong lại đọc bài Ma ha Bát nhã Ba La Mật Ða vậy ?
            Mẹ tôi đáp:
            - Bởi vì ý nghĩa của bài này gom đủ hết ý nghĩa của các kinh, cho nên nếu mình có tụng sơ sót, hay hiểu không hết ý kinh vừa tụng thì đọc bài này để lấp vào chỗ sót đó. Như vậy mới không mang tội tụng kinh sai sót.
            Tôi lại càng khó hiểu:
            - Tại sao tụng kinh sai sót lại mang tội?
            Mẹ tôi giải thích:
            - Mình tụng kinh là đọc lại lời Phật giảng dạy cho nhớ nằm lòng, rồi ngẫm nghĩ suy xét cho hiểu mà làm. Nếu như tụng sai thì nhớ sai, rồi nghĩ sai và làm sai. Ðó là lỗi nơi mình. Nhưng còn một lỗi nữa là lúc mình tụng, chung quanh có nhiều người nghe được, nếu họ nghe sai sót rồi hiểu và làm sai sót thì cái tội của mình thêm lớn, cũng như vô tình kéo người ta vô đường quấy.
            Tôi nghe mẹ nói sao hay vậy, chỉ hiểu lờ mờ là bài Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh là một bài quan trọng, còn quan trọng thế nào thì đành chịu.
            Một thời gian sau tôi bận học thi Tiểu Học, kế đến lại phải học thi vào trường Trung học công lập. Mẹ tôi không gọi tôi theo bà hàng đêm tụng kinh nữa, vì muốn để tôi có thì giờ ôn tập bài vở. Từ ấy đến mãi về sau, tôi ít có dịp tụng kinh chung với mẹ, nhưng bài Bát Nhã Tâm Kinh vẫn như một dấu ấn trong ký ức tôi. Rồi tôi bước dần qua các kỳ thi Trung Học, Tú Tài, tôi vẫn nhớ lời mẹ, thỉnh thoảng theo bà lên gác cùng tụng kinh để được thông minh sáng láng, học hành giỏi giắn, thi đâu đậu đó như một thói quen từ thưở ấu thời. Những từ Hán Việt khi ấy đối với tôi trở nên dễ hiểu hơn, song tôi vẫn không quan tâm lắm đến ý nghĩa sâu sắc của lời kinh.
            Trong lứa tuổi học trò, tôi rất mê truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân kể về thầy Trần Huyền Trang đời Ðường, vì thông thuộc ba Tạng Kinh Ðiển nên được nhà Vua quý mến, và sắc phong làm Tam Tạng Pháp Sư đi sang Tây Trúc thỉnh kinh Phật cùng với ba đệ tử là Ngộ Không, Ngộ Năng, và Ngộ Tịnh. Trong truyện có nói, trên đường đi, Tam Tạng đã gặp được Ô Sào Thiền Sư, và ông này đã truyền cho bài Bát Nhã Tâm Kinh, dặn hể gặp lúc bất an thì đem ra niệm. Tôn Ngộ Không thường hay nhắc sư phụ niệm kinh nầy. Từ nhỏ đến lớn, tôi đọc Tây Du Ký cả thảy ba bốn lần. Chuyện Ô Sào Thiền Sư truyền Tâm Kinh cho Tam Tạng khiến tôi càng nhớ mãi bài kinh mà tôi vẫn ôm ấp thắc mắc từ bé.
            Thời gian trôi dần, tôi lớn lên, làm việc, lập gia đình. Cuộc chiến VN ngày càng khốc liệt, tôi bị gọi nhập ngũ, vào quân trường, rồi ra đơn vị. Lúc sắp lên đường, mẹ tôi gọi đến, đưa cho một cái túi vải nhỏ, chỉ lớn hơn bao diêm một chút, trong ấy có đựng một quyển Nghi Thức Tụng Chú Lăng Nghiêm nhỏ xíu, lật ra nằm gọn trong lòng bàn tay.
            Mẹ tôi dặn:
            - Con mang theo bên mình, khi nào rảnh lấy ra đọc cho nhớ. Lúc gặp chuyện nguy khốn có thể niệm để được an tâm mà qua khỏi khổ nạn. Ráng giữ cho kinh đừng bị mất mát hư rách.
            Tôi đã theo lời mẹ, ráng giữ gìn kinh không bị hư rách, mất mát.  Nhưng suốt cuộc đời lính của tôi, tôi chỉ giở ra đọc được có vài lần. Bản văn toàn là chữ Phạn âm ra Hán Việt, ở phần cuối có ba bài quen thuộc với tôi thưở bé: Chú Ðại Bi, Tâm Kinh và Tam Quy Y. Ngoài bài Chú Ðại Bi cũng là tiếng Phạn, cả hai bài Tâm Kinh và Tam Quy Y đều in từ Hán Việt.
            Mẹ tôi mất lúc bà 75 tuổi. Thầy Huệ Hải, cũng đã ngoài 70, đến làm lễ cầu nguyện cho Bà trong đêm mẹ tôi hấp hối sắp ra đi. Ðược dịp trò chuyện với Thầy, tôi mới hay sư phụ của mẹ tôi ngày xưa là sư cụ Thiên Thai, đồng huynh đệ với sự phụ của Thầy Huệ Hải, vì vậy Thầy mới đến viếng mẹ tôi và đích thân cầu nguyện cho Bà. Nhân đó, tôi có nhắc lại với Thầy những thắc mắc tự thưở nhỏ về bài Bát Nhã Tâm Kinh. Thầy giải thích rằng: Bài Tâm Kinh nầy là một bài thần chú được chư Tôn Ðức rút ý nghĩa chính yếu từ bộ Kinh Ðại Bát Nhã thuộc hệ thống Kinh Tạng Ðại Thừa, thâu trọn ba dấu ấn lớn trong giáo lý của Phật là KHÔNG, VÔ TƯỚNG và VÔ TÁC, lời lẽ thật ngắn gọn súc tích, muốn hiểu rốt ráo thì phải chịu khó nghiên cứu giáo lý. Thầy có dạy, giáo lý của Phật là dùng trí huệ làm đuốc soi sáng phá cái u tối để nhìn thấy được chân tánh của mình, cho nên phải suy nghĩ tìm hiểu cho thật sâu khi đọc kinh, hiểu được rồi thì đem soi rọi lại nội tâm của mình, như vậy cái thấy mới không bị nhầm lẫn.
            Tôi thưa với thầy rằng, tuy tôi đã quy y Tam Bảo từ nhỏ, nhưng chùa không thường đến, thầy không thường gần, nên giáo lý chẳng hiểu được bao nhiêu. Còn sư phụ Hành Trụ của tôi bấy giờ có lẽ cũng đã nhập Niết Bàn lâu rồi. Mấy năm trước, tôi có chép tay bản nghĩa của Thập Nhị Nhân Duyên, Tứ Diệu Ðế, Bát Chánh Ðạo, những kinh cùng tụng đọc với mẹ hồi nhỏ đều quên hết cả vì kinh toàn là từ Hán Việt cao sâu khó hiểu.
            Thầy Huệ Hải dạy, bao nhiêu đó là căn bản đủ để nghiên cứu, bởi vì lúc Phật đắc đạo bắt đầu thuyết pháp cũng chỉ giảng bấy nhiêu ấy thôi.
            Cái duyên của tôi với Thầy Huệ Hải còn được thêm vài lần trò chuyện nữa, trong những lần sau tôi cũng được thầy chỉ dẫn thêm ít nhiều, tiếc là tôi đang chuẩn bị xuất ngoại, không có thời giờ nhiều để học hỏi với Thầy thêm.
            Tôi rời Việt Nam, theo lời thầy, tôi tự tìm hiểu, nghiên cứu giáo lý Phật một mình qua bài vở kinh sách mà tôi kiếm được của các Thiền Sư Nhất Hạnh, Thanh Từ. Bài Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh dần dần sáng tỏ trong lòng tôi.
            Tôi biết được Ma Ha là to lớn mênh mông hay quãng đại; Bát Nhã (Prajna) là trí huệ; Ba La Mật Ða (Paramita) từ Hán Việt dịch là Ðáo Bỉ Ngạn tức là vượt qua đến phía bên kia bờ, còn có nghĩa là cứu cánh đạt tới. Thầy Nhất Hạnh dịch Bát Nhã Ba La Mật Ða là Diệu Pháp Trí Ðộ.
            Mấy chữ A-nậu-đa la tam-miệu tam-bồ đề (Anudhar Sami Sambodhi) dịch sang từ Hán Việt là Vô thượng Chánh đẳng Chánh Giác, nghĩa là cái hiểu biết tột cùng, vô tận, đúng đắn chẳng sai trật.
            Câu chú cuối bài toàn chữ Phạn âm Hán Việt: Yết đế, Yết đế, ba la yết đế, ba la yết đế, bồ đề tát bà ha(Gati, gati, pragati, prasamgati, bodhi svaha). Tôi chưa từng được đọc, hay nghe giải thích trọn vẹn, song nhờ cố tìm hiểu, tôi cũng có thể tự giải thích với riêng mình là: Giải thoát, giải thoát, giải thoát vượt bờ bến, giác ngộ đến cùng. Người ta đã dùng 3 chữ đầu của câu chú (Gati, Gati, Pragati) để dịch sang Anh Ngữ và đặt thành tên 1 bộ fim: Gone, Gone, Gonebeyond. 
            Tôi cảm thấy vui và thanh thản trong sự tìm hiểu của mình, mặc dầu tôi hoàn toàn dốt chữ Phạn, lại thêm không rành Hán Văn, nhưng tôi đã giải tỏa được cái thắc mắc từ thưở ấu thời cho đến nay đã vượt quá tuổi năm mươi. Nhiều lần đọc lại bài Bổ Khuyết Tâm Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Ða bằng từ Hán Việt, tôi đã tâm đắc cái nghĩa theo ý mình, bởi tôi cảm thấy mình có cái duyên với bài thần chú nầy. Tên tôi có lồng chữ Tâm bên  trong, lại thêm được sư phụ đặt pháp danh cũng có một chữ Tâm, và cái tựa bài Bát Nhã Tâm Kinh là chữ Tâm thứ ba. Có phải chăng đó là một cái duyên trùng hợp đã khiến cho tôi suốt gần 40 năm ôm ấp thắc mắc và tìm cách giải tỏa tự riêng mình?
-- o0o --