Mùa Xuân & Thiền Sư
Nhất  Quán
--o0o--
             
            - Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
            Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai
                                   (Mãn Giác Thiền Sư)
           
            Ðịnh luật tuần hoàn luôn thay đổi. Hết Xuân đến Hạ, hết Thu nối tiếp mùa Ðông. Nguyên lý vận hành nầy bất di bất dịch từ thế hệ nầy qua thế hệ khác. Khách quan chúng ta thấy đó là lẽ tự nhiên của trời đất, cũng vì vậy mà không ai để ý tới sự thay đổi nữa và mặc nhiên chấp nhận. Thật sự thì không đơn thuần như chúng ta nghĩ. Nhìn kỹ thì chúng ta mới thấy những nguyên lý của sự tàn tạ cũng như sự trưởng thành có sự mâu thuẫn chống trái nhau. Việc xét nghiệm lý giải để tự tạo cho mình một mớ kinh nghiệm bổ ích cho việc tu tập là việc làm cần thiết. Tôn Giáo Phật Giáo ra đời nhằm thỏa mãn và hỗ trợ cho mục đích dẫn dắt con người hiểu rõ được chân giả của cuộc đời, rồi từ đó chúng ta lần lần đi đến chỗ bỏ giả tìm chân.
A- Nhận Thức Về Vô thường
Trong Kinh Bát Ðại Nhân Giác nói về Nguyên Lý Duyên Khởi và Vô Ngã, Ðức Phật đã dạy: Các pháp là giả dối hư vọng, không có tự tánh, và vì không có tự tánh nên luôn luôn tùy theo hoàn cảnh mà biến đổi không một giây phút ngừng nghỉ. Những biến đổi thuộc về Lý Vô Thường là một sự thật hiển nhiên trước mặt, được chứng minh bằng kinh nghiệm của những giác quan trong đời sống hằng ngày. Như có nhà thơ Việt Nam đã từng nói:
- Sông kia rày đã nên đồng
Bên làm nhà cửa bên trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
            Vô Thường làm cho ta thấy mọi sự mọi vật, tất cả đều không có thực thể, vì luôn luôn biến đổi. Mọi cá thể, mọi sự, mọi vật đều đặt trong tình trạng bất định diễn biến không ngừng theo định luật: Sanh, Trụ, Dị, Diệt, hay: Thành, Trụ, Hoại, Không qua các phương diện:
1-   Thân Vô Thường
Nói đến thân Vô Thường là muốn nói đến kiếp sống của con người Vô Thường. Sanh, Lão, Bệnh, Tử là bốn đại bất hạnh của kiếp người. Ðời sống của con người Vô Thường bắt đầu ngay từ khi đứa bé chào đời:
- Mới sanh ra thì đã khóc oé
Trần có vui sao chẳng cười khì?
Cho đến khi khôn lớn, cả một sự thay đổi toàn diện, vậy mà kiếp người vì quá nông nổi nên không thấy trong thân thể chúng ta các tế bào có sự thay đổi. Các tế bào cũ từng giây từng phút chết đi, các tế bào mới từng giây từng phút xuất hiện. Khoa học như Thiên Văn Học có thể dùng Viễn Vọng Kính để coi thấy sự hình thành của những thế giới trong tương lai, các Bác Sĩ Y Khoa đã có sự tiến bộ vượt bực làm cho thụ thai nhân tạo, đem tinh trùng của người nầy cho người khác mang thai, trị được những chứng bệnh hiểm nghèo bằng những phương pháp Y Khoa tân kỳ, nhưng vẫn không tránh được luật Sanh, Già, Bệnh, Chết.
2-   Tâm Vô Thường
            Nói Tâm Vô Thường là nói đến sự Vô Thường từng sát na. Tâm niệm của chúng ta thay đổi từng giây từng phút theo ngoại cảnh, chúng ta có thể thấy vui đó, buồn đó, ghét đó rồi thương đó. Nên Ðức Phật đã dạy:
            - Tâm người như Vượn chuyền cây
            Như Ngựa rông chạy ngoài đồng nội.
            Thật vậy, tâm niệm của chúng ta sanh diệt từng sát na, và chính vì nó sanh diệt như thế, nên ta có cảm tưởng như không thay đổi gì cả. Nhưng sự thật tâm niệm của ta được cấu tạo từng niệm sanh diệt, theo như ở trong Abhidharma có nói: Một sự kích thích ở ngoài ngang qua năm căn, thời cả một số tâm tiếp diễn liên tục khởi lên diệt xuống cho đến mười sáu lần sát na tâm được tiếp diễn như sau:
1- Hữu phần chuyển động
2- Hữu phần dừng nghỉ
3- Ngũ môn hướng tâm
4- Nhãn thức hay một trong bốn thức khác
5- Tiếp thọ tâm
6- Suy đạt tâm
7- Xác định tâm
8-14 Tốc hành tâm
15-16 Ðồng sở duyên tâm.
Như vậy từ Hữu Phần Chuyển Ðộng cho đến Ðồng Sở Duyên Tâm có tất cả mười sáu sát na tâm, nếu chúng ta cộng một tâm sát na nữa, thì thời gian cần thiết để đối tượng ở ngoài tiếp xúc với nội tâm, thời chúng ta thấy đời sống một lộ trình của tâm có đến 17 tâm sát na và có tới bảy loại tâm khởi lên diệt xuống trong một lộ trình từ ngũ môn hướng tâm, đến Ðồng Sở Duyên Tâm, nhưng vì chúng ta không nhận được sự biến chuyển mau lẹ đó, nên ta cứ tưởng đơn thuần bất biến. Trong Thanh Tịnh Ðạo Luận, ngài Buddhaghosa nói: Mỗi sát na sanh tồn thoáng qua trong chớp nhoáng, như một chiếc bánh xe khi lăn đi, chỉ tiếp mặt phẳng tại một điểm. Cũng vậy, mỗi sát na sanh tồn của chúng ta, chỉ tồn tại trong một tâm niệm. Khi tâm niệm dứt thì đời sống của chúng ta cũng dứt. Theo quan niệm đó con người biến đổi từng sát na một. Cái ta phút trước đâu phải cái ta phút nầy, cái ta phút nầy đâu phải cái ta phút sau. Cái nầy diệt thời cái kia khởi liên tiếp không gián đoạn. Vậy cái nào là cái Ta thật? Có một thi sĩ Việt Nam hỏi:
            - Ai bảo giùm: Ta có, Ta không?
            Câu hỏi này mới nghe ta thấy có vẻ ngớ ngẩn, nhưng khi nghĩ kỹ không phải hoàn toàn vô lý, mà nó còn có ý nghĩa sâu sắc nữa là khác.
3-   Nhất Kỳ Vô Thường
Hay còn gọi là Vô Thường của Tất cả các Pháp Hữu Vi. Gọi là pháp Hữu Vi là muốn nói những gì hiện hữu do nhân duyên tạo thành. Trong sự biến đổi của tất cả các Pháp Hữu Vi, chúng ta thấy rõ mọi sự mọi vật đều có sinh diệt trên thân, tâm, hoàn cảnh, sơn hà đại địa. Chúng ta thường lầm tưởng chỉ có sinh vật mới có biến đổi, chứ những vật lớn như núi sông, đất cát thì không biến đổi, nhưng sự thật núi sông cũng có núi trẻ núi già, đất cũng có chỗ lở chỗ bồi. Những sự kiện đó kinh nghiệm của giác quan bình thường của con người ai cũng nhận được cả. Hiện nay các nhà Ðịa Chất Học đã chứng minh những Ðại Lục đã bị tách rời, hoặc sẽ tách rời ra khỏi đại lục như trường hợp ở California, các nhà Ðịa Chất Học đã tiên đoán phần đất nầy sẽ tách rời khỏi lục địa của Bắc Mỹ trong một tương lai nào đó. Có những hòn đảo bị chìm sâu trong lòng bể cả, có những vùng đất sụp do ảnh hưởng của địa chấn như ở San Francisco, những biến đổi do núi lửa tạo ra như ngọn núi Saint Helen và những giòng sông khô cạn trở thành bình nguyên..v..v..
Những cái Vô Thường như đã nêu ở trên là những biến đổi để đi đến chỗ phân chia hoặc diệt vong. Ngoài ra chúng ta còn thấy có những cái biến đổi để trưởng thành, như một em bé, từ khi sanh ra, nếu không có sự bến đổi của Vô Thường, chắc chắn sẽ không bao giờ lớn và trưởng thành. Ðiều này chứng minh được sự Vô Thường không phải chỉ có gây tai họa, phiền não, mà nó còn có tác dụng tiến hoá trong cuộc sống, vì vậy mà chúng ta không lạ gì khi nghe ngài Mãn Giác Thiền Sư tuyên bố:
- Ðừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Ðêm qua mai nở trước hành lang.
Hai câu thơ trên, Ngài Mãn Giác Thiền Sư đã nói rõ về tính cách Vô Ngã, Vô Thường của vạn sự vạn vật trong vũ trụ. Quả thật sự sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày chỉ là dòng biến đổi liên tục của nhân duyên. Ðời sống của mỗi chúng ta, cũng như cuộc sống của tất cả các loại khác hiện hữu do nhân duyên hợp biến nên giả có, nhưng không có ngã thật vì nó thay đổi luôn. Những khổ đau của kiếp người phần lớn là do lòng mong cầu chiếm hữu, mà Vạn Pháp vốn không có tự tánh thì làm sao chiếm giữ. Như có người nói:
- Tôi muốn cho nắng đừng rọi
Cho màu đừng nhạt bớt.
Tôi muốn cho gió đừng thổi
Cho hương đừng bay đi.
Sự thật mình muốn là mình muốn, nhưng định luật biến đổi tự nhiên nó có chiều ai đâu! Nắng không rọi nhưng theo dòng thời gian thì màu cũng phai nhạt. Gió không thổi đi nữa nhưng hương cũng sẽ mất dần với hư vô, vì tất cả Vạn Pháp là Vô Ngã, thay đổi luôn nên sự tìm cầu không được thỏa mãn lại trở thành bất mãn:
- Tôi có chờ đâu có đợi đâu
Ðem chi xuân đến gợi thêm sầu
Với tôi tất cả đều vô nghĩa
Tất cả không ngoài cái khổ đau.
                                    (Xuân Diệu)
Dục vọng của con người còn là đau khổ còn, nên thi sĩ Ðoàn Như Khuê đã nói:
- Bể khổ mênh mông sóng ngụt trời
Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi
Kìa ai ngược gió ai xuôi gió
Ngoảnh lại cũng trong biển khổ thôi.
Một khi con người để cho dục vọng lôi cuốn, khởi lên những hành động tạo tác rồi cho nó là có thật, nhưng thật sự chỉ là huyển cảnh. Con người mê chấp cái thật ấy vì không phân rõ lý Vô Thường, Vô Ngã của Ðức Phật đã dạy nên trở thành đau khổ khi những mong cầu không thỏa mãn. Nếu chúng ta chịu khó nhận xét chiều sâu thì sẽ thấy: Nhờ sự Vô Thường, Vô Ngã của các Pháp mà đời sống mới có linh động và con người mới có tài năng, trí tuệ của mình đẩy mạnh bánh xe tiến hóa của nhân loại.
B- Nhận Thức Về Vô Ngã
            Như trên đã nói, cuộc đời là Vô Thường, nên không thật có cái gì của ta, do đó Ðức Phật ngài dạy chúng ta luôn luôn quán các Pháp Hữu vi như mộng như huyển, sắc thân, tri giác, cảm giác ý thức, và những tạo tác của tinh thần cũng đều không phải của mình. Ngay cả ý niệm sâu dày thầm kín về cái ta, về Bổn Tánh Ðồng Nhất và Bổn Tánh Liên Tục cũng không phải là của ta mà là vọng tưởng. Sở dĩ có ý niệm Ðồng Nhất và Liên Tục về cái ta là chỉ vì có ký ức. Tất cả như: Hình hài, tế bào, lục phủ, ngũ tạng, khối óc. các hệ thần kinh, cảm giác và ý tưởng cũng có ký ức của nó. Tất cả ký ức kết thành một ý niệm Ðồng Nhất Tính, nhưng cái Ðồng Nhất Tính nầy cũng giả tưởng, bởi vì cái Ðồng Nhất Tính nầy mà có đều do sự giả hợp mà có. Có người chấp ngã, thì cho bản ngã là trường tồn là chủ tể bất biến, tuy nhiên thực tế thì thân và tâm của chúng ta lại biến đổi từng sat na, cho nên không thể bảo là tự ngã. Như vậy nếu phân tích Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức thì không có cái gì gọi là cái riêng của ta cả. Nên Ðức Phật dạy: Mọi sự vật không có sự vật nào có cái ta riêng biệt. Tất cả các Pháp đều chỉ là hợp tướng tạm thời, khi duyên đủ có nhiều phần tử tụ hội lại với nhau, lúc nào hết duyên thì các phần tử phân ly. Như vậy cái ngã của con người chỉ là cái tổng hợp của Sắc Tâm chứ thật thể của ngã thì không có, mà thân tứ đại nầy lại biến đổi Vô Thường từng giây từng phút thì cái ta làm sao có thật. Trong Kinh Kim Cang Ðức Phật có dạy:
- Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyển bào ảnh
Như lộ diệt như điển
Ứng tác như thi quán.
Nghĩa là:
- Tất cả các Pháp Hữu Vi
Như chiêm bao bọt bóng
Như sương rơi sấm chớp
Phải quán sát như thế.
Theo ý đó, ngành Y Khoa Sinh Lý Học ngày nay cho biết rằng trong cơ thể của mỗi người, cứ từng sát na có hằng triệu triệu tế bào già chết đi và có hằng triệu triệu tế bào trẻ sanh trưởng để thay thế( như đã nói ở trên). Như vậy từ bé cho đến khôn lớn trưởng thành, chúng ta không phải chỉ có một thân mà là có rất nhiều thân nối tiếp nhau. Trong Kinh Na Tiên Tỳ Kheo có đoạn:
Vua Di Lan Ðà hỏi:
- Người thác sanh trở lại
            Là người cũ hay khác
            Na Tiên Tỳ Kheo đáp:
            - Cũng không phải người cũ
            Cũng không phải người khác.
            Vua Di Lan Ðà không hiểu xin thí dụ:
            - Xin ngài cho thí dụ
            Ðể cho trẫm hiểu rõ.
            Na Tiên Tỳ Kheo đáp:
            - Bệ hạ lúc còn nhỏ
            Với con người bây giờ
            Là một hay là khác
            Vua Di Lan Ðà đáp:
            - Bạch: Khác, không phải là một.
            Na Tiên Tỳ Kheo hỏi:
            - Nếu vậy thời Mẫu Hoàng
            Và Phụ Hoàng bây giờ
            Và Bệ Hạ đâu có
            Ông thầy nào dạy học
            Vì những ông thầy đó
            Dạy Thái Tử xưa kia
            Chứ không phải Bệ Hạ?
            Vua Di Lan Ðà hỏi:
            - Bạch ngài, lời ngài dạy
            Tôi chưa được hiểu rõ
            Ðiều nầy ai hỏi ngài
            Thì ngài đáp thế nào?
            Na Tiên Tỳ Kheo đáp:
            - Người bần tăng hồi nhỏ
            Với người bây giờ đây
            Vốn là một mà thôi
            Những khoảng đời tuy khác
            Nhưng cũng một thân thể
            Và cũng một tinh thần.
            Vua Di Lan Ðà hỏi:
            - Xin ngài cho thí dụ
Ðể cho trẫm hiểu rõ.
Na Tiên Tỳ Kheo đáp:
- Như người có ngọn đèn
Ngọn đèn ấy có thể
Cháy đến sáng hay không?
Vua Di Lan Ðà đáp:
            - Có thể cháy đến sáng
            Na Tiên Tỳ Kheo hỏi:
            - Ngọn đèn lúc đầu hôm
            Ngọn đèn lúc giữa đêm
            Ngọn đèn lúc hừng sáng
            Có giống nhau hay không?
            Vua Di Lan Ðà đáp:
            - Bạch ngài không giống nhau
            Na Tiên Tỳ Kheo hỏi:
            - Trong ba khoảng cùng đêm
            Vậy người ta có thắp
            Ngọn đèn nào khác không?
            Hay chỉ một ngọn đèn đó?
            Vua Di Lan Ðà đáp:
            - Vốn một ngọn đèn thôi
            Một tiêm một thứ dầu
            Nhờ đó mà cháy được
Từ đầu hôm đếm sáng
            Na Tiên Tỳ Kheo dạy:
            - cũng như thế chẳng khác
            Sự liên tiếp các Pháp
            Vốn là trường tồn vậy
Cái Pháp nầy đã đi
Cái Pháp kia sẽ lại
Tinh thần của con người
Là trường tồn bất diệt
Nhưng nó và thai sanh
Sanh ra rồi lớn lên
Thân thể già rồi chết
Nó thác sanh trở lại
Nhập vào bào thai khác
Cho nên mới nói rằng
Cũng không phải người cũ
Cũng không phải người mới.
Qua đoạn kinh nói trên làm cho chúng ta hiểu rằng chúng ta có rất nhiều thân, sở dĩ chúng ta thấy có một thân vì sự thay đổi quá vi tế,  nên giác quan bình thường của con người không đủ khả năng trực nhận. Trong khi đó Ðức Phật hiểu rõ con người cũng như tất cả mọi sự vật không có bản chất vĩnh cửu, toàn trí toàn năng, bất sinh bất diệt. Dưới cái nhìn Trung Ðạo, Phật Giáo không chủ trương tiêu diệt hẳn, cũng không chủ trương trường tồn. Vì nếu như các Pháp trường tồn thì các Pháp phải là những cái gì có thật, vĩnh cửu, bất biến, phải hoàn toàn độc lập và không bị lệ thuộc vào một sự vật khác để sinh ra, hay nói một cách khác rõ ràng hơn là không bị chi phối bởi luật duyên sanh. Ðiều nầy không thể có được. Nhưng các Pháp không phải hoàn toàn không thật, vì một vật một khi đã không có thật thì không bao giờ xuất hiện. Chủ trương Trung Ðạo quan niệm rằng các Pháp tuy có nhưng không phải có một cách tuyệt đối. Bởi vì Vạn Pháp Sanh Khởi do Lý Duyên Sanh, nhưng thật thể của nó đều tự nơi Bản Thể Nhất Như  lưu hiện. Vì thế mà Vạn Pháp chỉ có hình tướng giả hợp mà không có thật. Như thế thuyết Vô Ngã Ðức Phật ngài dạy không phải không có cái ta, nhưng cái ta ấy không thực thể vì theo định luật Vô Thường nên nó biến đổi không ngừng.
C- Tìm Cái Chân Thường Chân Ngã Trong Vô Thường, Vô Ngã
            Chánh Pháp của Ðức Phật đã khai mở Diệu Lý Bát Nhã giống như lăng kính muôn mặt, với nghìn vạn sắc mầu để từ đó chúng ta dùng ánh sáng của Bát Nhã soi vào hai mặt Lý-Sự, Tánh-Tướng của vũ trụ, để từ đó ta có cái nhìn dự phóng về tương lai chính xác hơn, chứ không phải dụng ý thuyết minh về Nguyên Lý Duyên Khởi, Triết Lý Vô Thường, Vô Ngã để dạy chúng ta có cái nhìn bi quan yếm thế như một số người đã không biết hay đã cố ý không biết đã từng xuyên tạc. Chủ ý của Ðức Phật nói ra điều nầy để chỉ dạy cho chúng ta biết được: Vạn Pháp giai không, hay duyên khởi tánh không để từ những cái Vô Ngã, Vô Thường chúng ta phải tìm cho được cái Chân Ngã, Chân Thường.
            Những bậc thánh nhân, thường thì các ngài nhìn đời bằng đôi mắt tinh tường và thấy rõ giả tưởng của cuộc đời như mộng, như huyển, nên cuộc sống của các ngài thanh đạm, không bị trói buộc trong cảnh giàu sang danh lợi, như cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng nói:
- Một mai một cuốc một cần câu
Thơ thẩn cùng ai vui thú nào
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, Ðông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, Hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhấp
Nhìn xem phú quý tợ chiêm bao.
Những vị có tham cứu chút ít về nghĩa lý sâu xa của Ðạo Phật nên sống với tâm hồn thanh tịnh, và thản nhiên trước mọi sự đua đòi của thế sự.
- Tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc.
Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn.
Nghĩa là:
- Biết đủ là đủ, chứ chờ đủ thì không bao giờ đủ
Biết nhàn là nhàn, chứ chờ nhàn thì sẽ không bao giờ có được nhàn.
Riêng về những ai đã thâm nhập Phật Lý hiểu rõ Lý Duyên Khởi, Thuyết Lý Duyên Sanh, thì sẽ nhận chân được vạn sự vạn vật không thật có tự ngã riêng biệt, mà chỉ theo duyên hoà hợp kết thành. Duyên hoà hợp kết thành hiện ra tuồng như có. Duyên hết phân ly tan biến dường như không. Có và Không đều do ảnh tượng kết hợp hình thành không chắc thật. Các Thiền Sư đã thấy được sự Vô Thường, và đã vượt ra ngoài cuộc sinh hoá của vũ trụ như:
1-   Mãn Giác Thiền Sư
Ngài mãn Giác Thiền sư đắc đạo vào thời vua Lý Nhân Tôn, thế kỷ thứ 11 đã thấy được những cảnh vật trong vũ trụ, tất cả đều do những huyển tượng không có gì vĩnh cửu. Giống như hoa với mùa Xuân: Mùa Xuân hết trăm hoa đều héo rụng, mùa Xuân đến trăm hoa lại đua nở. Ðời người cũng như vậy, những lúc tuổi trẻ, công việc hằng ngày từng giây từng phút đi qua trước mắt mình không để ý, cái già nó đến trên đầu mình lúc nào mà không hay, tuy nhiên cũng đừng tưởng rằng Xuân qua rồi tất cả các hoa đều phải rụng hết, mà giữa lúc trời Ðông giá lạnh, giữa những cây cối trơ trụi đó vẫn còn có một cành mai nở rộ. Ngài Mãn Giác Thiền Sư đã thấy được sự Vô Thường, và ngài vượt ra ngoài cuộc sinh hóa của vũ trụ:
            - Xuân khứ bách hoa lạc
            Xuân đáo bách hoa khai
            Sự trục nhãn tiền quá
            Lão tùng đầu thượng lai
            Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
            Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai.
            Tạm dịch:
            - Xuân đã qua thời tiết đổi thay
            Trăm hoa tàn úa rụng rơi đầy
Ðịnh luật tuần hoàn luân lưu mãi
            Rồi lại Xuân về trăm hoa khai.
            Kiếp người ngắn ngủi với thời gian
Trẻ đi già đến thật ngỡ ngàng
Ðừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết
Ðêm qua mai nở trước hành lang.
2- Vạn Hạnh thiền Sư
Là một vị Thiền Sư đắc đạo vào đời Lê-Lý. Ngài là người có công đào tạo Lý Công Uẩn, sau nầy là vua Lý Thái Tổ, trước khi thị tịch ngài có để lại bài kệ giác ngộ, trong bài kệ đó ngài đã nói lên cả tánh tướng của vũ trụ:
- Thân như điện ảnh hữu  hoàn vô
Vạn mộc Xuân vinh Thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô úy thí
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Nghĩa là:
- Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ Xuân tươi tốt Thu qua rụng rời
Xá chi suy thịnh cuộc đời
Thịnh suy như giọt sương rơi đầu cành.
3- Viên Chiếu Thiền Sư
Một khi đã thấy được bản ngã thì đối với Vạn Hữu là đại vũ trụ, và bản thân là tiểu vũ trụ, tuy hai mà là một. Ngài Viên Chiếu Thiền Sư đã nhận thức được điều đó nên sự chuyển dịch của thời gian năm tháng như không còn có ý nghĩa:
- Chẳng thấy Xuân sanh cùng Hạ trưởng
Theo liền Thu chín với Ðông tàn.
4- Vua Trần Nhân Tôn
Nói đến vua Trần Nhân Tôn, trước hết chúng ta hãy nói đến khía cạnh của người anh hùng cứu nước. Ngài làm vua 14 năm từ năm 1279-1293. Trong thời gian ấy đất nước Ðại Việt đứng trước hiểm họa xâm lược lần thứ hai, lần thứ ba của giặc Nguyên-Mông. Trong hai lần kháng chiến nầy, Trần Nhân Tôn đã trở thành là sợi dây kết chặt lòng dân, lãnh đạo quân dân Ðại Việt vượt qua bao khó khăn, đưa cuộc chiến đấu tới thắng lợi huy hoàng. Qua hai cuộc kháng chiến, Trần Nhân Tôn đã chứng minh ngài vừa là nhà chiến lược tài giỏi, vừa là vị tướng cầm quân dũng cảm ngoài chiến trường. Chính vào những lúc đầu của cuộc kháng chiến năm 1285, khi quân ta đang còn ở thế không cân sức với đối phương, Trần Nhân Tôn đã viết lên đuôi chiến thuyền hai câu thơ đầy khí phách và niềm tin vào sức mạnh tiềm tàng của quân ta:
- Cối kê cựu sự quân tu ký
Hoan diễn do tồn thập vạn quân.
Nghĩa là:
- Cối kê chuyện cũ ngươi nên nhớ
Hoan diễn đang còn chục vạn quân.
Hai câu thơ nầy cùng với hai câu Trần Nhân Tôn viết bên lăng Trần Thái Tôn tại Long Hưng (Thái Bình)lúc làm lễ dâng tù binh mừng chiến thắng lần thứ ba:
- Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn Hà thiên cổ điện kim âu.
Nghĩa là:
- Xã Tắc hai lần lao ngựa đá
Non sông nghìn thưở vững âu vàng.
Tất cả đều đi vào lịch sử như một ký ức bất diệt về chiến công bình Nguyên-Mông năm 1285 và 1288 trong đó Nhân Tôn là vị chủ soái. Khi nhìn nhận nguyên nhân thắng lợi nhà Trần đã giành được trong sự nghiệp cứu nước, Trần Nhân Tôn đã chú ý tới vai trò của người dân lao động mà thời đó gọi là gia nô, gia đồng. Ngài cho rằng họ mới là những người trung thành với đất nước khi có giặc ngoại xâm.
 Xét trên bình diện Triết Học, Trần Nhân Tôn có một vị trí quan trọng. Ông là một triết gia lớn của Phật Học Việt Nam. Với Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử mà Trần Nhân Tôn đứng đầu, triết học Phật Giáo Việt Nam thời Trần đã phát triển rực rỡ và thể hiện đầy đủ trí tuệ Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam. Nét đặc trưng nổi bật của tư tưởng triết học Trần Nhân Tôn là tinh thần thực tiễn. Về phương diện thi sĩ ngài là một người có tâm hồn thanh cao, phóng khoáng, một cái nhìn tinh tế, tao nhã, nhất là đối với cảnh vật thiên nhiên. Thơ của Trần Nhân Tôn, ngoài vẻ đẹp của một âm điệu hồn hậu, còn bao hàm một ý vị thiền, gợi mở một thế giới tinh thần thanh khiết.
Sau 14 năm làm vua, theo truyền thống của nhà Trần, Nhân Tôn nhường ngôi cho con là Anh Tôn rồi làm Thái Thượng Hoàng và Ngài đã ý thức được cảnh đời phù du giả tạm, nên đã từ bỏ cảnh phồn hoa đô hội, những xung đột của cuộc đời, thăng trầm của thế sự để đi tìm cái vô tâm vô cầu, sau nầy trở thành tổ thứ nhất của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, một phái Thiền để lại dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Một khi tâm của con người bình an phẳng lặng thì thiên nhiên vạn hữu cũng hiện ra đầy đủ một cách trung thực như:
- Ðịa tịch đài thêm cổ
Thời lai Xuân vị thâm
Vân Sơn tương viễn cận
Hoa kính bán tình thâm
Vạn sự thủy lưu thủy
Bách niên tâm giữ tâm
 lan hoành ngọc địch
Minh nguyệt mãn hưng khâm.
Nghĩa là:
- Ðất hoang đài thêm cổ
Xuân vẫn đầy khí sắc
Núi mây xa gần đó
Ðường hoa sáng bóng mờ
Dòng đời trôi chảy mãi
Trăm năm lòng với lòng
Lan can cầm ngọc địch
Trăng sáng đầy chân tâm.
Và:
- Niên thiếu chưa từng hiểu Sắc Không
Ngày Xuân hoa nở rộ trong lòng.
Kết Luận:
Khi thấu rõ danh lợi trên thế gian là huyển mộng, con người khi ra đời cũng như lúc từ giã cõi đời với hai bàn tay trắng, thì chúng ta nên tập sống tri túc tức là sống biết đủ. Người biết tri túc thì đời sống an vui, thủ thường hành đạo. Ðể tạo tư lương cho chính mình tiến bước trên con đường giác ngộ giải thoát, bằng cách tìm về thiên nhiên với cỏ cây ngoài đồng nội:
- Mùa Xuân bỏ vào suối chơi
Nghe chim hót núi gọi trời mưa hoa
Múc bình bát nước về qua
Ghé thôn mai nọ hỏi trà mạn xưa.
Cũng có người:
- Xuân đến đồng hoa cỏ nội
            Xuân về một mái tranh cài
            Tùng cúc đi về ngõ hẹp
            Phù du bào ảnh nhập thiên thai.
            Nhìn hình ảnh của chư Phật, chư Tổ, chư vị Thiền Sư đã là tấm gương sáng chói vượt hẳn thời gian và không gian để trở thành những đối tượng vĩnh viễn trong lònh nhân loại. Ngày nay nếu tất cả mọi người con cùng hiểu thấu được định luật của vũ trụ, thì sẽ thấy được thiên nhiên vốn sẵn có sức sống vô bờ, và những vẻ đẹp thuần khiết. Những cái nầy chỉ thấy khi mà tất cả mọi người biết giữ tâm trí tự nhiên trước mọi cảnh vật, không sôi động, không mang cái chủ quan vọng động đầy mặc cảm của mình, có như thế mới thấy được mùa Xuân liên miên bất tận chứ không phải chỉ có mùa Xuân theo bốn mùa của nhân thế.
 
Tài liệu tham khảo:
- Bát Nhã Cương Yếu
- Văn Học Lý Trần
- Kinh Na Tiên Tỳ Kheo Vấn Ðáp
- Phật Học Phổ Thông
- Văn Hoá Việt Nam
-- o0o --