Tiền Tiết Kiệm
Diệu Liên
--o0o--
 
Cuộc sống hiện tại trong các nước văn minh vật chất, nhất là một quốc gia như Hoa Kỳ, ngân hàng là nơi ký thác số tiền bạc mà chúng ta đang có. Người khách ngân hàng hay là nguời có tiền ký thác thường có hai chương mục:
- Một là Checking, là loại chi phiếu thường được sử dụng hằng ngày.
- Hai là Saving, là loại tiết kiệm chúng ta có thể gởi số tiền nhiều nhất mà mình đang có, số tiền nầy là tiền để dành.
Hôm qua Tâm Nghĩa là người bạn thân gọi điện thoại cho tôi. bạn bè thì có nhiều chuyện để nói, hắn nói rằng:
- Có một đứa bé rất là may mắn được sanh trong gia đình Bill Gates, một tỷ phú nổi tiếng Hoa kỳ. Không nói nhưng ai cũng biết là đứa bé may mắn nầy chắc chắn sẽ có một đời sống đầy đủ.
Nghe Tâm Nghĩa nói thế, tôi chợt nhớ đến những đứa trẻ sanh vào các nước chậm tiến, quần áo không đủ mặc, cơm không đủ no lòng, nên góp ý:
- Tâm Nghĩa ạ! Trường hợp như thế bạn có thấy đấng tạo hóa có bình đẳng hay không?
Không do dự, Tâm Nghĩa nói:
- Tạo hóa là đấng toàn năng tất nhiên là phải công bình, tại sao bạn lại hỏi thế?
Tôi ngơ ngẩn hỏi:
- Thế thì tại sao lại có những sự khác biệt như thế.
Tâm Nghĩa cười rồi nói rằng:
- Gieo hạt nào thì hái quả nấy. Như bạn có một chương tiết kiệm vậy, bạn có bỏ vào thì bạn mới có tiền lời. Nên nhớ rằng thời gian càng lâu thì tiền lời càng nhiều. Nguyên tắc thì không sai, bạn có bỏ vào nhiều thì đương nhiên bạn có nhiều. Một đứa bé được sinh vào nhà giàu thì chúng ta có thể hiểu rằng kiếp trước nó có bỏ chương mục cho kiếp sau. Sự tái sinh vào các giai cấp, mà người ta thường hay phân biệt giàu nghèo thì còn tuỳ thuộc vào sự biết tiết kiệm của mỗi cá nhân. Ðức Phật thường dạy chúng ta: Nhìn thấy cuộc sống hiện tại giàu hay nghèo, thì có thể biết được chúng ta đời kiếp trước đã làm gì. Muốn biết kiếp sau của chúng ta như thế nào, thì hãy nhìn vào hiện tại coi chúng ta đang làm gì.
Ngừng một chút lấy hơi, Tâm Nghĩa nói tiếp:
- Bạn đã có một Quỹ Tiết Kiệm cho kiếp nầy, thì cũng nên mở một Quỹ Tiết Kiệm cho kiếp sau, bạn có nghĩ như thế không?
Lời nhắc của Tâm Nghĩa làm tôi nhớ loáng thoáng đến thuyết Nhân Quả của Ðức Phật dạy, nhưng tôi không rõ cho lắm nên tôi thật thà hỏi:
- Thế thì muốn để cho kiếp sau thì phải làm sao?
Nghe Tôi hỏi Tâm Nghĩa cười rồi trã lời:
- Nên bố thí.
Tôi hỏi gặng:
- Bố Thí?
Tâm Nghĩa ôn tồn trả lời:
- Ðúng, phải nên bố thí.
Ngừng một chút Tâm Nghĩa nói tiếp:
- Bạn không nghe người ta thường nói: Người ăn thì còn, con ăn thì mất hay sao?
Tôi suy nghĩ về những lời Tâm Nghĩa nói, mà lời nào của hắn cũng có lý. Không thể nói gì thêm tôi đành thả lỏng một câu cho thuận miệng:
- Bố thí thì chỉ có những người giàu có lắm tiền, chứ những người nghèo cơm không đủ ăn, áo không đủ mặt thì tiền đâu mà bố thí.
Tâm Nghĩa cười và nói:
- Nghèo mà dám bố thí mới là chuyện đáng nói, đáng tuyên dương. Nói cho bạn nghe, việc bố thí không nhất thiết đòi hỏi bạn phải bố thí hàng trăm, hàng ngàn mới gọi là bố thí, mà tất cả đều tùy thuộc vào khả năng và điều kiện của bạn. Thí dụ bạn có hai mươi đồng, thì bạn có thể bố thí năm hoặc là mười đồng, như vậy cũng kể là một phân nửa, hoặc là một phần tư tài sản của bạn rồi, hơn nữa bạn bố thí với một tâm thành khẩn thì công đức của bạn cũng không phải là chuyện nhỏ. Trái lại những người nhà giàu, họ có nhiều tiền, họ phải bố thí hàng trăm, hàng ngàn mới bằng công đức của bạn được, đó là nói họ bố thí với một tâm niệm chí thành, còn nếu bố thí mà còn có điều kiện này, hay danh tướng nọ thì không có gì hết, bạn có nghĩ như thế không?
Như để trấn an tôi, Tâm Nghĩa nói tiếp:
- Sự bố thí của bạn ở kiếp nầy không mất đi đâu hết, mà đó là Trương Mục Tiết Kiệm kiếp sau của bạn, như tôi đã nói. Sự bố thí là một trong những công đức to lớn nhất mà Ðức Phật thường dạy, và trong nhân gian chúng ta cũng thường nghe: Có đức mặc sức mà ăn. Tuy nhiên khi phát tâm bố thí ta cũng nên biết sự bố thí nầy phải được gởi đến tận nơi cho những người đáng giúp, hoặc những nơi đang cần giúp đỡ ngặt nghèo nhất, nếu không thì sự bố thí của chúng ta không có ý nghĩa. Chắc hẳn bạn còn nhớ những con đường mòn ở thôn quê miền nam, dân địa phương thường để một cái lu nước và một cái gáo dừa trước cửa nhà để khách qua đường có nước giải khát dưới ánh nắng thiêu đốt của mặt trời. Ðó cũng là sự bố thí.
            Lời Tâm Nghĩa không biết vô tình hay cố ý thì không biết, nhưng làm cho tôi chợt nhớ đến những đồng bào, đồng hương tại Việt Nam trong cơn hoạn nạn bão lụt vừa qua đang cần sự giúp đỡ. Một nắm khi đói bằng một gói khi no. Sự bố thí của các bạn cũng như tôi rất cần thiết cho những người hoạn nạn, biết đâu trong những người hoạn nạn đó cũng có những bà con, thân bằng quyến thuộc của mình. Nào xin mời các bạn cùng tôi giảm bớt những sự mua sắm không cần thiết nào đó trong kỳ giáng sinh năm nầy, để gọi là góp một chút phần nhỏ trong công cuộc giúp đỡ những đồng bào, đồng hương bất hạnh tại quê nhà. Tôi xin nhắc lại tiền mà các bạn bố thí bây giờ đây chính là tiền tiết kiệm các bạn dể dành cho kiếp sau đó.
-- o0o --