Pháp Bảo Ðàn Kinh
Trúc Giao Ghi
(tiếp theo kỳ trước)
--o0o--
 
b- Bài Kệ Kiến Tánh Của Huệ Năng
            Kinh Văn:
Cách hai ngày sau, có một chú tiểu đi ngang qua chỗ giã gạo tụng lên bài kệ ấy. Ðại Sư Huệ Năng vừa nghe, biết rằng bài kệ ấy chưa thấy được Bổn Tánh. Tuy chưa mong cầu ơn đức chỉ dạy, nhưng đã biết được đại ý, mới hỏi đồng tử rằng:
- Tụng kệ chi đó?
            Ðồng Tử nói:
            - Ông là người lạp lão, chẳng biết chi. Ðức Ngũ Tổ có dạy: Người đời sanh tử là việc lớn phải chuyên tâm tu hành để giải thoát. Trong các đệ tử, ai muốn được truyền phú y pháp, hãy làm kệ trình Tổ xem, nếu ngộ được đại ý Vô Thượng Bồ Ðề thì Tổ phú y pháp cho thừa kế làm Tổ thứ sáu. Thầy Thần Tú là bậc Thượng Tọa, có chép bài kệ Vô Tướng ở trên vách hành lang phía nam, Tổ truyền dạy các đệ tử nên trì tụng, theo kệ ấy mà tu, khỏi đọa ác đạo, theo kệ ấy mà tu thì được lợi ích lớn lao.
            Sau khi nghe chú tiểu giải thích Ðại Sư Huệ Năng nói:
            - Nầy Ðại Nhân! Tôi đây đạp chày trót 8 tháng chưa từng đến giảng đường, vậy nhờ Ðại Nhân dẫn tôi đến trước bài kệ để lễ bái.
            Chú tiểu dẫn Ðại Sư Huệ Năng đến chỗ ghi bài kệ. Ðại Sư Huệ Năng nói:
            - Huệ Năng vốn không biết chữ, vậy xin Ðai Nhân đọc giùm.
            Khi đó quan Biệt Giá Giang Châu, họ Trương tên Nhật Dụng hoan hỷ cất tiếng đọc lớn. Ðại Sư Huệ Năng nghe xong nói:
            - Tôi cũng có bài kệ xin quan Biệt Giá biên giùm cho.
            Quan Biệt Giá nói:
            - Ông biết làm kệ sao? Thiệt là việc ít có!
            Ðại Sư Huệ Năng nói với quan Biệt Giá rằng:
            - Muốn học đạo Vô Thượng Bồ Ðề, chẳng nên khinh người sơ học, có người thuộc bậc hạ nhưng được thượng trí, người thuộc bậc thượng nhưng không có trí.
            Quan Biệt Giá nói:
            - Ông hãy đọc kệ, tôi sẽ chép giùm, ông nên hứa, nếu ông đắc đạo, phải độ tôi trước và xin đừng quên lời.
            Ðại Sư Huệ Năng đọc kệ:
            - Bồ Ðề vốn không cây
            Gương sáng cũng không đài
            Xưa nay không một vật
Chỗ nào dính bụi nhơ.
Kệ biên xong đại chúng xem thấy thất kinh, mọi người hội lại ca tụng và tán thán: Lạ thay! Không nên lấy hình thức bên ngoài mà đoán người. Nếu hiểu được như vậy thì bấy lâu nay chúng ta há lại dám sai khiến một vị nhục thân Bồ Tát. Thật là đắc tội.
Khi Ðức Ngũ Tổ thấy đại chúng hoảng kinh như vậy, Tổ lo sợ có tiểu nhân ác tâm mưu hại Ðại Sư Huệ Năng, nên ngài lấy giày chà hết bài kệ rồi nói:
- Kệ này cũng chưa thấy tánh.
Ðại chúng nghe nói đều lặng thinh, in trí là phải.
Giảng:
Như tất cả mọi người ai cũng biết, sau khi Thượng Tọa Thần Tú trình kệ xong, mọi người đều nghe Ðức Ngũ Tổ dạy, nếu ai siêng năng đọc tụng bài kệ, và y cứ theo đó mà tu tập thì sẽ được phước lợi,ngoài ra  thì họ không cần biết là bài kệ đó có đạt đạo hay không, có đựợc Tổ chấp nhận hay không, và có giúp ích được gì cho họ hay không, nhưng nghe Tổ dạy như thế thì họ cứ làm như thế chứ không biết gì hết. Vì vậy mà mọi người ai cũng thi nhau đọc tụng, một trong số người đó có chú tiểu đi ngang qua chỗ ngài Huệ Năng giã gạo và đọc bài kệ. Nhân đây mà Ðại Sư Huệ Năng mới biết có những biến chuyển trong Thiền Ðường. Nghe qua bài kệ mặt dầu Ðại Sư Huệ Năng là người dốt chữ nhưng bù lại có một trí huệ siêu việt, nên khi nghe bài kệ của Thượng Tọa Thần Tú là ngài biết ngay chưa thấy tánh, cũng nhờ bài kệ chưa thấy tánh của Thượng tọa Thần Tú nên đã gây một sức phản động quyết liệt trong nội tâm của Ðại Sư Huệ Năng xưa nay ngài chỉ linh cảm một cách mơ hồ. Tác dụng bài kệ của Thượng Tọa Thần Tú là làm hiện rõ trong tâm thức của ngài Huệ Năng vốn từ trước còn hoang mang chưa biết mình đã biết gì, để cuối cùng đã làm sáng tỏ, đốt cháy những vô minh hoặc cuối cùng qua bài kệ Vô Tướng:
- Bồ Ðề vốn không cây
            Gương sáng cũng không đài
            Xưa nay không một vật
Chỗ nào dính bụi nhơ.
Khi thấy bài kệ Vô Tướng của Ðại Sư Huệ Năng thì mọi người ai ai cũng kinh ngạc, trạng thái khinh khi là Dân Mọi Rợ giờ đây không còn nữa để nhường chỗ cho sự kính nể ngợi khen theo lời cảnh giác của Ðại Sư Huệ Năng:
- Muốn học đạo Vô Thượng Bồ Ðề, chẳng nên khinh người sơ học, có người thuộc bậc hạ nhưng được thượng trí, người thuộc bậc thượng nhưng không có trí.
Từ đó mọi người mới ý thức được rằng: Những người bần cùng hèn hạ cũng có trí Huệ Tối Thượng, và những người ăn trên ngồi trước cũng không phải là người đã có được thượng trí. Cho nên việc đánh giá một con người không phải chỉ căn cứ vào những hình tướng bên ngoài mà phải căn cứ vào sự hiểu biết và hành xử của người ấy.
Bây giờ đây chúng ta thử tìm hiểu về bài kệ Vô Tướng của Ðại Sư Huệ Năng:
Bồ Ðề vốn không cây: Ý nghĩa của câu nầy đã ra khỏi thân tướng.
Gương sáng cũng không đài: Ý nghĩa câu nầy đã ra khỏi tâm tướng.
Từ vô thỉ cho đến ngày nay, chúng sanh bỏ chân theo vọng, chấp thân tứ đại giả tạo là thân thật có, chấp tâm điên đảo làm tâm thật có. Ý thức được tất cả những thứ nầy đều là giả tạo. Nghiệm xét cho tinh tường thì đúng là:
Xưa nay không một vật
Chỗ nào dính bụi nhơ.
Hai câu cuối trong bài kệ nầy bao hàm ý nghĩa cao siêu tuyệt đối, thoát ly tất cả các tướng: Tướng Ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Bốn tướng ấy tức là không phải tướng, vì nó như huyễn như mộng không phải thật thì những bụi bặm, trần cấu phiền não không có chỗ dính bám vào. Ly tất cả những phi tướng không có thật, tức là tất cả các pháp, thông suốt cái diệu dụng của tất cả các pháp đạt đến chỗ rốt ráo thì gọi là chư phật. Chư phật tức là Kim Cang Bát Nhã, là cái biển đại tịch diệt ly tướng như trong Kinh Kim Cang có dạy:
Ly tất cả các tướng tức là chư Phật.
Như chúng ta thấy cả hai bài kệ của Thượng Toạ Thần Tú ví thân là cội Bồ Ðề, tâm như đà gương sáng, nên phải thường xuyên lau chùi, nên Thượng Tọa thần Tú còn bị vướng mắc vào Thân Tướng, Tâm Tướng, trong khi đó Lục Tổ thì ngài nói: Bồ Ðề không phải là thân mà là tánh giác. Tánh giác không có hình tướng nên không có bụi bặm trần cấu nào dính được. Bài kệ Vô tướng của ngài Huệ Năng hoàn toàn ngược lại với bài kệ của ngài Thần Tú, đây không phải đối chọi mà là nói đến cảnh giới thấy tánh của Lục Tổ, nên Ngài bác bỏ những chấp trước về hình thức, vượt thoát tất cả để tiến đến gần với cảnh giới của chư phật, để tiến thẳng vào ngưỡng cửa Phật Pháp, vì thế mà ai đọc qua bài kệ nầy cũng đều thấy sảng khoái, ngạc nhiên, khen ngợi..v..v... Riêng về ngài Lục Tổ Huệ Năng từ khi chưa trở thành Tổ Sư của Ðông Sơn Pháp Môn thì ngài dùng chữ Bồ Ðề để diễn đạt sự chứng ngộ của mình. Ðến khi đăng đàng thuyết pháp trong sứ mạng hoằng truyền chánh pháp ngài vẫn khuyến khích tất cả mọi người phải xử dụng tánh Bồ Ðề để thành Phật: Các vị Thiện Tri Thức, tự tánh Bồ Ðề bản lai thanh tịnh, vận dụng tâm ấy tức nhiên thành Phật. Câu nói đó phải được coi là căn bản tư tưởng cả cuộc đời của Lục Tổ. Tư tưởng căn bản nầy đứng về bất cứ giáo nghĩa nào trong Phật Giáo cũng có thể giải thích một các minh bạch, do đó bất cứ cương vị nào ai ai cũng thực hành được cả. Ðó không phải là một câu nói mơ hồ như những người mơ hồ nói úp úp mở mở để tỏ ra rằng chỉ có một mình họ hiểu nổi điều sâu xa. Câu: Tự tánh Bồ Ðề bản lai thanh tịnh, vận dụng tâm ấy tức nhiên thành Phật Chính câu nói ấy là ý muốn nói: Mọi người muốn thành Phật thì phải Phát Bồ Ðề tâm chứ không có chi khác. Thật sự như vậy, từ ngữ Phát Bồ Ðề Tâm cũng như danh từ Bồ Ðề, tuy là ngôn ngữ thông dụng của tất cả chư Phật Tử, nhưng nghĩa lý của nó được hiểu rành mạch thì không có được bao nhiêu người. Bởi vậy muốn hiểu rõ tư tưởng của Ðức Lục Tổ trước hết chúng ta phải quán sát thật kỹ về sự phát Bồ Ðề Tâm. Nơi đây chúng ta có thể chia ra làm ba phần: Bồ Ðề, Bồ Ðề Tâm, và Phát Bồ Ðề Tâm.
A- Bồ Ðề:
Y theo Kinh Luận thì Bồ Ðề có 10 nghĩa khác nhau.
1-   Danh Nghĩa Của Bồ Ðề:
Bồ Ðề là tiếng Phạn dịch là Ðạo có hai nghĩa. Nghĩa đen là đường đi. Nghĩa suy diễn là Trí Ðức. Tuy nhiên chữ Bồ Ðề là Ðạo chúng ta thương bị hiểu lầm với tư tưởng của Lão Trang do đó chữ Bồ Ðề được hiểu là Giác mới được chính xác.
2- Phẩm Loại Bồ Ðề:
            Bồ Ðề có nghĩa là Giác nên khi Giác hiện thì Mê phải tiêu diệt, giống như một khi ánh sáng xuất hiện thì bóng tối sẽ không còn nữa. Chư vị thánh giả đã tiêu diệt trừ được mê hoặc đều được hiển lộ trí giác Bồ Ðề. Bồ Ðề có ba lọai:
            - Thanh Văn Bồ Ðề
            - Duyên Giác Bồ Ðề
            - Vô Thượng Bồ Ðề.
            Trong số ba lọai Bồ Ðề nầy thì chỉ có loại thứ ba là trí giác tuyệt đối viên mãn, vì ở đây mê hoặc mới được diệt sạch, như ánh sáng của thái dương lúc xuất hiện thì bóng tối cũng biến mất.
            3- Tự Tánh Của Bồ Ðề:
            Tất cả ba loại Bồ Ðề nêu trên, đều có đặc tánh chung là Huệ Tâm Sở trong năm Tâm Sở Biệt cảnh:
- Dục Tâm sở
- Thắng Giải Tâm Sở
- Niệm Tâm Tâm Sở
- Ðịnh Tâm Sở
- Huệ Tâm Sở
Nếu nói Vô Thượng Bồ Ðề không, thì tự tánh Bồ Ðề là 4 trí:
- Ðạo Huệ Trí tức là thật tánh.
- Ðạo Huệ Chủng Trí tức là cái trí biết các đạo trong mười pháp giới.
- Nhất Thiết Trí tức là cái trí biết tất cả, biết rằng các pháp, các tướng đều là tịch diệt.
- Nhất Thiết Chủng Trí là cái trí hoàn toàn, biết tất cả, biết rằng các pháp, các tướng đều tịch diệt, biết các hành động và hiện tượng của nó.
Như trên chúng ta thấy, nếu 4 trí là tự tánh của Bồ Ðề thì hai lọai Bồ Ðề của Thanh Văn và Duyên Giác chỉ được một phần của Diệu Quán Sát Trí mà thôi, chỉ có Vô Thượng Bồ Ðề của Phật Quả mới được viên mãn. Vậy ba loại Bồ Ðề là bình đẳng tướng, Vô thượng Bồ Ðề mới là Thù Thắng Tướng. Phần Vô Thượng Bồ Ðề nầy mà tự tánh là 4 trí nầy trường phái Thiên Thai gọi là Thật Trí Bồ Ðề.
4- Tương Ưng Của Bồ Ðề:
            Ở đây phải hiểu rằng tự tánh của 4 trí vẫn là Vô Lậu Huệ trong Biệt Cảnh Tâm Sở. Bốn trí là do chuyển 8 thức mà thành
            - Ðệ Bát Thức thành Ðại Viên Cảnh Trí
- Ðệ Thất Thức thành Bình Ðẳng Tánh Trí
- Ðệ Lục thức thành Diệu Quán Sát Trí
- Năm Thức thành Thành Sở Tác Trí.
Bốn trí nầy tất nhiên ở giai đọan Vô lậu, mỗi trí đều có 21 Tâm Vương và Tâm Sở tương ưng với nó: 1 là thức căn bản tức là tâm vương của nó, cộng với 11 Thiện Tâm Sở, 5 Biến Hành, 4 Biệt Cảnh và nó tức là Huệ Tâm Sở. Ðiều cần chú ý là giai đoạn Vô Lậu có nghĩa là thuần thức tức trí, nên ẩn hiện Tâm Vương thành một thứ tương ưng mà đề cao trí làm chủ thể để khuyến khích phàm phu mê hoặc biết mến trọng trí ấy.
5- Năng Sanh Của Bồ Ðề:
Bồ Ðề phát sanh và viên mãn là hai yếu tố: Nhân thì do chủng tử của Vô Lậu Huệ mà làm duyên. Duyên thì do thiện hữu tri thức và Chánh pháp làm tăng thượng duyên, do hữu lậu thiện dẫn phát Vô Lậu Huệ làm đẳng Vô Gián Duyên, và do cảnh sở quán tức là quán cảnh thanh tịnh như tướng hảo của chư Phật, những cảnh khổ não của chúng sanh làm Sở Duyên Duyên.
6- Sở Ðoạn Của Bồ Ðề:
Bồ Ðề là trí giác năng đoạn. Ðoạn trừ hai chướng đó là đọan được Phân Biệt Ngã Chấp tức là Phiền Não chướng, thì được Bồ Ðề của Thanh Văn và Duyên Giác, gọi là Sanh Không Trí. Ðọan hết chủng tử cả câu sanh và phân biệt của ngã chấp và Pháp chấp thì gọi là Vô Thượng Bồ Ðề.
7- Sở Duyên Của Bồ Ðề.
            Bồ Ðề là 4 trí bao gồm hết thảy Tâm Vương và Tâm Sở tùy thuộc nên hết thảy cảnh Sở Duyên của Tâm Vương và Tâm Sở đều là cảnh của Bồ Ðề. Thế nên Bồ Ðề sở duyên là Sở Duyên với tất cả các pháp, không một pháp gì không biết. Nhất là lại biết tất cả các tự thể của nó và trong cảnh biến chiếu của Bồ Ðề, chúng sanh cảnh giới cũng như Chư Phật cảnh giới đều do hậu đặc Vô Phân Biệt Trí sở duyên, mà Chân Như, Pháp Tánh cũng là sở duyên của căn bản Vô Phân Biệt Trí. Ngoài trừ Thành Sở Tác Trí chỉ có Hậu Ðắc Vô Phân Biệt Trí, còn 3 trí kia đều đủ cả hai phần vừa nói.
            8- Sở Y Của Bồ Ðề
            Bồ Ðề cũng là một Pháp. Nhất là Bồ Ðề lại chứng ngộ chân như, nên thể tánh mà Bồ Ðề nương dựa chính là chân như Pháp Tánh. Chính vì một khi bồ Ðề đã hoàn toàn tương ưng với Chân Như rồi thì bởi Chân Như vốn bất sanh bất diệt, nên Bồ Ðề vĩnh viễn hiện hành mà không khi nào bị mê hoặc chen vào nữa.
9- Sở Khởi Của Bồ Dề
            Ở giai đọan hữu lậu, hết thảy thân độ của thức đều là sở khởi của thức, nên qua giai đoạn Vô Lậu, hết thảy Tự Thọ Dụng Thân Ðộ, Tha Thọ Dụng Thân Ðộ, Tùy Loại Hoá Thân Ðộ đều do Bồ Ðề hiện khởi. Nói tóm lại, hết thảy Y Báo và Chánh Báo của Phật quả là sở khởi của Bồ Ðề.
            10- Sở Tác Của Bồ Ðề việc làm của Bồ Ðề tức là diệu dụng của tất cả các thân độ nói trên là: Khai Thị Trí Giác Phật Cho Chúng Sanh Ngộ Nhập. Nói một cách khác là làm cho chúng sanh phát Bồ Ðề Tâm để đoạn mê hoặc, chứng Bồ Ðề. Vậy nên sở tác của Bồ Ðề chính là Ðại Nguyện Lực và Ðại Bi phương tiện của quả Phật.
B- Bồ Ðề Tâm
Nói về Bồ Ðề Tâm, nếu căn cứ vào Vô Thượng Bồ Ðề mà nói thì Bồ Ðề Tâm có ba nghĩa:
1-   Tâm Cầu Bồ Ðề Hay Còn Gọi Là Bồ Ðề Tâm
            Là cái tâm do chí nguyện mà kiến lập. Cái chí nguyện mong cầu làm sao cho đạt được Vô Thương Bồ Ðề của Phật, mà không cầu Bồ Ðề của Thanh Văn, Duyên Giác, và Bồ Tát, chí nguyện đó gọi là Bồ Ðề Tâm. Phải hiểu rằng Bồ Ðề Tâm như vậy, tức là chí nguyện như vậy. Khi phát nguyện: Phật Trí Vô Thượng Thệ Nguyện Thành chính là Dục Tâm sở phát Bồ Ðề Tâm.
            2- Tâm Có Bồ Ðề Gọi Là Bồ Ðề Tâm.
            Ở đây là chỉ cho hết thảy Tâm Vương và Tâm Sở đã tương ưng với trí giác Bồ Ðề mà bản thân là Vô Lậu Huệ: Tâm Vương và Tâm Sở có Trí Giác Bồ Ðề nên gọi là Bồ Ðề Tâm.
            3- Bồ Ðề Là Tâm Gọi Là Bồ Ðề Tâm.
            Ở đây vẫn là Tâm Vương và Tâm Sở, nhưng kể cả giai đoạn hữu lậu và vô lậu, chứ không phải chỉ kể đến lúc tương ưng với Tri Giác Bồ Ðề. Còn chữ Bồ Ðề ở đây cũng không phải chỉ kể bốn trí hay căn nguyên bốn trí là Huệ Tâm Sở, mà chính là cái đặc tính Tri Giác chung của hết thảy Tâm Vương và Tâm Sở. Chính cái Tri Giác ấy là khả năng của Trí Giác Bồ Ðề, và Trí Giác Bồ Ðề chỉ là cái Tri Giác ấy phát triển viên mãn. Vì đặc tính của Tâm là Tri Giác, Tri Giác là Bồ Ðề, nên tâm tức là Bồ Ðề.
            C- Phát Bồ Ðề Tâm
Từ ngữ nầy có bốn nghĩa quan trọng:
1- Thệ Nguyện Phát:
Tức là lập chí nguyện mong cầu Bồ Ðề, gọi là phát Bồ Ðề Tâm. Như vậy chữ phát nghĩa là lập chí, chữ Tâm là thệ nguyện, và Bồ Ðề là Vô Thượng Bồ Ðề.
2- Tự Tánh Phát:
Tức là bản tánh Bồ Ðề tự phát hiện. Như vậy chữ phát ở đây là tự phát hiện ra, chữ tâm là Tâm Vương và Tâm Sở đang ở giai đọan hữu lậu, còn chữ Bồ Ðề chính là đặc tính của Tri Giác chung của hết thảy Tâm. Tuy nhiên, nếu cái biết đó sai thì gọi là mê hoặc, nhưng nếu quay lại vận dụng cái biết ấy cho đúng thì gọi là Giác Ngộ. Ðiều quan trọng là do đặc tính Tri Giác của Tâm chứng minh Tâm đã biết sai tức là có thể đúng, chính mê rồi sẽ ngộ. Vấn đề chỉ là ở chỗ biết quay cái biết đó lại, vận dụng cho đúng thì Tri Giác sẽ phát triển thành Trí Giác. Cho nên Tri Giác đến Trí Giác chỉ là đặc tính Bồ Ðề của tâm: Tự cái đặc tính ấy phát hiện ra, làm Tri Giác thành Trí Giác, thì gọi là tự tánh phát Bồ Ðề Tâm. Căn nguyên của sự tự phát hiện nầy là bắt nguồn từ Chủng Tử Vô Lậu, đặc biệt là Chủng Tử Vô Lậu của Huệ Tâm Sở. Chính do chủng tử nầy, vốn có như bao nhiêu chủng tử khác, nên dầu mê hoặc luân hồi đến thế nào đi nữa, nhưng một khi gặp trợ duyên chúng cũng sẽ phát hiện làm cho Tri Giác phát triển thành Trí Giác.
3- Trợ Duyên Phát:
Tức là tự tánh Bồ Ðề mà phát hiện được, mặc dầu tự tánh vốn Bồ Ðề, nhưng cũng phải do sự kích động, giúp đỡ của các yếu tố khác như: Gặp thiện hữu tri thức, chánh pháp huân tập..v..v..mới phát hiện được.
4- Ðẳng Phát Lưu:
Tức là tự tánh phát sanh, và tiếp tục phát triển. Nên Ðẳng Lưu Phát là tự tánh Bồ Ðề, mà căn nguyên là Chủng Tử Vô Lậu Huệ được liên tục phát triển cho đến hoàn thành Vô Thượng Bồ Ðề, bằng cách trải qua các Bồ Tát địa đoạn trừ hết các lớp Vô Minh mê hoặc, cho đến khi mê hoặc được trừ rốt ráo thì Bồ Ðề được phát triển rốt ráo.
Hiểu được nghĩa Bồ Ðề, Bồ Ðề Tâm, và Phát Bồ Ðề Tâm rồi thì chúng ta mới thấy được tư tưởng của Lục Tổ Huệ Năng, và tất cả những căn bản mà ngài Huệ Năng có được là từ nơi Kinh Kim Cang như chúng ta đã biết.
Khi thấy mọi người ai cũng trầm trồ khen ngợi bà kệ Vô Tướng của ngài Huệ Năng, thì Ngũ Tổ liền lấy dép chùi và bảo: Kệ nầy cũng chưa thấy tánh. Ở điểm nầy chúng ta thấy Ðức Ngũ Tổ quả thật là người hiểu tâm lý, biết được lòng của tất cả mọi người. Lòng người luôn luôn là lọc lừa xảo trá, nên Ngũ Tổ e ngại ngài Huệ Năng bị hại, nên Tổ nói bài kệ của ngài Huệ Năng cũng chưa thấy tánh, vì thế mới bảo toàn được sự an nguy cho ngài Huệ Năng.
c- Truyền Tâm Pháp Yếu
            Kinh Văn:
Qua ngày sau, Ðức Ngũ Tổ lén một mình đi xuống chỗ giã gạo, thấy Huệ Năng làm việc, nói rằng: Người cầu đạo phải khổ như vậy ư? Rồi Tổ hỏi:
- Gạo đã trắng chưa    
Ðại Sư Huệ Năng Bạch:
- Bạch Hòa Thượng, gạo trắng đã lâu, nhưng còn thiếu cái sàng.
Ngũ Tổ không nói gì cả, lấy tích trượng gõ vào cối ba lần rồi xây lưng đi. Huệ Năng lãnh hội được tôn ý của Tổ, khi trống điểm canh ba thì đi ngã hậu vào tổ đường. Ðức Ngũ Tổ lấy Cà Sa choàng lên mình Ðại Sư Huệ Năng không cho người thấy, rồi nói Kinh Kim Cang cho Ðại Sư Huệ Năng nghe, tới câu: Ưng vô sở trụ nên sanh kỳ tâm, thì Ðại Sư Huệ Năng tỏ ngộ tất cả pháp bất ly tự tánh nên bạch:
- Rõ được tự tánh gốc thanh tịnh,
Rõ được tự tánh gốc không sanh diệt,
Rõ được tự tánh gốc hoàn toàn,
Rõ được tự tánh gốc không lay chuyển,
Rõ được tự tánh sanh các pháp.
Ðức Ngũ Tổ biết Ðại Sư Huệ Năng tỏ ngộ được Bổn Tánh nên dạy rằng:
- Chẳng biết bổn tâm, học Pháp vô ích, biết được bổn tâm, thấy được bổn tánh mới là Ðại Trượng phu, là Thiên Nhân Sư, là Phật.
 Giảng:
Khi bài kệ Vô Tướng của ngài Huệ Năng viết ra trên vách làm cho mọi người ngạc nhiên, bàn tán, ca ngợi..v..v..Ðức Ngũ Tổ vốn biết ngài Huệ Năng là Pháp Khí, và vì vậy ngài mới hết bày ra cuộc trắc nghiệm nầy lại đến cuộc trắc nghiện khác, trước khi trao truyền trọng trách cho Ðại Sự Huệ Năng. Ðến đây Ngũ Tổ không còn nghi ngờ gì nữa về khả năng lãnh hội của Ðại Sư Huệ Năng, cho nên cách mấy ngày sau Ngũ Tổ mới âm thầm xuống nhà bếp để gặp Huệ Năng. Thấy Ðại Sư Huệ Năng chỉ vì muốn cầu chân đạo mà phải cực nhọc trong việc lao tác làm công quả, trong khi đó tâm lý của chúng sanh thường thì thích vui chơi, nhàn nhã, trong cuộc sống sa đọa, còn cuộc sống tâm linh đạo đức thì buông thả, nếu có ý tưởng tu tập, nhưng khi gặp trở ngại chút xíu, chưa chi là đã thối lui. Ở đây chúng ta cũng thấy tinh thần vị Pháp quên mình của Ðức Lục Tổ quả thật phi thường, tinh thần đó được thể hiện qua hành động cụ thể: Suốt tám tháng ròng rã làm việc bửa củi, đạp chày giã gạo mà không biết mệt mỏi. Ðiều nầy cũng đã làm cho hàng đệ tử của ngài sau nầy mỗi khi đọc đến quá trình tu tập của ngài ai ai cũng đều cảm động, và ngay chính Ngũ Tổ đương thời cũng  phải khen:
- Người cầu đạo vì pháp mà quên mình đấy ư?
Như trên chúng ta đã biết, Ðức Ngũ Tổ bày ra việc đại chúng phải trình kệ, để bày tỏ sở đắc của mình, nhưng kỳ thật là Tổ chỉ nhắm vào việc trắc nghiệm khả năng của ngài Huệ Năng không mà thôi. Cuộc trắc nghiệm phần cuối nầy phải đợi cho đến khi Ðức Ngũ Tổ đích thân đến tận nhà bếp khảo hạch một câu hỏi cuối cùng mới được kết thúc:
- Gạo đã trắng chưa?
Ðại Sư Huệ Năng đáp:
- Bạch Hòa Thượng, gạo đã trắng rồi mà chưa có sàng.
Qua mẫu đối thọai ngắn nầy, bằng một ngôn ngữ vô cùng giản dị, nhưng lại là loại ngôn ngữ siêu tuyệt của hai vị Thiền Sư. Ðây không phải là gạo đã trắng rồi, và chỉ có cần sàng theo nghĩa thông thường, mà nó hàm một ý nghĩa như Ngũ Tổ muốn hỏi:
- Qua bao nhiêu ngày tháng làm công quả tu tập, những vô minh, phiền não con đã đọan trừ hết chưa?
Ðại Sư Huệ Năng đáp:
- Bạch Hoà Thượng, tất cả những vô minh phiền não con đã gọt rửa lâu rồi giờ đây chỉ chờ Hoà Thượng ấn chứng cho con mà thôi.
Nhận thấy cơ duyên truyền pháp đã đến, nên Tổ đã không nói một lời, và chỉ lấy gậy gõ vào cối ba lần rồi bỏ đi. Như có lần đã nói, những hành động kỳ quái cũng là loại ngôn ngữ đặc thù của chư Thiền Sư, và chỉ có Thiền Sư với Thiền Sư mới hiểu nổi, Ngài Huệ Năng đã lãnh hội. Canh ba đêm ấy ngài Huệ Năng vào Tổ Ðường gặp Sư Tổ, lúc đó Tổ mới lấy y che tất cả các cửa lại và lấy áo cà sa đắp cho ngài Huệ Năng, tiếp theo là giảng Kinh Kim Cang cho nghe, cũng nhờ đó mà Ngài Huệ Năng hốt nhiên Ðại Ngộ.
Sự việc Ðức Ngũ Tổ, trước khi truyền Y Bát và giảng Kinh Kim Cang cho ngài Huệ Năng mà phải lấy y che kín tất cả các cửa không cho mọi người thấy, lý do duy nhất là bảo vệ sự an nguy cho Ngài Huệ Năng, bởi những lý do như sau:
1- Ngài Huệ Năng không phải là người Trung Quốc mà là một thanh niên Việt Nam với số tuổi còn quá trẻ.
2- Ngài Huệ Năng chưa được Ngũ Tổ nhận làm đệ tử xuất gia, mà chỉ cho ở Chùa với tư cách của một người công quả.
            Với hai lý do đó cũng đủ làm cho những vị đệ tử xuất gia theo Ngũ Tổ từ trước không tin tưởng và phục tài của Huệ Năng, nếu không muốn nói là có sự đố kỵ, nên Ngũ Tổ phải lén lút kêu Ngài Huê Năng vào phương trượng để truyền trao Y Bát, và giảng Kinh Kim Cang cho nghe chớ không có gì bí mật cả.
Nói về sự giác ngộ của Ðại Sư Huệ Năng, chúng ta thấy, lần đâu tiên khi nghe đọc Kinh Kim Cang ngài Huệ Năng đã ngộ. Ngài ngộ ở giai đoạn nầy là ngài thấy: Thể tánh không có hình tướng, không có một vật tượng, chỉ là một thể tánh rỗng lặng, đó là tánh không vì thấy được như thế cho nên ngài mới bước được vào ngưỡng cửa Phật Pháp với bài kệ Vô Tướng. Lần thứ hai khi nghe Kinh Kim Cang đến câu: Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. ngài mới thấy rõ thực thể của bản tâm, cái thanh tịnh chưa từng sanh diệt, không giao động và hay sanh muôn pháp, cái tột cùng đó là bản tánh của chính mình
Những tiến trình giác ngộ của Lục Tổ khi còn là một chú tiều phu lúc mới được nghe Kinh Kim Cang lần đầu, cho đến khi được ở Chùa làm công quả, ngài đều nhất nhất truyền đạt lại cho nhân thế. Do đó mà chúng ta không thể không nhắc lại những gì ngài muốn truyền đạt lại cho chúng ta. Trước hết, là phải nói bản tánh thanh tịnh, và kiến tánh mới thành Phật như khi mới mở đầu Lục tổ đã dạy: Các vị Thiện Tri Thức! Tự tánh Bồ Ðề bản lai thanh tịnh, vận dụng tâm ấy tức nhiên thành Phật. Và rồi tự tánh bản lai không có một vật gì nhiễm ô thì lau chùi bụi bặm ở chỗ nào? Nhưng chính vì bản tánh thanh tịnh nên đối cảnh Vô Sở Trú là kiến tánh, thấy bản tánh đủ cả và tất cả muôn pháp không lìa tự tánh:
- Rõ được tự tánh gốc thanh tịnh,
Rõ được tự tánh gốc không sanh diệt,
Rõ được tự tánh gốc hoàn toàn,
Rõ được tự tánh gốc không lay chuyển,
Rõ được tự tánh sanh các pháp.
            Qua sự kiến tánh của Lục Tổ đã chỉ cho chúng ta biết: Muốn Kiến Tánh như vậy cần phải vượt lên trên danh từ và ý niệm, thể nghiệm chân tướng đơn thuần và toàn diện. Phải biết bản tánh tự có cái trí Bát Nhã và tự dùng trí ấy mà thường quán chiếu chứ không liên hệ đến văn tự. Bởi vậy đây là lời dạy hết sức quan trọng cho sự kiến tánh: Chỉ ở nơi tâm thường phát khởi chánh kiến, thanh tịnh, không sanh diệt, không lay chuyển, cũng từ đó làm cho trần lao phiền não không thể nhiễm ô, ấy tức là kiến tánh. Nói tóm lại, ngu mê tạo tội thì tự mở tri kiến chúng sanh ra, trong khi chánh tâm quán chiếu tự tánh, bỏ ác làm lành là tự mở tri kiến của chư Phật. Khi kiến tánh thì tánh tự đầy đủ các Công Ðức và Diệu Dụng: Phải dùng đại trí tuệ đả phá ngũ uẩn phiền não trần lao, nếu chúng ta tu hành như vậy chắc chắn sẽ biến Tham, Sân, Si thành Giới, Ðịnh, Tuệ, như vậy từ một Bát Nhã Trí sanh ra được tám mươi bốn ngàn trí, vì người đời có tám mươi bốn ngàn trần lao, nếu không có trần lao ấy tức là trí huệ thường hiện, không ly tự tánh. Thường thấy bản tánh là chân thật diệu dụng, đó gọi là công đức. Người thấy tánh thì tích tụ tất cả các điều thiện cũng được, mà phá tất cả các điều ác cũng được, nghĩa là tới lui tự tại, không vướng mắc không sợ hãi, tùy theo trường hợp mà hoạt dụng như Ðức Ngũ Tổ đã dạy: Người mà thấy tánh thì lúc bối rối như múa đao lâm trận cũng thấy ngay....Nói tóm lại: Tự tâm thường sanh trí huệ không rời tự tánh tức là Phước Ðiền, nên điều tối kỵ và tối thận trọng là phải cẩn thận, đừng quán sự yên tĩnh và làm trống không tâm mình, tâm tánh vốn thanh tịnh không có chi đáng giữ, cũng không có chi cần bỏ, hãy nổ lực và hãy tùy duyên mà hoằng dương đạo pháp và giáo hóa quần sanh. Kiến tánh như vậy, tuy không phải cầu ở người khác, nhưng sự dẫn đạo của các Ðại Thiện Tri Thức là yếu tố quan trọng. Cũng như Ðại Sư Huệ Năng, nếu không có Thượng Tọa Thần Tú thì khó có, hoặc không thể có Ðại Sư Huệ Năng. Như thế Thượng Tọa Thần Tú đã trực tiếp hoặc gián tiếp trợ duyên cho ngài Huệ Năng đắc đạo. Trí Bát Nhã của Bồ Ðề là trí mà người đời ai cũng vốn tự có cả, nhưng chỉ vì tâm mê mờ không thể tự ngộ, nên phải nhờ các vị Ðại Thiện Trí thức chỉ thị dẫn đạo làm cho kiến tánh. Cái Trí Bát Nhã vốn có thì đâu có khác gì với người đại trí, vậy mà vì lẽ gì mà khi nghe pháp không tự khai ngộ. Ðó là tại vì chúng ta tà kiến nặng nề, phiền não quá sâu dày. Vậy nên người chưa ngộ học hỏi nơi người trí, người trí thuyết pháp cho người chưa tỏ ngộ, người chưa tỏ ngộ hoát nhiên khai ngộ, thì cùng với người trí không khác biệt. Sau hết muốn kiến tánh thì phải tu hạnh Bát Nhã, trì tụng Kinh Kim Cang tức được kiến tánh. Ở điểm nầy chúng ta đã thấy qua bản thân của ngài Huệ Năng. Người học đạo không chuyên cần, không biết được bản tâm thì vô ích, học đạo mà không biết được bản tâm thì học cái gì? Học đạo cốt ngộ được bản tâm mà không ngộ được tức nhiên là học bên ngoài, chớ không phải học đạo. Còn nếu biết được bản tâm, thấy được bổn tánh, đó là Ðại Trượng Phu, là thầy của trời người, là Phật. Ðức Ngũ Tổ đã dạy như thế.(còn tiếp)
-- o0o --