Kén Rể
Trần Phong Sưu Tầm
--o0o--
            
            Thưở xưa có hai vợ chồng một thương buôn, quanh năm chí thú mua tảo bán tần, nhờ biết mưu toan đần cơ tích trữ, chụp nắm cô hội liền tay nên chẳng bao lâu trở nên giàu có. Ðến tuổi trung niên, hai vợ chồng có ba mặt con, hai trai một gái. Tuy có cả hào của lẫn hào con, nhưng ông bà vẫn không hài lòng về đường tử tức. Thằng cả thì phóng đãng chơi bời. Thằng hai thì bệnh hoạn triền miên: Duy có cô gái út biết hiếu hạnh, lam lụ làm ăn nên ông bà nhờ cậy nhiều nhất, nhưng cô là phận gái sớm muộn gì cũng xuất giá theo chồng , làm sao nối được sự nghiệp của tổ tông. Do đó, ông bà ăn không ngon ngủ không yên thường đêm nằm trăn trở lo lắng buồn phiền.
            Một hôm sau khi tính sổ cuối năm để xem làm ăn lời lỗ ra sao, thừa dịp bà thỏ thẻ bảo chồng:
            - Nhà mình giàu có chẳng kém ai, đáng lẽ chúng mình được sống sung sướng lắm nhưng xét đi nghĩ lại vẫn thấy khổ sở vô phúc thế nào ấy! Ðã sanh được ba đứa con mà hai thằng con trai chẳng được đứa nào. Thằng cả thì chơi bời lêu lỗng. Thằng hai thì đau ốm liên miên. Chỉ có con út hiếu hạnh lanh lợi, biết lo làm ăn nhưng lại là phận gái mười hai bến nước, trước sau gì cũng cất bước theo chồng làm dâu họ khác, biết trông mong vào đứa nào để nối nghiệp tổ tông. Cổ nhân dạy: Vi phú bất nhân có lẽ đúng. Nghĩ lại hai vợ chồng cứ mãi mê lo trăm phương ngàn kế gom góp của thiên hạ để làm giàu, không có thì giờ dạy dỗ con cái. Lại cũng không biết thi ân bố đức giúp đỡ kẻ nghèo, hoặc làm những việc thiện, tạo dựng phước lành để làm gương cho con, nên có lẽ trời Phật mới xui khiến hai đứa con trai nhà mình chẳng ra cơm cháo gì cả. Bây giờ mình nên hồi tâm hướng thiện may ra còn kịp. Ngày mai, nhân ngày rằm tháng bảy chúnh ta nên mua sắm hương đăng hoa quả, đến Chùa cúng Phật và xin quy y Tam Bảo, nương tựa bóng từ bi. Cầu xin chư Phật ban rải chút nước cam lộ gia hộ cho các con trai chúng ta được tật bệnh tiêu trừ, chuyển đổi tánh tình biết hiếu thuận với mẹ cha. Như vậy mới mong có người nối dõi gia nghiệp. Vậy ông nghĩ thế nào?
            Ông đáp:
            - Bà nói tui nghe bùi tai, vậy bà làm sao thì tui theo vậy.
            Sáng hôm sau hai ông bà mang hương đăng hoa quả lên Chùa cúng Phật và kể lễ tâm sự cho Hoà Thượng Trụ Trì nghe và xin được quy y Tam Bảo. Hòa Thượng từ bi truyền trao giới pháp cho hai vợ chồng và dùng lời đạo đức khuyên ông làm lành lánh dữ, nên ban ơn bố đức giúp đỡ kẻ nghèo khó hoạn nạn để vun trồng cội phước, mặt khác, y theo lời Phật dạy mà phát tâm tu hành tụng kinh niệm Phật, tin sâu luật nhân quả thì may ra các con của ông bà sẽ được tật bệnh tiêu trừ, sớm hồi tâm hướng thiện.
            Hai ông bà nghe lời Thầy khuyên dạy, về nhà tinh tấn tu hành ăn chay niệm Phật, dốc lòng làm các việc từ thiện, giúp đỡ bà con hoạn nạn từ đầu thôn đến cuối xóm. Nhưng chưa đầy sáu tháng, cậu cả ngã lăn ra bệnh nặng, vợ chồng ông phú hộ hoảng hốt chạy đủ thuốc hay thầy giỏi, cầu đảo van vái khắp nơi. Nhưng bệnh của cậu mỗi ngày  một tăng, cuối cùng cậu cả lặng lẽ từ giả cõi đời. Ðể lại cho ông bàmột nỗi buồn nhớ con khôn tả.
            Sau khi chôn cất cậu cả xong, ông bà phú hộ lên Chùa than khóc tỉ tê với Hoà Thượng về tình cảnh bạc phước của hai vợ chồng. Hòa Thượng dịu dàng khuyên lơn an ủi:
            - Con người hễ có sanh phải có tử. Ðó là định luật thiên nhiên. Từ bậc Vua Chúa quyền cao chức cả đến hạng thứ dân bần cùng hạ liệt có một ai tránh khỏi lưởi hái của tử thần đâu! Dù cho vàng ngọc có đầy kho cũng không thể mang ra đổi mạng. Bà con quyến thuộc có đầy nhà cũng không ai có thể đứng ra chết thay cho được. Cha mẹ, vợ chồng, nghĩa cha con sống chung trong một nhà chẳng khác nào bầy chim tạm ngủ qua đêm trên một nhánh cây chung. Tảng sáng ra, mỗi con bay về mỗi hướng cổ nhân đã dạy:
            - Phụ mẫu ân thâm chung hữu biệt
            Phu thê nghĩa trọng dã phân ly
            nhân tình tợ điểu đông lâm túc
            Ðại hạn lai thời các tự phi.
            Tạm Dịch:
            - Cha mẹ ơn sâu cùng có biệt
            Vợ chồng nghĩa nặng  cũng chia ly
            Tình người nào khác chim chung ngủ
            Sáng lại con nào nấy bay đi.
            Hòa Thượng nói tiếp:
            - Ai lại không muốn sống lâu để thụ hưởng những thú vui trần tục. Dù biết rằng sau những phút vui ngắn ngủi ấy chỉ tồn đọng những dư vị đắng cay. Nhưng con người không ai thoát khỏi mạng căn đã định. Cuộc đời của cậu cả ngắn ngủi vì khiếp trước cậu không gieo cái nhân trường thọ. Bây giờ ông bà có khóc lóc sầu thảm thế mấy đi nữa cũng không làm cho cậu ấy sống lại được. Tốt hơn hết ông bà nên lo tụng kinh cầu nguyện, giúp cho hương linh của cậu cả thức tỉnh để được vãng sanh về miền lạc cảnh. Ông bà nên phát tâm dũng mãnh tu hành, ăn chay niệm Phật, làm việc phước đức hơn nữa, thì may ra họa sẽ tiêu tan, gia đình sẽ an ổn.
            Nghe lời Thầy khuyên giải, hai vợ chồng phú hộ cũng nguôi ngoai nỗi nhớ thương con. Ông bà về nhà tinh tấn tụng kinh niệm Phật, trì trai giữ giới, hy vọng nhờ sức từ bi của Phật gia hộ mà gia đạo được bình yên. Nhưng chưa đầy một năm sau, cậu hai lâm bệnh sơ xài cũng ngã ra chết theo anh. Lúc bấy giờ hai ông  bà quá đau khổ nên oán trời trách đất, ta thán sư Phật không công minh. Nghi ngờ tại mình tu theo Phật nên mới chiêu tai rước họa cho gia đình.
            Sau khi lo tống táng người con thứ hai xong, hai vợ chồng lên Chùa với nét mặt hằm hằm sân hận. Hai ông bà tìm gặp nhà sư và nức nở khóc than:
            - Chúng tôi những tưởng quy y thep Phật thì sẽ được Phật phù hộ cho con của chúng tôi được mạnh lành. Nào ngờ vừa quy y Tam Bảo và lo làm phước chưa dược bao lâu mà con tôi lại chết luôn hai đứa. Nay chúng tôi xin trả phái điệp quy y chuông mõ, Phật tượng lại cho Thầy. Từ đây chúng tôi xin thôi không tu nữa!
            Vị Hoà Thượng ôn tồn khuyên bảo:
            - Con người sanh ra ở đời sự chết sống đều do số mạng. Có người được phước giàu sang mà không trường thọ. Có người được trường thọ mà không có phước giàu sang. Ðó là do nghiệp nhân đời trước chớ không phải ai muốn mà được đâu! Chết yểu hay sống lâu đều do nghiệp của kiếp trước gây tạo ra cả. Trong kinh Pháp Cú Ðức Phật có dạy:
            - Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị. Dục tri lai thế quả kim sanh tác giả thị:
            Nghĩa là:
            - Muốn biết đời trước mình đã gây những nhân gì thì hãy xem đời nầy mình đang  hưởng những quả gì. Muốn biết đời sau sẽ lãnh những quả gì, thì hãy xem hiện tại mình đang tạo những nhân gì.
            Suy theo đó thì biết, hai cậu con trai của ông bà đời trước có làm phước chút ít nên đời nầy mới đầu thai làm con ông bà để hưởng phước giàu sang. Nhưng hai cậu lại chết sớm vì không tạo nhân trường thọ. Bởi đời trước hai cậu tạo nhân ngắn ngủi, nên nay sống được có chừng ấy thôi vây xin ông bà chớ vì chỗ thấy biết hẹp hòi của mình mà sanh ra thối tâm Bồ Ðề, vùi lấp giống Phật, rồi oán hờn Phật Tổ, trách móc quỷ thần, chỉ gây thêm tội lỗi mà thôi. Ông bà nên nghĩ rằng:
            - Nhất kiếp hành thiện, thiện du bất túc. Nhất nhật tạo ác, ác tự hữu dư.
            Nghĩa là:
            - Cả đời làm lành , lành còn chưa đủ. Một ngày làm ác, ác tự có thừa.
            Ông bà nên cố gắng tinh tấn tu hành, tụng kinh niệm Phật thêm nữa để cầu nguyện cho hương linh hai cậu được siêu thoát, gia đạo được bình an, và vun trồng cội phúc về sau.
            Mặc dù Hoà Thượng hết lời khuyên giải, nhưng hai vợ chồng ông phú hộ vẫn không nguôi nổi đau khổ nỗi nhớ con. Sự phẩn uất cao độ khiến ông bà không còn bình tĩnh được nữa nên đã thốt ra những lời phỉ báng Phật Tổ rồi vùng vằng bỏ ra về.
            Trên đường về, ông đổ lỗi bà, bà đổ lỗi ông. Bấy lâu nay vì quá nghe lời Hòa Thượng dụ dỗ mình đã hăng hái tu hành, ráng làm việc phước thiện nhưng phước đâu chẳng thấy mà chỉ thấy họa gởi tai bay. Gia tài có hai đứa con trai mà nay chúng lại rủ về chơi âm cảnh. Sau nầy lấy ai để nối dõi tông đường. Tội đại bất hiếu với cha mẹ chắc không tránh khỏi. Ăn làm sao, nói làm sao với cha mẹ nếu mai đây còn gặp lại chốn suối vàng! Càng nghĩ ông bà càng thấy lòng quặn đau như bị kim châm muối xát. Lòng kính yêu Hòa Thượng bấy lâu nay đã trở thành mối thù hận không nguôi.
            Nhìn cảnh nhà hiu quạnh, lòng uất hận của ông bà càng tăng, khiến ông bà không còn phân biệt đúng sai, thiện ác. Nào phái điệp quy y, nào kinh sách Phật Tượng trên bàn thờ đều bị ông tuôn xuống đất vất ra cửa sổ, không còn một mảy may kính nể. Ông thề sẽ không bao giờ nghe theo Phật pháp nữa. Từ nay, nếu thấy Tăng Ni nào đi qua ngõ khất thực, chẳng những ông không cho mà còn tìm cách đánh đập hoặc mắng chửi thậm tệ cho hả cơn sân hận.
            Tiếc thương hai cậu con trai vắn số bỏ lại cảnh già cô đơn, bà phú hộ trước tai biến dồn dập của gia đình cũng biếng ăn bỏ ngủ. Chẳng bao lâu bà cũng trút hơi thở lìa đời. Ðể lại cho ông một nỗi sầu đơn lẻ.
            Ông phú hộ còn sống dật dờ là nhờ vào người con gái út. Cô út tuổi vừa đôi chín, nhan sắc mặn mà, lại vẹn toàn công dung ngôn hạnh. Sau khi mẹ và hai anh trai qua đời, nàng phải đứng ra đảm trách mọi việc trong nhà và săn sóc giúp đỡ cho cha. Ông phú hộ cưng quý cô út như ngọc như vàng, nên ngày đêm ông mang nỗi ưu tư làm sao tìm cho cô út một tấm chồng, không cần giàu sang phú quý, mà chỉ cần biết đạo lý thánh hiền lại văn hay chữ tốt để cô nương tựa tấm thân trong mai hậu.
            Sau nhiều ngày suy tính, ông tuyên bố cho mọi người biết điều kiện kén rễ như sau:
            - Hể ai làm thơ đắc ý ông sau ba lần được chấm đậu và ông sẽ gã con gái cho rồi giao lại tất cả sản nghiệp của ông. Trái lại nếu rớt sẽ bị đánh một trăm roi rồi đuổi ra ngoài.
            Lời kén rể của ông phú hộ được truyền rao khắp nơi. Biết bao văn nhân thi sĩ trong làng ngoài quận nô nức kéo nhau đến xin ứng thí. Họ hy vọng nếu trúng tuyển thì sẽ được làm chủ trái tim người đẹp, và thừa hưởng cả sản nghiệp của nhà triệu phú để lại. nhưng đã biết bao tao nhân mặc khách đến rồi đi, ôm mối thất vọng bị trượt và ăn đòn còn bị đuổi ra khỏi cửa. Cuộc khảo hạnh có vẻ khó khăn và nghiêm khắc, nên trải qua cả năm dài mà chưa ai trúng tuyển. lần lựa sĩ tử cũng thưa dần. Không ai dám liều mạng nhảy vào ứng thí để rước lấy những ngọn đòn nứt da xé thịt.
            Bỗng một hôm có chàng thanh niên dáng dấp như một tu sĩ, mặc áo nâu sòng, dung mạo hiền hòa phúc hậu đến xin dự thi. Người gác cổng hỏi:
            - Anh đi đâu đó?
            - Nghe đồn ông Phú hộ mở cuộc thi kén rễ nên tui đến đây để xin dự thí.
            - Có biết bao nhiêu tao nhân mặc khách đã đến xin thi, nhưng rốt cuộc đều bị ăn gậy và đuổi ra khỏi cửa. Xem bộ tịch của anh có vẻ quê mùa, tôi chắc anh khó lòng mà thi đậu. Thôi anh nên về đi đừng mơ mộng trèo cao mà bị đòn chỉ chuốc khổ vào thân.
            - Không hề chi đâu, miển anh cho phép tôi vào may ra tôi thi đậu thì ơn anh tôi không dám quên.
            - Thôi được, tại anh muốn chuốc khổ. Nếu có bị ăn đòn thì đừng trách tôi là không báo trước nhé. Nào anh hãy theo tôi.
            Nói xong anh gát cổng mở cổng mời chàng thí sinh bước vào. Vừa thấy dạng người tu sĩ, ông phú hộ quát mắng anh gác cổng ầm ỹ:
            - Mi không nhớ ta đã có lệnh nghiêm cấm từ lâu là không cho bất kỳ tu sỉ nào lai vãng đến đây. Tại sao nay mi còn dám mở cổng cho y vào? Ðè tên sư ấy xuống đánh đủ một trăm roi rồi đuổi ra ngoài lập tức cho ta.
            Anh thí sinh ôn tồn đáp:
            - Thưa cụ, cháu không phải là nhà sư ạ.
            - Không phải là nhà sư nhưng sao lại cạo đầu trọc lóc vậy?
            - Dạ tại cháu muốn mát mẻ, lại giản tiện khi tắm rửa, lại khỏi bận tâm chải gỡ!
            - Người dấu đầu lòi đuôi, lại còn muốn qua mặt ta sao? Nếu không phải là nhà sư sao ngươi lại mặc áo nâu sòng?
            - Thưa cụ, vì cháu mồ côi nghèo khổ, lại ở gần Chùa nên nhờ các sư sãi thương tình bố thí cho cái y cũ rách nên cháu mới mặc giống như kẻ ở Chùa.
            - Ngươi nói ngươi côi cút nghèo khổ thì làm sao được đi học để biết chữ mà dự thi?
            - Thưa cụ, khi còn sanh tiền cha mẹ cháu có cho cháu đi học đạo thánh hiền. Khi song thân khuất núi, ban ngày cháu đã phải vất vả đi kiếm sống, đêm về nhờ các sư ở Chùa chỉ dạy nên cháu cũng biết chút ít việc bút nghiên. Nay nghe cụ mở cuộc thi kén rể, nên cháu cũng đem chút ít tài mọn để ứng thí. Nếu được đậu, song thân cháu ở dưới suối vàng chắc sẽ hài lòng lắm!
            - Thôi được, để ta ra đề cho ngươi thi. Nếu đậu ta sẽ gả con gái cho và tặng luôn cả gia tài như ta đã hứa. Nếu rớt thì ngươi phải chịu đòn đủ một trăm roi. Chừng đó đừng trách ta độc ác nhé. Cuộc thi rất đơn giản, không cần ngươi thuộc thiên kinh vạn quyển gì cả. Trái lại chỉ cần khi ta chỉ vào cảnh nào thì ngươi phải lập tức làm thơ tả cảnh đó. Nếu hay và thích hợp ý ta, được cả ba lần, thì ta chấm đậu.
            Dạ xin cụ ra đề thi cho.
            Lúc đó, ông phú hộ ngó ra trước ngõ, thấy hai cánh cổng một khép một mở, dọc dài là hai hàng cây tòng cây bá hai bên. Ông liền chỉ tay vào cảnh ấy bảo chàng làm thi. Anh liền ứng khẩu đọc:
            - Môn tiền nhất phiến khai
            Tòng bá lưỡng biên bài
            Nhược nhơn hành tà đạo
            Bất năng kiến Như lai.
            Tạm Dịch:
            - Cửa ngoài một cánh mở
            Tòng bá hai hàng dài
            Nếu người theo đạo quấy
            Chẳng thấy đặng Như Lai.
            Nghe xong mấy câu thơ ông phú hộ vừa vui vừa giận.Vui vì bấy lâu nay chưa tìm được người nào có thi tứ đặc biệt sắc sảo như vậy. Giận vì lòng ông còn oán hận Ðạo Phật đã làm cho gia đình ông tan nát. Nên ông nghiêm sắc mặt quát to:
            - Ngươi làm thơ ý tứ tuy sắc sảo, nhưng ngươi không biết ta rất hận Ðạo Phật sao? Vì ta quy y Phật Pháp mà hai đứa con trai ta chết hết. Vợ ta buồn rầu lâm bệnh rồi cũng qua đời. Nay ta không muốn nghe qua hai chữ Như Lai, hay Phật Tổ. Lỡ lần đầu ta tha. Nếu ngươi còn dùng danh từ đó nữa thì ngươi ăn đòn một trăm roi và bị đuổi ra khỏi cửa lập tức, nghe chưa?
            - Dạ vâng! Những chữ nào cụ cấm cháu sẽ không dám tái phạm ạ.
            Nghe xong, ông phú hộ cũng dịu cơn giận. Chợt nhìn ra trước sân, ông thấy con gà cồ có bộ lông ngũ sắc đang đứng đập cánh gáy vang. Ông liền chỉ tay bảo chàng làm thơ. Chàng liền ứng khẩu đọc:
            - Ðình tiền hữu nhất kê
            Thân phi ngũ sắc ê
            Ngũ canh thường báo hiệu
            Tam Miệu Tam Bồ Ðề.
            Tạm Dịch:
            - Trước sân con gà trống
            Mập mập đủ sắc lông
            Năm canh thường báo hiệu
            Tam Miệu Tam Bồ Ðề.
            Vừa nghe qua, ông phú hộ giận dữ quát to:
            - Ta đã bảo là ta không ưa Phật Pháp oán ghét tăng Ni, chẳng thích Bồ Ðề, không chịu Bồ Tát. Tại sao ngươi còn dùng mấy chữ ấy để chọc gan ta? Nằm xuống để ta đánh một trăm roi, về tội dám chống trái ý ta!
            Thưa cụ, xin cụ xét lại kẻo oan cho cháu. Cụ cấm nói đến chữ Phật Tổ, hay Như Lai thì cháu đâu dám nói. Chớ cụ đâu có cấm dùng hai chữ Bồ Ðề, Bồ Tát gì đâu. Hơn nữa, cụ ra đề thi bằng cách chỉ cảnh nào bắt cháu phãi lập tức ứng khẩu thành thơ liền cảnh đó, nên cháu đâu có thì giờ suy nghĩ để chọn chữ lựa lời. Vì ở gần Chùa lâu năm nên cháu thấm nhiễm lời kinh tiếng kệ của Chư Tăng. Do đó, ý từ trong tâm phát ra thành thơ khiến cháu không kiểm soát được mới lỡ lời như thế. Cúi xin cụ thương tình mà xét lại cho cháu nhờ.
            Ông trưởng giả ngẫm nghĩ lời phân trần của chàng cũng phải, nên cũng tạm nguôi ngoai cơn giận mà tha đòn lần nầy. Thoạt ông nhìn lên tường có bức tranh vẽ con hổ đang vương nanh múa vút. Ông chỉ vào đó và bảo chàng làm thơ. Chàng bình tĩnh ứng khẩu ngâm:
            - Bích trung hửu nhất hổ
            Thân ly tam xích thố
            Thượng báo tứ trọng ân
            Hạ tế tam đồ khổ.
            Tạm Dịch:
            - Trên tường cò con hổ
            Thân cách đất ba thước
            Trên báo bốn ân dày
            Dưới cứu ba đường khổ.
            Ông trưởng giả nổi giận đùng đùng la quát ỏm tỏi:
            - Ngươi thật to gan, dám chọc tức ta hoài. Ngươi biết ta không ưa Phật Pháp mà ngươi còn dùng hai câu kệ: Thượng báo tứ trọn ân, Hạ tế tam đồ khổ để trêu tức ta. Lần nầy ta không thể tha thứ cho ngươi được nữa. Dức lời ông phú hộ chụp ngọn roi quất lia quất lịa vào người chàng thí sinh. Chàng phải nhảy qua né lại để tránh những đường roi hung bạo.
            Nghe tiếng la hét giận dữ của cha cùng tiếng roi kêu vun vút, cô út vội chạy ra ôm lấy chân cha vừa khóc vừa năn nỉ:
            - Xin cha bớt giận. Cha đừng quá nóng nảy, ngộ lỡ tay sau nầy sợ khó ăn năn. Như lời chàng nói, vì ở gần Chùa quá lâu nên chàng đã thâm nhập câu kinh tiếng kệ, do đó, làm sao bắt chàng quên ngay được những lời Phật Pháp mà chàng đã tạp nhiễm lâu ngày. Cha không nhớ cha đã từng đem lời cổ nhân để dạy dỗ chúng con: Cận châu giả xích, cận mật giả hắc. Nghĩa là: Gần son thì đỏ, gần mực thì đen đó sao? Nếu cha nhận thấy văn tài của chàng xứng hợp với ý cha, qua ba lần ứng khẩu thành thơ thì cha nên cho chàng đâu theo lời hứa. Còn một vài danh từ Phật Pháp làm cha không đẹp ý, sau nầy cha dạy dỗ lại, chắc chàng sẽ sửa chữa và làm vừa lòng cha. Còn hơn cha nóng nảy đánh đập chàng như vậy, khác nào mình ỷ giàu có uy hiếp người ta, con sợ mình khó tránh tiếng đời dị nghị chê cười.
            Nghe mấy lời can gián của con, ông phú hộ nghĩ lại thấy mình vô lý, nên ông giảm cơn thịnh nộ và dừng tay lại. Ông thầm nghĩ cuộc thi kén rễ do ông dạo diễn đã kéo dài hơn cả năm qua. Mỗi năm con gái ông thêm một tuổi già. Ông cảm thấy mõi mệt mà vẫn chưa thấy người nào vừa ý. Nay gặp được người có tài ứng khẩu thành thơ, ý từ sắc sảo lại đối đáp bặt thiệp thế nầy, nếu ông mãi gút mắc thắt buộc thái quá chắc sẽ làm lỡ dở duyên con. Hơn nữa, có lẽ con gái ông đã ngầm mến phục chàng thanh niên có tài ứng khẩu thành thơ nên mới bạo dạn chạy ra van xin ông bằng những lời tha thiết. Thôi thì ông cũng nên tùy thuận theo ý con mà châm chước cho đôi bên được vuông tròn. Ông quay sang chàng sĩ tữ hạ giọng ôn tồn hỏi chàng:
            - Nầy cháu! Bác hỏi thiệt cháu có phải là nhà sư giả dạng đến đây để thử thách bác không?
            - Dạ không. Thưa cụ nếu là nhà sư cháu đâu dám đến đây để dự thi kén rễ để chuốc lấy những buộc ràng hệ lụy vào thân.
            - Nếu không phải là tu sĩ tại sao bài thơ nào cháu cũng luồn vào những câu Phật Pháp như vậy?
            - Thưa cụ, như cháu đã thưa, vì ở gần Chùa nên mỗi ngày sáng chiều, cháu đều nghe tiếng Tăng Ni tụng. Lời kinh tiếng kệ khi bổng lúc trầm đã gieo vào lòng cháu một nguồn an lạc vô biên. Lâu ngày cháu đã thâm nhập vào tâm, chớ không phải là một tu sĩ.
            Ông phú hộ thở ra nhẹ nhàng. Ông gọi gia nhân đưa chàng ra ngoài nghỉ tạm tại nhà khách đợi ông xem ngày lành tháng tốt sẽ tác hợp cho đôi trẻ thành hôn.
            Ðêm hôm đó ông phú hộ mãi mơ màng trằn trọc, thắc mắc về nguồn gốc và thân phận của chàng rễ tương lai mà ông vừa chọn được. Bổng nghe có tiếng gõ của cộc cộc, ông vội lại mở cửa phòng. Ngạc nhiên khi thấy chàng sĩ tử ban chiều tay cầm chiếc lồng đèn vừa thấy cụ bước ra anh vội cất tiếng chào:
            - Thưa cụ, đêm nay trời trong sao tỏ, nếu cụ muốn đi gặp vợ và các con thì cháu xin sẳn sàng hướng dẫn cụ đi. Nói xong chàng quày quả bước ra.
            Bị đánh trúng vào chỗ mong cầu bấy lâu, ông phú hộ gật đầu vội vã chạy theo chàng như sắt bị nam châm cuốn hút.
            Ra khỏi trang trại thấy chàng thí sinh dù bước rất khoan thai nhưng ông phải chạy lúp xúp mới mong bắt kịp! Ði càng xa, trăng sao càng mờ đần. Cảnh vật như tối sầm lại chỉ còn những ánh đom đóm thỉnh thỏang lập loè từ những lùm cây bụi cỏ. Khí lạnh của đêm đen làm ông run lên cầm cập. Ông tự trách lúc đi vì quá vội vã nên không kịp choàng chiếc áo dạ hành. Ông cảm thấy cái lạnh càng ngày càng thêm tê buốt. Ông bắt đầu lo sợ và tự hỏi hay mình đã lạc vào cảnh giới của âm hồn như kinh sách đã mô tả mà ông đã có lần đọc qua. Ông cố chạy nhanh hơn để bắt kịp hầu lôi chàng quay trở lại. Bổng dưng chàng sĩ tử dừng lại chỉ vào một đốm sáng lớn và nói với ông:
            - Mấy cậu con trai và vợ của cụ đang ở trong xóm nhà có ánh sáng phía trước mặt kia kìa. Cụ ráng đi thêm một chút nữa là gặp ngay.
            Nghe nói được gặp con, ông phú hộ như được bồi thêm sinh lực. Ông cốn gắng bám theo sát chàng rể tương lai. Bất thần ánh đèn leo lét phía trước vụt sáng bùng lên như có bàn tay vô hình thắp hàng vạn ngọn bạch lạp soi rõ cảnh âm u. Từ xa, ông thấy người đi kẻ lại tấp nập. Ông phú hộ theo sát gót chàng thí sinh và hòa lẫn trong dòn người xuôi ngược để tìm con. Bổng ông thấy một tấm bảng đề hai chữ: Diêm Ðài. Ông giật mình níu áo chàng lại hỏi:
            - Ðã xuống đến Diêm Ðài, vậy ta đã chết rồi sao? Thưa cụ, mạng căn của cụ chưa mãn nên đâu đã chết. Vì cụ muốn nóng lòng gặp con nên cháu đưa giúp cụ đến đây để gặp các cậu ấy mà thôi.
             Vừa nghe chàng nói xong, ông phú hộ thấy dạng cậu cả đang đi chen chúc trong đám đông. Ông liền hối hả chạy theo nắm tay con vừa kêu khóc
            - Con ơi là con! Sao con nỡ bỏ cha mẹ ra đi khiến cho cha mẹ ngày nhớ đêm mong. Con nỡ lòng nào quên tình cha con như non cao biển rộng.
            Cậu cả không đợi ông phú hộ nói hết lời, cậu phủi tay ông và xô ra xa. Cậu quắc mắt, sẵng lời:
            - Dang xa tôi ra. Tôi đâu phải con cái gì của ông mà ông khóc kể. Số là trước đây hai mươi năm, ông ỷ giàu có quyền thế bừc hiếp vợ tôi chết một cách oan ức. Tôi vì nghèo không chống nổi lại ông, nên đã tự quyên sinh chết theo vợ. Tôi oán hận ông nên đã dầu thai vào làm con trai nhà ông để đòi nợ cũ. Tôi quyết phá hết gia sản của ông mới hả tấm lòng. Ông không nhớ tôi đã phá không biết bao nhiêu của cải nhà ông rồi sao? May cho ông, nhờ ông biết ăn năn hối cải, chuyển đổi tâm tánh, siêng lo tu hành tụnh kinh niệm Phật, chăm làm việc thiện. Thấy vậy, nên tôi mới bỏ nợ cũ, mà ra đi. Nay ông còn theo đuổi tìm kiếm tôi làm chi nữa! Nói rồi cậu cả ngoe ngoảy bỏ đi.
            Ông phú hộ đứng chết lặng. Chàng thí sinh nói:
            - Thôi đi cụ. Cậu cả đã nói thế, cụ còn buồn làm chi. Cụ có muốn gặp cậu hai thì chúng ta hãy tiếp tục lên đường
            Ông phú hộ gật đầu bước theo chàng thí sinh.
            Ði được một khoảng ngắn ông phú hộ thấy cậu hai đi tới, tay sách vai mang những bao bị cồng kềnh. Ông vội chạy đến ôm con vừa tủi vừa khóc:
            - Con ơi con! Sao con bỏ cha mẹ làm chi để sống cảnh mang vác nặng nề cực khổ thế nầy. Từ ngày con bỏ ra đi, mẹ con vì quá thương nhớ con mà buồn rầu sầu khổ nên cũng trút hơi thở lìa đời. Bỏ cha lại ngày đêm hiu quạnh.
            Cậu hai lạnh lùng đáp:
            - Tôi với ông đâu có cha con gì. Chẳng qua kiếp trước tôi có thiếu ông một số nợ. Vì nhà nghèo không trả nổi nên bị ông mắng chửi thậm tệ, làm nhục đủ điều. Tôi có hứa với ông nếu kiếp nầy không trả được, tôi nguyện sẽ trả ở kiếp sau. Do đó, sau khi chết, tôi đã đầu thai vào làm con trai nhà ông để trả nợ cũ. Ông nhớ từ khi sanh tôi ra việc làm ăn của ông bà luôn luôn gặp may mắn khi tôi mới bảy tám tuổi, dù bị nay ốm mai đau, mà tôi vẫn đầu tắt mặt tối giúp ông trông coi hàng quán. Nhờ đó nên tiền bạc vô nhà ông bà ào ào như thác đổ. Nợ nần cũ của ông tôi đã trả cả vốn lẫn lời, tôi không còn gì quyến luyến để ở lại. Nay còn tình nghĩa gì nữa đâu mà ông đi kiếm tôi cho cực lòng. Nói xong cậu bỏ đi thẳng
            Ông phú hộ đau khổ cho thân phận cô đơn của mình khi bị các con ruồng bỏ và nghe chúng kể rõ mặt thật ông mới nhận ra luật nhân quả và sự trả vay của ân oán  nhiều đời gây ra.
            Ông hối tiếc cho vợ vì không biết điều đó nên đã quá nhớ thương con buồn rầu mà chết sớm. Nếu bà biết các con bạc bẽo như vậy chắc bà sẽ ân hận vô cùng. Nghĩ đến đó ông ao ước được gặp vợ để báo cho bà tin buồn nầy. Chàng thí sinh như thông cảm được ý ông, nên tiếp tục dẫn ông đi vòng qua một ngã mới. Ðường đi quanh co chập chùng hang đá. Trong mỗi hang nghe văng vẳng những tiếng rên rỉ như tiếng của tội nhân đang bị tra khảo.
            Ông bước đến gần một cửa hang thấy có muôn ngàn chông sắt dựng ngược lên tua tủa. Có hàng trăm tội nhân đang ngồi trên chông tay chân bị gông cùm rên la đau đớn. Ông nhìn kỹ một người đàn bà mù lòa, mặt mũi hốc hác đầy máu me. Thân thể gầy ốm chỉ còn da bọc xương, ngồi gần cửa hang. Ông hoảng hốt nhận ra là bà phú hộ, người vợ mà ông đã từng ấp ủ thương yêu. Ông đau đớn gọi bà:
            - Bà ơi! Bà làm sao mà thân thể đến thế nầy?
            - Có phải ai mới vừa gọi tôi đó không?
            Phải. Tôi là ông phú hộ chồng của bà đây. Từ ngày bà ra đi bỏ tôi hiu quạnh ở dương trần, tôi ngày đêm mong nhớ bà kể sao cho xiết. nay vì sao mà thân thể bà tiều tụy khổ sở như thế nầy. Tôi có thể làm gì để giúp cho bà thoát khỏi cảnh khổ nầy không?
            Ông ơi! Làm sao kể hết những nỗi thống khổ mà tôi phải gánh chịu từ khi cách biệt dương trần. Ðây là cái quả của những lời nói và việc làm tham lam độc ác do tôi đã gây ra khi còn sống với ông. Tôi đâu có ngờ làm những việc gian ác để gia đình được giàu sang thì cả chồng con cùng hưởng, nhưng bây giờ riêng tôi phải thọ lãnh những cực hình đói rét nào có ai chia xẽ được đâu! Bởi trước kia tôi ăn gian nói dối, thấy có nói không. Miệng nói ngọt ngào, bụng chứa mưu độc. Hể mở miệng là thề thốt bất luận đúng sai để che đậy tâm tà hầu lấy lòng thiên hạ. Do đó, hôm nay tôi phải trả cài quả bị đọa làm ngạ quỷ đui mù đói khát. Suốt ngày đêm bị hình phạt ngồi trên bàn chông đau nhức thấu xương. Nếu ông còn nghĩ đến tình xưa nghĩa cũ, khi trở về dương thế ông hãy vì tôi mà nỗ lực làm việc bố thí chẩn bần, in kinh xây tượng, cúng dường Tam bảo rồi đem công đức nầy hồi hướng cho hương linh tôi sớm được siêu độ ra khỏi cảnh tam đồ. Ðiều quan trọng ông phải lo tu tâm dưỡng tánh, trì trai giữ giới, tụng kinh niệm Phật, chia bớt tài sản để phân phát, giúp đỡ kẻ nghèo khổ hoạn nạn, tạo những công đức lành làm tư lương cho ngày ông nhắm mắt xuôi tay.
            Nói xong bà khóc rống lên một cách thảm thiết, khiến ông phú hộ giật mình tỉnh giấc. Ông cảm thấy lạnh khắp châu thân, tay chân còn run lập cập. Ông vội vàng với lấy chiếc ào dạ choàng vào. Còn đang bàng hoàng về những hình ảnh thảm thương qua cuộc viễn du âm cảnh trong cơn mộng, bổng ông nghe có tiếng kêu vẳng vẳng trên không trung đưa lại:
            Nầy Ông Trưởng Giả kia! Hãy lắng nghe ta nói. Ta là Bồ Tát hóa thân. Vì thấy ngươi quá đắm nhiễm hồng trần, lòng đầy tham sân mê muội, nên ta hóa hiện giả làm thí sinh dự cuộc thi kén rễ để nhắc nhở cho ngươi biết nẻo chánh đường tà trong một kiếp quá khứ ngươi từng là vị đại thí chủ đã xuất tiền vàng bạc trong kho để cứu đói dân nghèo. Nhờ đó kiếp nầy ngươi còn thừa hưởng chút thiện nghiệp đời trước nên mới giàu có. Vì lòng ngươi còn tham lam ích kỷ nên đã làm những việc lợi mình hại người. Do đó, ngươi mới gặp cảnh gia đình ly tán: Con ghét cha, vợ bỏ chồng. Ngươi mới đến Chùa tập tu, mới làm được chút ít việc thiện mà đã muốn vội mong hưởng ngay những điều như ý; Khi gặp nghịch cảnh thì đổ lỗi cho Phật Tổ không công minh. Ngươi không nhớ được những oan trái tiền kiếp do ngươi tự tạo, nên nay phải gánh cái quả báo hiện đời. Ðã không biết ăn năn hối cãi lại còn đi oán Trời trách Phật. Ngươi nên nhớ luật nhân quả chẳng bao giờ trật. Gieo giống nào thì gặt cây nấy. Trồng Từ Bi có trái Từ Bi. Gieo bạo ác sanh cây bạo ác. Hiện nay tuy ngươi có tu hành, có làm việc thiện chút ít. Nhưng cái thiện căn mới tạo còn ít, so với cái ác nghiệp sâu dày trong quá khứ, nên ngươi phải gánh lấy cái ác quả. Giống như cảnh anh nông dân năm nay lo vất vả làm ruộng mà vẫn thiếu gạo ăn là tại vì năm trước anh lười nhác lại phung phí ăn tiêu không biết để dành thóc gạo, nên năm nay anh chịu đói là việc đương nhiên. Ngươi dùng cái hiểu biết phàm tình thì làm sao ngộ đụợc cái lý nhân quả ba đời. Ta đã đưa ngươi đến tận âm cung gặp lại vợ con. Ngươi đã thấy nghe tận mắt sự thật chua chát về tình vợ  chồng, nghĩa cha con. Vợ chồng, con cái chẳng qua là những kẻ có nợ nần vay mượn lẫn nhau từ kiếp trước, nên kiếp nầy phải trở lại để kể làm chồng, người làm vợ hoặc làm con cái hầu có ân đền oán trả cho nhau. Khi ân oán trả xong thì chia tay, mạnh ai theo nghiệp nấy. Nay ta khuyên ngươi hãy vui mà trả quả tiền căn. Ngươi nên chuyên trì tịnh niệm, hành thiện, hướng thiện, để huệ mạng phát sinh, để thiện căn tăng trưởng hầu làm tư lương cho phút cuối đời và là hậu vận cho kiếp mai sau.
            Nghe qua những lời giáo của Bồ Tát, ông phú hộ liền hồi tâm tỉnh ngộ. Sáng hôm sau, ông và cô út lên Chùa lạy Phật và sám hối với Hoà Thượng ân sư. Ông xin cúng hiến ngôi trang trại nguy nga lộng lẫy để làm thành ngôi đạo tràng tu hành thanh tịnh. Từ đó khách thập phương tới lui tấp nập để lễ Phật bái sám, tụng kinh.
-- o0o --