Thật Sự
Ðạo Phật Là Gì?
Tại sao quá thịnh hành bây giờ?
Self Magazine Dec-1997
Tác Giả: Barbabera Graham.
Dịch Giả: Diệu Quế
--o0o--
           
           Vào một buổi sáng muà Thu lạnh giá, chúng tôi đang đứng tản mát trong chánh điện của một Thiền Viện Phật Giáo nằm trong Tiểu Bang New Jersy. Có độ 40 người trong nhóm chúng tôi kể cả anh chàng Allen Ginsberg, người được mệnh danh là: Chuyên Viên Phật Giáo. Anh đang chụp hình đây đó với chiếc máy bỏ túi của anh. Trên tường đầy những tranh ảnh Phật và chư thiên thần, cùng sáu cảnh trong thế giới Ta Bà, A Tu La, Ngạ Qủy, Súc sanh, và Ðịa Ngục.
            Tôi thấy hồi hộp. Liệu tôi có đủ khả năng để tạm quên những nghi thức quen thuộc mà tôi đã thực hành lâu đời hay tôi sẽ trở thành trò cười trước mặt  một trong những vị lãnh tụ tôn Giáo lớn nhất hoàn cầu? Thình lình có tiếng động của một nhóm tu sĩ áo vàng đang tiến vào chánh điện. May quá, những nghi thức bắt đầu không một ai trong đám chúng tôi bị trợt hay té nằm dài cả! Trong một thời gian ngắn tất cả chúng tôi đã an toàn ngồi xuống trên sàng chánh điện để hầu chuyện cùng vị lãnh tụ chính trị và tôn giáo của dân Tây Tạng đồng thời cũng là người đã thắng giai Nobel Hoà Bình: Ðức Ðạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây tạng. Ở địa vị một nhân vật được thế giới sùng kính, phong thái của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma rất vui vẻ, dễ chịu khiến cho khán giả của ngài cũng thấy thoả mái. Khi một người trong nhóm chúng tôi hỏi ngài nghề nào có thể phục vụ cho nhân lọai tốt nhất? Ngài trả lởi:
            - Bất cứ nghề nào ngoài trừ nghề chăn nuôi.
            Ngài phát âm danh từ chăn nuôi hơi sai: Poultry thành Poetry khiến mọi người cười vang và thấy ngài dễ thương vô cùng! Ðó có lẽ cũng là cảm giác của vô số những người Mỹ khác mỗi khi có dịp được nghe những lời truyền giảng đầy lòng Từ Bi và Bác Ái của ngài.
            Tuy trải qua nhiều thảm cảnh cùng với dân tộc Tây Tạng kể từ khi nước nầy bị Trung Hoa chiếm đóng vào năm 1949, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma vẫn giữ được phong cách sáng rở đức tin Phật giáo. Ngài chính là người có công trong việc giúp các dân tộc Tây Phương biết đến Phật Giáo.
            Hiện nay, có khoảng sáu triệu người Mỹ đang thực hành một số nghi thức Phật Giáo trên khắp nước Mỹ xem ra, những Giáo Pháp của Ðức Phật vẫn có ích lợi cho thế giới hiện tại không kém gì nó đã giúp ích cho dân tộc Ấn Ðộ cùng các dân tộc Á Châu cách đây 2500 năm, khi Ðức Phật ra đời làm một vị Thái Tử cao sang, quyền quý đã từ bỏ ngôi vua ra đi tìm ánh sánh giác ngộ; khi ngài đụng chạm với thực tế là tất cả những giàu sang, quyền thế của mình không đủ sức giúp ngài và những nguời thân yêu thoát khỏi Sanh, Già, Bệnh ,Chết.
            Tôi cũng không bao giờ quên được một kỷ niệm khác. Vào một đêm mùa Ðông mưa dầm ở thành phố New York, khi lần đầu tiên tôi nghe một vị Thầy Phật Giáo giảng: Ðời là biển khổ. Ông nói tiếp với đám khán giả ướt như chuột lột đang ngồi nghe chăm chú:
            - Cho dù quý vị có thành công lớn lao đến đâu, có nhiều tiền đến đâu, tất cả mọi người đều đã từng trải qua cảnh phải đối phó với mất mát tuyệt vọng, với đau khổ, chết chóc.
            Vừa nghe qua lời nói nầy tôi bất chợt rơi lệ, nhưng đồng thời tôi lại cảm thấy an tâm. Khác với những Giáo điều thường được thuyết giảng về một thế giới Thiên Ðàng mà tôi đã được nhồi sợ từ thưở bé, nhưng chưa bao giờ biết là nó có thực hay không! Bây giờ, cái ông sư với gương mặt tươi tắn nầy đang trình bày về một sự thật. Ông nói thêm nếu quý vị đôi khi cảm thấy mình có hơi bê bối thì cũng không sao cả, điều đó không có nghĩa là quý vị bất thường, trái lại nó chỉ có nghĩa là con người thế thôi.
            Vị sư giảng thêm về Tứ Diệu Ðế là bản đồ để giúp ta đi đến chỗ chấm dứt khổ đau như mọi người đã từng thực hành ít nhiều Ðạo Phật đều biết, hành trình tiến đến sự giác ngộ không dễ dàng. Phật Tử nào cũng biết con đường đó được Phật gọi là Bát Chánh Ðạo. Thêm nữa, không phải chỉ có cứu độ chính bản thân mình mà thôi mà còn cứu độ tất cả muôn loài.
            Sylvia Boorstein, tác giả quyển: It is Easier than you think, và cũng là một giảng sư về Phật Giáo Nguyên Thủy, một trong hai truyền thống chính của Phật Giáo: Ngành kia là Ðại Chúng bao gồm cả Thiền Tôn và Mật Tôn của Tây Tạng, Bà nói: Dẫu trải qua bao nhiêu khổ đau, ta vẫn có thể tha thiết yêu thương cuộc sống. Càng khổ đau bao mhiêu, sức chiến đấu của chúng ta càng mãnh liệt bấy nhiêu.
            Thực hành thiền định để giúp chúng ta định tâm, giữ cái tâm lăng xăng đi chậm lại. Lắm khi chúng ta phải dùng hết một kiếp hoặc nhiều kiếp để hoàn chỉnh. Nếu quá gian khổ như thế thì tại sao làn sóng Phật Giáo bây giờ lại tràn ngập khắp nơi. Tại sao dân Mỹ đổ xô tìm kiếm các Thiền Viện mua sách vở để tìm hiểu về phật Giáo? Dĩ nhiên, sự có mặt của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma là một yếu tố quan trọng, ngoài ra còn thêm một số yếu tố như sau:
            - Các Thần Tượng Ðiện Ảnh Theo Phật Giáo.
            Danh sách các ngôi sao điện ảnh, cùng các nhân vật nổi tiếng theo Phật Giáo cũng khá nhiều, Harrison Ford, Uma Thurman, Oliver Stone, Tina Turner... Ðặc biệt là Richard Gere.
            Các phim mới nhất như: Seven year in Tibet, Kundun. Về Ðức Ðạt Lai Lạt Ma giúp người Mỹ hiểu thêm về Ðạo Phật.
            Mark Epstein, một bác sĩ phân tâm học cho rằng:
            - Sự kiện nhiều nhân vật nổi tiếng cũng như giàu có vẫn cứ luôn luôn đi tìm kiếm một cái gì, chứng tỏ rằng tất cả những điều được xem là đáng được yêu chuộng, được mọi người ham muốn do xã hội nầy tạo ra, đã không giúp chúng ta hạnh phúc!
            - Những giá trị vật chất không đem lại hạnh phúc.
            Những vấn đề liên quan đến chủng tộc, phái tính, gia đình, tôn giáo và tình dục vẫn tiếp tục chia rẻ chúng ta. Tiến sĩ Jon Kabat Zinn, tác giả quyển sách Where ever you go there you are nói rằng:
            - Thị trường chứng khoán có thể lên cao như những khổ đau trong xã hội chúng ta cũng gia tăng khủng khiếp. Xã hội của chúng ta là một xã hội vật chất số một trên thế giới, tuy nhiên chúng ta không còn tha thiết ham muốn phải có ba chiếc xe hay bốn cái Tivi. Dường như ai cũng khao khát tìm kiếm một cái gì có thực, một cái gì nguyên thủy.
            - Phân tâm học có những giới hạn của nó.
            Freud tuyên bố rằng khoa chữa trị phân tâm tốt nhất cũng có thể chuyển hoán một tâm trạng bi thảm cùng cực thành ra: Một trạng thái không hạnh phúc. Có khi mất nhiều năm, hay nhiều chục năm đổ trút hết bao nhiêu tâm sự rốt cuộc vẫn thấy trống rỗng và bất mãn. Tiến Sĩ Epstein có nói:
            - Phân tâm học chỉ đưa ta tới đó riêng Phật Giáo lại chủ trương là không sao cả khi ta thấy trống rỗng.
            Thực ra, chính cái tâm trống rỗng là cái cửa ngõ đi vào tâm linh. Ngoài ra, Phật Giáo cũng chỉ cho ta một con đường để sống với chính con người chúng ta, giúp chúng ta chuyển hoán. Trạng thái không hạnh phúc thành ra hạnh phúc. Nói cách khác, vẫn còn có hy vọng, cho dù bạn có thể phải từ bỏ chiếc ghế nệm êm ái để đổi lấy cái gối ngồi thiền trên sàn gỗ cứng ngắc.
            - Không có vấn đề Thượng Ðế.
            Phật Giáo được giới thiệu với thế giới Tây Phương như là một kỷ thuật đem lại hạnh phúc, chớ không phải là một tôn giáo. Vì vậy nó thật tuyệt hảo cho những người hay lý luận hay thắc mắc của kỷ nguyên nầy. Boorstein nói thêm:            
            - Một người thích Phật Giáo vì nó không có vấn đề Thượng Ðế, nó cũng không đòi hỏi người ta phải ly khai với tôn giáo của mình.
            Bà bổ túc thêm cho rằng thời gian thực hành Phật Giáo lâu dài để giúp cho chính bà và mọi người có cái nhìn mới mẻ về cái tôn giáo riêng của mình.
            - Sửa đổi cho thích hợp với hoàn cảnh mới.
            Sayadau U. Pandita, một vị giảng sư Phật Giáo của Miến Ðiện có nói một câu ví von như sau:
            - Tốt hơn hết là bạn nên chiên cá trong chảo dầu riêng của bạn.
            Cũng giống các vị Thầy khác, ông ý thức được việc muốn Phật Giáo thành công khi đem từ một nền văn hóa nầy tới một nền văn hóa khác, cần phải sửa đổi cho hợp với môi trường và hoàn cảnh mới. Diễn trình nầy đã được thực hiện qua việc đào tạo nhiều giảng sư bản xứ. Số giảng sư người Mỹ nhất là phụ nữ đã gia tăng gấp bội. Joseph Goldstein, một trong những sáng lập viên của Insight Meditation Society tại Barre, Tiểu Bang Massatchuttset, một trong những Trung Tâm Phật Giáo lớn nhất tại Mỹ cho biết:
            - Chúng tôi đã tiếp thu được trí huệ vượt thời gian nầy, do việc thụ giáo với các vị thầy ở các nước Á Châu trong suốt 30 năm qua, để bây giờ khả dĩ cải biến cho thích hợp khiến mọi người Mỹ đều có thể tìm hiểu dễ dàng.
            - Xử dụng danh xưng khác thay cho Phật Giáo
            Nhiều nơi đã giảng dạy hoặc xử dụng những phương pháp thực hành Phật Giáo, nhưng lại dùng những danh xưng khác. Thí dụ tại Y Viện chửa trị bệnh căng thẳng thuộc Ðại Học Massachuttset, Phân Khoa Y ở Worcester trong suốt 18 năm qua đã dạy cho các bệnh nhân đau nhức hay đau tim hoặc các chứng bệnh kinh niên khác, duy có điều họ không nói đó là phương pháp Phật Giáo mà ngụy trang dưới danh từ kỹ thuật giảm thiểu căng thẳng. Chương trình nầy thành công đến nỗi người ta đã đem áp dụng cho hàng trăm bệnh viện khác cũng là trong các lớp học, văn phòng ngay cả với các cầu thủ Chicago Bulls.
            Dĩ nhiên, cũng giống các nhân vật danh tiếng, chỉ cho mượn tên tuổi của họ để cổ võ cho Ðạo Phật, chớ thật sự không hề thực tập với cái gối ngồi thiền, rất đông người mua sách vở Phật Giáo hay ngồi thiền cho hợp thời trang với mọi người chớ không thực tâm dấn thân vào quá trình lâu dài gian khổ để mong cầu giải thoát. Helen Tworkov, chủ nhiệm tờ tập san Phật Giáo Tricycle tuyên bố:
            - Phật Giáo không phải chỉ để đọc chơi thôi mà bạn cần phải thực hành. Bạn bỏ công bao nhiêu, bạn sẽ gặt hái bấy nhiêu.
            Ðể kết luận: Phật Giáo không chỉ khiến bạn đau đầu gối, tê chân cẳng, khiến tâm bạn quay cuồng, khi cố gắng cột chặt nó lại; mà nó còn phá vỡ tan tành những khái niệm mà bạn vẫn nâng niu quý trọng chẳng hạn như niềm tin là mỗi con người chúng ta, là một thực thể riêng biệt hoặc giả vũ trụ nầy là vĩnh cửu tất cả nay đã thành sai bét dưới ánh sáng Ðạo Phật.
            Kabat Zinn nói thêm:
            - Thực hành thật là gian khổ, tuy nhiên công lao của bạn sẽ được đền bù một cách sâu sắc không thể ngờ được.
-- o0o --