Biết, Nhớ & Trả Ân
Nhất Quán
--o0o--
           
 
            Sự hiện hữu của Ðạo Phật trên cõi đời nầy qua hình thức Chùa, Tu Viện, Tịnh Xá, lễ bái, tụng kinh, niệm Phật, cách thức quán niệm hơi thở..v..v...Những phương pháp đó, tất cả đều cùng một mục đích là hướng dẫn con người trở về nội tâm, để có một nếp sống thanh thản hồn nhiên vô tư trong cuộc sống phức tạp nầy. Với thiện chí đóng góp đó, từ xưa tới nay Phật Giáo bị một số người coi đó như một chủ trương tiêu cực, không dính líu gì tới cuộc sống thực tại. Chúng ta còn thấy một số người nghiêm khắc bài bác, cho rằng Phật Giáo chủ trương thuyết nhân quả, luân hồi, thiên đường, địa ngục chỉ là những điều huyển hoặc, mê tín. Những người chủ trương Duy Vật có thái độ gắt gao hơn, họ mô tả Phật Giáo như một thứ thuốc phiện ru ngủ con người. Quan niệm như vậy đã dẫn tới một kết quả vô cùng tai hại, đó là một số người sống ngày nay mà không cần biết gì đến ngày mai, vì họ cho rằng thế giới trí thức vật chất mà chúng ta đang sống đây mới thật là cần thiết cho họ, còn thế giới tâm linh là ảo tưởng viển vông.
            Trên phương diện khách quan mà nhận xét chúng ta thấy: Ðức Phật xuất hiện tại xứ Ấn Ðộ cách đây hơn 25 thế kỷ, trong giữa một chế độ người trị người, mạnh hiếp yếu, giàu bốc lột nghèo, giai cấp cai trị giai cấp..v..v.. Thế mà sự hiện diện của Ðức Phật với nguồn giáo lý nhân bản đã mở đầu cho tư tưởng từ bi, bình đẳng, và lẽ sống của đạo từ bi đã thấm sâu vào tình tự của con người trong mọi cảnh ngộ. Cũng từ đó Ðạo Phật được truyền đi khắp nơi trong xứ Ấn Ðộ, và ngày nay Ðạo Phật có mặt khắp nơi trên thế giới. Ðiểm ưu tú của Ðạo Phật có đi đến đâu thì cũng chỉ đến bằng tình thương đạo vị của con người chứ không bằng vũ lực xâm lăng, để rồi cướp bốc, cưỡng ép mọi người phải theo. Lại càng không mua chuộc linh hồn con người, vì Ðức Phật Ngài chủ trương: Ðến để nghe chứ không phải đến để tin. Với đường lối chủ trương đó, cho nên ở quốc độ nào, Ðạo Phật cũng nắm lấy một bổn phận thoa dịu thương đau cho kiếp người bằng nhiều phương pháp khác nhau. Những ngôn ngữ bình thường và kiến thức thế gian không thể diễn tả, và không hiểu được. Muốn hiểu thì phải tự đặt mình vào cảnh ngộ và kiên trì thực tập mới có thể lãnh hội được, bởi vì kiến thức khi đọc một vài cuốn sách, hiểu một vài từ ngữ của Phật không đủ thẩm quyền để phê phán, hay nhận định. Một vài phương pháp Ðức Phật Ngài hướng dẫn con người trở về nội tâm như: Niệm Phật, thiền định, tư duy để tìm lại con người thật của mình vốn đã bị vô minh che lấp từ vô thỉ kiếp. Muốn phá trừ màn vô minh phải xử dụng đến trí Bát Nhã mới thấu suốt, và thâm nhập vào biển trí tuệ Bát Nhã của ba đời chư Phật, và chư Bồ Tát. Hình ảnh của những bậc Tổ Sư đã nối tiếp đi qua bằng thái độ an nhàn tự tại gần như không lưu tâm đến chuyện thị phi của cảnh đời hổn tạp, rất là thi vị đối với kiếp người quá đau khổ, và cũng là những hình ảnh nhiệm mầu đối với những chúng sinh hiểu biết. Thế nhưng dưới con mắt, tri kiến của phàm trần vốn đã bị đóng khung bởi những giáo điều, những thói quen, những thành kiến lệch lạc, nên Ðạo Phật bị coi như là một tôn giáo vô thần, tiêu cực, chán đời yếm thế. Nhưng nếu chịu khó nhìn sâu và thực hành giáo pháp mầu nhiệm nầy chúng ta sẽ thấy:
            - Phật Giáo là một tôn giáo có khả năng mang lại những hy vọng cho tuổi trẻ, tri thức, và sự hưng thịnh cho quốc gia qua trách nhiệm Ðạo Pháp và Dân Tộc..
            - Phật Giáo là một tôn giáo thích hợp với căn cơ của tất cả mọi người, không phân biệt trí thức, thất học, giàu nghèo, sang hèn.
            - Ðạo Phật là một tôn giáo qua giáo lý hướng thượng, giác ngộ chứ không phải chỉ chuyên về cúng kiến lễ lạy, sùng phượng mê tín như một số người đã nghĩ. Ngày nào đó Ðạo Phật dẹp đi những phương tiện cúng kiến, lễ lạy, Chùa, Viện..v..v.. lúc bấy giờ Ðạo Phật trở về với chân lý uyên nguyên của chính nó, như khi Ðức phật Thích Ca vừa thành đạo dưới gốc cây Bồ Ðề, sau 49 ngày đêm tư duy. Lúc đó ngài có ý định nhập Niết Bàn, vì Ngài thấy giáo lý nhân bản của Ngài sắp nói đây không có người hiểu. Tuy nhiên, sau nhiều lần Ðức Ðại Phạm Thiên Vương  thưa thỉnh, khẩn cầu ngài lưu lại cõi đời để hoằng pháp lợi sanh, cho nên ngài nói kinh Hoa Nghiêm trong vòng ba tuần lễ. Thời gian nầy, từ chư vị Thanh Văn, Duyên Giác cho đến chư vị Ðại Bồ Tát không có một người nào hiểu Ðức Phật ngài muốn dạy gì? Cái uyên nguyên đó chỉ có Chư Phật với Chư Phật mới có thể hiểu nổi. Lúc bấy giờ những ai muốn tìm tu học hỏi, và muốn hiểu cũng không phải là chuyện dễ.
            Hiểu được rằng Phật Giáo đến với nhân loại như một một luồng sinh khí mới, là nguồn sống không thể thiếu trong từng mọi con người, thì ta mới thấy: Phật Giáo là nơi hội tụ của tất cả những lẽ sống ở đời, với những phương pháp thực hành lành mạnh có khả năng đạt mục đích cao đẹp trong sự sống qua tri kiến giác ngộ. Nói một cách khác, Ðức Phật đã khai sáng một tôn giáo mới giữa thời điểm xã hội, con người chỉ biết dùng luật rừng, lấy quyền lực để trị người, nên tinh thần từ bi, bình đẳng, trí tuệ, các yếu tố đạo đức coi như không có. Muốn có một đời sống chân, thiện, mỹ, trong một con người có tâm hồn hướng thượng, thì không thể nào bỏ quên nguyên lý sống mà Ðức Phật đã khám phá. Bởi vì những nguyên lý sống động nầy xuất phát từ kim khẩu của một con người đã từng đi lang thang khắp các vùng châu thổ sông Hằng để suy gẫm tu tập, và chúng đắc. Nguyên lý sống động nó hiện hữu vì con người và cho con người. Những ai, và bất cứ quốc gia nào biết áp dụng lời dạy của Ðức Phật trong việc trị quốc, thì nhân dân trong mọi tầng lớp xã hội trong quốc gia đó sẽ chung sống hòa bình trong tinh thần huynh đệ. Do đó Ðức Phật có thể nói là một nhà tôn giáo, cũng là một nhà văn hóa, một nhà Ðạo Ðức với một nền triết đạo vững chãi, lúc nào cũng sẵn sàng đóng góp vào việc xây dựng, bảo vệ duy trì và phát triển nền văn hóa trong xã hội của loài người.
            Căn cứ vào dòng lịch sử, trong sự nghiệp truyền bá Phật Giáo ta thấy rằng: Phật Giáo đi đến quốc gia nào là hòa hợp với phong tục tập quán của quốc gia đó mà trưởng thành, phát triển nhanh chóng. Ðiều nầy không lạ gì khi thấy Phật Giáo được mến chuộng của từng mọi giới, bởi vì mục đích xuất hiện của Ðức Phật trên cõi đời nầy là Khai Thị Chúng Sanh Ngộ nhập Phật Tri Kiến, và tôn chỉ là cứu khổ ban vui, do đó nhất cử nhất động của Ðức Phật đều đượm màu đạo đức sâu xa. Nền đạo đức đó thể hiện trong giáo pháp của Ðức Phật, bắt đầu từ bốn câu kệ:
            - Chư ác mạc tác
            Chúng thiện phụng hành
            Tự tịnh kỳ ý
            Thị chư Phật Giáo.
            Nghĩa là:
            - Tất cả các điều ác thì  không nên làm
            Tất cả các điều thiện thì phải nên làm
            Giữ gìn ý cho thanh tịnh
            Ðó là lời Phật dạy.
            Trong suốt cuộc đời hành đạo của Ðức Phật, với những lời dạy giản dị, nhưng không kém phần quan trọng đối với phạm vi sinh hoạt thực tiễn của xã hội. Ngài đã tận tụy giáo dục mọi tầng lớp người trong xã hội. Ðối với hàng xuất gia ngài đã vạch rõ thế nào là người đã từ bỏ thế gian xuất gia học đạo, là những người sẽ thay thế ngài nắm lấy mạng mạch đạo giáo trong tương lai. Ðối với tín đồ ngài cũng tận tụy giảng dạy từ việc nhỏ như hòa khí trong gia đình, làm thế nào áp dụng sáu điều tùy thuận, kính nhường với nhau để chung sống trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Trong những sự giáo huấn của Ngài như đã trình bày ở trên, như ngầm nhắc nhở cho hàng ngũ tại gia và xuất gia, và cho những ai biết hướng về đạo tỉnh thức phải biết và đền trả Bốn Ân lớn trong đời để hoàn thành tư cách của một con người trong cõi đời nầy trước khi khen hay chê những việc làm của người khác.
            I- Bốn Ân
            A- Ân Cha Mẹ
            Nói đến ân cha mẹ là nói đến một bài toán lớn khó giải nhất trong cuộc đời và sẽ mãi mãi không bao giờ tìm được đáp số. Thật vậy, mẹ công lao chín tháng cưu mang, bỏ ăn mất ngủ, trong suốt thời gian đó biết bao nhiêu sự nhọc nhằn đau khổ, nhận chịu với trăm đắng ngàn cay để giữ gìn thai tạng, lo lắng nếu có mệnh hệ nào xảy ra cho con thì lấy ai nối dõi tông đường. Lo từng phút từng giây cho đến lúc sanh sản, đau đớn vô cùng chẳng khác gì đứt từng khúc ruột, sự đau đớn làm sao kể xiết, vì phải banh da xé thịt để mà sanh con. Mẹ thì như vậy, còn cha thì cũng không thể nào yên được, lo chạy ngược chạy xuôi, lo sắm vật dụng để chu toàn cho mẹ con, trong lòng cứ luôn luôn heo hắt, nguyện cầu cho mẹ tròn con vuông. Khi con còn nhỏ, phải nhờ cha mẹ đổ sữa, mớm cơm, nuôi nấng ẵm bồng, nưng niu chiều chuộng, tình yêu thương trang trãi yêu quý cưng như trứng mỏng giống như trong thơ văn Việt Nam có nói:
            - Mẹ là cây chuyển nhựa đời
            Nuôi con là những nụ cười nở hoa
            Mẹ là biển rộng bao la
            Tràn muôn đợt sóng chính là các con
            Mẹ là rừng thẳm núi non
            Lắng nghe tiếng hát các con trên cành
            Ðẹp như bát ngát trời xanh
            Lòng thương của mẹ, mẹ dành cho con.
            Thật vậy, khi con khỏe mạnh vui tươi, thì đó là niềm vui của cha mẹ, gặp những khi trở trời trái nắng con đau yếu thì cha mẹ đứng ngồi không yên, quên ăn bỏ ngủ, quanh quẩn bên giường bệnh, săn sóc cơm cháo, thuốc thang. Không có tiền thì phải lo vay mượn để chạy chữa, lắm lúc phải mang nợ nần vì con. Nhưng không, cha mẹ đâu có kể đó là điều trở ngại, miễn sao cho con mạnh là được. Qua đi giai đoạn của thời thơ ấu đến lúc lên ba lên năm, thì cha mẹ lại phải chăm lo dạy bảo, trau dồi đức hạnh. Là con trai, thì cha mẹ dạy cho biết trung với nước, hiếu với cha mẹ, với quân vương..v..v... Là con gái thì cha mẹ phải dạy dỗ cho biết công, dung, ngôn, hạnh..v..v...Uốn nắn từng giây từng phút, sao cho con mình có đủ tư cách là con người để sống trong xã hội, những mong con làm đẹp mặt, nở mày cho cha mẹ, dòng họ tổ tông. Gặp được đứa con hiếu thuận biết vâng lời cha mẹ dạy bảo, biết tự chế mình, lập hạnh sống với đời thì đó là phước đức ông bà, cha mẹ, dòng họ tổ tông. Còn đứa con ngỗ nghịch đã không vâng lời, lại còn mắng cha chưởi mẹ, làm cho cha mẹ đau khổ, thì đó là gia đình vô phước. Nhưng dầu gì đi nữa cũng là con của mình, nên đành ôm lòng ép dạ cam chịu đau khổ. Cho đến khi trưởng thành, cha mẹ phải dựng vợ gã chồng, những mong gặp được dâu hiền con gái rễ thảo con trai, nhưng được như ý hay không làm sao có thể biết trước được. Cha mẹ lúc nào cũng lo lắng, khắc khoải cho con và vì con tất cả.
            B- Ân Thầy Bạn:
            Ðơn vị nhỏ nhất là gia đình, là cha mẹ, anh chị em. Tuy nhiên ngoài sự giáo dục, săn sóc của bao nhiêu người thân thương, chúng ta còn cần có thầy hay để dạy dỗ mới có thể trở thành người con ngoan trong gia đình, lương đống cho xã hội và quốc gia. Nhờ có những vị thầy tận tình dạy bảo cho nên đứng trên phương diện tri thức ta cảm thấy có một điểm tựa vững vàng, không bị cô đơn lạc lõng giữa trường đời. Tấm gương cao quý của những bậc thầy hết lòng dạy bảo đệ tử, không kể hao tổn đến tinh thần như ngài Thường Tung trong lúc đau yếu, Lão Tử đến thăm thầy hỏi rằng:
            - Tôi xem tiên sinh mệt nặng, dám hỏi tiên sinh còn có điều chi dạy bảo đệ tử chúng con không?
            Thường Tung nói:
            - Qua cố hương thì phải xuống xe, ngươi đã biết điều ấy chưa?
            Lão Tử thưa:
            - Qua cố hương mà xuống xe có phải là không quên nơi quê cha đất tổ không?
            Thường Tung nói:
            - Ừ phải đấy.
            Thường Tung hỏi tiếp:
            - Thế thì qua chỗ cây cao mà bước rão chân. Ngươi đã biết điều ấy chưa?
            Lão Tử đáp:
            - Qua chỗ cây cao mà bước rão chân, có phải là kính bậc già cả không?
            Thường Tung nói:
            - Ừ phải đấy.
            Thường Tung há miệng cho Lão Tử coi và hỏi rằng:
            - Lưỡi ta có còn không?
            Lão Tử thưa:
            - Thưa thầy còn.
            Thường Tung lại há miệng cho Lão Tử coi và hỏi:
            - Răng ta có còn không?
            Lão Tử thưa:
            - Thưa thầy, răng rụng hết rồi.
            Thường Tung hỏi:
            - Thế thì ngươi có rõ lý ấy hay không?
            Lão Tử thưa:
            - Thưa thầy, lưỡi mà còn có phải là lưỡi mềm Không? Răng mà rụng hết có phải là răng cứng không?
            Thường Tung nói:
            - Ừ phải đấy, việc đời tất cả đều như thế cả. Ta không còn gì để nói với ngươi nữa.
            Những đạo lý cao sâu như trên, nếu không có thầy dạy dỗ thì làm sao ta hiểu thấu lẽ phải ở đời?           
            Bên cạnh thầy hay ta cũng cần có những người bạn tốt luôn luôn khích lệ trên phương diện trau dồi kiến thức, nghị lực, trong những lúc thất bại, chán nản, trong những trường hợp khó khăn, trong những lúc bị tai nạn bất ngờ, trong nếp sống hằng ngày như đôi bạn tri thức tâm tình qua những lời thơ nhắc nhở bạn bè:
            - Trong thiên hạ có hai cái khó: Lên trời là khó, mà cầu cạnh người khác lại càng khó hơn.
            - Trong nhân gian có hai cái đắng: Hoàng Liên là vị thuốc đắng, mà nghèo khổ khốn cùng lại càng đắng hơn.
            - Nhân gian có hai cái mỏng: Giá mùa Xuân mỏng, mà thói đời càng mỏng hơn.
            - Nhân gian có hai cái hiểm: Sông núi hiểm, mà lòng người lại càng hiểm hơn.
             Nếu bạn biết được cái khó, chịu được cái đắng, quen được cái mỏng, dò được cái hiểm mới có thể ở đời được.
            Có được thầy hay bạn tốt ta có thể có hiểu biết sự lý, có những nhận thức chính xác, tránh được những thường tình cám dỗ, những sa đọa vào hố thẳm vực sâu, cạm bẩy của xã hội giăng trước mặt.
C-      Ân Quốc Gia Xã Hội:
            Nước có giàu, thì dân mới mạnh, yếu tố nước giàu dân mạnh đòi hỏi vị nguyên thủ của quốc gia đó có đủ tài lẫn đức, chưởng quản việc nước, lo canh tân xứ sở, mở mang các công kỷ nghệ, dẹp trừ những tham lam bốc lột, đem lại thái bình thịnh vượng cho nhân dân. Coi nhân dân như con đẻ, thương yêu lo lắng, những ưu tư khắc khoải cố tìm phương sách trị dân để mọi người sống trong cảnh thanh bình an lạc. Ðó là chính sách đối nội, còn chính sách đối ngoại, chính phủ lo ngoại giao, bảo toàn biên giới không cho giặc cướp xâm lăng, nên dân chúng nhờ vậy mà đuợc an toàn. Nói tóm lại là vai trò của chính phủ ngoài chuyên lo ngoại giao giữ gìn giới tuyến, trong lo lắng kinh tế, xã hội để quân bình các giới, nhờ vậy mà nhân dân không gặp phải nạn ngoại xâm nội tặc. Phương pháp trị quốc được coi là lý tưởng nhất của những vị minh quân ngày xưa biết nhìn mình, nhìn người được Ðức Phật đề cập trong Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương ba điều:
            1- Nếu nhà Vua không răn những kẻ ác, tức là đi ngược lại với chính lý. Phải theo đúng chính Pháp mà trị dân. Có theo đúng chính pháp mới xứng đáng làm Vua. Nếu không làm theo chính Pháp bị nhân dân lật đổ dễ dàng như con voi dẵm lên bông sen.
            2- Nếu lấy điều phi pháp mà trị dân, thì dân sẽ làm loạn quần thần phải chết, bản thân Vua cũng chẳng yên, kẻ địch ở ngoài xâm lược quốc gia tiêu vong.
            3- Dù mất ngôi Vua hại đến thân mạng cũng quyết không làm điều phi pháp. Ðiều tai hại nhất là dùng những kẻ xiểm nịnh cũng như người thả voi vào vườn hoa, dùng kẻ xiễm nịnh sẽ có ngày mất ngôi Vua. Nếu Vua coi người thân thuộc và nhân dân đều bình đẳng, làm đúng chánh pháp, không gây bè phái, thiên vị thì danh tiếng Vua được lừng lẫy. Cho nên người làm Vua phải quên mình mà mở mang chánh pháp, tôn trọng chánh pháp, dạy người làm điều lành, nếu được thế thì quốc gia phú cường nhân dân an lạc.
            Bên cạnh ân của Quốc Gia chúng ta còn thấy ân của Xã Hội cũng không kém phần quan trọng, đó là nhờ những sự khổ khó của các con ngựa kéo xe, trâu kéo cày, nhọc nhằn thay thế cho ta, mà ta mới có một cuộc sống an nhàn. Nhờ những lam lũ của người nông phu tay lấm chân bùn, mồ hôi tưới thắm trên luống cày để đánh đổi hạt gạo chén cơm, cho chính họ và chúng ta mà ngày nay chúng ta có được hạt cơm ngon, manh áo mặc.
            D- Ân Tam Bảo
            Chúng ta trở thành một con người đạo đức, có tầm kiến thức thấy xa hiểu rộng như ngày nay, là nhờ Ðức Phật, ngài đã sớm ý thức được mọi vật hiện hữu trên thế gian nầy đều vô thường. Sự vật hiện hữu dường như có nhưng đến một lúc bào đó rồi cũng hoại diệt, nghĩ đến thân phận con người quá nhỏ bé, với vũ trụ bao la, rồi cũng có ngày tàn hoại, cho nên ngài không ngần ngại hy sinh quốc thành thê tử để đi tìm một cái gì chân thật, cao siêu tốt đẹp hơn, để cứu độ chúng sanh, nên ngài quyết định hy sinh hạnh phúc gia đình, cá nhân để tìm đạo độ đời. Sau khi từ bỏ cung vàng điện ngọc Thái Tử Tất Ðạt Ða đã đi lang thang khắp các nơi trong lưu vực sông Hằng, để tìm thầy học đạo, tu khổ hạnh nhưng vô hiệu. Cuối cùng, ngài ngồi tham thiền dưới gốc cây Bồ Ðề bên cạnh sông Ni Liên Thiền. Sau bốn mươi chín ngày đêm suy ngẫm, cuối cùng ngài giác ngộ, đạt được đạo giải thoát như ý muốn. Ngài ra đời vì chúng sanh, nên khi ngài đạt đạo, thì đạo đó cũng cho chúng sanh. Thành đạo dưới gốc cây Bồ Ðề, sau đó ngài đến Vườn Nai thuyết pháp giáo hóa cho năm người bạn đồng tu, từ đó tăng đoàn thành lập và được hướng dẫn theo gót chân ngài khắp đó đây trong xứ Ấn Ðộ để hoằng hóa, lợi sanh. Ngài không quản những gian nan khổ khó đi khắp đó đây để hóa độ nhân quần. Ngài tùy theo hoàn cảnh căn cơ mà dẫn dắt chúng sanh. Hạnh nguyện viên mãn ngài nhập Niết Bàn, nhưng chí nguyện cao cả, và giáo pháp chân thật viên mãn đó được hàng đệ tử của ngài nối chí hoằng truyền từ đời nầy sang đời khác. Chúng ta không có may mắn sanh nhằm thời kỳ Ðức Phật nhưng nhờ Pháp Bảo nên chúng ta mới biết đường tu, thoát ly sanh tử, chứng vào cảnh giới thanh tịnh an vui. Cũng nhờ Pháp Bảo chúng ta phân biệt được sự lý trong vũ trụ, phân biệt được các pháp chánh tà, giúp chúng ta có được năng lực dẹp trừ những ác pháp, làm phát khởi các thiện pháp. Chúng ta mà biết Ðược Phật và Pháp là nhờ Chư Tăng là hình ảnh đệ tử xuất gia của Ðức Phật, những vị nầy có bổn phận duy trì chánh pháp của Phật qua hình thức phiên dịch, diễn giải ba tạng kinh điển, hướng dẫn nhân sinh, chư Phật Tử tại gia muốn phát tâm cầu đạo giải thoát, tu tập, đem chân lý truyền bá khắp nơi, vì thế mà Phật Pháp được trường tồn.
            II- Cách Ðền Trả Bốn Ân
            Tất cả mọi người chúng ta mà có được như ngày hôm nay, trước tiên là nhờ cha mẹ, và sau đó là nhờ một chuổi nhân duyên liên kết với nhau trong xã hội để có được một sự tồn tại lâu dài như đã trình bày ở trên. Vì vậy việc biết và đền trả công ơn, đó là lẽ đương nhiên chứ không thể coi việc thờ phượng, hiếu kính..v..v...là mê tín dị đoan được. Nếu việc thờ phượng, hiếu dưỡng cha mẹ mà bị một số người cho là mê tín dị đoan thì có lẽ họ là người từ trong gốc cây, hòn đá chui ra. Nhưng nếu từ gốc cây hòn đá chui ra, là một con người biết chuyện ta cũng không nên vô tình. Cây, đá là loại vô tình, lẽ dĩ nhiên cây đá không đòi hỏi mỗi lần chúng ta đi ngang qua phải ngã nón cúi đầu để chào, nhưng con người là loại động vật có tình, vì thế những nghi lễ tối thiểu của một con người, mà ta không biết là một điều thiếu xót lớn nhất trong xã hội của loài người. 
            A- Cách Ðền Trả Công Ân Cha Mẹ
            Như chúng ta thấy cha mẹ suốt đời vất vả vì con, vì thế là một người con có hiếu hạnh, luôn lúc nào cũng phải cung kính cha mẹ, vâng lời và hết lòng phụng sự cha mẹ, đó là nói lúc cha mẹ còn tại thế. Nhưng nếu cha mẹ đã qua đời thì phải hết lòng thờ phượng. Ðặc biệt, đối với cha mẹ hiện còn, đừng bao giờ làm phiền lòng cha mẹ bằng cách là làm mất danh dự của gia tộc, cũng như tư cách của con người, trái lại còn phải biết tu nhân tích đức, làm rạng rỡ gia phong, lưu tiếng tốt cho cha mẹ. Trong trường hợp cha mẹ có niềm tin thiện ác nhân quả, nghiệp báo thì ta phải noi gương cha mẹ mà tu hiền ở lành. Trong trường hợp cha mẹ không có niềm tin thiện, ác, nhân quả, nghiệp báo, mà chúng ta biết được những phiền lụy của nghiệp báo thì chúng ta cũng không nên buồn phiền, mà hãy kiên nhẫn tạo điều kiện, phương tiện, để khuyến khích cha mẹ thật hành con đường chân đạo. Trong lịch sử Phật Giáo chúng ta thấy có những tấm gương trong sáng của những người con vì cha mẹ mà làm những điều phước đức như Ngài Mục Kiền Liên, cứu mẹ ra khỏi cảnh Ngạ Quỷ. Ðức Phật Thích Ca sau khi thành đạo trở về thành Ca Tỳ La Vệ thuyết pháp cho Vua cha nghe.
            B- Ðền Trả Công Ân Của Thầy Bạn
            Như chúng ta ai cũng biết, bên cạnh sự thương yêu, dạy dỗ của cha mẹ, chúng ta còn có thầy bạn là những người cũng đã tích cực giúp chúng ta rất nhiều trong cuộc sống. Ðể khỏi cô phụ lòng dạy dỗ dẫn dắt của thầy bạn:
            - Trong Trường Học: Chúng ta phải siêng năng học tập, hết lòng cung kính thầy, và hết lòng thường mến bạn.
            - Ngoài Xã Hội: Thực hành những gì thầy đã dạy, và sống cho trọn vẹn những điều hay lẽ phải mà bạn bè đã khuyên nhủ.
            Trong trường hợp thầy bạn không có niềm tin thiện ác nhân quả, nghiệp báo, mà chúng ta biết được những phiền lụy của nghiệp báo thì chúng ta cũng không nên buồn phiền mà hãy kiên nhẫn tạo điều kiện, phương tiện, để khuyến khích thầy bạn thật hành con đường chân đạo. Trong lịch sử Phật Giáo chúng ta thấy có những tấm gương trong sáng của những người bạn chí thân như Ngài Xá Lợi Phất và Mục kiền Liên. Xá Lợi Phất và Mục kiền Liên là hai người bạn chí thân, họ đã từng cam kết với nhau là: Nếu ai gặp được chân lý trước thì phải có bổn phận chỉ dạy hướng dẫn cho bạn. Quả thật, khi Ngài Xá Lợi Phất có cơ duyên gặp Ðức Phật, học hỏi chánh pháp trước, và sau đó Ngài Xá Lợi Phất đã hướng dẫn Mục Kiền Liên quy đầu về Phật Pháp.
            C- Ðền Trả Công Ân Xã Hội
            Chúng ta sống yên ổn trong một quốc gia là nhờ ở chính phủ lo bảo toàn biên giới, không cho giặc cướp xâm lăng phá phách... vì thế ta phải sống đúng, và làm tròn bổn phận theo quy định của quốc gia, biết đoàn kết để tạo thành một khối quốc gia vững mạnh. Trong trường hợp chúng ta có năng khiếu về mua bán, thì trong sự mua bán đó không nên lừa dối thủ lợi nhiều quá để rồi làm đau khổ cho nhiều người dân nghèo, mà trái lại tạo điều kiện nâng cao đời sống xã hội. Không nên tham cầu về vật chất nhiều quá, mà phải tập sống giản dị để có thể hòa mình với mọi người, từ đó chúng ta mới có thể tạo được tình thân giữa con người và con người. Trong trường hợp chúng ta có năng khiếu về tài trí, văn chương thì chúng ta hãy cố gắng đóng góp tích cực khả năng của mình trong sứ mệnh nâng cao trình độ dân trí, làm đẹp văn hóa nước nhà. Phát huy đạo đức, đưa dân chúng cùng thực hiện các điều Chân, Thiện, Mỹ. Ðừng nên sử dụng tài trí của mình như một phương tiện trong kế sinh nhai, quên đi cái chức năng chính của người trí thức cầm viết. Bổn phận của người cầm viết, trước là phục vụ cho chính bản thân, con cháu chúng ta, xa hơn nữa là phục vụ cho hàng hàng lớp lớp thế hệ tương lai. Một viên thuốc độc chỉ có thể giết chết một con người, nhưng một câu nói, một bài báo, một cuốn sách có thể giết chết không những chỉ một thế hệ, mà hàng hàng lớp lớp thế hệ kế tiếp. Phải biết rằng, các thế hệ tương lai đó là hình ảnh của chúng ta trong tương lai, các con, các cháu, các em sẽ mang hình ảnh của chúng ta vào tương lai để làm đẹp cho cuộc đời. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước chúng ta cũng thấy có những người con của cha hoặc mẹ Việt Nam tham quyền cố vị, bán nước cầu vinh, mà cũng có những người con của cha hoặc mẹ Việt Nam muôn đời mọi người không quên được đó là: Vua Trần Nhân Tông, Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn, Lý Thường Kiệt..v..v... Có được những người con kiên cường bất khuất như vậy là nhờ ở những tiền bối đã thấy xa biết rộng, biết giáo dục con em của mình bằng những lời hay ý đẹp, tư tưởng lành mạnh. Lẽ dĩ nhiên, nếu chúng ta có học hỏi thì phải học hỏi những tấm gương tốt. Rất nguy hiểm. Nên cẩn thận.
            D- Ðền Trả Công Ân Tam Bảo
            Có được nếp sống thuần lương là nhờ ở ân Tam Bảo, vì thế chúng ta làm thế nào để cố gắng học hỏi kinh điển cho thấu đáo, giữ vững niềm tin, áp dụng triệt để lời Phật dạy để lòng lương thiện của chúng ta càng lúc càng gia tăng. Xa hơn nữa nếu có thể được, riêng mình nên quy ngưỡng Phật, Pháp, Tăng, cung kính cúng dường những vị đạo cao đức lớn. Ngoài ra nếu được, chúng ta hãy cố gắng thành lập những cơ sở tu tập để làm nơi nương tựa cho chúng sanh bá tánh, giúp cho bá tánh có môi trường trưởng dưỡng nếp sống thuần lương. Trong lịch sử truyền bá Phật pháp tại Ấn Ðộ chúng ta cũng thấy những vị Vua như: Vua A Dục, Vua Kanisacka... Tại Trung Quốc chúng ta thấy các vị Vua đời nhà Ðường... Tại Việt Nam chúng ta thấy các vị Vua qua các triều đại Ðinh, Lê, Lý, Trần...
            Bốn điều giáo pháp trên Ðức Phật đã lưu ý cho chúng ta, bao gồm một lẽ sống vô cùng phong phú. Mặc dầu chúng ta không có được may mắn sanh nhằm thời cùng với Ðức phật, thế nhưng giáo pháp giải thoát mà chúng ta đã thấy nghe, và biết thực hành một cách triệt để thì sự lợi ích đó cũng không thua gì chúng ta sinh nhằm thời với Ðức Phật.
            Suốt mấy ngàn năm qua người con Phật trên khắp thế giới nói chung, người con Phật Việt Nam nói riêng cũng đã thấm nhuần tinh hoa giải thoát của giáo pháp mầu nhiệm. Chất liệu đó thoa dịu những nét hằn đau khổ do chiến tranh thù hận gây ra, và đã nuôi dưỡng trưởng thành dân tộc Ấn Ðộ qua các thời đại Vua A Dục..v..v.. Tại Trung Quốc qua các thời đại của Nhà Ðường..v..v... Tại Việt Nam qua các thời đại Ðinh, Lê, Lý, Trần..v..v... Từ đó chúng ta có thể kết luận: Ðạo Phật có khả năng mang lại những an định giải thoát, những mầu sắc yêu đời, và có khả năng xoa dịu những nét hằn đau khổ của bất cứ dân tộc hoặc quốc gia nào trên thế giới, biết thực hành giáo pháp nhân bản của Ðức Phật.
            Vấn đề Ðạo Ðức Học cũng như chữ Hiếu, Phật Giáo đặt ra là đứng trên phương diện con người đối với con người, tuy nhiên vấn đề nầy chỉ là bước đầu căn bản để hướng dẫn con người đạt tới đạo quả giải thoát, còn chính nó, nó không có giá trị tuyệt đối độc lập nào cả. Hành vi đạo đức là nấc thang đầu tiên rất cần thiết đối với vấn đề giải thoát, nó bao hàm một giá trị tôn giáo, nhưng không phải toàn bộ của tôn giáo. Lý tưởng Phật Giáo trước sau vẫn chỉ là cảnh giới giải thoát, tuyệt đối siêu vượt tất cả mọi thị phi, thiện ác, thường tình của thế gian.
            Nhìn lại những lời dạy của Chư Phật, Chư Hiền Thánh Tăng không ngoài mục đích là hướng dẫn chúng ta ý thức được cảnh khổ của kiếp người để tiến lên con đường hành thiện, tu tập đạo giải thoát. Mặt khác cũng là nhắc nhở cho những người con trong gia đình phải hiếu hạnh sâu xa đối với cha mẹ. Vì cha mẹ là người đại thí chủ luôn luôn gần gủi với chúng ta, vì ta và cho chúng ta nhiều nhất mà không một lời hối tiếc than phiền. Có hiếu hạnh với cha mẹ, có tình thương dồi dào để trang trải cho thân bằng quyến thuộc, xóm giềng quê hương tổ quốc thì mới xứng đáng là một người trong muôn ngàn con người, một động vật khôn ngoan nhất trong muôn ngàn động vật.
            Vu Lan lại về, ngày để cho những người con hiếu thảo có dịp hồi tưởng đáp đền công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Hy vọng rằng các dân tộc của các quốc gia trên thế giới, sớm ý thức được đau khổ của kiếp người nhiều hơn nữa, để cùng nhau ngồi chung lại, để chung sức đóng góp xây dựng một cộng đồng nhân loại, trong tinh thần bình đẳng thương yêu thật sự, biết nhường nhịn nhau, biết sống trong tinh thần tương thân tương trợ, và xin tất cả mọi người hãy tôn trọng nhân phẫm cho nhau, để kết nên một mối tình đạo vị, cùng chia xẻ cho nhau những ngọt bùi hạnh phúc. Bởi vì niềm vui của anh chính là niềm vui của tôi, đau khổ trong gia đình anh chính là đau khổ trong gia đình tôi. Thực hiện được như vậy thì chính quý vị đã trở thành một con người đạo đức hiếu hạnh:
            - Trong một tiểu gia đình: Xóm giềng, thân bằng quyến thuộc.
            - Trong một đại gia đình: Quốc Gia, Ðạo Pháp và Dân Tộc.
-- o0o --