Anh Hùng Dân Tộc &
Thầy Của Chúng Sanh
Nhất Quán
--o0o--
  
- Ðất Bắc Phồn Vinh sùng Ðạo Phật
            Việt Nam Oanh liệt có đời Trần
            Trong lịch sử Việt Nam chúng ta, từ thời lập quốc cho đến hiện đại, có rất nhiều vị Vua anh hùng trên phương diện trị nước, nhưng nếu nói vừa là một anh hùng trị nước, mà cũng là bậc thầy của chúng sanh là phải nói đến các vị vua đầu của đời Nhà Trần.
            I- Vua Trần Thái Tông(1218-1277)
            A- Tiểu Sử
            Vua Trần Thái Tông tên là Trần Cảnh, sinh năm Mậu Dần, niên hiệu Kiến Gia thứ tám triều Nhà Lý, tức là 17-7-1218 mất ngày 4-5-1277 làm vua 33 năm, nhường ngôi 19 năm, thọ 59 tuổi. Quê quán tại làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường, ngày nay là Xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Hà Nam Ninh. Tổ tiên dòng họ nhà Trần vốn là người Phúc Kiến, đến ông Tổ là Trần Kinh sang nước Việt Nam lập nghiệp ở làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường. Trần Kinh sinh ra Trần Hấp, Trần Hấp sinh Trần Lý, Trần Lý sinh Trần Thừa, tất cả đều làm nghề đánh cá. Nhờ có công dẹp loạn, nên họ Trần dần dần có thế lực từ đời vua Lý Cao Tông. Trần Cảnh là con thứ của Trần Thừa, và nhờ ở tài nhiều mưu lược, nên  dưới Triều Lý, Trần Thừa đã từng giữ chức Nội Thị Khán Thủ(đứng đầu các quan hầu cận Vua Lý trong cung). Bên cạnh cha làm quan lớn còn có Trần Thủ Ðộ là chú, khi ấy làm Ðiện Tiền Chỉ Huy Sứ, giữ mọi việc quân sự trong ngoài thành thị. Cháu gọi Thủ Ðộ bằng bác, trong số đó có: Trần Bất Cập làm Cận Thi Thư Lục Chi Hậu Cục, Trần Thiêm làm Ứng Chi Cục, Trần Cảnh làm Chính Thủ. Trần Cảnh lúc ấy 8 tuổi, chực ở bên ngoài. Một hôm phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế được vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng trông thấy lấy làm ưa, nên mỗi khi chơi ban đêm đều cho gọi Trần cảnh đến cùng chơi, thấy Trần Cảnh ở chỗ tối thì trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Có một hôm, Trần Cảnh bưng chậu nước đứng hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt, lấy tay tát ước cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Trần Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Trần Cảnh. Trần Cảnh không nói gì về ngầm nói với Thủ Ðộ. Thủ Ðộ nói:
- Nếu thực như thế thì họ ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây?
Lại một hôm, Chiêu Hoàng lấy khăn trầu ném cho Trần Cảnh, Trần Cảnh lạy rồi nói:
- Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh.
Chiêu Hoàng cười và nói:
 - Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn đó.
Trần Cảnh về nói với Thủ Ðộ. Thủ Ðộ sợ việc tiết lộ thì bị giết cả dòng họ, lúc bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm. Thủ Ðộ đóng hết tất cả các cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, vì vậy mà các quan vào chầu không được. Sau đó Thủ Ðộ loan báo:
- Bệ hạ đã có chồng rồi.
Các quan nghe thế, ai cũng vâng lời chọn ngày vào chầu. Ðến năm 1226, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, và vương triều Nhà Trần được thành lập từ đấy.
            B- Anh Hùng Trần Thái Tông
            1- Những Ngày Ðầu Của Nhà Trần
            Nói về những ngày đầu của Nhà Trần, trước tiên chúng ta nên biết sơ qua về Trần Thủ Ðộ, là người có công lớn trong việc tạo dựng Nhà Trần. Trần Thủ Ðộ sinh năm Giáp Dần(1194) ở làng Lưu Xá, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng, nay là Xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, và mất vào tháng Giêng năm Giáp Tý (1264) thọ 71 tuổi. Tổ tiên ông vốn nối đời làm nghề đánh cá(giống như Trần Thái Tông), từ Yên Sinh(Ðông Triều, Quảng Ninh) về vùng sông nước Hiển Khánh, Tức Mặc ven sông Hồng thuộc đất Hà Nam Ninh ngày nay. Sau đó sang ở vùng Bát Xá-Tam Nông(tám làng xá, ba làng nông) cạnh dòng sông Luộc. Ðến đời thân phụ Trần Thủ Ðộ và nguyên tổ Trần Lý của nhà Trần thì họ Trần trở nên giàu có, người ở quanh vùng quy phụ... Nhất là từ khi Trần Lý có người con tên là Trần Thị Dung lấy Hoàng Thái Tử Sảm sau nầy là vua Lý Huệ Tông thì thanh thế càng lớn. Trong thời gian nầy có nhiều người nổi lên làm giặc, Trần Thủ Ðộ cùng với những người con ưu tú khác của họ Trần sớm tham gia lập các đội hương binh đi đánh dẹp các thế lực phản loạn, nhằm mục đích là khôi phục cơ nghiệp cho Nhà Lý. Vì có công lớn nên năm 1224 ông được phong làm Ðiện Tiền Chỉ Huy Sứ, quản lãnh các đạo quân bảo vệ kinh thành. Trần Thủ Ðộ tuy không có học vấn, nhưng tài mưu lược hơn người, làm quan Triều Lý được mọi người suy tôn. Cuối triều Lý chính quyền trung ương bất lực, trước cuộc suy thoái về kinh tế và hổn loạn về chính trị, thiên tai, mất mùa, đói kém xẩy ra liên tiếp. Các thế lực làm loạn nổi lên khắp nơi, đánh giết lẫn nhau, cướp bóc bừa bãi. Ngoài biên thùy, Chiêm Thành và Chân Lạp thường xuyên quấy phá. Ðế quốc Mông Cổ cũng đã tung vó ngựa sang Ðông đánh Kim, diệt Tây Hạ, chiếm Triều Tiên, chuẩn bị xâm lược Tống, và các nước phía Nam. Trong lúc ấy, vua Lý Cao Tông vẫn mãi rong chơi, say đắm thanh sắc, thích xây dựng cung điện, đền miếu không thiết gì đến chính sự. Vua Lý Huệ Tông thì nhu nhược, bệnh hoạn. Năm Giáp Thân (1224) truyền cho con gái là Lý Chiêu Hoàng mới 6 tuổi rồi tu ở Chùa Chân Giáo. Nhân việc Chiêu Hoàng lấy chồng, Trần Thủ Ðộ đạo diễn cuộc chính biến tháng chạp năm Ất Dậu(tức tháng 1-1-1226), xếp đặt việc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, lúc đó Trần Cảnh 8 tuổi. Lời lẽ trong chiếu nhường ngôi rằng: Trẫm là nữ Chúa, tài đức đều thiếu, không có người giúp đở, giặc cướp nỗi lên như ong, giữ thế nào ngôi báu nặng nề... Trần Thủ Ðộ làm cuộc đảo chánh thay đổi một triều đại mà không xảy ra đổ máu và đảo lộn lớn trong nước. Ngay sau khi lên làm Vua, Trần Cảnh tức là Trần Thái Tông phong Trần Thủ Ðộ làm Quốc Trượng Phụ, nắm giữ mọi việc cai trị thiên hạ. Năm sau lại phong cho Trần Thủ Ðộ làm Thái Sư giữ tất cả các việc hành quân, đánh dẹp trong nước. Ông là một nhà lãnh đạo tài giỏi, và tận tụy chăm lo việc nước. Phàm công việc gì là cho đế nghiệp Ðông A vững mạnh ông đều cương quyết làm cho bằng được. Ngay từ những năm đầu của triều Trần, ông đã đánh dẹp được các thế lực làm loạn ở các địa phương và tổ chức lại bộ máy hành chánh từ chính quyền trung ương đến cấp xã. Ông đặt ra sổ trướng tịch ghi chép danh sách dân gian trong xã thôn, từ quan văn, quan võ, binh lính, hoàng nam, trung lão, tàn tật, người ngụ cư, để nắm chắc hộ khẩu trong nước. Ông đề cao tư tưởng pháp trị, định ra luật lệ, quy chế hành chánh, và gương mẫu thực hiện.
Sử còn ghi chép chuyện Linh Từ Quốc Mẫu có lần ngồi kiệu đi qua chỗ thềm cấm bị người quân hiệu ngăn lại. Về nhà bà khóc và bảo với Trần Thủ Ðộ rằng:
- Mụ nầy làm vợ ông mà bọn quân hiệu ấy khinh nhờn như thế.
Thủ Ðộ giận sai đi bắt. Người quân hiệu ấy nghĩ chắc chắn là phải chết, nhưng khi đến nơi, Thủ Ðộ vặn hỏi trước mặt, người quân hiệu đem sự thật trả lời. Thủ Ðộ nói:
- Ngươi ở chức thấp mà biết giữ phép nước như thế, ta còn trách gì nữa. Rồi lấy vàng lụa thưởng cho người ấy. Trần Thủ Ðộ là người có bản lãnh và cá tính khác thường. Ông xử lý việc gì cũng thẳng thắn, thường quyết đoán theo ý chí của mình, ít chịu để cho tình cảm sai khiến. Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Thủ Ðộ gắn liền với nghiệp đế họ Trần. Những hiệu quả lịch sử về việc ông làm, đã đưa đất nước qua cuộc suy vong cuối thời Lý, và khởi dựng nên thời đại Ðông A rực rỡ với những chiến công oanh liệt chống ngoại xâm và những thành tựu xây dựng đất nước.
2- Chiến Thắng Quân Nguyên Mông
            Khi lên làm Vua, Trần Cảnh tức là Trần Thái Tông đổi niên hiệu là Kiến Trung, năm 1232 đổi là Thiên Ứng Chính Bình, năm 1251, lại đổi là Nguyên Phong, và niên hiệu Nguyên Phong đã đi vào lịch sử như cái mốc lớn ghi chiến công đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông hồi thế kỷ XIII mà thơ Trần Nhân Tông ca ngợi:
            - Bạch đầu quân sĩ tại,
            Vãng vãng thuyết Nguyên Phong.
            Nghĩa là:
            - Lính bạc đầu còn đó
            Vẫn kể chuyện Nguyên Phong.
            Quả thật trong thế kỷ thứ XIII, nhà Trần của dân tộc Việt Nam đã lập nên những chiến công vĩ đại, ba lần chiến thắng quân Mông Cổ xâm lược. Lần thứ nhất xẩy ra vào tháng giêng năm 1258, Chúa Mông Cổ tiến hành cuộc chiến tranh xâm chiếm Trung Quốc, thời bấy giờ là triều đại Nhà Tống. Sự tiến quân nầy chia làm hai đạo, một đạo quân ồ ạt đánh vào đất Tống, và một đạo khác đánh vào nước Ðại Lý. Tháng 12 năm Ðinh Tỵ(tức tháng 1-1258), sau khi quân Mông Cổ, tiêu diệt nước Ðại Lý(Vân Nam), đã tiến vào lưu vực sông Hồng với một đạo quân khoảng bốn vạn người, gồm kỵ binh Mông Cổ và binh lính người Vân Nam do tướng Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy từ Vân Nam đánh xuống Ðại Việt. Ngày 17-1-1258 niên hiệu Nguyên Phong thứ 7 khi quân Nguyên tràn tới cánh đồng Bình Lệ phía nam Bạch Hạc, Vua Trần là Thái Tông đã đem quân lên Bình Lệ Nguyên, bên sông Cà Lỗ chống giặc, thế giặc rất mạnh, quân Ðại Việt bị đánh lui. Trước thế mạnh của giặc vua Thái Tông phải bỏ Thăng Long rút xuống phía nam để bảo toàn lực lượng trước thế mạnh ban đầu của giặc. Quân ta rút lui, bỏ Thăng Long lại phía sau, nhưng triều đình và quân dân vẫn không nao núng. Trên đường về phương Nam, Vua tôi Nhà Trần đã bàn bạc phương lược đánh giặc trên những con thuyền xuôi sông Hồng. Vua ngự thuyền nhỏ đến thuyền em ruột là Thái Úy Trần Nhật Hạo hỏi kế. Nhật Hạo lấy ngón tay chấm nước viết hai chữ Nhập Tống ở mạn thuyền, ý khuyên Vua nên chạy sang nhờ vả nước Tống. Vua bèn rời thuyền đến hỏi Thái Sư Trần Thủ Ðộ, Trần Thủ Ðộ trả lời: Ðầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo! Vào lúc gay go nhất của cuộc kháng chiến, câu trả lời đanh thép ấy của Trần Thủ Ðộ đã giữ vững được tinh thần dám đánh và quyết thắng của quân dân Ðại Việt. Khi quân nhà Trần rút lui, quân giặc chiếm đóng ở thành Thăng Long. Trong tòa thành trống, đã khốn đốn vì thiếu lương thực, chúng cố đánh ra chung quanh để kiếm lương thực, nhưng ở đâu cũng gặp sức chống trả mãnh liệt của dân chúng. Vì vậy mà chỉ trong vòng 9 ngày sau, chúng đã vô cùng hoảng hốt. Ðó chính là thời cơ để quân ta phản công. Theo Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư nói: Ngày 29-01-1258 vua Trần Thái Tông cùng với Thái Tử Hoảng sau nầy là Vua Trần Thánh Tông đem quân chống giặc. Nhà Vua tự là tướng đốc chiến đi trước, xông pha tên đạn chỉ huy cuộc chiến đấu chống giặc đã đem binh thuyền ngược sông Hồng trở về phá tan quân Nguyên ở Ðông Bộ Ðầu, chiếm lại Thăng Long. Quân địch bị đánh bật khỏi kinh thành, theo đường cũ chạy về Vân Nam. Trên đường tháo chạy chúng còn bị quân dân các tộc ở miền núi tập kích đánh cho tan tác. Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất. Trần Thái Tông trở thành ông Vua anh hùng cứu nước.
            Có thể nói, thành quả trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống quân xâm lược Mông Cổ nầy là nhờ ở quân dân đoàn kết một lòng dưới sự điều khiển tài ba của vua Trần Thái Tông, và cũng là nhờ ở câu nói sắt đá của Trần Thủ Ðộ. Trần Thủ Ðộ thật xứng đáng được xếp vào hàng là một trong những nhà chính trị kiệt xuất, đi đầu trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong lịch sử dân tộc.
            C- Vị Anh Hùng & Bậc Thầy Chúng Sanh
            Sau khi đánh bại cuộc xâm lược Nguyên Mông năm 1258, đất nước thái bình, Trần Thái Tông nhường ngôi cho con lên làm Thái Thượng Hoàng. Từ đây Thái Tông vừa cố vấn cho con, vừa lo nghiên cứu tu thiền. Ðến lúc Trần Thánh Tông đủ sức đảm đang việc nước, Ngài lui về lập am Thái Vi để tu tập ở vùng rừng núi Vĩ Lâm cố đô Hoa Lư. Cùng trong năm nhường ngôi 1258 vua Trần Thái Tông bắt đầu viết Khóa Hư Lục cho đến trước lúc mất (1277). Nội dung Khóa Hư Lục ghi chép những phép tu dưỡng của đạo giải thoát với những điểm:
1- Nói về nguyên lai đau khổ của con người ở chỗ bỏ mất bản tâm của mình cho nên gọi về sám hối càng sớm càng hay.
2- Thuyết lý về cuộc sinh tồn của nhân loại cũng ví như cuộc vận hành tuần hoàn của trời đất trong vũ trụ vạn vật.
3- Chương trình tu hành, cầu nguyện, sám hối với hiệu quả cầu mong là giải thoát nhờ vào tha lực của Thế Tôn.
4- Xưng tụng đời sống đạo lý của tác giả.
Theo tuần tự như trên chúng ta thấy về nội dung, Khóa Hư Lục vừa có giá trị triết học, vừa có giá trị văn học, trong đó Trần Thái Tông mượn để biểu đạt tư tưởng, cảm xúc của mình qua hình thức văn, luận, thể biền ngẫu và kệ, thể thơ thất ngôn, ngũ ngôn... Xét về niên đại, Khóa Hư Lục là cuốn sách xưa nhất hiện còn được giữ trong kho thư tịch cổ nước ta. Tên tuổi Trần Thái Tông được sử sách lưu truyền, bởi vì ông không những là một vị vua tài giỏi có công đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông, mà còn là một nhà Thiền Học, một Triết Gia có những tư tưởng sâu sắc, độc đáo và một tính cách khá lạ lùng. Do đó chúng ta có thể nói Ngài là người anh hùng của dân tộc, đồng thời cũng là một ông vua Thiền Sư, thầy tất cả chúng sanh, đã mở đầu cho một mấu chốt quan trọng nhất về phương diện Triết Học & Thiền Học của thời Trần.
            Trong một bản văn Khóa Hư Lục, bài tựa Thiền Tông Chỉ Nam của Trần Thái Tông viết, Ngài đã kể lại sự việc năm 1236 đang đêm Ngài bỏ cung điện vào núi, định ở đó tu hành, nhưng Trần Thủ Ðộ đến nơi cương quyết mời Ngài trở lại ngôi Vua, và câu chuyện nầy gắn liền với tiểu sử của đời Ngài, với đặc điểm Phật Giáo Việt Nam thời Trần:
            Năm thứ 5, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình, đúng đêm mồng 3 tháng 4 năm Bính Thân(1236), Trẫm đổi y phục đi ra cửa cung, bảo người tả hữu rằng:
            - Trẫm muốn ra chơi để ngầm nghe lời dân, mới hiểu thấu nỗi khó khăn của họ!
            Bấy giờ tả hữu theo Trẫm không quá bảy tám người. Giờ hợi đêm ấy, Trẫm cỡi một ngựa lẻn ra đi, qua sông mà đi về phía Ðông, mới nói thực lòng cho tả hữu biết. Tả hữu ngạc nhiên, tất cả đều khóc. Giờ mão ngày hôm sau thì đến bến đò Ðại Than, bên núi Phả Lại, sợ người ta biết, Trẫm lấy vạt áo che mặt qua sông, đi tắc theo đường núi. Ðến tối vào nghỉ Chùa Giác Hạnh, đợi sáng lại đi. Gập ghềnh núi thẳm khe sâu, ngựa mỏi không tiến được, Trẫm bỏ ngựa vin theo vách đá mà lần bước leo dốc mà đi, đến giờ mùi tới sườn núi Yên Tử. Sáng sớm hôm sau, Trẫm lên thẳng đỉnh núi, tham kiến Ðại Sa Môn Quốc Sư Trúc Lâm. Quốc Sư vừa thấy Trẫm mừng rỡ ung dung bảo:
            - Lão tăng ở lâu nơi sơn dã, xương cứng mặt dày, ăn rau đắng, cắn hạt dẻ, uống nước suối, dạo cảnh rừng, lòng như mây nổi đến đây. Nay bệ hạ bỏ ngôi nhân chủ, nghỉ đến nơi quê hèn núi rừng, chẳng hay bệ hạ mong cầu điều chi mà đến đây?
            Trẫm nghe nói, hai hàng nước mắt tự tràn đáp lại sư rằng:
            - Trẫm còn thơ ấu vội mất hai thân, bơ vơ đứng trên sĩ dân không chỗ nương tựa. Lại nghĩ sự nghiệp bậc đế vương đời trước thịnh suy không thường, cho nên Trẫm đến núi nầy chỉ cầu làm Phật, chứ không cầu việc gì khác.
            Quốc Sư bảo:
            - Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết là chơn Phật. Nay bệ hạ nếu ngộ tâm nầy thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài.  
            Bấy giờ thúc phụ Trần Công, người em họ mà tiên vương gởi gấm đứa con côi, sau khi tiên quân bỏ thế gian và quần thần, Trẫm phong làm Thái Sư tham dự quốc chính. Nghe tin trẫm bỏ đi, ông liền sai tả hữu tìm kiếm khắp nơi, bèn cùng với quốc lão tìm đến núi nầy. Gặp Trẫm, Thái Sư nói thống thiết rằng:
            - Thần nhận sự ủy thác của tiên quan, tôn bệ hạ làm chúa thần dân. Lòng dân trông đợi ở bệ hạ như con nhỏ mong đợi cha mẹ. Huống nữa ngày nay các cố lão trong triều đều là bề tôi thân thuộc, dân chúng sĩ thứ ai cũng vui vẻ phục tùng. Cho đến đứa bé lên bảy cũng biết bệ hạ là cha mẹ dân. Vả lại Thái Tổ bỏ thần mà đi, nắm đất trên mồ còn chưa khô, lời dặn dò còn vẳng vẳng bên tai, mà nay bệ hạ trốn lánh vào núi rừng, ẩn cư để mong thỏa mãn chí mình. Như thần nghỉ, bệ hạ vì mục đích tu riêng mình mà làm thế thì được, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao? Ví để lời nói suông mà bảo đời sau thì sao bằng chính thân mình làm người dẫn đạo cho thiên hạ? Bệ hạ nếu không nghĩ lại, chúng thần cùng người trong thiên hạ đồng chết ngay hôm nay, quyết chí không về.
            Trẫm thấy Thái Sư cùng các lão quần thần không có ý bỏ Trẫm, Trẫm liền đem lời nầy bày tỏ với Quốc Sư. Quốc Sư cầm tay Trẫm bảo:
            - Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ về, bệ hạ không về sao được, song phần nghiên cứu nội điển mong bệ hạ đừng xao lãng.
            Nghe theo lời Quốc Sư dạy do đó, trẫm cùng quốc lão về kinh, gắng lại lên ngôi. Khoảng hơn mười năm, những khi rảnh rỗi, trẫm tập họp các vị kỳ đức để tham cứu thiền, hỏi đạo và các kinh Ðại Thừa đều nghiên cứu qua. Trẫm Thường đọc Kinh Kim Cang đến câu: Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, trong khoảng để quyển kinh xuống ngâm, bổng nhiên tự ngộ. Liền đem sở ngộ nầy viết thành bài ca để tên là Thiền Tông Chỉ Nam.
            Bài tựa trên, vua Trần Thái Tông đã toát yếu khúc chiết tất cả triết lý thiền của tác giả đã thực nghiệm ở chính bản thân trong cuộc đời hành động nhập thế của Ngài. Gồm năm giai đoạn:
1- Khái quát quan điểm Thiền của nhà vua
2- Ý hướng cầu chân
3- Luân điệu của nhà xuất thế
4- Luận điệu của nhà nhập thế
            5- Sự giác ngộ của nhà vua.
            Mở dầu tác giả đã giới thiệu tổng quát cả một luận án về triết lý Thiền, chú trọng vào một thực tại làm cơ bản cho thế giới sự vật vô cơ, hữu cơ và tinh thần. Cái thực tại ấy là cái thực tại tuyệt đối, toàn diện mà tác giả mệnh danh là Phật tức là Phật tính. Phật tính ấy là Bản Thể Ðại Ðồng là thực tại tuyệt đối của tác giả quan niệm cho nên bảo là Phật không Nam Bắc, vì không lệ thuộc vào điều kiện của thời gian và không gian, hoàn cảnh địa lý và lịch sử. Chính cái thực tại ấy là thực tại siêu nhiên của triết học truyền thống Ðông Phương. Về Siêu Hình Học thì nó nhận có thực tại linh diệu làm bản thể của thế giới sự vật chúng sanh và tinh thần. Về Tâm Lý Học nó nhận thấy ở trong tâm hồn có một cái gì đó tương tự hay đồng nhất với cái thực tại linh diệu kia. Về Ðạo Ðức học nó đặt cứu cánh cùng tột của con người ở sự hiểu biết cái Bản Thể tiềm tàng và siêu việt của toàn thể hiện hữu. Thái Tông cũng chỉ ngay cái thực tại linh diệu siêu nhiên ấy làm đối tượng không phải chỉ cho suy tưởng mà chính là đối tượng để sống, thực hiện cả trong tư tưởng lẫn ngoài hành động. Cái thực tại ấy, ở đây là Phật tính tuy không lệ thuộc vào thời gian và không gian, siêu việt lên trên, nhưng mặt khác đồng thời cũng tiềm tàng linh động trong thiên hình vạn trạng của con người, và vũ trụ sự vật, biến hoá không ngừng nầy. Với tinh thần đó chúng ta thấy phản ảnh trung thực như cuộc đời của nhà vua. Vua Trần Thái Tông lên làm vua lúc 8 tuổi, năm 16 tuổi thì Hoàng Thái Hậu mất, năm 18 tuổi thì Thái Tổ Hoàng Ðế cũng băng hà. Vua Thái Tông là một người có hiếu vì thế mà nhà vua đã có ý định đi tu tìm đạo giải thoát để mà báo đền công ơn cha mẹ. Vì vậy năm 20 tuổi nhà vua quyết định thoát ly cung vàng điện ngọc để đi tìm đạo giải thoát. Nhưng khi đến núi Yên Tử gặp Trúc Lâm Quốc Sư ngài đã dạy:
            - Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết là chơn Phật. Nay bệ hạ nếu ngộ tâm nầy thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài.
            Qua câu chuyện đối đáp giữa vua Trần Thái Tông một người cha của thiên hạ và Quốc Sư ngộ đạo chúng ta thấy sự nhắn nhủ của Thiền Sư cho nhà vua biết, nhưng cái biết đó nhà vua chưa biết mình phải là gì. Cho đến khi Trần Thủ Ðộ nhắc:
            - Bệ hạ vì mục đích tu riêng mình mà làm thế thì được, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao?
            Và Quốc Sư Trúc Lâm nhắc lần thứ hai:
            - Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình.
            Ðối với người con Phật dù ở đâu, tâm hiếu kính, lòng thương người, và tinh thần trách nhiệm đối với Quốc Gia Xã Tắc bao giờ cũng là vấn đề trọng đại nhất. Thái độ đối với tâm hiếu kính, lòng thương người, và tinh thần trách nhiệm đối với Quốc Gia Xã Tắc chính là thước đo giá trị của mỗi người, bất kể họ ở cương vị nào. Vì thế khi nhà vua nghe Quốc Sư Trúc Lâm, và Trần Thủ Ðộ nhắc đến những trách nhiệm thì nhà vua không còn sự lựa chọn nào khác hơn là sự chọn của một trái tim Bồ Tát, hay tinh thần nhập thế của bậc đại thừa bồ tát. Thế là Trần Thái Tông trở về triều và 22 năm sau, Trần Thái Tông cũng trong tinh thần nhập thế đó đã phá tan quân xâm lược Nguyên Mông, giữ vững Quốc Gia Xã Tắc, đem lại đời sống no cơm ấm áo cho muôn dân. Vua Trần Thái Tông quả là một vị Vua có tính cách đặc biệt. Lúc làm tướng đánh giặc thì anh dũng xông vào mũi tên hòn đạn, khi là Vua thì phú quý không làm trọng, có thể sẳn sàng từ bỏ ngai vàng không luyến tiếc. Ngô Thì Sĩ, sử gia thế kỷ thứ XVIII đã nhận xét về Trần Thái Tông như sau:
            - Trần Thái Tông tuy ý từ gần với đạo giải thoát, mà chí thì rộng xa, cao siêu cho nên bỏ ngôi báu như trút đôi dép rách vậy.
            Lời nhận xét nầy tưởng như một nét khắc thần thái Trần Thái Tông, bó đuốc của Thiền Học Việt Nam, gương mặt văn hóa đẹp và khác thường trong lịch sử Việt Nam.
            II- Vua Trần Nhân Tông(1258-1308)
            A- Tiểu Sử
            Trần Nhân Tông, vị vua anh hùng, triết gia, và thi sĩ, tên là Khâm con trưởng của Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Hậu, sinh năm ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ, Nguyên Phong năm thứ 8 đúng năm Thái Tông và Thánh Tông đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất. Lúc mới sanh thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng cho nên Thái Tông và Thánh Tông tức là ông nội và cha đều cho là lạ, vì thế nên gọi là Kim Tiên Ðồng Tử. Trên vai có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn. Ngài lên ngôi năm 1279 lúc đó ngài 21 tuổi, trị vì 14 năm, nhường ngôi 5 năm, thọ 51 tuổi, băng hà ở am Ngọa Vân núi Yên Tử, tro cốt đưa về táng ở Ðức Lăng. Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thưở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần.
            B- Anh Hùng Trần Nhân Tông
            1- Chiến Thắng Quân Nguyên Mông
            Nói đến Trần Nhân Tôn là phải nói đến người anh hùng cứu nước. Trong thời gian ấy đất nước Ðại Việt đứng trước thử thách ghê gớm, đó là hiểm họa xâm lược lần thứ hai và lần thứ ba của giặc Nguyên Mông. Trong hai lần kháng chiến nầy, Trần Nhân Tông đã trở thành sợi dây liên lạc kết chặt lòng dân, lãnh đạo quân dân Ðại Việt vượt qua bao khó khăn đưa cuộc chiến dấu tới thắng lợi huy hoàng.
            a- Chiến Thắng Quân Nguyên Mông Lần Thứ Hai
            Sau lần thất bại thứ nhất, đế quốc Mông Cổ vướng vào cuộc nội chiến(1259-1264) và cuộc chiến tranh với Triều Ðình Nhà Tống (1267-1279) nên chưa thể tiếp tục ngay cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Mãi đến năm 1279 nhà Tống mất, toàn bộ đất Trung Quốc đã nằm dưới ách thống trị của Nhà Nguyên. Sau khi không khuất phục được Ðại Việt bằng những sứ bộ ngoại giao, vua Nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt mới chuẩn bị xâm lược nước ta bằng quân sự. Cuối năm 1284, đạo quân Nguyên Mông do Thoát Hoan, con trai của Hốt Tất Liệt và A Lý Hải Nha chỉ huy đã lên đường bắt đầu xâm lược Ðại Việt lần thứ hai. Lần nầy, ngoài cánh quân lớn của Thoát Hoan đánh vào mặt Lạng Sơn, vua Nguyên Mông còn sai Nạp Tốc Lạc Ðinh đem một cánh quân từ Vân Nam đánh vào Tuyên Quang và ra lệnh cho Toa Ðô đem đạo quân còn đóng ở Bắc Champa đánh vào mặt nam của Ðại Việt. Sau vài trận đánh chận giặc ở Lạng Sơn và Tuyên Quang trong ngày 26 tháng 12 năm 1285 quân ta lại rút lui về thế thủ. Ngày 6 tháng Giêng năm 1258 tướng Nhà Nguyên là Ô Mã Nhi đánh vào Vạn Kiếp và núi Phả Lại. Ngày 12 tháng giêng năm 1285 giặc đánh vào Gia Lâm, Vũ Ninh, Ðông Ngàn bắt được nhiều quân lính của Nhà Trần, thấy người nào cũng thích hai chữ Sát Thát, có nghĩa là Giết Giặc Thát Ðát vào cánh tay, Ô mã Nhi tức lắm vì thế mà quân Nguyên giết hại rất nhiều người. Thế mạnh của địch đã bắt đầu tiến tới bờ bắc sông Hồng, áp sát kinh thành Thăng Long. Vua tôi Nhà Trần đứng trước sự lựa chọn căng thẳng:
            - Phản công quyết chiến bảo vệ kinh đô.
            - Tạm thời rút lui để bảo toàn lực lượng và xây dựng cơ sở để chờ thời cơ diệt giặc?
            Ðiều cốt yếu là lúc nầy làm sao nắm được địch tình, rút ra được kết luận về thế giữa ta và địch thì mới có thể lựa chọn đúng sách lược. Giữa lúc nguy biến chưa tìm ra cách nào làm được điều nầy, thì Chi Hậu Cục Thư Ðỗ Khắc Chung tâu với Vua:
            - Thần tuy tài hèn sức mọn nhưng xin với bệ hạ cho đi vào đất giặc đặng mà biết giặc.
            Vua Trần Nhân Tông mừng và nói:
            - Ngờ đâu trong đám ngựa kéo xe muối lại có ngựa kỳ, ngựa ký như thế. Rồi sai Ðổ Khắc Chung đưa thơ giảng hòa.
            Chiều ngày 12-2-1285 Ðỗ Khắc Chung vượt sông Hồng bằng con thuyền nhỏ, lấy cớ đưa thơ cầu hòa của vua Trần rồi lọt vào hành dinh Ô Mã Nhi. Gặp mặt Ðổ Khắc Chung, Ô Mã Nhi nói:
            - Quốc vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ Sát Thát, khinh nhờn thiên binh lỗi ấy to lắm.
            Khắc Chung đáp:         
            - Chó nhà cắn người lạ không phải tại chủ nó. Vì lòng trung với nước nên họ tự thích chữ như vậy chớ không bảo họ cả. Quốc vương tôi không biết, tôi là cận thần tại sao tôi không có!
            Nói xong Khắc Chung đưa cánh tay cho Ô Mã Nhi xem.
            Ô Mã Nhi nói:
            - Ðại quân từ xa tới, nước ngươi sao không quay giáo để hội kiến, lại còn chống lệnh. Càng bọ ngựa cản bánh xe liệu sẽ ra sao?
            Khắc Chung nói:
            - Hiền tướng không theo sách Hàn Tín bình nước Yên, đóng quân ở đầu biên giới, đưa thư tin trước, nếu không thông hiểu thì mới có lỗi. Nay lại bức nhau, người ta nói thú cùng thì chống lại, chim cùng thì mổ lại, huống chi là người!
            Ông đối đáp với chủ tướng giặc, thông minh khiến hắn vị nể, lưu lại một đêm. Thời gian nầy Ðỗ Khắc Chung tìm cách khéo léo quan sát địch tình. Sáng sớm hôm sau giờ mão ngày 13-2-1285 ông đã bí mật trở về kinh thành Thăng Long. Nhờ đấy Vua tôi nhà Trần quyết định rất đúng đắn:
            - Thế giặc đang rất mạnh, cần rút lui gấp, lập vườn không nhà trống ở kinh thành.
            Ðây là lần thứ hai, vua tôi nhà Trần lại bỏ trống Thăng Long, kéo về mạn Thiên Trường và Trường Yên. Và để tránh vào thế bị kẹp vào giữa các gọng kềm của giặc, đại quân và triều đình chờ cho cánh quân của Toa Ðô tiến đến Trường Yên tức là Ninh Bình cũ thì đại quân rút vào Thanh Hóa. Trong khi một bộ phận lớn của quân chủ lực rút, thì khắp nơi quân địa phương và dân binh các lộ phối hợp với các cánh quân nhỏ của triều đình để lại, đã không ngưng tập kích, tấn công vào quân địch ở vùng bị chiếm đóng. Kế hoạch vườn không nhà trống được toàn dân thực hiện. Giặc đóng quân phân tán thiếu lương thực, có nguy cơ bị tiêu diệt. Mùa hè đến lại giáng lên đầu những tai họa mới như Sử Nhà Nguyên đã ghi chép:
- Bệnh dịch hoành hành...Nước lụt dâng to ngập ướt doanh trại.
Thời cơ phản công của quân ta đã đến. Tháng 5-1285, Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn dẫn đại quân tiến ra Bắc, kế hoạch diệt địch như sau:
            - Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải và một số tướng lãnh được giao nhiệm vụ diệt địch trên phòng tuyến sông Hồng.
            - Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn đem quân vòng qua vùng Hải Ðông, tiến lên Vạn Kiếp chặn đường tháo chạy của địch.
            Cuộc diện chiến tranh xảy ra đúng như dự liệu: Cuối tháng 5-1285, Trần Quang Khải cùng với Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản đã đánh tan giặc ở Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, rồi tiến lên giải tỏa thành Thăng Long. Thoát Hoan hoảng hốt rút khỏi Thăng Long, chạy về phía Vạn Kiếp. Ðến đây bọn giặc lọt vào trận mai phục của Trần Hưng Ðạo, bị thương vong rất nhiều. Ðám tàn quân hoảng loạn cố mở đường máu tháo chạy. Nhưng khi đến biên giới Lạng Sơn, chúng lại bị quân ta chận đánh. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng, rồi bắt quân lính khiêng chạy về nước. Viên Ðại Tướng Lý Hằng đi đọan hậu, bị tên độc trúng đầu gối, về đến Tư Minh thì chết. Trong khi cánh quân của Thoát Hoan chạy về phía Lạng Sơn thì cánh quân Nạp Tốc Lạc Ðinh tìm đường tẩu thoát về Vân Nam, cũng bị quân dân ta tập kích đánh cho tơi bời. Không biết Thoát Hoan bỏ chạy Toa Ðô và Ô Mã Nhi kéo ra Bắc theo sông Hồng định về Thăng Long, nhưng đến Tây Kết bị quân ta chặn đánh Toa Ðô bị chém còn Ô Mã Nhi thì chạy trốn, hai vua đuổi theo nhưng không kịp, bắt được hơn 5 vạn tàn quân. Thế là cuộc chiến tranh xâm lược của Nguyên Mông lần thứ hai bị hoàn toàn thất bại.
            Ngày 6 tháng 6 năm 1285 hai vua trở về kinh sư, Thượng Tướng Trần Quang Khải có làm bài thơ:
            Ðoạt sáo Chương Dương độ
            Cầm hổ hàm Tử quan
            Thái bình tu trí lực
            Vạn cổ thử giang san
            Nghĩa là:
            - Bến Chương Dương cướp giáo
            Cửa Hàm Tử bắt thù
            Thái bình nên gắng sức
            Non nước củ muôn thu.
Trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai thành công dựa trên nhiều yếu tố, tuy nhiên một trong những yếu tố quan trọng nhất là phải nói đến lòng can đảm của Ðỗ Khắc Chung, một tình báo nổi tiếng đời nhà Trần.
b- Chiến Thắng Quân Nguyên Mông Lần Thứ Ba
Ngay sau thất bại nầy, tháng 3 năm 1286 vua Nguyên là Hốt Tất Liệt đã ra lệnh chuẩn bị một cuộc chiến tranh xâm lược mới, nhưng phải chờ đến cuối năm 1287, các đạo quân Nguyên Mông mới có thể lên đường. Một đạo do Thoát Hoan và Áo Lỗ Xích chỉ huy tiến vào mặt Lạng Sơn. Một đạo khác do Ái Lỗ cầm đầu từ Vân Nam đánh và Tuyên Quang. Song song với việc tiến hành kế hoạch xâm lược, Hốt Tất Liệt còn ra lệnh quân của ba tỉnh Giang Chiết, Hồ Quảng, và Giang Tây xâm lược Ðại Việt mượn cớ đưa Trần Ích Tắc về nước lập làm An Nam Quốc Vương. Lần nầy không còn cánh quân phía Nam, nhưng vua Nguyên lại phái thêm một cánh thủy quân, sai Ô Mã Nhi chỉ huy hộ tống đoàn thuyền tải lương của Trương Văn Hổ vào Ðại Việt theo đường biển. Lúc bấy giờ vua hỏi Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn:
- Thế giặc năm nay thế nào?
Quốc Tuấn trả lời:
- Nước ta thái bình lâu ngày, dân không biết việc đao binh. Cho nên năm trước quân Nguyên vào cướp, thì có kẻ đầu hàng, có kẻ chạy trốn. Nhờ uy linh của tổ tiên và thần võ của bệ hạ, nên đã quét được bụi Hồ. Nay nếu nó trở lại thì quân ta đã quen việc chiến trận, mà quân nó thì phải sợ đi xa. Vả lại, chúng còn nơm nớp sợ cái thất bại của Lý Hằng và Lý Quán không còn có chí chiến đấu. Theo thần thấy, phá được chúng là điều chắc chắn.
Tháng 12 năm 1287, khi đoàn thuyền tiến vào vùng biển An Bang(Quảng Ninh) Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đem thủy quân chận đánh, nhưng không cản được giặc. Ô Mã Nhi cho binh thuyền tiến thẳng vào cửa Bạch Ðằng không chú ý vào đoàn thuyền lương nặng nề chậm chạp ở sau. Mãi đến tháng 1 năm 1288, đoàn thuyền lương thực của giặc mới tiến đến vùng đảo Vần Ðồn. Trần Khánh Dư lại đem quân tập kích. Trương Văn Hổ chống không nổi, đổ cả lương thực xuống biển trèo lên một chiếc thuyền nhỏ, trốn về Quỳnh Châu(Hải Nam)
            Bấy giờ, Thoát Hoan cũng đã tiến vào Lạng Sơn, hội quân với 30 vạn Thủy quân của Ô Mã Nhi ở Vạn Kiếp. Thoát Hoan dừng ở lại đây gần một tháng, xây dựng Vạn Kiếp thành một căn cứ vững chắc, mãi đến tháng 1 năm 1288 mới chia quân tiến về Thăng Long. Lần thứ ba quân dân và triều đình nhà Trần lại bỏ ngỏ Thăng Long, quân Nguyên vào Thăng Long ngày 2-2-1288. Ngay sau đó Thoát Hoan vội sai Ô Mã Nhi đem chiến thuyền ra biển để đón thuyền lương của Trương Văn Hổ. Nhưng thuyền lương đã không còn nữa! Không có lương thực đạo quân của Thoát Hoan đóng ở Thăng Long lâm vào tình trạng nguy ngập. Thoát Hoan phải ra lệnh rút quân lui về Vạn Kiếp. Trên đường rút quân về Vạn Kiếp, giặc bị quân dân ta chận đánh ở cửa Ba Sông, vùng Phả Lại. Kéo về đóng ở Vạn Kiếp, đạo quân xâm lược bị quân ta tập kích ngày đêm. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, bọn tướng Nguyên nói với Thoát Hoan:
- Ở Giao Chỉ không thành trì để giữ, không có lương thực để ăn, mà thuyền lương của Trương Văn Hổ lại không đến. Vả lại khí trời đã nóng nực, lương hết, quân mệt, không lấy gì để chống đỡ lâu, làm hổ thẹn cho triều đình, nên toàn quân mà về thì hơn.
Trước tình hình đó Thoát Hoan quyết định rút quân về nước theo hai đường: Cánh quân bộ rút qua biên giới Lạng Sơn, còn cánh quân thủy thì theo sông Bạch Ðằng rút ra biển. Kế hoạch rút quân của địch không ngoài sự dự liệu của Trần Hưng Ðạo. Ông đã bố trí chặn giặc ở biên giới và quyết định một trận quyết chiến lớn trên sông Bạch Ðằng. Từ đầu tháng 3, quân sĩ và nhân dân đã đẳn gỗ lim, đẽo nhọn đóng xuống lòng sông, làm thành những bãi cọc lớn. Thủy quân và bộ binh ta đã phục sẵn trong các nhánh sông và các khu rừng rậm ven sông Bạch Ðằng, chờ ngày tiêu diệt địch. Sáng ngày 9-4-1288 đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi tiến vào đoạn sông chiến lược Bạch Ðằng. Khi đoàn thuyền giặc lọt vào trận địa mai phục, thì từ các ngánh sông các thuyền nhẹ của ta lao ra, đánh tạt vào sườn giặc, dồn chúng vào bãi cọc. Giặc áp thuyền sát bờ, đổ quân chiếm lấy núi cao để yễm hộ cho đoàn thuyền rút, nhưng bị bộ binh ta đánh hất xuống. Một trận kịch chiến ác liệt đã xẩy ra. Nước triều xuống gấp, thuyền giặc to nặng, lao nhanh theo giòng nước, vướng cọc làm tan vỡ rất nhiều. Cho đến khoảng 5-7 giờ tối toàn bộ chủ sự của giặc bị tiêu diệt. Ô Mã Nhi bị bắt sống. Lần thứ ba trong lịch sử giữ nước của dân tộc, dòng sông Bạch Ðằng lại ghi thêm một chiến công oanh liệt. Trong khi đó đạo quân của Thoát Hoan cũng khốn đốn rút chạy ra biên giới. Sau khi bị phục kích ở cửa ải Nội Bàng, chúng bỏ con đường ra ải Khâu Cấp, vòng theo đường Ðan Ba, chạy tạt ra biên giới. Nhưng ở đây chúng cũng bị quân ta chận đánh, tướng giặc là A Bát Xích bị trúng tên chết. Mãi đến ngày 19-4-1288, đám tàn quân của Thoát Hoan mới về đến Tư Minh. Chiến Thắng Bạch Ðằng oanh liệt đã vùi chôn vĩnh viễn mộng xâm lăng của Hốt Tất Liệt.
            c- Chiến Thuật & Chiến Lược Trận Bạch Ðằng
            Trận đánh tại sông Bạch Ðằng với quân Nguyên Mông của lần xâm lăng thứ ba nầy, địch đã bị tiệu diệt 8 vạn thủy quân và 400 chiến thuyền. Chúng ta biết rằng, trận đánh thủy chiến trên sông Bạch Ðằng đây không phải là lần đầu tiên, mà trước đây quân Nam Hán cũng đã nếm mùi thất bại chua cay dưới tay Ngô Quyền tại dòng sông lịch sử nầy. Bài học đó khi xâm lăng Ðại Việt, Thoát Hoan và bộ tham mưu của quân Nguyên không thể nào không nghiên cứu qua. Biết mà vẫn thua trong trận đánh với các tướng nhà Trần là điều mà quân Nguyên không ngờ tới. Chiến công oanh liệt nhất của trận Bạch Ðằng vào thời nhà Trần thành công, là phải nói đến nghệ thuật của quân dân thời Trần biết phối hợp chặt chẽ giữa quân đội nhà Vua là chủ lực, và dân binh địa phương. Trong lúc tác chiến đã sử dụng hình thức phục kích để tiêu diệt địch. Về chiến thuật chiến lược: Lấy việc tiêu diệt đạo quân thủy của địch được chọn làm chủ yếu đối tượng tấn công, đó là một quyết tâm chính xác. Vì so với đạo bộ binh chủ lực thì số lượng ít hơn, không giỏi chiến đấu bằng, và phải tốn nhiều công sức xây dựng. Khúc sông Bạch Ðằng nơi được chọn làm địa điểm tác chiến là một khu vực hiểm yếu có đủ điều kiện cần thiết, đáp ứng được yêu cầu bố trí một trận mai phục trên sông với quy mô lớn. Tuy vậy, muốn khai thác triệt để những điều kiện thuận lợi trên, còn phải có một nghệ thuật tác chiến rất cao, như tìm cách hoàn toàn cô lập đạo thủy quân của Ô Mã Nhi với đạo quân bộ binh chủ lực của Thoát Hoan, tách rời đạo kỵ binh đi yểm trợ, và dần dần điều động đạo quân thủy nầy từng bước lọt vào đúng trận địa mai phục, theo đúng thời gian đã được xác định. Bỡi vậy đạo thủy quân địch dù đông tới 8 vạn tên được đề phòng rất cẩn mật, nhưng vẫn gặp nhiều bất ngờ, lúng túng buộc phải bị động đối phó từ đầu đến cuối, và kết quả bị tiệu diệt hoàn toàn. Chiến thắng Bạch Ðằng còn là kết quả của sự phối hợp tác chiến có hiệu quả cao giữa thủy binh và bộ binh, giữa quân chủ lực với các đội dân binh, giữa các lực lượng tham chiến với nhau về thời gian và không gian. Thế là trong vòng 30 năm quân dân dưới triều đại nhà Trần đã ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông, đội quân xâm lược mạnh nhất và hung hãn nhất của thời đại, để bảo vệ nền độc lập tự chủ của đất nước, góp phần bảo vệ nền độc lập cho các nước Ðông Nam Á. Sức mạnh để làm nên chiến thắng là khối đoàn kết toàn dân như Trần Hưng Ðạo đã nói:
- Vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, nước nhà chung sức.
Chính nhờ khối đoàn kết đó mà cuộc chiến tranh nhân dân: Cả nước đánh giặc, trăm họ là binh mới có thể thực hiện được. Sau cùng, nguyên nhân sâu xa hơn của chiến thắng là sự ổn định kinh tế, xã hội thời Trần, được tạo ra từ đường lối lấy dân làm gốc. Nói đến những chiến công chống xâm lược đời Trần chúng ta không thể không nhớ đến câu nói tuyệt vời của Trần Hưng Ðạo: Khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước.
            Qua hai cuộc kháng chiến, Trần Nhân Tông đã tỏ rõ ông vừa là nhà chiến lược tài giỏi, vừa là vị tướng cầm quân dũng cảm ngoài chiến trường. Chính vào những lúc đầu của cuộc kháng chiến năm 1285, khi quân ta đang còn ở thế không cân sức với đối phương, Trần Nhân Tông đã từng viết lên đuôi chiến thuyền hai câu thơ đầy khí phách và niềm tin vào sức mạnh tiềm tàng của quân ta:
            - Cối kê cựu sự quân tu ký,
            Hoan diễn do tồn thập vạn quân.
            Nghĩa là:
            - Cối kê chuyện cũ ngươi nên nhớ.
            Hoan diễn đang còn chục vạn quân.
            Sau khi đại thắng quân Nguyên Mông lần thứ ba, ngày 17 tháng 4 năm 1288, vua Trần Nhân Tông đem các tù binh bị bắt trong cuộc chiến như: Tích Lệ Ngọc Cơ, Nguyên Soái Ô Mã Nhi, Tham Chính Sầm Ðoàn, Phàn Tiếp, Nguyên Soái Ðiền..v..v.. làm lễ dâng thắng trận ở Chiêu Lăng, mộ của Thái Tông Hoàng Ðế. Tưởng cũng nên biết, trong lúc quân Nguyên chiếm đóng thành Thăng Long lần thứ ba nầy, vì hận bại trận lần trước, nên quân Nguyên đã khai quật Chiêu Lăng muốn phá đi, thì quân dân nhà Trần kịp thời giải cứu Thăng Long, vì thế mà quân Nguyên chưa phạm tới quan tài của Thái Tông. Sử gia thời bấy giờ cho rằng nhờ thần linh giúp đỡ nên mới may mắn như vậy. Khi cử hành lễ bái yết, trong lúc cảm xúc nhà vua viết bên Chiêu Lăng tại Long Hưng (Thái Bình) hai câu thơ:
            - Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
            Sơn hà thiên cổ điện kim âu.
            Nghĩa là:
            - Xã tắc hai lần lao ngựa đá,
             Non sông nghìn thưở vững âu vàng.
Bốn câu thơ trên đã đi vào lịch sử như một ký ức bất diệt về chiến công bình Nguyên Mông năm 1285 và 1288 trong đó Nhân Tông là vị chủ soái. Khi nhìn nhận nguyên nhân thắng lợi nhà Trần đã giành được trong sự nghiệp cứu nước, Trần Nhân Tông đã chú ý tới vai trò của người dân lao động mà thời đó gọi là gia nô, gia đồng. Ngài cho rằng họ mới là những người trung thành với đất nước khi có giặc ngoại xâm.
            C- Vị Thiền Sư
Sau 14 năm làm vua, năm Quý Tỵ 1293, theo truyền thống của nhà Trần, Nhân Tôn nhường ngôi cho con là Anh Tông rồi làm Thái Thượng Hoàng. Ở ngôi Thái Thượng Hoàng ngài chỉ dạy cho con được sáu năm thì ngài sắp đặt việc xuất gia. Tháng 10 năm Kỷ Hợi 1299 Ngài xuất gia vào tu ở núi Yên Tử, Ðông Triều, Quảng Ninh.. Ở đây Ngài chuyên cầu tu tập theo hạnh đầu đà lấy hiệu là Hương Vân Ðại Ðầu Ðà. Sau đó ngài lập Chùa, cất tịnh xá, để tiếp độ chúng tăng, học tăng tới tham học rất đông. Ngài cũng đi khắp các nơi để truyền bá thiền tông đồng thời cũng khuyên dân chúng dẹp bỏ những miếu thờ thần không chính đáng, và dạy dân chúng tu hành thập thiện. Từ đó trong nhân gian thấm nhuần pháp vũ của ngài.
Ngày 19 tháng 10 năm 1308, ngài sai thị giả Pháp Không lên am Tử Tiêu ở núi Yên Tử gọi Bảo Sát đến gặp Ngài gấp. Ngày 21 Bảo Sát đến am Ngọa Vân.
Ðến ngày mồng 1 tháng 11 năm 1308, niên hiệu Long Hưng thứ 16 đêm đó trời trong sao sáng, Ngài hỏi Bảo Sát:
- Hiện Giờ là giờ gì?
Bảo Sát bạch:
- Giờ Tý.
Ngài lấy tay vén màn cửa sổ nhìn xem và nói:
- Ðến giờ ta đi.
Bảo Sát hỏi:
- Tôn đức đi đến chỗ nào?
Ngài nói bài kệ:
- Nhất thiết pháp bất sanh
Nhất thiết pháp bất diệt
Chư Phật thường hiển tiền
Hà khứ lai chi liễu dã.
Nghĩa là:
Tất cả pháp chẳng sanh
Tất cả pháp chẳng diệt
Nếu hay hiểu như thế
Nào có đến đi ấy vậy.
Bảo Sát hỏi:
- Chỉ như khi chẳng sanh chẳng diệt là thế nào?
Ngài nhằm miệng Bảo Sát tát cho một cái, nói:
- Chớ có nói mớ.
Nói xong, Ngài nằm như sư tử lặng lẽ mà tịch. Ngài lưu lại cho đời những tác phẫm:
- Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục
- Ðại Hương Hải Ấn Thi Tập
- Tăng Già Toái Sự
- Thạch Thất Mỵ Ngữ do Pháp Loa soạn lại lời của Ngài.
Ngài là Thiền Tổ thứ nhất của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, một phái Thiền để lại dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Xét trên bình diện Triết Học, Trần Nhân Tôn có một vị trí quan trọng. Ngài là một triết gia lớn của Phật Học Việt Nam và cũng là người có công đã phát triển nền triết học Phật Giáo Việt Nam thời Trần đến chỗ rực rỡ và thể hiện đầy đủ trí tuệ Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam. Nét đặc trưng nổi bật của tư tưởng triết học Trần Nhân Tôn là tinh thần thực tiễn. Về phương diện thi sĩ ngài là một người có tâm hồn thanh cao, phóng khoáng, một cái nhìn tinh tế, tao nhã, nhất là đối với cảnh vật thiên nhiên:
- Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên
Mục đồng địch lý ngưu quy tận
            Bạch lộ song song phi hạ điền.
            Nghĩa Là:
            - Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
            Bóng chiều man mác có dường không
            Theo lời kèn mục trâu về hết
            Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.
            Thơ của Trần Nhân Tôn, ngoài vẻ đẹp của một âm điệu hồn hậu, còn bao hàm một ý vị thiền, gợi mở một thế giới tinh thần thanh khiết. Trong lịch sử thi ca Việt Nam, cây sáo thơ Trần Nhân Tông để lại một tiếng ngân trong đến sâu thẳm.
III- Tổng Luận.
Nói về đời Trần, có một số người kể cả các nhà nghiên cứu sử đều có những phê bình, chỉ trích khác nhau, vì đứng trên các góc độ khác. Trên góc độ thiên kiến hẹp hòi của một con người chỉ biết phá mà không có tinh thần xây dựng, chỉ biết nói mà không biết suy nghĩ, chỉ thấy có tội mà không thấy có công với lịch sử, thì thấy sự việc các vua đời Trần có lỗi là trong thân tộc gã cưới lẫn nhau, làm mất đi tinh thần đạo đức luân lý. Nhưng nếu đến với nhà Trần trong tinh thần xây dựng, và biết nhìn nhà Trần bằng một con mắt độ lượng, bao dung, thì chúng ta thấy các vị vua Nhà Trần, đặc biệt là các ông vua Thiền Sư tu hành đạt đạo, rất xứng đáng để chúng ta học hỏi. Như nói về vua Trần Thái Tông, vào năm 1237, vì Chiêu Thánh Hoàng Hậu lấy Thái Tông đã 12 năm mà không có con, nên Trần Thủ Ðộ và Thiên Cực Công Chúa ép nhà vua giáng Chiêu Thánh xuống làm công chúa, và Thuận Tiên Công Chúa, chị của Chiêu Thánh, vợ của Trần Liễu đem vào cung. Thấy những việc trái với đạo lý như thế, nhà vua lấy làm áy náy, nên đang đêm lẻn lên núi Yên Tử. Sau đó Trần Thủ Ðộ biết được nên cùng thần dân lên núi Yên Tử cung thỉnh vua hồi cung. Sau khi nghe hai chủ trương một của Quốc Sư bảo: Phật ở tại tâm, một của Thái Sư chủ trương lấy thân dẫn đường cho thiên hạ và được thấy mọi người trong nước không bỏ mình, Thái Tông mới quyết theo con đường dung hòa hay là vừa nhập thế, vừa xuất thế của Quốc Sư khuyên nhủ. Quốc Sư đưa ra chủ trương như thế, chẳng qua lúc bấy giờ là để chiều theo ý muốn của triều đình do Thái Sư đại diện với một số cố lão, cương quyết mời nhà vua trở về kinh đô, còn đối với Thái Tông chưa chắc đã thực lòng tin hẳn thuyết ấy là phải. Giá trị thật hay giả nó còn chờ ở công trình của sự hành trì. Ðoạn kết của bài tựa Thiền Tông Chỉ Nam cho ta thấy biện chứng pháp của Thái Tông để thực nghiệm giả thuyết chấp trung của Quốc Sư: Trong khi làm phận sự nhập thế không quên cứu xét tâm linh học, tìm hợp nhất cả tri lẫn hành. Về hành động nhà vua coi tính mệnh nhẹ tựa lông hồng xông pha trong mũi tên hòn đạn rất là nguy hiểm như Cương Mục Thông Giám có chép:
- Tháng 10 mùa Ðông năm 1241 người Thổ, người Mán nhà Tống sang cướp biên giới. Nhà vua hạ lịnh cho viên đội trưởng là Phạm Kính Ân đem quân đi đánh tan được. Nhà vua đi tuần ngoài biên thùy, nhân tiện đi luôn vào đất Tống. Nhà vua đích thân đem quân chèo thuyền từ trại Vĩnh Bình qua Châu Khâm, Châu Liêm, tự xưng là trai lang, rồi cắm thuyền trong cõi đất ấy, chỉ đi bằng mấy chiếc thuyền Kim Phụng, Nhật Quang và Nguyệt Quang. Ban đầu người châu ấy không biết tình hình như thế nào nên sợ chạy cả, lúc biết ra , họ mới giăng xích sắt ở giữa giòng sông để ngăn cản đường thủy. Nhà vua sai nhổ lấy vài chiếc neo bằng sắt đem về.
Một thái độ khác, việc Trần Thủ Ðộ cưỡng bách Thuận Tiên làm Hoàng Hậu nên Trần Liễu nhóm họp một số binh sĩ nổi loạn ở sông cái. Nhưng sau đó hai tuần ở ngoài biển, Trần Liễu tự biết việc mình không thể thành công, nên nhân khi nhà vua du ngọan ở trên sông, Trần Liễu giả người đánh cá đến gặp nhà vua xin hàng. Hai anh em ôm nhau mà khóc. Hành động của nhà vua phản đối người chú bỏ vào núi tìm sự thanh tu, với thái độ anh em ôm nhau mà khóc, cũng đủ chứng minh Thái Tông không có ý gian tà, tình cốt nhục rất đằm thắm, nhưng ở vào trường hợp khó xử, đối với quốc phụ, vừa là chú ruột, lại rất đỗi công lao, một lòng vì nhà Trần, không vì tư lợi riêng của mình, Thái Tông không thể vì câu nệ tiểu tiết mà hỏng đại chính nghiệp nước nhà. Sự việc nhà vua không những tha chết cho anh, mà còn cắt đất cho, chứng tỏ rằng nhà vua rất khoan từ, vì thế về sau vua Trần Dụ Tông có bài thơ ca ngợi Thái Tông như sau:
            - Ðường Việt khai cơ lưỡng Thái Tông
            Bỉ xưng Trinh Quán, ngã Nguyên Phong
            Kiến Thành tru tử, Yên Sinh tại
            Miếu hiệu tuy đồng đức bất đồng.
            Nghĩa là:
            - Sáng nghiệp Việt Ðường hai Thái Tông
            Kia xưng Trinh Quán ta Nguyên Phong
            Kiến Thành bị giết Yên Sinh sống
Miếu hiệu như nhau đức chẳng đồng.
Ðại ý bài thơ nầy cho chúng ta biết là vào đời Ðường bên Trung Quốc, sau khi cha là Lý Cao Tổ mất, Lý Thế Dân đã đem quân phục ở Huyền Võ Môn giết hai người anh là Kiến Thành và Nguyên Cát, đồng thời Thế Dân cũng lấy vợ của Nguyên Cát. Thế Dân lên ngôi vua, khai sinh cơ nghiệp nhà Lý, Ðời Ðường, đem lại thanh bình an lạc cho muôn dân, vì thế nên niên hiệu Trinh Quán của Lý Thế Dân nhà Ðường còn có biệt danh là Trinh Quán Trí Trị, là muốn ám chỉ Ðường Thế Dân dùng trí để cai trị dân, vì thế nhân dân no ấm, quốc gia phú cường. Cùng những sự việc xảy ra tương tự nhưng Nhà Ðường thì Kiến Thành và Nguyên Cát bị giết chết, trong khi đó Thái Tông của Ðại Việt thì dung để cho Trần Liễu còn sống. Ở điểm nầy chúng ta cũng thấy Thái Tông là người rất nhân hậu, có tinh cởi mở, luôn cầu tiến, sẳn sàng vượt lên, không cố chấp. Ðó là tinh thần đạo học thực hiện rất thích hợp với triết lý thiền như Kinh Kim Cương Bát Nhã đã chỉ bày. Tuy nhiên những nhà Nho viết sử, cũng như một số người hiện nay theo quan điểm hẹp hòi của luân lý phổ thông, hết sức chỉ trích Thái Tông là loạn luân, tà dâm, tàn ác. Như thế là thiếu sự hiểu biết, bất công và hết sức vô lý.
Nói về Trần Thủ Ðộ thì chúng ta thấy, mở đầu cho sự nghiệp Nhà Trần, mặc dầu Trần Thái Tông là vị Vua nhưng nếu không có Trần Thủ Ðộ, thì chưa hẳn ngôi Vua đến với Nhà Trần. Do đó, có thể nói, Trần Thủ Ðộ là một nhân vật trụ cột của Triều Trần. Ông là công thần sáng lập ra Triều Trần, và là người thực tế nắm quyền lãnh đạo đất nước vào những năm đầu của Triều Trần, khoảng gần 40 năm(1226-1264). Nhận thấy việc ép Thuận Tiên Công Chúa vào cung mới nhìn trông có vẻ quá đáng, nhưng nếu nhìn ông bằng tinh thần nhập thế thì chúng ta sẽ thấy ông là một con người chỉ biết quốc gia và quyền lợi của quốc gia là trên hết. Ngô Thời Sĩ một nhà khoa cử Nho, vốn khinh thường những người thất học, nhưng cũng bình luận về Thủ Ðộ như sau:
- Thủ Ðộ tuy không học vấn gì, nhưng có tài lược hơn người. Thân làm Tể Tướng, việc gì cũng để ý, vì thế mà giúp vua gầy nên vương nghiệp, giữ trọn vẹn công danh, vua Thái Tông làm bài văn bia ở sinh từ trọng một cách đặc biệt.
Trần Thủ Ðộ thực sự đại diện cho mẫu người có hành động nhập thế. Cho nên sau khi ép bức Thái Tông phải phế vợ, lấy chị dâu có mang ba tháng làm Hoàng Hậu với mục đích là để bảo vệ cơ nghiệp cho nhà Trần, Thủ Ðộ thấy Thái Tông bỏ kinh thành vào núi Yên Tử, ông liền đem quần thần đuổi theo. Ðến khi gặp Vua, Thủ Ðộ thống thiết thỉnh trở về ngôi:
- Thần nhận sự ủy thác của tiên quân, tôn bệ hạ làm chúa thần dân. Lòng dân trông đợi ở bệ hạ như con nhỏ mong đợi cha mẹ. Huống nữa ngày nay các cố lão trong triều đều là bề tôi thân thuộc, dân chúng sĩ thứ ai cũng vui vẻ phục tùng. Cho đến đứa bé lên bảy cũng biết bệ hạ là cha mẹ dân. Vả lại Thái Tổ bỏ thần mà đi, nắm đất trên mồ còn chưa khô, lời dặn dò còn vẳng vẳng bên tai, mà nay bệ hạ trốn lánh vào núi rừng, ẩn cư để mong thỏa mãn chí mình. Như thần nghỉ, bệ hạ vì mục đích tu riêng mình mà làm thế thì được, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao? Ví để lời nói suông mà bảo đời sau thì sao bằng chính thân mình làm người dẫn đạo cho thiên hạ? Bệ hạ nếu không nghĩ lại, chúng thần cùng người trong thiên hạ đồng chết ngay hôm nay, quyết chí không về.
Ðoạn văn trên chúng ta thấy cái chí cương quyết nhập thế cực đoan. Tuy nhiên Thủ Ðộ cũng phân biệt cân nhắc ý chí cá nhân với đoàn thể mà cho rằng nếu Thái Tông chỉ là một cá nhân thường thì theo đuổi mục đích tự tu, vào núi ẩn cư để thỏa mãn cho ý hướng cũng là chính đáng. Nhưng ở đây Thái Tông là người kế nghiệp Nhà Trần, hiện là vị nhân chủ đang mang trọng trách lớn lao đối với xã tắc, làm sao có thể tự do theo đuổi ý hướng của riêng mình được. Vả lại đối với con mắt của nhà nhập thế, chân lý phải thực tế không mơ hồ lý thuyết, chân lý là làm cho dân tộc tiến bộ, quốc gia phú cường, đoàn thể hùng mạnh, tự do độc lập. Thủ Ðộ đặt hết tin tưởng vào quốc gia dân tộc cho nên cũng rất tự tin, và chính ông cũng đã tuyên bố với Thái Tông, lúc nha vua đang lo lắng trước làn sóng đầu của quân Mông Cổ xâm nhập lãnh thổ quốc gia: Ðầu thần còn đây, chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo. Với tinh thần quốc gia cực đoan ấy, cho nên ông đã coi nhẹ phương tiện, nghĩa là bất cứ phương tiện nào cũng tốt miễn được việc, đạt tới mục đích mong muốn. Mục đích mong muốn của ông là xây dựng cho nhà Trần trở nên một quốc gia hùng mạnh, một triều đại vững bền. Bởi thế ông bất chấp Tam Cang Ngủ Thường của Nho Giáo, lúc bấy giờ chưa được biết nhiều trong xã hội Việt Nam, mà ông là một trong những người chưa hề học đến. Cho nên tất cả vấn đề đi tìm chân lý hoặc xuất, hoặc nhập đều viễn vông không thành vấn đề đối với ông. Ông hành động theo thiên tài tự nhiên, xuất chúng ở đại chúng, nông dân cần lao. Chỉ tin theo lẽ phổ thông thực tế là bảo tồn lẽ sống chung cho đoàn thể trước hết, từ gia tộc đến dân tộc và quốc gia. Ðó là ý nghĩa nhập thế hành động của Trần Thủ Ðộ, và nếu có triết lý thì đó là cái triết lý bình dân của nông dân Bắc Việt lúc bấy giờ. Vì tinh thần tích cực đó mà Trần Thủ Ðộ cũng là nhân vật bị sử thần thời phong kiến chê trách nhiều. Dưới ngòi bút của họ, Trần Thủ Ðộ hiện ra như một quyền thần vô học, có tài mà không có đức, có công với nhà Trần, nhưng lại có tội với Nhà Lý. Tuy nhiên, quốc dân đánh giá về ông với cái nhìn khác quan điểm Nho Giáo và một số người không đáng kể có thành kiến thiên lệch về ông. Những đánh giá đó được bày tỏ trong đền thờ ông, trên đối Lim người dân có ghi hai câu đối treo trước bàn thờ như sau:
            - Công đáo vu kim, bất đãn Trần gia nhị bách tải.
            Luận định thiên cổ, kỳ tại Nam thiên đệ nhất lưu.
            Tạm Dịch:
            - Công đức của ông để mãi cho đến ngày nay, không chỉ bó hẹp trong hai trăm năm của Ðời Trần.
Sau nghìn đời, công luận đã định, ông đáng liệt vào bậc thứ nhất dưới trời Nam.
Bàn về vua Trần Nhân Tông, lúc còn là một ông vua, Nhân Tông đã trở thành sợi dây liên lạc kết chặt lòng dân, lãnh đạo quân dân Ðại Việt vượt qua bao khó khăn đưa cuộc chiến đấu tới thắng lợi huy hoàng. Có được như vậy là nhờ ở nhà vua có đủ các đức tính: Khoan, nhân, trí, dũng. Ở điểm nầy chúng ta thấy các vị vua dưới thời Trần gần như ai cũng có. Ðến khi xuất gia, cuộc đời của Trúc Lâm cũng là một cuộc đời tích cực. Nói về khía cạnh của xã hội, ngài đã có một ý định xây dựng nền hoà bình Chiêm Việt lâu dài. Còn nói về khía cạnh Giáo Hội thì ngoài những mùa kiết hạ an cư tại các am Tử Tiêu, Ngọa Vân, Thạch Thất, Tri Kiến hay các Chùa Vĩnh Nghiêm và Siêu Loại, ngài còn thường vân du hoằng hoá đây đó. Ngài đi đến đâu cũng được dân chúng ái mộ, khâm phục và lời khuyên của vua có tác dụng lớn. Thập Thiện chính là giáo lý nhập thế căn bản của Ðạo Phật, lấy giáo lý Thập Thiện làm cơ bản cho đạo đức xã hội, Trúc Lâm đã có ý muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng luân lý Ðạo Phật. Một ông vua con ngồi trên ngôi ủng hộ Phật Giáo, một ông vua cha làm tăng sĩ chu du trong quần chúng, sự kiện nầy thật đặc biệt chưa từng có trong lịch sử. Dù có ý thức hay không, Trúc Lâm cũng đã góp phần vào việc củng cố triều đại và chế độ bằng những công tác hành đạo tích cực trong nhân gian. Như thế có thể nói Phật Giáo Trúc Lâm là một nền Phật Giáo nhập thế, liên hệ mật thiết tới chính trị, phong hóa và xã hội.
Qua các văn kiện lịch sử cho chúng ta thấy khá đầy đủ chân tướng của các vị vua Thiền Sư Nhà Trần, như Trần Thái Tông, và Trần Nhân Tông. Ðại lược tất cả các sử gia, kể cả những sử gia có khuynh hướng coi trọng Nho Giáo nhưng đả kích Phật Giáo cũng đều công nhận các vị vua Thiền Sư của triều đại nhà Trần là hiền nhân quân tử, văn võ kiêm toàn, là người có đủ khoan, nhân, có độ lượng của bậc đế vương thật đáng khen.
 
Tài Liệu Tham Khảo:
            - Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư
            - Khóa Hư Lục Trần Thái Tông
            - Thiền Sư Việt Nam
            - Văn Hóa Việt Nam
            - Thiền Học Trần Thái Tông
            - Việt Nam Phật Giáo Sử Lược
-- o0o --